Văn Hóa Hòa Bình - Tác giả: M. Minh Đức, MRP



 
Trong thánh lễ đầu năm 2024, Giáo hội mừng kính lễ Mẹ Thiên Chúa, cầu nguyện cho hoà bình thế giới. Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản chủ tế và giảng về tinh thần hòa bình. Điều đọng lại làm cho tôi suy nghĩ đó là lời ngài nhắn nhủ: sống tinh thần hòa bình của Mẹ Maria còn vươn lên tầm cao hơn, cần tạo ra nếp sống văn hóa hòa bình, sân chơi hòa bình để mời gọi những người xung quanh, những người bé mọn, bị gạt ra bên lề xã hội… cùng tham gia sinh hoạt về Hòa Bình. Đức Cha đã khích lệ sáng kiến tổ chức Tuần Lễ Hòa Bình trong tuần Bát Nhật Giáng Sinh vừa qua. 

“Các con cần tạo ra nếp sống văn hoá hoà bình”. Tôi đang suy nghĩ về điều này thì micrô trong thánh lễ bị trục trặc, các chị tìm micrô khác để Đức cha tiếp tục giảng lễ. Sau thánh lễ, Ngài dự tiệc chung vui với Hội dòng chúng tôi, Ngài chia sẻ tiếp những suy tư về văn hoá hoà bình điều mà tôi đang suy nghĩ nhiều: “Văn hoá Hoà Bình là các con luôn suy nghĩ tích cực, luôn nghĩ tốt, lý giải tốt, cho người khác…Như hôm nay trong thánh lễ micrô bị trục trặc, thay vì khiển trách người khác các con suy nghĩ có thể các chị em đã chuẩn bị kĩ lưỡng, ai cũng đã cố gắng để chu toàn bổn phận của mình. Khi micrô bị trục trặc kĩ thuật, lúc đầu cha nghĩ do hết pin, nhưng khi thay pin khác mà vẫn bị, thì cha đoán cũng có thể do các sơ mua nhầm lô pin kém chất lượng, điều đó không may, và chúng ta bỏ qua và đi mua lại lô pin mới… Ngài nói: văn hoá Hoà Bình là luôn nghĩ tốt cho người khác và luôn lý giải mọi chuyện theo chiều hướng tích cực”. Lắng nghe lời Đức Cha chỉ bảo, tôi như nhận ra phải chăng chính những lối suy nghĩ tích cực, cái nhìn tích cực mà cuộc sống của ta và những người xung quanh sẽ thấy hạnh phúc, và bình an và tôi nhớ trong tông huấn Evangelii Gaudium, Đức Phanxicô trích dẫn bài giảng của Đức Bênêđictô XVI: “Giáo hội gia tăng không bởi chiêu mộ, nhưng bởi thu hút. Thật vậy đời sống thánh hiến không gia tăng nếu chúng ta tổ chức những chiến dịch quy mô cổ vũ ơn gọi, nhưng là nếu các bạn trẻ gặp gỡ chúng ta cảm thấy bị thu hút vì họ nhận ra chúng ta hạnh phúc”. Chính lối sống hòa bình sẽ đưa đến hạnh phúc cho mỗi người. Nếu ai cũng để ý đến điều này thì thế giới thật tốt biết bao. Trong một xã hội với sự phát triển chóng mặt của công nghệ kĩ thuật, một xã hội đang làm cho những người ở xa trở nên gần, nhưng lại làm cho những người ở gần trở nên xa, khi mà thời gian người ta nhìn vào chiếc điện thoại, màn hình máy tính, nhiều hơn là nhìn vào khuôn mặt người thân, người ta lướt mạng nhiều hơn là trò chuyện với những người thân của mình, giữa người với người dần có một bức tường được xây nên, các tương quan dần bị phá đổ.

Để hiểu hơn về văn hoá hoà bình, trong suốt những giờ Chầu Thánh Thể tôi suy niệm về văn hoá hoà bình nơi Đức Kitô, Mẹ Maria, suốt dọc Tin Mừng…và tôi phát hiện ra đâu đâu cũng ẩn chứa những sứ điệp hoà bình và những cách cư xử hoà bình…Tất cả đều là Tin Mừng hoà bình, bình an và hạnh phúc. Thế giới sẽ chẳng còn chiến tranh, mọi người đều sẽ được ấm no hạnh phúc, khi con người biết mở lòng ra đón Chúa vào trong cõi lòng mình, để từ đó người ta “Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường coi người khác trọng hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho chính mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác.” (Pl 2, 3-4) Thế nhưng con người thường ăn miếng trả miếng, thay vì một sự nhịn chín sự lành, thì ngày nay dường như một sự nhịn, chín sự nhục, chịu đựng là hèn, là thấp kém… 

Chiêm ngắm Đức Giêsu ta sẽ học được nền văn hoá Hoà Bình nơi Ngài. Thiên Chúa đến nhà mình mà chẳng ai đón nhận, nhưng Thiên Chúa đã có thái độ gì…? Bỏ mặc con người…? Không, cách cư xử của Thiên Chúa khác xa cách giải quyết của con người, trước sự hờ hững vô tâm của con người, Thiên Chúa vẫn xuống thế làm người, vẫn tiếp tục yêu con người bằng một tình yêu trọn vẹn. Thế nhưng…khi Thiên Chúa hạ sinh, Người chẳng có nhà, chẳng ai đón tiếp Ngài, Ngài hạ sinh nơi máng cỏ nghèo nàn, hôi tanh, chỉ có Mẹ Maria, Thánh Giuse và những súc vật ở bên Ngài, nhưng chưa bao giờ Thiên Chúa thôi yêu thương con người…dù con người đầy yếu đuối, vô tâm, tội lỗi. Ngài đã cư xử rất Hoà Bình với chúng ta, với Matthêu, Dakêu, với người phụ nữ ngoại tình, với các môn đệ xin lửa xuống thiêu rụi thành Samari… Khi nhìn ra những khát vọng sống tốt vẫn tiềm ẩn bên trong con người của họ Ngài nhìn vào bên trong họ chứ không đánh giá họ với vẻ bên ngoài. Vẫn nhìn thấy trong hình ảnh Phêrô chối thầy ẩn chứa một tình yêu mãnh liệt, Ngài nhìn thấy những bước chân trốn chạy sẽ là những bước chân mạnh mẽ lên đường rao truyền Tin Mừng đến tận cùng trái đất. Ngài không dập tắt tim đèn còn khói, cây lau bị dập Thiên Chúa không phá bỏ. Ngài sẵn sàng lên đường đi tìm chiên lạc vì Người biết nó đang sợ, nó vẫn còn khát khao trở về đàn chiên. Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương nơi đỉnh cao của thập giá và trên đỉnh cao của thập giá, nền văn hoá Hoà bình lại nở hoa viên mãn, khi cùng cực của nỗi đau, của cô đơn, thất vọng, bị bỏ rơi, loại trừ... Ngài vẫn lý giải những điều tốt đẹp cho con người, vẫn nói tốt cho họ “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23, 34) Nhưng có thật con người không biết việc họ làm không…? Thiên Chúa phải chăng đang dạy tôi bài học yêu thương vô vị lợi, chính tình yêu giúp chúng ta luôn nghĩ tốt, nói tốt cho người khác, ta sẽ có cái nhìn tích cực cho mỗi biến cố xảy đến trong cuộc sống, chính tình yêu thương mà Thiên Chúa đã tha cho tôi vô điều kiện, hết lần này đến lần khác, tha không những bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy…

Là con cái Mẹ Maria, trong ngày mừng kính tước hiệu Mẹ Thiên Chúa, tôi không quên ngước mắt chiêm ngắm Mẹ, về cung cách sống Tin Mừng Hoà Bình của Mẹ. Khi sứ thần truyền tin, Mẹ chỉ là một thiếu nữ nhỏ bé, bình thường, những cách ứng xử của Mẹ thế nào? Mẹ đối thoại với sứ thần, thưa lên cùng sứ thần những thắc mắc của mình với sự khiêm hạ “việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng”. Và khi biết được ý định của Thiên Chúa Mẹ cúi đầu đáp tiếng xin vâng để thánh ý Thiên Chúa được thể hiện với một lòng tin tưởng và yêu mến. Khi cưu mang Thái Tử Hoà Bình Vua các Vua, Chúa các Chúa, mẹ đã cư xử thế nào, Mẹ chẳng lên mặt, chẳng đòi hỏi một quyền lợi, không kẻ cả…Nhưng Mẹ đã đến với người chị họ Êlisabet và ở lại với chị độ ba tháng. Trong ba tháng ấy, không ai nhận ra Mẹ Thiên Chúa đang hiện diện nơi đây, họ chỉ nhìn thấy một cô thôn nữ bình thường, phục vụ người chị họ như một nữ tỳ bé nhỏ luôn tươi vui, và làm cho người chi họ yên tâm trong lúc tuổi già mang thai. Chiêm ngắm hình ảnh Mẹ Maria đứng dưới chân thập giá, Mẹ không gào khóc, không trách mắng, Mẹ vẫn một niềm tin tưởng phó thác vào chương trình của Thiên Chúa, nhìn người con thân yêu bị treo trên thập giá Mẹ vẫn tin tưởng đây là Con Thiên Chúa. Mẹ vẫn lặng thinh, suy đi nghĩ lại trong lòng một niềm tin vững mạnh “Không có gì là thiên Chúa không thể làm được” (Lc 1, 37). Để rồi Mẹ tiếp tục hiện diện với các tông đồ trong nhà tiệc ly, và tiếp tục đồng hành với mỗi người chúng ta trên mọi nẻo đướng sứ vụ…

Mỗi người chúng ta hãy bắt tay và việc cùng nhau xây dựng nền văn hoá Hoà Bình nơi môi trường mình sống và làm việc, chứ không chỉ nói về Hoà Bình. Hãy bước ra khỏi nhà để đến những vùng ngoại biên của cuộc sống, hãy đến với nhau bằng bàn chân bước đi chứ không phải bàn phím. Đừng ở mãi trong căn nhà tối tăm của một căn phòng đóng kín mà cánh cửa sổ duy nhất nhìn ra bên ngoài thế giới là một cái máy tính và một chiếc điện thoại thông minh…(ĐHGT 2018). Chúng ta sẽ không thấy sự cần giúp đỡ của người chị họ nếu chúng ta không lên đường, không đi ra. Làm sao chúng ta thấy được, xây dựng được văn hoá Hoà Bình nếu chúng ta không phá bỏ những bức tường ngăn cách giữa người với người thay vào đó là những chiếc cầu yêu thương, để con người có thể xích lại gần nhau hơn. Hãy vươn lên khỏi những cái nhìn, những lối suy nghĩ tầm thường, khỏi những ngờ vực và chán nản, những yếu đuối tội lỗi và những bận tâm hằng ngày để nhận ra cái nhìn đầy ắp yêu thương của Chúa Giêsu, để lắng nghe lời đầy trìu mến yên thương của Ngài. Nhờ vậy chúng ta sẽ tìm được sức sống cháy bỏng làm cho cuộc đời chúng ta trở nên sung mãn. Chính tình yêu Thiên Chúa sẽ có sức làm cho ta thấy mình được yêu thương. Ngài sẽ giúp chúng ta khỏi mọi nỗi lo sợ đang đè nặng trong tâm hồn chúng ta. Kinh nghiệm của người đàn bà xứ Samaria (Ga 4, 1 - 30), của ông Dakêu (Lc 19, 1- 10), của người đàn bà bị bắt quả tang ngoại tình (Ga 8, 3 -11) là những bằng chứng rõ ràng sức mạnh của Chúa giải thoát, đem lại bình an, hạnh phúc cho những ai rộng mở tâm hồn chấp nhận Ngài.

Lạy Chúa, xin ban yêu thương vào trái tim con, dạy con yêu thương cho Hoà Bình sáng ngời muôn nơi. Nguyện cầu cùng Chúa thương ban vào trái tim con yêu thương ấm nồng, biết luôn cảm thông. Nguyện cầu cùng Chúa dạy con chỉ biết yêu thương chung xây Hoà Bình sáng ngời muôn nơi.

M. Minh Đức, MRP