Đức Maria Trong Tân Ước I


                    ĐỨC MARIA TRONG TÂN ƯỚC I

 
Các bạn thân mến,
Có một điều thú vị là nếu ai đã từng đọc Kinh Ko-ran của Hồi Giáo thì sẽ thấy Đức Maria được trình bày và nói đến ở đó nhiều hơn trong cuốn Tân Ước của Kitô Giáo. Càng nghiền ngẫm Thánh Kinh ta càng thấy rằng dù cuộc sống của Đức Maria gần như ẩn dật và tầm thường, nhưng Mẹ lại có một vai trò vô cùng quan trọng –có thể nói không thể thay thế- trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Mẹ đã có mặt trong những thời điểm mang tính quyết định nhất. Chúng ta cũng đồng thời từng bước thấy rõ sự hoạt động diệu kỳ của Chúa Thánh Thần: sự thật về giá trị và vị thế vô song của Mẹ Maria, vì thế, càng lúc càng được vén mở.
 
Sở dĩ Mẹ Maria có vai trò quan trọng không ai bì được trong hoạch định của Thiên Chúa, vì từ thuở đời đời, Thiên Chúa đã tiền định ngài làm Mẹ của Ðức Giêsu và như thế, có liên hệ mật thiết với Người trong công trình tạo dựng và cứu chuộc nhân loại. Chúng ta có thể nói như thế, bởi vì quyết định tạo dựng và cứu chuộc của Thiên Chúa được tiếp nối trong quyết định Nhập Thể. Mà Ðức Maria là một công cụ của Thiên Chúa trong biến cố Nhập Thể, nên cùng với Ðức Giêsu, Mẹ có một vai trò quan trọng trong công cuộc tạo dựng và cứu chuộc. Ðó là vai trò mà Thiên Chúa đã trao phó, là ân sủng đặc biệt của  Thiên Chúa mà từ khởi thủy cho đến tận cùng chưa hề có ai có được diễm phúc đón nhận. Chính nhờ ơn Chúa mà Mẹ Maria trở nên nhân vật ưu tuyển, cao trọng nhất trong nhân loại.
 
Mẹ là người-mẹ-đồng-trinh đã hoàn tất lời tiên tri Isaia chưong 7 câu14, trong một phương cách mà tiên tri Isaia không thể ngờ. Mẹ được kết hợp với chính Con mình để thực thi thánh ý Thiên Chúa (Thánh vịnh 40 câu 8-9 ; Do Thái chương 10 câu 7-9; Lu-ca chương 1 câu 38).
 
Mẹ Maria bước vào Tin Mừng thật sớm, thật nhẹ nhàng, và giản dị đến nỗi nếu không chú ý thì không thể nhận ra. Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu ở Ga-lát (vào khoảng năm 57), khi trình bày về nhân tính của Chúa Giêsu, chỉ viết một câu đơn giản, trong đó, ngay cả danh tính của Mẹ cũng không được nêu ra :“Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật” (Ga-lát chương 4 câu 4). Rõ ràng đây là nguồn sớm nhất, có giá trị lịch sử chắc chắn nhất trong Tin Mừng nói về Mẹ Maria, dù rằng sau đó, thánh Phaolô không nhắc đến Mẹ Chúa Giêsu thêm một lần nào nữa trong các thư của ngài.
 
Mấy năm sau, khoảng năm 65, Mác-cô thánh sử viết sách Tin Mừng - có lẽ là cuốn đầu tiên, trong đó, ngài chỉ trình bày thoáng qua về Mẹ. Đức Maria chỉ xuất hiện một lần duy nhất : “Mẹ và anh em Đức Giêsu đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra” (Mác-cô chương 3 câu 31), và được nhắc đến tên ở một chỗ khác “Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria…sao?” (Mác-cô chương 6 câu 3). Nếu đọc qua cuốn Tin Mừng này, ta có cảm tưởng là Mẹ Maria - cũng giống như các thân nhân khác của Chúa Giêsu - đã không hiểu được Chúa hay sứ vụ của Người. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì theo Tin Mừng thánh Mác-cô, thì không ai thực sự hiểu được Chúa Giêsu hay sứ vụ của Người, kể cả các tông đồ thân tín nhất, mãi cho đến khi Người bị đóng đinh.
 
Các bạn thân mến,
  Quả là sai lầm nếu chỉ căn cứ vào những bản văn sớm nhất của Tin Mừng mà kết luận rằng vai trò của Mẹ Maria không quan trọng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa ; bởi vì, khi đọc Thánh Kinh ta phải có cái nhìn tổng thể, chứ không chỉ dừng lại ở một câu, hoặc một đoạn để quyết đoán. Cứ lần lượt đọc hết các sách Tin Mừng, ta sẽ thấy các tác giả Tin Mừng sau thánh Mác-cô, như thánh Luca hay Gioan, đều cho thấy Chúa Thánh Thần càng về sau càng linh hứng cách rõ nét cho các tác giả Tin mừng vai trò độc nhất vô nhị của Mẹ. Riêng với Mác-cô, ta có thể hiểu được chọn lựa của vị thánh sử này khi biết rõ bối cảnh Tin Mừng được viết : độc giả được Mác-cô nhắm đến là người Do Thái và các Kitô hữu gốc dân ngoại đang sinh sống ở Rôma. Các học giả cho rằng cuốn Tin mừng này được sáng tác trước năm 70, sau cái chết của thánh Phêrô (giữa năm 64 và 67, suốt thời kỳ cấm cách, bắt bớ của Nêrô).
 
Tưởng cũng nên nhắc lại nguyên nhân dẫn đến sự bắt bớ, trả thù người Kitô hữu vào thập niên 70. Số là vào năm 64, trong khi Nêrô Hoàng Đế đi kinh lý bên ngoài, thì thành phố Rôma bốc cháy dữ dội. Những đám cháy kéo dài đến năm ngày mới tắt, thiêu hủy hoàn toàn ba quận hạt và làm thiệt hại nặng nề bảy quận hạt khác (Rôma có 14 quận hạt tất cả). Nguyên nhân và ai là thủ phạm gây nên những đám cháy cho đến bây giờ vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng. Vào thời điểm đó, dân chúng ở Rôma thì cho rằng Nêrô cố tình đốt để xây dựng thêm cung điện cho mình. Còn Nêrô thì cho rằng đám “Kitô hữu” đã đốt Rôma; do đó, ông đã ra lệnh bắt bớ người Kitô hữu để trả thù. Đây cũng là nguyên do khiến hai vị đại tông đồ của Giáo Hội đã chịu tử đạo trong thời kỳ này. Các Kitô hữu thời này sống trong nỗi sợ hãi bị bắt bớ và có thể bị tống ngục bất cứ ở đâu và lúc nào, đồng thời họ bị dân chúng và các vị có thẩm quyền của đế quốc Rôma coi thường, nghi kỵ. Mặt khác, cũng tồn tại những lủng củng trong các cộng đoàn Kitô hữu ở Rôma (gồm phần lớn các Kitô hữu gốc Do Thái trở lại tại chỗ do các thừa sai từ cộng đoàn Giêrusalem, Vào thế kỷ thứ nhất người Do Thái tại Rôma, khoảng 40 đến 50 ngàn người, được tự do hội họp vì những mục đích tôn giáo. Chính trong những nhóm ấy mà các thừa sai từ Giêrusalem đến làm cho họ trở lại và cũng chính trong những cộng đoàn kitô hữu gốc Do Thái ấy mà Dân Ngoại sau đó đã được đón nhận), bởi vì những cộng đoàn này bao gồm nhiều Kitô hữu Do Thái thuộc về những Hội Thánh địa phương khác nhau tại quê nhà. Tất nhiên, mỗi cộng đoàn có thể bày tỏ những quan điểm riêng của mình trong tương quan với di sản Do Thái giáo. Cộng với những bất hòa giữa các cộng đoàn Kitô hữu, những căng thẳng giữa các Cộng đoàn Kitô hữu gốc Do Thái, với những người Do Thái không phải là Kitô hữu, tất cả có thể trở nên nguy hiểm về mặt chính trị, nghĩa là tạo nên sự bất ổn toàn diện. Bởi vậy, cộng đoàn Kitô hữu ở Rôma luôn sống trong tình trạng lo âu, bất ổn, nguy hiểm  chực chờ, và luôn phải đề phòng, đối phó (người Kitô hữu có thể bị chỉ điểm hoặc bị nộp cho chính quyền Rôma bất cứ lúc nào). Trong bối cảnh đặc biệt đó, Mác-cô đã sáng tác Tin Mừng thứ hai, nhằm củng cố các cộng đoàn Kitô hữu, giúp họ sống trung thành với Đức Kitô và hòa hợp với nhau.
 
Các bạn thân mến,
Thiết tưởng cũng nên nói thêm đôi điều về Máccô – vị thánh sử đã trình bày Đức Giêsu cách khác với các thánh sử còn lại. Tác phẩm của ngài - ngắn nhất trong số bốn sách Tin Mừng, thuật lại cuộc sống và hoạt động của Đức Giêsu - đã tạo nên một nét độc đáo, một phong cách riêng cho cuốn Tin Mừng thứ hai. Thí dụ : Đức Giêsu của Mác-cô là Con Thiên Chúa được nhấn mạnh và giới thiệu ngay câu đầu tiên : “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (Mc 1:1). Đối với độc giả, Mác-cô khi phác họa chân dung Đức Giêsu, cũng chỉ nhắm đến một kết luận duy nhất: con đường đến với ơn cứu độ là việc cùng đi với Đức Giêsu. Cùng đi với Chúa Giêsu bao hàm việc vác lấy thập giá : chấp nhận bị từ chối, bị ruồng bỏ, bị bắt bớ... Dù phải kiên trì đối đầu với bao khó khăn, Đức Giêsu là Người Con trung thành của Thiên Chúa vì Người là Người Tôi Tớ Thống Khổ thật sự của Giavê. Chính qua việc hình dung Đức Kitô cách độc đáo như thế, dĩ nhiên khó chấp nhận với các môn đệ, mà Mác-cô thánh sử đã khẳng định cách vô điều kiện, qua lời nói của viên đại đội trưởng quân đội Rôma (một người không phải môn đệ của Chúa, một người dân ngoại, có quyền uy, kiến thức – đứng trước cái chết của Đức Giêsu):“Quả thật, người này là Con Thiên Chúa”(Mác-cô chương 15  câu 39). Với những lời này, Mác-cô đã đưa ta trở về lại nơi vị thánh sử đã khởi sự (Mác-cô chương 1 câu 1). Khi bắt đầu kể Tin Mừng của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Mác-cô đã khai mở một câu chuyện mà diễn tiến càng lúc càng bất ngờ, đau đớn, và đi đến kết luận bằng việc cho độc giả thấy trung thành với Thiên Chúa và Con Thiên Chúa đích thực là gì.
 
Bởi vậy, tuy là người chữa lành và trừ quỷ đầy quyền năng, nhưng dưới mắt Mác-cô, Đức Giêsu luôn là người tôi tớ trung thành và đau khổ của Thiên Chúa. Qua việc nhấn mạnh Đức Giêsu là Đấng Mêsia đau khổ, thánh sử Máccô đã cố gắng tìm cách củng cố lòng tin và lòng trung thành của các Kitô hữu đang bị bách hại, đối với Thầy của mình. Các Kitô hữu đang phải đương đầu với những thực tại khắc nghiệt, vốn là đặc trưng chủ yếu đời người môn đệ. Thật ra, khổ đau và bắt bớ không phải là một trở ngại đối với ơn cứu độ và sự sống, trái lại, làm nên con đường đưa tới sự sống và ơn cứu độ, không chỉ đối với Chúa Giêsu mà thôi mà còn đối với các môn đệ nữa. Đối với Mác-cô và cộng đoàn của vị thánh sử này, Chúa Giêsu được hiểu và phải được hiểu như Đấng Mêsia đau khổ, khi Người bày tỏ sự trung thành đối với Cha, trong cương vị Con Thiên Chúa. Ai muốn theo Người thì phải “từ bỏ mình và vác thập giá mà theo” (Mác-cô chương 8 câu 34).
Mời nghe tiếp bài II.