Các Giáo hội Kitô lo ngại về nhân quyền trước thềm World Cup 2022



 
Các Giáo hội Kitô bày tỏ lo ngại về vấn đề nhân quyền đối với các Kitô hữu và các nhóm thiểu số trong thời gian diễn ra FiFa World Cup 2022.

Đức cha Stefan Oster của Passau, phụ trách Hiệp hội thể thao Công giáo Đức cho biết, ở Qatar, phụ nữ tiếp tục bị nhiều hạn chế về quyền, các tôn giáo không phải Hồi giáo, trong đó có cả Kitô giáo, không có quyền tự do như Hồi giáo. Ngoài ra, còn nhiều câu hỏi được đặt ra tại sao vào năm 2010 FiFa lại quyết định trao cho Qatar, quốc gia không có truyền thống bóng đá đăng cai tổ chức World Cup.

Đức cha Oster nói: “Giống như các quốc gia khác trên bán đảo Ả Rập, Qatar đã được đưa vào một kỷ nguyên mới nhờ sự giàu có từ dầu mỏ và khí đốt. Hiện nay, ở đây một xã hội Hồi giáo truyền thống bảo thủ và xã hội siêu hiện đại về kinh tế cùng tồn tại. Mặc dù sẽ không công bằng khi bỏ qua hoàn cảnh đặc biệt này khi phê bình các điều kiện có vấn đề, nhưng cũng sẽ không thích đáng nếu giữ im lặng về các hạn chế nhân quyền”.

Đức cha nhận định rằng dân số chủ yếu là người nước ngoài của Qatar phải tuân theo “các quy định nghiêm ngặt”, trong khi các lao động nữ trong các gia đình thường bị cô lập và gặp khó khăn trong việc “bảo vệ quyền của họ trước người sử dụng lao động”. Tình hình đã trở nên tồi tệ hơn trong quá trình xây dựng các sân vận động và các địa điểm khác cho World Cup. Các tiêu chuẩn về sức khỏe và an toàn rất “thê thảm”, với “nhiều tai nạn và nhiều người chết” đối với những người lao động được trả lương thấp.

Hiệp hội Thể thao Giáo phận Công giáo của Áo cũng bày tỏ lo ngại về hồ sơ của Qatar về “vi phạm nhân quyền, bóc lột lao động nhập cư, tham nhũng và tàn phá môi trường”, đồng thời cho biết ước tính có tới 3.000 người chết trong quá trình chuẩn bị cho giải đấu cho thấy “sự thiếu minh bạch và điều kiện làm việc như nô lệ của người lao động”.

Ở quốc gia này, người Công giáo chủ yếu đến từ châu Âu, Ấn Độ và Philippines, tạo thành một trong tám hệ phái Kitô đã đăng ký ở Qatar. Là công dân, các Kitô hữu phải tuân theo luật Hồi giáo Sharia và không được phép trưng bày các biểu tượng tôn giáo hoặc công khai đức tin của họ. Để nhập Kinh thánh và các tài liệu Kitô giáo khác vào đất nước phải có sự cho phép của chính phủ. Trong số Kitô hữu có 2,5 triệu cư dân, chiếm 88%, là công dân nước ngoài.

Trong một báo cáo vào giữa tháng 11, tổ chức Open Doors cho biết việc đối xử với các Kitô hữu đã trở nên tồi tệ trong quá trình chuẩn bị cho World Cup ở Qatar. Báo cáo cho biết chỉ 61 trong số 157 nhà thờ của Qatar được phép mở cửa trở lại sau đại dịch do sửa đổi các hướng dẫn của chính phủ.


Ngọc Yến - Vatican News