Giới thiệu về Lectio Divina
SVD Bulletin DEI VERBUM, số 22 – 23 / 1992
LECTIO DIVINA
Trung Tâm Của Đời Sống Tu Trì
Thuật ngữ Lectio divina thường được lặp đi lặp lại trong ngôn ngữ của Giáo Hội ngày nay, tuy nhiên, đối với nhiều Kitô hữu, ý nghĩa của thuật ngữ này hãy còn xa lạ. Nói một cách đơn giản, lectio divina diễn tả việc đọc Kinh Thánh thường xuyên, nó là phương pháp dẫn vào Kinh Thánh như là nguồn mạch thiêng liêng cho đời sống Kitô hữu, nó còn là sự thúc đẩy cho các phong trào canh tân trong dòng lịch sử Giáo Hội. Thực vậy, điều này đã được thể hiện trong các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi khi họ đặt đời sống cộng đoàn trên nền tảng Kinh Thánh và qua đó mang lại cho họ lòng nhiệt thành mới trong các hoạt động truyền giáo. Hơn nữa, Kinh Thánh còn cung cấp những nguyên tắc chỉ đạo cho sự ra đời của đời sống đan tu ở sa mạc Palestina và Hy lạp cũng như đặt nền tảng cho các dòng hành khất thời Trung Cổ. Theo nghĩa này thì lectio divina là một phần trong đời sống hằng ngày của người Kitô hữu.
Thật không may, một sự lo sợ nhất định trong Giáo Hội Công Giáo liên quan đến việc giáo dân sử dụng Kinh Thánh thường xuyên và không thể kiểm soát là một trong những điều tệ hại sau những ảnh hưởng của phong trào chống cải cách. Năm 1548 sự lo sợ này đã dẫn đến việc Công Đồng Trentô cấm dùng Kinh Thánh bằng ngôn ngữ địa phương. Hậu quả tai hại mà Công đồng này để lại là một thời kỳ mà hàng giáo sĩ ngày càng ngờ vực và người ta xa rời Kinh Thánh và điều đó vẫn còn ảnh hưởng cho đến thời đại chúng ta. Dần dần việc đọc Kinh Thánh được thay thế bằng việc “đọc sách thiêng liêng”.
Ít năm trước khi xảy ra tình trạng này trong lịch sử Giáo Hội, việc loan báo Tin Mừng tại Châu Mỹ Latinh bắt đầu. Điều này giải thích tại sao Đạo Công Giáo bình dân bắt nguồn từ đây, một đàng mang đậm nét cội nguồn Kinh Thánh như là đặc trưng của thời kỳ đầu, tuy nhiên, đàng khác lại mang dấu ấn của sự ngờ vực ngày càng gia tăng và kéo dài, kèm theo đó là sự xa rời Kinh Thánh xảy ra những thế kỷ sau cuộc loan báo Tin Mừng đầu tiên. Việc sử dụng Kinh Thánh bị giảm thiểu tối đa, nghĩa là chỉ sử dụng trong các bài đọc phụng vụ, dùng để giảng và dạy giáo lý. Điều này thực sự chẳng hay ho gì nếu xét về tính khách quan và sự trung thành với Lời Thiên Chúa.
Một khi việc tiếp cận Kinh Thánh bị ngăn cản thì những hình thức thực hành tôn giáo thứ yếu nở rộ như nấm mọc sau mưa. Các hình thức đó bao gồm việc sùng kính các thánh, việc hành hương, cử hành tuần cửu nhật và các hình thức cầu nguyện khác nữa nhằm mục đích trên hết là tìm kiếm sự an ủi và trợ giúp trong những hoàn cảnh thất vọng. Việc loan báo Tin Mừng hiểu như là sự đào sâu đức tin vẫn còn rất hời hợt và chỉ dừng lại ở bước khởi đầu. Thậm chí nó không hề đụng chạm, dù bằng bất cứ cách nào, đến những lãnh vực chính yếu của cuộc sống như cơ cấu xã hội, lãnh vực chính trị và kinh tế. Một điều chắc chắn rằng nếu việc loan báo Tin Mừng không bén rễ sâu trong Kinh Thánh thì sẽ không thành công trong việc tìm ra một cách thức đúng đắn để xây dựng một cộng đồng Kitô hữu. Ngày nay, sau năm trăm năm, những nét đặc trưng của Đạo Công Giáo bình dân Châu Mỹ La tinh vẫn đóng vai trò nền tảng cho toàn bộ đời sống văn hóa và không nên đánh giá thấp những nét đặc trưng này. Đồng thời chính những nét đặc trưng này lại bộc lộ những yếu kém đang là gánh nặng cho Giáo Hộị trước những thách đố của ngày hôm nay vì những nét đặc trưng này thường xuyên bị các phong trào tôn giáo mới khai thác, nhất là các giáo phái chống lại Giáo Hội.
Thượng Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ Latinh họp tại Medellin vào đầu năm 1968 đã đưa ra lời kêu gọi một cuộc Phúc Âm Hóa Mới nhằm loại bỏ những yếu kém của giai đoạn lịch sử này bằng cách chấn hưng và khuyến khích tiếp thêm sức mạnh mới cho các yếu tố tích cực. Sau đó, ý tưởng Phúc Âm Hóa Mới đã được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II lấy làm khẩu hiệu cho sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo Hội hoàn vũ trước thềm thiên niên kỷ thứ ba. Do đó, Giáo Hội phải loan truyền sứ điệp Kitô giáo như là một nhân tố quyết định trong việc tái lập trật tự thế giới.
Với lời kêu gọi Phúc Âm Hoá Mới của các giám mục, các Kitô hữu Châu Mỹ Latinh bắt đầu quay về với Kinh Thánh. Lúc đầu điều này xảy ra trong các cộng đoàn cơ bản, trong các nhóm Kinh Thánh và các nhóm suy niệm thuộc tầng lớp dân cư nghèo ở vùng ngoại ô của các thành phố lớn và miền quê. Nhóm người chiếm đại đa số dân chúng này diễn tả niềm tin và tư cách thành viên Giáo Hội của họ. Kinh Thánh đem lại cho họ nguồn cảm hứng trong đời sống cầu nguyện cũng như trong cuộc tranh đấu đòi công lý và nhân phẩm của họ. Những gì mà các kitô hữu này làm không gì khác hơn là thực hành lectio divina trong cộng đoàn theo cách hiện đại, giống như các tu sĩ đã làm xưa kia. Trong đời sống đan tu, việc làm này được gọi là “collatio”.
Nhiều Dòng tu theo đuổi và đẩy mạnh phong trào này ngay từ đầu, gần đây đã cảm thấy một sự khát khao Kinh Thánh như là cội nguồn chính yếu cho linh đạo và động lực cho công việc truyền giáo của Dòng mình. Vì thế mà lectio divina lấy lại được giá trị và tính hợp thời của mình. Hội nghị các Dòng tu vùng Châu Mỹ Latinh, một tổ chức tập hợp 160.000 nam nữ tu sĩ thuộc các tiểu lục địa, xuất bản tài liệu sau đây như là một nguồn cảm hứng cho cuộc “Phúc Âm Hóa Mới” và giới thiệu cho các thành viên của mình. Ở đây mô tả ngắn gọn lịch sử phát triển của lectio divina và chỉ mở rộng những yếu tố cơ bản. Chúng tôi xuất bản những suy niệm này trong số này và số phát hành kế tiếp của BULLETIN DEL VERBUM với niềm tin tưởng rằng những suy niệm này có thể có ích cho các thành viên chúng tôi trên toàn thế giới.
DẪN NHẬP
Lectio divina là phương tiện trợ giúp quan trọng cho việc đọc Kinh Thánh. Bắt nguồn từ truyền thống lâu đời của Giáo Hội, lectio divina tỏ ra là phương thế hàng đầu mỗi khi chúng ta cố gắng đọc Kinh Thánh theo ba tiêu chuẩn sau:
1. Bắt đầu với thực tại chúng ta đang sống
2. Đọc trong bối cảnh niềm tin chúng ta tuyên xưng
3. Đọc với một sự kính trọng sâu xa Lời chúng ta đang lãnh nhận
Một lần nữa lectio divina lại khiêm tốn xuất hiện giữa những người cố gắng đọc Kinh Thánh chung với nhau. Khi những tu si như chúng ta cố gắng làm cho lectio divina trở nên gần gũi với chúng ta là chúng ta đang tiến gần đến nguồn mạch trong quá khứ đã từng nuôi dưỡng và khuyến khích đời sống tu trì và ngày nay tiếp tục giữ vững và mang lại sức sống cho các cộng đoàn cơ bản trong Giáo Hội.
Sau khi điểm lại đôi nét lịch sử ngắn gọn và một vài suy niệm tổng quát, chúng ta sẽ đào sâu bốn bước làm nên lectio divina: đọc, suy gẫm, cầu nguyện và chiêm niệm/chiêm ngắm. Đây là những bước khác nhau của việc đọc Kinh Thánh cá nhân cũng như cộng đoàn. Tuy nhiên, đó còn là hình mẫu thái độ biểu thị sự gặp gỡ giữa chúng ta với Lời Thiên Chúa. Chúng tôi cố gắng chỉ ra cách thức hình thành của các bước đó và sự hòa quyện của các bước đó với nhau, từ đó có thể đưa ra đường hướng cho việc đọc Kinh Thánh của chúng ta.
TÓM TẮT LỊCH SỬ
Khởi thủy lectio divina không gì khác hơn là việc đọc Kinh Thánh của các kitô hữu đầu tiên nhằm nuôi dưỡng đức tin, niềm hy vọng và tình yêu của họ. Do đó, lectio divina có từ lâu đời như chính Giáo Hội, một Giáo Hội sống nhờ Lời Chúa và kín múc từ đó như dòng sông lấy nước từ nguồn vậy, (Dei Verbum 7.10.21). Lectio divina là việc đọc Lời Chúa trong sự tin tưởng và cầu nguyện, khởi đầu bằng niềm xác tín vào Đức Giêsu, Đấng đã nói rằng: “Thánh Thần sẽ dạy các con mọi điều và sẽ làm cho các con nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với các con” (Ga 14, 26; 16, 13). Chẳng hạn Tân Ước là kết quả của việc các kitô hữu tiên khởi đọc Cựu Ước dưới ánh sáng các vấn nạn của họ và sự mạc khải mới của Thiên Chúa về mình, thông qua cuộc phục sinh của Đức Giêsu, Đấng vẫn tiếp tục sống trong cộng đoàn.
Việc đọc Lời Chúa trong sự tin tưởng và cầu nguyện này đã giúp nuôi dưỡng đời sống Giáo Hội, các cộng đoàn và mọi kitô hữu. Tuy nhiên, ngay từ đầu lectio divina không phải là việc đọc Kinh Thánh theo phương pháp hẳn hoi mà đơn giản chỉ là việc lưu truyền từ thế này sang thế hệ khác những truyền thống riêng biệt thông qua việc thực hành chia sẻ chung phổ biến trong dân chúng.
Cụm từ lectio divina do Origen đặt ra. Theo Origen, việc đọc Kinh Thánh hữu ích đòi hỏi nghị lực, sự chú ý và tính kiên nhẫn.
Origen cho rằng “Hằng ngày chúng ta phải trở lại với nguồn mạch Kinh Thánh”; tuy nhiên, việc này cần đến nghị lực và chỉ có thể đạt được thông qua sự cầu nguyện, “cầu nguyện rất cần thiết cho việc hiểu những sự thiêng liêng”. Origen kết luận: “Bằng cách này chúng ta sẽ hiểu được những gì chúng ta đang chiêm ngắm và hiểu trong những gì chúng ta hy vọng”. Qua những suy niệm của Origen, chúng ta có được bản tóm tắt tất cả những gì làm nên lectio divina.
Như đã nói ở trên, lectio divina trở thành nền tảng cho đời sống tu trì. Chính nhờ việc lắng nghe, suy gẫm và cầu nguyện với Lời Thiên Chúa mà đời sống đan tu phát triển được trong sa mạc. Những canh tân và thay đổi liên tục trong đời sống tu trì vẫn luôn luôn xem lectio divina là nét đặc trưng của đời sống tu trì. Các bộ luật đan tu của thánh Bacom, Augustino, Basilio và Benedicto đều coi việc đọc Kinh Thánh, lao động chân tay và phụng vụ là ba cột trụ xây dựng nên đời sống tu trì.
Việc tổ chức đời sống tu trì thành bốn bước chỉ xuất hiện vào thế kỷ 12, khoảng năm 1150 sau Công nguyên. Guigo, một thầy Dòng Carthusian (Brunô), viết cuốn sách mang tựa đề “Scala Monachorum”, (cái thang của các thầy tu). Trong phần giới thiệu, thầy Guigo viết thư cho người anh em Gervasius thân mến. Trước khi giải thích lý thuyết về bốn bước, thầy Guigo bảo Gervasius rằng: “Tôi quyết định thông báo cho anh về một số suy tư của tôi liên quan đến đời sống tu trì. Anh có kinh nghiệm về đời sống tu trì, còn tôi, tôi chỉ có những suy tư lý thuyết. Vì thế, anh hãy đánh giá và hoàn thiện những suy tư của tôi.” Thầy Guigo còn muốn lý thuyết về lectio divina được đánh giá và hiệu chỉnh từ kinh nghiệm và việc thực hành của các tu sĩ.
Sau đó thầy Guigo giải thích về bốn bước như sau: “Vào một ngày kia sau khi lao động chân tay, tôi suy niệm về hoạt động thiêng liêng của con người, tôi chợt nảy ra ý tưởng về cái thang với bốn thanh ngang thiêng liêng: đọc, suy gẫm, cầu nguyện và chiêm niệm. Từ mặt đất, các tu sĩ có thể dùng cái thang này để lên trời. Mặc dù thang chỉ có một số bậc nhưng nó lại cao, rất cao vì thế dù chân thang ở dưới đất nhưng đỉnh thang chạm tới mây và thấu tới các mầu nhiệm trên trời.” Sau đó thầy Guigo cho thấy phương thức mà những bước này, mỗi bước có nét riêng biệt, gây nên nơi người đọc những hiệu quả thích hợp và tóm tắt tất cả thành những dòng sau: “Đọc là một sự khám phá Kinh Thánh cách hăng hái và liên tục. Suy gẫm là một hoạt động cẩn thận của trí khôn, với sự trợ giúp của khả năng sáng suốt của nó, tìm kiếm sự hiểu biết về những chân lý còn ẩn khuất. Cầu nguyện là hướng con tim về phía Thiên Chúa để xin Ngài loại trừ sự dữ và ban điều lành. Chiêm niệm là nâng tâm hồn lên để tận hưởng niềm vui của hạnh phúc vĩnh cửu nơi Thiên Chúa. Trong phần mô tả bốn bước, thầy Guigo đã tóm tắt truyền thống cổ xưa và chuyển đổi nó thành một phương thế đọc Kinh Thánh nhằm giới thiệu đời sống đan tu cho giới trẻ.
Vào thế kỷ 13, các tu sĩ dòng Hành khất đã cố gắng tạo ra một lối sống tu trì mới mẻ gắn bó sâu xa hơn với người nghèo. Họ đã biến lectio divina thành nguồn cảm hứng cho các phong trào canh tân của họ, do những thành quả từ đời sống của các tu sĩ Dòng Phanxicô, Dòng Đaminh, Dòng Cát Minh, dòng Tôi Tớ Đức Mẹ và các tu sĩ của các Dòng Hành Khất khác. Thông qua lối sống của mình, họ biết cách làm thế nào để đưa lectio divina đến gần với thực tế và vào trong công việc phục vụ người nghèo và những người bị bỏ rơi thời đó.
Một thời gian dài sau đó lectio divina rơi vào quên lãng. Thậm chí việc đọc Kinh Thánh không còn được cổ võ trong đời sống đan tu. Đây là hậu quả không may của phong trào Chống Canh Tân trong đời sống Giáo Hội. Vì thế mà ngay cả thánh Têrêxa cũng không hề được tiếp cận với bản văn đầy đủ của Cựu Ước. Nhưng thay vào đó là việc “đọc sách thiêng liêng”. Nỗi lo sợ đạo Tin Lành đã dẫn đến việc đánh mất sự tiếp cận với nguồn cội!
Cuối cùng Công Đồng Vatican II đã quay trở lại với truyền thống cổ xưa và thông qua Hiến chế Lời Thiên Chúa số 25, đề nghị đề cao tầm quan trọng đặc biệt của lectio divina lên trên tất cả. Như một điều mới mẻ, lectio divina rồi cũng sống lại trong lòng các cộng đoàn dân Chúa trong đó người nghèo bắt đầu đọc Lời Chúa. Chỉ trong khoảng thời gian gần đây thôi, các dòng tu mới bắt đầu trau dồi và đào sâu lectio divina. Thật tuyệt vời biết bao nếu những tu sĩ như chúng ta có thể xác tín lời thầy Guigo và giới thiệu cho cộng đoàn dân Chúa: “Chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng để chia sẻ với các bạn về một số suy niệm của chúng tôi liên quan đến đời sống thiêng liêng, bởi các bạn có kinh nghiệm trong thực tế đời sống, còn chúng tôi chỉ có những suy tư lý thuyết. Vì thế, các bạn hãy đánh giá và hoàn thiện những suy niệm của chúng tôi”.
SUY NIỆM TỔNG QUÁT VỀ LECTIO DIVINA
Thông qua lectio divina, chúng ta cố gắng cảm nghiệm điều mà Kinh Thánh tóm gọn trong câu: “Lời ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành” (Đnl 30, 14). Ở trong miệng thông qua việc đọc, ở trong lòng nhờ suy gẫm và cầu nguyện và thực hành thông qua chiêm niệm.
Lectio divina có cùng mục đích như Kinh Thánh, đó là “học biết sự khôn ngoan để được ơn cứu độ nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô” (2 Tm 3, 15); đó là để “giảng dạy, biện bác, hướng dẫn cuộc sống con người và dạy họ nên công chính. Đây là phương thế mà người được dâng hiến cho Thiên Chúa được trang bị đầy đủ và sẵn sàng để làm mọi việc lành” (2 Tm 3,16-17); đó là làm cho “nên kiên nhẫn, an ủi và đem lại niềm hy vọng cho nhau” (x. Rm 15, 4); đó là để “giúp đỡ lẫn nhau bằng cách học hỏi từ những lầm lỗi của các bậc tiền bối” (x. 1 Cr 10,6-10).
Lectio divina luôn có những nguyên tắc làm nền tảng cho việc đọc Kinh Thánh của người kitô hữu.
1. Sự thống nhất của Kinh Thánh
Kinh Thánh là một khối thống nhất khổng lồ trong đó mỗi quyển sách, mỗi câu chữ có vị trí và vai trò riêng biệt trong việc mạc khải cho chúng ta về kế hoạch của Thiên Chúa. Mỗi phần giống như những viên gạch xây nên một bức tường lớn và chỉ khi hợp lại với nhau chúng mới biểu lộ kế hoạch thần linh. Tầm quan trọng của tính thống nhất nơi Kinh Thánh không cho phép tách rời các phần, tách chúng khỏi văn cảnh hay xem chúng là những lời tuyên bố riêng rẽ và tách biệt. Một cánh én chẳng thể làm nên mùa xuân. Một nét bút không tạo nên một bức tranh. Kinh Thánh không phải là một đống gạch mà là một ngôi nhà sống động.
2. Tính hiện thực: Ngôi Lời Nhập Thể
Là kitô hữu, khi đọc Kinh Thánh, chúng ta không được bỏ quên cuộc sống. Chúng ta phải luôn nhớ đến cuộc sống và khám phá trong Kinh Thánh thông qua kinh nghiệm hiện tại của chúng ta như chúng ta soi gương vậy. Kinh Thánh trở thành gương phản chiếu những gì xảy ra trong đời sống và trong tâm hồn của mọi người. Chúng ta khám phá ra rằng Ngôi Lời Thiên Chúa không chỉ làm người trong quá khứ nhưng ngày nay Ngài vẫn tiếp tục ở với chúng ta và giúp chúng ta đối mặt với những vấn đề của hôm nay, đồng thời nhận ra niềm hy vọng của con người thời nay, “ ngày hôm nay ước gì anh em nghe tiếng Chúa!” (Tv 95, 7).
3. Niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, Đấng tiếp tục sống trong cộng đoàn.
Chúng ta đọc Kinh Thánh, khởi đầu với niềm tin vào Đức Kitô, Đấng sống giữa chúng ta. Đức Giêsu là chìa khóa chính yếu cho việc đọc Kinh Thánh của chúng ta. Niềm tin vào Đức Giêsu Kitô giúp ta hiểu về tầm quan trọng của Ngài trong cuộc đời chúng ta. Việc đọc Kinh Thánh trong cộng đoàn góp phần đạt tới mục đích thống nhất sống động của Kinh Thánh, Truyền Thống và đời sống.
Lectio divina khởi đầu với những phương pháp hết sức đơn giản ở cấp độ con người:
a/ Đọc đi đọc lại cho tới khi trở nên quen thuộc với những gì được viết trong đó.
b/ Học thuộc lòng những gì đã đọc và hiểu, đọc lại và để Lời thấm dần cho đến khi Lời đi từ miệng vào trí óc đến con tim, rồi đi vào trong máu của đời sống con người.
c/ Qua việc cầu nguyện, hãy thân thưa với Chúa và xin Người giúp chúng ta nhận ra điều mà Lời mời gọi chúng ta trong đời sống.
d/ Kết quả là chúng ta nhận ra một luồng ánh sáng mới cho phép chúng ta tận hưởng Lời và nhìn thế giới với một nhãn quan mới. Với luồng ánh sáng mới này, chúng ta lại tiếp tục đọc, rồi đọc lại và lại tiếp tục thân thưa với Chúa. Đây là một tiến trình lặp đi lặp lại nhưng không bao giờ giống nhau và không hề kết thúc.
Một suy niệm khác góp phần giúp hiểu biết thêm và hướng đến mục đích của lectio divina. Nguyên thủy, Lời là một phương tiện truyền đạt điều gì đó. Lời của chúng ta cũng như Lời trong Kinh Thánh đều truyền đạt đến trí khôn; trí khôn có thể hiểu những điều được truyền đạt. Tuy nhiên, lời không chỉ là phương tiện cho ý tưởng mà còn hàm chứa những chiều kích khác nữa. Ví dụ như lời có một năng lực “thi ca” [poetic(thi ca) có nguồn gốc từ động từ tiếng Hy Lạp poiein, có nghĩa là “làm, thực hiện”]. Lời không chỉ nói lên điều gì đó mà còn làm điều gì đó, thực hiện điều gì đó. Khi nghiên cứu Kinh Thánh, theo nguyên tắc chúng ta chỉ quan tâm đến việc khám phá tư tưởng hay sứ điệp của Lời Thiên Chúa. Lectio divina đi xa hơn một bước nữa, đó là cố gắng đánh giá đúng những chiều kích cao xa hơn nữa. Kết quả là đạt đến sự hiểu biết toàn diện hơn.
Nguồn: https://kinhthanhvn.net/