Chúa Nhật IX TN - Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi


CHÚA NHẬT IX THƯỜNG NIÊN - LỄ CHÚA BA NGÔI
Mầu Nhiệm Một Chúa Ba Ngôi (Ga 3,16-18)



“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16)

Chúng ta hân hoan mừng Lễ Chúa Ba Ngôi, một Thiên Chúa duy nhất, đồng bản thể và quyền năng, nhưng thể hiện trong công cuộc tạo dựng, cứu độ và thánh hóa vũ trụ. “Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống Kitô giáo. Đó là nguồn mạch của tất cả các mầu nhiệm khác của đức tin. (Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 234). Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm khó hiểu đối với tâm trí chúng ta, vì như Thánh Augustinô kể trong giai thoại của Ngài, việc tìm hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cũng như một đứa trẻ dùng cái vỏ sò múc nước biển đổ vào một cái hang con còng với hi vọng làm cạn nước biển. Tuy vậy, chúng ta biết Chúa Ba Ngôi đang hoạt động và điều khiển vũ trụ này, Ngài ban hơi thở sự sống để chúng ta tồn tại. Nếu không gắn kết với Ngài, chúng ta không có sự sống: “Như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho” (Ga 15,4). 

Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi được mặc khải cho con người hữu hạn cách tiệm tiến. Chính Chúa Giêsu mạc khải về mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ngài là mặc khải cụ thể nhất về Thiên Chúa, nhưng để hiểu mạc khải cách rõ ràng thì cần ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, nhắc nhở và hướng dẫn từng bước. Chúa Giêsu muốn trao ban cho các môn đệ tất cả những gì Ngài có, nhưng các môn đệ còn giới hạn về khả năng, sức lực và trí khôn trước những thực tại thiêng liêng. Vì thế, ngài nói với các môn đệ: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16,12-13). Chúa Thánh Thần sẽ tiếp tục huấn luyện và khai mở dần dần cho các môn đệ cũng như cho từng người chúng ta. 

Như khi nói về Thiên Chúa Cha, chúng ta được sáng tỏ hơn qua những đoạn Kinh Thánh: “Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất” (Mc 12,29) và “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8). Chúa Giêsu còn dạy cầu nguyện với Cha: “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời” (Mt 6,9). Hoặc khi nói về Chúa Con, Chúa Giêsu nói về chính mình: “Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận” (Ga 6,27); “Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1). Như Tôma thốt lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (20,28) và sự liên hệ nên một: “Ta và Chúa Cha là một” (Ga 10,30). Sau khi Chúa Giêsu sống lại, các môn đệ mới nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa, đã vâng lời Chúa Cha mà sinh xuống trần gian để cứu độ nhân loại. Chính Ngài đã chịu đau khổ, chịu chết và từ cõi chết sống lại. Ngài là Thiên Chúa thật và là Người thật. Khi nói về Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho chúng ta ngày càng khám phá và hiểu biết Thiên Chúa, nhưng “Ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời” (Mc 3,29). “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). 

Chúng ta được mời gọi để chia sẻ sự hiệp thông, sự sống và tình yêu trong Ba Ngôi Thiên Chúa, như Chúa Giêsu nói: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại trong người ấy” (Ga 14,23). Chúng ta vẫn tuyên xưng mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi khi đọc kinh sáng danh, khi làm dấu thánh giá: “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” hay làm dấu kép, vẽ hình thánh giá trên mình trước khi nghe công bố Tin mừng: “Lạy Chúa, vinh danh Chúa”. Chúng ta tuyên xưng không chỉ bằng lời nói, việc làm mà còn bằng chính đời sống chứng nhân của chúng ta. Chính Chúa Giêsu đã thể hiện tình yêu đó và trở nên mẫu gương cho chúng ta: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13).

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi nối kết Thiên Chúa với con người: “Phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa… Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó, chúng ta được kêu lên: “Abba! Cha ơi!” (Rm 8,14-15). Nếu Chúa Giêsu không xuống thế làm người mà chỉ nói từ trời vọng xuống rằng: “Thiên Chúa yêu con người” thì chẳng ai tin. Nhưng chính Ngài đã đến ở với con người, yêu thương và hi sinh chính mạng sống mình cho con người: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban tặng Con Một, để ai tin vào Con của Người thì được sống muôn đời” (Ga 3,16). Nhờ đó, con người cảm nghiệm được tình yêu của Con Một Thiên Chúa, Đấng đến: “Không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,17).

Thế nên, tin Chúa Ba Ngôi là sống mối liên hệ yêu thương gần gũi mật thiết với Chúa, để Ba Ngôi luôn hoạt động trong chúng ta, nâng đỡ và trợ giúp chúng ta vượt qua những thách đố trong đời. Hơn nữa, “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8) còn ban tặng Chúa Thánh Thần sau khi Chúa Giêsu về trời, để tiếp tục đổ tràn tình yêu, bình an và ân sủng cho nhân loại. Vì yêu thương, Thiên Chúa có sáng kiến tặng quà để biểu lộ tình yêu cách trọn vẹn. Chúng ta đón nhận quà tặng của Chúa với lòng biết ơn và trân trọng để sinh ích cho mình và cho nhiều người khác. Bên cạnh đó, khi đón nhận quà tặng của Chúa, chúng ta cũng trở thành quà tặng đem tình thương, niềm vui và hạnh phúc đến cho nhiều người. Như thế, tin yêu Chúa Ba Ngôi là chúng ta sống mối liên hệ yêu thương với Chúa và với nhau, đặc biệt trong năm củng cố sự hiệp thông này, chúng ta trở thành những quà tặng dâng lên Chúa và tặng cho nhau để cùng nhau đem lại niềm vui ân phúc cho mọi người.

Lạy Chúa, Chúa mời gọi chúng con tham dự vào sự sống thần linh của Ba Ngôi Thiên Chúa. Xin Chúa Thánh Thần tác động để tâm hồn chúng con cảm nghiệm được các chiều kích của mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, hầu tâm trí chúng con đủ sức đón nhận và thông hiểu mầu nhiệm tình thương của Thiên Chúa. Xin cho chúng con thêm lòng mộ mến Chúa và rao giảng cho những ai chưa nhận biết Chúa. Nhất là mở lòng chia sẻ tình thương của Chúa cho mọi người, cách riêng cho những người kém may mắn hơn, để họ cảm nghiệm được tình Chúa yêu thương họ. Xin cho chúng con can đảm tuyên xưng đức tin của mình, mỗi khi làm dấu Thánh Giá với mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi và sống chứng nhân cách thiết thực, để mọi người nhận ra Chúa luôn hoạt động trong đời sống chúng con, qua việc quảng đại, dấn thân, không ngại hi sinh chính mình để phục vụ mọi người. Amen. 
Sr. Maria Kim Yến, MRP