Thăm Viếng Buôn Làng


THĂM VIẾNG BUÔN LÀNG
Dừng xe dưới tán cây rừng mọc ven đường, chị em chúng tôi đi thật nhanh đến ngôi làng phía xa dưới triền dốc. Đây là nhà của H’Len, em học sinh lớp 12 xóm Đào. Đến thăm gia đình em, phần để biết và hiểu gia đình, mặt khác là động viên khích lệ phụ huynh cho em đi học tiếp, vì em đã trốn học về Buôn làng khá lâu.

Điều bất ngờ, trước đó một lúc, nơi đây vẫn đang tụ tập đông đúc, bỗng "tan tác" khi thấy hai soeurs lạ bước vào; chỉ còn một mình cô bé ở lại tiếp chuyện. Thoáng lấp ló sau cánh cửa, có những ánh mắt tò mò ngơ ngác nhìn ra của mấy đứa trẻ. Mẹ H’Len từ nhà hàng xóm chạy về, e dè bước vào "chào hai sơ". Thấy thế, những đứa trẻ khác cũng ùa đến nép cạnh bà mẹ. H’Len là con thứ 3 trong gia đình có 10 người con. Gia cảnh của em khá nghèo, tường nhà xây trần "không vào áo", rêu bám chằng chịt. Trên cái ‘bàn chiếu’ trải giữa nhà, các soeurs và cả nhà xum vầy vòng tròn nói chuyện, hỏi thăm vui vẻ. Một sự gặp gỡ rất thân tình, đơn sơ và vui vẻ với các thành viên trong gia đình H’Len, để lại nơi chị em chúng tôi ấn tượng tuyệt vời. Nơi đây, những con người tuy nghèo nhưng thật thà, chất phác và ngoan đạo. Chính tình cảm gắn bó, khó rời xa mái ấm gia đình là điều khiến H’Len nhớ lắm khi xa nhà và em đã chỉ muốn về với gia đình thôi. Nhưng khi được nghe sơ giải thích sự cần thiết của việc tiếp tục học để giúp ích cho em và gia đình, em đã đồng ý quay trở lại lưu trú học xong chương trình phổ thông.

Suốt buổi sáng, chị em chúng tôi ghé thăm 12 ngôi nhà trong Buôn. Tất cả có chung một gia cảnh là nghèo và đói. Số thành viên trong các gia đình từ 10 trở lên, ngôi nhà gạch hoặc ván ghép, phân bò bao quanh. Bà con buôn làng nơi đây không có hoặc rất ít nương rẫy, chỉ đi làm thuê kiếm cái ăn từng ngày. Trưa đến, chúng tôi dừng chân tại nhà em H' Na học lớp 12. Mẹ em làm y tá tại trạm xá Ea Yiêng, ngôi nhà khang trang hơn trong tất cả các nhà mà sáng nay chúng tôi đã đến thăm. 

H'Na-cô bé trầm tĩnh, chăm chỉ và thông minh. Em được các bạn tín nhiệm bầu làm chị hai của nhà lưu trú. Nay em có dịp chia sẻ với các 
soeurs về những “khó khăn” khi phải đảm nhận “chức vụ” này. Không chỉ H’Na mà cả các bạn Lưu trú Sắc tộc ở đây nói chung, không ai thích đảm nhận công việc hoặc “chức vụ” gì, ngay cả việc đọc sách, hát đáp ca hay một chuyện nhỏ gì đó cũng đủ làm cho các em chán và muốn bỏ trốn về nhà...Một tâm lý chung mà chỉ khi đến với và thân tình tiếp xúc, các em mới cởi mở bộc lộ tâm tư và cảm xúc của mình cho các soeurs nghe.

Rất nhiều điều ngạc nhiên mà tôi đã được chứng kiến, đã lâu tôi chưa có dịp vào thăm Buôn. Buôn làng này chỉ cách trung tâm Thành phố Ban Mê khoảng 50 km mà như trở về thời tiền sử. Họ thật là "đứa em thứ" mà Đấng Sáng Lập luôn nhắc đến là "đối tượng" cần được yêu thương, nâng đỡ. Trong tôi đọng lại một cảm giác "xót xa" và nhiều thao thức cho nơi này. Họ vẫn đói, vẫn khổ và cuộc sống quá bấp bênh. Việc học của con cái thì dang dở, không có tương lai, chỉ cắt cỏ và chăn bò, làm thuê theo mùa là chính, không muốn "vượt khó" và không có ý chí thoát khỏi cảnh đói nghèo. 

Hành trình thăm viếng, vượt ra khỏi nơi an toàn để đến những vùng ngoại biên của chị em mang lại nhiều ý nghĩa và tăng thêm nghị lực dấn thân phục vụ. Gói trọn tâm tình sau cuộc viếng thăm, chúng tôi dâng những“người em thứ" này vào bàn tay quan phòng của Chúa. Xin Chúa chăm sóc đến những mảnh đời khốn khổ ấy, cho họ điều kiện tốt hơn để có một cuộc sống an vui, hạnh phúc và xứng hợp với nhân phẩm trong thời đại hôm nay.

 
Lưu trú Buôn Hằng