Thánh Vịnh, mảnh đất dày


Bài đọc thiêng liêng
 
THÁNH VỊNH,
mảnh đất dầy

 
Cầu nguyện với Thánh Vịnh chắc chắn sẽ gặp phải những trở ngại[1].Tuy nhiên, những trở ngại này ít khi được nêu thành vấn đề, vì đó là những trở ngại “xưa như trái đất” và nhất là vì chúng ta đã quá quen với chúng rồi. Khi Kinh Thánh làm chúng ta ngạc nhiên hay khơi dậy những câu hỏi, những nỗ lực tìm lời giải thích thì tốt hơn là thái độ “thôi kệ”. Bởi vì những khó khăn, khi được nhìn trực diện, thường hay trở thành những điểm phát sáng. Trong chương này, chúng ta sẽ đối diện với hai khó khăn lớn khi đọc hoặc hát một số Thánh Vịnh, trong đó :

  • Tác giả Thánh Vịnh tự cho mình là người công chính trước mặt Thiên Chúa.

  • Và đôi lúc, người kêu cầu thốt ra những lời quá gay gắt chống lại thù địch của mình.

Dường như, trong các trường hợp này, tác giả Thánh Vịnh tự đặt mình trong tư thế đối lập với các nhân đức khiêm tốn thú tội và quảng đại thứ tha !
 
I. Tại sao tác giả Thánh Vịnh tự cho mình là người công chính?

Chắc hẳn một số câu Thánh Vịnh đã làm chúng ta khựng lại, và khi đọc hoặc hát những câu này, có lẽ chúng ta đã vội vàng lướt sang những câu tiếp theo[2]. Tuy nhiên, những câu như thế lại không hiếm :
Lạy CHÚA là Đấng xét xử muôn dân nước,
xin CHÚA xử cho con, vì con công chính và vô tội.
(Tv 7, 9)

Con chẳng theo thói đời buông những lời sai trái.
Con tuân giữ mọi lời Chúa dạy,
tránh xa đường lối kẻ bạo tàn,
dõi vết chân Ngài, con không vấp ngã.
(Tv 17, 4-5)

CHÚA ban thưởng cho tôi, bởi tôi sống ngay lành,
và tay tôi trong sạch, như mắt Người đã thấy.
(Tv 18, 25)

Phải chăng một thái độ như thế rất dễ dẫn đến một lời cầu nguyện khác, lời cầu nguyện mà thánh Luca kể lại: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia” (Lc 18, 11)?
 
1. Tòa án, nơi phát sinh của lời nguyện Thánh Vịnh

Để trả lời một cách khách quan, chúng ta cần dựa vào điều mà các nhà chú giải gọi là « hình thức » hay « văn loại », hoặc « nơi phát sinh » của những lời nguyện như thế. Nơi phát sinh của những lời nguyện này là tòa án, một nơi chốn mang tính cơ chế. Khác với nơi chốn địa lý, vốn ở xa chúng ta, nơi chốn cơ chế thì gần gũi với chúng ta, vì ngày nay chúng ta vẫn có thể rơi vào nơi tương tự như thế. Thế mà, tòa án là nơi mà người ta có thể nói mình vô tội mà không bị coi là kiêu ngạo !

Chúng ta hãy trở lại với lời nguyện của người Pharisiêu. Đức Giêsu nói ông này sẽ không được công chính hóa khi ra về, đó không phải là vì ông là người Pharisiêu, nhưng là vì cách thức ông cầu nguyện. Thánh Luca cho thấy rõ điều đã làm lệch lạc hết tất cả trong lời nguyện của ông này: ông chỉ cho Thiên Chúa thấy người thu thuế kia là kẻ tội lỗi, khi mà người này đã chẳng làm gì hại ông, thậm chí đã không biết ông có mặt ở đó và người này chỉ nghĩ đến tội của riêng mình. Thật vậy, người Pharisiêu nói với Thiên Chúa: “Con không như bao kẻ khác, [...] hoặc như tên thu thuế kia”. Chẳng có ai đã đến tố cáo người Pharisiêu khiến ông phải tự biện hộ cho mình và nói mình vô tội. Ngược lại, ông tự biến mình thành kẻ buộc tội ; và đó không phải để trả đũa một cuộc tấn công, và cũng chẳng phải để tự vệ. Trong khi đó, tác giả Thánh Vịnh luôn luôn là một người bị buộc tội. Điều này không có nghĩa là tác giả Thánh Vịnh lúc nào cũng cầu nguyện trong tòa án, nhưng tác giả qui chiếu về tình cảnh này, ở đó vấn đề duy nhất không phải là mình có khiêm tốn hay không, nhưng là nói lên sự thật trước mặt mọi người và ngay cả trước mặt Thiên Chúa nữa. Ông Pharisiêu độc thoại, tác giả Thánh Vịnh đối thoại.
 
2. Biểu tượng tòa án

Khởi đi từ một hoàn cảnh đặc thù, tòa án có thể trở thành biểu tượng và có đặc tính phổ quát. Thực vậy, sách Ông Gióp trình bày cho chúng ta một kẻ tố cáo thường trực chống lại những người công chính, kẻ tố cáo này đã đuổi theo ông Gióp đến tận tòa án thiên đình: tên của nó là Satan. “Kẻ Tố Cáo” và “Satan” trở nên đồng nghĩa. Đằng sau những người bạn của ông Gióp đã tố cáo ông, hiện diện Kẻ Tố Cáo vô hình. Về điểm này, sách Ông Gióp và sách Thánh Vịnh có những tương đồng rất lớn. Thực ra, các Thánh Vịnh càng được đọc sau những biến cố mà người viết Thánh Vịnh đã trải qua, những đường nét của Kẻ Tố Cáo càng bộc lộ ra (và đã được vẽ lại trong sách Ông Gióp). Theo đó, sau này, sách Khải Huyền gọi Satan là “kẻ tố cáo anh em của chúng ta, ngày đêm tố cáo họ trước mặt Thiên Chúa” (Kh 12, 10b).

Ngay trong thời gian mà Kinh Thánh đang hình thành, việc đọc và hát Thánh Vịnh đã luôn luôn đồng hành với sự chuyển hóa từ những tình huống đặc thù trong đời sống của tác giả Thánh Vịnh thành một thực tại kéo dài, hữu hình hoặc vô hình. Vậy thực tại này là gì ? Đó là một thực tại căn bản, vì đi ngang qua trọn vẹn đời sống của chúng ta.
 
3. Tội nhân đích thực

So với lời nguyện Thánh Vịnh, chúng ta có thể lấy làm lạ là những lời tuyên bố vô tội hầu như không có trong các lời nguyện tự phát của chúng ta. Những câu nói diễn tả sự công chính của riêng mình không hấp dẫn chúng ta, ngược lại, còn làm cho chúng ta tránh xa. Đây là một dấu hiệu quí giá, nhưng dấu hiệu của cái gì? Phải chăng là đó là dấu hiệu cho thấy chúng ta khiêm tốn ?

Xưng thú liên tục tội lỗi của mình bình thường sẽ mang lại cho chúng ta sự nhẹ nhõm, dịu dàng, và khoan hồng hơn với những người tội lỗi. Tuy nhiên, trong thực tế còn có một khả thể khác: Satan, Kẻ Tố Cáo « chuyên nghiệp », có thể dễ dàng đi vào bằng cánh cửa sẵn sàng “cáo mình” của chúng ta và chắc chắn nó biết đó chính là « yếu điểm » của người Kitô hữu[3]. Phải chăng để ngăn chặn Satan đi vào cửa này, mà các Thánh Vịnh đề nghị chúng ta nói với nó: “Tôi có không gì đáng trách” ?

Chúng ta thường mau mắn thú nhận mình là tội nhân, nhưng sự mau mắn nhận mình là tội nhân lại thường là một cách thức quanh co tin vào sự công chính riêng của mình. Lời cáo buộc mà chúng ta tuyên bố chống lại chính chúng ta, phải chăng đó không phải là “người công chính tuyệt đối” mà chúng ta nuôi dưỡng cách bí mật trong lòng của mình, đã nói lên lời đó ? Một « cái tôi công chính » tưởng tượng rất bén nhạy bách hại « cái tôi tội lỗi » nơi chúng ta, dưới vẻ bề ngoài khiêm tốn. Tất cả những điều này đã trở thành một hệ thống và làm cho những tội lỗi thật sự của chúng ta vẫn còn bị che đậy : « cái tôi công chính » của chúng ta mới là tội nhân đích thực, vốn ẩn núp dưới đức khiêm tốn nơi chúng ta. Kiểu kiêu ngạo này dường như ít hồn nhiên hơn kiểu của người Pharisiêu. Chính khi những người tội lỗi trở nên không thể chịu đựng được nữa đối với chúng ta, sự kiêu ngạo trá hình có nơi chúng ta sẽ bị lộ ra.

Vì thế, cần phải cầu nguyện trước tòa án của sự thật. Các tác giả Thánh Vịnh nói mình là tội nhân cũng nói mình là công chính. Để có thể nói với sự thật: “chỗ này con đã làm sai”, cần phải có khả năng nói cũng với sự thật: “chỗ kia con đã làm đúng” ! Như thế, các Thánh Vịnh dạy chúng ta biết nhận định nơi chính mình.
 
4. Công chính trong Đức Giêsu-Kitô

Như chúng ta đã nói ở chương trước, các Thánh Vịnh sẽ mất hết ý nghĩa, nếu chúng ta giới hạn lời nguyện của tác giả vào hoàn cảnh riêng tư của chúng ta thôi. Để buộc chúng ta cầu nguyện với những người khác, các Thánh Vịnh làm cho chúng ta nói những từ ngữ được viết bởi những người khác. Vậy thì tại sao chúng ta không nói được rằng Cộng Đoàn đang đọc hay hát Thánh Vịnh cùng với chúng ta là “không có gì đáng trách”, bởi vì đó là một phần của Giáo Hội thánh thiện và không tì vết. Đúng là dưới mắt của nhiều người, Giáo Hội thường bị đặt vào chỗ của người thu thuế bị buộc tội ; nhưng chúng ta hãy học nhìn Giáo Hội với lòng thương cảm mà Thiên Chúa dành cho Giáo Hội. Thiên Chúa nhìn thấy Con của Ngài nơi Giáo Hội và lời nguyện của các Thánh Vịnh, khi được thực hiện nhân danh Đức Kitô, sẽ tuyên xưng sự công chính của chúng ta như hoàn toàn đến từ Đức Kitô và như là sự công chính của chính Đức Kitô (x. Rm 3, 23-24). Tin rằng Thiên Chúa coi chúng ta là những người công chính trong Đức Giêsu-Kitô, có lẽ là phương cách thích hợp nhất với Tin Mừng, để cuối cùng có được sự xấu hổ đối với tội của chúng ta và nhất là có được nhiều lòng thương cảm hơn đối với tội của những người khác.
 
II. Tại sao tác giả Thánh Vịnh có những lời gay gắt chống lại kẻ thù?

Khó khăn lớn thứ hai chúng ta gặp phải khi bước vào lời nguyện Thánh Vịnh, đó là những lời nguyền rủa, những tiếng kêu thốt ra trước mặt Thiên Chúa chống lại những kẻ chuyên làm hại người khác và những kẻ luôn tìm cách phá hủy sự thiện.
 
1. Ai nguyền rủa ai ?

Để lượng giá một cách khách quan, trước hết, chúng ta cần trở lại với các Thánh Vịnh có liên quan để xác định các dữ kiện. Chẳng hạn trong Tv 109, là một Thánh Vịnh khá dài, các nhà chú giải cho rằng phần lớn các lời nguyền rủa (v. 6-15) không phải là lời của tác giả Thánh Vịnh, nhưng là của những kẻ thù nghịch, vốn được xác định ở câu 16:
Bởi nó đã chẳng màng điều nhân việc nghĩa,
đã ngược đãi kẻ khó người nghèo
và giết hại cả người đã héo hắt tâm can.

Đứng trước sự bách hại như thế, tác giả Thánh Vịnh bị buộc phải ứng lại bác lại :
Nó đã thích nguyền rủa,
thì cho lời nguyền rủa đổ lên đầu nó ;
nó chẳng ưa chúc lành,
thì cho lời chúc lành bỏ nó mà đi !
(Tv 109, 17)

Như thế, chính tác giả Thánh Vịnh đâu có thích nguyền rủa. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng tác giả ước muốn lời nguyền rủa quay trở lại với chính những kẻ tìm thấy ở đó sự vui thú. Trong các trường hợp khác, cùng với những lời nguyền rủa của những kẻ bách hại (được nêu ra hay được hiểu ngầm), chúng ta nghe được những lời nguyền rủa của chính tác giả Thánh Vịnh :
Ước gì chúng bị xoá tên trong sổ trường sinh,
chẳng được ghi vào số những người công chính.
(Tv 69, 29)

Chúng ta có thể không đọc hay không hát những câu như thế. Nhưng những câu này cũng đến từ cùng một nguồn gốc với những câu vẫn được hát ! Vì thế, chúng ta sẽ quan tâm đến chính nguồn gốc, chứ không quan tâm đến một vài câu, và đi tìm sự hiệp nhất của sự trào vọt từ nguồn gốc[4]. Chúng ta được khích lệ giải thích theo hướng này, vì chính thánh Matthêu cũng đã trích dẫn thánh vịnh 69 trong trình thuật Thương Khó (Mt 27, 34.48, trích Tv 69, 22).
 
2. Thánh Vịnh là một mặc khải bất toàn?

Như chúng ta đã trình bày ở phần giới thiệu khóa học, sách Thánh Vịnh gồm các bản văn thuộc nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Thực vậy, có một số bài hát chiến tranh hay mang đậm tinh thần dân tộc (x. Tv 68, 24) có thể phản ánh các thời kì xa xưa. Tuy nhiên, Tv 69 lại rất gần với kinh nghiệm của một vị ngôn sứ, như ngôn sứ Giêrêmia, đến độ ông dường như không loại bỏ một hàng nào khi trích dẫn Thánh Vịnh này (x. Gr 11, 20 và 12, 1-3); thế mà, ngôn sứ Giêrêmia đã vẫn có thể dạy chúng ta nhiều điều về tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với người thân cận[5]. Vì thế, không nên quá vội vàng và một cách giản lược cho rằng có sự dịu dàng tiệm tiến trong dòng lịch sử thánh và rằng sách Thánh Vịnh chỉ là một « mặc khải bất toàn »[6]; chẳng hạn Tv 149 không phải là một Thánh Vịnh cổ xưa. Những dữ kiện sau đây cho thấy rõ hơn điều này :

  • Những lời nguyền rủa của các Thánh Vịnh mà chúng đã trích dẫn ở trên (Tv 109, 8 và 69, 26) được thánh Phêrô áp dụng cho Giuđa (Cv 1, 20).

  • Những lời nguyền rủa của Tv 69, được thánh Phaolô áp dụng cho những người có lòng dạ chai cứng trong dân tộc của mình (Rm 11, 7-10).

  • Và chúng ta có thể nói được gì về những lời nguyền rủa mà sách Khải Huyền, là sách cuối cùng của mặc khải Kinh Thánh, dùng để chống lại Babylon “Thành Vĩ Đại” (Kh 18, 9-24)?

Vậy thì chúng ta có chịu đọc những lời này không ? Và nếu chịu đọc, phải chăng chúng ta phải « uốn môi miệng » cho những lời này trở nên dịu đi ? Tuy nhiên, vẫn chưa hết, vì khó khăn nêu trên dẫn chúng ta đến đối diện với sự kiện này: Đức Giêsu không chỉ nói lên một số câu: “Bất hạnh cho các ngươi” dành cho nhiều thành phố và nhiều nhóm người (Mt 23, 13-29; Lc 6, 24-26), nhưng còn tuyên bố lời phán quyết sau cùng: “Hãy cút đi xa khỏi ta, hỡi những kẻ bị nguyền rủa kia” (Mt 25, 41) !
 
3. Mầu nhiệm cứu độ

Việc Tân Ước trích dẫn các Thánh Vịnh cho chúng ta thấy rằng những từ ngữ mà tác giả thánh vịnh đã dùng vượt xa hơn những hoàn cảnh đặc thù mà người này đã trải qua và từ đó viết ra lời nguyện; nếu không thì tại sao những lời này lại được bảo tồn lâu dài đến thế, khi mà không còn người bách hại lẫn người bị bách hại? Để hiểu điều lạ lùng này, trước hết, chúng ta cần nắm vững điều sau đây : những lời của Cựu Ước, vốn vượt qua sự thật thuộc thời điểm mau qua, vẽ ra bằng những nét bí nhiệm hành trình của mầu nhiệm cứu độ; và mầu nhiệm này bao hàm cả mầu nhiệm sự dữ và sự phán xét của Thiên Chúa.

Tin Mừng mặc khải mầu nhiệm cứu độ nơi cuộc đời và nhất là cuộc Thương Khó của Đức Kitô, và làm cho chúng ta nghiệm ra rằng tội là ý muốn “lợi hại” tìm cách phá hủy sự sống, lòng tốt và niềm hy vọng; tội là sự chết luôn đi tìm cho mình những kẻ đi theo, những kẻ đồng lõa. Ý muốn chết chóc đang hoạt động ở khắp nơi trong thế giới chúng ta đang sống. Vì thế, các Thánh Vịnh thật hiệu quả khi giúp chúng ta nhận ra ý muốn chết chóc ở nơi mà nó đang có mặt và loại bỏ nó. Các Thánh Vịnh cũng giúp chúng ta hiểu được cung cách đôi khi dữ dội của Đức Kitô; điều lạ lùng là Tin Mừng đã không che lấp hay làm dịu đi.

Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). Đức Giêsu ghét bỏ sự dữ, một sự ghét bỏ mang tính giải phóng, nhưng ngài không ghét bỏ những người xấu. Ngài tha thứ cho những kẻ đang hành hình Ngài. Nhưng những lời lẽ của Ngài đã không luôn luôn êm dịu !

Hãy yêu mến kẻ thù của anh em và cầu nguyện cho những người bách hại anh em” (Mt 5, 44). Chúng ta không tìm ra lời cầu nguyện này trong sách Thánh Vịnh, đó là điều hiển nhiên. Ước gì lời nguyện này vừa có ở trên môi vừa có ở trong lòng của chúng ta. Vì điều đáng sợ là lời tha thứ, được nói ra hay được « đọc lên » (trong những lời kinh hay lời nguyện soạn sẵn), nhưng lại không chân thành trong con tim.
 
III. Khiêm tốn và vị tha, những ơn huệ của Thánh Linh

Nói: “hãy tha thứ cho con” thì hoàn thiện và đẹp hơn là nói: “con không có gì đáng chê trách”. Nói: “Chúng con tha thứ cho những người đã xúc phạm chúng con” thì hoàn thiện và đẹp hơn là nại đến sự công minh của Thiên Chúa. Tuy nhiên, lời cầu nguyện của chúng ta cũng cần phải khởi đầu lại từ mức độ mà sự khiêm tốn và lòng vị tha của chúng ta chưa được hoàn thiện, chưa thật đẹp, chưa được làm sẵn hay soạn sẵn trước: nơi chính chúng ta, những nhân đức này cần phải đi xuyên qua tất cả bề dầy kinh nghiệm mà các Thánh Vịnh đã mang dấu vết. Thánh Vịnh, mảnh đất dầy là như vậy. Khi đó, chúng ta sẽ nhận ra sự tha thứ của chúng ta đi ngang qua « kinh nghiệm » của những lời nguyền rủa và hóa giải chúng thành niềm vui. Những gốc rễ của lời thú nhận tội lỗi và của lời tha thứ tuyệt đối cần có lớp đất đen tối hơn này.
 
Bởi lẽ, lời thú nhận và lời tha thứ không phải là những lời hoa mĩ hay những thành tích, nhưng là những ân huệ của Thánh Linh. Thế mà, Thánh Linh muốn len lỏi dọc theo mọi nhánh gốc rễ có nơi chúng ta, ngang qua bề dầy của hữu thể chúng ta. Chúng ta ít khi thưởng thức được hương vị của trái chín, phải chăng chính là vì chúng ta đã bỏ quên bộ rễ của cây ?
 
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc


[1] Chúng ta có thể nêu ra những trở ngại mà chính mình đã gặp khi cầu nguyện với Thánh Vịnh. Về vấn đề này có thể đọc “Học hỏi Thánh Vịnh để cầu nguyện”, Nhà Chúa, số 26, tháng 4/1972, trang 179-187; 190-194.

[2] Đây chính là vấn đề mà các nữ tu Biển Đức đã nêu: “Ngoài ra, ai không cảm thấy mình yếu đuối, tội lỗi? Thế mà vẫn phải nói lên cùng với tác giả Thánh Vịnh: Huấn giới Người con luôn tuân giữ (Tv 119, 100)” (Nữ tu dòng thánh Biển Đức, “Cầu nguyện bằng Thánh Vịnh”, tập san Nhà Chúa, “Học hỏi Thánh Vịnh để cầu nguyện”, số 26, tháng 4/1972, trang 181-182).

[3] Đó chính là kinh nghiệm bị dằn vặt đến độ muốn tự tử của thánh Inhã Loyola (1491-1556) khi ở Manresa. Dù đã xưng tội rất chi tiết nhiều lần, ngài luôn nghĩ mình còn điều gì đó chưa xưng ra, hoặc chưa xưng chính xác đủ những gì đã xưng rồi, như thể lòng thương xót của Thiên Chúa hoàn toàn lệ thuộc vào sự đầy đủ và chính xác của hành vi xưng tội (Inhã, Những bước đường theo Chúa, bản dịch và chú thích của Hoàng Văn Đạt, S.J., Hiển Linh, 2002, số 22-25).

[4] Sách CGKPV không dùng các thánh vịnh 109; 58 và 83, và thỉnh thoảng cắt bỏ hay để trong ngoặc một số lời chống lại kẻ thù. Chúng ta không bị buộc phải đọc những câu để ở trong ngoặc, và sự tự do này nên được bảo tồn. Tuy nhiên, sự tự do này sẽ không còn khi những lời như thế bị cắt bỏ; và để nhận ra điều này chúng ta phải chú ý đến số thứ tự của các câu.
Những biện pháp nêu trên không được đưa tới hậu quả là Kinh Thánh trở thành một cuốn sách bị kiểm duyệt. Chúng ta không hát những Thánh Vịnh khác với những Thánh Vịnh của Kinh Thánh. Thật là nghiêm trọng khi nhận ra rằng chúng ta đang sử dụng một bộ Kinh Thánh đã được duyệt xét, được chỉnh sửa và làm cho tròn trịa. Kinh nghiệm đã qua dạy cho chúng ta rằng những thao túng trên các tuyệt tác bao giờ cũng chỉ làm cho chúng trở nên xanh xao èo uột!
Thánh Têrêsa Avila đã không sợ những câu “cứng cỏi” của sách Thánh Vịnh. Trong những lúc lúc ngài bị bách hại, không phải bởi các thần loại vô hình, nhưng bởi các bậc tu trì vị vọng, ngài đã trích Tv 141, 10 để áp dụng cho họ: “Cho bọn ác nhân mắc bẫy chính chúng gài, còn con đây thì được thoát khỏi” (thư ngày 31/01/1579). Câu này bị cắt bỏ trong sách CGKPV; nhưng chúng ta không nhận ra điều này, vì câu này là câu cuối cùng của Tv 141. Tuy nhiên, câu Thánh Vịnh này lại soi sáng cho chúng ta hiểu được ý nghĩa chính biến cố Phục Sinh của Đức Giêsu!

[5] Giêrêmia được kêu gọi làm ngôn sứ năm 626 và đã sống giai đoạn bi thảm, là giai đoạn chuẩn bị và hoàn tất sự sụp đổ của vương quốc Giuđa vào năm 587 (theo Bible de Jérusalem, Paris, Cerf, 1998, trang 1272).

[6] Đây là cách giải thích thông thường của các sách nói về Thánh Vịnh; xem HOÀNG Đắc Ánh và TRẦN Phúc Nhân, Như Hương Trầm. Học hỏi Thánh Vịnh và Thánh Ca Cựu Ước Tân Ước, T.P. Hồ Chí Minh, Tủ Sách Đại Kết, 1992, trang 15-16; 157-158. Mặc khải của Thiên Chúa luôn luôn là mặc khải “hoàn toàn”, trong mức độ Ngài muốn làm cho sự dữ hiện hình, bởi lẽ Thiên Chúa không thể cứu con người khỏi sự dữ mà không cho con người “thấy” sự dữ (trường hợp của Giuse và các anh; con rắn đồng trong sa mạc; và nhất là Thập Giá của Đức Kitô), đồng thời Ngài muốn đi qua hết mọi “tầng tầng lớp lớp” làm nên mảnh đất dầy là chính con người chúng ta, để chữa lành, phục hồi và tái tạo tất cả. Thánh Vịnh “mảnh đất dầy” nói lên “mảnh đất dầy” con người và loài người chúng ta, mà Đức Kitô sẽ mang lấy.