Thách đố đầu đời - Sv Bồ Câu Trắng


THÁCH ĐỐ ĐẦU ĐỜI

“Chẳng có cảnh nào đáng buồn hơn là thấy một người bi quan trẻ tuổi”.- Mark Twain
Ấy thế mà giữa thế giới hiện đại, được đánh giá với tốc độ phát triển khoa học kỹ thuật vượt bậc cùng những tiện nghi nó mang đến, lại có rất nhiều “người bi quan trẻ tuổi”. Họ lạc lối giữa một thế giới công nghệ với những thông tin nhiễu loạn, đắm chìm trong những ảo tưởng huyễn hoặc, bản thân mất định hướng cuộc sống. 
Vậy đâu là nguyên nhân khiến cho nhiều người trẻ bi quan?
Trong thời đại công nghiệp - hiện đại hóa, việc di dân của các bạn trẻ từ nông thôn lên các thành phố lớn đã không còn là điều gì quá xa lạ với tất cả chúng ta. Đây cũng là thời điểm đánh dấu cột mốc của tuổi trẻ, cột mốc của những ước mơ, hoài bão. Nhưng cũng đồng nghĩa với việc các bạn trẻ phải rời xa gia đình, xa xứ đạo đi đến những chân trời mới, nơi mà cơ hội cũng như thách thức luôn song hành với nhau. 
Xã hội luôn luôn vận hành và thay đổi không ngừng theo hướng con người hóa, nghĩa là xã hội đi theo mong muốn của con người, nó “chiều chuộng” chúng ta để ru ngủ chúng ta vào cơn mê trần thế. Nào là tiền tài, danh vọng, địa vị, và cả những dục vọng hư ảo. Cuộc sống người trẻ lại càng dễ sa vào cơn mê trần thế, bởi kinh nghiệm bản thân chưa nhiều, lại phải sớm rời xa sự quan tâm, chia sẻ từ gia đình và Giáo hội địa phương. 
Khi bước chân chập chững vào đời, các bạn phải đối mặt với biết bao vấn đề giữa khoa học và đức tin. Đầu tiên là môi trường giảng đường, khi mà những học thuyết, khoa học chiếm ưu thế, các bạn sinh viên dành hết năng lực, thời gian để học hỏi, nghiên cứu. Trái lại, thời gian cho Chúa ít hơn, những giờ kinh cũng dần thưa thớt, những buổi đi nhà thờ vội vã đến rồi đi, cuộc sống mới điều khiển giới trẻ theo cách mà xã hội vận hành. Thiếu vắng tình cảm gia đình, thiếu chỗ dựa tinh thần, dần dần đức tin của họ cũng mai một; và một khi sống thiếu đức tin nên chẳng thể kiên định với mục đích và lý tưởng sống mãnh liệt ban đầu của mình. Giới trẻ đi lệch hướng. Khi đặt chân vào vạch xuất phát của cuộc đời là cánh cổng đại học, cao đẳng,… hay môi trường làm việc mới, các bạn trẻ vẫn nghĩ mình đã chạm đến vạch đích, bạn ngủ quên trên chiến thắng của ngày hôm qua, tiếp tục lơ đãng và thiếp ngủ như những cô gái khờ dại trong Phúc âm Mat-thêu ( Mt 25,1-13). “Thật vậy, tuổi trẻ của chúng ta có thể trôi qua trong lơ đãng, hời hợt, mê ngủ, không có khả năng vun đắp các mối tương quan sâu xa và đi vào trọng tâm của đời sống. Như thế chúng ta chuẩn bị cho mình một tương lai nghèo nàn, không có thực chất.”(số 19 - Tông huấn Christus Vivit). 

Bên cạnh đó, tính tiện lợi của công nghệ số mang lại, chỉ cần 1 click chuột bạn sẽ có cả thế giới tiện ích, chẳng cần ra ngoài, không cần giao tiếp, con người trở nên thụ động hơn bao giờ hết, và hệ quả đó là việc thích hưởng thụ của giới trẻ, đề cao vật chất. “Trong Phúc âm Mátthêu, có một chàng thanh niên (x. Mt 19,20.22) đến bên Chúa Giêsu để hỏi thêm Ngài (x. c. 20), với tinh thần cởi mở của người trẻ thích đi tìm những chân trời mới và những thách đố lớn. Thực ra, tinh thần của anh lại không trẻ trung, vì anh gắn bó với của cải và tiện nghi. Miệng thì nói anh muốn một điều gì đó hơn nữa, nhưng khi Chúa Giêsu bảo anh rộng tay phân phát của cải của mình, anh mới nhận ra rằng anh không thể từ bỏ những gì mình đang có. Cuối cùng, “nghe những lời này, chàng thanh niên buồn bã bỏ đi, vì anh có nhiều của cải” (c. 22). Anh đã từ bỏ tuổi trẻ của mình”. (số 18-Tông huấn Christus Vivit). Những tiện nghi, những tiến bộ đã vô tình cướp đi sự năng động của người trẻ, tạo ra một thế hệ ù lì, biếng nhác. Và quả thật nó đang hình thành một thế giới “chậm chạp”.

Với sự phát triển của các mạng xã hội, các kênh thông tin dễ dàng tiếp cận, chỉ cần một chiếc smart phone kèm theo văn hóa nhìn cao hơn nghe và đọc làm cho việc tiếp nhận thông tin bị thiếu đầy đủ, dễ bóp méo và đi lệch chuẩn; “Sẽ là không đúng đắn nếu chúng ta lẫn lộn truyền thông với sự giao tiếp hoàn toàn ảo. Thật vậy, “thế giới kỹ thuật số cũng là một không gian đầy cô đơn, thao túng, khai thác và bạo lực, cho đến cực điểm là trường hợp các trang web đen (dark web). Các phương tiện truyền thông kỹ thuật số có thể khiến mọi người bị lệ thuộc, cô lập và mất dần sự tiếp xúc với đời sống thực tế cụ thể, và như thế chúng cản trở sự phát triển của các mối quan hệ đích thực giữa người với người. Nhiều hình thức bạo lực mới đang được phổ biến qua các phương tiện truyền thông xã hội, chẳng hạn như việc ma cũ ăn hiếp ma mới bằng cách tra tấn tinh thần trên mạng; mạng cũng là một kênh để phổ biến các nội dung khiêu dâm và để khai thác người dùng nhằm mục đích tình dục hoặc bóc lột họ qua các trò chơi may rủi”” (số 88 – Tông huấn Christus Vivit) và vì phải tiếp xúc với những hình ảnh bạo lực, những ngôn từ xấu hằng ngày, mọi người lại chỉ tương tác ảo với nhau, dần dần sẽ khiến con người xa cách nhau, sống cô lập, tách rời xã hội thật và cuối cùng hình thành sự vô cảm trước mọi sự đang diễn ra. Tệ hơn, việc coi trọng thân xác của bản thân và người khác cũng dần mất đi, các bạn trẻ xem đó như một món hàng có thể đem ra chơi đùa, sỉ nhục hay bạo hành.
Kèm theo văn hóa Phương Tây hội nhập, giới trẻ cởi mở hơn về vấn đề tình dục, sống thử, quan hệ trước hôn nhân kéo theo vô vàn những tổn thương tâm lý cho các cô, các cậu mới lớn,…Tuy “Người trẻ biết rằng thân xác và tính dục có một tầm quan trọng thiết yếu đối với đời sống và tiến trình trưởng thành trong căn tính của họ. Nhưng trong một thế giới quá đặt nặng vấn đề tính dục, thật khó giữ được một mối tương quan tốt đẹp với thân xác mình và sống bình yên các mối quan hệ tình cảm. Vì lý do này và nhiều lý do khác nữa, luân lý tính dục rất thường đi đến chỗ trở thành “lý do làm cho Hội thánh bị hiểu lầm và xa lánh, vì bị xem như nơi để phán xét và lên án””. (số 81 – Tông huấn Christus Vivit)  Đây cũng là một trong những điểm mấu chốt khiến giới trẻ cảm thấy bị bó buộc trong khuôn khổ Đức tin, chính vì thế nhiều bản trẻ đã cởi bỏ áo choàng đức tin của mình để phá bỏ giới hạn, khuôn khổ về vấn đề tính dục.

“Ở thời đại của chúng ta, “những phát triển khoa học và những công nghệ y sinh đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức về thân xác, dẫn đến ý tưởng rằng không còn giới hạn nào có thể ngăn cản việc cải biến thân thể. Những điều này có thể dẫn chúng ta đi đến chỗ quên rằng sự sống là một ân ban và chúng ta là những thụ tạo giới hạn, chúng ta có thể dễ dàng bị những kẻ có quyền lực về công nghệ biến thành công cụ. “Hơn nữa, trong một số môi trường, có nhiều người trẻ ngày càng bị lôi cuốn vào những hành vi mạo hiểm, như một cách để khám phá bản thân, để tìm kiếm cảm giác mạnh và để được người khác công nhận. Các thế hệ mới bị tiếp xúc thường xuyên với những hiện tượng này khiến họ khó có thể thanh thản trưởng thành”. (số 82 – Tông huấn Christus Vivit)
Xã hội cứ thế chạy đua vật chất từng ngày khiến cho các bạn trẻ cuốn theo vòng xoáy ấy. Nhiều bạn đánh mất chính mình, bất chấp mọi việc không tốt để đạt được mục đích của mình, tạo nên một xã hội ganh đua, sự nghi kỵ ngập tràn, mọi người đề phòng nhau. Một xã hội chỉ nói chuyện với nhau bằng tiền, một xã hội thật “lạnh”.

Vậy làm sao để cân bằng giữa tính xã hội và Đức tin cho giới trẻ ngày nay? Nhận thấy tính cấp bách của vấn đề thời đại, Đức Thánh Cha gửi đến các bạn trẻ Tông Huấn Christus Vivit để nhắc nhở giới trẻ về một số xác tín của đức tin. Đồng thời khích lệ người trẻ lớn lên trong sự thánh thiện và sự dấn thân trong ơn gọi của riêng mình.
Đức Thánh Cha chia sẻ: “Chúa Kitô đang sống! Người là niềm hy vọng của chúng ta, và là tuổi trẻ đẹp nhất của thế giới này. Tất cả những gì Người chạm đến đều trở nên tươi trẻ, mới mẻ, tràn đầy sức sống. Chúa Kitô đang sống và Người muốn con cũng được sống!” (số 1- Tông huấn Christus Vivit). “Người ở trong con, Người ở với con và không bao giờ bỏ rơi con. Dù con có rời xa Người, Đấng Phục sinh vẫn ở bên con. Người kêu gọi và chờ đợi con bắt đầu lại. Khi con cảm thấy mình già đi vì buồn sầu, thù hận, vì lo sợ, nghi ngờ hay thất bại, Người vẫn luôn ở đó để ban lại cho con sức mạnh và hy vọng” (số 2 - Tông huấn Christus Vivit)
Tông huấn đề cao giá trị  “Tuổi trẻ là một ân sủng, một gia tài”. Đó là một quà tặng mà có thể chúng ta lãng phí một cách vô ích, hoặc có thể đón nhận với lòng biết ơn và sống sung mãn”(số 134 - Tông huấn Christus Vivit)
Với giá trị của Tuổi trẻ hồng ân, Giáo hội mời gọi các bạn trẻ “đừng đánh mất tuổi thanh xuân của mình, đừng ngắm nhìn cuộc sống từ ban công. Đừng để mình rơi vào cảnh tượng thê thảm như của một chiếc ôtô phế thải. Các con hãy mạo hiểm, dù có thất bại. Đừng tiếp tục sống với tâm hồn đã tê dại và đừng nhìn thế giới như những khách du lịch. Hãy lên tiếng! Hãy xua tan những nỗi sợ khiến các con tê liệt, để không trở thành những người trẻ như xác ướp. Hãy sống! Hãy dấn thân cho những gì tốt nhất trong cuộc sống! Hãy mở các cánh cửa lồng ra và bay đi! Làm ơn, đừng về hưu non các con nhé” (số 143 – Tông huấn Christus Vivit)

Qua lời mời gọi sống hết mình, dấn thân, các bạn trẻ cũng được mời gọi tham gia vào các cộng đoàn, nơi có thể chia sẻ và nâng đỡ người trẻ, hầu giúp đỡ các bạn vững bước chiến đấu. “Khi các con nhiệt tình sống đời sống cộng đoàn, các con sẽ có khả năng hy sinh lớn lao cho người khác và cho cộng đồng. Trái lại, sự cô lập làm cho các con yếu đi và dễ rơi vào những xấu xa tồi tệ nhất của thời đại chúng ta” (số 110 – Tông huấn Christus Vivit)
Để sự dấn thân không “lệch chuẩn”, người trẻ cần noi theo gương một người cũng rất trẻ, rất quen thuộc với chúng ta, đó chính là  gương mẫu của Mẹ Maria, khi Mẹ thốt lên lời “Xin vâng” Mẹ cũng đang còn là một thiếu nữ rất trẻ. Nguyện xin Mẹ luôn đồng hành và nâng đỡ người trẻ theo chân Mẹ đáp lời “Xin vâng” với Chúa và theo Chúa.

Giới trẻ không chỉ là tương lai nhưng là cả hiện tại của xã hội nói chung và Giáo hội nói riêng. Việc để người trẻ đi đúng hướng theo ơn gọi Ki-tô hữu của mình rất cần sự quan tâm của Giáo hội, của gia đình. Nguyện xin Chúa soi sáng cho Giáo hội, cho các gia đình bạn trẻ mở lòng lắng nghe những suy tư của người trẻ, để mở ra những phương cách trẻ trung tiếp cận giới trẻ, hầu nâng đỡ được Đức tin nơi họ. Cũng xin Chúa mở lòng các bạn trẻ đón nhận đức tin vì đức tin là ơn ban của Thiên Chúa, nhưng con người phải thực sự khao khát và muốn đón nhận thì đức tin mới trổ bông hoa trái. Những ước mong cho các bạn trẻ thêm lòng yêu mến và tìm đến Chúa trong thời đại khoa học này, để các bạn tìm thấy Chúa trong khoa học, trong thiên nhiên để giới trẻ thực sự cảm nhận được “Chúa Ki-tô đang sống”.

Dominic Thành Lộc
SV Bồ Câu Trắng