Học hỏi sứ điệp ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2021



1. Chủ đề của sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2021 là gì?

Chủ đề của sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội (TGTTXH) năm 2021 là: “Hãy đến mà xem” (Ga 1,46) – Truyền thông bằng cách gặp gỡ những con người ở nơi họ đang sống, trong chính hiện trạng của họ.

2. Tại sao lời mời gọi “Hãy đến mà xem” chính là phương pháp mà người ta cần phải sử dụng để giao tiếp mà thuật lại sự kiện cách chính xác?

Lời mời gọi “Hãy đến mà xem” chính là phương pháp mà người ta cần phải sử dụng – khi muốn có một cuộc giao tiếp đích thực mà thuật lại sự kiện cách chính xác – vì để có thể thuật lại chân lý của cuộc sống, ta cần phải vượt ra khỏi thái độ tự mãn cho rằng ta “đã biết” những sự ấy rồi.

Cần phải tự mình đi xem, dành thời gian mà đến với người ta, lắng nghe câu chuyện của họ và đối diện với thực tế – là điều luôn khiến ta ngạc nhiên như lời của Chân phước Manuel Lozano Garrido: “Hãy mở to mắt ngạc nhiên với những gì bạn nhìn thấy, để bàn tay của bạn chạm vào sự tươi mới và sinh động của mọi sự, để khi người khác đọc những gì bạn viết, họ cũng có thể tận tay chạm vào phép màu rực rỡ của cuộc sống.”

3. Đức Giáo hoàng Phanxicô muốn nhắm đến điều quan trọng nào khi đưa ra lời mời gọi “Hãy đến mà xem” trong sứ điệp Ngày TGTTXH năm 2021?

Khi đưa ra lời mời gọi “Hãy đến mà xem” trong sứ điệp Ngày TGTTXH năm 2021, Đức Giáo hoàng Phanxicô muốn gợi ý rằng: Mọi nỗ lực truyền thông phải rõ ràng và trung thực, trên báo chí, trên internet, trong lời rao giảng hằng ngày của Giáo hội, và trong các giao tiếp chính trị hoặc xã hội.

Muốn truyền thông cách rõ ràng và trung thực thì phải “đến mà xem”. Đức tin Kitô giáo luôn được truyền đạt theo cách này, ngay từ thời có những cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Chúa Giêsu và các môn đệ trên bờ sông Giođan và ở biển hồ Galilê.

4. Hiện nay đang có những lo ngại như thế nào về cách làm phóng sự chỉ ngồi tại bàn giấy, mà không đích thân “đi đến mà xem”?

Từ lâu đã có những con người hiểu biết lên tiếng bày tỏ lo ngại rằng: Có nguy cơ những phóng sự điều tra tận gốc đang bị thay thế bằng một loại phóng sự tuân theo mẫu định sẵn, thường là có dụng ý. Cách tường thuật này ngày càng ít có khả năng nắm bắt sự thật về sự việc và cuộc sống cụ thể của con người, càng không nắm bắt được sự thật về những hiện tượng xã hội quan trọng hơn hoặc những phong trào tích cực của quần chúng.

Cuộc khủng hoảng này của công nghệ đưa tin có nguy cơ dẫn đến những bài phóng sự được tạo ra trong các tòa soạn, trước máy tính cá nhân hoặc công ty và trên mạng xã hội, mà không bao giờ đi ra đường, gặp gỡ trực tiếp người ta để tìm hiểu các câu chuyện hoặc để xác minh trực tiếp các tình huống nhất định.

Nếu không mở lòng ra mà gặp gỡ như thế, ta vẫn chỉ là những kẻ bàng quan, cho dù những đổi mới về công nghệ có làm cho ta cảm thấy mình như đang đắm chìm trong một thực tế rộng lớn hơn và tức thời hơn. 

5. Ngày nay, người ta dựa vào đâu để đánh giá sự hữu ích và giá trị của một công cụ truyền thông?

Một công cụ truyền thông (ví dụ: máy vi tính, điện thoại thông minh, máy ảnh, máy quay phim…) chỉ hữu ích và có giá trị khi: 

– thúc đẩy người dùng đi ra và nhìn xem mọi thứ;

– giúp xúc tiến các cuộc gặp gỡ;

– đưa được những kiến thức vừa trải nghiệm lên mạng internet để phổ biến rộng rãi.

6. Dựa vào đâu mà ta có thể nói: Tin Mừng chính là những câu chuyện thời sự?

Tin Mừng chính là những câu chuyện thời sự cụ thể, được truyền đi tức thời, vì Tin Mừng được thông truyền như một sự hiểu biết trực tiếp, phát sinh từ trải nghiệm rất mới mẻ, khi người trong cuộc đã đích thân “đến mà xem”, chứ không phải chỉ biết được qua những lời đồn thổi.

Hai môn đệ đầu tiên là Anrê và Gioan đã được nghe Tin Mừng cách sống động khi hai ông nghe theo lời mời gọi “Hãy đến mà xem” của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu mời họ đến mà xem khi họ thắc mắc: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” (Ga 1,39). Người mời họ đi vào mối tương quan thực sự với Người. Hơn nửa thế kỷ sau, khi Gioan viết Phúc âm của mình, ông nhớ lại một số chi tiết “thời sự” cho thấy rằng ông đã đích thân có mặt tại các sự kiện mà ông tường thuật, đồng thời cũng cho thấy tác động của trải nghiệm đó đối với cuộc đời ông. Gioan viết: “Lúc ấy khoảng giờ thứ mười”, tức là khoảng bốn giờ chiều (x. câu 39).

Gioan tường thuật tiếp: Ngày hôm sau, Philipphê kể cho Nathanaen nghe về cuộc gặp gỡ của anh với Đấng Mêsia. Bạn của Philipphê nghi ngờ và hỏi: “Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?” Philipphê không tìm cách thuyết phục bạn mình bằng những lý lẽ tốt đẹp, mà chỉ nói: “Hãy đến mà xem” (x. câu 45-46). Nathanaen đã đi xem, và từ giây phút đó, cuộc đời anh đã thay đổi.

Đó là cách đức tin Kitô giáo bắt đầu và được thông truyền: như một sự hiểu biết trực tiếp, phát sinh từ trải nghiệm, chứ không phải từ tin đồn.

Chuyện xảy ra với dân làng Samari cũng tương tự như vậy: “Không còn phải chỉ vì lời chị nói mà chúng tôi tin, nhưng vì chính chúng tôi đã nghe thấy”. Dân làng đã nói với người phụ nữ Samari như thế sau khi Chúa Giêsu ở lại ngôi làng của họ (x. Ga 4,39-42).

7. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã cảm ơn sự dũng cảm của nhiều nhà báo như thế nào?

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã ngỏ lời cảm ơn sự dũng cảm dấn thân của tất cả những nhà truyền thông chuyên nghiệp – những nhà báo, nhà quay phim, biên tập viên, đạo diễn – những người thường liều mạng thực hiện công việc của họ.

Nhờ những nỗ lực của họ mà người ta biết được những tin tức chính xác, chẳng hạn như những nỗi cơ cực của các nhóm thiểu số bị bức hại ở nhiều nơi trên thế giới. Nếu không có họ thì sẽ không ai biết đến nhiều trường hợp áp bức và bất công gây ra cho người nghèo và môi trường, nhiều cuộc chiến tranh ở những nơi xa xôi…

Sẽ là một tổn thất không chỉ cho việc đưa tin, mà cho cả xã hội và cho nền dân chủ nói chung, nếu những tiếng nói này biến mất dần. Toàn bộ gia đình nhân loại sẽ trở nên nghèo nàn khi thiếu những nhà báo dũng cảm như thế.

8. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã mời gọi giới truyền thông đưa tin một cách cụ thể như thế nào trong bối cảnh của đại dịch?

Nhiều tình huống trong thế giới hôm nay, và trong thời đại dịch này, đang mời các nhà truyền thông “hãy đến mà xem”.

Có mối nguy cơ là người ta chỉ tường thuật về đại dịch, cũng như về mọi cuộc khủng hoảng khác, qua lăng kính của các quốc gia giàu có, với những thông tin bị che đậy. Ví dụ, vấn nạn về vắc-xin và chăm sóc y tế nói chung, với nguy cơ loại trừ những người nghèo.

Ai sẽ cho ta biết phải chờ đợi bao lâu mới được điều trị tại các ngôi làng nghèo đói ở châu Á, châu Mỹ Latinh và châu Phi? Sự khác biệt về kinh tế và xã hội ở cấp độ toàn cầu có nguy cơ quyết định thứ tự phân phối vắc-xin chống Covid, trong đó người nghèo luôn ở cuối tuyến và quyền được chăm sóc sức khỏe toàn dân dù được khẳng định trên nguyên tắc, nhưng lại bị tước bỏ trong thực tế.

Tuy nhiên, ngay cả trong thế giới của những người may mắn hơn, người ta cũng thường che giấu phần lớn bi kịch xã hội của những gia đình nhanh chóng rơi vào cảnh nghèo đói – những người không còn cảm thấy xấu hổ khi phải xếp hàng trước các tổ chức từ thiện, chờ nhận được một gói lương thực: sẽ không có xu hướng đưa tin về những bi kịch này.

9. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói như thế nào về các cơ hội và các nguy cơ tiềm ẩn trên các trang web?

Đức Giáo hoàng Phanxicô cho rằng: Internet, với vô số cách biểu đạt, tràn ngập những hình ảnh và chứng ngôn, có thể làm gia tăng khả năng tường thuật và chia sẻ, với nhiều cách nhìn khác nhau về thế giới. Công nghệ kỹ thuật số cung cấp cho con người khả năng thông tin trực tiếp kịp thời – thường khá hữu ích. Đây là một công cụ mạnh mẽ, đòi hỏi mọi người phải có trách nhiệm khi sử dụng, khi thuật lại những gì đang diễn ra trước mắt.

Hiện nay, ai cũng thấy rõ nguy cơ thông tin sai lệch và những thao túng độc hại trên mạng xã hội.

Điều quan trọng không phải là cho rằng internet xấu xa, mà là thúc đẩy sự phân định có trách nhiệm đối với nội dung được gửi và nhận, cũng như vạch trần những tin tức giả. Mọi người đều phải là chứng nhân cho sự thật, nghĩa là phải đi, để thấy rõ và chia sẻ cách chân thực.

10. Tại sao Đức Giáo hoàng Phanxicô nói: Không gì thay thế được việc nhìn thấy trực tiếp?

Đức Giáo hoàng Phanxicô cho rằng: Trong truyền thông, không gì có thể thay thế hoàn toàn được việc nhìn thấy tận mắt. Một số điều chỉ có thể biết được qua trải nghiệm trực tiếp, vì “chúng ta không giao tiếp đơn thuần bằng lời nói, mà còn bằng ánh mắt, giọng nói và cử chỉ của chúng ta nữa.”

Đức Giáo hoàng đưa ra một ví dụ về Chúa Giêsu:

“Đành rằng sự hấp dẫn của Chúa Giêsu đối với những ai đã gặp Người phụ thuộc vào lẽ thật trong lời rao giảng của Người. Tuy nhiên, hiệu quả của những gì Người nói lại không tách rời với cách Người nhìn người khác, với cách Người cư xử với họ, và thậm chí với sự im lặng của Người. Các môn đệ không chỉ nghe lời của Người; họ còn quan sát Người nói. Thật vậy, nơi Người – Logos nhập thể – Ngôi Lời mang một khuôn mặt; Thiên Chúa vô hình đã cho chúng ta thấy, nghe và chạm vào Người, như chính thánh Gioan đã kể lại (x. 1 Ga 1,1-3).

“Lời nói chỉ có hiệu quả nếu nó được ‘nhìn thấy’, nếu nó lôi cuốn chúng ta vào trải nghiệm, đối thoại. Vì thế, lời mời ‘đến mà xem’ đã và vẫn cứ mãi là điều cần thiết.”

Đức Giáo hoàng nhắc đến biết bao nhiêu lời nói rất hùng biện nhưng lại trống rỗng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống:

“Người này kẻ nọ ‘nói toàn những điều rỗng tuếch… Lý luận của họ như hai hạt lúa mì giấu trong hai thùng trấu: bạn tìm cả ngày mới thấy chúng, và khi tìm được rồi, bạn lại thấy chúng chẳng đáng cho bạn tìm kiếm.’

“Những lời nghiêm khắc này của Shakespeare cũng có giá trị đối với những nhà truyền thông Kitô giáo. Tin Mừng được lan truyền trên khắp thế giới chính là nhờ những cuộc gặp gỡ trực tiếp và chân tình với những Kitô hữu đã ‘đến mà xem’, để rồi xúc động trước nhân cách tỏa sáng nơi ánh mắt, lời nói và cử chỉ của những người làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô.”

11. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói thế nào về cách truyền giáo “Hãy đến mà xem” của Thánh Phaolô tông đồ?

Đức Giáo hoàng Phanxicô nói rằng: Mọi công cụ đều có giá trị của nó, nên chắc hẳn Thánh Phaolô tông đồ cũng sẽ sử dụng email và nhắn tin qua mạng xã hội nếu thánh nhân sống trong thời đại của chúng ta.

Tuy nhiên, chính đức tin, niềm hy vọng và lòng bác ái của thánh nhân mới gây ấn tượng cho những người đã nghe ngài giảng hoặc may mắn gặp gỡ và ở bên ngài. Ngắm nhìn thánh nhân làm việc ở bất cứ nơi đâu, họ cũng đều thấy được sứ điệp cứu độ – mà ngài rao giảng với ơn Chúa – thực sự mang lại hoa trái cho cuộc sống của họ.

Và khi người ta không thể trực tiếp gặp ngài, vị thánh này đã sai các môn đệ của ngài đến để làm chứng cho cách sống của ngài trong Đức Kitô (x. 1Cr 4,17).

12. Thánh Augustinô đã nói thế nào về những chứng từ thấy được trước mắt khi “đến mà xem”?

Thánh Augustinô đã nói về sự ứng nghiệm của những lời tiên tri trong Kinh thánh: “Chúng ta có sách thánh trong tay, nhưng sự kiện thì cần có ở trước mắt chúng ta.” Khi đọc những lời tiên tri trong Kinh Thánh, người ta cần thấy được những lời tiên tri ấy ứng nghiệm nơi đời sống của các Kitô hữu.

Cũng vậy, Tin Mừng sẽ trở nên sống động trong thời đại hôm nay, khi người ta trông thấy những tín hữu thay đổi cuộc sống cách tốt đẹp nhờ gặp gỡ Chúa Giêsu. Kitô giáo đã trở nên hấp dẫn trong suốt hai thiên niên kỷ qua nhờ các cuộc gặp gỡ như thế. Nên thách đố của các tín hữu hôm nay chính là truyền thông bằng cách gặp gỡ những con người ở nơi họ đang sống, trong chính hiện trạng của họ.

13. Lời cầu nguyện kết thúc sứ điệp

Lạy Chúa, xin dạy chúng con vượt lên trên chính mình
mà lên đường tìm kiếm sự thật.

Xin dạy chúng con ra ngoài mà xem,
xin dạy chúng con biết lắng nghe,
để đừng mang nặng những thành kiến
hoặc đưa ra những kết luận vội vàng.

Xin dạy chúng con đi đến những nơi chẳng có ai đi,
biết dành thời gian cần thiết để thấu hiểu,
biết chú ý đến những điều cốt yếu,
không bị phân tâm bởi những điều thừa thãi,
biết phân biệt vẻ ngoài lừa dối với sự thật.

Xin ban cho chúng con ơn nhận biết nơi ở của Chúa trong thế giới của chúng con
và ban sự trung thực cần thiết
để chúng con biết kể lại cho người khác những gì chúng con đã thấy.

Ủy ban Truyền thông xã hội

Nguồn: https: hdgmvietnam.com