Chúa Nhật XXVII TN C - Chuỗi Kinh Ân Phúc


Chúa Nhật XXVII TN C
Kính trọng thể lễ Đức Mẹ Mân Côi
Lc 1, 26-38
Chuỗi Kinh Ân Phúc



Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi. (Lc 1,38)

Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II trong tông thư “Kinh Mân Côi Đức Trinh Nữ Maria”, nói rằng: “Kinh Mân Côi là kinh tôi ưa thích. Một lời kinh kỳ diệu! Kỳ diệu qua vẻ đơn sơ và chiều sâu của nó”. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đề cao việc cầu nguyện với Kinh Mân Côi, nhất là trong thời gian đại dịch. Ngài mời gọi “Marathon Cầu nguyện” và làm phép các chuỗi Mân Côi để gửi đến 31 đền thánh kính Đức Mẹ tham gia với lời cầu nguyện: “Lạy Mẹ vô cùng yêu quý, xin ban cảm giác được thuộc về một gia đình lớn, trong nhận thức về mối dây liên kết tất cả chúng con, có thể phát triển trên thế giới; để với tinh thần tương thân tương ái, chúng con có thể cứu giúp nhiều người nghèo và nhiều hoàn cảnh khốn cùng. Xin củng cố sự vững vàng trong đức tin, nhẫn nại trong phục vụ, kiên trì trong cầu nguyện.” Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu đọc kinh Mân Côi chung tại gia đình, hoặc đọc riêng, để được hiệp nhất và vượt qua đại dịch. Đức Thánh Cha cũng gửi đến các tín hữu hai lời kinh cầu nguyện với Đức Mẹ để đọc vào cuối buổi đọc kinh Mân Côi như là chuỗi kinh ân phúc. 

Kinh Mân Côi quả là chuỗi kinh ân phúc vì đóng vai trò đặc biệt trong đời sống đạo của các kitô hữu. Chuỗi kinh Mân Côi là cách thức cầu nguyện dựa trên nền tảng Thánh kinh với 20 mầu nhiệm được trích ra trong sách Tin mừng và mỗi mầu nhiệm có kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng, kinh sáng danh. Với lời kinh ngắn gọn xúc tích chúng ta hoà với lời chào của sứ thần Gabrien để chào Đức Mẹ: “Kính Mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ...”. Chúng ta nhìn nhận mình là người tội lỗi và khiêm tốn xin Đức Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta trong cuộc sống hiện tại và trong giờ lâm tử. Kinh Mân Côi quả thật quý giá đối với chúng ta vì như thánh Bônaventura nói: “Mẹ Maria chúc phúc cho chúng ta với ơn lành, nếu chúng ta kính chào Mẹ bằng kinh Kính Mừng.” Qua từng lời Kinh trong các mầu nhiệm Vui, Thương, Sáng và Mừng, chúng ta cảm nhận được sự bình an hạnh phúc và được kết hiệp với Chúa trong các mầu nhiệm đó.


Kinh Mân Côi là chuỗi kinh ân phúc khi Đức Mẹ hiện ra với các trẻ Lucia, Phanxicô và Giacinta ở Fatima, Mẹ đã tự xưng mình là Mẹ Rất Thánh Mân Côi. Mẹ mời gọi con cái Mẹ siêng năng lần hạt Mân Côi, tôn sùng trái tim Mẹ và hoán cải đời sống. Do đó, chúng ta lần hạt Mân Côi theo mệnh lệnh của Mẹ để đem lại ơn ích cho chính mình và làm vui lòng Đức Mẹ. Chúng ta trung thành với việc đọc kinh Mân Côi mỗi ngày để cầu nguyện cho hoà bình thế giới và cho công cuộc truyền giáo của Giáo hội được tiến triển tốt đẹp. Nhất là chúng ta khiêm tốn thưa lời “xin vâng” như Mẹ Maria: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38), để thánh ý Chúa được thực hiện trên cuộc đời chúng ta. Như Chúa đã hành động chương trình cứu độ của Ngài trên cuộc đời của Mẹ để đem lại ân phúc cho mọi người thế nào thì chúng ta cũng ngoan nguỳ để Chúa làm chủ cuộc đời chúng ta như vậy. 

Kinh Mân Côi là chuỗi kinh ân phúc khi chúng ta nhận ra từng mầu nhiệm đó trong cuộc đời của mình. Có lúc đời sống của chúng ta tràn ngập niềm vui mừng, hy vọng nhưng cũng có lúc gặp những thất bại ê chề. Điều quan trọng là chúng ta đón nhận mọi sự cách bình an như Chúa đã quan phòng dự liệu cho chúng ta. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta phó mặc, buông xuôi mọi sự cho Chúa mà không có chút cố gắng vươn lên. Trái lại, chúng ta suy đi nghĩ lại để Lời Chúa làm sáng tỏ các mầu nhiệm đang ẩn chứa qua các biến cố đó. Theo thời gian và với lòng tin tưởng cậy trông phó thác, chúng ta càng thấm thía lời của Thánh Phaolô: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định.” (Rm 8,28). Quả thật mọi sự đều sinh ích khi Mẹ Maria đón nhận thánh ý Chúa với lòng yêu mến. 
 
Kinh Mân Côi là chuỗi kinh ân phúc vì nhờ suy niệm các mầu nhiệm đó mà tâm hồn chúng ta được thanh luyện dần khỏi những tham sân si để sống đơn giản, thanh khiết và thuận theo ý Chúa. Với những ơn xin của các mầu nhiệm và từng lời kinh chúng ta đọc giúp chúng ta bớt đi những phản ứng của con người tự nhiên và sống tự chủ hơn trong các mối tương quan. Khi chúng ta không quá bận tâm được mất hơn thua ở đời này chúng ta sẽ thanh thoát tự do trước mọi lời khen chê của người khác. Ngay cả những hiểu lầm, phê bình chỉ trích của họ cũng không làm tổn thương chúng ta vì biết rằng: “Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng.” (1Sm 16,7). Thay vì nặng lòng với những lời xầm xì của họ, chúng ta để lòng suy gẫm tràng chuỗi Mân Côi để tâm hồn được bình an thư thái. Thay vì để lòng giận ghét điều gì với ai, chúng ta cầu nguyện cho họ để ơn Chúa được ban xuống trên họ và trên chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta thấy mình khiêm tốn hơn, thinh lặng kết hiệp với Chúa hơn và liên đới với mọi người hơn. 

Kinh Mân Côi còn là chuỗi kinh ân phúc khi chúng ta nhận ra những gì mình cho thất bại, thiệt thòi, thua kém người khác lại là dịp để chúng ta nên giống Chúa Giêsu và Mẹ Maria hơn. Khi thuận theo ý Chúa, chúng ta sẽ nhận ra mọi sự đều thay đổi và qua đi. Ẩn tàng trong niềm vui là bi kịch và ẩn tàng trong đau thương tủi nhục là chiến thắng vinh quang. Có mất thì sẽ được, có chết cho sự sống đời này thì mới đạt đến sự sống vĩnh cửu. Như cuộc đời của Chúa Giêsu đã trải qua các mầu nhiệm Vui, Sáng, Thương, Mừng, chúng ta cũng sẽ trải qua những niềm vui nỗi buồn như thế. Điều quan trọng là chúng ta để cho Lời Chúa soi sáng và thấm nhập tâm hồn chúng ta và phân định mọi sự theo tiêu chuẩn của Chúa. Hơn nữa, kinh Mân Côi còn là chuỗi kinh ân phúc vì nhờ chiêm niệm từng chuỗi hạt mà tâm hồn chúng ta được nhẹ nhàng và an nhiên tự tại. Dù cuộc sống bên ngoài xô bồ, tranh giành, hơn thua về tiền tài danh vọng, chúng ta vẫn giữ được cuộc sống bình dị, toát lên vẻ đẹp của người “ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian” (Ga 17,16). Đúng là “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”. Chúng ta tìm thấy chân lý được cất giấu trong mỗi mầu nhiệm Mân Côi để không còn những tự ái, ghen tị, và lợi nhuận trần gian thống trị. Thay vào đó chúng ta nhận ra đường lối Chúa thật kỳ diệu nơi tha nhân và cuộc sống này.

Lạy Chúa, như Mẹ Maria đã thưa tiếng “xin vâng” để thánh ý Chúa được thực hiện là cho Con Một Chúa nhập thể làm người hầu đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Xin cho chúng con noi theo gương Mẹ xin vâng ý Chúa trong từng giây phút sống của chúng con, dù có lúc chúng con không biết cũng không nhận ra đường lối của Chúa. Xin cho chúng con buông theo ân sủng Chúa và để Chúa làm chủ cuộc đời chúng con như Mẹ. Xin cho chúng con ý thức mỗi lần đọc kinh Mân Côi là mỗi lần chúng con hoà với lời của Sứ thần thân thưa với Mẹ lời chào trang trọng: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc” chứ không đọc theo thói quen, để sống lại từng mầu nhiệm của cuộc đời Chúa. Ước gì chúng con luôn sẵn sàng mở ra để đón nhận thánh ý Chúa, có trải qua thập giá mới đến vinh quang Phục Sinh và Lên Trời. Ước gì khi cùng với Mẹ Mân Côi chiêm ngắm các mầu nhiệm, chúng con cũng hy vọng mai sau sẽ được cùng với Mẹ hưởng phúc trên Quê Trời. Amen. 
Sr. Maria Kim Yến, MRP