Một chút suy tư về đồng hành với người trẻ - Lưu Trú Hòa Bình


MỘT CHÚT SUY TƯ
về đồng hành với người trẻ


Tại cộng đoàn Lưu trú Hòa Bình, nơi tôi được sai đến phục vụ, qua những trải nghiệm sống gần gũi người trẻ, tôi xác tín hơn lời của tác giả Mai An Đỗ trong tập sách Nhân cách đời tu: “Chính bề dày lịch sử của cộng đoàn nói lên những tinh hoa được chắt lọc qua nhiều thế hệ và nhờ đó mỗi thành viên được hấp thụ và hít thở trong bầu khí trong lành giúp mỗi người hình thành nhân cách độc đáo của mình. Mỗi nét đẹp đặc trưng ấy lại bổ sung cho nhau làm tươi đẹp và phong phú vườn hoa Giáo hội.”
 
Có những sinh hoạt giáo dục chung cho tất cả các em Lương - Giáo. Sau những giờ học nhân bản, có một em cảm nghiệm được lời hay này: “Chúa Kitô đang sống!... Tất cả những gì Người chạm đến đều trở nên tươi trẻ, mới mẻ, tràn đầy sức sống”. (Tông huấn Christus vivit số 1). Quả thế, Chúa đã chạm đến em và tâm hồn em trở nên mới mẻ.
 
Tôi biết em nơi nguyện đường nhà Chúa – căn phòng nhà nguyện nhỏ bé nép mình khiêm tốn trong khuôn viên Lưu trú Hòa bình. Em quỳ trước Thánh Thể như một con chiên ngoan ngùy. Môi em mấp máy những lời thỏ thẻ mà tôi nghĩ chỉ có Thiên Chúa mới thấu hiểu. Khuôn mặt em đăm chiêu hướng về Thánh Thể với lòng thành kính, sốt mến. Mặc dù có soeur ngồi bên, nhưng chẳng làm em bận tâm, vì chính Chúa đã quyến rũ em. Hình ảnh em say mê Chúa làm tôi tò mò, lân la dò hỏi, tôi ngạc nhiên vì được biết … em không phải là người Công giáo.
 
Lần đầu tiên tôi thấy hình ảnh một học sinh ngoại đạo lặng lẽ ngồi bên chân Chúa. Nhìn em đơn sơ hiền lành, tôi thấy vui vì Chúa lại có thêm một người bạn mới; em là một cô bé niềm nở và rất hòa đồng. Một hai tuần trôi qua, hình ảnh em âm thầm cầu nguyện cứ thế đi vào tâm thức tôi, tôi xúc động về tâm tình của em. Em chia sẻ: 
- Con thấy ở đây tốt lắm soeur ạ! Ở đây chúng con không bị sa đà vào lối sông buông thả so với bên ngoài. Tuy xa bố mẹ cũng thiếu tình thương chút xíu, nhưng bù lại chúng con cảm nhận được sự quan tâm, yêu thương của các soeurs và được trải nghiệm sự tự lập cao.
Một chút thắc mắc không biết em nghĩ gì về Chúa, thế là tôi chân thành gợi hỏi. Em thật thà chia sẻ:
- Con thích vào nhà Chúa. Mỗi khi buồn là con vào kể Chúa nghe, Chúa an ủi con bớt buồn. Con cũng xin Chúa soi sáng giúp con vượt qua khó khăn, xin Chúa thêm ơn cho con. Và hơn nữa, cả lúc được điểm 10 trong học tập, được đón nhận những chia sẻ, những niềm vui nho nhỏ, những cảm thông từ bạn bè, từ người thân xung quanh, con cũng đến nhà nguyện tâm sự với Chúa soeur ạ! Con thích lắm soeur! Con thấy nhà Chúa là nơi… rất thiêng… đó soeur.
 
Nghe em tâm sự, lòng tôi trổi vui lạ vì cảm thấy Chúa được yêu mến, Chúa được biết đến. “Chúa Kitô đang sống! Người là niềm hy vọng của chúng ta, và là tuổi trẻ đẹp nhất của thế giới này. Tất cả những gì Người chạm đến đều trở nên tươi trẻ, mới mẻ, tràn đầy sức sống” (Tông huấn Christus vivit số 1). “Thiên Chúa là tác giả của tuổi trẻ và Ngài hoạt động trong mỗi người trẻ. Đối với người trẻ, tuổi trẻ là một thời gian được chúc phúc và là một phúc lành cho Hội Thánh và thế giới. Đó là một niềm vui, một bài ca của hy vọng và một phúc lành” (Christus vivit số135).
 
Thiết nghĩ, mỗi chúng ta nên có một bước chuyển trong suy tư để cùng nhau kiến tạo hạnh phúc, sự an vui nơi gia đình, nhận diện rõ vai trò giáo dục quan trọng của mái ấm gia đình, các môi trường đào tạo giáo dục: nội trú, lưu trú, lưu xá... Bên cạnh đó, chúng ta nên giúp các em có cái nhìn ấm áp và đúng đắn đối với gia đình mình; chắc hẳn “nhân cách và vẻ đẹp nội tâm của con người được hình thành ngay từ tuổi còn thơ”. Tất cả đã góp phần hình thành nhân cách các em. Đồng thời giúp các em khám phá tình thương của cha mẹ, anh chị em và những ai đang giúp các em phát triển toàn diện và biết quý trọng những điều đó. Hơn nữa, chúng ta có bổn phận giúp nhiều người trẻ nếm hưởng sự thinh lặng sống thân mật với Chúa và mở rộng vòng tay nối kết với nhau trong tình Chúa tình người. 
 
“Cộng đoàn có một vai trò rất quan trọng trong việc đồng hành với người trẻ; toàn thể cộng đoàn phải ý thức trách nhiệm, đón nhận, động viên, khích lệ và thúc đẩy người trẻ. Điều đó hàm nghĩa chúng ta nên nhìn người trẻ với sự thông cảm, trân trọng và thương yêu, đừng cứ mãi phán xét họ hay đòi hỏi họ phải hoàn hảo trước tuổi” (Christus vivit số 243). Từ ánh sáng của Tông huấn, tôi nghĩ về những mái ấm gia đình. Chắc hẳn, em đã được thụ huấn một nền giáo dục lành mạnh nơi gia đình và mái ấm Lưu trú Hòa bình; điều đó dìu dắt em có những tâm tình và thái độ sống dễ thương đến thế. Gia đình, học đường, Lưu trú cũng như những người em thương mến... Tất cả vẽ nên trong tâm thức em một cái nhìn đẹp về đạo và đời, một tâm hồn rộng mở.“Một nhân cách tốt sẽ nảy nở trong một môi trường thân thiện” (Thông điệp giáo dục https://sites.google.com/site/baovemoitruongtuoidep/moi-truong-than-thien).
 
Để khép lại dòng suy tư, chúng ta hãy cùng nhau ngẫm về điều Đức Thánh cha Phanxicô nhắn nhủ: “Tôi muốn tuyên bố rõ ràng rằng chính người trẻ là tác nhân của Mục vụ Giới trẻ. Chắc chắn họ cần được hỗ trợ và hướng dẫn, nhưng đồng thời họ cũng phải được tự do phát triển những cách thức mới với tinh thần sáng tạo và táo bạo. Vì vậy, sẽ dư thừa nếu tôi dừng ở đây để đưa ra một cẩm nang mục vụ giới trẻ hay những hướng dẫn thực hành mục vụ. Tốt hơn là hãy quan tâm giúp người trẻ vận dụng sự thông minh, năng khiếu và kiến thức của mình để giải quyết các vấn đề nhạy cảm cũng như các mối bận tâm của những người trẻ khác bằng ngôn ngữ của họ”(Christus vivit số 203).

Lưu trú Hòa bình - MQP