Những điều cần biết về giai đoạn khấn trọn

Để được chấp nhận cho tuyên khấn trọn đời trong Dòng, chị khấn sinh cần phải trưởng thành để tự đảm nhận về đời sống thánh hiến theo đặc sủng, linh đạo và sứ vụ của Dòng.

KHẤN TRỌN -  THƯỜNG HUẤN
 

Điều 109.  Điều kiện khấn trọn đời

  1. Để việc khấn trọn đời thành sự, khấn sinh cần hội đủ các điều kiện sau đây:[1]

  1. Tối thiểu hai mươi tám tuổi trọn.

  2. Đã khấn tạm tối thiểu được sáu năm, và thực tập tông đồ ít là một năm.

  3. Được chị Tổng Phụ Trách, với sự ưng thuận của ban tổng cố vấn, tự do chấp nhận cho khấn.

  4. Lời khấn phải minh nhiên, không bị cưỡng ép, hay vì sợ hãi trầm trọng hoặc do man trá.

  5. Lời khấn được chính chị Tổng Phụ Trách hoặc một chị đại diện được uỷ quyền tiếp nhận.

  1. Để được chấp nhận cho tuyên khấn trọn đời trong Dòng, chị khấn sinh cần phải trưởng thành để tự đảm nhận về đời sống thánh hiến theo đặc sủng, linh đạo và sứ vụ của Dòng.
     

Điều 110. Trách nhiệm và quyền lợi
 

  1. Do giới hạn của con người, người được thánh hiến không bao giờ được tự coi là đã hoàn tất nơi mình hình ảnh “con người mới”. Vì thế, chị em Dòng Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình phải ý thức tự huấn luyện mình qua cuộc sống mỗi ngày, qua cộng đoàn, qua các biến cố hằng ngày, qua việc cầu nguyện và hoạt động tông đồ, trong niềm vui và đau khổ cho tới giây phút cuối cùng của cuộc đời.[2]

  2. Các chị hữu trách cấp cộng đoàn và nhất là cấp Dòng phải quan tâm tạo điều kiện để chị em có phương tiện và thời giờ cho việc thường huấn.[3]

Điều 111. Thường huấn
 

Chị em tiếp tục tìm học biết để yêu mến và noi gương Chúa Kitô suốt đời, hoặc thường xuyên hoặc trong những khóa đặc biệt. Ngoài những môn trực tiếp về đời tu, chị em cũng cần được tu nghiệp định kỳ về các ngành chuyên môn, được hiểu biết về những biến cố quan trọng trong Hội Thánh và trên thế giới, những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, để thông cảm với những nỗi lo âu của thời đại và để tìm cách đáp ứng theo tinh thần thăng tiến của Phúc Âm ngàn đời.[4]

Điều 112. Sứ mạng của các chị cao niên và bệnh tật

Các chị em bệnh tật và già yếu giữ một vai trò quan trọng trong kế hoạch kỳ diệu của Thiên Chúa. Những khổ đau do bệnh tật và tuổi già giúp chị em kinh nghiệm sâu xa hơn niềm hy vọng hướng về phục sinh: “Chúng tôi không chán nản. Trái lại, dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới”.[5]

Tác vụ tông đồ thực sự của chị em chính là việc phó thác toàn thân cho ý muốn cứu độ của Chúa, kín múc nơi những nguồn mạch của kinh nguyện và sám hối. Nhờ những kho tàng khôn ngoan và kinh nghiệm, nhờ lời cầu nguyện âm thầm và chấp nhận sự cô đơn, đau khổ một cách kiên trì để nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, chị em làm cho đời sống của Dòng và Giáo Hội ngày càng trở nên phong phú.

Điều 113. Hưu dưỡng

  1. Nhà hưu dưỡng phải được tổ chức sao cho chị em đau yếu và lớn tuổi có những điều kiện thuận tiện để cầu nguyện và nghỉ ngơi.[6]

Với lòng yêu mến biết ơn, Dòng quan tâm nâng đỡ và ân cần chăm sóc, nhất là cảm thông lắng nghe và sử dụng đúng mức các khả năng của chị em bằng những hoạt động và công việc thích hợp.

  1. Phần chị em trong thời kỳ hưu dưỡng, cần ý thức góp phần vào việc tông đồ của Dòng bằng những hy sinh và cầu nguyện, đồng thời sẵn sàng chia sẻ với cộng đoàn trong những công việc phù hợp với sở thích và sức khỏe của mình.

Điều 114. Chung cuộc của đời thánh hiến

Khi đến ngày tận cùng của cuộc đời dương thế, chị em Dòng Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình an vui trở về với Chúa, bằng một cử chỉ hiếu thảo vâng phục trọn vẹn, để được đồng hóa với “Người Con Cả” thân yêu. Chúa Kitô chính là lẽ sống của chị em, vì thế, cái chết chung qui có lợi cho chị em, vì nó làm cho chị em được toại nguyện là được kết hợp muôn đời với Đức Kitô.[8]
Trong suốt đời sống, các hành vi từ bỏ mà chị em đã tự nguyện tìm kiếm và vui mừng đón nhận chính là những bước chuẩn bị cho một cuộc từ bỏ toàn diện: từ bỏ trần gian để về với Chúa.
Trong tình yêu thương, cộng đoàn giúp chị em đón nhận cái chết một cách lành thánh, và hiệp thông với chị em trong hy lễ cuối cùng. 

[1] x. GL 658

[2] x. XPL 15

[3] x. GL 661

[4] x. HPTK 59

[5] 2Cr 4,16

[6] x. HPTK 135

[7] x. ĐSTH 44;70; HL 70

[8] x. Pl 3,8-14