Một Chuyến Đi



Tôi gặp anh trong một lần đi sứ vụ tại Sình Môn, cách thành phố Gia Nghĩa khoảng 60 cây số về hướng Tây Nam; bản làng người Mèo di cư sinh sống dưới những vách rúi tách biệt hẳn vùng dân cư. Nơi đây vẫn còn đậm nét riêng của những phong tục của người dân tộc vùng cao. Khoảng hơn 100 gia đình sinh sống, trong đó có khoảng 70 gia đình có đạo. Hôm nay là ngày Chúa nhật, bà con trong bản nô nức gọi nhau đến nhà thờ. Những cô gái Mèo xúng xính trong bộ áo truyền thống với tiếng kêu lách tách của những đồng tiền bạc đính trên váy; còn những anh chàng Mèo thì thổi khèn, rúc tù và vang cả dãy núi, báo hiệu cho mọi người biết giờ lễ đã đến. Nhà anh cách nhà thờ khoảng 15 cây số đường rừng. Dáng anh gầy gầy hao hao nhưng rất mạnh mẽ, đôi mắt lúc nào cũng đăm chiêu suy nghĩ. Tôi và anh cùng tham gia lần chuỗi với bà con trong bản vì hôm nay là ngày lễ Mẹ Mân Côi. Đêm buông xuống nơi bản mèo cùng với những đợt gió ùa về làm lạnh thấu xương sống. Ngồi bên anh, bên đống lửa bập bùng khói, anh đưa tôi vào câu chuyện của anh.

Ngược dòng thời gian cách đây 10 năm, khi anh và gia đình lếch thếch khăn gói di cư vào Nam, không có một đồng dính túi; nơi đất khách quê người cả nhà anh chỉ biết bước đi trong sự tin tưởng vào Chúa. Cuộc ra đi này chẳng mong đợi, bởi anh phải bỏ lại sau lưng tất cả những gì đã gắn chặt với tuổi thơ của anh. Ánh lửa bập bùng phảng phất làm lộ rõ khuôn mặt anh với nước mắt lăn dài trên hai gò má rám nắng. Anh kể, ngày trước nơi vùng Yên Bái anh và gia đình sống rất hạnh phúc, thế nhưng lúc nào bệnh tật cũng ghé thăm. Bản thân thì đã chẳng được mập mạp, lại thêm những căn bệnh cứ hoành hành làm cho gia đình đã nghèo lại càng thêm nghèo. Mẹ anh đã phải chạy hết mọi thầy trong bản để cầu may chữa bệnh cho anh, nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Cho đến một ngày khi đi chăn bò ngang qua một ngôi nhà nguyện nhỏ của người Công Giáo, anh đã tò mò bước lại gần và nhìn mọi người đang làm cái gì trong đó. Rồi dần dần thành thói quen, vì thấy anh dễ thương chất phác lại thêm hiền lành, nên những người trong nhà nguyện bày cho anh cầu nguyện. Ngày ngày cứ đều đặn anh đến nhà nguyện; bỗng một ngày anh nhận ra bản thân chẳng còn đau yếu như ngày trước. Rồi dần dần anh đưa mẹ, bố, em trai cùng đến nhà thờ… Năm tháng dần trôi, thế là cả gia đình anh quyết tâm theo đạo. Ngày hạnh phúc của gia đình là ngày anh và cả nhà được lãnh bí tích Rửa Tội. 

Thế nhưng niềm hạnh phúc ấy đối với gia tộc là một sự phản bội với tổ tiên và các vị thần; họ hàng đã cảnh cáo gia đình anh. Thế nhưng gia đình anh vẫn cứ ngày ngày đến với Chúa. Cho đến một ngày chuyện chẳng lành cũng đến; ngay trong đêm, mọi người trong làng ập vào nhà, người cầm dao, người cầm gậy, khuôn mặt hầm hầm sát khí, họ chẳng nói, chẳng rằng, cứ thế là nện trận đòn khủng khiếp như mưa, cứ thế giáng xuống lưng từng thành viên. Không tha, họ còn gỡ nhà, đập bàn ghế và đuổi cả gia đình anh ra khỏi làng. Thế là cả đêm hôm ấy anh và gia đình nằm co ro ngoài bãi cỏ. Đêm ấy, chị gái của anh đã ra đi vì trọng thương, máu chảy nhiều. Còn gì đau lòng hơn khi gia đình anh lúc này phải chịu đựng cảnh không nhà, không người thân thích, làng xóm quay lưng. Cha anh tự tay đào huyệt, chôn cất người chị trong cơn đau tột độ. Chưa hết, cả làng bắt đầu tung tin rằng gia đình anh mê tín và đang lôi kéo mọi người chống lại tổ tiên. Những lời dối trá ấy lại càng làm cho mọi người căm ghét; không có một ngôi nhà nào đồng ý cho gia đình anh tá túc. Thế là gia đình anh chịu cảnh lang thang nay đây mai đó. Những ngày đầu thật cực khổ, ai có thể đón nhận gia đình anh trong tình cảnh như thế này chứ. Anh không thể quay lại nhà thờ vì họ đe doạ sẽ đốt ngôi nhà thờ ấy… Một cuộc ra đi trong nước mắt. Gia đình anh tạm tá túc trong rừng, ngày ngày đi săn bắn, hái rau ăn qua bữa. Một thời gian sau, dân làng phát hiện ra trong ngôi lều đó có tượng ảnh Chúa; thế là lần thứ hai gia đình anh phải chịu một trận đòn khủng khiếp hơn lần trước. Mẹ anh vì tuổi đã cao không thể chịu được những làn roi nên cũng qua đời vào cái đêm hôm ấy… Thế là đành để mẹ và chị nơi rừng núi; anh và cha quyết định đi tìm nơi khác sinh sống. Lang thang nay đây mai đó, làm đủ mọi thứ nghề rồi anh được một người giới thiệu dời cư đến vùng đất Tây Nguyên; anh đã đến lập nghiệp và ở lại đây cho đến bây giờ. Giờ anh được tự do đến nhà thờ; được hòa chung sinh hoạt với các đoàn thể trong giáo xứ. Anh đã xác tín mạnh mẽ lời thư thánh Phaolô: “Không ai trong anh em được sống cho mình, và cũng không ai chết cho mình. Vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa, nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa.” (Rm 14, 7)

Trời bắt đầu mỗi lúc một tối, đống lửa cũng dần tàn, những cơn gió vẫn đều đặn thổi, mọi người trong bản đang dần đi vào giấc ngủ nhưng trong tôi vẫn còn miên man những câu chuyện của anh. Rồi lại lang thang trong những suy nghĩ về cuộc đời. Tôi đã có chút cảm xúc phẫn nộ khi nghe anh nói; rồi lại có chút ngạc nhiên về thái độ trung dung của anh trước sự việc. Anh nói, lúc bị đánh anh chỉ biết khóc, không chống lại họ, cũng không nói một lời. Còn tôi thì nóng lòng muốn biết tại sao, rồi tự nghĩ sao anh khờ quá vậy. Anh nói với tôi rằng, anh không đòi công bằng, không chất vấn số phận trước đau khổ, không đổ lỗi cho hoàn cảnh, nhưng anh đã lấy đức tin và con tim để hiểu người khác. Anh đặt tất cả nơi Chúa, anh không trách cũng không oán những người đã gây cho anh biết bao đau khổ; nhưng thay vào đó là lời cầu nguyện cho họ được ơn nhận biết Thiên Chúa. Mỗi lần nghĩ đến cái chết của mẹ và chị gái thân yêu, lòng anh đau thắt; và anh cầu nguyện nhiều hơn. Và lời cầu nguyện chân thành ấy đã không trở nên vô nghĩa, nay ở tại bản làng đã có thêm 5 gia đình theo đạo.

Câu chuyện của anh giúp tôi hiểu đời sống của dân bản làng sống bằng trồng trọt và duy trì đời sống văn hóa gắn liền với núi rừng; ít có hộ gia đình dám vượt lên, thay đổi thói quen, nếp nghĩ truyền thống để phát triển. Biết bao hoàn cảnh gia đình tập thể nơi vùng xa vẫn đang phải đối mặt với những thách thức tương tự. Lối ứng xử mang tính luật rừng: sửng cồ, mắng chửi, xung đột tập thể thường xuyên xảy ra… Cách hành xử như thế rất khó chấp nhận ở một xã hội văn minh. Nhận thức là gốc rễ của hành động. Ước mong sao bà con vùng xa có cơ hội tương tác học hỏi với những dân tộc khác, nâng cao nhận thức để xây dựng nhân cách và thể hiện lối sống tình người hơn. 

Mọi sự qua đi chỉ có tình yêu thương mà ta đã dành cho người khác sẽ luôn tồn tại. Cũng có những ngày trời lạnh nhưng lòng người ấm áp. Quả thật đức ái chẳng bao giờ có thể được biểu lộ một cách giả tạo được, nhưng là một con tim biết rung động trước tình yêu Thiên Chúa. 
Tạ ơn Chúa vì những gì đã qua và tất cả những trải nghiệm gặp gỡ… cũng đã góp thêm nhiều thao thức, suy tư trong hành trình dâng hiến của tôi. 

Bồ Công Anh