Hiệp sĩ Ðại Thánh giá GB Lê Ðức Thịnh người tín hữu sống tinh thần yêu thương, phục vụ và hòa hợp dân tộc


Ở châu Á và Việt Nam, người được Tòa Thánh trao tước phẩm Hiệp sĩ Ðại Thánh giá đầu tiên là ông Gioan Baotixita Lê Ðức Thịnh (giáo dân xứ Phúc Nhạc, giáo phận Xuân Lộc). Ngày 5.11.2007, lễ trao Sắc phong của Tòa Thánh cử hành một cách sốt sắng tại nhà thờ Phúc Nhạc. Thánh lễ có sự hiện diện của Ðức cha Ðaminh Nguyễn Chu Trinh, Giám mục Chánh tòa giáo phận Xuân Lộc khi đó; Ðức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, bấy giờ là Giám mục giáo phận Nha Trang và là Chủ tịch HÐGMVN; Ðức cha Phaolô Bùi Văn Ðọc, Giám mục Chánh tòa giáo phận Mỹ Tho (sau này là Tổng Giám mục TGP TPHCM) đồng tế. Ngoài ra còn có sự tham dự của đông đảo giáo dân và các thành phần xã hội.
 
 
Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp Hiệp sĩ Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh cùng phu nhân Anna Nguyễn Thị Kim Yến, ngày 21.12.2022 tại Vatican

CÚI XUỐNG ĐỂ PHỤC VỤ

Tước phẩm cao quý có lịch sử từ năm 1831 mà Tòa Thánh dành trao tặng những giáo dân nhiệt tâm, đã nói lên được sự ghi nhận những cống hiến nổi bật, ý nghĩa của người tín hữu thuần thành. Trước và sau khi được tước phẩm, Hiệp sĩ GB Lê Đức Thịnh luôn miệt mài phục vụ, góp phần dựng xây Giáo hội và quê hương phát triển…

Ở tuổi 62, vừa trải qua thời gian bạo bệnh, sức khỏe có phần ảnh hưởng ít nhiều, song, lịch làm việc của Hiệp sĩ GB Lê Đức Thịnh không kém hơn những ngày trẻ, của mấy chục năm trước. Nếu dạo ấy, người ta dễ bắt gặp chân dung Hiệp sĩ ở khắp nơi, từ phố thị đến những buôn làng heo hút miền cao nguyên hay miền Tây Bắc để trao quà, trao nhà tình thương; vận động kinh phí xây trường học, trường nghề; mời gọi chung tay chăm lo cho người nghèo, giúp trẻ khuyết tật…, thì giờ đây, ông vẫn luôn có những chuyến thiện nguyện Nam Bắc, nơi vùng sâu xa để không vì lý do gì khác, ngoài đỡ nâng những mảnh đời còn cần lòng thương xót. Bởi thực tế mà nói, dù cuộc sống chung đã có phần khấm khá hơn nhưng ở đâu đó, nhất là ở vùng quê, vẫn còn nhiều người nghèo khó, dễ có nguy cơ lùi lại. Trong tầm khả năng của mình, Hiệp sĩ GB Lê Đức Thịnh đã quyên góp và tự bỏ tiền cá nhân trích từ kết quả kinh doanh của gia đình hàng trăm tỷ đồng trong mấy chục năm qua để làm bác ái. Ông luôn đau đáu cái nghèo của người dân một số nơi, trăn trở với những sinh hoạt của Giáo hội nơi này nơi khác còn những khó khăn, chưa thông suốt…, rồi tìm mọi cơ hội để bắc những nhịp cầu, nối những yêu thương và sự thấu hiểu. Đến với người nghèo hay người bất hạnh, ngoài trao tặng, ông còn hỏi han và khơi cho đồng bào ý chí vươn lên, tinh thần liên đới. Hàng trăm chuyến đi như thế khởi hành rồi kết thúc liên tục, mang niềm phấn khởi cho bà con.

 
Cây bút được dùng để ký biên bản xác nhận thỏa thuận Tòa Thánh gởi Đặc phái viên không thường trú tại Việt Nam vào tháng 6.2010, đang được lưu giữ tại nhà Hiệp sĩ
 

Tiếp chúng tôi tại tư gia sau chuyến đi thăm bà con khu vực vừa xảy ra vụ bạo động vào trung tuần tháng 6.2023 ở Đăk Lăk, ông Thịnh vẫn chưa hết vẻ ngậm ngùi. Đợt thăm viếng này, gia đình Hiệp sĩ GB Lê Đức Thịnh và một số doanh nhân đã trực tiếp ghé thăm, ủi an người nhà những nạn nhân, chiến sĩ đã hy sinh, trong đó có gia đình của một thanh niên Công giáo, đã thiệt mạng vì cuộc tấn công đột ngột. Hiệp sĩ GB Lê Đức Thịnh bày tỏ niềm tiếc nuối, cảm thương trước những mất mát to lớn, đồng thời khích lệ tinh thần những thân nhân. Hiệp sĩ cũng trao nhiều phần quà cho bà con dân tộc thiểu số sinh hoạt tại giáo xứ Hòa Nam, giáo phận Ban Mê Thuột, dặn dò họ cố gắng sống yêu thương, tìm cách để vươn lên trong tình huynh đệ. Cũng trong chuyến đi này, ông trao 200 triệu nhờ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đăk Lăk lo cho người nghèo, là số tiền của một người quen nhờ ông chuyển. Trong căn nhà ấm cúng, ngoài phòng khách trưng bày các tranh ảnh, còn có không gian riêng để trưng các đồ vật kỷ niệm sau mỗi chuyến đi thăm nơi này, nơi khác lo cho việc chung mà Giáo hội cần. Có cả những kỷ vật gắn liền với những sự kiện lịch sử, chẳng hạn như chiếc bút bi được dùng để ký biên bản xác nhận thỏa thuận Tòa Thánh gởi Đặc phái viên không thường trú tại Việt Nam vào tháng 6.2010, tại Vatican trong chuyến làm việc của nhóm Công tác Hỗn hợp Việt Nam - Vatican vòng II do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường làm Trưởng đoàn và Trưởng đoàn Tòa Thánh là Thứ trưởng Ngoại giao Ettore Balestrero; là phong bì từng đựng những bức thư Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Đức Thánh Cha Phanxicô trực tiếp gởi riêng cho ông; là không ít những món quà lưu niệm hay tràng hạt do chính tay các vị Giáo Hoàng, Hồng y tặng mỗi lần Hiệp sĩ sang thăm Tòa Thánh. Sự đóng góp của ông vừa mang tính yêu thương, vừa có tầm nhìn lâu dài, với mong muốn làm sao để Giáo hội Công giáo tại Việt Nam ngày càng bước đi trong bền vững và khắc họa đậm nét gương mặt Đức Kitô. Khi chuyến đi này chưa xong, kế hoạch cho một công việc khác lại đến, phải giải quyết. Dù có bận bịu, mệt nhọc, Hiệp sĩ vẫn nở nụ cười nhẹ tênh: “Hiệp sĩ của Giáo hội mà, Đức Thánh Cha phong tước phẩm này cho mình để mình làm việc vì Giáo hội, mang lại hạnh phúc cho bà con mình”. Nhiều lần, ở nhiều nơi, chúng tôi được nghe tâm sự của Hiệp sĩ Đại Thánh giá về những quan niệm của ông, chung quy vẫn là tinh thần phục vụ và sự dấn thân. “Là một người con của Giáo hội, chúng ta làm sao để Hội Thánh phát triển, chu toàn các trách nhiệm của mình với Chúa. Là người con của quê hương, chúng ta thực hiện nghĩa vụ công dân, làm giàu đẹp quê mình. Hai điều ấy phải song song”, Hiệp sĩ nói. Tâm niệm như vậy và đặt lợi ích tha nhân lên trên, những chuyến đi của Hiệp sĩ đều mang theo hành trang yêu thương để dựng xây hòa bình…

Tước phẩm hiệp sĩ Ðại Thánh giá của ông GB Lê Ðức Thịnh thuộc phẩm hàm thánh Gregorio Cả, do Ðức Giáo Hoàng Gregorio XVI lập ra năm 1831 để tưởng nhớ thánh nhân và trao tặng người có nhiều đóng góp cho Giáo hội Công giáo cũng như cho đất nước, dân tộc. Hiệp sĩ GB Lê Ðức Thịnh và phu nhân Anna Nguyễn Thị Kim Yến cùng được trao tước phẩm này cách đây 16 năm, dưới thời Ðức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI.

NÊN BẮC CẦU - ĐỪNG XÂY TƯỜNG

Hành trình dài phục vụ của Hiệp sĩ không dừng ở chỗ thiện nguyện, bác ái…, mà có thể nói, ông đóng vai trò như người bắc những nhịp cầu để mối quan hệ giữa nhà nước và giáo hội địa phương ngày một hiểu nhau hơn, làm vơi đi những thành kiến, nghi kỵ để cùng đối thoại, hợp tác, làm tăng sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc.

Hiệp sĩ GB Lê Đức Thịnh rất thích câu nói của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Hãy bắc cầu - Đừng xây tường”. Xây cầu, không xây tường mà còn phá bỏ những rào cản chính là công việc ông thầm lặng làm trong nhiều năm qua. Lần ngược thời gian một chút, trở về hoàn cảnh thời điểm hơn hai mươi năm trước, chính quyền với Giáo hội Công giáo tại Việt Nam vẫn còn đôi chỗ chưa thông suốt nhau do những tồn tại lịch sử để lại. Hàng loạt vấn đề nếu cả đôi bên không dùng sự thiện chí giải quyết thì rơi vào bế tắc. Với lòng yêu Giáo hội cùng lòng yêu dân tộc, ông Lê Đức Thịnh, kể cả khi chưa được sắc phong, là một trong những người đã mạnh dạn trở thành cầu nối giữa chính quyền và giáo quyền. Bây giờ, khi nhắc về chuyện cũ, ông vẫn không thể nào quên. “Khi bản thân mình tham gia làm việc cho Giáo hội và nhìn thấy công việc được thành công, làm sao quên được. Từng chuyện một”, ông chia sẻ. Ông kể chuyện cũ như một đúc kết kinh nghiệm: “Cách để hóa giải những bất đồng tốt nhất là phải trực tiếp đối thoại. Đối thoại thì đòi hỏi sự chân thành, không phải người này ở trên, người kia ở dưới mà là ngang nhau. Gặp gỡ một lần chưa xong việc thì nhiều lần. Rồi thì khi trao đổi, hai bên sẽ dần hiểu những mục đích tốt đẹp đang làm. Năm 2005, giữa lúc chính quyền địa phương và Tòa Giám mục Xuân Lộc còn một số điểm cần thông tin, bàn bạc qua lại, tôi đã mời ông Phạm Thế Duyệt khi ấy là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về thăm giáo phận Xuân Lộc. Ở chiều ngược lại, tôi cũng thuyết phục các vị chủ chăn đón tiếp trọng thị vị khách lớn. Một cuộc gặp lịch sử đã được xác định vào ngày 30.4.2005, trong bầu khí vừa trang trọng vừa thân tình giữa ông Phạm Thế Duyệt và Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Giám mục GP Xuân Lộc thời bấy giờ. Phía Tòa Giám mục trong cuộc gặp đó cam kết với ông Chủ tịch sẽ phát động toàn giáo phận tham gia bác ái xã hội thông qua chữa bệnh, làm đường, làm giáo dục... Vị Chủ tịch Trung ương MTTQ Việt Nam cũng lắng nghe những khó khăn và hứa sẽ tìm cách đáp ứng tốt nhất nhu cầu sinh hoạt của giáo phận, cũng như giải quyết thấu đáo một số vấn đề vướng mắc. Đây là bước khởi đầu để cả hai phía thấy được sự tốt đẹp trong công việc và hiểu nhau hơn”. Và thực vậy, sau cuộc gặp, những nút thắt có từ trước dần được tháo cởi. Đại Chủng viện Xuân Lộc được mở năm 2005, số lượng chủng sinh tu học trong mỗi khóa được thống nhất; việc nhập sách từ nước ngoài để làm tài liệu nghiên cứu, giảng dạy ở Đại Chủng viện được tạo điều kiện; những thủ tục hành chánh, các vấn đề quản trị, lập giáo xứ được khơi thông… Khỏi phải nói, ông Thịnh đã mừng vui xiết bao khi biết những thành quả này có phần đóng góp nhỏ bé của mình.

Cũng năm này, việc chia tách giáo phận Bà Rịa từ giáo phận Xuân Lộc diễn ra; rồi sự kiện được xem đã mang tới niềm hạnh phúc lớn lao cho toàn thể đồng bào Công giáo là chính quyền tỉnh Quảng Trị giao đất tôn giáo cho Trung tâm hành hương Đức Mẹ La Vang để xây Trung tâm hành hương Thánh Mẫu toàn quốc; hay Trung tâm hành hương Tà Pao (giáo phận Phan Thiết) được thừa nhận; Trung tâm hành hương Đức Mẹ Măng Đen (giáo phận Kon Tum) hoàn tất thủ tục cấp đất… Phía sau những hoa trái mỹ mãn, bóng dáng Hiệp sĩ hiện diện luôn thấp thoáng, dẫu không phải là nhân vật trung tâm nhưng vai trò của ông có thể nói như một chất keo nối kết. Ngoài ra, nhiều công trình, dự án khác nữa của Giáo hội cũng có dấu ấn Hiệp sĩ GB Lê Đức Thịnh tham dự, xúc tiến trong quá trình làm việc. Khi Giáo hội có những điều kiện tốt để hoạt động, khi người người Công giáo hân hoan vui mừng, ở phía sau, Hiệp sĩ lặng lẽ hết mực tạ ơn Thiên Chúa.

 
 Một chuyến tặng quà tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đăk Lăk để chăm lo cho người nghèo
 
Hiệp sĩ Đại Thánh giá GB Lê Đức Thịnh quan niệm: “Tôi chọn mối phúc thứ bảy: Phúc cho ai xây dựng hòa bình…”. Tâm tình đó được ông gắn vào mình như một hành trang, và là động lực để vượt qua những trở ngại dọc đường kiến tạo. Có thể là sức khỏe, bởi cường độ công việc dồn dập. Có thể là nghi hoặc hay sự cản trở nào dẫn tới không thuận tiện. Cũng có thể là sự chỉ trích, bài xích. Vì ước muốn dựng xây hòa bình nên, vợ chồng ông luôn nhắc nhau “Lấy ích lợi của dân tộc và của Giáo hội làm đầu”. Để có thể hiểu nhau, sự gặp gỡ cởi mở là yếu tố hàng đầu. Ông tinh tế thiết kế tạo nên những nhịp cầu. Ông kiên nhẫn đi trên những lối mở chưa thành đường, rồi vun đắp để mọi người mọi giới gặp nhau trên con đường đó, để thêm thông hiểu và hỗ trợ nhau. Hàng chục năm ông xuôi ngược, đã có hàng trăm nút thắt lớn nhỏ được mở lối từ con đường gặp gỡ và đối thoại này. Nếu một sự vụ xảy ra do các cơ sở chưa hiểu hết chính sách hay quy định, ông giải thích và hướng dẫn làm tốt hơn, đúng hơn để có tiền đề được giải quyết. Ngoài ra là tạo mối liên hệ thân tình để các bên hiểu nhau hơn, chẳng hạn như năm 2015, ông đã tổ chức cho các nữ tu dòng Ảnh Phép Lạ (giáo phận Kon Tum) ra Hà Nội tham quan. Đoàn các sơ đã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đón tiếp nồng nhiệt; giao lưu văn nghệ sôi nổi. Mọi khoảng cách hay rào cản từ đó được xóa nhòa. Mặt khác, ông cũng luôn tận dụng các mối quan hệ của mình để khi có điều kiện là mời lãnh đạo các cấp các ngành về thăm các giáo phận, các cộng đoàn, để kịp thời nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng hay nhu cầu của người Công giáo, từ đó có hướng hỗ trợ kịp thời.

 
Các nữ tu dòng Ảnh Phép Lạ đón tiếp Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân về thăm hội dòng năm 2015
 
“Tước phẩm Hiệp sĩ được trao ban cho những giáo dân đã tích cực góp phần xây dựng Giáo hội và giúp cho Giáo hội chu toàn sứ mệnh của mình trong những sinh hoạt cũng như mối tương quan xã hội. Trong thời gian qua, anh GB Lê Ðức Thịnh đã có nhiều hoạt động nổi bật, thể hiện đường lối như Thư Chung năm 1980 của HÐGMVN dạy là sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc. Những đóng góp của anh dù âm thầm nhưng có ý nghĩa không những đối với giáo phận Xuân Lộc, mà còn đối với các giáo phận khác”.

(Trích phát biểu của ÐGM Ðaminh Nguyễn Chu Trinh, Giám mục giáo phận Xuân Lộc thời điểm trao Sắc phong của ÐGH cho ông GB Lê Ðức Thịnh, năm 2007)

MỘT NGƯỜI THIỆN CHÍ

Phục vụ các nhu cầu của Giáo hội không phân biệt dù ở giáo phận nào trên đất nước, khi có vấn đề cần hỗ trợ, Hiệp sĩ Đại Thánh giá đều hết mình, trở thành gạch nối hoặc trực tiếp hướng dẫn. Nhờ đó mà nhiều giáo xứ, giáo họ ở các địa phương lần lượt được giải quyết thủ tục để thành lập. Các sinh hoạt tôn giáo dần dà được tạo điều kiện rộng thoáng. Ông không nề hà bất cứ công việc nào, miễn là đem lại hạnh phúc cho người khác. Còn nhớ khi toàn quốc chịu ảnh hưởng chung bởi cơn đại dịch Covid-19, Hiệp sĩ Đại Thánh giá đã vận động để tiêm ngừa vắc-xin cho đồng bào Công giáo, từ giới tu sĩ đến bà con giáo dân nhiều địa phương trong Nam, ngoài Bắc. Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục giáo phận Hải Phòng, nguyên Giám mục giáo phận Ban Mê Thuột nhớ lại: “Khi vắc-xin còn hiếm, mọi người còn đang loay hoay tìm nguồn; các cha các sơ mong muốn được chích ngừa để đi vào dân chúng, dân chúng thì cần tiêm ngừa để bảo vệ bản thân…, thì Hiệp sĩ Đại Thánh giá GB Lê Đức Thịnh đã chủ động liên hệ. Ông đã giúp giáo phận Ban Mê Thuột trong lúc dịch vào lúc cần thiết nhất. Hiệp sĩ đã xin vắc-xin về cho giáo phận 2 đợt để tiêm ngừa cho tu sĩ và anh chị em giáo dân. Hiệp sĩ nghĩ đến những người nghèo khó vùng cao nguyên cùng với những người phục vụ để tất cả được an tâm về sức khỏe, vượt qua cơn dịch. Nghĩa cử này nói lên tấm lòng bác ái, hướng về tha nhân của Hiệp sĩ GB Lê Đức Thịnh”. Cùng niềm cảm kích trước những sự quan tâm, hỗ trợ trong lúc dịch bùng phát, nữ tu Maria Hoàng Thị Thu Hà, phụ trách dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ xác nhận, dòng luôn tri ân Hiệp sĩ vì cống hiến quảng đại, tinh tế. “Trong cõi lòng của chúng tôi và của những người được Hiệp sĩ trợ giúp luôn lưu giữ hình ảnh đẹp, cao thượng về một người luôn nghĩ đến sự sống và thiện ích cho anh chị em mình. Với vai trò trung gian hỗ trợ, Hiệp sĩ GB Lê Đức Thịnh đã không chỉ giúp các nữ tu dòng tiêm hai mũi vắc-xin và mũi tăng cường, đảm bảo sức khỏe để phục vụ các cộng đoàn”, sơ nói.

 
Trong mùa dịch Covid-2019, Hiệp sĩ Gioan Baotixita đã vận động hỗ trợ tu sĩ và bà con Công giáo nhiều nơi tiêm ngừa, phòng dịch

Cũng trên cao nguyên Trung phần, linh mục Giuse Đỗ Hiệu, Tổng Đại diện giáo phận Kon Tum cảm nhận được sự liên lỉ của Hiệp sĩ GB Lê Đức Thịnh trong việc “bắc cầu yêu thương”, khá rõ nét: “Với giáo phận Kon Tum, nơi có đông đảo đồng bào sắc tộc là những chị em có đời sống kinh tế còn khó khăn, Hiệp sĩ Thịnh có những chia sẻ với người nghèo, người kém may mắn. Ngay cả các tu sĩ cũng được giúp đỡ, đáng kể như sự trợ giúp dòng Ảnh Phép lạ nhiều mặt. Hơn thế, điều đáng ghi nhận là Hiệp sĩ đã đóng vai trò cầu nối góp phần thúc đẩy mối quan hệ giữa chính quyền và giáo phận ngày một tốt đẹp, làm hiểu nhau hơn. Từ đó, những khúc mắc được mở ra. Trong suốt thời gian qua, cách làm việc của Hiệp sĩ đã tạo được ấn tượng, niềm tin cho cả phía chính quyền và giáo phận”.  Kinh nghiệm từ thực tiễn mà Hiệp sĩ Đại Thánh giá rút ra và luôn áp dụng cho các công việc, đó là phải đối thoại chân thành: “Nếu như không đối thoại, không chịu gặp gỡ để giải quyết những bất cập thì bao giờ mới có thể phát triển được? Và rồi, cuối cùng Giáo hội phát triển bằng cách nào?”. Ở tầm vĩ mô, Hiệp sĩ Đại Thánh giá GB Lê Đức Thịnh có sự liên hệ mật thiết trong ngoại giao Việt Nam - Tòa Thánh, có một phần đóng góp giúp thay đổi nhận thức của hai bên và thúc đẩy mối quan hệ song phương ngày một tiến xa hơn. Người tông đồ GB Lê Đức Thịnh không chỉ để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhiều vị Giám mục hay giới tu sĩ, mà còn là người công dân uy tín đối với các vị lãnh đạo nhà nước. Đức Giám mục GB Bùi Tuần - nguyên Giám mục GP Long Xuyên - người biết khá rõ về những công việc của Hiệp sĩ Đại Thánh giá GB Lê Đức Thịnh đã làm, nhận xét: “Ông GB Lê Đức Thịnh là một người tốt. Ông đã làm được nhiều việc cho đất nước cũng như cho Giáo hội tại Việt Nam. Ông có tấm lòng và miệt mài thiết lập những nhịp cầu đại đoàn kết, để khéo léo tháo gỡ nhiều vấn đề tưởng chừng như bế tắc. Ông xứng đáng được ghi nhận”. Còn linh mục Đaminh Ngô Công Sứ, Quản hạt Gia Kiệm - GP Xuân Lộc - thì nói về người bạn lâu năm của mình rất tình cảm : “Tôi với Hiệp sĩ Thịnh là bạn lâu năm của nhau, cũng ngót nghét gần 40 năm. Tôi thấy ở ông Thịnh sự chân thành, lòng thương người và tinh thần trách nhiệm với đất nước, với Giáo hội. Có thể nói, đây là một người bạn tốt và rộng lượng với tha nhân, gắn bó xuyên suốt với nhiều đấng bậc để làm cho mọi sinh hoạt của Hội Thánh ngày càng trôi chảy, triển nở…”.
 
Một cuộc gặp gỡ giữa Hiệp sĩ Đại Thánh giá Gioan Baotixita Lê Đức Thịnh với Đức Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin năm 2022
 
Trong mắt những anh chị em giáo dân, nhất là người nghèo, hình dáng Hiệp sĩ đã trở nên quen thuộc bởi những chuyến bác ái. Mở rộng hơn nữa, Hiệp sĩ Đại Thánh giá cũng là người bạn của các vị chức sắc, tôn giáo khác. Lối ứng xử nhiệt tình, giản dị và gần gũi trong giao tiếp đã tạo thiện cảm với nhiều người. Đặc biệt, lối sống và làm việc dựa trên mấu chốt là đối thoại chân thành khiến Hiệp sĩ Đại Thánh giá cũng trở nên cầu nối, giải quyết một số vấn đề giúp các tôn giáo bạn ở nơi này, nơi khác. Với ông, phương châm sống, nói một cách dân dã có thể là: “Tứ hải giai huynh đệ”. Tinh thần cốt lõi của đạo Công giáo: yêu thương, hòa hợp, không loại trừ ai là suy nghĩ xuyên suốt, in hằn trong tâm người Hiệp sĩ. Vì lẽ đó, sẽ không quá lời khi nói rằng, con đường ông đi mang đến nhiều thành quả cho Giáo hội cũng như cho dân tộc, tràn ngập niềm vui, sự chia rẽ bỏ lại sau lưng. Trên khắp miền xuôi ngược, hễ có dịp chuyện trò cùng đồng bào hay bất kỳ ai, Hiệp sĩ GB Lê Đức Thịnh đều dùng sự chân thành chia sẻ và nhắn nhủ cùng xây đắp quê hương Việt Nam phồn vinh.
Hơn hai mươi năm trước, lúc chưa phải là một Hiệp sĩ được Tòa Thánh công nhận, ông GB Lê Đức Thịnh đã âm thầm dựng xây quê hương và Giáo hội. Rồi khi vinh dự được trao nhẫn và huy hiệu trên ngực, Hiệp sĩ Đại Thánh giá đã tiếp tục sứ mệnh gieo rắc yêu thương, làm sáng đẹp tinh thần mến Chúa, yêu người như giáo lý Hội Thánh Công giáo dạy. Tất cả, như lời ông chia sẻ để đạo - đời nối kết, những giá trị tốt đẹp được tỏa lan. 

“Gởi hiền tử GB Lê Ðức Thịnh: Cha biết con đã có công rất nhiều với Giáo hội. Ðể chính thức biểu lộ bằng chứng cụ thể lòng ưu ái của cha đối với con, cha sẵn sàng chấp nhận lời thỉnh cầu việc tuyển chọn, thiết đặt và công bố GB Lê Ðức Thịnh thuộc giáo phận Xuân Lộc là Hiệp sĩ Ðại Thánh Giá phẩm hàm thánh Gregorio Cả, bậc giáo dân”.

(Trích Sắc phong Hiệp sĩ Ðại Thánh Giá tại Roma ngày 12.6.2007 cho ông GB Lê Ðức Thịnh của ÐGH Bênêđíctô XVI)

Sẽ là thiếu sót nếu nhắc đến vai trò của Hiệp sĩ Ðại Thánh giá GB Lê Ðức Thịnh mà không kể về người bạn đời của ông, người cũng được phong tước phẩm nữ Hiệp sĩ Ðại Thánh giá Anna Nguyễn Thị Kim Yến. Bà chính là người đồng hành suốt những chặng đường, cùng chứng kiến và nếm trải những khó khăn, hiểu lầm của chồng. Nhớ lại quãng đường dài lắm chông chênh, vui buồn, bà xúc động: “Hồi đó, Chúa cho làm ra của cải bao nhiêu chúng tôi đều nghĩ để lo việc Giáo hội. Cũng có khi thật mệt vì phải di chuyển suốt, làm nhiều việc quan trọng. Có lúc tưởng chừng như khủng hoảng, chỉ biết xin ơn Chúa soi sáng, gia tăng sức mạnh. Nhớ lần ra La Vang, đến gặp gỡ chính quyền và Tòa Giám mục để bàn cách xử lý, giao đất cho trung tâm hành hương. Vừa tới sân bay, chúng tôi vội vã đi xe ra thẳng chân Linh đài Ðức Mẹ cầu nguyện, xin cho mọi sự suôn sẻ, mặc kệ hành lý còn chưa mang tới chỗ nghỉ, mặc kệ có đang mệt. Rồi những nỗ lực đã được đền đáp, nhà nước cấp đất cho La Vang, trung tâm được xây dựng; năm 2014, chính quyền còn làm 2 con đường trải nhựa đi vào trung tâm theo đề nghị của Tòa Tổng Giám mục Huế và sự thỉnh cầu của Hiệp sĩ GB Lê Ðức Thịnh. Chúng tôi xem những thành quả đó là niềm động lực. Ngày hôm nay, rõ ràng đã có một trung tâm hành hương quy mô toàn quốc và hai con đường phẳng lì, đẹp đẽ phục vụ toàn thể tín hữu”.

Nguyễn Hùng Luân

Nguồn: cgvdt.vn