Chúa Nhật Lễ Chúa Hiển Linh C - Toả Chiếu Ánh Sáng


CHÚA NHẬT CHÚA HIỂN LINH
Mt 2,1-12
TOẢ CHIẾU ÁNH SÁNG



Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, và hỏi: "Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người." (Mt 2,1-2)

Tin Mừng Mátthêu hôm nay tường thuật về việc Chúa Giêsu tỏ mình ra đặc biệt đối với dân ngoại qua ba nhà chiêm tinh gia hay đạo sĩ. Những nhà chiêm tinh này thấy vì sao của Vị Vua dân Do-thái xuất hiện bên phương Đông, nên đến bái lạy Người. Ngôi sao lạ là phương tiện Thiên Chúa dùng để hướng dẫn các vị này đến máng cỏ ở Bê-lem. Ngôi sao dẫn đường cho họ tiếp tục hành trình tìm đến thờ lạy Hài Nhi Giê-su. Quả thật, Thiên Chúa ra tay hướng dẫn toàn thể biến cố, và chia sẻ niềm vui với các nhà chiêm tinh: “Thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, họ liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến”. (c.10-11) Họ tin đây là vị vua chân chính mà muôn dân vẫn trông đợi, là “con cháu vua Đavít” (Mt 1,1), là Đấng “Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.” (Mt 1,23). Ba lễ vật họ dâng tiến có ý nghĩa dành cho Vị Vua: vàng biểu trưng về vương quyền, nhũ hương biểu trưng về thần tính và mộc dược biểu trưng cho việc mai táng Đức Giêsu. 

Trong khi các nhà chiêm tinh là Dân ngoại nhưng họ thực hiện một cuộc hành trình dài để hỏi nơi sinh của “vua dân Do Thái”. Chính vì họ quyết tâm lên đường và ra công tìm kiếm nên họ đã gặp. Còn các nhà lãnh đạo Do Thái thì vô tâm: Vua Hê-rô-đê thì sợ mất vương quyền, còn dân Do Thái từ chối đón nhận ơn cứu độ và các kinh sư dù nghiên cứu Kinh Thánh biết Đấng Mêsia sẽ chào đời tại Bêlem xứ Giuđê (Mt 2,5-6), nhưng họ không tìm kiếm Người. Các nhà chiêm tinh quan sát sự chuyển động của các tinh tú và xác định ngôi sao tượng trưng Đấng Mêsia, xuất thân từ nhà Đavít. Họ nhận ra Đấng Mêsia đã đến và lên đường đến bái kiến vị tân vương, trong khi Vua Hê-rô-đê đa nghi, ông muốn các nhà chiêm tinh về báo cho ông biết về vị vua mới sinh để rồi toan tính loại trừ; nhưng Thiên Chúa đã can thiệp, để đưa các nhà chiêm tinh “đi lối khác mà về xứ mình”. (c. 12) 

Hình ảnh “một Hài Nhi đã sinh hạ cho chúng ta” (Is 9,1-5) đến trong trần gian cách khiêm tốn. Người là ánh sáng bao trùm mặt đất tối tăm và vinh quang của Người chiếu tỏ trên các dân các nước (Is 60,1-6). Ánh sáng chân lý và ân sủng của Chúa như là “sao Mai xuất hiện trong lòng chúng ta” (2Pr 1,19) để tác động vào tâm trí chúng ta, hầu chúng ta cũng là ánh sáng dẫn đưa nhiều người đến với Chúa. Hơn nữa, chúng ta được mời gọi lên đường: “Anh em anh hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19) vì xung quanh chúng ta còn rất nhiều người chưa nhận biết Chúa. Dù vậy, phần đông họ có đời sống gương mẫu, chân thành, ngay thẳng, ý thức về công lý và phục vụ tha nhân với bổn phận nghề nghiệp của mình. 

Các nhà chiêm tinh là đại diện cho các dân tộc thuộc mọi quốc gia, mọi ngôn ngữ trên thế giới. Họ là hình ảnh của Hội Thánh đang để cho sứ điệp hòa bình và tình yêu của Đức Giêsu hướng dẫn soi đường. Dù các dân tộc khác nhau nhưng tất cả đều trở thành thân thể trong Hội Thánh Chúa. Các dân tộc vẫn duy trì nền văn hóa của riêng mình và làm phong phú cho Hội Thánh chứ không đánh mất chân tính của mình. Thiên Chúa ban “bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” để những người mong chờ niềm vui ơn cứu độ đều được hưởng.

Chúng ta thấy chỉ có các nhà chiêm tinh là những nhà thông thái và các mục đồng là những người đơn sơ được diễm phúc gặp Hài Nhi Giêsu nơi máng cỏ Bêlem. Các mục đồng bỡ ngỡ vì vẽ đẹp của thiên thần: Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, Ðấng cứu độ đã sinh ra cho anh em trong thành của vua Ða-vít, Người là Ðấng Kitô Ðức Chúa (Lc 2,10-12). Còn các nhà chiêm tinh dâng tiến lễ vật cho Hài Nhi. Chúng ta có nhận biết Chúa Giêsu đến trong cuộc đời của chúng ta, để vui mừng đón nhận hay lãnh đạm không quan tâm đến sự hiện diện của Ngài? Chúng ta tạ ơn Chúa vì mỗi lần tham dự thánh lễ, chúng ta thờ lạy Chúa và dâng lên Chúa lễ vật của chúng ta là những lao công xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp để mọi người được sống trong nền văn minh tình thương. 

Lễ Hiển Linh là dịp để chúng ta cầu nguyện cho những người chưa nhận biết Chúa và những người khác niềm tin với chúng ta. Thiên Chúa yêu thương họ, soi sáng cho họ và dẫn đưa họ đến với Người. Chúng ta tôn trọng niềm tin của họ và mở lòng đón nhận họ mà không phê phán hay xem thường xác tín của họ. Vì Thiên Chúa vẫn không ngừng cho “những ánh sao” dẫn đưa nhiều người đến với Chúa. Không phải là ánh sao trên trời cao mà là ánh sáng của Đức Kitô gieo vào lòng người, qua đời sống gương mẫu của các Kitô trung thành dấn bước trên hành trình đức tin đầy mạo hiểm của mình. Thiên Chúa vẫn tiếp tục tỏ mình cho thế giới qua các dấu chỉ tự nhiên của trời đất, của lịch sử, qua Thánh kinh, qua Giáo hội, qua các Bí tích, qua các biến cố vui buồn trong cuộc sống hàng ngày.  Khát khao tìm gặp Thiên Chúa cần phải có sự chân thành. Chúng ta đến với Chúa với tâm hồn đơn sơ và khiêm nhường, để gặp gỡ Ngài, hầu trở nên ánh sao dẫn lối cho nhiều người nhận biết và yêu mến Chúa.

Lạy Chúa, các nhà chiêm tinh đã không quản ngại mệt nhọc trên đường tìm kiếm Chúa và Chúa đã đáp lại những ai tha thiết tìm đến ơn cứu độ. Xin cho chúng con chuyên chăm suy gẫm Kinh Thánh và khi được thúc đẩy, chúng con sẵn sàng lên đường đến với Chúa và tha nhân. Dù đôi khi giữa đường đời, chúng con cảm thấy khó xác định được mục tiêu, nhưng chúng con tin tưởng nơi Chúa với tấm lòng thành xin Chúa hướng dẫn; xin cho đường đời chúng con luôn bước đi trong ánh sáng của tình yêu Chúa. Amen.

Sr. Maria Kim Yến, MRP