Canh Thức Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Ngày 24/11/2023


CANH THỨC LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Ngày 24/11/2023


 
I. HƯỚNG NGUYỆN 
Kính thưa cộng đoàn!
Trong thông điệp Lumen Fidei, ĐGH Phanxicô đã nói: “Đức tin mở ra cho chúng ta con đường và cùng đi với những bước đường của chúng ta trong lịch sử. Do đó, nếu muốn hiểu đức tin là gì, chúng ta cần phải đi theo con đường của những người có đức tin”. Thật vậy, đức tin của Giáo hội Công giáo Việt Nam được nảy sinh, thông truyền qua nhiều thế hệ, và con đường đức tin của chúng ta hôm nay là di sản, hồng ân cao quý từ các bậc tiền nhân, cách riêng các Thánh anh hùng tử đạo. Máu các ngài đổ ra đã tưới thắm mảnh đất quê hương, trở nên hạt giống làm nẩy sinh nhiều cộng đoàn tín hữu trên dải đất hình chữ S, và nên suối nguồn ân sủng để đức tin dân việt được thăng tiến mãi cho đến ngày hôm nay. 
 
Trong tâm tình mừng kính lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta cùng cử hành giờ canh thức tôn vinh và tri ân các bậc tiền nhân và các chứng nhân đã chịu bách hại đến hi sinh mạng sống để gieo vãi và vun trồng hạt giống đức tin trên quê hương đất Việt. Đồng thời, tạ ơn Chúa về hồng ân đức tin mỗi người chúng ta được lãnh nhận. Xin cho chúng ta biết ý thức giá trị cao quý hồng ân đức tin được kế thừa, hầu sống và làm chứng cho Tin Mừng trong môi trường được Chúa sai đến. Cách riêng, chúng ta cùng nguyện cầu cho Giáo Phận và bốn cộng đoàn: Học Viện, Chứng Nhân TGM, Kiến Đức và Nhân Cơ đã nhận các Thánh Tử Đạo Việt Nam làm bổn mạng.  Nguyện xin Chúa Thánh Thần đổ tràn lòng mến nơi tất cả mọi tâm hồn, giúp chúng ta biết noi gương các thánh tử đạo, hầu dám sống cho Chúa và chết vì Chúa qua những chọn lựa hằng ngày và trong sứ mạng của đời thánh hiến hôm nay. 
 
II. TIẾN HƯƠNG
 
Lạy Chúa, với nén hương thành kính, chúng con xin bày tỏ tấm lòng tri ân công đức của các bậc tiền nhân. Các ngài đã đổ máu đào để gìn giữ và lưu truyền gia sản đức tin cho hậu thế. Nguyện cho lòng yêu mến Chúa, sự hi sinh anh dũng của các ngài như hương thơm nguyện cầu trước toà Chúa; xin cho Đất Việt ngày càng có nhiều người nhận biết Chúa hơn và hăng say sống chứng nhân Tin Mừng trong mọi lúc, mọi nơi. 
Hương trầm thành kính tiến dâng
Tri ân công đức tiền nhân anh hùng
Đây dòng máu thắm kiên trung
Đổ ra vì Chúa, không chùng chẳng nao
Gương anh dũng- đuốc soi cao
Con dân hậu thế tự hào khắc ghi
Tin Mừng đạo Chúa kiên trì 
Ra đi làm chứng sợ gì nguy nan.
 
III. Ý NGHĨA LỊCH SỬ NGÀY LỄ
 
Tại Việt Nam, theo sử liệu, đạo Chúa đã được truyền giảng từ thế kỷ thứ 16. Và suốt thời gian gần 300 năm sau đó, tín hữu luôn bị đàn áp bách hại với những cảnh đầu rơi máu chảy! Sau Hội Thánh Rôma thì có lẽ Hội Thánh Việt Nam đã dâng cho Chúa được nhiều Thánh Tử Đạo hơn cả! Người ta ước tính có tới hằng trăm ngàn người Công giáo đã bị giết hại vì đức tin dưới các triều nhà Nguyễn, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và bị các phong trào Cần Vương Văn Thân đàn áp bách hại. Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên phong 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam ngày 19.6.1988, và đã ấn định mừng chung trong niên lịch toàn thể Hội Thánh vào ngày 24.11 hằng năm. Trong số 117 vị, có: 8 Giám mục, 50 Linh mục, 16 Thầy giảng, 1 Chủng sinh và 42 Giáo dân. Các ngài đã chịu nhiều cực hình như: 79 vị bị trảm quyết: 16 vị bị xử giảo; 8 vị bị chết rũ tù do đói khát bệnh tật khi bị giam trong ngục; 6 vị bị thiêu sống.
 
Ôn nhớ lịch sử, gương can đảm anh dũng hi sinh của các Thánh Tử Đạo - một di sản Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến, không chỉ là một kí ức tâm linh để chúng ta sống đức tin giữa những thách đố của hiện tại. Nhưng còn đi sâu hơn về căn tính Công giáo giữa lòng dân tộc Việt Nam. Với niềm cảm mến sâu xa và sự ngưỡng vọng lớn lao về chứng tá anh dũng của các ngài: yêu Chúa và yêu người đến hiến dâng cả mạng sống. Giờ đây, chúng ta cùng hân hoan với các thánh hát khúc ca khải hoàn.   
Hát: Anh Hùng Việt Nam (TC 496)
 
Công bố Tin Mừng: Lc 9, 23-26 
 
Khi ấy, Đức Giêsu nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì? Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.
Ðó là lời Chúa.
 
IV. SUY NIỆM 
 
1. Chứng nhân tử đạo trên quê hương Đất Việt
 
“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9, 23). Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã trở nên gương mẫu cho chúng ta trong việc từ bỏ mình đến mức tận cùng, khi hiến dâng trọn vẹn cho Thiên Chúa những gì thuộc về mình và vâng lời cho đến chết trên thập giá. Ngài là “hạt lúa đến từ Thiên Chúa, để mình rơi xuống đất, để mình bị bẻ ra, gẫy vỡ trong sự chết, để chính nhờ đó, hạt lúa ấy nở ra và có thể mang lại hoa trái dồi dào trong thế giới.” (ĐTC Bênêđictô XVI). Ngài mời gọi những ai muốn nên hoàn thiện, từ bỏ tất cả để theo sát dấu chân Ngài hơn, để được Nước Trời làm kho tàng vô giá. Theo bước Chúa Giêsu – Đấng tử đạo đầu tiên, các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã tự nguyện hiến dâng mạng sống, trong thử thách tột cùng của đức tin và đức mến. Các ngài đã làm chứng về một Thiên Chúa tình yêu, với xác tín rằng: “Thà chết chứ không bỏ đạo, bỏ Chúa”. Các ngài trung thành giữ vững đức tin trước mọi thử thách gian lao, dám đánh đổi điều cao quí nhất là mạng sống của mình để làm chứng cho niềm tin vào Thiên Chúa. Qua mẫu gương của Thánh Luca Thìn, 39 tuổi, cai tổng. Khi bị bắt bước qua thánh giá, thánh nhân đã nói: “Tôi là một Kitô hữu. Tôi sẵn sàng chấp nhận mọi cực hình, thậm chí cả cái chết đau đớn nhất, hơn là vi phạm một lỗi dù rất nhỏ trong đạo tôi thờ”. Bên cạnh đó, sự trung tín trong tình yêu còn được thể hiện qua lời chứng của Thánh nữ Anê Lê Thị Thành, khi con gái vào thăm mẹ tại trại giam. Cô khóc nức nở khi thấy tấm áo mẫu thân loang vết máu, nhưng thánh nữ đã an ủi con: “Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc? Không bao lâu nữa mẹ con chúng ta sẽ đoàn tụ trên thiên đàng”. Thánh nữ coi những vết máu như vòng hoa khoác lên cổ người chiến sĩ thắng trận trở về. 
 
Từ niềm vui trong sự trung thành với tình yêu Chúa, các Thánh Tử Đạo đã đem lại hoa trái là nhiều người nhận biết Chúa Kitô, được ơn cứu độ. Đúng như lời vị Giáo Phụ Tertulianô đã nói: “Máu các vị Tử Đạo chính là hạt giống phát sinh các Kitô hữu”. 
 
Chiêm ngắm mẫu gương các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta dần khám phá rằng: hầu hết trước khi đổ máu đào, cuộc đời các ngài là những chứng nhân gương mẫu, làm rạng ngời những đức tính cao đẹp, cốt cách của dân tộc Việt Nam, của người tín hữu với nhân - lễ - nghĩa - trí - tín; với đức tính ‘cần - kiệm - liêm - chính - dũng; với lòng mến Chúa sắt son; cùng với tinh thần bác ái Tin Mừng. Các ngài là những chứng nhân kiên cường, lấy đời sống Đạo Công Giáo chiếu sáng vào những bản sắc cao đẹp của Dân tộc Việt Nam để xây dựng hạnh phúc cho đồng bào mình. Khi gặp thử thách, bách hại, các ngài đã dũng cảm đón nhận mọi nhục hình, tù tội và án tử hình vì đức tin. Như vậy, chúng ta nhận thấy sự trung tín trong tình yêu nơi các Thánh Tử Đạo Việt Nam không thể nào đạt được chỉ bằng nỗ lực của chính mình, nhưng các ngài hoàn toàn cậy nhờ sức mạnh của Đức Kitô, như lời thánh Phaolô đã nói: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi.” (Gl 2,20)
Hát: Niềm tin kiêu hùng (TTLC 538) 
 
2. Sống linh đạo, tử đạo của người nữ tu hôm nay
 
“Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Lc 9, 24) Không thể phủ nhận rằng mạng sống là rất quý giá mà bất kỳ ai cũng muốn giữ gìn. Vì thế, vui tươi trước những may lành và thành công thì ai cũng muốn làm; hãnh diện vì giàu sang sung sướng thì ai cũng ham, nhưng vui tươi trong gian nan, thử thách, đau khổ và cái chết là một điều hết sức kỳ lạ, khác thường, không thể hiểu được. Người ta thường có nhiều lý do và động lực để liều mạng sống - vì chức quyền, danh vọng hay tiền bạc, nhưng đối với người Kitô hữu, chỉ khi nào vì Chúa Ki-tô thì sự hy sinh và liều mạng ấy mới có giá trị. Cái chết của các Thánh Tử Đạo phát xuất từ một đức tin mãnh liệt và tình yêu mến sâu xa đối với Thiên Chúa và con người. Chết vì tình yêu, vì sự thật, vì sự thiện là một sức mạnh của ơn thánh Chúa chứ không do sức riêng của con người. Chết mà không hận thù, oán ghét, không than trách, buồn phiền hay bất mãn. Trái lại, vẫn hân hoan vui sướng vì Chúa, vẫn đầy tình thương, tha thứ đối với những kẻ bách hại mình. Thật vậy, Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã làm chứng bằng cách hi sinh mạng sống-Còn chúng ta hôm nay, chúng ta được mời gọi làm chứng cho Chúa bằng cách nào để vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn? 
 
Là những người thánh hiến sống linh đạo - tử đạo và kiên trì đi đến cùng con đường tự hủy vì Tin Mừng, để loan báo tình yêu cứu độ của Đức Ki tô, với niềm xác tín “Ngài đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống, không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Ðấng đã chết và sống lại vì mình”. Để làm chứng tá cho Thiên Chúa, Huấn thị những yếu tố cốt yếu của đời tu nhắn nhủ: “Điều quan trọng không phải là điều các tu sĩ làm được mà chính là con người thánh hiến nơi họ”. Như thế, chứng tá của người tu sĩ trước hết hệ tại ở chính việc sống những phẩm chất đời thánh hiến. Nghĩa là chúng ta tự nguyện chấp nhận một lối sống được luật lệ quy định qua Giáo luật và Hiến pháp riêng để tuân phục ý Chúa, sống trọn vẹn ơn gọi và hiệp thông với nhau (HP 187).  Phẩm chất đời tu được biểu lộ và củng cố bằng lòng trung thành với một tình yêu duy nhất đối với Thiên Chúa, bằng nếp sống ẩn mình khiêm tốn, yêu quý hòa bình, hiền lành, can đảm, quảng đại và kiên nhẫn; qua việc chấp nhận những đau khổ và từ bỏ, để bổ túc nơi thân xác của mình những gì còn thiếu nơi cuộc khổ nạn của Đức Kitô. Cũng thế, chính sự hi sinh thầm lặng, sự kí thác cho thánh ý của Thiên Chúa, sự trung thành thực hành Ba Lời Khấn ngay cả khi sức lực bị suy giảm; sự tận tụy phục vụ tha nhân trong sứ mạng ngay cả khi không được biết đến là một chứng tá cho Thiên Chúa cách công khai, hùng hồn và hữu hiệu để phản ánh rực rỡ mầu nhiệm tình yêu trên núi sọ của Đức Kitô. 
 
Gương mẫu của các Thánh Tử Đạo tiếp thêm trong chúng ta “dòng máu anh hùng” để sống hiến thân từng giây phút đời mình cho Thiên Chúa và tha nhân. Mỗi ngày qua đi, định luật hạt lúa miến mục nát được thực hiện nơi Chúa Giêsu và nơi các Thánh Tử Đạo cũng là định luật chi phối cuộc đời thánh hiến của chúng ta. Sự sống mới, luôn kêu mời chúng ta chết đi mỗi ngày cho những yếu đuối của bản năng, cho lối sống dễ dãi thích nhàn hạ, cho tính ích kỉ, hay đòi hỏi, yêu sách, để sống kỉ luật, quảng đại trung thành đào luyện nơi mình phẩm chất của người nữ tu trong ơn gọi Nữ Vương Hòa Bình. Đó là một con đường tử đạo âm thầm, liên lỉ đầy tính thuyết phục giữa thế giới tục hóa hôm nay. Sự sống ấy giúp chúng ta trở nên chứng tá hùng hồn tiên báo Nước Trời vĩnh cửu vượt mọi giá trị trần gian. Chắc chắn sự sống ấy còn hứa hẹn với chúng ta một ngày sau rạng rỡ, đoàn tụ với các thánh trên thiên đường vinh phúc. 
Hát: Xin cho con (NC 124)
 
V. TÂM TÌNH NGUYỆN XIN
 
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã can trường làm chứng cho Tin Mừng bằng việc hiến dâng mạng sống mình vì Đức Giêsu Kitô, và các ngài cũng đã thể hiện lòng trung thành đối với Hội thánh. Trong tâm tình cảm tạ Thiên Chúa và biết ơn các vị tiền bối là những mẫu gương sáng ngời về tình yêu và đời sống đức tin, chúng ta hãy tha thiết dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện xin:
 
1. Cầu cho Hội Thánh
 
“Máu của các Thánh Tử Đạo là suối ân sủng để thăng tiến đời sống đức tin của Giáo Hội”. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho Đức Thánh cha Phanxicô, các Đức Giám mục, Linh mục và Phó tế được ơn khôn ngoan, lòng can đảm và trung tín; dầu gặp gian nan thử thách, các Ngài vẫn can trường dẫn đưa con thuyền Hội Thánh tiến đi trong hy vọng và bình an. Đồng thời qua lời giảng dạy và gương sáng của các Ngài, dân Chúa nhận ra tình thương và sự đồng hành của Chúa trên mọi nẻo đường đời. 
 
2. Cầu cho quê hương Việt Nam 
 
“Máu các Thánh Tử Đạo là hạt giống nảy sinh các Kitô hữu”. Chúng ta cùng tôn vinh chúc tụng Chúa đã ban cho Giáo hội Việt Nam những vị thánh kiên cường sẳn sàng dùng chính mạng sống mình để làm chứng cho Đức Kitô. Xin Chúa cho mọi tín hữu trên Đất Việt, noi gương các Thánh Tử Đạo dám sống đến cùng ơn gọi Kitô hữu trong mọi hoàn cảnh;, một niềm cậy trông phó thác và giữ được ngọn lửa của lòng mến, hầu sống mẫu mực, kiên trung, trở thành men, muối và ánh sáng giữa lòng dân tộc thân yêu.
 
3. Cầu cho Hội dòng
 
“Hạt giống gieo vào lòng đất mà không chết đi thì chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó chết đi sẽ sinh nhiều bông hạt”. Nhờ lời chuyển cầu của các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin Chúa cho đời sống tu trì của chị em luôn “thấm nhuần tinh thần truyền giáo” sẵn sàng chết đi những yếu đuối, nhỏ nhen, tầm thường hầu tích cực góp phần xây dựng Nước Trời bằng đời sống thánh thiện và nhiệt tâm loan báo Tin mừng bình an của Chúa cho mọi người. Đặc biệt xin Thần Khí Chúa soi sáng, hướng dẫn quý Chị Ban Chuẩn bị Tổng Tu nghị để tìm ra những đường hướng thích hợp, giúp chị em thăng tiến trong ơn gọi và gia đình Dòng  bước đi trong thánh ý Chúa. 
 
4. Cầu cho các cộng đoàn mừng Bổn Mạng.
 
“Ai gieo trong lệ sầu sẽ gặt trong hân hoan”. Là người sống đời thánh hiến, chúng ta được mời gọi “tái khám phá niềm vui bước theo Chúa Kitô” và hân hoan phục vụ tha nhân qua việc Phúc Âm hóa bản thân cũng như cộng đoàn và môi trường xã hội. Chúng ta cùng dâng lên Chúa quý Chị trong các Cộng đoàn đã nhận các Thánh Tử Đạo Việt Nam làm Bổn Mạng, xin cho quý Chị luôn sống tròn đầy tình yêu Chúa mỗi phút giây; can đảm vượt thắng mọi thử thách khó khăn, để sống niềm vui thánh hiến và chứng tá Tin Mừng cho mọi người và mọi nơi. 
 
Lời nguyện kết 
 
Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con những chứng nhân đức tin anh dũng. Nhờ lời các ngài nguyện giúp cầu thay, xin Chúa thương nhận những ước nguyện của chúng con. Xin ban ơn trợ lực giúp chúng con dù trong hoàn cảnh nào, luôn được bền lòng vững chí và can đảm sống đức tin, trung thành với Chúa đến cùng. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen
 
KINH TỐI