Bước Tiến Hồng Ân Gia Nhập Tập Viện


Lúc 19g30 Chúa Nhật, ngày 29.05.2022, tại nguyện đường Dòng Nữ Vương Hòa Bình cử hành nghi thức gia nhập Tập Viện, ghi dấu bước tiến hồng ân khởi đầu năm tập của 6 em; số lượng các em thật khiêm tốn. Các chị em từ khắp nơi quy tụ về tham dự nghi thức, cầu nguyện cho các em khởi đầu cho một bước tiến mới Tân tập sinh và cầu nguyện cho ngày càng có nhiều bạn trẻ dấn bước theo Chúa trong ơn gọi dâng hiến.  
 
Mở đầu nghi thức, Chị Đặc Trách Tiền Tập cùng các em Tiền Tập tiến vào nguyện đường trong niềm vui hân hoan. Chị Đặc Trách Tiền Tập Viện giới thiệu các ứng sinh với chị Tổng phụ trách, và chị Tổng phụ trách thẩm vấn các Tiền Tập Sinh trước khi nhận các em và đọc lời nguyện.
 
Tiếp theo Cha Giuse Trần Văn Trung, CM làm phép áo dòng cho các Tân Tập Sinh và chị Tổng trao tu phục cho các em.
 





 



 
Kế đến là phần Phụng Vụ Lời Chúa.
 

 
Cha Giảng phòng đã chia sẻ bài giảng theo Tin Mừng Ga 15,9-11. Cha xin phép được chia sẻ  riêng với các Tân Tập Sinh: 
 

 
Theo Giáo Luật – Tập viện được gọi một năm “sa mạc” như lời ngôn sứ Hôsê đã nói: “Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình”(Hs 2,16).
Sa mạc là cõi riêng tư sâu lắng để Thiên Chúa có thể ngỏ lời với Ta, thổ lộ với ta. Mỗi ứng sinh phải cảm nghiệm sâu xa và ngụp lặn trong tình yêu của
Thiên Chúa. Để đi vào sa mạc yêu thương để Thiên Chúa có thổ lộ với Tập Sinh, điều trước hết.

Từ bỏ… để bước theo Đấng tôi tôn thờ mến yêu:
Để có thể sống tâm tình sa mạc này tập sinh phải sống từ bỏ. Chúa Giêsu đã khẳng định “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình vác thập giá mỗi ngày mà theo” (Mt 16,24). Tập viện chính là giai đoạn mà ứng sinh phải tập bỏ mình, buông bỏ mọi thứ để theo sát với Đức Kitô, trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Giai đoạn này được xem là khó khăn với nhiều người, khó khăn bởi bản thân sẽ không còn được liên hệ, được gặp gỡ, được tiếp xúc với người thân, bạn bè hay tự do để đi đây đi đó. Rồi những vật dụng mà trước đây được xem là “bất ly thân” như điện thoại, Ipad, máy tính… sẽ được tạm cất vào trong tủ và gạt ra khỏi cuộc sống thường nhật. Những cuộc thăm viếng người thân, bạn bè giờ đây được thay thế bằng những giờ kinh nguyện, gặp gỡ Thiên Chúa. Những cuộc điện thoại, nhắn tin tán gẫu được thay bằng những cuộc trò chuyện thân thưa với Chúa, khám phá ra tình yêu của Ngài và cố gắng mỗi ngày một hơn nhằm hoàn thiện bản thân hơn.

Thứ hai, Ở lại trong Chúa trong tình thương của Thầy
Từ bỏ để làm gì, thưa từ bỏ để có khả năng ở lại trong Chúa. Ngài mời gọi các tông đồ hãy “Ở lại trong”, đây quả là một điều hết sức đặc biệt được thánh sử Gioan diễn tả về mối thâm tình kết hiệp giữa thầy Giêsu và các môn đệ, giữa Thiên Chúa và con người. “Ở lại trong” chứ không phải “ở lại với” (diễn tả một sự liên hệ gần kề, mang tính thể lý), “ở lại trong” diễn tả một sự liên kết mật thiết hơn nhiều, đó là sự đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, Chúa Giêsu ở trong Chúa Cha, các môn đệ ở trong Chúa Giêsu, và như thế có nghĩa rằng tất cả nên một bản vị, một Hiện hữu duy nhất không thể tách lẻ hay chia rời.

Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ : “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” (Ga 15, 9). Lưu lại trong tình yêu con người sẽ được tình yêu tắm gội và biến đổi. Nhưng muốn ở lại trong tình yêu, con người phải tuân giữ lệnh truyền yêu thương của Ngài, một tình yêu hướng về người khác và trao ban điều tốt lành cho người khác. Vì yêu thương Thiên Chúa đã thông ban sự tốt lành cho các thụ tạo của Ngài, Ngài đã cho con người được chung hưởng tình yêu của Người.

Chúa Giêsu đã ở lại trong tình thương của Chúa Cha. Ngài lệ thuộc vào Cha trong mọi sự. Đến lượt chúng ta cũng hãy gắn kết mọi sự đời mình trong Thầy Giêsu. Chỉ khi ở lại trong Người và được Ngài ở trong, chúng ta mới đạt được hạnh phúc tròn đầy. Ở lại để biết Chúa xót thương tôi ra sao! Sự ở lại này phải đưa tôi tới hành động biết xót thương người khác nữa. Những việc làm cụ thể sẽ nói lên thiện chí ta đã ‘giữ các điều răn’của Ngài ra sao.

Điều răn của Thầy là các con hãy yêu thương nhau, là các con hãy ở lại trong Tình Yêu (TY) của Thầy. Khi ở lại trong TY của Chúa rồi ta không ở lại trong những thứ khác nữa. Ở lại trong Chúa, khác với ở lại trong thế gian, tinh thần thế gian. Trong chính TY Chúa ta mới nghe được tiếng gọi của tha nhân, tiếng gọi của Chị Em, tiếng gọi của nhiều người.

Chính nơi đây, mỗi người sẽ tập nói ít để lắng nghe nhiều hơn và sống đời sống cộng đoàn trong tương quan với chị em của mình. Chính vì những điều đó, tất cả ứng sinh hầu như có một đáp án chung khi được hỏi “Giai đoạn nào đẹp nhất trong đời tu?” – “Dạ, Mùa Xuân Tập Viện là giai đoạn mà người tu sĩ thấy hạnh phúc nhất”. Hạnh phúc nhất đời Tu sĩ là thời gian tập viện. Đây chính là mùa xuân đời dâng hiến. Các Tập sinh thử hỏi các bậc đàn anh, đàn chị đi trước xem có đúng vậy không? Bây giờ có muốn quay lại tập viện đâu có được đâu!

Đây cũng là giai đoạn mà ứng sinh được học và tìm hiểu rõ hơn về những lời khuyên Tin Mừng, nhất là 3 lời khuyên Phúc Âm: Khiết Tịnh, Khó Nghèo và Vâng Phục, để rồi đây chính mỗi người sẽ sống và thực hành sau khi tuyên khấn. Thời gian Tập viện cũng giúp mỗi người tìm hiểu, đào sâu hơn về Hội Dòng mà mình đã chọn, về Đấng Sáng Lập, Linh đạo, Hiến Pháp và Luật Dòng.

Một kinh nghiệm mà người tu sĩ khi đã trải qua giai đoạn Tập viện – Tuyên khấn và thi hành sứ vụ, họ cảm thấy không có nhiều thời gian để cầu nguyện, gặp gỡ với Thiên Chúa như lúc còn ở nhà Tập vì có quá nhiều vấn đề chi phối: công việc, học hành, phục vụ… Bởi vậy, mỗi Tập sinh cần biết tận dụng thời gian quý báu tại Tập Viện để sống kết hiệp với Chúa mỗi ngày (sống với Chúa, sống trong Chúa). Nếu như người tu sĩ không để ý, không quan tâm đến đời sống thiêng liêng trong giai đoạn này, không xác định được Chúa là ưu tiên số một của đời hiến dâng, thì sau này khi đã khấn xong thì vị trí ưu tiên của người tu sĩ dễ đặt sai vị trí bởi chúng ta để thời gian cuộc sống thường nhật cuốn hút, lo lắng vào công việc mà quên mất việc cầu nguyện hay viếng Thánh Thể mỗi ngày mà một nữ tu Dòng Đức Maria Nữ Vương Hoà Bình cần phải có. Một khi người tu sĩ không còn sống đời sống cầu nguyện, không thiết tha, yêu mến đời sống cầu nguyện thì rất dễ bị đứt gánh giữa đường vì “Kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó” (Mt 6;2). Và người tu sĩ khó lòng phục vụ, hy sinh bản thân mình cho người khác khi mà thiếu đời sống cầu nguyện.

Đời sống cầu nguyện phải luôn là hơi thở, là món ăn yêu thích và không thể thiếu trong mỗi ngày sống của người tu sĩ. Chính vì thế mà thời gian Tập viện là dịp để người tu sĩ xây dựng cho bản thân một đời sống cầu nguyện vững chắc, để sau này khi những khó khăn, thách đố ập đến sẽ không làm cho người tu sĩ gục ngã và mất phương hướng bởi nó đã được xây dựng trên một nền móng vững chắc là “Lời Chúa”.

Thứ ba, Ở lại trong Chúa nghĩa là ở lại trong Lời của Người, ở lại trong ACE, trong mọi người:
Đức Maria mẫu gương cho đời sống thánh hiến nói chung, đặc biệt, Nữ Tu Dòng
Đức Maria Nữ Vương Hoà Bình sẽ noi gương các nhân đức của Mẹ. Mẹ là gương mẫu cho việc lắng nghe Lời Chúa, mẫu gương đời sống cầu nguyện, mẫu gương cho đời sống bác ái yêu thương phục vụ. Làm sao để từ tập sinh đến khi trở thành Nữ Tu Đức Maria Nữ Vương Hoà Bình chính thức, tôi phải trở thành nhà thần bí - bác ái. Thần bí trong sự kết hợp với Chúa trong khi phục vụ mọi người. Có khi nào quý Sơ say xưa, say đắm ngây ngất với hạnh phúc thánh thiêng bên người nghèo chưa? Vì nhìn thấy nơi người nghèo cái khổ, cái đói, cái khát, cái thiếu thốn, cái nát tan của cái nghèo không nơi tựa đầu, chính Đức Kitô đang ở đó. Thần bí – bác ái dễ hiểu là “người chiêm niệm trong hành động” và hành động trong chiêm niệm.

Cuộc đời của Đức Maria là như thế đó, Mẹ luôn gắn bó Chúa Giêsu trong mọi nơi mọi lúc. Mẹ sống tinh thần thần bí – bác ái tuyệt vời. Thời gian Nhà Tập là khám phá ra ý Thiên Chúa trên cuộc đời của tập sinh. Muốn thực thi ý Chúa phải biết ý Chúa. Nếu muốn biết ý Chúa thì phải đi tìm. Cả cuộc đời của Mẹ Maria là một chuỗi dài không ngừng tìm kiếm ý Chúa cho mỗi giai đoạn, cho mỗi hoàn cảnh, mỗi biến cố. Khi còn nhỏ, Mẹ tìm ý Chúa bằng sống âm thầm, lặng lẽ, mong ước để thuộc trọn về Chúa. Khi khôn lớn, được Chúa ngỏ lời qua sứ thần Gabriel, không hiểu, Mẹ hỏi: “Lời chào như vậy có nghĩa gì?” Khi đã được sứ thần giải thích, chưa hiểu, Mẹ tiếp tục đặt câu hỏi: “Việc ấy xảy đến thế nào được vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” Khi được cắt nghĩa và đã sáng hơn, Mẹ Maria thân thưa: “Vâng, tôi đây là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền. Xin Ngài cứ thực hiện cho tôi như lời sứ thần truyền.”
Để triển nở tâm linh, đời sống cầu nguyện trong Đức Maria, với Đức Maria, Tập sinh bắt đầu bằng sự hiệp hành huynh đệ, cùng đi với nhau, cùng sống với nhau, cùng chia sẻ với nhau, cùng phục vụ, cùng yêu với và trong Tình Yêu Giêsu. Ý thơ để gẫm:
Tôi hỏi đất: đất sống với nhau thế nào?
Đất trả lời: chúng tôi làm nền móng cho nhau.
Tôi hỏi nước: nước sống với nhau thế nào?
Nước trả lời: chúng tôi hoà lẫn vào nhau.
Tôi hỏi gió: gió sống với nhau thế nào?
Gió trả lời: chúng tôi nâng cánh cho nhau.
Tôi hỏi mây: mây sống với nhau thế nào?
Mây trả lời: chúng tôi tan biến vào nhau.
Tôi hỏi cỏ: cỏ sống với nhau thế nào?
Cỏ trả lời: chúng tôi hoà quyện và réo rắt bên nhau.
Tôi hỏi cây: cây sống với nhau thế nào?
Cây trả lời: chúng tôi che chở và leo quấn vào nhau.
Tôi hỏi người: người sống với nhau thế nào?
Mỗi Tập sinh hãy tự trả lời để sống Năm sa mạc này thật ý nghĩa. Amen.
 
Đức Mẹ đã trải qua 7 sự thương khó – tập sinh cũng trải qua 7 sự tập tành sau đây:
  1.      Tập nói ít lại để lắng nghe nhiều hơn như Đức Mẹ.
  2.      Tập dành nhiều thời gian cho việc cầu nguyện, suy gẫm và đọc sách thiêng liêng.
  3.      Tập sống đời sống cộng đoàn với anh em, chị em của mình.
  4.      Tập tránh hoạch định tương lai cho bản thân vì như thế ta thiếu tâm phó thác.
  5.      Tập không nên lo lắng thái quá, suy nghĩ nhiều về quá khứ mà hãy phó thác và tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa trong giây phút hiện tại.
  6.      Làm mọi việc với hết khả năng của mình và đừng quên đặt tình yêu vào đó.
  7.      Tập nhìn mọi sự xảy ra dưới cái nhìn của Thiên Chúa.
 Nghi thức được tiếp nối với lời nguyện tín hữu. 
Cộng đoàn cầu nguyện dâng các em cho Đức Mẹ Maria.
 

 
Các em dâng Thánh vũ  “Mẹ Hộ Phù” để cùng Mẹ tận hiến cuộc đời cho Chúa. 
Kết thúc nghi thức, các em Tân Tập Sinh dâng lời cảm ơn Cha, Bề trên và chị em.
 

 
Cuối cùng các Tân Tập sinh cùng ghi hình lưu niệm với Cha Giảng phòng, Chị Tổng phụ trách, Quý chị ban Cố vấn và các chị giáo. 
 









 
Truyền Thông Vữ Vương Hòa Bình.