Đức Maria Trong Những Tác Phẩm Của Các Giáo Phụ - Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP


CHƯƠNG 5. ĐỨC MARIA TRONG NHỮNG TÁC PHẨM CỦA CÁC GIÁO PHỤ
 
Vào thời các giáo phụ, không những là chưa có một tập thần học về đức Maria, mà cách trình bày về đức Maria cũng khác với thời cận đại: Đức Maria không được bàn tới cách biệt lập (thí dụ xét tới các đặc ân tước phẩm) nhưng xét trong tương quan với đức Kitô, với công cuộc cứu chuộc.
Những đề tài nổi bật về đức Maria trong các tác phẩm của các giáo phụ là: 1) Mẹ đồng trinh. 2) Mẹ Thiên Chúa. 3) Bà Eva mới. 4) Sự thánh thiện của Đức Maria. 5) Việc kết liễu cuộc đời dương thế.

Mục I. MẸ ĐỒNG TRINH
Những công thức tuyên xưng đức tin từ những thế kỷ đầu tiên của Giáo hội đều nói đến đức Maria như là mẹ đồng trinh của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, chân lý ấy được phát biểu dưới nhiều hình thức khác nhau, và không nhằm trình bày trực tiếp về bản thân đức Maria cho bằng việc nhập thể của Chúa Giêsu Những công thức để phát biểu đức Maria làm mẹ: "Đức Giêsu sinh bởi đức Maria"; hoặc "Đức Giêsu nhập thể trong lòng đức Maria". Những công thức để diễn tả việc sinh hạ đồng trinh: "Ngài được thụ thai trong lòng mẹ đồng trinh" hoặc "thụ thai do tác động của Thánh Thần". Nên lưu ý là không phải lúc nào tên riêng của đức Maria cũng được nêu lên vì lý do đã nói: lời tuyên xưng đức tin nhằm tới chân lý về Chúa Giêsu hơn là về cá nhân đức Maria.

A. Vài bản văn điển hình.
1. Thánh Inhaxiô Antiokia (+107). "Chúa chúng ta, đức Giêsu Kitô, được mang trong lòng đức Maria, từ dòng giống Đavit và từ Thánh Thần" (thư gửi Ephêsô 18,2). "Anh em hãy xác tín rằng Chúa chúng ta, thực sự thuộc dòng giống Đavit theo xác thịt, là Con của Thiên Chúa theo ý muốn và quyền năng của Chúa, thực sự đã sinh ra từ đức Trinh nữ, được tẩy rửa bởi Gioan ..." (Thư gửi Smirna 1,1).
2. Tertulliano (k.150/160 - k.220). "Đây là mẫu mực đức tin ... một Thiên Chúa duy nhất... Con của Ngài là Lời, các tổ phụ đã thấy Ngài bằng nhiều cách khác nhau nhân danh Chúa, các ngôn sứ đã nghe tiếng Ngài, và sau cùng do quyền năng của Thấn khí của Chúa Cha, Ngài đã nhập thể trong lòng đức Maria và bởi Người mà được sinh ra" (De prescriptione haereticorum 13,1-3).
3. Ireneo (k.140-202) "Chúng tôi tin kính một Thiên Chúa duy nhất ... và đức Giêsu Kitô, Con của Chúa, vì lòng yêu thương bao la đối với loài thụ tạo, đã chấp nhận sinh bởi đức Trinh nữ, đã kết hợp nơi mình con người với Thiên Chúa.

B. Những lạc giáo.
Trong những thế kỷ đầu tiên, các lạc giáo phủ nhận đức Maria là mẹ đồng trinh của Chúa Giêsu không nhắm thẳng tới bà mẹ cho bằng nhắm tới chính Chúa Giêsu.

1. Phái ảo nhân thuyết (docetismus, do tiếng hy lạp "dokêo": xem ra, xuất hiện) chấp nhận thiên tính của đức Giêsu; nhưng họ khinh thường vật chất cho nên không thể quan niệm được việc Thiên Chúa làm người; do đó họ cho rằng Chúa Kitô chỉ không có thân xác thực, nhưng chỉ xuất hiện với thân thể ảo ảnh mà thôi. Hậu quả, đức Maria không phải là mẹ thật của Chúa Giêsu. Nên biết là phái ảo-nhân đã xuất hiện giữa lòng Giáo hội tiên khởi, như ta nhận thấy trong các thư của thánh Gioan (1Ga 1,1-3; 2,22; 4,2; 2Ga 7-10).

2. Phái duy bần (ebionismus, do tiếng Do thái "ebionim", có nghĩa những người nghèo; họ được gọi như vậy có lẽ vì lối sống nghèo của họ) gồm những người Do-thái (tựa như Cêrintô, Simmacô, Carpocatê) trở lại Kitô giáo nhưng chỉ nửa vời; họ chủ trương phải giữ thói tục cắt bì như đạo cũ. Họ chấp nhận đức Giêsu như là Đấng Cứu tinh nhưng không phải như là Con Thiên Chúa. Vì vậy họ chỉ coi đức Maria là mẹ của con người Giêsu.

3. Nhóm Valentinô cũng chủ trương tương tự như nhóm ảo nhân. Họ cho rằng thân xác của đức Giêsu thuộc về thiên giới, được một hóa công (démiurge) nặn lên trong lòng trinh nữ dưới hình thái thiêng liêng, đi lướt qua đức Maria như nước chảy qua ống. Phái này không chối sự trinh khiết của đức Maria; ngược lại họ dùng sự trinh khiết để chứng minh rằng thân xác của Chúa Giêsu có tính chất thiêng liêng. Thánh Irênêo đã phản ứng mạnh mẽ chống lại phái này, bởi vì nếu Chúa Giêsu không nhập thể thực sự, không có thân xác như loài người chúng ta, thì thân xác của chúng ta sẽ không được nhận ơn cứu rỗi của Chúa.

4. Marciô cũng chủ trương gần giống như Valentinô. Ông ta đối chọi vật chất với tinh thần, thể xác với linh hồn, Chúa của Cựu ước (nghiêm khắc độc ác) với Chúa của Tân ước (khoan nhân thương xót). Vì thương nhân loại, Chúa của Tân ước đã sai Con mình tới cứu chuộc loài người. Tuy nhiên, đức Giêsu không phải là người thật: Ngài không có sinh ra và lớn lên, nhưng xuất hiện vào đời như người tráng niên. Con của Thiên Chúa tốt đã khoác lấy hình ảnh của một con người, chết trên thập giá để cứu chuộc loài người. Tuy nhiên ơn cứu chuộc chỉ ảnh hưởng tới linh hồn của con người chứ không ảnh hưởng tới thân xác vật chất. Để biện minh cho thuyết của mình về việc Chúa Giêsu không phải là người thật, Marciô trưng dẫn câu Kinh thánh, khi Chúa đặt câu hỏi : ai là mẹ ta và ai là anh em ta? (Mt 12,48) Nói thế có nghĩa là Ngài không có mẹ và không có anh em với ai hết; do đó Ngài không phải là người thật.
Nên biết là những luận điệu tương tự được lặp đi lặp lại nhiều lần trong thời các giáo phụ: ta thấy Tertulliano, thánh Irênêo đã phải đương đầu với họ; và sau đó hai thế kỷ, Ambrôsiô và Augustinô cũng viết những tác phẩm để bài trừ những sai lạc của họ. Khuynh hướng chung của họ là họ coi vật chất là đồ xấu xa, vì thế họ không thể chấp nhận Thiên Chúa nhập thể, nghĩa là có một thân xác vật chất được. Những ai không nhận Chúa Giêsu là người thật tất nhiên cũng chối đức Maria không phải là mẹ của Chúa Giêsu. Họ chấp nhận sự trinh khiết của Người, nhưng lại không nhận Người là mẹ.
Đối lại có những người chối bỏ việc đức Maria là mẹ trinh khiết. Vài phần tử của phái duy bần (ebionismus) nói trên đây coi đức Giêsu thực là con của bà Maria và ông Giuse; nhờ sự công chính và khôn ngoan, đức Giêsu được nâng lên cao trên hết mọi người. Một số người Do thái thì đồn rằng bà Maria, tuy đã kết hôn với Giuse, nhưng đã ngoại tình với một tên lính Rôma tên là Pantêra và sinh ra Giêsu. Dư luận ấy còn vang âm trong các tác phẩm của ông Celsô (tk.2) trong cuộc tranh luận với Origène.

C. Giáo lý về sự trinh khiết của đức Maria.
Các giáo phụ không ngừng tuyên xưng rằng đức Maria trọn đời đồng trinh. Với sự tiến triển của thần học, người ta bắt đầu tách ra ba giai đoạn của sự trinh khiết: trinh khiết khi mang thai, trinh khiết khi sinh con, và trinh khiết sau khi sinh.

1) Đức Maria mang thai trinh tuyền.
Các giáo phụ không hồ nghi gì về điểm này, và các ngài coi đó như một chân lý trụ của mạc khải đức tin. Theo thánh Inhaxiô Antiokia, chân lý về đức Maria làm mẹ Chúa Giêsu làm nổi bật chân lý về Chúa Nhập thể làm người, chống lại nhóm ảo nhân; còn chân lý về sự trinh khiết là một dấu chỉ của kế hoạch cứu rỗi tự do của Thiên Chúa: "Có ba mầu nhiệm vĩ đại được giấu trong cõi thinh lặng của Thiên Chúa, không cho thủ lãnh của thế gian biết, đó là sự trinh khiết của đức Maria, việc Người sinh con và cái chết của Chúa Giêsu" (thư gửi Ephêsô 19,1). Thánh Giustinô là người đầu tiên gọi đức Maria là đức Trinh nữ ra như là tên riêng vậy. Thánh nhân cố gắng giải thích mầu nhiệm của đức tin cho dân ngoại: Chúa Giêsu không sinh ra do việc giao hợp giữa đức Maria với một vị thần như kiểu thần thoại; song là quyền năng của Thiên Chúa đã nhập vào Người, đã che rợp Người và cho Người mang thai tuy vẫn trinh khiết. Thánh Irênêo cũng coi sự trinh khiết của đức Maria hướng tới chân lý của Đức Giêsu vừa là con người vừa là Con Thiên Chúa: xét vì đức Maria là mẹ thật, cho nên đức Giêsu là người thật, thuộc miêu duệ của Abraham; Ngài cũng là Con Chúa, vì Ngài được sinh ra từ muôn thuở từ Chúa Cha, chứ không do sự can thiệp của đàn ông (Dialogus cum Triphone, 100s: PG 6,709-712). Thánh Ireneô đã đả kích phái duy bần, khi họ dịch Isaia 7,14 sát bản Do thái như là "một cô gái sinh con": Nếu dịch như vậy thì đâu còn chi là điềm lạ nữa, vì có khác chi bao cô gái khác? Sở dĩ Kinh thánh gọi là dấu chỉ là tại vì một "trinh nữ" sinh con, một dấu lạ do Chúa ban chứ không do con người làm ra (Dialogo cum Triphone, 84: PG 6,676). Cũng thánh Ireneô là người đã so sánh Adong với Chúa Giêsu và Đức Maria với bà Eva: nếu Adong mà sinh ra bởi một người đàn ông khác, thì ta cũng có lý mà nói rằng Chúa Giêsu đệ nhị Adong cũng sinh bởi Giuse. Thế nhưng nếu Adong đã được Lời Chúa nhào nặn từ đất, thì Ngôi Lời, Đấng thu tóm trong mình Adong, lại càng phải giống Adong trong sự sinh ra: thế thì tại sao Thiên Chúa lại không lấy bụi đất một lần nữa để cho Adong đệ nhị được nặn trong lòng Maria? (Adv. Haereses III,21,6). Trong một đoạn chú giải sách Đaniel, thánh Hippolito đã để lại cho ta một chứng tích của Hội thánh vào thế kỷ thứ 2, gọi đức Maria là "Trinh nữ": "Vào thời viên mãn (70 tuần như Đaniel đã tiên báo), Thiên Chúa đã đến với chúng ta qua đức Trinh nữ (ex Parthénou) hòm bia vàng ròng, bên trong thì được Ngôi Lời thiết kế, còn bên ngoài thì do Thánh Thần. Ngài đã ban thân thể Ngài cho thế giới, nhờ vậy mà vừa tỏ ra chân lý lại vừa bộc lộ hòm bia" (In Dan. VI: PG 10,648).
Vào đầu thế kỷ thứ 3, Origène đã đặt việc tuyên xưng Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá ngang hàng với sự tuyên xưng Ngài được sinh ra do một mẹ đồng trinh: cả hai chân lý đều liên can tới bản thể của Chúa Giêsu (Com. in Jo. 24: PG 14,642).
Sau cùng niềm tin đồng nhất của Giáo hội công giáo được phát biểu trong kinh Tin kính công đồng Nixêa và Constantinopoli (325-381) như sau: "vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế; bởi quyền năng của Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh nữ Maria".

2) Trinh khiết khi sinh con.
Đây là một đề tài được phát triển lần lần từ thời các Giáo phụ. Chứng tích đầu tiên gặp thấy là Tuyển tập các thánh thi bài ca Salomon, một tập ca của các Kitô hữu vào đầu thế kỷ thứ 2. Bài ca số 19 viết như sau: "Thánh Thần giang tay đến bụng của Đức Trinh nữ, và Người đã mang thai và sinh con, và đã trở thành Mẹ Đồng trinh; người mang thai và sinh con mà không đau đớn; và để cho không có gì xảy ra vô ích, thì Người không tìm bà đỡ để giúp đỡ". Tư tưởng này được quảng diễn trong nhiều Phúc âm ngụy thư. Thậm chí các bè rối thuộc nhóm ảo nhân cũng chủ trương rằng màng trinh của đức Maria vẫn nguyên tuyền, và như vậy họ củng cố thêm học thuyết của họ về việc Chúa Giêsu không có thân xác con người.
Chính vì luận cứ về sự trinh khiết của đức Maria được cả phe lạc giáo sử dụng, nên không lạ gì mà một số giáo phụ đã tỏ ra dè dặt, nhất là khi phải diễn tả các hiện tượng sinh lý (màng trinh, máu me, vâm vân). Một lần nữa ta thấy rằng sự trinh khiết của đức Maria liên hệ tới đức tin về sự Nhập thể của Chúa Giêsu hơn là liên hệ tới bản thân của Đức Mẹ. Có những giáo phụ muốn rằng Chúa Giêsu ra đời như bao nhiêu sinh linh khác vì Ngài là con người thật. Thí dụ thánh Hilario: "Chúa Giêsu đã được sinh ra theo luật của bao con người khác, tuy Ngài đã không được thụ thai theo luật này" (De Trinitate 10,47). Từ sau thế kỷ thứ 4, các ý kiến của các giáo phụ mới bắt đầu ngã ngũ. Thánh Ambrosiô và Augustino lý luận rằng đức Maria đã mang thai không do khoái lạc nhục dục nên cũng sinh con không có đau đớn gì, không bị thương tích gì nơi thân thể. Augustino cho rằng nếu sự nhập thể đã xảy ra cách lạ lùng thì sự sinh ra cũng lạ lùng không kém (De Trinitate VIII, V.7). Nơi khác, Augustino ví sự sinh ra với sự Phục sinh: Chúa Giêsu đã sống lại tuy cửa mộ đã khép kín; Ngài cũng ra đời mà không làm đụng chạm tới màng trinh của Mẹ mình. (Ep. 137, 2.8; Sermo 191,1.2; In Jn 28,3) . Theo thánh Ambrosiô và thánh Augustinô, việc tin vào đức Maria trọn đời đồng trinh đòi buộc phải tin rằng đức Maria không bị đau đớn hay thương tích gì lúc sinh con (Ambrosio, Ep. 42,4; Augustino Enchiridion, 34,10). Bên Đông phương, thánh Ephrem, Andrea de Creta và Gioan Damascenô đều coi nhận rằng đức Maria đồng trinh khi sinh con theo nghĩa là không bị thương tích gì về thể lý.

3) Đồng trinh sau khi sinh con.
Hầu như tất cả các giáo phụ đều tuyên xưng rằng đức Maria đồng trinh sau khi sinh con, nghĩa là không có con nào khác sau khi đã sinh Chúa Giêsu. Tuy nhiên cũng nên biết rằng cho tới thế kỷ thứ 4 các giáo phụ không nhấn mạnh tới điểm này cho lắm, bởi vì họ chú trọng tới mầu nhiệm Nhập thể hơn là các chân lý tới đức Maria; và đối với các ngài, chuyện đức Maria đồng trinh sau khi sinh con không quan trọng cho lắm đối với tín điều Nhập thể.
Trong số những người phủ nhận sự đồng trinh của đức Maria sau khi sinh Chúa Giêsu ta có thể kể: Tertullianô (thế kỷ 2-3), Elviđiô, Bonosô (tk 4). Có thể nói là họ tìm cách để giải thích lý do tại sao Kinh thánh nói tới các anh em của Chúa Giêsu. Tertulliano cho rằng đức Maria đồng trinh cho tới khi sinh ra Chúa, rồi sau đó đã kết hôn (De monogamia 8; De carne Christi 7). Elviđiô thì muốn phản ứng lại những người coi rẻ đời sống hôn nhân, nên quả quyết rằng đức Maria không phải chỉ là mẫu gương của những người đồng trinh mà còn là mẫu gương của những đôi bạn nữa, bởi vì Người đã sống cả hai bậc (đồng trinh trước khi sinh Chúa Giêsu, và giao hợp vợ chồng sau khi sinh Chúa). Các ý kiến vừa nói đã bị đa số các giáo phụ phản ưng kịch liệt. Cách riêng Origène (Com. in Mattheum X,17) và Hiêrônimô (Adversus Helvidium) không những bảo vệ việc đức Maria trọn đời đồng trinh, nhưng còn đề cao Người như là người đầu tiên đã khấn giữ trinh khiết trọn đời. Để giải thích vì sao Phúc âm nói tới các anh em của Chúa Giêsu, các giáo phụ hoặc cho rằng đó là anh em họ, hoặc là những anh em cùng cha khác mẹ (Giuse góa vợ, dựa vào ngụy thư Phúc âm theo Giacôbê)!
Ngoài việc khẳng định sự kiện đức Maria trọn đời đồng trinh, các giáo phụ cũng đào sâu thêm ý nghĩa của nó: sự trinh khiết của đức Maria là hình ảnh của Hội thánh. Đức Maria không những là mẫu gương cho những người tận hiến cho Chúa mà còn cho toàn thể Hội thánh nữa. Hội thánh cần học hỏi nơi đức Maria về cách thức sinh ra các phần tử mới cho đức Kitô một cách đồng trinh.

Mục II. MẸ THIÊN CHÚA
Ngoại trừ nhóm ảo-nhân (cách riêng Marxiô), không có ai chối đức Maria là mẹ của Chúa Giêsu. Vấn đề được đặt ra là đức Maria có phải là Mẹ của Thiên Chúa hay không? Một lần nữa, ta thấy rằng chân lý này liên quan tới thân thế của đức Kitô hơn là bản thân của đức Maria. Thực vậy, then chốt của câu trả lời ở chỗ người con do bà Maria sinh ra là ai: có phải là Con Thiên Chúa hay không?

A. Những lạc giáo phủ nhận chức Thiên Mẫu

1) Vài nhóm ngộ đạo gián tiếp phủ nhận chức Thiên Mẫu khi họ chủ trương có hai vị Giêsu: một vị do bà Maria sinh ra và một vị khác trở thành đức Kitô khi lĩnh phép rửa và được Thánh Thần cung hiến. Vì thế bà Maria chỉ là mẹ của ông Giêsu chứ không phải là mẹ của đức Kitô. (Một số giáo phụ đã diễn tả lại cách trình bày của nhóm này như sau: Ta có thể ví đức Maria như là bà mẹ của các giám mục: họ sinh ra một người con và người con ấy làm giám mục chứ bà không có sinh ra giám mục).
2) Phái duy bần coi đức Giêsu như một đại thánh, một nhà giảng thuyết tài ba. Phái nghĩa tử (adoptionismus), tiêu biểu là Phaolo Samosata, coi đức Giêsu như một vĩ nhân tài cao đức độ, nên được Chúa nhân làm con nuôi (dưỡng tử). Do đó bà Maria là mẹ của ông Giêsu chứ không phải là mẹ của Con Thiên Chúa.
3) Sau cùng Nestorio. Chính vì thuyết của ông mà công đồng Êphêsô đã phải lên tiếng.

B. Lập trường của các giáo phụ

Trước thế kỷ thứ 5, tước hiệu "Thiên Mẫu" ít được nói tới bên Tây phương. Bên Ai cập, vào đầu thế kỷ thứ 3, tước hiệu này đã xuất hiện qua chứng tích về bản kinh cổ nhất kính đức Maria: Sub tuum praesidium: Chúng con đến nương náu dưới sự che chở của Người, ôi Mẹ Thiên Chúa; xin đừng chê bỏ lời chúng con van nài nhưng xin hãy cứu chúng con thoát mọi hiểm họa, ôi Trinh nữ đáng chúc tụng (Tiếng Việt quen dịch là kinh "Chúng con trông cậy ...).
Nhưng ngay từ những thế kỷ đầu tiên đã có những giáo phụ đã nói tới tước hiệu Thiên Mẫu. Vài thí dụ. Thánh Inhaxiô viết: "Chỉ có một lương y, vừa thể xác vừa tinh thần, vừa được sinh ra lại vừa hằng hữu, trở thành Thiên Chúa nhập thể, sự sống thật ngay trong cái chết, sinh bởi đức Maria và bởi Thiên Chúa, trước đó chịu đau khổ và sau đó không còn đau khổ nữa, đó là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta... Thiên Chúa chúng ta, đức Giêsu Kitô, đã được cưu mang trong lòng đức Maria theo nhiệm ý của Chúa, do dòng dõi Đavít và do Thánh Thần" (Ad Ephes. 7,2; 18,2). Thánh Giustino cũng tuyên xưng rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa, đã nhập thể trong lòng trinh khiết của đức Maria, vì vậy mà Người là mẹ của Chúa Giêsu: "Kinh thánh đã mạc khải cho chúng ta hết mọi điều này. Chúng ta nhìn nhận Đức Giêsu như là con đầu lòng của Thiên Chúa, trước hết mọi loài thụ tạo; như là con của các tổ phụ, bởi vì Ngài là thuộc dòng dõi của họ, đã làm người trong lòng đức Maria" (Dialog. cum Triphone 100,2). Thánh Irênêo đã phi bác các phe lạc giáo như sau: "Con Thiên Chúa đã sinh ra bởi Trinh nữ và là Đức Kitô vị Cứu thế; chứ không phải như có vài người nói, đức Giêsu thì do bà Maria sinh ra còn đức Kitô thì từ trời xuống" (Adv. Hareses 3,16,2). Đối với Irênêo, chân lý về Thiên Chúa nhập thể liên hệ tới toàn thể sự cứu rỗi nhân loại: Con Thiên Chúa làm người để tập cho con người làm quen với việc tiếp nhận Thiên Chúa và tập cho Thiên Chúa quen sống với loài người, theo như ý định của Chúa Cha. Chính Thiên Chúa đã ban cho chúng ta dấu chỉ của ơn cứu rỗi, đó là Emmanuel sinh bởi đức Trinh nữ, Ngài đến cứu rỗi những người không thể cứu lấy mình. (Adv. Haer. III,20, 2-3; 22,1-2).
Từ thế kỷ thứ 4 trở đi, tước hiệu trở nên phổ thông bên Đông (Theotokos) cũng như bên Tây (Dei Genetrix). Giáo Hội sử dụng tứơc hiệu này nhiều hơn cả xem ra là Alexandria (Ai cập): ngoài những bản văn phụng vụ (Kinh Sub tuum nói trên đây), còn có nhiều tác phẩm thần học của thánh Alexandro giáo phụ Alexandria (+325), thánh Athanasiô viết để phi bác lạc giáo ariô. Các vị đã nhấn mạnh đến đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa sinh ra bởi đức Maria, Mẹ của Thiên Chúa (Theotokos).
Từ công đồng Êphêsô (431) trở đi, tước hiệu "Thiên mẫu" trở nên thông dụng trong các Giáo hội bên Đông phương cũng như bên Đông phương, tuy phải nhận rằng có người đã hiểu và giải thích lệnh lạc tước hiệu đó ra như đặt đức Maria làm mẹ của cả Ba ngôi! Dĩ nhiên, các giáo phụ đã cố gắng giải thích ý nghĩa chính xác của tước hiệu đó. Một thí dụ là thánh Vincent Lérins (Commonitorium) đã trách cứ những ai chủ trương rằng đức Maria chỉ là mẹ của ông Giêsu khi còn là người, chứ không còn phải là mẹ sau khi ông ta trở thanh Thiên Chúa nữa; không phải như thế! người con mà bà sinh ra là Ngôi Lời làm người, một con người cũng là Thiên Chúa.

Mục III. SO SÁNH EVA - MARIA.

Ngay từ giữa thế kỷ thứ 2, các giáo phụ đã thường so sánh đức Maria với Evà. Nổi bật hơn cả là thánh Giustinô (+ k.165) và thánh Irênêô (+ k.202). Đại khái, lập luận của thánh Giustinô (x. Dialogus cum Triphone 100,4-6: PG 6,709C - 721A) có thể tóm lại như thế này.
+ Eva. 1) đồng trinh; 2) đã tin và vâng lời con rắn; 3) vì tin vào con rắn nên đã trở thành mẹ của mọi người trong tội lỗi và sự chết.
+ Maria. 1) đồng trinh; 2) đã tin và vâng lời thiên sứ; 3) vì đã vâng lời nên đã trở nên mẹ của Đấng toàn thắng quỷ dữ và giải thoát con người khỏi sự chết.
Trọng tâm của giáo lý của thánh Irênêo (x. Adversus haereses III, 22: PG 7, 958-960) là sự đối chọi giữa hai nguyên thủ của nhân loại: Adong và Chúa Giêsu. Adong là đầu của nhân loại, vì vậy sự sa ngã của ông lôi kéo theo sự sa ngã của toàn thể nhân loại. Vì vậy nếu nhân loại muốn trở về với chính lộ hợp theo kế hoạch của Thiên Chúa thì cần tìm ra một đầu mới. Đầu ấy chính là đức Kitô; Ngài phải đi ngược lại con đường mà Adong đã đi vào tội lỗi và sự chết: nếu Adong đã phạm tội vì bất tuân thì đức Kitô cứu con người khỏi tội bằng sự tuân phục. Chính trong bối cảnh ấy mà thánh Irênêo đã đặt đức Maria như là một cộng sự viên: cũng như bà Eva đã hợp tác với Adong khi phạm tội như thế nào thì giờ đây đức Maria (Evà mới) cũng hợp tác với đức Kitô (Adong mới) như vậy. Mặt khác, vai trò hợp tác của đức Maria nằm trong chương trình của Thiên Chúa, được bày tỏ qua việc Thiên sứ truyền tin tựa như kêu mời cộng tác. Đức Maria đã thuận nhận sứ mạng đó, sát cánh với đức Kitô đầu của nhân loại. Từ thánh Irênêo trở đi, các giáo phụ khai triển vai trò của đức Maria trong kế hoạch cứu rỗi, đối lại với Eva đã lôi kéo tai họa cho nhân loại. Thí dụ những tư tưởng sau đây của thánh Ephrem: "Sự chết đến từ Eva, sự sống từ Maria; Vì Evà mà đêm tối lan tỏa; vì Maria mà ánh sáng bừng lên.." (Hymni de B. Maria).
[N.B. Tưởng cũng nên biết là từ thế kỷ thứ IV, một số giáo phụ không phải chỉ coi Evà như hình ảnh tiên báo của đức Maria mà còn như hình ảnh của Hội thánh nữa. Thí dụ thánh Augustino ví Giáo hội được phát sinh từ cạnh sườn bị đâm thủng của Chúa Giêsu chết trên thập giá, cũng giống như bà Evà được sinh ra từ sườn ông Adong đang khi ông ngủ (In Joan. ev. tr. IX,10)]
Hình ảnh của đức Maria như bà Evà mới được các giáo phụ sử dụng để nói đến sự cộng tác của Mẹ trong kế hoạch cứu rỗi nhân loại. Nhưng các giáo phụ ít xét đến chính mối tương quan giữa đức Maria với Chúa Cứu thế: ơn cứu rỗi mà Chúa mang lại có tác dụng gì với đức Maria? Có thể nói là từ thế kỷ thứ IV trở đi, các giáo phụ mới chú ý tới những câu hỏi đó, nhất là từ sau công đồng Êphêsô. Xét theo thứ tự thời gian, thì các giáo phụ bàn tới hậu quả của ơn cứu chuộc nơi đức Maria qua ơn được thông dự vào sự sống lại của đức Kitô (mông triệu) trước khi nói tới sự chuẩn bị tâm hồn của Người được tinh tuyền xứng đáng làm Mẹ Thiên Chúa (vô nhiễm nguyên tội). Nhưng chúng ta sẽ đảo lộn thứ tự, đi từ khi bắt đầu cho tới lúc kết liễu cuộc sống dương thế của Người.

Mục IV. SỰ THÁNH THIỆN CỦA ĐỨC MARIA

Trong những thế kỷ đầu tiên, Giáo hội chú trọng vào thân thế của đức Kitô, bị bao nhiêu mũi dùi của người ngoại đạo hoặc của các phe lạc giáo công kích. Vì vậy, không ai nghĩa đến các chuyện liên can tới đức Maria. Thực ra, không thiếu những người tấn công đức Maria, đặc biệt là sự trinh khiết của Người, với mục tiêu để mạ lị chính Chúa Giêsu. Trường hợp điển hình là Celso lặp lại những luận điệu của một số người Do thái coi Chúa Giêsu như là con ngoại tình giữa bà mẹ với một tên lính Lamã.
Mặt khác, khi muốn đề cao rằng duy chỉ có Chúa Giêsu mới là Đấng Thánh, một số giáo phụ đã vạch ra vài khuyết điểm nơi mẹ của Ngài. Thí dụ Tertulliano ví đức Maria như tiêu biểu của đạo Do thái cứng lòng tin, vì vậy mà Chúa Giêsu đã chuyển các phúc lộc lẽ ra dành cho kẻ cưu mang Đấng Cứu thế sang cho các đồ đệ tin vào Ngài. Origène thì giải thích ý nghĩa của lưỡi gươm đâm thâu qua lòng bà mẹ (mà cụ già Simêon tiên báo) như là những nghi ngờ về thiên tính của đức Kitô (In Luc. homilia 17: PG 13, 1845). Tuy nhiên, cần phải thêm rằng Origène đã gọi đức Maria là Đấng "toàn thánh" (Panagía, tota sancta: In Luc. hom. 6: PG 13,1816): Người toàn thánh vì sứ mạng cao cả mà Chúa dành cho; sự thánh thiện của Người bắt nguồn từ ơn cứu chuộc mà Con của Người mang lại (In Luc. hom. 7: PG 13,1817).
Dần dần đạo lý về sự thánh thiện của đức Maria phát triển do những nhân tố như sau.
1) Một số Phúc âm ngụy thư, phản ảnh của lòng đạo đức bình dân, đã nói tới việc đức Maria được dâng hiến trong đền thờ từ khi mới lên ba tuổi, và hàng ngày chuyên lo việc nguyện kinh thờ phượng Chúa không khác gì người lớn (x. Phúc âm nguyên khởi của Giacôbê; Phúc âm ngụy Mathêo).
2) Sự so sánh giữa Evà với Maria đã đưa các giáo phụ, tựa như Irêneô, làm nổi bật các nhân đức của Maria (tin và suy phục lời Chúa) đối lại với sự bất tuân của Eva. Từ đó Irênêo đề cao đức Maria như mẫu gương thánh thiện.
3) Từ thế kỷ thứ 4, một nhân tố khác dần đưa tới việc đào sâu đời sống thánh thiện của đức Maria là sự trinh khiết của Người: trước đó, sự trinh khiết được nhìn trong tương quan với mầu nhiệm Nhập thể (nghĩa là thân thế của Chúa Giêsu), nhưng dần dần các giáo phụ hướng qua bản thân của đức Maria. Sự trinh khiết phản ánh đời sống tinh tuyền không có tì ố tội lỗi gì: không những khiết tịnh về thân xác mà nhất là khiết tịnh trong tâm hồn. Khuynh hướng này được phát triển nơi các thánh Ambrosiô, Augustinô. Tuy nhiên, chưa có thể kết luận rằng các vị này nói tới đức Maria vô nhiễm nguyên tội, bởi vì vấn đề thần học của tội nguyên tổ chưa được phát triển vào thời này.
4) Sau công đồng Êphêsô (431) lòng sùng kính đức Maria tăng gia trong Giáo hội, với những lễ phụng vụ (thiết lập trong khoảng thế kỷ V-VII) kính mầu nhiệm truyền tin (25/3), sinh nhựt Đức Mẹ (8/9), việc thiếp ngủ (dormitio 15/8), sự đầu thai (8/12). Các giáo phụ tăng gia lời ca tụng đức Maria như đền thờ của Chúa, cung thánh được Chúa Thánh Thần trang điểm để tiếp đón Ngôi Lời. Đức Maria được các giáo phụ Đông phương tuyên dương là "Panagía" (thánh thiện mọi bề). Truyền thống này cũng được phản ánh trong bài thánh ca "Akáthistos" (nghĩa đen là : không ngồi, tức là đứng suốt thời gian hát) ra đời khoảng cuối thế kỷ V hay đầu thế kỷ VI: đức Maria được chúc tụng như là "cột của sự thanh sạch", "kẻ không vương tì ố", "thánh nhân".

Mục V. SỰ LÌA THẾ CỦA ĐỨC MARIA.

Đề tài này xuất hiện muộn trong các tác phẩm của các giáo phụ. Có thể nói là cho tới thế thứ 6, các giáo phụ bên Đông cũng như bên Tây đều cho rằng đức Maria không sợ gì cái chết, bởi vì Người tin chắc sẽ được chia sẻ sự sống lại với Con mình sau khi đã chia sẻ với cái chết của Chúa dưới chân thập tự (Thí dụ Ambrosiô, Augustinô bên Tây; Ephrem, Epiphaniô bên Đông).
Từ sau công đồng Êphêsô, một lễ kính Đức Thiên mẫu vào ngày 15 tháng 8 dần dần mang ý nghĩa tửơng nhớ ngày Ngài lìa thế (Cũng như phụng vụ cử hành lễ các thánh vào ngày qua đời, ngày sinh vào thiên quốc: dies natalis). Lúc đầu, đề tài Đức Mẹ qua đời được tường thuật trong các ngụy thư, với những chi tiết chung quanh cuộc ra đi của đức Maria. Thí dụ tác phẩm mang danh là Phúc âm theo thánh Gioan (khoảng thế kỷ thứ 3), thuật lại rằng một thiên sứ cầm ngành thiên tuế đến báo cho đức Maria rằng còn 3 ngày nữa Người sẽ lìa thế. Đức Mẹ hân hoan tạ ơn Chúa, và báo cho Gioan biết. Gioan liền quy tụ hết các tông đồ lại (kể cả Phaolo). Vào ngày hôm trước khi Đức Maria ly trần, Phêrô giảng cho nhân dân một bài về ý nghĩa biến cố sắp diễn ra. Vào đúng ngày đã định, vào hồi 9 giờ sáng, Chúa Giêsu hiện đến: đức Maria ra đón và phó linh hin cho Chúa. Chúa Giêsu ra chỉ thị cho Phêrô về việc tống táng Mẹ Ngài, và giao linh hồn của Mẹ cho thiên sứ Micae. Xong rồi tất cả đều biến đi. Khi cử hành lễ nghi an táng, nhiều phép lạ đã xảy ra, trong đó có cả Thượng tế Do thái trở lại đạo. Sau 3 ngày, Chúa Giêsu lại hiện ra, đến ở cửa mồ của mẹ, và ra lệnh cho các sứ thần mang xác về trời. Thiên sứ Micae lại trả lại hồn vào thân xác, và đạt Người trên cây hằng sống.
Những giòng vừa nói không có giá trị lịch sử và đạo lý gì cả; nhưng nó biểu lộ một lòng tin bình dân của các tín hữu, theo đó đức Maria đã về trời cả hồn cả xác. Lòng tin bình dân được biểu hiện qua các danh hiệu gắn vào ngày 15 tháng 8: lễ kính Đức Mẹ "ngủ yên" (an nghỉ: koímêsis, dormitio), hay "qua đời" (metastasis, transitus), hay "di chuyển" (translatio). Nhân dịp cử hành buổi lễ đó mà các giáo phụ đã để lại cho hậu thế những bài giảng làm chứng tích của niềm tin của thời đại, tựu trung vào những điểm sau đây:
1. Đức Maria đã chết thật, tuy rằng cái chết đó, dưới ánh sáng Phúc âm, được coi như giấc ngủ (dormitio). Bởi vì đối với Kitô hữu, chết không phải là mất sự sống vĩnh viễn, nhưng chỉ là gián đoạn sự sống chốc lát, và sau đó sẽ trở lại sự sống, và sự sống hoàn hảo hơn.
2. Tuy nhiên, cái chết không làm tan hủy thân xác của Người, bởi vì Người đã sống lại với Con mình. Những lý do mà các giáo phụ biện minh cho sự sống lại tóm lại như sau. (i) Thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa: không có lý gì mà thân xác đã sinh ra đức Kitô (tức là thân xác của đức Kitô) lại tan rữa trong mồ. Khômg lẽ gì Chúa Giêsu lại không tỏ lòng tôn kính với Mẹ mình để làm gương cho chúng ta về lòng thảo kính với cha mẹ. (ii) Thân xác của đức Maria được đầu thai nguyên tuyền, cho nên không đáng phải chịu đau khổ do sự hủy hoại trong phần mộ. (iii) Đức Maria cũng chi sẻ thân phận với đức Kitô cũng như trước đây Eva chia sẻ số phận với Adong. Chúa Kito, Adong mới, đã lãnh nhận cái chết để đập tan cái chết; đức Maria cũng tình nguyện chịu chết để tỏ lình liên đới với đức Kitô và với nhân loại, nhờ vậy cũng được thông phần vào sự chiến thắng tử thần như đức Kitô. (iv) Đức Maria đã đựơc Chúa cứu chuộc: hậu quả toàn vẹn của ơn cứu chuộc là sự sống lại thân xác, chứ không phải chỉ là sự bết tử của hồn thiêng. (v) Đức Maria phục sinh là dấu chỉ cho Hội thánh: các người công chính của cả Cựu và Tân ước đều nhìn ngắm đức Maria về trời như dấu hiệu tiên báo số phận của mình. Thiết tưởng cũng nên biết là vào thời các giáo phụ, việc Chúa Giêsu về trời và đức Maria về trời cũng đều được gọi bằng một danh từ như nhau: análepsis, assumptio; mãi về sau mới có sự phân biệt giữa Chúa thăng thiên (ascensio), nghĩa là về trời do quyền năng của mình; còn Đức Mẹ thì được mang về trời (assumptio).