Phần I - Đức Maria Trong Kinh Thánh - Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP


PHẦN I. ĐỨC MARIA TRONG KINH THÁNH.
NHẬP ĐỀ.
Chúng ta bắt đầu cuộc khảo luận về Đức Maria bằng việc lục lọi những trang Kinh thánh nói về Người. Việc trở về nguồn mặc khải giúp cho ta không những có một khái niệm chính xác vai trò của đức Maria trong chương trình cứu rỗi, nhưng nhất là giúp cho ta có một chân dung trung thực về Người theo lịch sử và mặc khải, chứ không phóng dọi cho Người những điều mà ta tưởng tượng.

A. Từ Tân ước sang Cựu ước.

Chúng ta sẽ bắt đầu với những tác phẩm Tân ước (chương 1-4), rồi sau đó sẽ sang Cựu ước (chương 5). Dĩ nhiên, theo thứ tự thời gian, lẽ ra phải khởi đầu từ các bản văn Cựu ước, từ những đoạn văn tiên báo về Mẹ Đấng Cứu thế (thí dụ Sách Sáng thế 3,15). Nhưng đâu là đoạn văn tiên báo về đức Maria? Chúng ta chỉ biết được những đoạn ấy nhờ chính các tác giả của Tân ước. Vì vậy, chúng ta hãy khảo sát các bẳn của Tân ước trước, để nhờ họ chỉ to những đoạn nào trong Cựu ước đã được ứng nghiệm.

B. Thứ tự các sách Tân ước. Sự tiến triển về hình dung của đức Maria trong đời sống Hội thánh tiên khởi.

Chúng ta biết rằng 27 tác phẩm cấu thành bộ Tân ước không ra đời cùng một lúc. Từ những lá thư đầu tiên của thánh Phaolo (viết vào khoảng năm 51) cho đến các tác phẩm của thánh Gioan tông đồ (khoảng năm 90), đã có khoảng thời gian cách quãng trên dưới nửa thế kỷ. Trong khoảng thời gian ấy, đức tin của Giáo hội tăng tiến dần dần. Trọng tâm của những bài giảng đầu tiên của các thánh tông đồ là sứ điệp cứu rỗi của Thiên Chúa hoàn tất nơi cuộc tử nạn và phục sinh của đức Kitô. Trong khung cảnh ấy, vai trò của đức Maria nói được là lu mờ, bởi vì mọi chú ý đều tập trung vào mầu nhiệm Vượt qua của đức Kitô. Vì vậy mà trong 14 lá thư gửi tới những cộng đoàn hay thành phần khác nhau của Hội thánh, Phaolo chỉ nhắc tới bà mẹ của đức Kitô một cách rất ư là sơ sài ở Galata, chương 4 câu 4. Nhưng dần dần, các tín hữu muốn đào sâu hơn sự hiểu biết về thân thế của đức Kitô: họ muốn biết những gì xảy ra trước khi Ngài chịu tử nạn; họ muốn đi ngược lên thời niên thiếu của Ngài, dòng dõi tông tích của Ngài. Vì vậy, các tác phẩm ra đời vào giai đoạn này mới nói nhiều đến đức Maria, nhất là hai cuốn Phúc âm theo thánh Matthêo và Luca (viết khoảng năm 70). Trong khi mà Luca có thể ví như là một sử gia về đức Maria, nhờ những tài liệu thu thập được chung quanh việc thụ thai và thời niên thiếu của Chúa Giêsu, thì Gioan ví được như nhà thần học về đức Maria, bởi vì thánh sử này không lưu tâm đến việc thu góp thật nhiều chi tiết dữ kiện cho bằng trình bày những suy tư về ý nghĩa của những biến cố gắn liền đức Maria với sứ mạng của đức Kitô: sự hiện diện của Người tại Cana vào lúc Chúa khai mạc cuộc đời công khai, và trên núi Calvario khi công cuộc cứu chuộc đã hoàn tất.

Vì thế, trong phần này, chúng ta sẽ lần lượt xét các bản văn Tân ước theo thứ tự sau:
1) Thư thánh Phaolo và Phúc âm Marcô.
2) Phúc âm Matthêo.
3) Phúc âm Luca.
4) Phúc âm Gioan. Tông đồ công vụ. Sách Khải huyền. - Sau đó, chúng ta sẽ đi ngược lại những đoạn văn, hình ảnh, tư tưởng của Cựu ước được áp dụng cho đức Maria. Để kết thúc, chúng tôi sẽ thêm một chương về các tác phẩm ngụy thư: tuy chúng không được ghi vào sổ bộ Kinh thánh, nhưng chúng cũng đã gây ảnh hưởng không nhỏ trên các giáo phụ và phụng vụ về đức Maria.

 
CHƯƠNG I. NHỮNG ĐOẠN VĂN CỔ NHẤT VỀ ĐỨC MARIA TRONG TÂN ƯỚC.

I. Thánh Phaolo (Gl 4,4)

Theo các nhà chuyên môn về Kinh Thánh, đoạn văn cổ nhất của Tân ước nói về đức Maria là câu 4 đoạn 4 trong thư thánh Phaolô gửi giáo đoàn Galata: "Khi đã thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề luật, để chuộc những ai sống dưới Lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử."
Trong suốt 14 lá thư, thánh Phaolô chỉ đề cập đến đức Maria có một lần, và rất sơ sài đến nỗi không nhắc tới danh tánh của Người nữa. Trong đoạn văn vừa trích, thánh Phaolô chú trọng đến hai điểm chính:
1) Đức Kitô là Con Thiên Chúa (Chúa sai con của mình, con hằng hữu) được ban cho chúng ta;
2) Chúng ta được gọi chia sẻ quyền nghĩa tử với đức Kitô, và do đó có thể gọi Chúa là cha. Đến đây, chúng ta tự hỏi: thánh Phaolo có ý gì khi xen thêm vào mệnh đề "sinh làm con một người đàn bà"? Có ba ý kiến khác nhau.

1/ Câu trả lời đơn giản nhất là bà mẹ của đức Kitô không phải chỉ là mẹ của một vĩ nhân, nhưng nhất là "mẹ của Con Thiên Chúa". Nói khác đi, qua đoạn văn này chúng ta có thể tìm thấy nền tảng lâu đời nhất của tín điều đức Maria là Mẹ Thiên Chúa.

2/ Một số nhà học giả khác thì cho rằng thánh Phaolo có dụng ý khác khi nói tới đức Kitô "sinh làm con một người đàn bà". Trong Cựu ước, thí dụ sách Gióp (11,2.12; 14,1; 15,14; 25,4; trong Tân ước, xem Mt 11,11; Lc 7,28) thành ngữ "sinh bởi người đàn bà" nói tới thân phận dòn mỏng của con người, như bóng hoa sớm nở chiều tàn. Nói khác đi, Con Thiên Chúa đã trở thành con người thấp hèn, yếu ớt. Qua đức Maria, Thiên Chúa đi vào lịch sử loài người, khi trở nên một người bị chi phối bởi những hoàn cảnh nhân văn, địa lý, chính trị của Palestina, với những lề luật của dân tộc ấy.

3/ Một ý kiến thứ ba thì cho rằng thánh Phaolo diễn tả niềm tin cổ truyền nhất của kitô giáo về sự sinh hạ trinh khiết của đức Giêsu. Thánh Phaolo nói rằng đức Kitô sinh bơỉ "người đàn bà" chứ không nói "bởi một bà mẹ", vì khi nói tới mẹ thì độc giả có thể hiểu là việc Chúa Giêsu sinh ra cũng giống như bo nhiêu chuyện sinh đẻ thường tình khác từ một đô vợ chồng. Nhưng nếu thế thì tại sao thánh Phaolo không viết quách là "sinh bởi một trinh nữ" cho rồi? Có lẽ vì Phaolô muốn tránh việc liên tưởng tới một số thần thoại Hy-lạp thuật lại những trinh nữ thụ thai do tinh trùng của một thần linh mang lại.
Dù sao đi nữa, chúng ta có thể nhận thấy rằng vào thuở Giáo hội sơ khai, hình ảnh của đức Maria còn lu mờ, tuy dù đã có những mầm mống manh nha để phát triển những chân lý quan trọng về Người, tỉ như: Mẹ của Thiên Chúa, mẹ đồng trinh.

II. Marcô.

Trong Phúc âm theo thánh Marcô, chúng ta chỉ thấy có hai chỗ nói về đức Maria một cách sơ sài, đó là: 3,31-35 và 6,3. Một số thần học Tin lành coi Marcô như tiêu biểu cho khuynh hướng chống đối đức Maria trong HỘi thánh tiên khởi; đối lại là Luca thì dành cho người địa vị ưu vịệt.

A. Marcô 3,21.31-35 : ai là mẹ ta?

Thực ra, có tác giả cho rằng Marcô có nhắc đến đức Maria ở một chỗ khác nữa, đó là 3,21, khi kể lại rằng: vì thấy Chúa Giêsu bị đám đông bao vây cho đến nỗi không có thời giờ ăn uống, nên "thân thuộc của Ngài đâm lo, và họ ra đi để bắt Ngài bởi họ cho rằng Ngài mất trí rồi!". Thoạt tiên, lối diễn tả của Marcô có thể gây cho độc giả cảm tưởng là người nhà của Chúa cho rằng Ngài hóa điên rồi. Tuy nhiên, trong Kinh thánh, tiếng "mất trí" (hy lạp: ekseste, ra khỏi) không nhất thiết có nghĩa là điên; đôi khi nó chỉ có nghĩa là: bàng hoàng, ngỡ ngàng, ngạc nhiên (thí dụ phản ưng của các thính giả sau khi chứng kiến phép lạ của Chúa Giêsu: Mt 12,23; Mc 2,12; 5,42) hoặc xuất thần (extasis). Áp dụng vào trường hợp này, chúng ta có thể hiểu là thân nhân của Chúa lo ngại vì Ngài hăng say với công việc quá đáng tới nỗi bỏ cả ăn ngủ. Marcô có bao hàm đức Maria trong số những thân nhân ấy không? Thật khó trả lời. Chỉ biết là sang câu 31, Marcô cho biết rằng Mẹ Ngài và các anh em đi tìm Ngài. Nhưng Chúa Giêsu nói: "Ai là mẹ Ta và ai là anh em Ta? ... ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta."

Qua những lời ấy, ra như Marcô muốn tả lại tiến trình đức tin mà các thân nhân của Chúa Giêsu phải trải qua, kể cả bà mẹ của Ngài nữa. Trong Nước Chúa, những dây liên hệ máu mủ không nhất thiết bảo đảm thứ bậc ưu tiên nữa. Kẻ thân thuộc với Chúa là người biết làm theo ý Chúa, chứ không phải kẻ có tên trong gia phả của Ngài. Chúng ta không rõ chúa Giêsu có muốn ám chỉ người mẹ của mình hay không. Nhưng cứ theo suy luận tự nhiên, chúng ta có thể đoán được rằng đức Maria cũng phải vất vả lắm mới hiểu được con của mình. Chúng ta sẽ thấy thánh Luca còn nhấn mạnh đến điẻm nay hơn cả Marcô nữa. từ cương vị của một bà mẹ,với bao cảm tình tự nhiên dành cho con mình, đức Maria phải cố gắng vươn lên bình diện siêu nhiên để trở nên người môn sinh của Chúa, sẵn sàng hiến dâng con mình vì phần rỗi nhân loại. Mẹ Maria đã đi tiên phong trên con đường đức tin, con đường thanh luyện, và nhờ đó trở nên gương mẫu và người dìu dắt chúng ta trên đường lữ hành đức tin.

B. Mc 6,3: Đức Giêsu con bà Maria.

Sau khi nghe đức Giêsu giảng ở hội đường thiên hạ sửng sốt và kháo láo: "Bởi đâu ông ta được khôn ngoan như vậy? ông ta không phải là bác thợ mộc, con bà Maria và anh em với Giacôbê, Giôse, Giuđa và Simong đó ư?". Tại sao thánh Marcô thuật lại dư luận coi Chúa Giêsu là "con bà Maria"? Thường thì phong tục Do thái cũng như phong tục Việt nam móc nối người con với người cha chứ không với người mẹ, đến nỗi ít ai biết được tên tuổi của người mẹ nữa. Thế thì tại sao ở đây thiên hạ không gọi đức Giêsu là con ông Giuse mà lại gọi là con bà Maria? Ít là có tới ba giả thuyết tìm cách trả lời vấn nạn.

1) Giả thuyết thứ nhất cho rằng vì lúc ấy thánh Giuse đã qua đời rồi, nên thiên hạ chỉ biết tên của bà mẹ của Chúa thôi. Tuy nhiên giả thuyết này không hợp lý, bởi vì khi thuật lại lời kháo láo của dư luận, thì thánh Luca (4,22) và thánh Gioan (6,42) đều ghi lại câu hỏi: "Ông này không phải là Giêsu con bác Giuse đấy ư?".

2) Giả thuyết thứ hai cho rằng dư luận muón mỉa mai đức Giêsu coi như con ngoại hôn, không có cha hợp pháp. Tuy nhiên, nếu theo giả thuyết này, thì các anh em của Ngài, nghĩa là những người bà con kể liền đó (Giacôbê, Giôsê, Giuđa, Simon) cũng đều là con bất-hợp-pháp cả hay sao?

3) Giả thuyết thứ ba cho rằng Marcô muốn nói đến việc sinh hạ khác thường của đức Giêsu. ngài là con của bà Maria bởi vì ông Giuse không phải là cha tự nhiên của Ngài. Theo những học giả chủ trương giả thuyết này, thì sở dĩ Luca và Gioan thuật lại dư luận nói rằng đức Giêsu là con của Giuse bởi vì hai thánh sử đã giải thích cuộc thụ thai trinh tuyền của đức Maria ở chỗ khác trong tác phẩm của mình, do đó không sợ gây hiểu lầm. còn Marcô, vì không có chương về thời thơ ấu của Chúa Giêsu, nên sợ ràng nếu gọi Ngài là con ông Giuse thì độc giả sẽ coi Giuse như người cha ruột theo thói thường tình. bởi vậy, Marcô đã phải sửa lại thành "con của bà Maria". Nói cách khác, ngay từ buỏi sơ khai, các tín hữu Kitô đã tin rằng việc sinh hạ Chúa Giêsu không theo thói thường lệ. Chân lý về đức Mẹ đồng trinh đã gắn liền với thân thế đức Kitô ngay từ buổi đầu của Giáo hội rồi vậy.

C. Mc 6,3: những anh chị em của đức Giêsu.

Đoạn văn vừa nói cũng gây ra bao nhiêu cuộc tranh luận trong lịch sử thần học khác, liên quan đến các anh chị em của đức Giêsu. Mattheo 13,53-56 cũng thuật lại cảnh tương tự. Tên của các anh em là: Giacobê, Giôsê, Giuđa, Simong. Ngoài ra, từ ngữ "anh em của Chúa" cũng đọc thấy ở Mt 12,46-50; Lc 8,9-20; Ga 2,12; 7,3-5; Tđcv 1,14; Gal 1,19; 1 Cor 9,5. Cách riêng Giacôbê, anh em của Chúa, về sau làm đầu giáo đoàn Giêrusalem (Gal 1,19; 2,9.12; Tđcv 12,17; 15,13; 21,18).
Đã có những ý kiến khác nhau chung quanh vấn đề này.

1) Xét về khía cạnh ngôn ngữ. Trong tiếng do thái, "anh em" có thể có nghĩa là anh em họ (St 13,8; 14,14.16; 24,48; 29,12.15; 31,23.32.37; Lv 10,4; Gs 17,4; Tl 9,3; 1 Sm 20,29; 2 V 10,13; 1 Sb 15,5; 2 Sb 36,10). Trong tiếng hy lạp "adelfos" chỉ dùng để gọi anh em ruột hoặc anh em cùng cha khác mẹ, chứ không dùng cho anh em họ (có từ riêng để chỉ anh em họ: anepsios). Một trường hợp đặc biệt là các phần tử của một cộng đoàn có thể gọi nhau là "anh em"; Tân ước cũng dùng tới lối nói này ở Mt 5,22-24 (anh em chỉ người thân cận); Rm 9,3 (người đồng đạo gọi là anh em). Chính từ sự phân tích ngôn ngữ như vậy, mà ta có thể chia các ý kiến thành hai nhóm: một nhóm thì hiểu "anh em" như là anh em ruột hay là anh em họ.

2) Những ý kiến muốn chủ trương "anh em ruột" lý luận như sau.

a) Sau khi sinh Chúa Giêsu, đức Maria còn sinh những con khác nữa. Mt 1,25 nói rằng Giuse không có ăn ở với Maria cho tới khi sinh đức Giêsu; thế thì kết luận được rằng sau khi đã sinh ra đức Giêsu rồi thì lại ăn ở với nhau như thường.à Lc 2,7 nói rằng đức Maria Chúa Giêsu là "con đầu lòng" (trưởng nam); như vậy hiểu là còn có các con thứ nữa. Nếu trong gia đình chỉ có một con, thì cần chi phải phân biệt con trưởng với con thứ?

b) Thánh Giuse là một người góa vợ. Ông đã có con với bà trước; họ là những anh em cùng cha khác mẹ với Chúa Giêsu. Nên biết là giả thuyết này đã có từ thời các giáo phụ (Epiphaniô de Salamina 315-403).

3) Những ý kiến chủ trương "anh em họ" thì lập luận như sau:

a) Marcô và Matthêo thuật lại cảnh xảy ra ở Galilea: ở vùng này, tiếng anh em hiểu về cả anh em họ nữa. Một cách cụ thể hơn, những tên của các người anh em xuất hiện nơi khác trong Phúc âm, lúc Chúa Giêsu chịu chết trên thập giá, và Giacôbê được coi như là con của bà Maria, một phụ nữ trùng tên với Đức Mẹ (Mc 15,40; Mt 27,52).

b) Khi nói rằng Giuse không ăn ở với Maria cho đến khi sinh được đức Giêsu, thì Mattheo không hàm ngụ rằng sau đó, hai ông bà ăn ở với nha thường tình và sinh ra mấy đức con nữa. Từ ngữ "cho đến khi" (heous ou) đã được dùng trong kinh thánh ở nhiều nơi mà không hàm ngụ ý tưởng trái ngược với điều xảy ra tước đó. Thí dụ: St 8,7: sau khi lụt hồng thủy đã dứt, "con quạ bay đi và trở về tàu cho đến khi nước cạn"; thánh sử không nói rằng sau khi nước cạn nó lại bay tiếp! St 28,15 thuật lại lời Chúa hứa sẽ bảo vệ Giacob cho tới khi ông vào đất hứa: điều này không có nghĩa là sau đó Chúa sẽ bỏ ông. 2 Sm 6,23 nói rằng Mikal không có con khi chết; và không có nghĩa rằng sau khi chết thì có con! Mặt khác, giả như Đức Maria đã có con khác, thì không có lý gì trước khi chết, Chúa Giêsu lại trối mẹ mình cho Gioan. Cũng vậy, giả như ông Giuse đã có con riêng, thì khi lên đền thờ Giêrusalem, không lẽ ông chỉ mang theo cậu Giêsu và bỏ các con khác ở nhà!

c) Khi nói Chúa Giêsu là "con đầu lòng" của Đức Maria, thì Phúc âm không có ý nói rằng Ngài còn có các em khác. Tiếng "con đầu lòng" được dùng ở Luca, vì nói đến bổn phận dâng nó cho Thiên Chúa theo luật, cho dù sau đó có con kế hay không cũng vậy (Lc 2,7; 22-24; Xh 13,2.12 Ds 18,15-16). Kinh thánh cũng có lần gọi con một là con đầu lòng, ví dụ Dacaria 12,10: "họ sẽ để tang như để tang con một; họ sẽ khóc như khóc con đầu lòng".