Tết này chẳng giống Tết xưa



 
Từ những năm 2010, trên mạng đã lưu truyền câu ca dao tân thời: “Tết này vẫn giống Tết xưa/ Vẫn đi xe số, vẫn chưa có bồ”. Hồi đó, tình trạng độc thân còn là chuyện khiến nhiều người lo sốt vó và tủi thân nên mới có câu lục bát này. Ai ngờ hơn 10 năm sau, khi dạo quanh Facebook người ta bắt gặp câu: “Tết này chẳng giống Tết xưa/ Chẳng ai còn nhớ Tết xưa thế nào”.
 
Khác với sự hài hước của câu thơ gốc, phiên bản mới gợi cảm giác man mác buồn trong lòng ta khi một năm nữa sắp trôi qua. Không ít người hoài cổ than rằng Tết này chẳng giống Tết xưa - cái Tết đầy háo hức của tuổi thơ. Thế nhưng, đôi lúc chính họ cũng không còn nhớ Tết xưa từng có những gì, chỉ cảm thấy Tết xưa vui hơn, ý nghĩa hơn Tết nay. Giống như người ta thường nghĩ món ăn mẹ hoặc bà nấu ngày trước ngon hơn ở nhà hàng hiện giờ; bộ phim mình xem hồi nhỏ hay hơn bản phim “remake” gần đây; những bài hát mình thích thời đó cũng hay hơn nhạc trẻ bây giờ…

Đây là “Hiệu ứng vịt con” hoặc “Hội chứng vịt con” (Baby duck syndrome). Trong tự nhiên, gà, vịt hoặc chim non mới nở sẽ mặc định vật chuyển động đầu tiên chúng nhìn thấy là mẹ. Dù “bà mẹ” này chẳng phải mẹ ruột hay cùng loài, chúng vẫn tin chắc đó là mẹ mình. Từ hiện tượng này, tâm lý học đã dùng để chỉ việc con người có xu hướng coi những trải nghiệm đầu tiên, những cảm xúc đầu tiên, những sự vật tiếp xúc đầu tiên là “tốt nhất”, “chuẩn nhất”. Mặt tích cực, hội chứng này giúp người ta không lãng quên giá trị truyền thống và bài học lịch sử, từ đó rút kinh nghiệm cho hiện tại và tương lai. Nhưng cũng làm con người trở nên khắt khe, dè dặt hơn với cái mới và hạn chế sự sáng tạo, phát triển.

 

Trong bộ phim hài - chính kịch “Hành trình trăm bước” (The Hundred-Foot Journey, 2014), một gia đình đông con người Ấn phải rời quê hương vì chiến loạn và di cư sang châu Âu. Bị kẹt lại ở một miền quê nước Pháp, người cha quyết định sẽ an cư tại đây và mở nhà hàng Ấn đối diện với nhà hàng Pháp 1 sao Michelin, chỉ cách 100 bước chân. Hai bên cạnh tranh, gây ra những chuyện dở khóc dở cười, rốt cuộc cách duy nhất để tồn tại là phải cùng hợp tác. Nam chính là con thứ trong nhà, rất đam mê nấu nướng, anh đã kết hợp hoàn hảo phong cách ẩm thực Pháp và Ấn. Nhờ vậy, anh giúp đem lại ngôi sao Michelin thứ hai cho nhà hàng và được mời đến Paris tu nghiệp. Vài năm trôi qua, anh trở nên nổi tiếng nhưng vẫn cảm thấy cô đơn, trống trải. Viết thư cho bạn gái, anh buồn bã tâm sự rằng những món anh nấu ở Paris dù cầu kỳ nhưng chẳng ngon như khi nấu cùng cô. Một đêm nọ, người đồng hương mời anh dùng cơm hộp nhà làm, thấm đẫm mùi gia vị Ấn. Anh gọi tên từng gia vị như nhận ra từng gương mặt thân thuộc đến nghẹn ngào, người bạn thốt lên: “Mỗi miếng ăn đưa ta về quê nhà” (Food brings you home). Anh quyết định rời Paris hoa lệ, trở về đoàn tụ với gia đình, trở về nơi câu chuyện bắt đầu để từ đó xây dựng tương lai.

Chàng trai trong phim luôn gắn bó chặt chẽ với gia đình và bản sắc quê hương. Anh không hề bảo thủ mà rất cởi mở với những điều mới, chịu khó học hỏi, dám đột phá. Khi đã đạt đến đỉnh cao, được làm việc trong môi trường tân tiến và cao cấp, anh lại nhớ gia đình da diết. “Hiệu ứng vịt con” đưa anh quay lại điểm xuất phát của “hành trình trăm bước”, giúp anh tìm về quá khứ nhưng không chìm đắm trong đó. Ngược lại, kỷ niệm đẹp đẽ và tình cảm gia đình đã nâng bước chàng trai bắt đầu một hành trình mới.

Tại sao Tết xưa luôn vui hơn? Không phải vì Tết nay nhạt nhẽo mà vì khi xưa nhỏ bé thơ ngây, chưa nặng gánh cơm áo gạo tiền, ta chỉ có niềm háo hức được nghỉ lễ, sắm sửa quần áo mới… Càng lớn, ta càng ít hào hứng, bất ngờ với những điều mới lạ; nhiều thứ trong mắt ta chẳng thể sánh bằng ngày xưa, cho dù thực tế chưa chắc là vậy.

 

Ngẫm lại thì Tết nay chẳng bao giờ giống Tết xưa, nhiều thứ đã mất sẽ không trở lại. Khi ăn món ưa thích, xem bộ phim cũ, nghe bản nhạc xưa… điều ta thực sự thưởng thức chính là hồi ức. “Mỗi miếng ăn đưa ta về quê nhà”, mỗi bộ phim, cuốn sách hay bài hát cũng thế, nhất là khi ta từng thưởng thức chúng bên người thân, bạn bè hoặc mối tình đầu. Đừng để rào cản quá khứ che lấp niềm vui hiện tại, bởi mỗi thời đều có giá trị riêng. “Chúng ta thường đánh mất ngày hôm nay vì ngày hôm qua và ngày mai” (Goethe).

Ths-Bs Lan Hải
Nguồn: cgvdt.vn