Thứ Tư Tuần XXVII TN - Ý Nghĩa Của Kinh Lạy Cha


5/10     Thứ Tư trong tuần thứ Hai Mươi-Bảy Mùa Quanh Năm
Gl 2:1-2,7-14; Tv 117:1,2; Lc 11:1-4
Ý Nghĩa Của Kinh Lạy Cha


Trước mắt các môn đệ, hẳn là Đức Giêsu xuất hiện ra như là vị thầy về cầu nguyện. Còn trước mặt Người, các ông quả là những người đang chập chững tập cầu nguyện. Do đó, các ông đã xin Người dạy cầu nguyện. Đàng khác, vào thời Chúa Giê-su, các nhóm tôn giáo được phân biệt nhờ có một kiểu cầu nguyện riêng. Lời xin của các môn đệ Chúa Giê-su cho thấy các ông ý thức mình là một cộng đoàn.

Cầu nguyện với Thiên Chúa là Cha theo ý Chúa Giêsu muốn qua lời kinh Lạy Cha là một việc làm hết sức mới mẻ và đồng thời cũng hết sức đòi hỏi. Thói quen chúng ta đọc kinh Lạy Cha quá thường, làm cho chúng ta mất đi ý thức về sự mới mẻ và về đòi hỏi quan trọng đối với Thiên Chúa cũng như đối với anh chị em. Ðối với Thiên Chúa, mọi đồ đệ cần phải tôn vinh Ngài và vâng phục thánh ý Ngài. Ðối với anh chị em, người đồ đệ Chúa không thể nào tránh né bổn phận tha thứ như Chúa đã tha thứ. Chúng ta hãy ý thức lại để cho sự mới mẻ này đòi hỏi kinh Lạy Cha thấm nhập sâu vào con người chúng ta và hướng dẫn mọi hoạt động lớn nhỏ hàng ngày của người Kitô chúng ta.

Khi cầu nguyện, Chúa Giêsu muốn chúng ta đặt mình trong mối tương quan với Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em với nhau. Trong tương quan này, chúng ta đến với Thiên Chúa không như đầy tớ kêu xin chủ, mà là những người con cùng chia sẻ trách nhiệm với Cha; nếu không thì cần gì phải xin “cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến”?

Bởi Thiên Chúa luôn muốn danh thánh Ngài vinh hiển, mà Thiên Chúa được vinh hiển khi con người được thông phần hạnh phúc với Ngài, bởi theo thánh Irênê: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống”: Thiên Chúa sẽ vinh hiển nếu con người không bỏ đói đồng loại của mình; Thiên Chúa sẽ vinh hiển nếu con người không hận thù cấu xé lẫn nhau; Thiên Chúa sẽ vinh hiển nếu con người biết lánh xa những điều xấu và không nô lệ cho sự dữ. Vì vậy, cầu xin là cách chúng ta mở lòng để sẵn sàng hành động cùng Thiên Chúa, còn không thì chúng ta xin sẽ chẳng được, vì chúng ta xin mà không biết mình xin gì! (Mc 10, 38).

“Nguyện cho danh thánh Cha vinh hiển” (c.2) là một lời cầu nguyện truyền giáo; là lời xin cho mọi người nhận ra sự hoàn mỹ tốt lành của Cha mà nhận biết Cha – Đấng tạo thành trời đất. Cách đặc biệt hơn như chúng ta đã từng biết: “Vinh quang Thiên Chúa là con người được sống và sống dồi dào” (Thánh I-rê-nê). Thế nhưng, ngày nay vẫn còn biết bao con người sống kiếp lam lũ lầm than, đói nghèo, không có điều kiện để sống đúng với nhân phẩm; những nạn kỳ thị chủng tộc, giai cấp, phân biệt đối xử giới tính; những trẻ em bị bóc lột sức lao động, không được chăm sóc; những nạn buôn người….

Tất cả làm nên một khoảng ‘trời đen’ của nhân loại khiến cho mọi con người, nhất là người Ki-tô hữu chân chính phải nhức nhối, không thể dửng dưng làm ngơ. Vì vậy, lời cầu xin cho “Danh thánh Cha vinh hiển” cũng là lời cầu nguyện cho nhân loại có được một cuộc sống dồi dào, hạnh phúc; có thể tận hưởng được những ân phúc, ân lộc mà Thiên Chúa ban cho qua thiên nhiên, qua vũ trụ và con người, hầu con người được sống xứng đáng với phẩm giá là con Thiên Chúa; và đồng thời biết chung tay xây dựng cuộc sống tốt đẹp; đẩy lui những bất công còn tồn đọng trong xã hội, thắp sáng ngọn lửa tin yêu xua đi những mây mù hắc ám góp phần làm lành mạnh môi trường sống của nhân loại.

“Xin cho chúng con lương thực hằng ngày” (c.3)

Lương thực là để nuôi dưỡng đời sống con người. Có lương thực nuôi dưỡng phần xác, có lương thực nuôi dưỡng tinh thần, có lương thực nuôi dưỡng linh hồn. Con người có đầy đủ những lương thực trên nuôi dưỡng thì mới phát triển hài hòa, quân bình hầu có đầy đủ năng lực để sống, làm việc và phục vụ với hết khả năng, nhiệt tâm và tình yêu.

Thế nhưng, ngày nay có rất nhiều người (nếu không nói là đại đa số) chỉ biết  chăm lo phát triển vật chất, thỏa mãn những nhu cầu thể lý, tìm kiếm ‘vinh thân phì gia’ mà đời sống tâm linh lại èo uột có nguy cơ chết yểu. Cái đói thể lý người ta có thể rất dễ nhận ra và dễ quan tâm; nhưng ngược lại, cái đói tâm linh thì người ta không dễ nhận ra và thường bỏ mặc không quan tâm, mặc dù nó là tác nhân gây ra nhiều hậu quả vô cùng tai hại ảnh hưởng đến hạnh phúc và đời sống sung mãn của con người. Chúng ta hãy cầu xin Cha ban cho chúng ta có đầy đủ lương thực hằng ngày để sống và thi hành ý Cha.

“Xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con” (c. 4).

Điều kiện để được tha thứ là chính bản thân mình phải biết sống thứ tha. Tại sao tôi cầu mong Thiên Chúa tha thứ mọi tội lỗi tôi; tha nhân đối xử khoan dung đối với tôi, mà tôi lại hà khắc với người anh em. Tha thứ không phải là chuyện dễ làm. Tuy nhiên, chúng ta hãy mở lòng mình ra trước Thiên Chúa, khiêm tốn xin ơn chữa lành để ta có thể hòa giải với Thiên Chúa, với chính bản thân, để có thể sống hòa giải với tha nhân.

Bởi vì, nếu tôi không thể tha thứ cho chính mình thì tôi rất khó để có thể tha thứ cho người khác thật lòng. Có những người nhiệt tâm, thiện ý có thừa, họ cho rằng đối với bản thân họ thì việc tha thứ cho tha nhân thật dễ hơn là tha thứ cho chính mình rất nhiều. Chúng ta không thể phủ nhận suy nghĩ của họ.

Tuy nhiên, nó thường chỉ đúng khi người ta tha thứ những khuyết điểm của người khác mà những khuyết điểm ấy không trực tiếp làm tổn thương đến bản thân họ (nhất là đến danh dự, lòng tự trọng). Tôi biết có những người rất tốt lành, nhưng lại mang trong lòng những vết thương không xóa nổi; hay nói khác đi, tận đáy lòng họ chưa thể tha thứ cho người làm tổn hại đến mình, làm mất thanh danh tiếng tốt của mình. Họ có thể quên tạm thời, nhưng khi có những hoàn cảnh, sự kiện gợi đến, lòng họ vẫn sôi lên nỗi niềm cay đắng. Những vết thương như thế phải cần rất nhiều ơn Chúa để chữa lành và cho chúng ta thấy để sống tha thứ không phải là chuyện dễ. Xin Chúa giúp chúng ta biết sống khiêm tốn, chân nhận và chấp nhận những giới hạn của bản thân và sống khoan dung đối với tha nhân.

“Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” (c.4)

Con người ngày nay phải đương đầu với rất nhiều thứ cám dỗ về danh, lợi, thú. Thậm chí người ta có thể coi nó là mục tiêu để đạt tới trong cuộc đời. Có những người để cho danh, lợi cuốn hút đến bất chấp thủ đoạn. Có những người chạy theo lạc thú trong những cuộc tình và coi nó như một ‘mốt thời thượng’ mà đánh mất tình yêu thủy chung, coi nhẹ đời sống hôn nhân gia đình…và còn biết bao nhiêu thứ cám dỗ khác nữa.

Vì vậy, lời cầu xin “chớ để chúng con sa chước cám dỗ” phải tha thiết hơn bao giờ hết – xin Chúa giúp chúng ta có được đôi mắt tâm linh sáng suốt để biết biện phân những giá trị cao đẹp trong cuộc đời và chọn chúng làm mục tiêu hướng tới để hoàn thành sứ mạng và ơn gọi mà Thiên Chúa trao phó cho mỗi con người.

Tin Mừng Thánh Matthêu ghi Kinh Lạy Cha trong văn mạch Chúa Giêsu đang dạy cho các môn đệ mình cách thi hành những việc đạo đức (làm việc đạo đức cách kín đáo, đừng phô trương). Còn Tin Mừng Lc ghi kinh này sau khi một môn đệ xin Chúa Giêsu dạy cho nhóm môn đệ mình một bài kinh riêng của nhóm, để phân biệt với các nhóm tín ngưỡng khác.

Như thế Kinh Lạy Cha là kinh nguyện độc đáo của Kitô giáo. Tìm hiểu Kinh Lạy Cha, ta có thể biết những điểm độc đáo của sự cầu nguyện Kitô giáo là gì. Điểm độc đáo đầu tiên là Kitô hữu được gọi Thiên Chúa là Cha (Abba) một cách rất thân thương gần gũi.