Lễ Giáng Sinh ở Ethiopia - Một Ngày Hân Hoan


Lễ Giáng Sinh ở Ethiopia - Một Ngày Hân Hoan


 
Giáo hội lớn nhất ở Ethiopia không phải là Giáo hội Công giáo Rôma, mà là Giáo hội Coptic. Giáo hội này rất cổ xưa và truyền thống có nguồn gốc từ vị hoạn quan Ethiopia mà phó tế Philip đã cải đạo trên đường từ Jerusalem đến Gaza (Cv 8, 26-40). Phụng vụ và nghi lễ của Giáo hội này cũng rất cổ xưa. Đây là cách thức Giáo hội này tổ chức lễ Giáng Sinh.
 
Ở Ethiopia có những lễ hội nổi tiếng được tổ chức ngoài trời: Timket (Lễ Chúa chịu phép Rửa) và Meskel (Lễ Phát hiện cây Thánh giá). Đây là những lễ hội rất được ưa chuộng, cũng được tổ chức như những lễ hội sum họp gia đình, giống như Tết ở Việt Nam. So với những lễ hội này, lễ Giáng Sinh và thậm chí cả lễ Phục Sinh dường như có tầm quan trọng thứ yếu và trên thực tế những ngày lễ này được tổ chức theo một cách đơn giản hơn.
 
Tuy nhiên, trong lịch của Giáo hội Coptic - cũng như trong lịch của Giáo hội Công giáo - lễ Giáng Sinh và lễ Phục Sinh là trung tâm của hai phần quan trọng trong Năm Phụng vụ. Trong đó, chu kỳ Phục Sinh là lâu đời nhất và phong phú nhất về mặt nghi lễ, còn chu kỳ Giáng Sinh thì được hình thành muộn hơn.
 
Lễ Giáng sinh không được tổ chức vào ngày 25 tháng 12 mà vào ngày 07 tháng 01. Chu kỳ Giáng Sinh bắt đầu bằng một thời gian dài ăn chay, tương ứng với Mùa Vọng trong nghi lễ Rôma. Chu kỳ bắt đầu vào khoảng ngày 15 tháng 11 và được chia thành hai phần. Phần thứ nhất được gọi là ‘Khẩn Cầu’ và bao gồm 4 ngày Chúa nhật. Chủ đề chính của phần này là giáo huấn người tín hữu phải sống tuân theo các điều răn. Phần thứ hai, được gọi là ‘Thời gian Loan báo’, bắt đầu từ ngày 16 hoặc 22 tháng 12 và bao gồm ba ngày Chúa nhật, kết thúc vào tối ngày 06 tháng 01, đêm canh thức lễ Giáng Sinh. Nói đến ‘loan báo’ trước hết là nói đến việc các tiên tri loan báo về sự xuất hiên của Đấng Thiên Sai.
 
Từ ‘ăn chay’ hoặc Tsom trong truyền thống Ethiopia cũng bao gồm những gì mà ở phương Tây được gọi là ‘kiêng khem’. Ăn
chay chủ yếu là không ăn uống bất cứ thứ gì từ đêm hôm trước cho đến ba giờ chiều, thời điểm việc cử hành nghi thức Thánh Thể sẽ kết thúc. Tuân thủ quy định kiêng khem đòi hỏi người tín hữu không được ăn thịt, sữa, trứng hoặc bất kỳ chất béo động vật nào.
 
Năm 1993, cá cũng được coi là vi phạm việc kiêng khem, và do đó, đã bị cấm. Lễ Giáng Sinh hay lễ Gena (Chúa Giêsu ra đời) luôn được tổ chức vào ngày 07 tháng 01. Bắt đầu vào tối hôm trước với buổi Wazema tức là buổi ‘Kinh Chiều’, một buổi cầu
nguyện kết hợp giữa các bài thánh ca và các bài đọc. Tiếp theo là cử hành long trọng nghi thức Thánh Thể, bắt đầu vào lúc nửa đêm và kết thúc vào khoảng 04 giờ sáng. Sau Thánh lễ, và đã về đến nhà, người ta tổ chức ‘bữa tiệc’ kết thúc bảy tuần dài ăn chay. Đây là thời điểm kết nối ‘bền chặt’ của đời sống gia đình và mỗi hộ gia đình, dù nghèo khó đến đâu, cũng sẽ cố gắng không thiếu một chút thịt. Tại các thôn làng trên khắp đất nước, thông thường là nhiều gia đình tập hợp lại và hiến tế một con vật rồi cùng ăn chung hoặc chia thịt với nhau để mang về nhà.
 
Ngày lễ Giáng Sinh không bao giờ là ngày ăn chay, ngay cả khi ngày lễ rơi vào thứ Tư hoặc thứ Sáu, những ngày bắt buộc ăn chay trong suốt thời gian còn lại của năm. Đó là một ngày hân hoan vì điều kỳ diệu là Thiên Chúa đã đến để cùng mang lấy thân phận con người của chúng ta trong lòng của Đức Trinh Nữ Maria, một thụ tạo giống như chúng ta.
 
Khoảng thời gian kéo dài từ ngày 07 đến ngày 18 tháng 01 được gọi là giai đoạn ‘Chúa Giêsu lớn lên ở Nazareth’ và kéo dài cho đến đêm canh thức Timket nghĩa là ‘Chúa chịu phép Rửa’. Đây cũng là một ngày lễ không thay đổi trong lịch và được tổ chức vào ngày 19 tháng 01. Vào ngày trước đó, ngày 18 tháng 01, diễn ra một cuộc rước kiệu long trọng, gọi là Tabot: một bản sao các tấm Bia Lề Luật được giữ ở gian trong cùng của mỗi nhà thờ được đưa ra và rước đi giữa các bài thánh ca và các điệu múa tới một nơi có lều đã được dựng sẵn và Bia Lề Luật sẽ được đặt ở đó qua đêm.
 
Lễ rước này nay đã là một phần của lễ hội Timket, mà, như đã nói ở trên, là một trong hai lễ hội đầy màu sắc nhất trong năm. Rước kiệu trọng thể lễ hội Timket Mùa Giáng Sinh vẫn chưa khép lại với lễ hội Timket. Mùa Giáng Sinh v ẫn tiếp tục trong một vài tuần nữa bởi vì, cho đến khi chịu phép Rửa, Chúa Giêsu chỉ mới tỏ mình cho một vài người, còn sau khi chịu phép Rửa, Chúa Giêsu mới tỏ mình vừa là Thiên Chúa vừa là con người cho nhiều người. Giai đoạn mới này được gọi là ‘Giai đoạn Thanh Tẩy và Hiển Linh’. Giai đoạn này có thời gian kéo dài vài tuần, và thời gian này thay đổi theo từng năm. Vào cuối giai đoạn này, việc cử hành lễ Giáng Sinh kết thúc và Giáo hội bước vào chu kỳ Phục Sinh với một thời gian dài ăn chay khác, tương ứng với Mùa Chay của Giáo hội Công giáo Rôma.
 
Tác giả: Juan González Núñez
Nguồn: Southworld.net