Những Truyền Kỳ Về Đức Maria - Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP


CHƯƠNG 6. NHỮNG TRUYỀN KỲ VỀ ĐỨC MARIA
 
Chúng ta có thể nhận thấy rằng Kinh thánh chỉ nói đến vai trò của đức Maria trong mối liên hệ với công cuộc cứu chuộc của Chúa Giêsu. Nhưng các tín hữu muốn biết thêm nữa về quê hương, gốc tích của Người, cũng như những chi tiết khác liên quan tới cuộc đời của Người. Nhằm đáp lại nhu cầu đó, nhiều tác phẩm đã xuất hiện dưới danh nghĩa là "Phúc âm về đức Maria", nhưng Giáo hội không nhìn nhận chúng vào sổ bộ Sách thánh. Do đó mà các học giả gọi là "ngụy thư" (apocrypha, nếu muốn dịch sát thì phải nói: những tác phẩm kín đáo). Tuy rằng chúng không có giá trị đạo lý, nhưng chúng đã phản ánh niềm tin bình dân của một thời đại. Trên thực tế, nhiều lưu truyền bắt nguồn từ các tác phẩm ấy đã dần dần đi vào phụng vụ: thí dụ danh tánh của song thân đức Maria. Nói chung các truyền kỳ về cuộc đời đức Maria tóm lại trong những điểm sau đây: 1) Gốc gác gia thế; 2) dâng mình vào đền thờ; 3) đính hôn với Giuse; 4) Truyền tin; 5) Cuộc tử nạn và Phục sinh của Chúa; 6) Ngày tạ thế của đức Maria.

1) Gốc gác. Chúng ta biết được danh tánh của song thân đức Maria (Gioakim và Anna) từ tác phẩm Phúc âm tiên khởi của Giacobe (Protoevangelium Jacobi, thuộc thế kỷ thứ 3). Phần lớn tác phẩm được dành để nói về việc sinh hạ và thời niên thiếu của Maria. Bà Anna đã già và hiếm muộn. Bữa kia, bà ngồi dưới cây nguyệt quế, nhìn tổ chim én ríu rít mà buồn vô hạn cho thân phận son sẻ của mình, thì một thiên sứ hiện đến báo tin rằng Chúa đã nhậm lời cầu của bà cho bà thụ thai và sinh con. Để đáp ơn, bà Anna hứa sẽ dâng con vào đền thờ để phục vụ Chúa. (Tích này nhắc lại bà Anna mẹ của ông Samuel).

2). Dâng mình vào đền thờ. Khi bé Maria lên ba tuổi, thì được dâng vào đền thờ. Thầy cả bồng ẵm cô bé, hôn và thốt lên: "Thiên Chúa đã tán dương danh của bé cho đến hết mọi thế hệ". Thầy cả đặt bé xuống bậc cấp thứ ba dẫn lên đền thờ; cô bé múa nhảy, trước sự trầm trồ ngạc nhiên của cả nhà Israel. Song thân ra về an tâm vì không thấy cô bé đòi trở về nhà. Maria ở lại trong đền thờ, và có thiên thần đem lương thực tới nuôi dưỡng.

3). Đính hôn với Giuse. Đến khi lên 12 tuổi, thì cô bé bắt đầu đến tuổi kinh nguyệt, và phải rời bỏ đền thờ. Các thầy cả phải đi tìm chồng cho cô. Sách Matthêo giả (Pseudo-Mattheus, tk 7-8) thuật lại rằng một thầy cả tên là Abiathar mang đồ lỡi tới xin Thượng tế cho Maria làm vợ của con trai mình. Nhưng Maria khước từ: "Không thể nào mà tôi biết tới một người nam, và một người nam biết đến tôi được". Bấy giờ Chúa mới phán với Thượng tế: "Hãy mang các cây que của những chàng nào muốn cưới Maria vào trong nơi cực thánh của đền thờ. Ngày mai, từ ngọn của một cây que sẽ bay ra một con bồ câu: cây đó thuộc về ai thì người đó sẽ là bạn trăm năm của Maria". Sáng sớm hôm sau, khi thấy các chàng trai trở lại, Thượng tế bước vào gian cực thánh để rút các que ra nhưng chẳng thấy chim câu nào hết. Bấy giờ thiên sứ mới nói với Thượng tế rằng: "còn một cây que nhỏ mà thầy không có để ý tới". Và que ấy thuộc về Giuse, một ông lão đứng khúm núm, tỏ vẻ sợ sệt. Thượng tế kêu to: bác Giuse, tới đây mà lấy que về đi. Khi Giuse vừa đụng tay tới cây que, thì từ ngọn bay ra một con chim câu trắng toát hơn tuyết, xinh đẹp tuyệt vời, bay vót vào tầng mầy. - Cũng nên biết rằng, vì muốn bảo vệ sự trinh khiết cho đức Maria, nên các tác giả ngụy thư mô tả thánh Giuse như một lão ông. Cũng vậy, nhằm giải quyết vấn nạn chung quanh các "anh em của Chúa Giêsu", người ta cho rằng Giuse góa vợ; vì thế "các anh em của Chúa Giêsu" được giải thích như là các anh cùng cha khác mẹ.

4). Truyền tin. Khi thấy Maria mang bầu, theo Phúc âm nguyên thủy của Giacôbê, thời tất nhiên nhiều người hoài nghi là Maria đã ngoại tình. Vì thế, để giải oan, thầy cả bắt uống một thứ nước đắng theo như thủ tục Maisen đã ấn định (Sách Dân số chương 5). Tuy nhiên Maria không bị nước đắng hành gì cả. Toàn dân bỡ ngỡ vì Maria không có tội gì. Giuse đã nhận Maria, và vui vẻ trở về nhà, miệng không ngớt lời tung hô Chúa.

5). Cuộc Tử nạn và Phục sinh. Theo Phúc âm Gamaliel (thế kỷ 5-6), Maria đứng gần bên Thánh giá, khóc sướt mướt, không dám ngẩng mặt nhìn con mình hấp hối. Mãi hồi lâu, Maria mới hỏi Gioan: Gioan ơi, con mẹ đã chết rồi ư? Gioan gật đầu: Chúa chết rồi, mẹ ạ!. Thế rồi suốt ngày thứ 6 và cả ngày thứ 7, mẹ Maria khóc than vì con mình bị chết. Thế nhưng, tới sáng sớm ngày chúa nhật, Maria không cầm mình được nữa, và chạy tới mồ. Tại đây, Chúa đã hiện ra và trò chuyện hết sức thân mật âu yếm với mẹ mình: "Lạy Chúa và là con tôi, con sống lại đấy ư?. Maria quỳ xuống để hôn Chúa. Chúa đã nhờ mẹ báo tin cho các tông đồ về sự sống lại.

6) Ngày tạ thế của Đức Maria. Có tới ba bản văn nói tới biến cố này: "Sách an nghỉ" (tiếng etiopia, tk 5-6), "Giấc ngủ của đức Maria" (Dormitio Mariae, gốc bằng tiếng hy lạp, tk 4-5), và "Sự qua đời của đức Maria" (Transitus Mariae, latinh). Đức Maria thường ra viếng thăm mồ Chúa như thói quen, để dâng hương khấn nguyền xin Chúa Kitô trở về với mình. Một bữa kia, nhằm ngày thứ 6, thiên thần Gabriel hiện đến báo tin rằng lời nguyện đã được Chúa nhậm lời. Đức Mẹ liền trở về Bêlem và xin Chúa ban cho thánh Gioan đang ở Ephêsô cũng như các thánh tông đồ khác được họp mặt giã từ. Ước nguyện ấy cũng được chấp nhận: Gioan từ Êphêsô, Tôma từ Ấn độ, Marcô từ Alexanđria, Matthêo đang ở giữa biển, .. đã được Chúa Thánh Thần xách về Bêlem. Đức Maria cất lên bài ca tụng Thiên Chúa vì đã thực hiện những kỳ công nơi mình. Sang qua ngày chúa nhật,Chúa Kitô căung với cơ binh thiên thần đến rước linh hồn Mẹ về trời. Các tông đồ đem an táng xác của Mẹ trong một ngôi mộ ở Giêrusalem, nhưng sau ba ngày cơ binh thiên thần từ trời xuống đưa xác của Mẹ về thiên đàng. Sách "Khải huyền của thánh Phaolô" còn thêm rằng nhân ngày Mẹ về trời, Chúa đã ân xá cho một số tội nhân ở dưới hỏa ngục.

Danh Maria (Myriam)
Trong kinh thánh, bà chị của Maisen và 6 phụ nữ trong Tân ước cũng mang tên này. Đã có tới hơn 60 lối giải thích ý nghĩa của tên. Theo thánh Hiêrônimô, từ gốc aramaic, "Mar" có nghĩa là bà chủ. (Nhưng mà có lẽ hợp với tên Marta hơn là Maria!). Theo các khoa ngôn ngữ học, thì có 3 nguyên ngữ: 1/ "Mara" (ai cập) có nghĩa là đẹp, phương phi. 2/ "Mari" (ai cập): kẻ được yêu. 3/ "Mrym" (ugarit): trổi vượt, cao vót.