Đôi Nét Về Bản Định Hướng Kinh Tế Để Phục Vụ Cho Đặc Sủng Và Sứ Mệnh Của Toà Thánh


ĐÔI NÉT VỀ BẢN ĐỊNH HƯỚNG 
KINH TẾ ĐỂ PHỤC VỤ CHO ĐẶC SỦNG VÀ SỨ MỆNH 
CỦA TOÀ THÁNH 


 
Vào độ cuối tháng 5, những ngày hồng ân thánh hiến được tổ chức long trọng tại nguyện đường Dòng Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình. Sau đó, chị em về giáo xứ quê nhà nối dài khúc hoan ca tạ ơn Thiên Chúa. Niềm vui tiếp nối khi chị em được đón nhận những món quà tri thức qua khoá Thường Huấn.
 
Chúa nhật ngày 04.06.2023, Cha Giuse Phan Trọng Quang, thuộc Tỉnh Dòng Thừa Sai Đức Tin- Việt Nam hướng dẫn môn học đầu tiên về Định hướng KINH TẾ ĐỂ PHỤC VỤ CHO ĐẶC SỦNG VÀ SỨ MỆNH. Đây là món quà của Lm. Giuse Đỗ Đức Dũng SDB chuyển ngữ từ bản văn tiếng Ý: Economia a servizio del carisma e della missione của Bộ các Tu Hội đời sống thánh hiến và Tu Đoàn đời sống tông đồ phát hành ngày 6 tháng 1 năm 2018. 
 
Qua nội dung bản Định hướng, Tòa Thánh đã nêu bật lên nhiều điều mới mẻ, thực tế và hiện sinh, để giúp cho các Tu hội, Dòng tu phóng xa tầm nhìn và biết phân định về cách quản trị kinh tế, để chấn chỉnh những vấn đề không phù hợp với tinh thần Tin Mừng. Văn kiện đã mặc cho kinh tế một tinh thần siêu nhiên dựa trên Tin Mừng, có liên quan sâu xa đến đời sống thánh hiến, đặc sủng và sứ mạng của mỗi Dòng tu. Văn kiện dặt nền trên Lời Chúa trong thư của Thánh Phê-rô tông đồ: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa” (1 Pr 4,10).
Nội dung gồm phần Dẫn nhập, Kết luận và 4 Chương.
 
Dẫn nhập 
 
I. KÝ ỨC SỐNG ĐỘNG VỀ CHÚA KITÔ NGHÈO KHÓ 
 
Sự nghèo khó của Chúa Kitô, tính mới mẻ của Tin Mừng Hướng tới “xác thịt của Chúa Kitô” 
Kinh tế mang khuôn mặt nhân bản Kinh tế là công cụ cho hoạt động truyền giáo của Giáo Hội
Kinh tế có tính Tin mừng về chia sẻ và hiệp thông 
Đào tạo về chiều kích kinh tế Sự khẩn thiết phải hướng tới tính ngôn sứ 
 
II. CÁI NHÌN CỦA THIÊN CHÚA: ĐẶC SỦNG VÀ SỨ MỆNH 
 
Hướng tới Vương quốc tương lai Nhìn vượt xa: sự phân định 
Lối làm việc có hoạch định 
Các đặc sủng: đặc tính mang ý nghĩa Giáo Hội 
Các đặc sủng: Khả năng hội nhập 
 
III. CHIỀU KÍCH KINH TẾ VÀ SỨ MỆNH 
 
Tính lâu bền của các công cuộc
Gia sản cố định Tinh thần trách nhiệm, sự minh bạch và sự tín nhiệm 
Văn khố 
Bốn nguyên lý từ Niềm Vui Tin Mừng 
 
IV. NHỮNG CHỈ DẪN HÀNH ĐỘNG 
 
Sự cai quản về kinh tế 
Việc Quản lý và điều hành quản trị gia sản 
Các tương quan trong Giáo Hội 
 
Kết luận
 
Bản Định Hướng đã không ngại nêu ra thực trạng và thách đố của đời sống thánh hiến hôm nay, đã bị ảnh hưởng rất nhiều vì cách quản trị kinh tế thiếu kinh nghiệm và pha lẫn thói tục thế gian: Một đời sống thánh hiến tự kỷ, quên lãng sứ mạng ngôn sứ của mình; chỉ bận tâm về số lượng hơn là ý nghĩa Tin Mừng trong đời tu, chỉ quan tâm về những công trình phải duy trì hơn về tính ngôn sứ phải có và phải thi hành, do đó đánh mất chứng tá của Đức Ki-tô. Thái độ tự mãn “xưa nay vẫn thế”, khẳng định mình là đúng, không lắng nghe và không muốn thay đổi. Sự tích luỹ của cải đã đưa đến nhiều hậu quả tiêu cực. Cách quản lý tài sản thiếu trong sáng, minh bạch, dựa trên quyền bính, bất công và độc tài. Lây nhiễm một lối sống thụ hưởng, trưởng giả, đã gây nhiều mâu thuẫn, bất an trong cộng đoàn, dẫn đến tình trạng bất mãn, bất an và mất ơn gọi. Sự giảm sút ơn gọi, thiếu nhân sự, một phần có thể do sự mất cân bằng giữa kinh tế và ý nghĩa đời tu. Người tu sĩ quá bận tâm về tài chánh, thiếu hụt đời sống thiêng liêng và quên mất yếu tố quan trọng đó là tình huynh đệ, khiến cho cộng đoàn có nhiều vết rạn nứt đáng tiếc. “Thời điểm lịch sử hiện tại với sự giảm sút các ơn gọi và sự khủng hoảng kinh tế kéo dài mời gọi đời sống thánh hiến nhìn lại mình. Tình trạng ấy thúc đẩy chúng ta nhận lấy trách nhiệm với tính thực tế, tin tưởng và hy vọng” (số 2).
 
Quản trị kinh tế phải được đặt trên nền tảng của giá trị Tin Mừng. “Người quản lý tốt biết dùng ơn riêng để phục vụ người khác và lời ích chung”. Các Dòng tu phải trở thành những quản lý tốt các Đặc sủng đã lãnh nhận từ Chúa Thánh Thần, kể cả qua việc quản trị kinh tế. Cần đào sâu những suy tư về kinh tế trong sự trung thành với Đặc sủng và sứ mạng của Dòng mình.
 
Văn kiện đã nêu bật lên sự nghèo khó của Chúa Ki-tô, tính mới mẻ của Tin Mừng. sự nghèo khó mà Đức Ki-tô đã nêu gương, được ẩn dấu trong đó sự giàu có vô hạn Thiên Chúa đã ban cho thế giới. Đời sống thánh hiến phải trở nên chứng từ sống động qua việc đảm nhận một nếp sống nghèo trong tự do, một lối sống nhân bản thực sự, là cuộc sống tương đối hoá của cải vật chất.
 
Bản định hướng còn chỉ dẫn những giá trị của kinh tế, chính là công cụ cho hoạt động truyền giáo của Giáo hội. Gl 634/1 đã qui định: “Các tài sản của các Tu hội- Dòng tu đều là của Giáo hội. Tất cả đáp ứng cho nhu cầu sứ mạng của Giáo hội”. Kinh tế có tính Tin Mừng về sự chia sẻ và hiệp thông. Ngài nhấn mạnh rằng: “Muốn mang tính nhân bản chân chính, nó phải tạo không gian cho Đặc sủng được lớn lên. Sống ơn Đặc sủng là làm cho chính mình trở nên quà tặng tình yêu cho người khác “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35).
 
Tiếp đến, Giáo hội đặt ra một vấn đề cần thiết, đó là việc Đào tạo về chiều kích kinh tế. Việc đào luyện chiều kích kinh tế phải phù hợp với Đặc sủng của mỗi Dòng tu. Mọi tu sĩ đều phải ý thức trách nhiệm chú tâm cao nhất về tiến trình đào tạo kinh tế và thi hành kinh tế. Như vậy việc đảm nhận việc quản trị kinh tế không phải chỉ là trách nhiệm của một số chị em có trách nhiệm chuyên môn, nhưng là của chị em toàn Dòng. Mỗi người đóng góp phần mình trong phận vụ và hoàn cảnh riêng, được diễn tả qua chính đời sống thánh hiến; khởi động sự cần thiết là “Bước theo Chúa Ki-tô” (Sequela Christi). Một Đức Ki-tô nhập thể, cúi xuống phục vụ con người. Một Đức Ki-tô chạnh lòng thương xót trước những thương đau của phận người. Một Đức Ki-tô tự huỷ Thiên chức của mình, để trở nên sự sống phong nhiêu cho toàn thể nhân loại. Người tu sĩ bước theo Chúa Ki-tô phải mang lấy tính Ngôn sứ như Ngài, và thực hành trong ý nghĩa của hiệp hành như chính Ngài đã hằng hiệp thông trọn vẹn với Chúa Cha và hiệp hành để cứu độ thế giới.
 
Giáo hội còn đề cao quản trị kinh tế có những liên quan đến Đặc sủng và Sứ mệnh, đồng thời hướng dẫn chúng ta cần có tầm nhìn và sự phân định, để hiểu biết cách làm việc có hoạch định và tính lâu bền. Phương pháp “Cùng làm với nhau”, dẫn đến tính hữu hiệu, sự khả tín, tính chuyên nghiệp, kinh nghiệm và đáng tin cậy.
 
Giáo hội còn chỉ dẫn cho các tu sĩ sống tinh thần nghèo khó qua nếp sống khổ hạnh có trách nhiệm, với sự khiêm tốn lành mạnh, sự chừng mực vui vẻ, sự từ bỏ cách ý thức và tự do, để đảm nhận một cuộc sống đơn sơ, giản dị, dám lựa chọn, để phát huy đời sống Thánh hiến, trở nên chứng tá tin Mừng, phản chiếu sự nghèo khó của Đức Ki-tô và giúp người tu sĩ thanh thoát khỏi một lối suy nghĩ sở hữu chủ tài sản vật chất. Chính chứng từ của đời sống thánh hiến mới có khả năng chạm vào đời sống của con người thời đại.
 
Với tràn đầy năng lượng của Thần Khí, chị em trải qua 3 ngày học tập trong tinh thần tích cực, phấn khởi và mở lòng đón nhận những Giáo huấn của Giáo hội qua Bản Định hướng Kinh Tế Để Phục Vụ Cho Đặc Sủng và Sứ Mệnh của Toà thánh. Cùng với những câu hỏi gợi ý cho các lần thảo luận nhóm, chị em cởi mở chia sẻ những suy tư và nhận định về đề tài đã học, có những điều liên quan đến chính đời sống thánh hiến của từng chị em, của cấp cộng đoàn và cấp Hội dòng. Chị em đã nêu ra những tình trạng và thách đố cụ thể qua việc thi hành quản trị kinh tế tại các cộng đoàn. Văn kiện này đã soi sáng rõ ràng hơn cho sự hiểu biết của chúng ta về việc thi hành kinh tế không chỉ là trách nhiệm các chị chuyên môn, nhưng là của toàn thể chị em trong Dòng. Kinh tế có tính Tin mừng về chia sẻ và hiệp thông. Đây là một sự nhắc nhở đòi hỏi chúng ta cần phải hoán cải và thay đổi lối nghĩ để thực hành theo những chỉ dẫn của Giáo hội, để kinh tế nhằm phục vụ cho Đặc sủng và sứ mạng của Dòng, cũng như hỗ trợ cho đời sống thánh hiến của chị em được triển nở trong Đức Ái Tin Mừng. 
 
Chị em còn nhận ra giá trị đích thực của việc lao động mưu sinh, không dừng lại để đánh giá hay chọn lựa việc lớn việc nhỏ, việc sang việc hèn, ở vị trí nổi bật hay chỉ là sự âm thầm lặng lẽ với những việc không tên tuổi. Quả vậy, những tu sĩ hưu dưỡng trong sự âm thầm vẫn là tài sản của Giáo hội và của Hội dòng, các chị đã hi sinh cống hiến cả cuộc đời để xây dựng Dòng, và còn tiếp tục đóng góp đáng kể cho việc bảo tồn Đặc sủng và sứ mạng của Dòng. Điều quan trọng cốt lõi đó là chị em bước theo Đức Ki-tô, hoàn toàn thuộc về Ngài và mặc lấy mầu cờ sắc áo của Ngài, để thực sự trở nên chứng tá Tin Mừng. Việc xác tín tính thuộc về còn được nhấn mạnh mỗi chúng ta thuộc về Hội dòng, cộng đoàn và thuộc về những con người mình đến phục vụ họ. Tính thuộc về diễn tả một nếp sống dám từ bỏ chính mình để hoàn toàn trở nên cái mà Chúa Ki-tô đòi hỏi nơi người môn đệ.
 
Với những thao thức cộng tác xây dựng Hội dòng ngày càng phát triển hơn theo chiều hướng của Giáo hội. Chị em đã đưa ra những kiến nghị cụ thể như việc đào tạo chuyên môn cho chị em để có khả năng quản trị tài sản Hội dòng tốt hơn. Thành lập ban tham vấn kinh tế. Lập quỹ dự phòng và quỹ an toàn. Phân phối tài chánh ưu tiên cho những nhu cầu sứ vụ, cách riêng các cộng đoàn truyền giáo chuyên biệt. Về phía chị em, cần có tinh thần khiêm tốn, chân thành và cởi mở khi trình bày dự án chi trong niên khóa, để được Dòng đáp ứng nhu cầu tài chánh thích hợp, hầu phục vụ tốt hơn cho ích lợi chung. Một lần nữa chúng ta cùng với thánh tông đồ Phê-rô xác tín: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa” (1 Pr 4,10).
 
Văn kiện khá dài, nhưng đây chỉ là tâm tình học trò ghi chép lại theo cảm nhận riêng, có thể đây như một lời giới thiệu để chị em tìm đọc nguyên bản của văn kiện Tòa Thánh để hiểu sâu, nhớ lâu, thực hành tốt việc quản lý và điều hành quản trị gia sản chung. 
 
Xin hết lòng cảm ơn Cha giáo đã quảng diễn bản đinh hướng này với nhiều ví dụ minh họa thực tế rất dễ hiều. Nguyện Chúa gia ân bội hậu cho Cha.
 

 
M. Anna Ý Định, MRP