Các yếu tố qui định tâm tính con người

Bẩm sinh và bản năng thì áp đặt và khó thay đổi, nhưng chỉ là “hạt giống” chứa đựng “mầm nhân cách”.
Các yếu tố qui định tâm tính con người

      Trong giao tế, ta dễ dàng nhận thấy các cá nhân có tâm tính rất khác nhau. Tại sao lại có sự khác biệt này? Và đâu là những yếu tố quy định tâm tính riêng của mỗi người?
 
      Trong tâm lý học có hai quan niệm đối kháng nhau về tính cách con người. Một bên cho rằng tâm tính do bẩm sinh hay tất định nên bất biến; bên kia cho rằng giáo dục và nỗ lực của chính cá nhân có thể tác động thay đổi tâm tính. Có thể công thức hóa sự đối kháng của hai khuynh hướng ấy như sau. 
-    Tâm tính do bẩm sinh qui định  > <  do nuôi dạy mà ra.
-    Tâm tính chịu sự tất định của bản năng và vô thức > < do
      mỗi cá nhân tự lựa chọn. 

a)    Do bẩm sinh hay do nuôi dạy? (Nature vs Nurture)

      Trong tục ngữ dân gian Việt Nam, các ý kiến về vấn đề này cũng phân rẽ theo hai hướng vừa nói: 
•    “Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính” cho rằng bản chất của cá nhân là do bẩm sinh. Dù cha mẹ có dạy dỗ uốn nắn thế nào, thì kẻ ngỗ nghịch cũng hoàn ngỗ nghịch.

•    “Nhân chi sơ, tính bổn thiện” đổ lỗi cho môi trường và việc nuôi dạy. Mọi người sinh ra đều thiện hảo như “tờ giấy trắng”; thế nhưng chính môi trường xấu và việc giáo dục thiếu sót đã khiến cá nhân đánh mất cái thiện bẩm sinh. 
      Chúng ta hãy xét xem các yếu tố thuộc bẩm sinh và môi trường tác động thế nào trên tâm tính và hành vi của cá nhân.

                 Bẩm sinh                           Môi trường nuôi dạy

-    Đặc điểm di truyền 
-    Khí chất bẩm sinh 
-    Xu hướng của cá nhân
-    Nhu cầu, sở thích riêng…    
-     Ảnh hưởng của gia đình
-     Giáo dục nhà trường
-     Giáo dục đức tin, giáo xứ
-     Bạn đồng trang lứa…
       
      Qua bản liệt kê trên, ta thấy cả hai nhóm yếu tố bẩm sinh và môi trường đều tác động trên tính cách riêng của mỗi cá nhân. Yếu tố bẩm sinh thì giống như “hạt giống” chứa đựng mầm căn bản của nhân cách; còn môi trường như mảnh đất cho hạt giống cắm rễ vào, hút lấy chất bổ để tăng trưởng và định hình thành một nhân cách trưởng thành. 

     Cũng như trong trồng trọt, việc chăm bón, cắt tỉa có thể biến một hạt giống bình thường phát triển thành một cây to đẹp, thì môi trường nuôi dạy và cách thức giáo dục tốt cũng có thể đảo chiều những xu hướng bẩm sinh thiếu lành mạnh nơi cá nhân. Vì lý do đó ta không nên bi quan trong giáo dục; trái lại cần đẩy mạnh hơn việc uốn nắn trong mọi trường hợp. Câu chuyện “Mẹ Thầy Mạnh Tử dạy con” là một minh họa rõ nét về vai trò của môi trường lành mạnh và việc nuôi dạy. 

       Chuyện kể rằng Mạnh Tử lúc còn rất nhỏ nhà sống gần bãi tha ma. Ngày nào cũng chứng kiến những đám ma, Tử và năm bạn khác cứ bắt chước tổ chức đám ma lăn lộn gào khóc. Mẹ Tử bèn dọn nhà vào làng ở gần một khu phố chợ; nhưng chợ thì lúc nào cũng ồn ào chuyện trả giá, mua bán và cãi vã, khiến Tử lại nhiễm thói hư. Thế là Mẹ Tử nghĩ rằng chỉ có cách dọn về gần nhà Thầy đồ. Quả như Mẹ Tử nghĩ, dù chưa tới tuổi đi học, ngày ngày trẻ Mạnh Tử cứ ê a nhái theo bài học của lũ trẻ nhà bên. Nhờ đó Tử đã sớm ham mê sách đèn từ bé, và lớn lên học hành giỏi giang trở thành “Thầy Mạnh Tử”.  
b)    Do tất định hay lựa chọn cá nhân? (Deteminism vs Freedom)

       Chúng ta thử xem các trường phái tâm lý nhân cách có lập trường như thế nào trước câu hỏi thứ hai này.

    Theo Phân tâm học, nơi cá nhân không chỉ có các hành vi hữu thức, mà có cả những hành vi vô thức do bản năng và vô thức tất định. Thế nhưng, nếu cá nhân ý thức được những tác động tiêu cực của vô thức nơi mình và quyết chí sửa đổi thì họ vẫn có thể cải thiện nhân cách của mình được triển nở hơn. Như vậy, dù thiên về thuyết tất định của các yếu tố sinh học và bẩm sinh, phân tâm học vẫn nhìn nhận rằng ý thức và lựa chọn của cá nhân vẫn là yếu tố quyết định cuối cùng trên nhân cách. 

    Bên cạnh đó ba trường phái tâm lý nhận thức, nhân bản và hiện sinh nhìn nhận rằng bản năng và vô thức chỉ quy định phần nào chứ không tất định tính cách. Trái lại, chỉ có ý thức và tự do lựa chọn của cá nhân mới quyết định tính cách, hướng phát triển và lối sống của mỗi cá nhân. 

      Tóm lại, phần trình bày trên cho thấy cả bốn yếu tố bẩm sinh & tất định; nuôi dạy & lựa chọn của cá nhân đều tác động trên tính cách của mỗi người, nhưng mỗi yếu tố tác động theo những cách thức và mức độ khác nhau. 

-    Bẩm sinh và bản năng thì áp đặt và khó thay đổi, nhưng chỉ là “hạt giống” chứa đựng “mầm nhân cách”.

-    Còn yếu tố môi trường nuôi dạy lành mạnh và khả năng nhận thức & tự quyết của cá nhân lại năng động và có thể làm thay đổi tình trạng của cá nhân. Chúng quyết định nét tính cách và hướng phát triển nhân cách của cá nhân. Vì tin vào khả năng thay đổi của cá nhân, nên cần tăng cường việc giáo dục hầu giúp cá nhân có được nhận thức đúng đắn cũng như ý chí vượt lên trên chính mình.