Khóc - Sống Linh Đạo Tình Thương - Tác giả: Meryt, MRP


 
Nói đến động từ khóc, có lẽ ai trong chúng ta cũng nghĩ ngay đến ý nghĩa tiêu cực của nó: Khóc vì tang thương, mất mát; khóc vì thất bại, uất ức; khóc vì hối hận ăn năn; khóc vì cô đơn hay sợ hãi; khóc vì những nỗi buồn dai dẳng trong cuộc sống; khóc vì hy vọng sụp đổ; cũng có lúc ta khóc mà không hiểu lý do tại sao. Tuy nhiên, bên cạnh những biểu hiện lý do buồn khóc ấy, trong cuộc sống chúng ta cũng bắt gặp những dòng nước mắt của hạnh phúc. Quả thực, khóc không chỉ là cách để ta thể hiện cảm xúc, tình cảm nhưng còn là cách ta sống linh đạo tình thương. Tình là tình yêu và thương là lòng thương xót. Hai từ TÌNH THƯƠNG thật ngắn gọn nhưng nói lên bản chất của Thiên Chúa và căn tính của chúng ta.

1. Khóc vì tình thương

Lần giở lại những trang Kinh Thánh, chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi bắt gặp hình ảnh một vị Thiên Chúa đầy xúc cảm. Ngài hạnh phúc vì tạo dựng nên vũ trụ vạn vật và con người “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp” 
(St 1,1 – 2,2). Với trái tim của người mẹ, Ngài nghe tiếng khóc của Hagar, của Anna cũng như của Đavid. Cách đặc biệt, chúng ta cũng bắt gặp hình ảnh một Thiên Chúa biết khóc cụ thể nơi con người Đức Giêsu. Như bảo trẻ thơ, Ngài đã cất tiếng khóc chào đời để đi vào lịch sử nhân loại. Đó là tiếng khóc của tình thương. Qua tiếng khóc ấy, Ngài đã nhập thể trong lòng nhân loại, cùng thông chia kiếp nhân sinh của phận người. Với trái tim rung động, cảm mến xót thương, Chúa Giêsu đã hội nhập và đón nhận nhân loại bất trung trong tình thương cứu độ của Ngài. “Thiên Chúa yêu mến chúng ta điên dại và Ngài đã khóc trước sự phản bội của chúng ta” (ĐTC Phanxicô). Quả thật, Tin Mừng đã phác họa cho chúng ta thấy một Giêsu chạnh lòng thương, đã khóc cho sự khốn cùng của con người. Ngài đã khóc khi nhìn thấy bà goá thành Nain khóc thương người con trai duy nhất đã chết của mình. Ngài đã rơi lệ khi nhìn thấy Matta và Maria khóc thương người em trai là Lazaro đã chết. Ngài chạnh lòng thương khi nhìn thấy đám đông “như bầy chiên không người chăn dắt”. Ngài đã khóc cho thành Giêrusalem vì thành này đã không nhận ra ngày giờ Thiên Chúa đến viếng thăm. Ngài đã khóc cho sự thờ ơ, ích kỷ và phản bội của con người. Các thánh sử không kể cho chúng ta một chi tiết nào về việc Chúa Giêsu có khóc hay không khi Ngài bị treo trên Thập giá, tuy nhiên trên khuôn mặt tan nát, đầy thương tích của Chúa Giêsu, có lẽ chúng ta cũng nhìn thấy những giọt nước mắt hạnh phúc của Chúa Giêsu vì “mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,28a), vì con người được cứu độ và được giao hoà với Thiên Chúa. Đó là tiếng khóc của tình thương mà Đấng Cứu Thế đã khóc cho nhân loại.
 
2. Khóc vì được thương

Vì tình thương, Thiên Chúa đã khóc cho nhân loại. Đến lượt con người, họ cũng đã khóc vì nhận ra họ được Thiên Chúa yêu thương. Tin Mừng đã kể lại cho chúng ta hình ảnh thật dễ thương của Phêrô: nhận ra được sự yếu đuối bất trung của mình khi gặp được ánh mắt yêu thương tha thứ của Chúa, Phêrô đã khóc. Qua những dòng nước mắt ấy, Thiên Chúa đã làm cho trái tim Phêrô được đổi mới, đưa Ngài đến một tình yêu mới và chân thật hơn. Thánh sử Luca cũng đã trình bày cho chúng ta hình ảnh người phụ nữ khóc dưới chân Chúa Giêsu. Đó là những dòng nước mắt hạnh phúc vì được Chúa Giêsu tôn trọng, bảo vệ, được xem như một con người, được yêu và được tha thứ. Cả bốn Tin Mừng đều không phác hoạ cho chúng ta một hình ảnh nào về Đức Maria khóc, tuy nhiên chúng ta có thể ngầm hiểu rằng cuộc đời Mẹ ngoài những giọt nước mắt đau khổ khi lạc mất con, khi con bị người ta hành hạ và giết chết, tâm hồn Mẹ đã trào tràn dòng lệ niềm vui vì được Thiên Chúa ở cùng. Đó là những giọt nước mắt của một tâm hồn hạnh phúc, nhận ra mình được Thiên Chúa yêu thương và tuyển chọn: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đã thương nhìn tới” (Lc 1,46)
. Mẹ đã cùng cười với Giêsu, cùng khóc với Giêsu. Trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu - Con Mẹ, Mẹ đã cùng với Giêsu khóc cho nhân loại.          

Có lẽ ai trong chúng ta ít nhất một lần trong cuộc đời cũng đã trải qua kinh nghiệm khóc vì được yêu thương. Khóc khi nhận ra Ba Mẹ ta đã dành cả cuộc đời yêu thương, cho con và vì con. Đó là những dòng nước mắt hạnh phúc! Có những cái khóc làm cho cuộc đời của chúng ta thêm nặng nề, tối tăm nhưng cũng có những cái khóc sâu xa từ tận sâu thẳm tâm hồn làm cho cuộc đời ta được đổi mới và trở nên giá trị. Đó là những dòng nước mắt biết nhận ra những yếu đuối của bản thân “phúc cho ai biết than khóc vì thống hối lỗi lầm” (Đức Thánh Cha Phanxicô). Đó là những dòng nước mắt khi nhận ra mình được Thiên Chúa yêu thương và tha thứ, được Chúa nâng dậy sau những lần vấp ngã đổ vỡ. Đó là những dòng nước mắt dám vượt qua những khó khăn, thách đố trên hành trình theo Chúa, với niềm xác tín Thiên Chúa vẫn luôn đồng hành và nâng đỡ. Đó là những dòng nước mắt hạnh phúc được chia sẻ sứ mạng của Chúa trên hành trình sứ vụ khi làm cho nhiều người được trở về với Chúa. Đó là những dòng nước mắt đau đớn khi chịu cắt tỉa chính mình mỗi ngày để nên giống Đức Kitô hơn. Đó là những dòng nước mắt chảy ngược trong lòng khi bị ghét, bị hiểu nhầm, bị lãng quên để Chúa và tha nhân được lớn lên. Đó là những dòng nước mắt vất vả nhọc nhằn, quên đi bản thân để phục vụ tha nhân. Nước mắt trở nên những món quà, toát lên vẻ đẹp của tình thương!
 
3. Khóc với và cho tình thương

Đón nhận được tình thương, cảm nghiệm được tình thương, chắc hẳn chúng ta không thể nào không biết khóc cho tình thương. Khóc - sống linh đạo tình thương chính là lúc chúng ta biết khóc với và cho tha nhân bằng tình thương của Thiên Chúa. Chúng ta không phải là con một trên thế giới này, nhưng còn có những người anh, người chị, người em, những người mà Tin Mừng định nghĩa là những người thân cận.

Chúng ta đang sống trong một thời đại văn minh, công nghệ, một thời đại tưởng chừng con người được sống trong tự do, công bình, bác ái và yêu thương. Thế nhưng, bên cạnh chúng ta vẫn còn biết bao nhiêu con người đang đau khổ, đang sống trong cảnh bần cùng, không niềm tin, không lý tưởng sống. Họ là những người nghèo. Họ đang khóc! Mẹ trái đất vẫn đang khóc!

Là những người thánh hiến, chúng ta được mời gọi đi vào giữa thế gian, nhập thể vào thế gian để cùng “vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12, 15)
. Hơn ai hết, chúng ta là những người cảm nghiệm được sâu xa tình thương của Thiên Chúa, chúng ta không được phép chỉ biết khóc cho sự an toàn của bản thân, nhưng hãy để cho những giọt nước mắt của chúng ta làm nên chất lượng cuộc sống. Đó là lúc chúng ta biết chạnh lòng thương, biết đồng cảm và chia sẻ với tha nhân.

Lạy Chúa,
Nền văn hoá “thế gian” lắm lúc đã làm cho con quên mất cảm thức mọi người là anh em, là con cùng một Cha trên trời. Nền văn hoá ấy đã làm cho những dòng lệ của con nhiều khi bị đóng băng làm tê cứng, trái tim con trở nên vô cảm. Hơn thế nữa, một lối sống nhanh, sống vội đôi lúc đã làm cho con không còn đủ thời gian hay lòng kiên nhẫn để cùng ngồi xuống và khóc với những người đang cần đến con. Để rồi, con chỉ biết khép mình lại trong xó nhà để khóc cho những điều tầm thường nhỏ nhặt của bản thân, cứ mãi loay hoay với vấn đề của chính mình mà không biết mở trái tim để đi ra với thế giới, sống với thế giới.
Xin ban cho con một trái tim biết khóc
Biết khóc cho thân phận tội lỗi bất trung của con,
Biết khóc vì nhận ra mình được Chúa thương yêu cứu độ.
Xin cất khỏi nơi con trái tim vô cảm, vô tâm, vô tình.
Thay vào đó, xin làm cho trái tim con biết khóc vì biết chạnh lòng thương.


Meryt