Vài Tước Hiệu Và Hình Ảnh Của Đức Maria Theo Cựu Ước - Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP


CHƯƠNG NĂM. VÀI TƯỚC HIỆU VÀ HÌNH ẢNH CỦA ĐỨC MARIA THEO CỰU ƯỚC
 
Sau khi đã đọc qua những đoạn văn Tân ước nói về đức Maria, chúng ta nhận thấy rằng các tác giả không phải chỉ tường thuật lại những biến cố xảy ra về cuộc đời đức Maria, nhưng họ còn ghi nhận những hình ảnh về Người giữa lòng Giáo hội tiên khởi. Các Kitô hữu, khi ôn lại các đoạn văn Kinh thánh (Cựu ước), đã thấy chúng ưng nghiệm nơi đức Kitô; nói khác đi, họ coi những đoạn văn Cựu ước như tiên báo cho đức Kitô. Rồi từ đó, họ cũng áp dụng cho đức Maria và cho Hội thánh một số đoạn văn của Cựu ước có liên hệ Chúa Cứu thế.
Vì vậy, để bổ túc cho phần thứ khảo sát Kinh thánh, chúng ta hãy rảo qua vài đoạn văn của Cựu ước mà truyền thống Giáo hội đã giải thích về đức Maria, cũng như những tước hiệu rút từ Kinh thánh để gán cho Người. Điều này giả thiết một phương pháp chú giải Kinh thánh, theo đó các bản văn không phải chỉ có nghĩa văn chương (sensus litteralis), mà còn có nghĩa thần học (sensus theologicus) nữa. Thực vậy, một nguyên tắc thần học quan trọng để chú giải Kinh thánh là không phải chỉ tìm hiểu ý nghĩa mà văn sĩ (sử gia) muốn nói, nhưng còn phải cố gắng đi vạch ra ý nghĩa mà Thiên Chúa (tác giả đệ nhất của Sách thánh) muốn mạc khải. Điều đó hàm ngụ rằng mỗi bản văn (textus) của Kinh thánh cần được giải thích theo mạch văn (contextus) của toàn thể lịch sử mạc khải. Hạu nhiên, cần phải luôn luôn đối chiếu các bản văn Cựu ước và Tân ước, xét vì cả hai họp thành một lịch sử mạc khải (một kế hoạch cứu rỗi) duy nhất được bày tỏ và thực hiện cách tiệm tiến, ví như ánh sáng mặt trời ló dạng lúc hừng đông và rực rỡ lúc giữa trưa. Những tia sáng tờ mờ của mạc khải Cựu ước sẽ được sáng tỏ hơn trong Tân ước; nhưng đối lại, để hiểu rõ hơn Tân ước ta cần phải lui về với Cựu ước để khảo sát những gốc rễ. (Xem Hiến chế về Mạc khải của Công đồng Vaticano II số 16). Các tác giả Tân ước nhiều lần trưng dẫn các đoạn văn của Cựu ước với lời chú dẫn "những lời ấy đã ứng nghiệm, đã nên trọn" (Thí dụ: Mt 1,22; 2,5.15.17.23). Sau khi sống lại, Đức Kitô đã giải thích cho các môn đệ rằng tất cả Lề luật Maisen và Tiên tri đều ứng nghiệm nơi Ngài (Lc 24,27.44). Cũng theo đường hướng ấy, chính Tân ước và thần học Kitô giáo cũng đọc thấy nhiều đoạn văn và tư tưởng của Cựu ước tiên báo về đức Maria, hay là có thể dùng để làm nổi bật chân dung của Người.
Truyền thống ấy được sách Giáo Lý Hội thánh công giáo ghi nhận ở số 489 như sau: Trong dòng Giao ước cũ, sứ mạng của đức Maria được chuẩn bị bởi những phụ nữ thánh thiện. Đứng đầu là Eva: cho dù bà bất tuân phục Chúa nhưng bà đã nhận được lời hứa rằng một miêu duệ sẽ chiến thắng Sự Dữ (x. St 3,15) và trở thành mẹ của hết mọi người sống (x. St 3,20). Do lời hứa ấy, Sara đã thụ thai một người con cho dù đã già (x. St 18,10-14; 21,1-2). Ngược với hết mọi tính toán của con người, Thiên Chúa đã chọn điều mà người đời coi là bất lực và yếu ớt (x. 1Cr 1,27) để bày tỏ lòng trung tín với lời hứa: Anna, bà mẹ của Samuel (x. 1Sm 1), Debora, Rut, Giuđitta và Ester, và nhiều phụ nữ khác. Đức Maria đã "trổi vượt giữa những người khiêm nhừơng và người nghèo của Chúa, những người tin tưởng chờ đợi ơn cứu rỗi từ Chúa ban ... Với đức Maria, thời gian được hoàn tất và kế hoạch mới đã khai trương" (Hiến chế về Hội thánh số 55). Ở số 64, khi nói về giai đoạn mạc khải ở Israel, chúng ta cũng thấy Đức Maria được xếp như "hình ảnh sáng ngời" giữa các phụ nữ đã duy trì niềm hy vọng nơi ơn cứu rỗi của nhà Israel, tựa như: Sara, Rebecca, Rakel, Miryam, Debora, Anna, Giuđitta và Ester..., nhóm những người nghèo và khiêm tốn.
Nói chung, các tác giả Tân ước và các giáo phụ đã áp dụng ba đường lối sau đây để áp dụng Cựu ước cho đức Maria: 1) Những phụ nữ nổi bật được coi như biểu trưng (typos) cho đức Maria; 2) Những đoạn văn được coi như là tiên báo về sứ mạng của Chúa Cứu thế hay Đức Maria; 3) Những tư tưởng và hình ảnh phản ánh chân dung của đức Maria.

I. Những phụ nữ tiêu biểu (hay tiên trưng)
Luca đã mở đường cho việc áp dụng những hình ảnh của các phụ nữ của Cựu ước cho đức Maria. Thí dụ: Sara ("Có điều gì khó đối với Thiên Chúa đâu?": St 18,14 // Lc 1,37). Giuđitta ("Hỡi con, phúc cho con nơi Thiên Chúa tối cao, hơn mọi người nữ trên trần": Gđt 13,18 // Lc 1,42). Dần dần truyền thống Kitô giáo đã kéo dài danh sách các phụ nữ ấy như ta đã thấy trong Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo. Chúng ta hãy điểm qua những nhân vật ấy.

A. Eva.
Các giáo phụ thường hay ví Đức Maria với bà Eva mới, dưới những khía cạnh khác nhau.
1) Đức Maria được đem ra đối chọi với bà Eva, dựa theo sự đối chọi giữa Chúa Giêsu với Adong trong thư của thánh Phaolô (Rm 5,12-18; 1Cr 15,21-22.45). Cũng như tội và sự chết từ một người (Adong) mà lan tràn ra cả nhân loại thế nào, thì ân sủng và sự sống cũng từ một người (Đức Kitô) mà trào ra cho hết mọi người. Một cách tương tự, một người đàn bà (Eva) đã đồng lõa với Adong trong tội, thì một người đàn bà (đức Maria) đã hợp tác với đức Kitô trong ơn sủng.
2) Tuy nhiên, bà Eva không phải chỉ tượng trưng cho tội lỗi. Eva theo nguyên ngữ cũng còn là "Mẹ của các sinh linh" (St 3,16.20). Vì thế, nhiều giáo phụ cũng ví đức Maria như "Eva mới", vì là Mẹ của giòng dõi những người được tái sinh trong đức Kitô từ cây thập giá (Ga 19,25-27).
3) Đức Maria còn được gọi là Eva mới vì lời tiên báo của Sách Sáng thế 3,15 được ứng nghiệm: cuộc giao tranh giữa con rắn với người nữ, giữa dòng dõi con rắng với dòng dõi người nữ kết thúc với thắng lợi về phí người nữ: bà ta sẽ đạp dập đầu con rắn. Thực ra bản văn St 3,15 có thể được giải thích nhiều cách khác nhau đựa theo ngữ pháp: "Ta sẽ đặt hận thù giữa ngươi và người đàn bà, giữa dòng giống ngươi và dòng giống người đàn bà. Dòng giống của bà sẽ đạp đầu ngươi". Tuy nhiên trong nguyên ngữ Do thái "hw" vừa có thể đọc theo giống đực (hwu) vừa có thể đọc theo giống cái (hwa); vì thế nếu chủ từ ở giống cái thì câu văn sẽ được đọc như sau: "bà sẽ đạp sẽ đạp đầu ngươi" (bản dịch Vulgata: ipsa conteret caput tuum). Trong quá khứ, thần học công giáo đã sử dụng bản dịch Vulgata, và họ coi như đức Maria như sự thể hiện của người phụ nữ đạp dập đầu con rắn. Ngày nay (kể cả bản dịch Neo-Vulgata), đa số các nhà chú giải nhận rằng chủ từ của động từ đạp là "dòng giống" (ipsum conteret). Thế nhưng, phải hiểu thế nào về dòng giống: a) một tập thể (con cháu, miêu duệ); b) một cá nhân xuất thân từ dòng dõi ấy, nghĩa là Đấng thiên sai?
Dù giải thích thế nào đi nữa, tác giả của Sách Sáng thế nhìn nhận cho người đàn bà một vai trò trong cuộc giao tranh với con rắn. Người đàn bà không phải chỉ bị con rắn lừa; nhưng bà đã phản ứng lại để giao tranh với con rắn. Từ đó, các giáo phụ và nhà thần học muốn dành cho đức Maria một vai trò trong sự chiến đấu với con rắn. Người Mẹ của Đấng Thiên sai cũng dư phần trong cuộc giao tranh và chiến thắng quỷ dữ.
Dù sao thì xem ra thánh Gioan đã muốn áp dụng hình ảnh của bà Eva cho đức Maria khi gọi Người là "đàn bà" (người nữ: Ga 2,4; 19,26).

B. Những phụ nữ đã xướng lên bài ca giải phóng dân tộc:
1) Sara, vợ của Abraham, son sẻ; nhưng đã nuôi dưỡng niềm hy vọng vào Lời Chúa,và bà đã sinh ra Isaac hậu duệ cho Abraham (St 21,1-7). Isaia đã gọi Sara là bà mẹ của dân Israel (Is 51,1-2).
2) Đêbôra. Sự tích của Bà được kể lại ở sách Thủ lãnh chương 4. Đêbôra được coi như là "nữ tiên tri" (Tl 4,4) làm phán quan của dân Israel. Vào thời mà Israel đang bị đô hộ bởi người Cana, bà ta đã cùng với Barak dành lại độc lập cho xứ sở. Sau cuộc chiến thắng, bà ta đã ca khúc khải hoàn (Tl 5,1-31) tuyên dương Thiên Chúa đã dùng một phụ nữ để giết chết bạo vương Giabin của Cana.
3) Anna, mẹ của Samuel (1Sm chương 1-2). Bà son sẻ, đã không ngừng kêu van khóc lóc xin cho được một đứa con; nhưng khi cậu bé Samuel khôn lớn bà đã tiến dâng vào đền thời để phục vụ Chúa, vì biết rằng đứa con ấy là một món quà của Chúa như không phải tư sản của mình. Qua bài ca tạ ơn, (mà chắc chắn có ảnh hưởng tới kinh Magnificat), bà Anna là gương của người "nghèo của Thiên Chúa", hoàn toàn tin tưởng nơi Ngài: Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi; ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro, đặt ngồi cung với hàng quyền quý, tặng ngai vinh hiển làm sản nghiệp riêng. (1Sm 2,1-10).
4) Rut: bà tổ mẫu của Đavit, mang lại niềm hy vọng cho dân. Tiểu sử của bà được kể lại trong sách mang tên bà, trong đó ta thấy sự can thiệp lạ thường của Thiên Chúa, bởi vì bà Rút là một người nghèo, góa, ngoại kiều. Thế nhưng, từ thân phận bị hất hủi đó, bà đã được quan phòng để trở thành bà nội của Đavit, từ đó sẽ xuất hiện vị Cứu tinh cho nhà Israel (Mt 1,5).
5) Giuđitta, một phụ nữ can đảm đã dùng mưu kế để giết tướng Hôlôphernê. Lời cầu nguyện của bà (Gđt chương 9) tuyên xưng rằng Thiên Chúa "gần gũi bênh vực kẻ khiêm nhu, nghĩa hiệp giúp người phận nhỏ, bàu chữa người yếu sức, phù hộ những kẻ không ai đếm xỉa". Bài ca khải hoàn cũng nói lên lòng tin tưởng nơi Chúa và tình liên đới với số phận dân nghèo (xem Thánh ca ở giờ Kinh sáng ngày thứ ba tuần I ở Phụng vụ Giờ kinh).
6) Ester cũng là một phụ nữ liên đới với số phận của dân tộc và đã c công giải phóng dân tộc. Nhưng lời cầu nguyện của bà (Et 4,17 k-z) cho thấy tất cả công trình vừa nói là do bàn tay của Chúa xếp đặt.

II. Những đoạn văn tiên báo
1) Sáng thế 3,15. Xem trên đây về bà Eva.
2) Isaia 7,14. Matthêo (1,23) coi việc trinh nữ Maria thụ thai Chúa Giêsu như hoàn tất lời tiên tri.
3) Mikha 5,1-3. "Phần ngươi, hỡi Bet- Ephrata, nhỏ bé nhất trong các bộ tộc Giuđa. Chính tự nơi ngươi sẽ xuất hiện cho ta vị thống lĩnh sơn hà Israel. Nguồn gốc của ngài lên trước xa, lên tới những ngày thuở xưa. Cho nên Người sẽ phó nộp chúng vào tay ngoại bang cho đến thời người nữ sinh đẻ sẽ sinh con, và số sót anh em ngài sẽ trở về với con cái Israel. Ngài sẽ bền vững, ngài sẽ chăn dắt, dựa vào quyền lực Giavê, nhờ Uy danh của đức Giavê, Thiên Chúa của ngài. Và chúng sẽ được an cư, vì bấy giờ, ngài sẽ nên lớn lao cho đến mút cùng trái đất". - Thánh Matthêo (2,6) đã trưng dẫn câu 1 để nói về việc Chúa Giêsu sinh ra ở Bêlem (khi các đạo sĩ vào phỏng vấn vua Erođê). Ngoài ra, một số nhà chú giải Kinh thánh cho rằng Matthêo còn liên tưởng đến đoạn văn này khi nói tới việc đức Maria sinh ra Chúa Giêsu. Mikha là một người sống đồng thời với Isaia. Đoạn văn của Mikha xem ra rất gần gũi với Isaia 7,14: "Thiên Chúa sẽ phó nộp Giuđa vào tay ngoại bang cho đến thời người nữ sinh để sẽ sinh con". Người nữ có thể hiểu về con gái Sion (nghĩa là dân tộc thánh; xem dưới đây), nhưng cũng có thể hiểu về một cá nhân, nghĩa là bà mẹ của Đấng cứu thế. Thiên Chúa đã bỏ rơi dân Ngài; nhưng sẽ đến thời mà Ngài ra tay cứu chữa họ: dấu hiệu của sự cứu rỗi là việc vị Cứu thế ra đời qua việc một người nữ sinh con. Dĩ nhiên, phải hiểu đây là một "người nữ" khác thường, ra như đã được tiên báo từ Sách Sáng thế (3,15) và Isaia (7,14) phác họa chân dung rõ rệt hơn. Cần phải chờ mạc khải tiến triển trong Tân ước, thì mới thấy các lời tiên tri này ứng nghiệm nơi đức Maria.

III. Những tư tưởng.

A.- Con gái Sion (hoặc thiếu nữ Sion)
* Công đồng Vaticano II đã gọi đức Maria là thiếu nữ Sion ưu tú (praecelsa Filia Sion: LG 55) : cô đọng tinh hoa của Dân Cựu ước chờ mong thời cứu độ, nhóm người khiêm nhường khó nghèo, trinh tuyền, thánh thiện. Thực ra công đồng xác nhận đường hướng khảo cứu của các nhà chú giải Thánh kinh bắt đầu từ thế chiến thứ hai (thí dụ S. Lyonnet). Họ đã nhận thấy Luca đã áp dụng cho đức Maria nhiều tư tưởng mà Kinh thánh nói về "con gái Sion", nghĩa là tượng trưng cho dân Israel mong đợi Chúa Cứu thế. Đức Maria đã kết tụ những tinh hoa của dân Chúa, nhất là thành phần mệnh danh là "những người nghèo" (anawim).
* Sion là tên của pháo đài của thành phố Giêrusalem, chiến lũy cuối cùng để phòng vệ. Khi Đavit chiếm được nó, thì đã đổi tên ra "thành phố Đavit" (2Sm 5,6-10; 2Sb 11,4-9), tái thiết hào lũy, và truyền đưa hòm bia Thiên Chúa về (2Sm 6,1-12). Sau khi Salomôn xây cất đền thờ tại đây, thì "Sion" và "đền thờ Chúa" coi như đồng nghĩa. Đôi khi Sion cũng được dùng để ám chỉ toàn thể thành phố Giêrusalem (Is 37,32; 52,1-2).
* Theo các nhà học giả Kinh thánh, từ ngữ "con gái Sion" (cô gái Sion, hay thiếu nữ Sion) chỉ là một lối nói của thời ấy, gọi một thành phố bằng "cô gái" (thí dụ: cô gái Babilônia, cô gái Tyrô, cô gái Êđôm). Nhưng Henri Cazelles (Fille de Sion et théologie mariale dans la Bible, Paris 1965), từ ngữ này "cô gái Sion" có cả một tiến trình lịch sử lâu dài trong Kinh thánh. Lúc đầu "cô gái của một thành phố" ám chỉ một làng nhỏ lệ thuộc một thị trấn quan trọng hơn (x. Ds 21,25; 21,32; 32,42; Gs 17,11; 15,45-47; Tl 1,27; 1Sb 5,16; 18,1; 2Sb 13,19; 28,18). Về sau, ngôn sứ Mikha dùng tên đó để gọi một đồn điền trực thuộc Giêrusalem. Hồi thế kỷ thứ 8 trước công nguyên, khi vương quốc Israel miền Bắc thất thủ, một nhóm người sống sót đã chạy về tụ tập lại thành một đồn điền, gần đền thờ Giêrusalem. Như vậy tiếng "con gái Sion" ám chỉ đám người sống sót của Israel đến tị nạn ở Giêrusalem. Thế nhưng khi đến lượt khi chính Giêrusalem cũng bị sụp đổ (597-586), thì "con gái Sion" đồng nghĩa với đám tàn dân còn sót lại Nói khác đi, các từ "Giêrusalem", "Sion", "con gái Sion" coi như đồng nghĩa (Ai ca 1,6-8). Sau thời lưu đày, các ngôn sứ Isaia gọi Giêrusalem bằng tiếng "con gái Sion" khi nói đến sự phục hưng của dân tộc: việc tái thiết Giêrusalem khởi đầu cho việc Chúa cứu chuộc dân Ngài: Giêrusalem (Sion) sẽ trở thành mẹ của dân Israel mới (Is 62,11; 66,6-10). Nhưng nhất là công cuộc phục hưng khởi đầu từ nhóm người còn sống sót, "nhóm nghèo của Giavê".
* Từ đó, từ ngữ "con gái Sion" gói ghém nhiều tư tưởng thiêng liêng nữa: đó là hình ảnh của Israel lý tưởng (Mk 4, 8-10; Is 37, 22; Xp 3,14-18; Ge 2,21-27): hôn thê, trinh nữ, mẹ, nơi Chúa ngự, thánh thiện:
1) Hôn thê. Sau những lần phản bội, sau cùng Israel sẽ trở nên hôn thê chung thủy với Chúa (Hs 2,21-22).
2) Trinh nữ. Tuy rằng tư tưởng trinh nữ còn họa hiếm trong Cựu ước, nhưng thỉnh thoảng Giêrusalem được ví như trinh nữ theo nghĩa là chung thủy với giao ước, chứ không nao núng trước những dụ dỗ hay đe dọa của các cường quốc lân bang (Is 37,22; xc. Gr 31,2-4).
3) Mẹ. Thành trì Sion được ví như bụng dạ đùm bọc nuôi dưỡng con cái mình, che chở chúng khỏi bi xiêu lạc, chết chóc (Is 44, 26-28; Tv 46, 3-4.7). Mikha 4, 9-10 ví thiếu nữ Sion như người mẹ sinh ra đoàn con mới, sau khi những đứa con trước đã ngã gục (do chiến tranh, lưu đày) (xc. Is 66,6-9; Tv 87, 5-7).
4) Nơi Chúa ngự. Con gái Sion là nơi Chúa ngự, nơi mà Chúa đã chọn để ngự ở giữa dân Ngài. Các ngôn sứ Xôphônia (3, 14-18), Giô-en (2,22.24.26), Dacaria (9,9) đã ngỏ lời với Sion, kêu gọi hãy vui lên vì Thiên Chúa đang hiện diện ở giữa lòng.
5) Thánh. Con gái Sion, biểu tượng của nhóm người trung tín với Chúa, đã được gọi là thánh vì phản ánh sự thánh thiện của Chúa (Is 4,13; 6,13). Sự thánh thiện của con gái Sion hệ tại việc trung thành với tình yêu của Chúa, phụng sự Chúa, tuân giữ các quy tắc về tế tự và luân lý.
* Trong Tân ước, hình ảnh "con gái Sion" được áp dụng vào Hội thánh: trinh nữ hôn thê của đức Kitô (2 Cr 11,2), mẹ (Gl 4,26), nơi Chúa ngự với loài người (Kh 21,3). Tuy nhiên, cách thánh sử Phúc âm đã nhìn thấy đức Maria như "con gái Sion", tổng hợp của dân ưu tuyển của Chúa, nhóm nghèo trung tín với Chúa. Những đoạn văn tiêu biểu hơn cả là:
1) Cảnh truyền tin (Lc 1,26-38): "hãy vui lên". Trong kinh thánh, lời hiệi triệu này được hướng đến "con gái Sion" (Xp 3,14-17; Dcr 2,15; 9,5; Ge 2,21-27) đang mong chờ ơn cứu độ.
2) Cảnh thăm viếng và kinh Magnificat (Lc 1,39-56). Trong cả hai đoạn này Luca áp dụng cho đức Maria nhiều câu Cựu ước nói về "con gái Sion".
3) Cảnh giáng sinh (Lc 2,1-7) với những nét tương tự với sự sinh hạ của con gái Sion (Mikha 4,10; 5,1-3).
4) Lời tiên tri của cụ Simêon (Lc 2,34-35) xem ra lấy lại hình ảnh từ Êdêkiel 14,17 nói tới lưỡi kiếm của Chúa thâu qua lãnh thổ Israel.
5) Tiệc cưới Cana (Ga 2,1-12). Đức Maria vừa là "bà" (c.4), tượng trưng cho Israel cũ đã tới thời được cứu rỗi, vừa là "mẹ của đức Giêsu" (c.1.3.12) tượng trưng cho khởi đầu của Giáo hội, gồm bởi những môn đệ hiện diện ở bữa tiệc.
6) Dưới chân thập giá (Ga 19,25-27), đức Maria tượng trưng cho người "con gái Sion" trong đau khổ đã sinh ra dân cứu tinh.

B.- Tôi tớ của Thiên Chúa
Lời tuyên xưng của đức Maria trong cảnh truyền tin gói ghém nhiều tư tưởng súc tích của Kinh thánh. Trước tiên, chúng ta đừng nên quên rằng các tác giả Tân ước đã áp dụng vào đức Kitô những gì mà Isaia đã nói về người tôi tớ của Thiên Chúa: "đây là con ta yêu dấu rất đẹp lòng ta" (Mt 3,17; 17,5 = đây là người tôi tớ mà ta nâng đỡ, kẻ mà ta đã chọn và sủng mộ, Is 42,1), nhất là đoạn văn về người tôi tớ đau khổ (Is 52,12-53,12). Khi vào trần thế đức Kitô đã thưa: "Lạy Chúa, này con xin đến để làm theo ý Chúa" (Dt 10,5.7). Đức Maria cũng muốn mang tâm tình ấy, tâm tình của dân Israel trung thực, muốn phục vụ Thiên Chúa với lòng khiêm tốn, với lòng tin tưởng, trong sự cầu nguyện. Đức Maria là biểu tượng của Israel chấp nhận tuân hành giao ước mà Chúa đã thương thiết lập.

C.- Người nghèo của Giavê.
Hia tư tưởng "con gái Sion" và "tôi tớ của Thiên Chúa" còn được bổ túc thêm bởi một tư tưởng nữa của Cựu ước làm nên bức chân dung tinh thần của đức Maria, đó là "nhóm nghèo của Giavê". Vào thời lưu đày, nảy sinh ra giữa lòng dân Israel một luồng linh đạo mang danh là "nhóm nghèo của Giavê", ý thức và chấp nhận kiếp sống mong mang của mình. Ngôn sứ Xôphônia có thể coi như đại biểu của họ. Hướng về đồng bào của mình đang bị tước đoạt tài sản lẫn nhân quyền, ngôn sứ khuyên nhủ họ rằng thay vì nuôi dưỡng căm hờn thù oán, thì hãy lợi dụng để đi xa hơn nữa trên đường "tự bóc lột", tiến đến tình trạng nghèo nàn thiêng liêng, biết phó thác và tin tưởng nơi Chúa. Ngôn sứ viết: "Ta sẽ chừa lại giữa ngươi một dân khiêm ti khó nghèo (ani)" (3,12) "Hãy tìm kiếm Thiên Chúa, hỡi những người nghèo trên mặt đất ... hãy tìm sự công chính, hãy tìm sự khó nghèo để được an toàn của ngày gi!an dữ của Chúa" (2,3). Đây là lần đầu tiên, các ngôn sứ mời gọi Israel hãy suy nghĩ về việc Chúa có thể ban ơn cứu rỗi kể cả giữa lúc dân tộc bị thất trận, nhục nhã thay vì lúc chiến thắng oai hùng. Thật là cả một sứ điệp mới lạ mà dân Israel đã chín mùi giưã cảnh lưu đày. Dần dần một phong trào đạo đức lớn dần, kết thành "nhóm nghèo của Giavê". Isaia đã nhiều lần cất lên tiếng hoan ca bởi vì Thiên Chúa đã đến an ủi những tâm hồn rã rượi (49,13); vì Chúa gần gũi những người bị đè nén (57,15); vì Chúa đoái nhìn những ai có tinh thần khiêm tốn, thống hối (66,2). Từ đó, các ngôn sứ không bận tâm đến việc rèn luyện lòng ái quốc nổi dậy quật cường, nhưng họ gắng gợi lên ý thức về thân phận hèn yếu của con người: chính lúc bị đời coi rẻ như vậy mà con người khám phá ra sự thành công, bởi vì họ khám phá ra sức mạnh thực của mình. Khi tâm hồn càng biết khiêm tốn bao nhiêu, thì lại càng gần Thiên Chúa bấy nhiêu: sự "thánh thiện" được đồng hóa với: "nghèo khó", "công chính", "kính sợ Chúa". Linh đạo này bộc lộ cách đặc biệt trong các thánh vịnh: (9; 10; 11; 12; 14; 15; 20; 22; 26; 34; 37; 69; 74; 76; 86; 113; 149). Cũng trong bối cảnh ấy mà Đấng thiên sai được loan báo như là một tôi tớ nghèo hèn của Thiên Chúa (Is 42,1-4; 49,1-6; 50,4-8; 52,13-53,12; Tv 22) chứ không phải như là hoàng thân của nhà Đavit nữa. Người sẽ là một tôi tới nhu mì, hiền hậu, mang tin mừng cho người nghèo (Is 61,1-2). Hiểu như vậy, chính những người nghèo của Giavê sẽ là những người đầu tiên lãnh nhận ơn cứu rỗi, giải thoát (Is 29,18-19). Dĩ nhiên tư tưởng "tinh thần khó nghèo" trở thành một chủ đề của Phúc âm (Mt 5,3) cũng như của Tân ước (1Cr 1,21-31; 2Cr 8,9).
Đức Maria đã muốn liệt mình trong "nhóm nghèo của Chúa", như ta thấy bộc lộ qua bài Magnificat: tuy bề ngoài họ là những thành phần thấp nhất trong xã hội vì bị bóc lột, bị đói khát, bị khinh khi; nhưng thực ra thì họ lại thấy hạnh phúc khi biết rằng Chúa ở gần gũi họ, vì họ chỉ tin tưởng nơi Ngài chứ không dựa trên thế lực nào khác. Bài ca Magnificat ra như là một hợp tuyển của các bài ca của nhóm nghèo của Chúa trong Cựu ước.
+ Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa: Linh hồn tôi hớn hở trong Đức Chúa (1Sm 2,1; x.Tv 35,9; Xh 15,1; Gđt 16,1).
+ Thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi: Tôi sẽ hớn hở trong Chúa Đấng cứu độ tôi (Kb 3,18; x.1Sm 2,1; Tv 31,8; 35,9).
+ Vì Ngài đóai thương nhìn tới phận hèn mọc của nữ tì Chúa: Nếu như Chúa đoái thương nhìn đến phận hèn của nữ tì Ngài (1Sm 2,7). Chúa đã ngoảnh nhìn thấy sự khó nghèo của chúng ta (Đnl 26,7; x. Tv 31,8; 119,153; 1Sm 1,11; St 29,32; 30,13; Nkm 9,9).
+ Hết mọi đời sẽ khen tôi là người có phước: Hết các dân sẽ tunh hô các bạn là người có phước (Ml 3,13; x. St 30,13).
+ Đấng Toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả: Thiên Chúa đã làm cho ngươi (Israel) những việc lớn lao (Đnl 10,21; x. Tv 126,2; 111,9).
+ Đời nọ tới đời kia Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Ngài: Lòng thương xót của Chúa được dành từ đời này tới đời kia cho những người kính sợ Ngài (Tv 103,13-17).
+ Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh: Chúa đã đánh tan quân thù với canh tay uy quyền (Tv 89,11).
+ Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Ngài nâng cao mọi kẻ khiêm nhường: Chúa lật nhào ngai báu của các vương hầu và tôn phong những người khiêm nhường (Hc 10,14-15; x. 1Sm 2,8; 2Sm 22,28; Ed 21,31; G 5,11; 12,19; Tv 33,10; 107,9; 146,6).
+ Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư; người giầu có, lại đuổi về tay trắng: Chúa đã đỏ đầy của cải cho người rũ rượi; còn những người giàu thì bị đói và phải ăn xin (Tv 107,9; 34,11; x. 1Sm 2,7; Tv 89,11).
+ Chúa độ trì Israel, tôi tớ của Ngài, vì nhớ lại lòng thương xót của Ngài: Chúa nhớ lại lòng thương xót và trung tín đối với nhà Israel (Tv 98,3; x. Is 41,8).
+ Như đã hứa với cha ông chúng ta, với Abraham và dòng dõi của ông: Chúa duy trì sự trung tín với Giacob, lòng ưu ái với Abraham, như đã thề với cha ông chúng ta (Mk 7,20; St 12,2; 13,5; 17,7; 18,18; 22,18).

D.- Hòm bia của giao ước
Như đã thấy trên đây, khi mô tả cảnh đức Maria đi thăm bà Ysave, xem ra Luca đã dùng những khung cảnh của việc rước kiệu hòm bia thánh (Lc 1,39-56 = 2Sm 6,1-23). Hòm bia thánh là biểu hiệu của sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Israel. Đức Maria không những mang Chúa ở trong mình (Lc 1,35 = Xh 40,35), nhưng còn mang lại những sự chúc lành của Chúa ở nơi nào đi ngang qua.

E.- Tòa Đấng khôn ngoan (Sedes Sapientiae).
Đây là một tước hiệu được nhắc tới trong Kinh cầu đức Mẹ. Đức Maria được gọi là Tòa Đấng khôn ngoan vì là thân mẫu của Đức Kitô, sự khôn ngoan của Thiên Chúa (1 Cr 1,24.30). Thực ra Phúc âm đã nhiều lần mô tả đức Maria như là "tôi tớ của sự khôn ngoan", qua việc nghiền ngẫm lời Chúa trong lòng (Lc 2,19.51), gìn giữ và thực hành lời khôn ngoan của Chúa (Lc 8,21; 11,27-28).
Cũng trong chiều hướng này, Đức Gioan Phaolo 2 đã gọi đức Maria là "môn sinh của Chúa" (thông điệp "Thân Mẫu Chúa Cứu thế" số 20), không những vì Người đã chăm chú lắng nghe lời dạy của đức Kitô, nhưng còn "đi theo" đức Kitô (môn đệ là người đi theo Thầy). Tuy Tân ước không gọi đức Maria là "môn sinh" của đức Kitô, nhưng không thiếu lần đã xếp Người trong số những môn đệ của Chúa. Thí dụ Gioan nói đến đức Maria cạnh các môn đệ tại Cana (2,1-11), cũng như cạnh một môn đệ khác dưới chân thập giá (19,25-27). Sách Tông đồ công vụ nói đến sự hiện diện của đức Maria ở nhà Tiệc ly, để cùng cầu nguyện với các môn đệ cầu xin Chúa Thánh Thần xuống (Cv 1,14). Ngoài ra đoạn văn của Mt 12,46-50 đã được nhiều giáo phụ áp dụng cho đức Maria: đối với Chúa phàm ai làm theo ý Chúa như các môn đệ thì trở thành anh chị em và mẹ của Chúa. Ta cũng có thể lập luận ngược lại: đức Maria là mẹ thật của đức Kitô vì đã trở thành môn sinh của Ngài, đã tuân hành ý Chúa. Tháng Agustinô, khi chú giải Mc 3,33 (Ai là mẹ ta?) đã viết: "Đức Maria chắc chắn đã làm theo ý của Chúa Cha; đối với Người, việc làm môn đệ đức Kitô có vinh dự và mang lại vui sướng hơn là việc làm mẹ của Chúa" (sermo 25,7).