Đến Với Dân Tộc ÊĐê - Lm. Gc. Phạm Xuân Lương- BMT


  DÂN TỘC ÊĐÊ


 
Sắc lệnh Truyền Giáo (Ad Gentes) ghi rõ: “…Phải huấn luyện bổ túc để các nhà truyền giáo hiểu biết rộng rãi về lịch sử, về cơ cấu xã hội và tập quán của các dân tộc; thấu triệt trật tự luân lý, luật lệ tôn giáo và cả những ý tưởng thâm sâu mà theo truyền thống thiêng liêng các dân tộc ấy có quan niệm về Thiên Chúa, về vũ trụ và về con người…” [1]
 
Như vậy, theo sự hướng dẫn Giáo Hội, cần phải có sự hiểu biết tương đối đầy đủ về các khoa nhân văn như : Xã Hội Học, Nhân Chủng Học, Phong Tục Học…Đặc biệt, khoa Xã Hội Học Tôn Giáo, vốn là một bộ môn nghiên cứu những vấn đề thuộc các dữ kiện tôn giáo và trình bày những căn nguyên xã hội của một số hành vi tôn giáo qua các tiến trình lịch sử nơi một dân tộc. Có như thế, người truyền giáo có thể hiểu biết tận căn những yếu tố quan trọng của một dân tộc, nhất là những gì liên hệ đến luân lý và tôn giáo; để rồi, có khả năng nhận thức đâu là những điều phù hợp hoặc đối nghịch với đức tin công giáo trong văn hóa và tâm thức tôn giáo của dân tộc ÊĐê ; nhờ đó, việc thể hiện hội nhập văn hóa hoặc áp dụng các phương thức mục vụ truyền giáo được chính xác và  hiệu quả, có như thế, người tông đồ mới hy vọng huấn luyện những người ÊĐê đạt tới một đời sống đức tin Kitô trưởng thành để họ có thể vượt thoát mọi luật tục và tín ngưỡng cổ truyền hiện nay đang còn gây ra những sai lạc trái với đức tin và luân lý Công Giáo.
 
Đề tài này bao hàm nội dung rất phong phú và đa dạng, trong tập tài liệu này, ban biên soạn chỉ trình bày tóm lược đời sống văn hóa dân tộc ÊĐê. Để nghiên cứu chuyên biệt, xin tham khảo một số tài liệu được giới thiệu trong phần Thư Mục.    
 I.    TÓM LƯỢC VĂN HÓA  DÂN TỘC ÊĐÊ
 
1.   TỘC DANH (Nom de I'ethnie): [2]
 
1.1. Tộc danh “ÊĐÊ” 
 
+    Tộc danh này chỉ những người sống trong rừng tre (Êtê hay Êđê là tên gọi của một loại tre).
+    Hoặc đó là tên gọi một vị thần tối cao là Aê Diê (được đọc lướt biến thành ÊĐê) bởi thế, đồng bào ÊĐê còn tự gọi mình là “Anak ÊĐê” (“con cái Êđê”), hiểu như trên có thể mang một nghĩa mới là “con cái của Ông Trời”
+  Có truyền thuyết khác cho rằng từ ngữ ÊĐê bắt nguồn từ Phạn Ngữ Đêgar hoặc là Anak Đêgar. Đêgar nghĩa là cao nguyên. Anak Đêgar được hiểu là những người sống trên cao nguyên.
+   Tộc danh này còn ám chỉ “những người mới đến” từ hang đất Ađrênh ở Phía Nam thành phố Buôn Ma Thuột theo như truyền thuyết ÊĐê kể lại [3]
+    Hiện nay, tộc danh ÊĐê được dùng một cách phổ biến và chính thức.
 
1.2 Tộc danh “RAĐÊ” 
 
Có ý kiến cho rằng tộc danh này biến dịch do từ Orang Đê” mà ra; vì ‘Orang’ có nghĩa là ‘người’, một từ được dùng ở những tộc người tại Đông Nam Á thuộc ngữ hệ Malayo - Pôlynêdiên, bởi đó người Raglai còn gọi là Orang Glai. Người Jarai cũng gọi người ÊĐê là Rơđê theo qui luật biến âm “Ê” (ÊĐê) thành Rơ (Jarai) như Êmeh thành Rơmeh = con tê giác;  Êmô thành Rơmô = con bò.
Bởi đó, tộc danh Rađê có thể bắt nguồn từ cách gọi của người Jarai, (tiềng Pháp phiên âm thành Rhadé). [4] 
 
2. NGUỒN GỐC CHỦNG TỘC ÊĐÊ
 
Rất nhiều nhà khoa học về Ngôn Ngữ Học, Khảo Cổ Học, Nhân  Chủng Học và Dân Tộc Học đã nghiên cứu nguồn gốc các dân tộc bản địa Việt Nam và Đông Nam Á; nhưng việc hệ thống hóa các tư liệu để tiến tới những xác định khoa học cụ thể là một vấn đề còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể tìm thấy được một vài giải đáp sơ bộ về vấn đề nguồn gốc tộc người ÊĐê như sau:
 
Chúng ta biết, loại hình “Anhđônêdiên” và “Nam Á” là hai nhóm loại hình nhân chủng hiện nay trong thành phần các cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Loại hình “Nam Á” gồm đại đa số các dân tộc như Mường, Nùng, Thái, Khơ-me Nam Bộ v.v…  
Loại hình “Anhđônêdiên” gồm một số ít các dân tộc ở Trường Sơn – Tây Nguyên như ÊĐê, Jarai, Chăm, Raglai, Churu (xem phụ lục II).

“… Ngày nay, các nhà nhân chủng học cho rằng Bán đảo Đông Dương là vị trí nằm trong khu vực tiếp xúc đầu tiên của hai đại chủng Ôxtralôít và Môngôlôít mà loại hình “Anhđônêdiên” là kết quả sự hỗn chủng giữa hai đại chủng trên. Sự kiện này đã diễn ra suốt “Thời Kỳ Đồ Đá Giữa” và kéo dài về sau. Đến “Thời Kỳ Đồ Đá Mới”, loại hình Anhđônêdiên xuất hiện ngày càng rõ nét, trong đó, thành phần Môngôlôít trở nên nhân tố chủ yếu) [5]
 
*  Tài liệu Cổ Nhân Học ở Việt Nam vào thời Đồ Đá Mới như Di Chỉ Phố “Bình Gia” (Lạng Sơn) do R.Vecnô đo đạc và công bố năm 1906; kế đến, Di Chỉ “Đồng Thuộc” và “Làng Cườm” được Caloni nghiên cứu và công bố năm 1925. tiếp theo là 5 chiếc sọ ở Cà Mau được tìm thấy năm 1958… Trong số 32 chiếc sọ do các nhà nghiên cứu nước ngoài phát hiện, có 16 sọ Anhđônêdiên, 10 sọ Mêlanêdiên, 1 sọ Anhđô-Môngôlôít, 1 sọ Anhđô-Mêlanêdiên, 1 sọ Nêgritô-Anhđônêdiên, 1 sọ Nêgritô, 1 sọ Oâxtralôít, 1sọ Ôxtralôít-Mêlanêdiên.
 
Với những phương pháp chuyên môn, qua các tài liệu Cổ Nhân Học này, đa số các nhà nghiên cứu đều tán đồng giả thuyết cho rằng nhóm “loại hình Anhđônêdiên” và “Nam Á”  đều là những phân cấp của tiểu chủng Môngôlôít Phương Nam ở thời đại Đồng Thau trở về sau; hoặc Anhđônêdiên là một variant của nhóm loại hình Nam Á (N.N Trêbôcxarôp, 1955, TL 89, trang 39-56). Kết luận này cho thấy “khu vực Đông Nám Á đã từng là chiếc nôi sản sinh ra nhiều loại hình nhân chủng, hoặc còn tiếp tục tồn tại và phát triển tại đây, hoặc đã di cư tới các vùng lục địa khác…Khu vực Đông Nam Á đã từng xảy ra nhiều sự kiện trọng đại trong lịch sử tiến hóa nhân chủng như sự phát sinh mẫu người hiện đại (homo sapiens) từ xa xưa của lịch sử và vẫn còn tiếp diễn cho tới ngày nay”. [6]

+ Riêng đối với người ÊĐê, họ đã có một ý thức dân tộc rõ rệt và được liệt kê vào một trong năm mươi bốn dân tộc tại Việt Nam. Dân tộc ÊĐê nay đã phân thành nhiều nhóm địa phương (groupuscules locaux) riêng biệt như : Kpă, Mdhur, Adham, Blô, Ktul, Bih, Krung, Êpan, Hwing, Dong Kay, Dong Măk, Dliê, Arul, Kdrao, Êning, Kăh, Ruê, Kdung, Kmưn, Ktu, Ktlê…Tuy có nhiều “nhóm”, nhưng khá thống nhất về phong tục và ngôn ngữ, về tính dân tộc đặc thù.
+ Các dân tộc có  liên quan : Utsul – Jarai –  Raglai – Mă Lai -  Chăm -  Churu – Indonesia – Philippines – Brunei – Dân tộc Hồi Giáo Miền Nam Thái Lan…
 
3. DÂN SỐ (Population) [7] + [DT]
 
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người ÊĐê ở Việt Nam có dân số 331.194 người, cư trú tại 59 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người ÊĐê cư trú tập trung tại các tỉnh:
* Đăk Lăk: ( 298.534 người, chiếm 17,2% dân số toàn tỉnh và  90,1% tổng số người ÊĐê tại Việt Nam),
* Phú Yên: (20.905 người),
* Đăk Nông: (5.271 người),
* Khánh Hòa: (3.396 người).
+ Tại một số quốc gia khác:
Campuchia (120.000 người) Hoa Kỳ (30.000 người), Pháp (1000 người). Tại Thái Lan, Canada, Phần Lan, Thụy Điển và các nước Bắc Âu cũng có một ít người ÊĐê sinh sống, nhưng  chưa có số liệu dân số chính thức. 
+ Có Bản Thống Kê khác năm 2015 : dân tộc ÊĐê gồm khoảng 270.348 người. (xem phụ lục I)  
                                    
4. VÙNG ĐỊNH CƯ (Aire d’habitat) [8]
 
Hầu hết người ÊĐê tạị Việt Nam định cư tập trung ở vùng Đăklăk, chỉ một số ít định cư ở phía tây tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Phú Yên. Họ là dân cư bản địa từ lâu đời, ít nhất từ thế kỷ IV sau Công Nguyên. Thế kỷ X, tên ÊĐê đã được ghi trên bia ký Chăm ở vùng Đăklăk…Vua cuối cùng của Chăm là Pôrômê (1624 -1654) đã cưới vợ người ÊĐê là H'Bia Than Chan...
                             
5.    NGÔN NGỮ VÀ CHỮ VIẾT
 
5.1  NGÔN NGỮ : [9]
 
Đại đa số các dân tộc ở các tỉnh Phía Nam đều nói ngôn ngữ Môn-Khơme, thuộc ngữ hệ Nam Á (Austro-Asiatique) được phân bố rộng rãi ở Đông Dương và những vùng kế cận như Nicôba, Tây Nam Trung Quốc…Tuy nhiên, ngôn ngữ ÊĐê được xếp vào ngữ hệ Nam Đảo (Malayo-polynésienne) cùng với ngôn ngữ Chăm, Jarai, Raglai và Churu. Một số học giả cho rằng ngôn ngữ Nam Đảo được hình thành vào giữa thiên niên kỷ thứ II trước Công Nguyên và có thể sớm hơn nữa tại vùng Đông Nam ven biển Quảng Đông Trung Quốc.
 
Ngữ hệ Nam Đảo còn gọi là “ngữ hệ Austronesian” hoặc “ngữ hệ Malayo-Polynesian”, địa bàn phân bố tương đối rộng lớn: từ Madagascar đến đảo Pacua, từ Đài Loan và Hawaii đến New Zealand (không kể Úc và phần lớn New Papua Guinea); những quốc gia và đảo nhỏ nằm trong khu vực này đều thuộc địa bàn phân bố của ngôn ngữ Nam Đảo. Nhìn từ góc độ khu vực phân bố, số lượng ngôn ngữ (500 -700 loại) và số lượng người sử dụng (Khoảng 200 triệu), ngôn ngữ ÊĐê thuộc nhánh Polynesia (gồm khoảng 16 ngôn ngữ) phân bố khắp khu vực phía Đông đường phân chia ngày quốc tế. Địa bàn này có hình tam giác, ba góc là Hawaii, đảo Pacua và New Zealand; trong đó có toàn bộ những đảo thuộc Trung Bộ và phía Đông Thái Bình Dương, khu vực này gồm có các ngôn ngữ chính như là tiếng Maoris, tiếng Samoa, tiếng Tonga, tiếng Tahiti, tiếng Uvean (Còn gọi “tiếng allisian”), tiếng Hawaii, tiếng Niue, tiếng amotuan, tiếng arquesan v.v… Nhìn từ góc độ địa lý, dù nằm cách rất xa nhau nhưng các ngôn ngữ Polynesia vẫn có tính thống nhất khá cao trong nội bộ, thậm chí một vài ngôn ngữ còn có thể trao đổi và hiểu nhau ở mức độ nhất định.
 
Về bối cảnh và cuộc di dân  của các dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Đảo cho đến nay vẫn hầu như con số không, song có vết tích chứng tỏ rằng từ hơn 1500 năm trước, họ đã lần lượt định cư trên các đảo thuộc Thái Bình Dương; sau đó, một nhánh trong tộc Malay-Polynesia tách ra từ Kalimantan-Indonesia ngày nay, di cư về phía tây, sau cùng đến đảo Châu Phi; họ chính là tổ tiên của cư dân quần đảo Madagascar ngày nay. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân giải thích tại sao địa bàn phân bố ngữ hệ Nam Đảo lại rộng lớn đến thế.

Về mặt loại hình, ngôn ngữ ÊĐê khá phong phú với những đặc điểm về ngữ âm, ngữ pháp, về hình thái các từ cũng như về những kiểu nói rất đa dạng…
Đặc biệt, hơn hẳn một số ngôn ngữ khác, ngôn ngữ ÊĐê đã có một hệ thống chữ viết khá hoàn hảo, mặc dù còn hạn chế nhiều trong việc phát triển từ mới để có thể chuyển ngữ và diễn đạt ý nghĩa chính xác, gọn gàng từ Tiếng Việt hiện nay.
 
5.2  CHỮ VIẾT [10]
 
Năm 1879, Hội Truyền Giáo Kontum được thành lập, đây là cơ sở đầu tiên đã xây dựng “bốn bộ chữ” tại Tây Nguyên dựa trên mẫu tự Latinh do các vị thừa sai người Pháp (Mission étranggère de Paris - MEP) chủ xướng và kiến tạo. Năm 1881, bộ chữ Banar xuất hiện, và từ đầu thế kỷ XX (khoảng 1920) bắt đầu có bộ chữ ÊĐê (do 02 thầy giáo Y Ut và Y Jut sáng chế), rồi sau đó, bộ chữ Jarai, và muộn thời nhất là bộ chữ Koho. Các bộ chữ này đã phát triển mạnh kể từ năm 1950 cho tới ngày nay; sự phát triển ngôn ngữ, chữ viết ÊĐê phần lớn cũng nhờ sáng kiến và công sức của các linh mục thừa sai, của những tổ chức Kinh Thánh  thuộc Giáo Hội Tin Lành cũng như của các ngành thuộc Bộ Phát Triển Sắc Tộc v.v…Năm 1979, sách dạy ngữ vựng ÊĐê được  xuất bản tại Hoa Kỳ. Kinh Thánh song ngữ ÊĐê – Việt  phát hành năm 2001. Năm 2006, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, với sự hỗ trợ của United Bible Societies, đã phát hành 20.000 cuốn Kinh Thánh song ngữ ÊĐê – Việt tại Việt Nam. Đây là cuốn sách có số lượng phát hành nhiều nhất bằng tiếng ÊĐê từ trước đến nay (theo Wikipedia). 
 
Từ khoảng hơn 10 năm nay, Ban Loan Báo Tin Mừng giáo phận Ban Mê Thuột đã phát hành các bản văn Kinh Thánh,  Phụng Vụ, Giáo Lý, Kinh Nguyện,Thánh Nhạc…bằng song ngữ ÊĐê – Việt, số lượng phát hành tùy theo nhu cầu sử dụng của các cộng đoàn Công Giáo.

Để có thể nhận dạng hình thái chữ viết và từ ngữ ÊĐê, xin ghi lại nơi đây mẫu tự ÊĐê cùng với hệ thống các dấu của nó :
A B + } D Ñ E G H I J K L M N { O P R S T U W Y
a b = ] d ñ e g h i j k l m n [ o p r s t u w y
. Dấu “ ư…”     =   ư, ơ   . Thí dụ : mplö , hdôr….
. Dấu “ ê…”     =   ê, ô  . Thí dụ : eâa , eâmoâ…
. Dấu “   \   ”     =   aù, eù, í, uù, où, eá, oá, ôù, öù
 Thí dụ : Maù, tleù, ]hí, mnuù, koù, moá, hôùk, aùmreá], [aùk…
            
Hiện nay, đã có nhiều sách và ấn bản bằng tiếng ÊĐê hiện hành, trong đó, Bộ Từ Điển Rhadé-Francais của linh mục Davias Baudrit, xuất bản 1956; Sách Thánh Kinh Cựu Ước – Tân Ước do Thánh Kinh Hội Việt Nam xuất bản năm 1973; các tác phẩm văn học Êđê được viết từ văn chương truyền khẩu…là những tài liệu rất gía trị, biểu hiện sự phát triển của ngôn ngữ ÊĐê. Nhờ có chữ viết, việc loan báo Tin Mừng cho người ÊĐê được thuận tiện hơn so với những dân tộc thiểu số khác chưa có chữ viết.
 
+ Trong tương lai, ngôn ngữ ÊĐê sẽ đi về đâu?
 
+ Hội nghị quốc tế về các dân tộc thiểu số Việt Nam tại Hà Nội vào tháng 3 năm 1994 đã đưa lên hàng đầu vấn đề dạy chữ các dân tộc thiểu số. Quyết định cuối cùng là sẽ có chương trình dạy học chữ dân tộc ở các trường phổ thông cơ sở để duy trì, phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật của các dân tộc thiểu số Việt Nam; điều này đã bị lãng quên kể từ biến cố 1975 đến nay. Tại Đăklăk, do ý thức văn hóa dân tộc, sợ rằng ngôn ngữ mẹ bị mai một và mất gốc, nên những người trí thức ÊĐê nơi một vài buôn làng đã tổ chức lớp dạy tiếng ÊĐê cho các trẻ em học sinh của họ, điển hình như tại Buôn Akoù Dhoâng ở thành phố Buôn Ma Thuột, v.v…

+ Trên thực tế, từ nhiều năm nay, chương trình phổ thông cơ sở chỉ được dạy bằng tiếng Kinh, và cũng vì nhiều người không thể tới trường trong những năm trước 1975 nên đa số người ÊĐê hiện nay không biết viết tiếng ÊĐê hoặc viết không chuẩn. Với thực trạng và hoàn cảnh như thế, tiếng ÊĐê rất hạn chế về phương diện phát triển.
 
+ “Tại cuộc họp quốc tế về ngôn ngữ học được Hiệp Hội Thăng Tiến Khoa Học (AAS) của Mỹ tổ chức ở trường Đại học Alaska vào giữa tháng 2 năm 1995, nhiều nhà ngôn ngữ học đã đồng ý với một báo cáo của giáo sư ngôn ngữ học Michael Krauss (Mỹ) và nói rằng: một nửa trong số khoảng 6.000 ngôn ngữ của nhân loại hiện nay sẽ bị triệt tiêu trong thế kỷ 21…

Hơn nữa, nhóm của giáo sư M. Krauss còn phát hiện được rằng: có khoảng 50% ngôn ngữ trên thế giới hiện không được tiếp tục dạy cho lớp trẻ. Những ngôn ngữ nào chỉ còn từ 5.000 đến 10.000 người nói sẽ có nguy cơ bị triệt tiêu hoàn toàn trong 15 năm tới; chỉ có ngôn ngữ nào trên một triệu người sử dụng mới hy vọng tồn tại lâu hơn…Giáo sư M. Krauss và các đồng nghiệp của ông khẳng định: đến năm 2100 chỉ còn lại khoảng 600 ngôn ngữ!... 250 ngôn ngữ bản địa của người Da Đỏ (tại Mỹ) nay chỉ còn 200, và đến thế kỷ 21 sẽ chỉ còn 50… Rồi khoảng 600 ngôn ngữ còn lại chưa hẳn sẽ tồn tại tất cả như ngôn ngữ chính thức, mà sẽ có một số trở thành ngôn ngữ thứ hai hay ngôn ngữ phụ của một dân tộc; chẳng hạn, nhiều người Philippines nói tiếng bản địa Tagalog như một ngôn ngữ phụ, còn tiếng Anh là ngôn ngữ chính.”  (Theo China Post. AP 20/2/1995; xem Kiến Thức Ngày Nay, số 168, trang 95 -96)

 + Dù tương lai ngôn ngữ ÊĐê sẽ mai một thế nào đi nữa, hiện nay, vấn đề ưu tiên đối với người truyền giáo là cần phải biết nói và hiểu ngôn ngữ ÊĐê để thực sự hội nhập văn hóa của họ, để đáp ứng nhu cầu huấn giáo hiện tại của đa số các tín hữu công giáo và các dự tòng cao tuổi  không hiểu rõ hoặc không biết nói tiếng Việt phổ thông. Có lẽ còn khá lâu nữa đa số người ÊĐê mới có thể nói được tiếng Việt- ÊĐê; do đó, sử dụng tiếng ÊĐê vào thời điểm hiện tại và trong tương lai gần đây là một đòi hỏi thiết thực; nhờ biết tiếng bản xứ, người truyền giáo sẽ rất dễ gần, dễ hòa nhập với họ, việc đồng hành giao tiếp sẽ có sức lôi cuốn và thuyết phục hơn trong công cuộc truyền giáo và loan báo Tin Mừng cho dân tộc ÊĐê.  [TG 26] [x.Tông Thư Maximum Illud về việc truyền bá đức tin trên khắp thế giới của đức giáo hoàng Bênêđictô XV ban hành vào ngày 30.11.1919.]
Tuy nhiên, từ khoảng hơn 20 năm nay (từ 1995) phương thức sử dụng song ngữ ÊĐê – Việt là giải pháp ưu tiên trong công cuộc truyền giáo và huấn giáo cho dân tộc ÊĐê.
 
6.    TÍN NGƯỠNG  -  LUẬT TỤC & LỄ HỘI - ĐỜI SỐNG KINH TẾ -  QUAN HỆ XÃ HỘI & NGHỆ THUẬT CỦA NGƯỜI  ÊĐÊ
 
6.1   TÍN NGƯỠNG TRUYỀN THỐNG
 
 Trong cuốn “Les Ethnies minoritaires du Vietnam” (Đặng Nghiêm Vạn, Hà Nội 1993, trang 225) tác giả xác định rằng :
 “Les Êđê pratiquent un polythéisme primitif. Dans leur panthéon, les Génies Aê Diê et Aê Du sont les plus adorés. Les fêtes annuelles sont liées au culte de l’âme du riz, du génie du sol, du génie de l'eau, concepts qui chez les Êđê n'ont rien à voir avec Cour ou Etat mais traduisent une certaine conception du monde.” [11]
 
Đúng vậy và còn phức tạp hơn thế nữa! “Người ÊĐê quan niệm thế giới có hai tầng: Trời và Đất. Trong khoảng không gian bao la và mông lung ấy có rất nhiều thần thiện và thần ác. Aê Diê và Aê Du là những vị thần cao nhất trong hệ thống thần linh của người ÊĐ ê, các vị thần này có tính chất toàn năng, toàn thiện; ấn tượng về vị thần này là một người khổng lồ (với sức mạnh vô song)… Dưới Aê Diê và Aê Du là các vị Thần Nông Nghiệp: thường thường, bên cạnh một nam thần lại có một nữ thần là vợ. Tiếp theo đó là các vị thần của thời tiết… Trật tự ấy của các thần linh ở tầng trời được quan niệm như sau: phụ giúp cho Aê Diê là Aê Du, có nhiệm vụ phân phối lúa má cho thiên hạ, bên cạnh ông có người vợ là nữ thần H’Bia Đung Đai, em của  Aê Diê, làm nhiệm vụ bảo vệ cây lúa. Dưới Aê Du là Mtao Kla trông coi việc đồng áng, vợ là nữ thần H’Bia Klu quản lý các cây lương thực. Dưới nữa là thần Sri Mli Luk và vợ là nữ thần H’Bia Bao, họ phụ giúp hai vị thần trên làm cho cây nẩy mầm, lớn nhanh, khai hoa kết trái. Nữ thần H’Bia Bao chuyên về giống kê, còn chồng chuyên về cây lúa. Sau nữa, có thần Aê Mghan với chức năng bảo vệ lúa giống. Các vị Thần Nông Nghiệp đều được nhân cách hóa và là thần thiện.
 
Các vị thần chuyên về thời tiết cũng đều ở tầng trời và hầu hết là ác thần. Đứng đầu các thần này là Yang Le, chuyên gây nên mưa bão: bởi đó trong một số nghi lễ, đồng bào Êđê tạc tượng Yang Le mang gông ở cổ, chân bị cùm và có lưỡi gươm bổ trên đầu. Dưới Yang Le là Thần Gió Yang Briêng, chuyên gây tai vạ, thường chúc những điều gở cho trẻ sơ sinh, và điều chúc đó, theo quan niệm của đồng bào thì không sao thay đổi được. Nguy hiểm hơn là Thần Sấm Yang Grăm, thường hay nổi giận, cũng như quan niệm của nhiều dân tộc, Thần Sấm gắn liền với lưỡi búa tầm sét, phụ tá cho Yang Grăm là Yang Mjô. Tiếp đến là Thần Mưa Aê Yút gây tai hoạ cho mùa màng và con người. Ngoài ra, còn có Thần Mặt Trời (Yang Hruê) và Thần Mặt Trăng (Yang Mlan) nữa.
 
Ở tầng đất cũng có thần thiện và thần ác. Trước hết là thần thiện Yang Tluă và người anh em của ông là Kbuă Lăn; hai vị thần này cai quản mặt đất, tạo nên giòng nước và loài thảo mộc, bảo vệ và làm cho cây lúa lớn nhanh, không bị sâu bọ phá hoại. Ngoài ra còn có vị thần thiện vô hình là Aê Mghi, người anh em của Aê Mghan, hai vị thần này đã nuôi dưỡng cộng đồng ÊĐê và đem lại cho họ rất nhiều của cải trong buổi nguyên sơ. Hai vị thần hộ mệnh Yang Ami\ Ba và Yang Ama Bă đều ở tầng trời, nhưng hay trú ngụ tại cây đa. Lại có vị thần gọi là Yang Bưng Sôk có chức năng như bà mụ và trở thành Thần Số Mệnh. Còn có thần thiện Yang Mnut Hra là Thần Cây Đa, Thần Cây Sung, có nhiệm vụ trông nom dòng nước, săn sóc dân làng và đến chúc mừng cho trẻ sơ sinh những điều tốt lành; lời mừng ấy theo quan niệm của đồng bào cũng không thể thay đổi được. Bên cạnh những thần thiện, còn có các loại ma quỷ gọi chung là Ksỡk”. [11a]
 
Tóm lại, có thể kết luận rằng người ÊĐê theo tín ngưỡng đa thần, tôn kính vật linh cổ truyền. Do đó, để được những điều may lành cũng như để tránh khỏi tai họa, mỗi năm, dân làng và mỗi gia đình đều tổ chức những lễ hội cúng tế các thần linh, nhất là vào những năm trước 1975. 

Hiện nay, do nếp sống giao lưu với văn hoá quốc tế và với văn hóa người Kinh, niềm tin cổ truyền của người ÊĐê trên đây đang dần dần mất ảnh hưởng và không còn được trân trọng thể hiện như xưa khi họ sống giữa rừng sâu núi thẳm trong một nền văn hóa lạc hậu và thiếu hẳn những kiến thức khoa học phổ thông.

Ngày nay, dân tộc ÊĐê phần lớn theo đạo Tin Lành và đạo Công Giáo, Đạo ÊĐê (vạn vật hữu linh), một số ít theo Phật Giáo. Tin Lành và Công Giáo chiếm 37,2% trong số 11 dân tộc thiểu số Tây Nguyên – x Tạp chí Xưa và Nay – số 370 tháng 12/2010).
                     
HƯỚNG DẪN MỤC VỤ
 
Hiểu tổng quát như thế, người truyền giáo nhận biết phải "truyền đạt đức tin Công Giáo" như thế nào cho anh chị em  dự tòng và tín hữu ÊĐê.
+ Khi sử dụng từ Aê Diê là Thiên Chúa, không phải  là Aê Diê theo tín ngưỡng truyền thống của người ÊĐê, nhưng  là chỉ có  Một Chúa Ba Ngôi toàn năng toàn thiện; không có Chúa, không có những vị thần nào khác nữa.
+ Không được cúng yang - không được khẩn cầu các thần: Aê Diê, Aê Du, Yang Briêng, Yang Grăm, Yang Cư, Yang Êa…. vì chỉ có một Chúa duy nhất, là Đấng Tạo Hóa, là Chúa của mọi loài. 
+  Hãy tế lễ Thiên Chúa, bằng :
1/ Cử hành thánh lễ: là hành động giá trị nhất để tôn thờ, ca tụng, cảm tạ, cầu xin ơn Chúa, đền tạ tình yêu Chúa….
2/ Cầu nguyện: Nhớ đến Chúa, gặp gỡ Chúa, cầu xin Chúa, khát khao và xin Chúa ngự trong tâm hồn (kết hiệp với Chúa). “Lao động và cầu nguyện” - tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc (Kinh Tiền tụng Thánh Lễ).  
 (X. GLHTCG  sớ 232 – 267) (Bản Toát Yếu số 44 – 49)
 
6.2  LUẬT TỤC VÀ  LỄ HỘI
 
Hầu như quanh năm suốt tháng, đồng bào người kinh luôn luôn nghe nổi lên những điệu chiêng trống cồng rộn rã từ các buôn làng ÊĐê, có khi kéo dài suốt cả ngày đêm, nhất là vào những năm trước 1975. Điều ấy phản ảnh nếp sống thuộc văn hoá và tín ngưỡng của người ÊĐê qua các lễ hội và tục lệ cổ truyền của họ. Dưới đây là một số phong tục và lễ hội chính yếu : 
 
6.2.1  CƯỚI HỎI  [11b]
 
Cũng như dân tộc Churu... người ÊĐê theo chế độ mẫu hệ, vì thế, nhà gái chủ động việc cưới hỏi; người con gái đi hỏi chồng. Khi chọn được người yêu, cô gái bày tỏ cho cha mẹ để nhờ người làm mai mối (thường là cậu ruột hoặc chị cả). Người đại diện nhà gái mang theo chiếc vòng đồng và đến trao đổi với nhà trai. Nếu nhà trai ưng thuận thì sẽ nhận chiếc vòng ấy (nhà gái biết trước sự ưng thuận này của nhà trai) hai bên đặt quan hệ thông gia, trong ngày này, nhà trai nhà gái trao vòng cho nhau, bên trai đãi rượu, hai bên thoả thuận về vấn đề thách cưới và ngày cưới rể...

Trước khi cưới rể, người con gái đến ở rể tại nhà trai (thường thì 3 năm, hoặc khoảng 3 tháng, hoặc một thời gian ngắn hơn …), nếu giảm thời gian ở rể thì nhà gái phải đền bù bằng heo, bò, trâu hoặc tiền, hiện vật... chưa có lễ đón rể, người con trai không được về ở nhà vợ.

Trong ngày cưới, nhà trai tổ chức ăn tiệc trước; nhà gái tổ chức đón rể cùng ngày hoặc một ngày khác. Trong bữa tiệc, đôi bạn trẻ ngồi trước mặt ông bà, cô dì, chú bác để nghe những lời nhắn nhủ và trao vòng kết ước. Sau đó, đôi bạn trẻ hướng về các ché rượu để thầy cúng lấy rượu (có thể hoà với máu con vật đã hiến sinh) thoa lên chân đôi bạn và khẩn cầu thần linh cùng tổ tiên phù hộ cho đời sống vợ chồng được tốt đẹp. Cuối hết, đôi tân hôn cùng đưa tay nắm chung một cần rượu đã cắm sẵn vào ché rượu, để rồi, kể từ đây, họ trở nên vợ chồng thật sự trước mặt mọi người. Dân làng được khoản đãi trọng hậu và tiệc vui có thể kéo dài suốt cả ngày đêm.
   
Cũng nên biết rằng, trong khi rước rể, người ÊĐê có tục chặn đường chú rể, các bạn của chàng (thường chỉ là người bà con) đón đường tát nước vào đôi bạn trẻ (nay không còn tục tát nước) và đánh đập đùa giỡn mà chàng rể không hề cưỡng lại ! nếu không đón đánh dọc đường thì họ thường đón ở cầu thang trước khi bước vào nhà gái; chỉ khi nào nhà gái năn nỉ và hứa sẽ cho gà, rượu thì họ mới dừng tay. Sở dĩ như thế, vì "Theo quan niệm ÊĐê, đám cưới nào có nhiều người chặn đường té nước thì đôi tân hôn ấy sẽ sống hạnh phúc và khi chết càng được nhiều người thương nhớ" [11c].

"Người ÊĐê coi việc kết hôn như một giao kèo vĩnh viễn... tuy nhiên các vụ ly hôn vẫn xảy ra. Phong tục cho phép vợ chồng được tự do ly dị nếu một trong hai người bất lực, ngoại tình hay vi phạm tục lệ có ảnh hưởng tới đời sống gia đình. Chồng bỏ vợ thì phải bồi thường sính lễ, vợ bỏ chồng phải bồi thường nhà chồng bằng khoản lễ vật giao khi cưới. Con cái sau ly hôn vẫn ở với mẹ, còn người chồng rời khỏi gia đình vợ với những dụng cụ sản xuất và tư trang của mình".

"Đối với người ÊĐê, những người cùng họ mẹ không được lấy nhau, họ coi tội loạn luân chẳng những trái với đạo đức mà còn gây tai hoạ như : hạn hán, mất mùa, dịch bệnh... người phạm tội bị truy tố và bị xét xử theo toà án phong tục, can phạm phải nộp cho làng trâu, heo, bát đồng…" [12].
Thông thường, hai họ tự phân xử, nếu không xuôi phải nhờ tới Hội Đồng gồm những thành viên hòa giải có uy tín trong buôn.

Từ xưa đến nay, người ÊĐê duy trì "Tục Nối Nòi" (}uê Nuê) khá vững chắc. Đó là "hôn nhân chị em vợ (sororat) và hôn nhân anh em chồng (liverat). Phong tục như sau: Khi chồng chết, người vợ có quyền đòi hỏi nhà chồng một người em chồng để nối nòi, và cũng vậy, người chồng có thể lấy em vợ khi vợ chết. Trong Tục Nối Nòi, chỉ có thể lấy người em của người quá cố mà không thể lấy anh hay chị, vì đó là những người bậc trên được coi như cha mẹ vậy. [13].

Còn có Tục Nối Nòi khác nữa như ông lấy cháu, bà lấy cháu... nhưng người cháu này không thể là con hay rể của con gái mình. "Tục này thường được tiến hành ngay sau ngày có tang, lúc thi thể đang được quàn tại nhà, khi đã chôn thì không nối nòi được nữa vì như thế linh hồn kẻ quá cố sẽ không phù hộ. Người ta làm lễ hiến sinh một con heo để cúng linh hồn  người chết, cúng suối nước và cúng cho người thay thế. Thầy cúng lấy một bông hoa rừng cài vào tai người thay thế rồi khấn linh hồn người chết về chứng giám và phù hộ cho họ. Sau đó, người thay thế và người góa cùng ăn cơm, uống rượu trước những người khác như trong hôn lễ; từ đây, tài sản và quyền thừa kế chuyển sang người thay thế".[14] 
Ngày nay, “Tục Nối Nòi" không còn phổ biến như xưa và hầu như không còn ảnh hưởng nào trong quan hệ hôn nhân ÊĐê.     
                         
HƯỚNG DẪN MỤC VỤ
 
Luân lý Công giáo đòi hỏi giáo lý viên và người truyền giáo phải rất lưu ý về những điều không thích hợp với luân lý công giáo  trong vấn đề cưới hỏi và hôn nhân của đồng bào ÊĐê.
++ Tục lệ ở rể tại nhà trai không thuận lợi, nhất là về phương diện  luân lý trong thời kỳ đính hôn và dự tòng, vì như thế có thể trở thành gương xấu công khai…

++  Luật vĩnh hôn và đơn hôn [ một vợ một chồng ] trong Đạo Công Giáo là luật do Thiên Chúa thiết lập, không được phép ly dị, tái hôn. Khi có lý do chính đáng không thể sống chung hạnh phúc, hoặc vì quyền lợi của chồng, vợ hoặc con cái, phải trình cho người hữu trách để được giải quyết theo luật định ; khi có lý do chính đáng, có thể được bề trên cho phép ly thân tạm thời hoặc vĩnh viễn.

++  Không có ngăn trở hôn phối vì cùng họ với họ bên mẹ, chỉ có những ngăn trở họ máu theo giáo luật.

++  Không được áp dụng tục nối nòi nếu còn vướng ngăn trở họ máu. Không được cử hành cúng tế hoặc các nghi lễ nào khác để kết hôn ngoại trừ cử hành bí tích hôn phối, hoặc theo nghi thức hôn phối Công giáo.

++ Những đôi bạn không cử hành bí tích hôn phối mà sống chung với nhau và kết hôn theo dân luật bị coi như “Rối Hôn Phối”, họ không được thông phần các bí tích vì đang ở trong tình trạng bất hợp luật. 

++ Hiện nay, nhiều đôi bạn đang ‘rối hôn phối’, cần phải giúp đỡ họ trở về bằng việc cử hành bí tích hôn phối hoặc thành sự hoá hôn nhân bằng phép chuẩn hôn phối khác đạo.
 
6.2.2   TANG CHẾ
 
Khi trong gia đình có người vừa chết, tang gia đánh một hồi trống báo tử. Dân làng kéo nhau tới phúng điếu và giúp tang chủ lo liệu công việc ma chay. Thông thường, họ mang theo gạo, rượu, gà hoặc heo, bò để phúng điếu. Dịp này, các gia đình có người chết trước đây mà chưa làm lễ bỏ mả, họ cũng mang đồ ăn tới để nhờ người vừa chết mang về cho vong linh người thân của họ; sở dĩ có tục lệ như thế vì người ÊĐê quan niệm rằng người vừa chết là sợ dây liên lạc giữa người sống và kẻ chết. Mỗi khi có người chết, cả làng dường như đình chỉ mọi công việc : ngưng lao động sản xuất, không trao đổi mua bán... Họ tập trung vào tang lễ. Chủ tang chịu mọi phí tổn cho dân làng trong suốt thời gian lo việc tang lễ (thường thì rất tốn kém). Thời gian để thi hài tại nhà tuỳ theo địa vị và tình trạng kinh tế của gia đình tang chủ, người giàu khoảng 5 đến 7 ngày, người nghèo khoảng từ 3 đến 5 ngày. Thực ra không quy định rõ rệt, lý do chính vì đợi làm xong quan tài. Trước đây, người ta vào rừng chặt cây, mang về và đục lỗ làm áo quan, người khá giả thường làm bằng cây gỗ  quí nên phải mất nhiều thời gian hơn. Hiện nay đa số dân làng đóng áo quan bằng ván hoặc mua hòm làm sẵn nên thời gian để thi hài tại nhà giảm lại rất nhiều, vả lại, nên kêu gọi chôn cất sớm hết sức có thể... Tuy nhiên, họ vẫn thường để xác tại nhà từ 2 hoặc 3 ngày trở lên, và không ít những trường hợp như xưa: 4 ngày, 5 ngày ... [15].
 
Thi thể được các người trong gia đình tắm rửa sạch sẽ, mặc đồ ngày lễ... Tang chủ lấy một ché rượu cột ở phòng khách và giết một con gà nhỏ làm lễ cúng linh hồn người chết... Những người ruột thịt của kẻ quá cố thường ăn uống và hiện diện quanh thi hài để bày tỏ nỗi đau buồn thương tiếc [16].
 
Trước khi liệm xác, người ta làm lễ cúng linh hồn người chết một lần nữa. Khi nhập liệm, người ta bỏ quần áo, đồ trang sức, chén, đũa, bát, thức ăn... điếu, nhạc cụ... vào quan tài. Liệm xong, sau một vài ngày, người ta tiến hành việc mai táng.

Ngày mai táng là ngày cao điểm, đồng bào ăn mặc chỉnh tề, các ché rượu đã được xếp thành hàng dài trước phần mộ. Cơm nước, thức ăn được chuẩn bị ngay tại nghĩa trang, kể cả việc làm thịt trâu bò cũng được tiến hành tại chỗ như một ngày đại hội. Trước khi hạ huyệt, thầy cúng chủ sự nghi thức an táng, ông đứng trước quan tài, tay cầm chén rượu được hoà trộn với máu vật hiến sinh (heo hoặc bò…) rồi đọc lời tiễn biệt linh hồn người chết về với quê hương trời đất...

Trước khi lấp huyệt, nhiều người đặt thức ăn xuống mộ như gởi món quà cuối cùng cho người quá cố. Các tài sản của người chết như chiêng, ché, nỏ, kgă v.v...cũng được bỏ luôn dưới mộ như để làm sản nghiệp ở kiếp sau; trước kia, vẫn còn hình thức dã man là giết nô lệ và thả xuống phần mộ để người này phục vụ chủ trong đời sống ở bên kia thế giới này. Họ cũng thả một con gà trên phần mộ tượng trưng cho sự giải thoát linh hồn. Chung quanh mộ, họ gieo cây lương thực, ngũ cốc như chuối, đu đủ,... làm nguồn lương thực cho linh hồn người đã chết; người còn sống rất kiêng hái những hoa trái này. Ở đầu mộ, người ta dựng một nhà minh khí dùng để đặt cơm vào đó. Họ cũng đặt một ống tre thông từ đáy huyệt lên trên, khi đi thăm mộ, người ta đổ gạo cơm xuống huyệt để tỏ lòng thương nhớ và như để nuôi người chết... Hiện nay, lề lối này vẫn còn phổ biến, phải thật tinh tế mới có thể giúp người tân tòng Êđê vượt qua tục lệ cổ truyền cố này… [17].

Lấp huyệt xong, dân làng ở lại ăn uống tại chỗ, trước khi giải tán, tang gia phân chia phần thịt đã dành sẵn cho mỗi hộ tham dự như để tỏ lòng biết ơn mọi người đã phúng điếu và giúp đỡ công việc ma chay. Đến đây, chấm dứt nghi lễ an táng, dân làng giải tán ra về.

Đối với gia đình chủ tang, chôn cất xong, người ÊĐê mời thầy cúng cử hành "Lễ Tẩy Uế" ngay tại nhà vào ngày hôm sau. Họ dành một phần thịt của vật hiến sinh để mang ra mộ cho người đã chết. Trong những tuần đầu tiên, kể từ khi đã an táng, thân nhân thường đến viếng mộ và gởi thức ăn qua “lỗ cơm” (băng êsei) cho người quá cố.

"Đồng bào ÊĐê có tâm lý thích được yên nghỉ tại ngôi nhà của mình. Họ rất sợ chết đường, chết sông, khe suối, rắn cắn, hổ vồ, ngã cây, leo núi v.v... Họ quan niệm chết như thế thì linh hồn bị ác thần bắt giữ, không thể đầu thai vào kiếp khác được, chết như thế là chết rủi ! còn những ai chết vì già nua bệnh tật thì được coi là chết bình thường, linh hồn sẽ ở với tổ tiên và lại nhập vào đứa trẻ sơ sinh…" [19]
 
6.2.3   LỄ BỎ MẢ
             

Rất nhiều tài liệu nói về lễ Bỏ Mả của người ÊĐê sau khi chôn cất xong một thời gian nào đó (dường như nay không ai đặt thành vấn đề này nữa!). Cử hành lễ này xong, hồn người chết được coi như đã nhập hoàn toàn vào thế giới tổ tiên, ngôi mộ trở nên vô chủ. (nhất là trong trường hợp người phụ nữ tái giá đối với chồng trước) [18].
                   
Người ÊĐê không có tục tưởng niệm, thờ cúng tổ tiên, họ chỉ giữ gìn mồ mả trong một thời gian (Tục Giữ Mả). Trong thời gian sau tang lễ thân nhân phải mang cơm rượu đổ vào ống thông ở phần huyệt mộ. Mỗi tháng một lần họ lại tổ chức cúng vong hồn người chết cho đến khi làm Lễ Bỏ Mả. Khoảng 01 hoặc 02 năm sau ngày an táng, họ tiến hành làm Lễ Bỏ Mả để vĩnh biệt người quá cố và không bao giờ nhắc đến nữa… Nói cách khác, lễ bỏ mả là sự tuyên bố đoạn tuyệt giữa người sống và người chết, sau lễ này linh hồn được coi như về với tổ tiên.

+ Lễ Bỏ Mả là một trong những lễ quan trọng của người ÊĐê được tiến hành long trọng như tang lễ. Thời gian làm Lễ Bỏ Mả sớm nhất là một năm, tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế của thân nhân người chết, nghĩa là lúc nào có đủ rượu, gạo, thịt dâng cúng từ hai đến ba ngày nghi lễ mới  được tổ chức. Chủ xướng Lễ Bỏ Mả đó là một gia đình, một dòng họ, có khi cả buôn làng. Nhà giàu thuộc dòng họ lớn thì mổ nhiều trâu bò, buộc nhiều ché rượu. Nhà nghèo thì cũng phải đủ rượu thịt để cung cấp ăn uống và chia phần cho những người dự lễ.

Nghi thức chính của Lễ Bỏ Mã được diễn ra ở khoảng đất rộng của nghĩa địa. Thanh  niên lên rừng chặt cây làm nhà mồ mới, dựng cột kút, cột klao mới (chỉ có người chết là nhà giàu và trưởng thành mới được dựng cột klao) Trâu, bò, heo được làm thịt ngay tại chỗ, rượu cần được dựng thành hàng quay về hướng Đông, bến cúng được dựng bằng tre nứa, trên đó bày những lễ vật cúng cho người chết gồm có một chén cơm  trắng, một chén thịt sống thái nhỏ trộn tiết của con vật vừa bị giết cùng với một mẫu đuôi, một chiếc xương đầu và bầu rượu được hút ra từ ché rượu. Xương hàm dưới con vật bị giết cũng được treo ở cột klao. Khi đã hoàn tất lễ cúng, thầy cúng mặc lễ phục nghiêm chỉnh, ngồi bên ché rượu thịt, nghe lời đoạn tuỵêt an ủi của người sống: “Ơ hồn người đã chết như lúa như nát. Mọi chuyện đều đã xong. Hồn ở miền đất khác, uống dòng nước khác rồi. Bây giờ bỏ nấm mồ này, xin vĩnh biệt. Ngọn lửa đã đốt lên, rượu cúng đã bày sẵn, cây chuối đã trồng, con gà đã bay đi rồi…Từ nay hồn đi nơi khác, nhà không đem cơm, không mang nước. Hằng năm nhà không nhắc tới hồn nữa… muốn uống ruợu hồn phải hỏi Aê Diê, muốn ăn cơm hồn phải hỏi Yang Lăn, muốn ăn thịt hồn phải hỏi Yang Mtao. Bố mẹ đã làm tròn nghĩa vụ với hồn. Bố mẹ cúng lần cuối này thôi. Vĩnh biệt”.
 
Trong buổi lễ này người ta thả con gà nhỏ vào rừng để tượng trưng linh hồn về với tổ tiên không còn bị các thần giam hãm nữa. Kết thúc buổi lễ, các bà các cô lại gieo lên mộ những hạt giống ngũ cốc và trồng một cây chuối  ở đầu mồ làm nguồn lương thực cho người chết ở thế giới bên kia.

Sau buổi lễ, mọi người cùng uống rượu, ăn thịt ngay bên phần mộ. Tiếng trống nổi lên rộn rã. Lửa được nhóm lên, mọi người vui vẻ ăn uống, nhảy múa và trò chuyện. Nam nữ hát đối đáp giao duyên, người già khề khà uống rượu, trò chuyện cho đến khi thịt hết, rượu lạt họ mới trở về nhà mình.

+  Ý nghĩa nhân văn của Lễ Bỏ Mả: 

Người ÊĐê quan niệm rằng: người chết cũng như thế giới của người chết đều có sinh có tử, có vui có buồn như nguời sống. Theo quan niệm này, người vừa mới chết linh hồn sẽ lìa khỏi xác, bơ vơ không thể về “buôn làng người sống” với họ hàng, nhưng cũng không thể về với “buôn làng tổ tiên” (buôn Atâo do vợ chồng thần Băng Bơ Đung, Băng Bơ Đai cai quản). Hồn vẫn bị ràng buộc quanh phần mộ, người sống vẫn đem cơm cúng (Tục Giữ Mả). Quanh phần mộ, hồn thường bị hồn của quỹ dữ hành hạ. Chỉ khi làm Lễ Bỏ Mả, hồn mới được tự do về sống ở Buôn Atâo. Sau đó hồn phải biến hoá qua 7 lần để thần giọt sương mang linh hồn tổ tiên treo lại trên mặt đất nhập vào đứa trẻ sơ sinh là con cháu dòng máu của hồn trong Lễ Đặt Tên. Đứa trẻ lấy tên của hồn (tức là tổ tiên)  làm tên mình bảo đảm tính trường tồn và bền vững của cộng đồng huyết tộc.Có thể hiểu theo tinh thần lạc quan của người Êđê rằng, qua quá trình luân chuyển của hồn trên mặt đất, hồn của tổ tiên (người chết ở một giai đoạn nào đó) sẽ hiện diện trên mặt đất,  lại trở về cõi sống nhận dạng một thành viên mới của cộng đồng ÊĐê, dòng họ sẽ không bị mất tên tổ tiên, tăng sức mạnh cho cộng đồng. Lễ Bỏ Mả chính là lễ đoạn tuyệt với người chết, để linh hồn người chết mau về với tổ tiên, “ngày gặp mặt” mau tới hơn. Lễ Bỏ Mả còn mang tính nhân đạo cao cả và tinh thần cộng đồng sâu sắc. 
 
+  Bỏ  mả: người sống làm tròn nghĩa vụ với người chết.

+ Bỏ mả: người goá bụa lại trở thành hạnh phúc cá nhân (được quyền lấy chồng hay lấy vợ). Vì vậy Lễ Bỏ Mả làm thoả mãn đối với người sống, thoả mãn đối với người quá cố, thoả mãn cộng đồng nên phải tổ chức tưng bừng, náo nhiệt vui vẻ. Với ý nghĩa xã hội, triết lý nhân sinh của Lễ Bỏ Mả, bằng lối suy nghĩ duy lý, bằng sức mạnh trí tưởng tượng, bằng nguyện vọng sâu sắc của ý thức cộng đồng muốn khẳng định  sự tồn tại vĩnh cửu của dòng họ và cũng là của cộng đồng. [nguồn : nhanviet,net]

HƯỚNG DẪN MỤC VỤ
 
Trong mục vụ và giảng dạy giáo lý, rất cần phải điều chỉnh nhiều vấn đề, nhiều chi tiết chung quanh công việc ma chay và quan niệm của người ÊĐê về linh hồn khi còn sống cũng như sau khi đã chết.
+ Không cúng linh hồn người chết. Không làm “băng êsei”. Không gởi đồ ăn cho người đã chết. Không gởi tài sản cho người chết làm tài sản ở đời sau. Không trồng cây lương thực nơi phần mộ với niềm tin của người ÊĐê. 
+   Không dựng Nhà Minh Khí.  
+  Không cử hành “Lễ Tẩy Uế”… những hành động trên đây đều sai lạc với đức tin Công Giáo.
+  Không được tin rằng linh hồn người chết bình thường sẽ lại nhập vào trẻ sơ sinh. Chết vì già yếu bệnh tật tại nhà hoặc chết bất cứ trong hoàn cảnh nào cũng là từ giã đời này để về đời sau trình diện Thiên Chúa và chịu sự phán xét của Người.
+ Không được làm hình diều hâu trên quan tài để tượng trưng hồn người ấy (gọi là Mnuh) vì họ cho rằng, khi có người chết, con chim lượn quanh trên nhà người đó; linh hồn thoát khỏi xác và phóng ra một thứ sương (bất kỳ thứ sương nào trên cỏ cây hoa lá đều do diều hâu tạo ra), người ta lấy sương đó để nhỏ vào miệng trẻ sơ sinh mà đặt tên cho nó.
+ Không được làm “Lễ Bỏ Mả” theo niềm tin cổ truyền để cho phần mộ của người thân trở nên vô chủ. Hài cốt và phần mộ phải được bảo trọng xứng hợp. Tốt hơn hết, người chết phải được an táng tại nghĩa trang Công Giáo [Đất Thánh]. Trong trường hợp không thể an táng tại nghĩa trang Công Giáo, cần phải trình báo cho người hữu trách để được hướng dẫn cụ thể. Hãy nhớ cầu nguyện cho người đã qua đời bằng hy sinh, cầu nguyện, dâng thánh lễ… 
+ Nên thường xuyên viếng nghĩa trang, viếng mộ những người thân đã qua đời, nhất là 08 ngày đầu trong tháng 11 (tháng các linh hồn) được lãnh nhận ơn đại xá mỗi ngày theo các điều kiện thông thường để xin Chúa thương ban ơn cứu độ cho các linh hồn.
      
6.2.4  LỄ CÚNG BẾN NƯỚC [20]
  


 
Hằng năm, dân làng ÊĐê tổ chức lễ cúng nguồn nước (Tuh Pin Êa).  Họ làm vệ sinh buôn, dọn bến nước... sau đó, giết heo hoặc trâu để cúng các thần : Thần Đất, Thần Nước, Thần Núi, tổ tiên... Mọi người cầu mong các thần phù hộ cho dân buôn an bình... Lễ cúng này do chủ bến nước điều khiển và các thầy cúng cử hành nghi lễ; lễ này được tổ chức tại bến nước và sau nhà chủ bến nước... Cúng xong, mọi người đến nhà chủ bến nước uống rượu, cúng tổ tiên Buôn, cúng sức khỏe... vừa cúng vừa ca múa khiên đao và cầu mong những điều thiện hảo. 

Lễ cúng này hầu như không còn tồn tại và nếu có thì rất ít người tham dự. Ngày xưa cả làng kín nước ở suối, ngày nay, mỗi hộ tự đào giếng riêng ... bởi đó, lễ này mất dần ý nghĩa và không còn tồn tại từ khoảng sau năm 1980 ...
 
HƯỚNG  DẪN  MỤC  VỤ
 
++ Không có thần nào cả, chỉ có Một Thiên Chúa toàn năng là Đấng Sáng Tạo toàn thể vũ trụ ; hãy tin tưởng, cậy trông, phó thác cho Chúa tất cả; hãy cầu xin Chúa ban phúc lành bình an hồn xác… 
 
6.2.5   LỄ CẦU MÙA (KĂM MAH) [21]
   
 
Đây là một lễ cúng chung cả làng như cúng bến nước, lễ này được tổ chức mỗi năm một lần vào thời kỳ bắt đầu gieo hạt lúa. Lễ được cử hành ở một góc làng hoặc ở bên lề đường. Trong ngày đó, cấm chỉ mọi lao động, không cho người ngoài buôn vào vì sợ trục trặc hoặc sẽ gặp nhiều điều chẳng lành; cũng không được chạy sợ rằng gió theo gây ra bão tố. Trong nghi thức, họ đặt sẵn một cái bồ nhỏ đã được đổ đầy đất  (tượng trưng cho lúa đầy kho), bên cạnh để sẵn cà, ớt, thực phẩm .... Thường thường, người ta giết heo cúng Trời (Aê Diê) để cầu xin được mùa tốt đẹp, sau đó, dân làng cùng nhau ăn uống vui mừng, rồi giải tán. 
 
Ngoài ra, mỗi hộ còn cúng riêng tại nhà những lễ cúng như cúng Thần Gió (Kăm Angin) cầu cho mùa màng khỏi gặp bão tố; cúng lúa giống, cúng hồn lúa ... Khi có hạn hán hoặc sâu bọ phá hoại mùa màng, đồng bào đều tổ chức lễ cúng mong qua khỏi tai hoạ ... Làm nhà mới xong, người ta không quên cúng tế vị sợ rằng thần cây cối chẳng được hài lòng v.v... 
Lễ cúng này ngày nay dường như đã bị bãi bỏ !                       

HƯỚNG  DẪN  MỤC  VỤ
 
++ Không có thần nào cả, chỉ có Một Thiên Chúa. Hãy tin tưởng, cậy trông, phó thác cho Chúa tất cả. Hãy cầu xin Chúa ban phúc lành. Mỗi năm, Giáo Hội dành ngày Mồng Ba Tết cử hành Lễ Cầu Mùa, nay gọi là lễ thánh hoá công ăn việc làm. Giáo Hội có nghi thức làm phép nhà mới để xin ơn bình an cho gia đình, nhất là ơn bình an luôn luôn có Chúa ở cùng.
 
6.2.6  LỄ ĂN TẾT (Mnăm Thŭn) [22] (LỄ HỘI MÙA XUÂN / LỄ MỪNG LÚA MỚI) 

Lễ Hội Mùa Xuân của người ÊĐê hay Lễ Hội Mừng Lúa Mới là lễ hội mà người ÊĐê 
tổ chức sau mùa gặt hái, đón Năm Mới. Một số dân tộc ở Tây Nguyên như Gia Rai, BaNa, XơĐăng, M'Nông cũng có lễ hội tương tự.
 
Vào dịp này, mọi gia đình đều khẩn trương đưa lúa về chòi và rước hồn lúa về nhà, đồng thời tổ chức lễ ăn cơm mới để tạ ơn trời đất, thần lúa, ông bà tổ tiên đã cho một mùa lúa bội thu và cầu mong một mùa mới thóc lúa đầy nhà. Là mùa "ăn năm uống tháng", mùa sinh hoạt văn hoá cộng đồng, mùa giao lưu văn hóa, mùa tìm bạn đời của những chàng trai cô gái. Mùa mà cả cộng đồng nghỉ ngơi, vui chơi thỏa thích.Sau khi thu hoạch lúa xong, người ÊĐê ăn mừng vụ mùa gọi là "Mnăm Thŭn". Từng hộ lần lượt tổ chức lễ mừng, mùa ăn Tết kéo dài trong thời gian không qui định. Dịp này, họ cúng tổ tiên, cúng Thần Hộ Mệnh để cầu xin sức khỏe, hạnh phúc như thể cầu bình an Năm Mới vậy. Các gia đình mổ trâu, mổ heo tuỳ theo mùa màng thu hoạch được và cũng tuỳ khả năng sẵn có. Đây là dịp người ta mời bà con trong buôn, mời anh em họ hàng cùng bạn bè đến chung vui mừng lễ. Ngoài việc cúng tạ ơn các thần thánh, người ta đánh chiêng trống, đàn sáo và ca hát vui chơi suốt cả ngày đêm ... Những người giàu thường làm lễ kéo dài tới bảy ngày. Trước khi chấm dứt, gia chủ cúng Thần Lúa và cầu may cho thầy cúng ; sau đó họ tiếp tục cúng để cầu cho gia chủ và Lễ Ăn Tết chấm dứt. Thầy cúng được kính biếu nguyên một đùi thịt (heo hoặc gà); trống chiêng nổi lên tiễn thầy cúng ra về. Đặc biệt trong hai ba ngày kế tiếp, gia đình ăn lễ không ra khỏi nhà; khi mãn hạn kiêng kị này, thầy cúng trở lại gia đình cúng một lần cuối để cảm tạ thần linh ban bình an cho gia đình (người ta chỉ giết gà làm vật hiến sinh cho lần này). 
 Ngày nay, Lễ Ăn Tết và nghi thức kết thúc này hầu như đã không còn tồn tại nữa.
 
HƯỚNG  DẪN  MỤC  VỤ

 
 ++ Giáo Hội dành ngày Mồng Một Tết để cầu bình an Năm Mới. Không có thần nào cả, chỉ có Một Thiên Chúa. Hãy “tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc”.
 
 6.2.7  LỄ ĐẶT TÊN CHO TRẺ SƠ  SINH [23]
     
"Một ngày sau khi đứa bé chào đời, gia đình chọn một ché rượu và một con gà đem đãi người hộ sinh và làm lễ đặt tên cho con trẻ. Người hộ sinh lấy những giọt sương mai (êa nguôn) đọng trên cỏ cây và cho vào bát với niềm tin trong đó có linh hồn tổ tiên và họ tham gia vào sự lựa chọn tên cho đứa trẻ. Theo tín ngưỡng Êđê, các bậc tổ tiên về phía mẹ còn sáng tạo ra linh hồn thứ ba của đứa trẻ. Đồng bào Êđê tin rằng con người có 3 linh hồn : Mngăt, Mngah và Tlang hêa.
 
Mngăt nhập vào con người khi mới thụ thai và suốt thời kỳ trong dạ mẹ, nếu bị sẩy thai sẽ gọi là "Proh pla" và trở thành Thần Chết (Yang Atâo). Mngăt thường đến trong lúc chiêm bao, tượng trưng cho người sống cũng như khi đã chết.
 
Mngah thúc đẩy đửa trẻ khóc chào đời, nếu đứa trẻ sinh ra bị chết có nghĩa là Mngah không nhập vào nó. Mngah tách khỏi thể xác khi tắt thở và bay vào không trung. Lúc gặp người phụ nữ nào sắp sinh thì hồn này nhập vào gọi là (Ba Yun) và làm cho đứa trẻ khóc.
 
Tlang hêa biểu hiện là con diều hâu, trên quan tài thường làm một hình diều hâu để tượng trưng hồn người ấy (gọi là Mnuh). Họ cho rằng, khi có người chết, con chim lượn quanh trên nhà người đó; linh hồn thoát khỏi xác và phóng ra một thứ sương (bất kỳ thứ sương nào trên cỏ cây hoa lá đều do diều hâu tạo ra), người ta lấy sương đó để nhỏ vào miệng trẻ sơ sinh mà đặt tên cho nó.
 
Thông thường, người ta lấy giọt sương mai thấm vào miếng gan gà rồi cho trẻ liếm. Bà đỡ lấy một tay bế đứa bé, một tay cầm miếng gan gà kề trên môi nó và đọc một tên trong số những người bên họ mẹ đã qua đời. Nếu đứa bé cười thì cái tên vừa được xướng lên chính là tên của nó; nhưng nếu nó khóc, có nghĩa là linh hồn người chết không bằng lòng và họ phải gọi những tên khác cho tới khi đứa trẻ cười hoặc nằm yên. Trong lễ này, người ta còn thổi tai cho đứa trẻ để cầu Thần Aê Diê tiếp thêm sinh khí cho được khoẻ mạnh và chóng lớn. Sau khi sinh ít ngày, họ còn làm Lễ Prăp Yun bằng một con gà nhỏ để cúng linh hồn tổ tiên đã nhập vào đứa trẻ.
 
Người ÊĐê phân biệt “Y” là con trai và “H” (Hơ) là con gái; tất cả đều lấy họ mẹ vì theo chế độ mẫu hệ. Ngoài 5 tuổi, người ta mới dùng tên thật và được dạy bảo cặn kẽ, trước đó, thường chỉ dùng tên tục để tránh tà ma ám hại ...

Hiện nay, hầu như người ÊĐê không thực hành lễ tục tín ngưỡng phức tạp này. Người ÊĐê từ nhiều năm trước đây đã chọn những tên đẹp của người kinh, của người ngoại quốc để đặt cho con cái mình. Từ lâu, Lễ Đặt Tên theo truyền thống chỉ còn là vấn để của thời gian quá khứ.                                    
                      
 HƯỚNG  DẪN  MỤC  VỤ
 
++ Mi người chỉ có một linh hồn mà thôi gọi là mngăt, mngăt bất tử. Không có mngah và tlang hêa, không có thần chết Yang Atâo. Không được làm lễ Prăp Yun sau  khi sinh con ít ngày.       
 
6.2.8  LỄ  HỘI  ĐÂM TRÂU
 


 
Lễ hội được tổ chức trong 3 ngày: Ngày thứ nhất: Họp dòng họ để thống nhất thời gian, địa điểm, chọn trâu cúng, phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong gia đình. Làm cây nêu, có sự góp ý tham gia của các già làng trưởng bản trong buôn. Chọn địa điểm, làm lễ cúng và chôn cây nêu. Ngày thứ hai: Đón tiếp khách đến, tập trung tất cả mọi người trong dòng họ, thông báo với thần linh và mời thần linh bốn phương về chứng giám. Phần hội được bắt đầu với điệu múa "My- a" cùng "Chiêng 3- trống đôi", múa vòng quanh nhà và vòng quanh cột nêu, mời buôn làng, dòng họ xa gần uống rượu ché thâu đêm suốt sáng. Ngày thứ 3: Đâm trâu và ăn mừng.

Từ xa xưa, Đâm trâu là lễ tế thần quan trọng nhất trong tất cả các buổi lễ tế của người Tây Nguyên. Lễ còn được tổ chức vào các dịp như mừng chiến thắng,Tạ lễ, Cầu an, khánh  thành nhà rông của làng…thể hiện niềm kiêu hãnh, tự tin của cộng đồng và nhằm xua đuổi tà thần đến quấy nhiễu dân làng. Qua đó thể hiện ước vọng cuộc sống bình an, sung túc luôn đến với mọi người, mọi nhà, đồng thời đây cũng là dịp để mỗi người đến chung vui, thăm hỏi, chúc mừng về sức khỏe, về công việc làm ăn.
                        
Sau khi cúng, tất cả mọi người trong dòng họ cùng đánh trống, nhảy múa xung quanh nhà 3 vòng và xung quanh cột (cây nêu) 7 vòng, đây là hoạt động mở màn cho phần hội kéo dài thâu đêm suốt sáng.
(Đài Truyền Hình Phú Yên)
 
6.2.9 LỄ CÚNG THẦN LÚA
 

Nội dung chính  
 
1/ Ngày 1: Chuẩn bị lễ vật cho Lễ Cúng Thần Lúa
 
Lễ Cúng Thần Lúa thường diễn ra khi trời sẩm tối. Những người đàn ông trong gia đình và bà con họ hàng tề tựu đông đủ tại nhà gia chủ để chuẩn bị, bày biện và sắp sẵn các lễ vật. Họ tiến hành mổ heo, mổ gà, dựng cột gơng, buộc ché rượu cần. Đong đầy nước suối vào các ché, vại trong không khí hân hoan, náo nức.

Chuẩn bị cho Lễ Cúng Thần Lúa là thầy mo của làng, thầy đại diện cho buôn làng cử hành những nghi thức cúng tế, làm nhiệm vụ giao tiếp và chuyển lời khẩn cầu của dân làng đến thần linh.
 
2/  Ngày 2: Làm Lễ Rước Thần Lúa 

Tại không gian ngôi nhà dài của gia chủ: Chủ nhà làm lễ cúng thần lúa. Lễ vật gồm có: ba con heo thiến (một con cúng thần lúa, một con cúng tổ tiên ông bà, một con cúng sức khỏe cho chủ nhà). Ngoài ra còn có bảy ché rượu, một nồi cơm đầy, một bầu gạo đầy. Tất cả được bày trên chiếc chiếu hoa trải sát cửa sổ hướng Đông của gian gah (gian khách) nhà dài. Vào lễ, vợ chồng chủ nhà ngồi trên chiếu hoa sát mâm lễ, mặt quay về cửa sổ phía Đông. Dàn chiêng Knah đánh bài “ngă yang” (gọi Giàng). Thầy cúng đọc bài khấn:
 
“Ơ Giàng bên Đông, Giàng bên Tây!
Ơ Giàng lúa, Giàng núi, Giàng sông!
Các Giàng đã cho đất tôi trồng lúa
Cho mưa thuận, gió hòa lúa bắp tốt tươi
Nay tôi tuốt lúa rẫy thiêng
Tôi bẻ bảy gùi bắp
Heo thiến tôi nướng chín vàng
Rượu bảy ché đã buộc
Cơm gạo mới nấu đầy nồi
Tôi mời các Giàng về cầm cần rượu
Ăn cơm gạo mới, ăn thịt heo nướng
Cùng gia đình chủ rẫy.”
 
3/  Ngày 3: Làm Lễ Ăn Cơm Mới
 
Lễ vật gồm có bảy ché rượu, bảy con heo nhỏ, một thúng xôi, ba thúng cơm gạo mới, một nồi canh củ quả (được thu hoạch từ rẫy). Tất cả lễ vật đều đặt trên chiếc chiếu hoa cạnh cửa sổ phía Đông ngôi nhà dài. Vợ chồng chủ nhà được mời ngồi cạnh ché rượu thứ nhất mặt quay về mâm cỗ. Thầy cúng đọc lời khấn, tạ ơn các vị thần: Thần Lúa, Thần Đất, Thần Núi, Thần Sông. Và tổ tiên ông bà đã giúp cho gia chủ một mùa rẫy bội thu. Đồng thời cầu mong các vị thần, tổ tiên ông bà giúp cho gia chủ mùa rẫy mới thóc lúa đầy bồ, heo, gà, trâu, bò đầy đàn, chật bãi. Sau lời khấn, chủ nhà được mời uống rượu trước, lần lượt từ ché rượu thứ nhất đến ché rượu thứ bảy.Rồi đến người nhà, bà con họ hàng, cứ nối  nhau thành một dãy dài (cách uống rượu như thế này người ÊĐê gọi là Mnăm Ring).   
 
+  Lễ Cúng Thần Lúa của người ÊĐê là một lễ cúng mang tính chất gia đình. Nhưng rất quan trọng trong cuộc sống tâm linh của người ÊĐê. Từ xa xưa đến nay, đồng bào người ÊĐê luôn tin rằng, cho dù lúa trên đồng được mùa, gặt về chất đầy nhà. Nhưng nếu không làm Lễ Cúng Hồn Lúa, sẽ khiến cho Thần (hồn) Lúa buồn, không ở lại với gia đình nữa mà bỏ đi mất. 
(Jobit Huỳnh)       
                            
6.2.10 LỄ CÚNG TRƯỞNG THÀNH  
 
Lễ cúng trưởng thành của người ÊĐê ở huyện Sông Hinh, huyện Sơn Hòa của tỉnh Phú Yên là một trong tám Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vừa được Bộ Văn Hóa - Thể Thao và Du lLch công nhận.
 
Người ÊĐê Phú Yên luôn quan tâm tới sức khỏe và sự sống con người được biểu hiện ở một hệ thống gồm 7 lần hoặc 9 lần lễ cầu phúc, cầu sức khỏe cho cả đời người. Đồng bào quan niệm, mỗi con người có làm được đủ các lễ này mới thấy yên tâm, và theo độ tuổi, lễ vật cúng cũng tăng dần lên. Con người muốn mạnh khỏe, yên ấm, thành đạt thì phải thực hiện các nghi lễ với thần linh để mong sự phù hộ của thần linh, trong đó lễ Cúng Trưởng Thành là một nghi lễ rất quan trọng trong đời người, khẳng định từ thời điểm này người đàn ông ÊĐê được cộng đồng thừa nhận đã là người trưởng thành, có thể gánh vác các công việc nặng nhọc của gia đình, của buôn làng.
 
Lễ cúng trưởng thành của người ÊĐê
Lễ cúng trưởng thành nói riêng cũng như các nghi lễ vòng đời của người ÊĐê Phú Yên thể hiện sự kết nối giữa gia đình và cộng đồng. Qua các nghi lễ này, các phong tục, tập quán xã hội được duy trì, các trang phục truyền thống được sử dụng một cách trân trọng, văn hóa cồng chiêng cũng được thực hành cùng với các điệu nhảy, điệu múa truyền thống, tạo nên giá trị văn hóa đặc sắc của người ÊĐê Phú Yên.
 
6.2.11 VĂN HÓA CỒNG CHIÊNG TÂY NGUYÊN
(Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia)

Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại vào ngày 25 tháng 11 năm 2005. Sau Nhã Nhạc Cung Đình Huế, đây là di sản thứ hai của Việt Nam được nhận danh hiệu.
Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên trải dài trên 5 tỉnh Tây Nguyên: KonTum, Gia Lai, ĐắkLắk, ĐắkNông và Lâm Đồng. Chủ thể của không gian văn hóa này gồm nhiều dân tộc khác nhau[1]: ÊĐê, Jarai, Bana, Mạ, Lặc...
 
Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên bao gồm các yếu tố bộ phận sau: cồng chiêng, các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng, những người chơi cồng chiêng, các lễ hội có sử dụng cồng chiêng (Lễ Mừng Lúa Mới, Lễ Cúng Bến Nước...), những địa điểm tổ chức các lễ hội đó (nhà dài, nhà rông, rẫy, bến nước, nhà mồ, các khu rừng cạnh các buôn làng Tây Nguyên,...)
Hiện tại, ở các vùng có cồng chiêng như ở Tây Nguyên, Lễ Hội Cồng Chiêng được tổ chức hàng năm là một hoạt động vừa có ý nghĩa bảo tồn bản sắc văn hóa vừa là một sản phẩm du lịch ăn khách. 
(x.Wikipedia – Lễ Hội Cồng Chiêng)
 
6.3   KINH TẾ - NGHỀ NGHIỆP
 
Người ÊĐê sống bằng nghề nông, làm rẫy là chính, riêng nhóm Bíh làm ruộng nước theo lối cổ sơ, dùng trâu dẫm đất thay việc cày, cuốc đất. Ngoài trồng trọt còn chăn nuôi, săn bắn, hái lượm, đánh cá, đan lát, dệt vải. Trên nương rẫy, ngoài cây chính là lúa còn có ngô, khoai, bầu, thuốc lá, bí, hành, ớt, bông. Đặc điểm làm rẫy của người Ê Đê là chế độ luân khoảnh, tức là bên cạnh những khu đất đang canh tác còn có những khu đất bỏ hoang để phục hồi sự màu mỡ. Ngày nay người ÊĐê gắn mình với sản xuất nông sản, cây công nghiệp: cà phê, cao su, hồ tiêu, ca cao,... Ngoài nghề trồng trọt, người ÊĐê còn nuôi trâu, bò, voi. Người dân ở đây còn tự làm ra được đồ đan lát, bát đồng, đồ gỗ, đồ trang sức, đồ gốm. Ngày nay, nhiều người ÊĐê trí thức và giới trẻ có học thức đã và đang tham gia nhiều ngành nghề trong cộng đồng xã hội. (x. người ÊĐê – Wikipedia)
 
6.4  QUAN HỆ XÃ HỘI [24] 

Toàn bộ xã hội ÊĐê được phân thành những đơn vị cơ sở là Buôn. Buôn nhỏ gồm vài ba chục ngôi nhà, buôn lớn có khi gồm hàng trăm nhà sàn dài ngắn khác nhau. Giữa các buôn có sự phân định địa giới rất rõ rệt (nay không thành vấn đề nữa). Những đại gia đình mẫu hệ ở chung trong một nhà nối dài có khi tới cả vài trăm mét. Nhìn chung, các gia đình trong một buôn thường có quan hệ thân tộc hoặc thích tộc làm cho mối tương quan cộng đồng buôn được duy trì khá bền vững. Tinh thần hiệp nhất đoàn kết của cộng đồng gia tộc, buôn làng được biểu hiện rõ rệt qua sự tương trợ trong sản xuất cũng như trong các sinh hoạt đời thường, đặc biệt là sự chia sẻ vật chất, tinh thần trong những dịp lễ hội vui, buồn của mỗi gia đình ...
Người ÊĐê nổi bật về tính hiếu khách. Khách của từng gia đình cũng là khách của buôn; vì vậy, trước đây, khách tới buôn phải trình diện chủ làng dưới hình thức thăm hỏi. Khách tới thăm thường được mời rượu với vinh dự cầm cần hút uống đầu tiên trước mọi người hiện diện, khách được tiếp đãi ân cần trọng hậu và có thể còn được tặng quà “cây nhà lá vườn” nữa.
 
Xã hội người ÊĐê ngày xưa được phân chia thành nhiều tầng lớp rõ rệt : người giàu, người nghèo, nô lệ… Giai cấp giàu và có thế giá thường đảm nhiệm trách vụ trọng yếu trong buôn. Trước đây, bộ máy quản lý và cơ cấu điều hành buôn gồm có :
• Khua Pin Êa (chủ bến nước) là người đứng đầu buôn về dân sự và quân sự (từ thời Pháp thuộc, Khua Buôn (chủ làng, già làng) trở thành người đứng đầu, Khua Pin Êa chỉ còn chức năng quản lý bến nước)
• Toà án phong tục do Pô Phat Kđi (người xử án) đảm nhiệm chiếu theo phong tục tập quán lưu truyền từ xa xưa gọi là Klei Duê Bhiăn Kđi (nay thay đổi nhiều ...)
• Tổ chức lễ nghi cúng bái gồm có Pô Riu Yang, Pagê. Họ chuyên cúng trong các nghi lễ chung của buôn và trong những lễ cúng riêng tại các gia đình.
• Pô Lăn (chủ đất) với chức năng tổ chức đất đai cho các hộ gia đình.
• Khua Djuê (chủ tộc) đứng đầu một dòng họ.
• Khua Sang (chủ nhà) thuộc thế hệ cao nhất, đứng đầu gia đình.
+   Ngày nay quan hệ xã hội theo lề lối xưa ở người ÊĐê không còn cơ cấu ban đầu, nhường lại cho quyền tự chủ, quyền tư hữu của mỗi gia đình và cá nhân. Dĩ nhiên, vẫn còn tồn tại những nét đặc trưng như tình đoàn kết, tương trợ ... trong buôn làng.            
           
6.5    VĂN CHƯƠNG – NGHỆ THUẬT
 
6.5.1 NHÀ CỬA  VÀ TRANG PHỤC  [25]


 
  * Ngôi nhà truyền thống của người ÊĐê là nhà sàn, vách thưng tre, mái lợp tranh (nay, đa số lợp nhà bằng ngói hoặc tôn, vách thưng ván). Nhà có hai cửa ra vào : Một ở phía trước và một ở phía sau; bên trong chia làm hai phần :
. Gah là nơi tiếp khách và là nơi dành cho mọi sinh hoạt chung của gia đình.
. Ôk là chỗ riêng của các đôi vợ chồng và con cái họ.
 * Người ÊĐê tuy có nhiều nhóm địa phương nhưng đều chung một lối y phục: nam giới đóng khố và mang áo cánh dài quá mông; nữ giới mặc váy dài và áo ngắn chui đầu. Nam nữ đều dùng nhiều đồ trang sức bằngđồng hoặc bằng bạc. Khố, váy, chăn ... đều do đồng bào tự dệt rất tinh tế và có nghệ thuật cao. 
 Hiện nay, do việc hoà nhập văn hoá, nhất là ở những làng tiếp cận người Kinh, người ÊĐê dần dần ăn mặc như y phục của người Kinh; nhất là nơi các thành phần sinh viên, học sinh và những người có ngành nghề chức vụ trong xã  hội.
 
6.5.2   VĂN CHƯƠNG

Nền văn học ÊĐê khá phong phú và đa dạng phản ánh đời sống vật chất cũng như tinh thần của đồng bào. Có thể phân chia thành những nội dung chính sau đây :
+ Văn chương truyền khẩu :
Gồm một khối lượng đáng kể về truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện thơ và truyện cười dân gian v.v...
Truyện cổ ÊĐê với nội dung rất nhân bản : đề cao tính khiêm tốn, thật thà, công bình, tín  nghĩa, sức mạnh tập thể và tình yêu...Điển hình như ở các truyện H'Bia Ngo và Y-Rit...Trong kho tàng truyện cổ còn có những truyện thần thoại mô tả quan niệm về vũ trụ và con người của dân tộc ÊĐê từ thời viễn cổ,
rồi đến những truyền thuyết phát sinh tộc người ÊĐê v.v...

Những truyện cười dân gian nhằm đả kích các thói hư tật xấu và tạo nên những cái cười bất ngờ. Về loại này có thể nêu ra những truyện như : "Y Bút, Y Tang"; "Con thỏ tinh khôn với mụ già độc ác"; "Rùa và khỉ ăn trộm mía của M'Tao". [26] 
  
+ Khan (Sử Thi – Trường Ca)  
Còn một loại hình văn học độc đáo mang nhiều giá trị Dân Tộc Học, đó là thể loại "khan". "Khan" mang hình thức văn vần, câu dài câu ngắn không nhất định, gồm nhiều chương đoạn kể lại sự tích anh hùng về những cuộc giao tranh giữa các tù trưởng Êđê, về các cuộc tình duyên theo phong tục, về lễ nghi và sinh hoạt dân gian ...

"Khan" thể hiện khát vọng tự do và vươn tới lý tưởng chân thiện mỹ qua những âm điệu cảm xúc rất gợi hình. Có thể nói Khan là sử thi, là tiểu thuyết lịch sử bằng văn vần vậy. Khan thường được dịch là trường ca. Hiện nay có nhiều Khan được biết tới như là: Trường Ca Đam san, Đam Di, Khing Juh, Sing Nhă, Đăm Thih, Đam Bhu, H'Ơng Đia.

Đây là những bản thuyết minh về phong tục và luân lý, là "cuốn từ điển bách khoa hoàn thiện của người Êđê thời cổ" [27]. Tóm lại, Khan là "hình thức diễn xướng có tính tổng hợp  bao gồm chất âm nhạc, chất kịch và tính văn học, có cả loại hình ca hát dân gian, làn điệu khấn thần và khóc than nữa. Ngôn ngữ của Khan rất đẹp, có sức lôi cuốn kỳ diệu đối với người nghe. Sử thi Khan tích luỹ các tinh hoa văn hoá, biểu hiện cái đẹp của con người trong hai mối quan hệ tự nhiên và xã hội". [28]

Ngoài ra, tục ngữ ca dao ÊĐê cũng khá phong phú, nội dung thường diễn tả tình yêu thiên nhiên, tình cảm bạn bè, gia đình, quê hương xứ sở, sự khác nhau giữa ca dao tục ngữ với Khan là ở độ dài của bài ca và ở hình thức diễn xuất, nhất là, ca dao tục ngữ trở thành cơ sở pháp chế như một "Luật tục ca" để dựa vào đó mà xét xử những vụ vi phạm trật tự công cộng như trộm cướp, loạn luân, gây tai nạn v.v... Những tục ngữ, thành ngữ này đựơc sưu tập lại hoàn chỉnh đến nỗi người ta lầm tưởng dân tộc Êđê có một "Bộ Dân Luật" chính thức. Hiện nay, công trình sưu tập của Sabatier có giá trị nhất, được gọi là "tập quán pháp ca" (Klei Duê Bhiăn Kđi) [29]
 
6.5.3    PHƯƠNG TIỆN SINH HOẠT NGHỆ THUẬT [30]
 


 
Tuy dân ca ÊĐê rất nghèo về cung điệu nhưng dàn nhạc cổ là một trong những dàn nhạc nổi tiếng ở Tây Nguyên, dàn nhạc gồm có: Trống cái (hgơr), chung quanh mặt treo một bộ chuông đồng với 11 chiếc lớn nhỏ khác nhau để tạo nên những âm rền theo nhịp rung của trống, có những cái trống đường kính gần 2 mét. Dàn nhạc đồng là những nhạc cụ hầu như không gia đình nào thiếu vì là nhạc cụ chủ yếu dùng trong các lễ nghi theo phong tục từ xưa. Nhạc đồng ÊĐê gồm chiêng và cồng (Knah). Cồng gồm 6 chiếc không có núm, to nhỏ khác nhau theo thứ tự: Klah, Lhiang, Mdu khơk, Hluê khơk, Hluê Lhiăng, Hluê khơk điêt (K'Khiêk). Chiêng gồm 3 chiếc, lớn hơn Knah, có núm và lớn nhỏ khác nhau : Ana Ching, Mdu ching, Mong ching ; còn có Char là chiêng lớn nhất, không có núm.
 
Nghe nhạc chiêng, tuy là những đoản khúc đơn điệu, nhưng lại tạo được những âm thanh khi thì dồn dập vui mừng, lúc thì thiết tha truyền cảm, tạo nên những giai điệu mới lạ, triền miên 
Sau dàn nhạc đồng, còn có loại nhạc cụ rẻ tiền, tự chế, nhưng lại độc đáo và rất phổ biến, đó là những ống sáo trúc (Đing) được kết cấu tuỳ theo loại với những tên gọi khác nhau : 
+ Đing Năm : 
   Gồm 6 ống tiêu, mỗi bè 3 ống, tất cả được cắm vào trái bầu khô; mỗi ống tiêu được khoét một lỗ để tạo thành cung nhạc. Nhạc công chỉ thổi vào cuống trái bầu đã đục lỗ sẵn.  
+ Đing Buôt Kluêt:
   Gồm một ống tiêu 3 lỗ cắm vào một trái bầu khô
+ Đing Buôt Tuêt:
   Gồm 6 ống sáo dọc, được phái nữ sử dụng trong lễ tang.
+ Đing CÊoêk:
   Là một ống sáo dọc có 5 lỗ.
+ Đing Ring:
   Gồm 6 ống trúc tạo thành hai bè, loại này dành cho nữ giới.
   
Đồng bào ÊĐê còn sử dụng những nhạc cụ bằng tre nứa như đàn Kok (chỉ được gõ trên nương rẫy, kiêng kị tấu đàn Kok trong nhà, trong buôn), tù và ... đàn Brô, Kni, Gong bằng dây ...
Có thể nói rằng, người ÊĐê rất mê ca nhạc, nhất là vì truyền thống yêu cầu phải nổi chiêng gióng trống trong các dịp lễ hội, cúng thần ...
Tiếng nhạc đi đôi với thưởng thức rượu cần dường như đã đi sâu vào nếp sống đồng bào ÊĐê, cho dẫu ngày nay không còn được thể hiện như ngày xưa nữa.
 
6.5.4  NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH
                
Nổi bật nhất  là ngành đan dệt qua việc trang trí hoa văn trên nền vải, hiện nay, mỗi buôn vẫn còn khá nhiều nghệ nhân có khả năng đan dệt rất tinh vi độc đáo, có tính sáng tạo cao và hài hoà sắc độ ... Nghệ thuật này được thể hiện nơi những chiếc váy, những tấm chăn mền, khăn v.v... Hoa văn phản ánh những sinh hoạt tôn giáo, sản xuất, mô tả thiên nhiên v.v...

Nghệ thuật tạo hình ÊĐê còn có loại khắc gỗ ở nhà sàn dài, ờ trên một số dụng cụ và ở nơi phần mộ. Đồng bào rất ưa chuộng nghệ thuật này, song ngày nay ít người có thể thực hiện được những mô hình truyền thống công phu, điêu luyện và rất sống động như những bậc cha ông thời xưa. 
 
II.   LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO MIỀN TÂY NGUYÊN –  ĐĂKLĂK  -  GIÁO PHẬN BAN MÊ THUỘT
 
III. LINH ĐẠO TRUYỀN GIÁO  
 
  (Phần II. III / không in trong tập này).
                           
LỜI KẾT
 
Thời đại hôm nay là thời đại “truyền giáo mới”, vì đã xuất hiện những dấu chỉ của một thế giới đang đề cao công bình và tình thương đại kết, đang khao khát đi tìm chân thiện mỹ và hướng về tuyệt đối… những dấu chỉ này đang được biểu hiện nơi các dân tộc, đúng như tầm nhìn rất lạc quan và xác tín của Đức Thánh Cha Gioan Phao lô II trong thông điệp “Sứ mệnh Đấng Cứu Thế”, ngài đã bày tỏ nhận thức của ngài rằng: “Thiên Chúa Cha đang rộng mở cho Giáo Hội những chân trời của một nhân loại đã được chuẩn bị để đón nhận hạt giống Phúc Âm” [SMĐCT 3.2], “Tôi nhìn thấy đang rạng ló một triều đại truyền giáo mới sẽ triển nở rạng rỡ và nặng trĩu hoa trái, nếu tất cả tín hữu của Chúa, đặc biệt, các vị tông đồ truyền giáo và các Giáo Hội trẻ đáp ứng lại những đòi hỏi cũng như những thách đố của thời đại hôm nay với lòng quảng đại và đời sống thánh thiện.” [SMĐCT 92] 
   
Trước cánh đồng truyền giáo bao la, với ơn gọi thừa sai tự bản chất, người kitô càng phải ra sức phát huy năng lực và khẩn trương thực hiện công cuộc truyền giáo cho mọi sắc dân ngay tại môi trường sống của mình. Đức thánh cha Gioan Phaolô II kêu gọi: “Các môn đệ Đức Kitô tại Châu Á phải hết lòng trong nỗ lực chu toàn sứ mạng đã lãnh nhận từ nơi Chúa.” (x.Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu – số 50 - ban hành ngày 06/11/1999 tại New Dheli - Ấn Độ.)  Rất cần chạy đua với thời gian! Gíá trị siêu việt của ơn cứu độ con người bao giờ cũng hàm chứa tính khẩn thiết và ưu tiên tuyệt đối! Đặc biệt, đối với giới trẻ, xin hãy nhập tâm lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhân ngày thế giới truyền giáo năm 1985 với ngôn ngữ rất thiết tha và trang trọng: “Hỡi các bạn trẻ trên thế giới, các bạn hãy là những người loan báo Tin Mừng… Tôi kêu gọi các bạn và tôi sai phái các bạn ra đi, như Đức Kitô đã sai phái các tông đồ. Tương lai của Hội Thánh tùy thuộc vào các bạn, công cuộc phúc âm hóa thế giới trong những thập niên đang tới tùy thuộc vào các bạn !”. Như thế, viễn tượng của lịch sử cứu độ Kitô trong thiên niên kỷ thứ ba tùy thuộc vào sự dấn thân đảm trách truyền giáo của những người trẻ hôm nay. Cuộc dấn thân này không dễ thực hiện, dẫu thế, chắc hẳn người tông đồ không ngần ngại “Đến với muôn dân”, bởi xác tín rằng: sứ mạng truyền giáo là một ơn gọi thánh thiêng, đây là một sự dấn thân trong tình yêu cứu thế hiện sinh để Thần Khí dẫn đưa người tông đồ bước vào viên mãn niềm vui và hy vọng: “Gieo trong nước mắt, gặt trong hân hoan.”
   
Trong Tông Huấn ‘Niềm Vui Tin Mừng’ (ban hành ngày 24/11/2013) – đức thánh cha Phanxicô kêu gọi: “Chúng ta hãy ở trong tình trạng truyền giáo thường trực”. Và ngài xác định: “Tôi luôn là một sứ mạng, bạn luôn là một sứ mạng; mỗi người nam người nữ đã chịu Phép Rửa là một sứ mạng,…Mỗi ngườii chúng ta là một sứ mạng cho thế giới, vì mỗi chúng ta là kết quả tình yêu của Thiên Chúa.” [x. Sứ Điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo lần thứ 93 – 2019  của đức thánh cha Phanxicô “ĐƯỢC RỬA TỘI VÀ ĐƯỢC SAI ĐI: Hội Thánh Chúa Kitô thi hành sứ mạng trong thế giới.”]
 
Đã đến lúc mọi người tông đồ của Thiên Chúa rất cần khẩn cầu tha thiết xin  ơn biết lắng nghe, sẵn sàng vâng phục Thần Khí và “Bước theo Thần Khí”; nhờ đó, có thể đón nhận dồi dào sức mạnh sáng tạo của Người, để Người trao ban sung mãn nghị lực cho tâm hồn và hướng dẫn người tông đồ rao giảng Lời của Đức Kitô trong từng bối cảnh đặc thù của các dân tộc.

Nếu được như thế, thiên niên kỷ thứ ba của lịch sử nhân loại sẽ phản ánh Nước Thiên Chúa ngày càng rạng rỡ hơn, và sẽ hiện rõ khuôn mặt đích thực của Hội Thánh Công Giáo, một Hội Thánh phục vụ cho vinh danh Thiên Chúa và ơn cứu độ nhân loại, một Hội Thánh của mọi dân mọi nước trong mối hiệp thông huyền nhiệm và đang hướng về vinh quang hạnh phúc viên mãn của “TRỜI MỚI ĐẤT MỚI”, nơi Thiên Chúa Ba Ngôi muôn đời hiển trị.
 
====================+++=======================
 
 Lm. Giacôbê Phạm Xuân Lương - BMT 
                
PHỤ LỤC I
CÁC DÂN TỘC VIỆT NAM
[Xếp theo thứ tự dân số] 
 
TT Dân tộc Địa bàn cư trú chủ yếu Dân số
01 Kinh Toàn Quốc 97.000.000
02 Tày Cao Bằng – Lạng Sơn – Hà Tuyên – Thái Bắc 1.477.514
03 Thái Sơn La – Nghệ Tĩnh – Thanh Hóa – Lai Châu… 1.328.725
04 Mường Hà Tây - Hòa Bình – Thanh Hóa – Vĩnh Phú… 1.317.515
05 Khmer Hậu Giang – Cửu Long – Minh Hải – Tây Ninh 1.055.174
06 Hoa Các Thành phố… Các tỉnh… 862.371
07 Nùng Cao Bằng – Lạng Sơn – Bắc Thái – Hà Tuyên… 856.412
08 H’Mông (Mèo) Hà Tuyên – Lai Châu – Sơn La – Lạng Sơn 787.604
09 Dao Hà Tuyên – Cao Bằng – Lai Châu 620.538
10 Jarai Gia Lai – Kon Tum 317.557
11 ÊĐê Đăk Lăk – Phú Khánh 270.348
12 Bana GiaLai – Kon Tum – Quảng Ngãi-Bình Định – Phú Khánh 174.456
13 Sán Chay Bắc Thái – Quảng Ninh – Cao Bằng – Lạng Sơn 147.315
14 Chăm Thuận Hải – An Giang – Quảng Ngãi-Bình Định – Phú Khánh 132.873
15 Kơho Lâm Đồng – Thuận Hải – Phú Khánh 128.723
16 XơĐăng Gia Lai – Kon Tum – Quảng Nam – Đà Nẵng 127.148
17 Sán Dìu Bắc Thi – Vĩnh Phú – Hà Bắc – Quảng Ninh 126.237
18 Hrê Quảng Ngãi – Bình Định 113.111
19 RaGlai Thuận Hải – Phú Khánh – Sông Bé – Tây Ninh 96.931
20 Mnông Đăk Lăk – Lâm Đồng – Sông Bé 92.451
21 Thổ Nghệ An - Hà Tĩnh – Thanh Hóa 68.394
22 Xtiêng Sông Bé – Tây Ninh 66.788
23 Khơ Mú Nghệ An - Hà Tĩnh – Sơn La – Lai Châu 56.542
24 Bru Vân Kiều Quảng Bình – Quảng Trị- Thừa Thiên 55.559
25 Cơ Tu Quảng Nam – Đà Nẵng – Q.Bình-Q.Trị-Thừa Thiên  
50.458
26 Giáy Hoàng Liên Sơn – Hà Tuyên 49.098
27 Tà Ơi Quảng Bình – Quảng Trị- Thừa Thiên
 
34.960
28 Giẻ-Triêng Quảng Nam – Đà Nẵng – Gia Lai – Kon Tum 30.243
29 Co Quảng Ngãi – Bình Định – Quảng Nam – Đà Nẵng 27.766
30 Mạ Lâm Đồng – Đồng Nai 25.000
31 Chơ Ro Đồng Nai    22.567
32 Xinh Mun Sơn La – Lai Châu
 
 
18.018
33 H Nhì Lai Châu – Hoàng Liên Sơn 17.535
34 Chu Ru Lâm Đồng – Thuận Hải 14.978
35 Lào Sơn La - Lai Châu – Thanh Hóa – Hoàng Liên Sơn 11.611
36 La Chí Hà Tuyên 10.765
37 Kháng Lai Châu – Sơn La 10.272
38 Phù Lả Hoàng Liên Sơn – Lai Châu 9.046
39 La Hủ Lai Châu 6.874
40 Pà Thẻn Hà Tuyên 5.569
41 Ngái Quảng Ninh – Cao Bằng – Lạng Sơn 4.841
42 Chứt Quảng Bình – Quảng Trị- Thừa Thiên 3.829
43 Lự Lai Châu 3.700
44 Lô Lô Cao Bằng – Lạng Sơn – Hà Tuyên 3.307
48 Mảng Lai Châu 2.663
46 Bố Y Hoàng Liên Sơn – Hà Tuyên 1.864
47 Cơ Lao Hà Tuyên 1.825
48 Cống Lai Châu 1.676
49 LaHa Lai  Châu – Sơn La 1.400
50 SiLa Lai Châu 840
51 Pu Péo Hà Tuyên 705
52 RơMăm Gia Lai – Kon Tum 352
53 Brâu Gia Lai – Kon Tum 313
54 Ô Đu Nghệ An - Hà Tĩnh – 301

* Xem:  
+ Viện Dân tộc học “Các dân tộc ít người ở Việt Nam” (các tỉnh phía Nam) NXB Khoa học xã hội -Hà Nội 1984 ; trang 304 - 306
Bế Viết Đặng - Chu Thái Sơn - Vũ Thị Hồng - Vũ Đính Lợi. 
+ Dân số các dân tộc theo thống kê “Hỏi và đáp về 54 Dân tộc Việt Nam” - NXB Chính Trị Quốc Gia – Tháng 01 năm 2015
                                          
PHỤ LỤC II
DANH MỤC CÁC THÀNH PHẦN DÂN TỘC VIỆT NAM
(xếp theo ngôn ngữ)
 
[* Xem:  Viện Dân tộc học “Các dân tộc ít người ở Việt Nam” (các tỉnh phía Nam) NXB Khoa học xã hội  - Hà Nội 1984 ; trang 307
 Bế Viết Đặng - Chu Thái Sơn - Vũ Thị Hồng - Vũ Đính Lợi].

1. Ngữ hệ Nam Á :
 
a/ Nhóm ngôn ngữ Việt – Mường:
 
1. Việt              
3. Thổ 
2. Mường
4. Chứt

 
b/ Nhóm ngôn ngữ Môn – Khmer:
 
5. Khmer
6. BaNa
7. XơĐăng
8. KơHo
9. Hrê
10. Mnông
11. Xtiêng  
12. Bru Vân Kiều
13. CơTu
14. Khơ Mú
15. Tà Ơi
16. Mạ

17. Co
18. Giẻ  Triêng
19. Xinh Mun

20. Chơ Ro
21. Mảng

22. Kháng
23. Rơ Măm

24. Ô Đu
25. Brâu

 
c/ Nhóm ngôn ngữ Tày – Thái:
 
26. Tày              
27. Thái
28. Nùng
29. Sán Chay (Cao Lan – Sán Chỉ)  
30. Giáy 
31. Lo     
32. Lự
33. Bố Y

 
 d/ Nhóm ngôn ngữ Mèo – Dao:
34. Hmông (Mèo)
35. Dao
36. Pà Thẻn 
 
e/ Nhóm ngôn ngữ hỗn hợp:
 
37. La Chí
38. La Ha
39. Cơ Lao
40. Pu Péo
 
2. Ngữ hệ Nam Đảo (Nhóm ngôn ngữ Malayô – Pôlinêdiên)
 
a/ Phân nhóm Chăm:
 
41. Chăm
42. Raglai
43. Churu
 
b/ Phân nhóm ÊĐê – Giarai:
 
44. ÊĐê
45. Jarai
3. Ngữ hệ Hán – Tạng
 
a/ Nhóm ngôn ngữ Hán:
 
46. Hoa (Hán)
47. Sán Dìu
48. Ngái
 
b/ Nhóm ngôn ngữ Tạng – Miến
 
49. Hà Nhì
50. Phù Lá
51. La Hủ
52. Lô Lô
53. Cống
54. Si La
                      
                                 SÁCH THAM KHẢO
         
Số TÊN SÁCH TRANG
[1]
Giáo Hoàng Học Viện Piô X - Sàigòn 1975
Đức Gioan Phaolô II - Tông Huấn “Pastores dabo vobis”
“Thánh Công đồng chung Vatican II”
 
26,16,22

52,55
[2]
Bế Viết Đặng - Chu Thái Sơn - Vũ Thị Hồng - Vũ Đính Lợi
“Đại cương các dân tộc ÊĐê, Mnông ở Đăk  Lăk”
NXB Khoa học xã hội - Hà Nội 1982
24
[3]
Viện Dân tộc học
“Các dân tộc ít người ở Việt Nam” (các tỉnh phía Nam)
NXB Khoa học xã hội -Hà Nội 1984
Bế Viết Đặng - Chu Thái Sơn - Vũ Thị Hồng - Vũ Đính Lợi
235
[4]
Bế Viết Đặng - Chu Thái Sơn - Vũ Thị Hồng - Vũ Đính Lợi
“Đại cương các dân tộc ÊĐê, Mnông ở Đăk  Lăk”
NXB Khoa học xã hội - Hà Nội 1982
24
[5]
Bế Viết Đặng - Chu Thái Sơn - Vũ Thị Hồng - Vũ Đính Lợi
“Đại cương các dân tộc ÊĐê, Mnông ở Đăk  Lăk”
NXB Khoa học xã hội - Hà Nội 1982
31, 32
[6]
. Nguyễn Đình Khoa
 “Nhân chủng học Đông Nam Á”
   NXB Đại học và trung học chuyên       nghiệp – Hà Nội 1983
. Nguyễn Đình Khoa
  “Các dân tộc ở Việt Nam” NXB Khoa học Xã Hội – Hà Nội 1983
 53 - 61. 111 - 120
118
[7]
 Hỏi và đáp về 54 Dân tộc Việt Nam
  NXB Chính Trị Quốc Gia – Tháng 01 năm 2015
111
[8]
Bế Viết Đặng - Chu Thái Sơn - Vũ Thị Hồng - Vũ Đính Lợi
. “Đại cương các dân tộc ÊĐê, Mnông ở Đăk  Lăk”
NXB Khoa học xã hội - Hà Nội 1982
27
[9]
Viện Dân tộc học
“Các dân tộc ít người ở Việt Nam” (các tỉnh phía Nam)
NXB Khoa học xã hội -Hà Nội 1984
Bế Viết Đặng - Chu Thái Sơn - Vũ Thị Hồng - Vũ Đính Lợi
18
[10]
Viện Dân tộc học
“Các dân tộc ít người ở Việt Nam” (các tỉnh phía Nam)
NXB Khoa học xã hội -Hà Nội 1984
Bế Viết Đặng - Chu Thái Sơn - Vũ Thị Hồng - Vũ Đính Lợi
24
[11]
“Les Ethnies minoritaires du Vietnam” (Đặng Nghiêm Vạn, Hà Nội 1993) 225
11a Viện Dân tộc học
“Các dân tộc ít người ở Việt Nam” (các tỉnh phía Nam)
NXB Khoa học xã hội -Hà Nội 1984
Bế Viết Đặng - Chu Thái Sơn - Vũ Thị Hồng - Vũ Đính Lợi
126
[11b]
Viện Dân tộc học
“Các dân tộc ít người ở Việt Nam” (các tỉnh phía Nam)
NXB Khoa học xã hội -Hà Nội 1984
Bế Viết Đặng - Chu Thái Sơn - Vũ Thị Hồng - Vũ Đính Lợi
159
[11c]
Viện Dân tộc học
“Các dân tộc ít người ở Việt Nam” (các tỉnh phía Nam)
NXB Khoa học xã hội -Hà Nội 1984
Bế Viết Đặng - Chu Thái Sơn - Vũ Thị Hồng - Vũ Đính Lợi
160
[12]
Bế Viết Đặng - Chu Thái Sơn - Vũ Thị Hồng - Vũ Đính Lợi
  “Đại cương các dân tộc ÊĐê, Mnông ở Đăk  Lăk”
NXB Khoa học xã hội - Hà Nội 1982
160
[13]
Bế Viết Đặng - Chu Thái Sơn - Vũ Thị Hồng - Vũ Đính Lợi
  “Đại cương các dân tộc ÊĐê, Mnông ở Đăk  Lăk”
NXB Khoa học xã hội - Hà Nội 1982
91
[14]
Bế Viết Đặng - Chu Thái Sơn - Vũ Thị Hồng - Vũ Đính Lợi
  “Đại cương các dân tộc ÊĐê, Mnông ở Đăk  Lăk”
NXB Khoa học xã hội - Hà Nội 1982

161
[15]
Nguyễn Thành Luôn – Những phong tục lý thú 
NXB Thành phố Hồ Chí Minh- 1992
234 - 236
[16]
Bế Viết Đặng - Chu Thái Sơn - Vũ Thị Hồng - Vũ Đính Lợi
  “Đại cương các dân tộc ÊĐê, Mnông ở Đăk  Lăk”
NXB Khoa học xã hội - Hà Nội 1982
161 - 162
[17]
Bế Viết Đặng - Chu Thái Sơn - Vũ Thị Hồng - Vũ Đính Lợi
  “Đại cương các dân tộc ÊĐê, Mnông ở Đăk  Lăk”
NXB Khoa học xã hội - Hà Nội 1982
161 - 162
[18]
Viện Dân tộc học
“Các dân tộc ít người ở Việt Nam” (các tỉnh phía Nam)
NXB Khoa học xã hội -Hà Nội 1984
Bế Viết Đặng - Chu Thái Sơn - Vũ Thị Hồng - Vũ Đính Lợi
225
[19]
Bế Viết Đặng - Chu Thái Sơn - Vũ Thị Hồng - Vũ Đính Lợi
  “Đại cương các dân tộc ÊĐê, Mnông ở Đăk  Lăk”
NXB Khoa học xã hội - Hà Nội 1982
161
[20]
Bế Viết Đặng - Chu Thái Sơn - Vũ Thị Hồng - Vũ Đính Lợi
  “Đại cương các dân tộc ÊĐê, Mnông ở Đăk  Lăk”
NXB Khoa học xã hội - Hà Nội 1982
62
[21]
Bế Viết Đặng - Chu Thái Sơn - Vũ Thị Hồng - Vũ Đính Lợi
  “Đại cương các dân tộc ÊĐê, Mnông ở Đăk  Lăk”
NXB Khoa học xã hội - Hà Nội 1982
63 - 66
[22]
Bế Viết Đặng - Chu Thái Sơn - Vũ Thị Hồng - Vũ Đính Lợi
  “Đại cương các dân tộc ÊĐê, Mnông ở Đăk  Lăk”
NXB Khoa học xã hội - Hà Nội 1982
66
[23]
Bế Viết Đặng - Chu Thái Sơn - Vũ Thị Hồng - Vũ Đính Lợi
  “Đại cương các dân tộc ÊĐê, Mnông ở Đăk  Lăk”
NXB Khoa học xã hội - Hà Nội 1982
157, 158
[24]
Bế Viết Đặng - Chu Thái Sơn - Vũ Thị Hồng - Vũ Đính Lợi
  “Đại cương các dân tộc ÊĐê, Mnông ở Đăk  Lăk”
NXB Khoa học xã hội - Hà Nội 1982
82 - 85
[25]
Bế Viết Đặng - Chu Thái Sơn - Vũ Thị Hồng - Vũ Đính Lợi
  “Đại cương các dân tộc ÊĐê, Mnông ở Đăk  Lăk”
NXB Khoa học xã hội - Hà Nội 1982
96 - 124
[26]
Bế Viết Đặng - Chu Thái Sơn - Vũ Thị Hồng - Vũ Đính Lợi
  “Đại cương các dân tộc ÊĐê, Mnông ở Đăk  Lăk”
NXB Khoa học xã hội - Hà Nội 1982
128
[27] Phan Đăng Nhật – Sử Thi ÊĐê – NXB Khoa Học Xã Hội Hà Nội 1991 203 – 205
[28] Phan Đăng Nhật – Sử Thi ÊĐê – NXB Khoa Học Xã Hội Hà Nội 1991 203 – 205
[29]
Bế Viết Đặng - Chu Thái Sơn - Vũ Thị Hồng - Vũ Đính Lợi
  “Đại cương các dân tộc ÊĐê, Mnông ở Đăk  Lăk”
NXB Khoa học xã hội - Hà Nội 1982
131
[30]
Các dân tộc Đông Bế Viết Đặng - Chu Thái Sơn - Vũ Thị Hồng - Vũ Đính Lợi
  “Đại cương các dân tộc ÊĐê, Mnông ở Đăk  Lăk”
NXB Khoa học xã hội - Hà Nội 1982Nam Á, NXB Khoa Học, Matxcơva 1966 
134 - 142
                     
MỤC LỤC
    +  LỜI  NGỎ     ………………………………………..................1
I. TÓM LƯỢC ĐỜI SỐNG VĂN HÓA CỦA DÂN TỘC ÊĐÊ
1. TỘC DANH (Nom de I'ethnie): [2]  …………………................2
2. NGUỒN GỐC CHỦNG TỘC ÊĐÊ  …………………...............3
3. DÂN SỐ (Population) [7] + [DT]  …………………..............… 5
4. VÙNG ĐỊNH CƯ (Aire d’habitat) [8]  ……………...............… 6
5. NGÔN NGỮ VÀ CHỮ VIẾT ……………………..............…..  6
    5.1  NGÔN NGỮ : [9]  …………………………..............……. 6
    5.2  CHỮ VIẾT [10]      …………………………..............…….8
6.  TÍN NGƯỠNG  -  LUẬT TỤC & LỄ HỘI – ĐỜI SỐNG KINH TẾ -  QUAN HỆ XÃ HỘI & NGHỆ THUẬT CỦA NGƯỜI  ÊĐÊ
6.1  TÍN NGƯỠNG TRUYỀN THỐNG  ………..............………12
6.2  LUẬT TỤC VÀ LỄ HỘI   ……………………...............……15
    6.2.1  CƯỚI HỎI  [11b]       …………………............……….15
    6.2.2  TANG CHẾ     ………………………………................18
    6.2.3  LỄ BỎ MẢ   …………………………….............……...21
    6.2.4  LỄ CÚNG BẾN NƯỚC [20]  ……………...................25
   6.2.5   LỄ CẦU MÙA (KĂM MAH) [21] ……….….................26
   6.2.6   LỄ ĂN TẾT (Mnăm Thŭn) [22]  ……………...........…27
   6.2.7   LỄ ĐẶT TÊN CHO TRẺ SƠ  SINH [23]…..........…...29
   6.2.8   LỄ ĐÂM TRÂU  …………………………….............…31
   6.2.9   LỄ CÚNG THẦN LÚA ……………………............…..33 
   6.2.10 LỄ CÚNG TRƯỞNG THÀNH ……………............….35 
   6.2.11 VĂN HÓA CỒNG CHIÊNG TÂY NGUYÊN................37
   6.3       KINH TẾ - NGHỀ NGHIỆP ………………............….38
   6.4       QUAN HỆ XÃ HỘI [24] ………………….............…..39
   6.5       VĂN CHƯƠNG – NGHỆ THUẬT  ……...............….40
   6.5.1   NHÀ CỬA VÀ TRANG PHỤC  [25]  …….............…..41
   6.5.2   VĂN CHƯƠNG  ………………………….…...........…42
   6.5.3   PHƯƠNG TIỆN SINH HOẠT NGHỆ THUẬT [30].....44
   6.5.4   NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH  ……………................…..47
            
  [ Phần II.III: không in bản văn trong tập này]
             
             LỜI KẾT  …………………………………..................….48
             PHỤ LỤC 1  ………………………………….............….50
             PHỤ LỤC 2  …………………………..……................…53
             SÁCH THAM KHẢO  ………………..……….............…54
             MỤC LỤC …………………………...………..................59
     -------------------------------------------------------------------------- 
                          AD MAJOREM GLORIAM DEI