Vuông cỏ nào cho chiên non?


* Chuyện của ba
 

Con, bây giờ ba sẽ kể cho con nghe về lớp giáo lý ngày xưa của ba.
Ngôi nhà nguyện nhỏ của giáo thôn nằm trong một khuôn viên rộng có những cây dương liễu già cỗi. Ngôi nhà nguyện đó làm bằng gỗ, hình chữ A. Bên trong, mọi thứ đơn sơ mộc mạc, từ dãy ghế ngồi đến Cung Thánh. Nhà Tạm có một cái đèn trái ớt màu đỏ - nơi chưng cất trái tim thiêng liêng của công trình.

Bằng tuổi con, ba đã quen thuộc với nơi đó. Ba luôn có mặt mỗi ngày hai lần, trong thánh lễ sáng sớm và những giờ kinh nguyện lúc chiều hôm. Và cả những giờ giáo lý. Mà đâu chỉ có ba. Bọn trẻ trong giáo thôn thời đó cũng sốt sắng một cách phi thường. Ðến nhà thờ là một niềm vui. Niềm vui của đến nhà thờ khác, rất khác với niềm vui đến trường. Niềm vui đến trường đôi khi... kém vui đi vì chuyện thi cử, học hành áp lực, còn niềm vui đến nhà thờ đi lễ và học giáo lý thì không một chút áp lực nào; mà như khám phá một kho tàng lạ lùng, nhiều hứa hẹn bất ngờ.
Con sẽ hỏi vậy thì học kinh, học giáo lý cũng là áp lực chứ? Thậm chí đôi khi con thấy áp lực còn hơn học ở nhà trường?

Ba sẽ giải thích đây. Ngày đó, tụi nhỏ nhờ siêng đi lễ mà thuộc kinh nhiều lắm. Kinh sách đi vào, ở lại trong tâm trí bọn trẻ thuở ấy một cách tự nhiên. Có đứa sáng trí, còn thuộc cả các bài đọc trong sách Phúc Âm. Vì vậy mà việc “trả bài” giáo lý Vở lòng, Thêm sức coi như nhẹ hều. Hồi đó các sơ, các cha, các anh chị giáo lý viên khảo kinh rất nghiêm; số lượng kinh phải khảo rất nhiều, nhưng bọn ba không thấy ngán. Ở tuổi con, ngoài những kinh nguyện căn bản sớm tối, ba đã thuộc hết lần chuỗi Năm sự vui, Năm sự mừng, Năm sự thương và thuộc làu cả Mười bốn chặng đàng Thánh giá. Ghê chưa!

Thời đó, việc học hằng ngày ở nhà trường thật thoải mái. Nói là áp lực nhưng áp lực chỉ đến một chút vào mùa thi. Còn ngoài giờ học, bọn ba vô tư đi bắt chim, câu cá, đá dế, bơi suối và lội rừng... Thì giờ rảnh rang để vui chơi nhiều lắm, không phải “chạy show” hết lớp học thêm này tới lớp học thêm khác, không phải lo bằng cấp này đến bằng cấp khác như tụi con bây giờ. Vì thế tụi ba đến lớp giáo lý cũng như là đến chỗ chơi. Bạn bè ở nhà trường thôi chưa đủ, đến nhà thờ học giáo lý và đi lễ, tụi ba còn có thêm bạn bè nhà thờ. Bạn bè nhà thờ có thể trao đổi và chia sẻ với nhau những chuyện khác, mang lại niềm vui khác bạn bè ở nhà trường.

Việc học thuộc kinh nguyện và lời Chúa lúc bấy giờ là dễ ợt. Với nhiều gia đình có thói quen đọc kinh ban tối, những giáo học giữ truyền thống đọc kinh xóm, bọn trẻ chăm theo ông bà, cha mẹ tham gia kinh nguyện thì chuyện thuộc kinh là lẽ dĩ nhiên. Có đứa thuộc nguyên cả cuốn sách kinh dày cộp. Trong giờ kinh ở nhà thờ, giọng các ông già bà lão dù có micro cũng bị chìm dưới giọng đọc rang rảng và luôn ở “tone” cao của tụi con nít. Có khi thấy tụi con nít đọc hăng say rộn ràng quá, ông câu phải đi nhắc... hạ “tone” giùm cho.

Vậy đó. Còn lớp học giáo lý từ Vở lòng đến Thêm sức, bắt buộc phải học thuộc lòng các bài hỏi, thưa thật dài. Nhưng sao thời đó việc học thuộc lòng cũng dễ dàng vô cùng. Là bởi đứa nào kinh nguyện nhiều cũng biết những nội dung ấy đã nằm trong sách Kinh Thánh và các kinh đọc thường nhật rồi. Nói vậy thôi, thỉnh thoảng cũng có những đứa bị khảo đi khảo lại chỉ vì quên và nhầm lẫn bài nọ qua đoạn kia.

Cứ chiều xuống, con đường đất nhỏ hẹp và tăm tối chạy dưới hàng dương liễu có một ánh đèn pha chầm chậm trôi. Ðó là đèn xe đạp mini của cha xứ hay sơ dòng đến với lớp giáo lý của bọn trẻ trong giáo thôn. Cả bọn đang vui đùa chạy nhảy dưới ánh sáng bạc mờ của cây thánh giá lắp bằng hai bóng đèn nê-ông bỗng reo lên: “Cha tới rồi tụi bây ơi!”, “Xơ tới rồi kìa!”... Chúng xếp hàng đi vào ngôi nhà nguyện và những ánh mắt sáng nhìn lên bàn thờ (thỉnh thoảng cũng có đứa ngủ gật và bị các anh chị giáo lý viên bét một cái vào thẳng mắt cho tỉnh - cách đánh thức này dã man quá phải không?). Những bài giáo lý, bài hát sẽ được các cha, sơ giảng giải một cách dễ hiểu, nhẹ nhàng. Các bài hỏi đáp được chia bên nam hỏi, bên nữ đáp, rồi ngược lại...

Cứ như vậy, tụi ba đi qua lớp giáo lý một cách thoải mái như chơi. Có điều này bí mật, riêng ba từng được tuyển vào đội giáo lý của giáo thôn đi thi với những thôn khác.

Nhiều đứa trong tụi ba thuở đó bây giờ là linh mục. Nhiều đứa khác bây giờ là ma-xơ. Và hầu hết thì như ba bây giờ, quên kinh khá nhiều và dĩ nhiên là không thể nhớ những lời hỏi thưa trong sách giáo lý.

Giáo lý đã gieo vào tâm trí, sống trong cuộc đời mỗi người một khác. Nhưng có một cốt lõi đó là những bài học đầy hứng thú với đời sống thiêng liêng đã kịp gieo hạt giống thánh thiện như vốn liếng tuyệt vời trao ban cho người có đức tin.

Với ba, lớp giáo lý không phải, và chưa từng là một nỗi ám ảnh hay áp lực, mà ngược lại, là một thế giới hấp dẫn. Ký ức về lớp giáo lý nơi ngôi nhà nguyện nghèo vẫn trở đi trở lại trong ba như cửa ngõ đi vào một kho tàng tốt đẹp nhất mà thời thơ ấu mình may mắn có được.


* Chuyện của con

 

 
Sáng Chủ nhật đầu tiên con đến lớp giáo lý của giáo xứ không suôn sẻ.
Sau một buổi sáng, làm Chiên non, con trở về phờ phạc và mệt mỏi. Con tiu nghỉu nói: “Con mệt, con không muốn quay lại đó nữa. Cho con tới nhà thờ đi lễ với ba mẹ mà không phải học giáo lý có được không?”. Mẹ nhân đó, nối theo: “Ðó thấy chưa, em đã nói rồi. Cả tuần con đi học kín lịch, đến sáng Chủ nhật lẽ ra cho nó nghỉ ngơi, ngủ cho thẳng giấc thì lại phải vào lớp giáo lý. Giáo lý kiểu gì mà sáng sớm đã tập trung sinh hoạt, xong tham dự thánh lễ rồi lại tiếp tục học cho đến 12 giờ trưa mới cho tụi nhỏ về. Ðông đúc, ồn ào, gào thét, thi đua... suốt một buổi sáng trong nhà thờ, thằng nhỏ không xỉu là may rồi đó... Nhìn con mà xót!”.

Việc học giáo lý của trở thành đề tài để ba mẹ đi đến tranh cãi nhẹ.
Vậy là sau hai buổi học thấy chiên con đều ỉu xìu, ba đành đi hỏi thăm, dò tìm cho con một lớp giáo lý khác. Con thấy “dễ chịu” thì cả nhà cũng sẽ thấy thoải mái.

Tìm được một lớp giáo lý nhiều hứng thú như thằng bé hơn ba mươi năm trước là chuyện bất khả, ba hiểu. Tìm được những thằng bé sốt sắng kinh nguyện sớm tối, thuộc làu làu mọi thứ từ nhà thờ cũng là chuyện bất khả, ba biết. Nhưng trong những giờ phút ít ỏi sau những áp lực của nhà trường, ba nghĩ rằng lớp giáo lý phải là nơi nuôi dưỡng một niềm hứng thú để cho con bước vào đời sống thiêng liêng. Việc một Chiên non biến mất khỏi lớp giáo lý ở giáo xứ của mình để đi xa đến một lớp giáo lý khác, với chương trình và cách truyền đạt giáo lý nhẹ nhàng, thảnh thơi, ít thi đua và khảo hạch hơn không phải là chê vuông cỏ nọ, cánh đồng kia mà là tìm một chốn phù hợp với cái điều kiện mà gia đình chú Chiên non ấy cảm thấy thư thái hơn vào mỗi ngày cuối tuần.

Con dần dần hòa nhập và thấy yêu lớp học giáo lý của mình. Với ba như vậy đã là một nguồn vui. Ba không mong con sẽ thuộc nhiều kinh như ba ngày trước. Cũng không mong con sẽ thuộc lòng những câu hỏi đáp (vì ngay cả ứng viên đi thi giáo lý của giáo thôn như ba sau ba mươi năm cũng đâu còn nhớ gì!). Nhưng ba mong một lớp giáo lý mà con thực sự tìm thấy nguồn vui, niềm yêu thích hiểu biết về đời sống thiêng liêng sẽ là những bước khai mở một đời sống đạo đức trong con. 

Tùy bút của NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
[Trích từ bản thảo Ngang qua Vườn Cây Dầu]
cgvdt.vn