Hai Tín Điều Vô Nhiễm Nguyên Tội Và Hồn Xác Lên Trời - Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP

Trong khi mà chân lý về đức Maria Mẹ đồng trinh của Chúa Giêsu đã được tuyên xưng trong các tín biểu cổ điển và trong những tác phẩm của các giáo phụ, hai tín điều Đức Maria vô nhiễm nguyên tội và hồn xác lên trời mới được tuyên bố vào thế kỷ 19 và 20. Hai tín điều cổ điển liên hệ tới mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể
CHƯƠNG III. HAI TÍN ĐIỀU VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI VÀ HỒN XÁC LÊN TRỜI
 
Trong khi mà chân lý về đức Maria Mẹ đồng trinh của Chúa Giêsu đã được tuyên xưng trong các tín biểu cổ điển và trong những tác phẩm của các giáo phụ, hai tín điều Đức Maria vô nhiễm nguyên tội và hồn xác lên trời mới được tuyên bố vào thế kỷ 19 và 20. Hai tín điều cổ điển liên hệ tới mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể; còn hai tín điều cận đại liên hệ tới ơn cứu độ của đức Kitô, xét vì đức Maria là người đầu tiên được hưởng nhờ ơn cứu chuộc của đức Kitô. Hồng ơn ấy ảnh hưởng tới hai chặng khởi đầu và kết thúc của cuộc đời đức Maria. Hai tín điều này dựa trên một vài chân lý căn bản sau đây thuộc về lịch sử cứu độ:
1/ Đức Kitô đã chiến thắng tội lỗi và sự chết nhờ chính sự chết và phục sinh của Ngài. Tất cả các Kitô hữu thông hưởng hồn ơn ấy nhờ bí tích rửa tội. Đức Maria cũng lãnh được hồng ân ấy, nhưng với một cách thức đặc biệt: Người được khỏi tội ngay từ giây phút đầu tiên thành người; và Người đã vượt thắng cái chết liền sau khi mãn cuộc đời dương thế.
2/ Mọi ơn sủng được thông cho nhân loại nhờ đức Kitô. Do đó đức Maria cũng cần tới ơn cứu độ của đức Kitô. Sự vô nhiễm nguyên tội không phải là do công lênh riêng tư của đức Maria nhưng là do hậu quả cứu chuộc của đức Kitô.
3/ Giáo hội lĩnh nhận kho tàng mạc khải từ các thánh tông đồ, và phải cẩn thủ nguyên vẹn, không thêm bớt. Nói thế không có nghĩa là phải giữ gìn kho tàng mạc khải như một món đồ cổ! Xét vì mạc khải là một cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa với con người, nên trải qua dòng thời gian, Giáo hội nghiền ngẫm lời Chúa, và cố gắng đào sâu thêm nội dung của nó. Hai tín điều mới được công bố trong hai thế kỷ gần đây không phải là hai chân lý mới được mạc khải, nhưng là do sự tiến triển trong ý thức của Giáo hội về vai trò đặc biệt của đức Maria vào công cuộc cứu chuộc của đức Kitô. Từ những thế kỷ đầu tiên, Giáo hội đã tin rằng đức Maria đã giữ một địa vị rất ưu thế trong công trình cứu chuộc của đức Kitô (thí dụ qua lời chúc tụng Người "đầy ơn phúc"). Tuy nhiên cần phải chờ thời gian, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Giáo hội mới hiểu rõ thêm nội dung súc tích của niềm tin sơ khởi ấy. Cũng cần phải thêm rằng chặng đường tiến triển không phải lúc nào cũng êm xuôi, bởi vì có khá nhiều chướng ngại đối kháng với sự phát triển tín điều.

Mục I.Sự tiến triển tín điều vô nhiễm nguyên tội.
A. Lịch sử.
1) Vào thời các giáo phụ, người ta đã nhận sự thánh thiện của đức Maria, cũng như sự thánh thiện "đầy tràn" (plena gratia) nơi Người vì đã cộng tác cách đặc biệt vào công cuộc cứu rỗi của Chúa Kitô. Dầu vậy, chưa mấy ai đặt lên vấn đề xem đức Maria thánh thiện (được khỏi tội) từ lúc nào. Mặt khác, việc Người thông hưởng ơn cứu chuộc của đức Kitô được áp dụng vào việc sống lại hơn là vào lúc sinh ra. Thực ra, các giáo phụ chú trọng tới việc bảo vệ các chân lý về đức Kitô (chống lại bao nhiêu thứ lạc thuyết) hơn là nghĩ tới đức Maria. Riêng về đức Kitô, Giáo hội thời đó thâm tín rằng: a) Duy có đức Kitô mới là Đấng Toàn thánh bởi vì Ngài được hợp nhất với Ngôi Lời. b) Hết mọi con cháu Adong đều cần được đức Kitô cứu chuộc. Trong bối cảnh ấy khó có thể nói tới đức Maria toàn thánh, không hề bao giờ mắc tội, bởi vì Người cũng là con người chứ không được kết hợp với Chúa, cũng vậy, Người cũng cần được đức Kitô cứu chuộc như các con cái Adong khác.
Ngoài ra, cũng nên biết là vào những thế kỷ ấy, đạo lý về bản chất của tội nguyên tổ chưa được xác định rõ: có người thì coi nó như là cái chết thể lý; người thì coi như là "cái chết thứ hai" (bị khổ hình trong hỏa ngục); có người thì coi nó như là dục vọng (concupiscentia); thuyết nữa thì giải thích như là thân xác sẽ bị tan nát trong mồ; sau cùng lại còn thuyết "hoàn toàn hủy diệt" (nghĩa là sau khi chết rồi thì con người sẽ tan tành ra hư vô). Với thánh Augustinô thì học thuyết mới được thành hình dần dần: trong cuộc tranh luận với phe Pelagio, Augustinô coi hậu quả của tội nguyên tổ như là con người bất lực hoàn toàn để đạt được ơn cứu rỗi. - Ngoài ra, liên quan tới tội nguyên tổ, thần học thời đó cũng chưa có khái niệm rõ rệt về hai vấn đề sau: (i) tội nguyên tổ truyền lại như thế nào: qua sự sinh sản (tinh trùng)? hậu nhiên nếu đức Maria đã sinh ra qua sự giao hợp thường tình của cha mẹ, thì đương nhiên cũng mắc tội. (ii) Từ khi nào con người xuất hiện, nghĩa là có linh hồn để có thể lãnh nhận ơn thánh hay mắc tội: ngay từ khi thụ thai (khi noãn thụ tinh)? hay một thời gian sau đó?
2) Những nhân tố đưa tới sự sáng tỏ đạo lý về Đức Maria vô nhiễm nguyên tội. Có hai nhân tố chính: (i) phụng vụ; (ii) thần học.
Phụng vụ. Từ thế kỷ thứ 8 bên Đông phương xuất hiện lễ "đức Maria thụ thai" (De conceptione beatae Mariae) mừng vào ngày 8 tháng 12 (nên biết là lễ sinh nhựt đức Mẹ đã được cử hành vào ngày 8 tháng 9 từ lâu đời). Lúc đầu có lẽ người ta mừng sự "thụ thai lạ lùng" dựa trên ngụy thư (Phúc âm của thánh Giacôbê) nói về việc bà thánh Anna son sẻ mang thai khi đã lớn tuổi và ông Gioakim đã lên sa mạc. Lễ này được truyền qua Tây phương hồi thế kỷ thứ 9. Tại Anh, vào thế kỷ 11, lễ được đổi tên là "thụ thai vô nhiễm" (immaculata conceptio), rồi từ đó lan sang Pháp quãng năm 1130. Vì có nhiều nhà thần học chống đối, nên lễ bị quên bặt một thời gian. Mãi tới thế kỷ 14, do sự cổ động của Gioan Duns Scôtô, lễ lại được truyền bá. Đức Giáo hoàng Sisto IV chuẩn y bài lễ và bài nguyện lễ Vô nhiễm năm 1477; vào năm 1483, Ngài lên án những người chống đối lại các nhà giảng thuyết về chân lý này. Từ cuối thế kỷ 15, nhiều đại học chỉ cấp bằng cho những sinh viên nào thề sẽ bảo vệ chân lý Vô nhiễm, thí dụ: Paris (1497); Colonia (1499), Vienna (1501), Valencia (1530), Barcelona, Granada, Compostella, Toledo (1717), Salamanca, Palermo (1618). Năm 1708, đức Clementê XI nâng lễ Vô nhiễm lên hàng lễ buộc, và năm 1863 đức Pio IX chuẩn y Bài lễ và bài nguyện đã được duyệt lại.
Các thần học gia.
Thánh Anselmo de Cantebury (+1109) bắt đầu những cuộc khảo luận thần học về Đức Maria vô nhiễm. Thánh Anselmô nhận thấy vấn nạn sẽ được nêu lên: nếu đức Maria được sạch tội ngay từ lúc thụ thai, thì hóa ra Người không cần đến ơn cứu chuộc hay sao? Thánh Anselmô trả lời là Người được "tiền cứu chuộc" (redemptio anticipata), nghĩa là được hoàn toàn cứu chuộc ngay từ trước khi sinh ra (kiểu như thánh Gioan Tẩy giả), vì thế đức Maria được gọi là "Toàn thánh". Một môn đệ của Anselmô tên là Eadmêrô (+k.1134) nại tới sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa: Nếu Chúa muốn cho đức Maria sinh ra nguyên tuyền giữa bụi gai thì có khó chi? Miễn là Chúa muốn thì tất là được ("Potuit plane et voluit; si igitur voluit, fecit" : Tractatus de conceptione Sanctae Mariae, 12: PL 159,305).
Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà thần học đều đồng ý với lập luận ấy. Thánh Bernarđô và Phêrô Lombarđô không chấp nhận đạo lý đức Maria vô nhiễm, vì những vấn nạn về ơn cứu chuộc; cũng vì vậy, cả hai cũng chống việc cử hành lễ kính phụng vụ. Sang thế kỷ 13, thánh Albertô và thánh Tommasô Aquinô cũng gặp thấy khó khăn trong việc dung hòa giữa đạo lý vô nhiễm với đạo lý về tất cả mọi người đều cần được đức Kitô cứu rỗi. Tuy nhiên thánh Tommasô cho rằng có thể chấp nhận là đức Maria được thánh hóa trong lòng mẹ ngay từ khi thụ thai (sanctificatio in utero; III, q.27,1).
Gulielmô de Ware và Gioan Scôtô giải quyết vấn nạn bàng cách phân biệt giữa ơn thánh "rào đón" (gratia praeveniens) và ơn thánh "chữa trị" (gratia curans). Cả hai đều là hậu quả của ơn cứu chuộc của đức Kitô; nhưng đức Maria được ơn thánh "dự phòng" (redemptio praeservativa), nghĩa là Người được giữ gìn khỏi tội vì nhắm thấy trước những công nghiệp của đức Kitô. Duns Scôtô viết rằng: giữ gìn ai cho khỏi sự dữ thì tuyệt hơn là để cho họ rơi vào sự dữ rồi mới cứu ra. Do đó nếu đức Kitô đã lập công mang lại cho các linh hồn ơn sủng và vinh quang (Ngài là đấng Trung gian và Cứu độ của hết mọi người), thì sao lại không thể có linh hồn mmang ơn Ngài vì được gìn giữ tinh tuyền?" (De Immaculata Conceptione B. Virginis Mariae, q.1). Một môn đệ của Scôtô tên là Phanxicô Mayronis đã khẳng định thêm: "potuit, decuit, ergo fecit": Thiên Chúa có thể làm được, Ngài thấy đáng làm, vì thế Ngài đã làm".
Lập luận của Scôtô đã giúp cho các nhà thần học giải quyết những vấn nạn gai góc nhất. Thực vậy, các khó khăn được nêu lên từ trước đến giờ không phải bắt nguồn từ chỗ thiếu lòng tôn kính với đức Maria, nhưng mà vì không tìm cách dung hợp đạo lý vô nhiễm với đức tin nòng cốt của Kitô giáo, tức là: tất cả mọi người đều cần được đức Kitô cứu chuộc.
Từ đức Sixtô IV (+1484), Tòa thánh bắt đầu can thiệp vào cuộc tranh luận thần học, và dần dần bày tỏ lập trường bên vực đạo lý về đức Mẹ vô nhiễm. Thực ra, đức Sixtô IV chỉ cấm đôi bên (dù bênh hay chống) đừng tố cáo nhau là rối đạo (Bulla "Cum praeexcelsa" năm 1477, và "Grave nimis" năm 1482); nhưng mặt khác Ngài đã phê chuản bài lễ phụng vụ kính đức Mẹ vô nhiễm. Công đồng Trentô (1546) tuy không đả động trực tiếp tới đạo lý này, nhưng cũng tuyên bố không đặt đức Maria trong số những người mắc tội tổ truyền như tất cả mọi người khác (sess.V, decretum de peccato originali, 5: Dz-Sch. 1516). Vào năm 1661, đức Giáo hoàng Alexandrô VII cho rằng đạo lý đã có tính cách phổ quát, và cấm nói ngược lại (Breve Sollicitudo omnium ecclesiarum, 8/12/1661: Dz-Sch 2015).
Vào đầu năm 1849 (thông điệp "Ubi primum" ngày 2/2/1849), đức Piô IX đã tham khảo ý kiến tất cả các Giám mục hoàn cầu về hai điểm: 1/ Giáo hội có tin rằng đây là đạo lý do Chúa mạc khải hay không? 2/ Có nên long trọng tuyên bố thành tín điều không? Trong số 603 giám mục chính tòa, 546 vị đã trả lời chấp thuận cả hai điểm. Tín điều được công bố ngày 8/12/1854 (Bulla Ineffabilis Deus).

B. Nội dung Tín điều
"Chúng tôi tuyên bố (declaramus, pronuntiamus et definimus) rằng đây là một đạo lý được Chúa mặc khải: Trinh nữ rất thánh Maria, vào lúc đầu tiên thụ thai đã được gìn giữ không mắc phải tì ố của tội nguyên tổ, do ơn thánh đặc biệt và đặc ơn của Thiên Chúa toàn năng, và vì nhắm tới các công nghiệp của Đức Giêsu Kitô Đấng Cứu chuộc loài người. Vì vậy hết mọi tín hữu phải tin vững chắc điều đó". Vài nhận xét.
1) Đức Piô IX tuyên bố rằng đạo lý về Đức Maria vô nhiễm nguyên tội là một chân lý mặc khải. Nhưng Ngài không xác định là mặc khải như thế nào. Theo mạch văn của toàn văn kiện, có lẽ phải nói là mạc khải cách ám tàng (implicite).
2) Đức Maria đã nhận được một hồng ân phi thường, một đặc ân (singulari gratia et privilegio): Người được thánh hóa theo đường lối ngoại lệ, khác với các tín hữu khác.
3) Sự khác thường ấy hệ tại chỗ Người được hưởng ơn cứu chuộc của đức Kitô trước những người khác: "vì nhắm tới những công nghiệp của đức Giêsu Kitô Đấng Cứu chuộc loài người" (intuitu meritorum Christi Iesu Salvatoris humanis generis). Đức Maria được thánh hóa do ơn thánh mà Đức Kitô mang lại, chứ không phải được hưởng ơn thánh hóa mà nguyên tổ đã có trước khi phạm tội.
4) Đức Maria đã được gìn giữ không mắc phải tì ố của tội nguyên tổ (ab omni originalis culpae labe preservatam immunem): nghĩa là được giải thoát khỏi tội nguyên tổ. Tuy nhiên, nên lưu ý là văn kiện không đả động gì tới việc Người có mang theo những hậu quả của tội đó hay không (những hậu quả mà chính đức Kitô đã muốn gánh lấy để tỏ tình liên đới với nhân loại: thư Hibá 4,15). Văn kiện cũng không đả động tới những ơn ngoại nhiên (dona praeternaturalia) mà Adong đã hưởng trước khi phạm tội. Đức Pio IX không tuyên bố gì về việc đức Maria không mắc bệnh tật, đau đớn, mệt nhọc, những đam mê ... tuy rằng đã có ý kiến yêu cầu gói ghém cả trong tín điều.

C. Nền tảng Kinh thánh.
Trong Kinh thánh, không có tìm thấy đoạn văn nào nói rõ ràng rằng Đức Maria không mắc tội nguyên tổ. Tuy nhiên, do sự tiến triển đạo lý, Giáo hội đã tìm thấy những nền tảng trong Kinh thánh để có thể quả quyết rằng đây là một chân lý được Chúa mặc khải. Nói cách khác, ta không nên đọc Kinh thánh thuần túy theo nghĩa văn chương, nhưng cần đựơc đọc trong truyền thống đức tin của Hội thánh.
1) Đức Maria là "Kẻ đầy ơn Chúa" (kecharitoméne: Lc 1,28). Người là kẻ đã được yêu thương tuyển chọn trong zưc Kitô (Ep 1,4-5). Đạo lý vô nhiễm nguyên tội muốn xác nhận một chi tiết của sự "đầy ơn" ấy khi xét tới giai đoạn khởi đầu hiện hữu. Thiên Chúa đã yêu thương chọn Người làm mẹ của Con Ngài, Đấng Cứu chuộc nhân loại, và Người đã đáp lại bằng cuộc hiến dâng trót cả cuộc đời cho Chúa, như ta thấy trong cảnh thiên sứ Truyền tin. Từ đó ta có thể nhận thấy rằng trót cả đời Người thuộc về Chúa: tội lỗi (đồng nghĩa với sự khước từ Thiên Chúa) không thể len lỏi vào cuộc đời ấy.
2) Sự thù nghịch giữa người nữ và con rắn (St 3,15). Dĩ nhiên, đoạn văn này không nói chi tới đức Maria hết. Tác giả của nó chưa có nghĩ tới đức Maria. Tuy nhiên, Thiên Chúa - tác giả của chương trình mạc khải - đã nghĩ tới điều mà con người tác giả chưa biết tới. Có lẽ tác giả cũng chưa có nghĩ tới đức Kitô nữa, mà chỉ nghĩ tới cuộc chiến đấu trường kỳ giữa dòng dõi của phụ nữ (bà Eva, mẹ của chúng sinh St 3,20, với con cháu của bà tức là cả loài người). Mãi tới khi công cuộc cứu rỗi đã hoàn tất, thì ta mới biết được đức Kitô là "Adong mới" (Rm 5), và đức Kitô cũng chính là miêu duệ của Abraham làm thừa kế các lời hứa (Gl 3,16). Các giáo phụ tiếp tục khai triển thần học về đức Kitô như là Adong đệ nhị đã mang lại ơn cứu độ nhờ sự tuân phục (Rm 5; Pl 2,5-11); từ đó các ngài khám phá ra vai trò của đức Maria như là Eva mới, đã trở thành thù địch của con rắn vì hoàn toàn vâng phục tin Chúa. Cũng vì vậy mà Người hoàn toàn thánh thiện, tuy dẫu ở bên cạnh đức Kitô và tùy thuộc vào Ngài: chính đức Kitô là kẻ đạp dập đầu con rắn; còn đức Maria đứng ben cạnh như thù địch truyền kiếp của nó.
3) Những hình ảnh Cựu ước về đức Maria. Các nhà chú giải Kinh thánh đã ghi nhận rằng khi trình bày chân dung của đức Maria, các thánh sử Phúc âm đã áp dụng cho Người nhiều hình ảnh Cựu ước mà họ coi là đã được thể hiện nơi đức Maria, thí dụ như hình ảnh về "thiếu nữ Sion" (đức Maria là biểu tượng của Israel, dân ưu tuyển của Chúa), "hòm bia Thiên Chúa". Khi bàn về sự thánh thiện của đức Maria, truyền thống và phụng vụ cũng áp dụng một hình ảnh có ý nghĩa đặc biệt cho Người, thí dụ "cung thánh của Đấng Tối cao". đức Maria được ví như thánh điện Giêrusalem, nơi Thiên Chúa đến gặp gỡ Dân Ngài. Trong trình thuật Truyền tin, thiên sứ Gabriel đã nói tới quyền năng của Đấng Tối cao phủ rợp trên Người (Lc 1,35) : nếu trong Cựu ước, khi Thiên Chúa đã chiếm ngự đền thờ thì không ai có thể lai vãng đến gần (Xh 40,35; 2 Sb 5,11-14), thì cũng có thể nói rằng khi Đấng Tối cao chọn đức Maria làm cung điện cho mình thời tất nhiên Ngài cũng thanh luyện và thánh hóa ngõ hầu xứng đáng để đón tiếp Ngôi Lời nhập thể. Chúa đã muốn cho đền thờ thiêng liêng thuộc trọn về Ngài, và không để cho ai khác chiếm ngự trước; vì vậy Ngài đã giữ gìn đức Maria không hề phải dưới bóng của tội lỗi. Kinh nguyện phụng vụ ngày lễ Mẹ vô nhiễm đã gợi lên đề tài ấy: "Lạy Chúa, Chúa đã dọn sẵn một cung điện xứng đáng cho Con Chúa giáng trần khi làm cho đức Trinh Nữ Maria khỏi mắc tội tổ tông ngay từ trong lòng mẹ ...".

D. Ý nghĩa thần học.
Chân lý về đức Maria vô nhiễm được mặc khải không phải qua một đoạn văn nào cụ thể, nhưng là từ khung cảnh của toàn bộ mặc khải. Do đó, mà muốn hiểu đúng đắn tín điều này, ta cũng cần phải lồng nó trong toàn bộ lịch sử cứu rỗi, chứ không thể nhìn nó như chân lý cô lập chỉ liên can tới cá nhân đức Maria. Tín điều đức Maria vô nhiễm cần được nhìn trong mối tương quan với Chúa Cứu thế và trong mối tương quan với Hội thánh, cũng như trong kế hoạch cứu rỗi.
1) Trong kế hoạch cứu rỗi.
Tín điều vô nhiễm nguyên tội nói lên ơn tuyển chọn của Thiên Chúa. Ngài tuyển chọn ta ngay từ nguyên thủy, vì yêu thương ta chứ không vì công trạng của ta (x.Ep 1,4). Chúa chọn ta nên thánh, và muốn cho ta nên thánh bất chấp khuynh hướng phản nghịch tội lỗi của ta.
2) Trong tương quan với Chúa Cứu thế.
Trong phần lịch sử, chúng ta đã thấy những dè dặt và vấn nạn chung quanh đạo lý Mẹ Maria vô nhiễm bắt nguồn từ niềm thâm tín rằng hết mọi người đều cần được đức Kitô cứu chuộc; từ đó, nhiều nhà thần học thấy khó mà chấp nhận việc đức Maria không hề mắc tội: chẳng lẽ Người không cần gì đến đức Kitô hay sao? Vấn nạn ấy đã được vượt qua khi thần học nói tới tác động của ơn thánh nơi đức Maria là phòng ngừa (ngăn chặn), khác với chúng ta lãnh nhận tác động chữa trị. Cuộc tranh luận thần học ấy đã làm nổi bật rằng đức Maria tùy thuộc chặt chẽ vào Chúa Cứu thế. Đức Maria được thánh hóa không phải do công lao tập tành của mình, nhưng là do hồng ân của Chúa. Hơn thế nữa, hồng ân ấy không những chỉ tác dụng nơi Người vào lúc bắt đầu hiện hữu, giữ gìn Người khỏi mắc tội nguyên tổ mà thôi; nó còn tác động trên suốt cuộc đời của Người, biến Người nên cung điện của Thiên Chúa.
Không những đức Maria được khỏi tội tổ tông truyền do hậu quả của ơn cứu chuộc của đức Kitô mà thôi; ta cũng có thể thêm rằng Người được ơn vô nhiễm để phục vụ ơn cứu chuộc nhân loại. Người được cứu chuộc khỏi mọi tội để cộng tác với đức Kitô vào chương trình cứu chuộc nhân loại.
3) Trong tương quan với Giáo hội và nhân loại.
Điều nhận xét vừa nói đòi hỏi chúng ta phải xét lại cách thức trình bày ơn vô nhiễm nguyên tội. Một đàng nó không phải chỉ là một đặc ân dành riêng cho cá nhân của đức Maria, song là vì nhắm tới chương trình cứu rỗi của cả nhân loại. Đàng khác đặc ân ấy không phải chỉ có khía cạnh tiêu cực (giữ gìn cho khỏi tội) và còn có khía cạnh tích cực nữa. Tội không phải chỉ là một vết nhơ, tì ố; nhưng tội là một thái độ khước từ tình yêu, khép cửa lại trước tình yêu của Thiên Chúa. Khi phạm tội, con người đóng cửa lòng lại, chỉ biết nghĩ tới mình, coi mình là chúa. Bởi vậy, khi nói rằng đức Maria được khỏi tội thời cần phải hiểu rằng Người được giải thoái khỏi thái độ ích kỷ, khỏi những chướng ngại ngăn trở lòng mến Chúa. Đức Maria được gìn giữ khỏi tội có nghĩa là Người được chuẩn bị để có thể đón nhận tình yêu của Chúa không chút dè giữ, để có thể quảng đại đáp lại ơn gọi, để có thể hợp tác toàn vẹn với ơn thánh. Đức Maria được gìn giữ khỏi tội có nghĩa là Người có thể trao hiến toàn thân cho Thiên Chúa để phục vụ kế hoạch của Ngài.
Nơi đức Maria, Giáo hội nhìn ngắm một phần tử ưu tú của mình đã chiến thắng tội lỗi và tính ích kỷ nhờ hồng ơn của đức Kitô. Nơi Người, Giáo hội thấy rằng con người, nhờ có ơn thánh, có thể đáp lại tiếng gọi của Chúa, vượt thắng tội lỗi. Nơi đức Maria vô nhiễm, Giáo hội chiêm ngắm sức mạnh của ơn thánh Chúa, và tin tưởng rằng ơn thánh có sức mạnh hơn tính yếu đuối mỏng dòn của con người. Trong khi mà ơn thánh tác động nơi đức Maria, gìn giữ Người cho khỏi phạm tội, thì nơi chúng ta ơn thánh tác động để tha thứ sau khi chúng ta đã phạm tội; tuy vậy, chúng ta cũng có quyền tin tưởng vào quyền năng của ơn thánh Chúa, để cầu xin Chúa "cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ". (Xem sách Giáo Lý HTCG số 2853-2854).
Vì muốn diễn tả khía cạnh tích cực của tín điều, một số nhà thần học đã muốn thay đổi danh xưng: thay vì gọi đức Maria là Đấng vô nhiễm (Immaculata), thì nên gọi là Kẻ toàn thánh (Tota sancta: Pan-aghina tiếng hy lạp), một tước hiệu được sách Giáo lý Hội thánh công giáo nhắc tới ở các số 493.2677. Dù sao ta thấy trong sách GL có cả hai khía cạnh: vô nhiễm (488-493) và thánh thiện, đầy ơn (721-726; 2767). Nơi đức Maria toàn thánh, Hội thánh chiêm ngưỡng lý tưởng toàn thánh của mình (829; 967).

E. Những tranh luận sau công đồng về bản chất tội nguyên tổ.
Vào những năm sau công đồng Vaticano II, tín điều về tội nguyên tổ đã bị xét lại. Tội nguyên tổ là gì? Thần học cổ điển nói tới hai khía cạnh của tội nguyên tổ: a/ tội do nguyên tổ phạm; b/ tội mà nguyên tổ truyền lại cho con cháu. Dưới khía cạnh thứ nhất, thì tội nguyên tỏ là một hành vi luân lý (bất tuân luật Chúa) do nguyên tổ phạm, và chịu trách nhiệm. Dưới khía cạnh thứ hai, thì "tội" hiểu theo nghĩa suy loại, xét vì tất cả loài người rơi vào tình trạng đối nghịch với Chúa không phải do sự lựa chọn cá nhân, nhưng do tình liên đới của tất cả giòng dõi loài người (trong công nghiệp cũng như trong tội trạng).
Tội nguyên tổ (xét dưới khía cạnh thứ hai) đã bị xét lại vì ba lý do: khoa học, nhân bản, kinh thánh. 1) Dưới khía cạnh khoa học, có thể nói tới tội nguyên tổ khi mà không chắc gì tất cả loài người phát xuất từ một đôi vợ chồng, nhưng có thể là đã có nhiều cặp "nguyên tổ"? 2) Dưới khía cạnh nhân bản, tại sao lại con người lại mắc một tội mà mình không hay biết và không đồng ý gì cả? 3) Kinh thánh (Kn 2-3; Rm 5,12) có chủ ý quả quyết sự hiIẹn hữu của tội nguyên tổ hay không, hoặc chỉ nhắm đề cao sự cần thiết của ơn cứu rỗi?
Một số nhà thần học đã cố gắng giải thích bản chất của tội nguyên tổ theo những chiều hướng sau.
1) Chiều hướng tiến hóa (P. Teilhard de Chardin). Vũ trụ này hướng tới đích điểm tuyệt hảo nơi đức Kitô. Trên con đường tiến hóa ấy, có lực lượng của sự dữ nhăn cản. Tội nguyên tổ tượng trưng của Lực lượng sự Ác nằm trong thế giới, gây ra những xáo trộn, làm cản trở sự tiến hóa. Theo chiều hướng đó, H. Hulbosch coi tội nguyên tổ như là sự bất lực của con người, không thể đạt tới mục tiêu mà Chúa đã định cho nó.
2) Chiều hướng xã hội. H. Rondet giải thích tội nguyên tổ theo nghĩa là những tội ác chế ngự trong xã hội loài người (Tội của thế gian, theo 1Ga 2,15t; 5,19..). Dù muốn dù không, mỗi người chúng ta sống trong xã hội cũng chấp nhận hay nhúng tay vào những tội lỗi ấy.
3) Chiều hướng hiện sinh. A. Vanneste cho rằng khi ra đời, đứa bé đã mang một mầm mống tội lỗi (khuynh hướng khước từ đức Kitô); những khuynh hướng ấy dễ thành "tội" khi có ý chí can thiệp vào.
Tuy nhiên, ngoài những tác giả cố gắng giải thích bản chất của tội nguyên tổ, thì cũng có người đặt lại nghi vấn về tội nguyên tổ: họ cho rằng kinh thánh (cách riêng thánh Phaolô) không có nhằm quả quyết tội nguyên tổ cho bằng việc tất cả mọi người cần đến đức Kitô cứu rỗi (D. Fernandez).
Không phải tất cả những tác giả vừa nói đều xét tới những hậu quả đối với tín điều đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội. Riêng cha Domingo Fernandez, tuy phủ nhận tội nguyên tổ, nhưng đồng thời cũng nói rằng điều đó không ảnh hưởng chi tới tín điều Đức Mẹ vô nhiễm. Bởi vì tín điều này không phải chỉ nói lên một khía cạnh tiêu cực (không mắc tội tổ tông) nhưng còn bao hàm bao nhiêu khía cạnh khác nữa: không hề phạm tội, luôn luôn mở rộng đón tiếp Chúa, thánh thiện, trung thành với chương trình của Chúa. Do đó, trong khi trình bày tín điều này, nhấn phải nhấn mạnh tới khía cạnh tích cực (đưhc Chúa yêu thương tuyển chọn, cởi mở đón nhận ơn Chúa ...) hơn là nói tới khía cạnh tiêu cực (không mắc tội).
Như đã nói trên đây, thần học hiện đại đã cố gắng đi theo chiều hướng tích cực đó: Đức Maria "đầy ơn sủng", "toàn thánh".

Mục II. Sự tiến triển tín điều Mông triệu.
Sánh với tín điều Vô nhiễm tội truyền, thì sự tiến triển của đạo lý về đức Mẹ lên trời gặp ít khó khăn hơn. Như đã nói trước đây, cả hai đều nói lên tác dụng của ơn cứu chuộc, một đàng là vào lúc khởi đầu cuộc đời của đức Maria và đàng khác là vào lúc kết liễu sự sống ở trần thế.
A. Lịch sử
Ngay từ buổi đầu của Giáo hội, người ta tin rằng cuộc đời thánh thiện của đức Maria đã kết liễu một cách rất tốt đẹp. Phụng vụ đã cử hành ngày qua đời của Người dưới nhiều tên gọi: Dormitio (an giấc), Depositio (an táng), Transitus (qua đời), Natalis (ngày sinh vào nước Chúa). Tất cả những danh từ đó được dùng để nói tới cái chết của đức Maria. Tiếng "assumptio" (bởi động từ assumere; sumere: cất lấy; ad: kết hợp, đoàn tụ) lúc đầu ám chỉ việc linh hồn Người được vào vinh quang Chúa (giống như các thánh); về sau, do ảnh hưởng của tác phẩm De Assumptione B.V. Mariae (gán cho Augustinô), từ ngữ này được dùng để chỉ việc Người được cất về trời. Nicolas de Claravalle bắt đầu phân biệt hai từ ngữ "ascensio" áp dụng cho Chúa Giêsu, vì Ngài lên trời thăng thiên do quyền năng riêng, còn "assumptio" áp dụng do đức Maria để nói rằng Người được đem lên trời.
1) Ngay từ thời các giáo phụ (cuối thế kỷ thứ 5) , các Giáo hội bên Đông cũng như bên Tây đã dành ngày 15 tháng 8 để cử hành ngày tạ thế của đức Maria; tuy nhiên ý nghĩa của nó được giải thích khác nhau.
a/ Các Giáo hội byzantin (chính thống Constantinopoli) và monophysit (nhận đức Kitô chỉ có bản tính Thiên Chúa) không đồng nhất về ý nghĩa của ngày lễ: một số cho rằng đức Maria đã chết và sống lại; còn một số khác thì cho rằng xác của Người được gìn giữ toàn vẹn ở một nơi nào đó, chờ ngày được sống lại. Các giáo hội nestoriano (tách rời khỏi Giáo hội công giáo sau công đồng Ephêsô) cũng cho rằng thân xác của đức Maria được gìn giữ cho khỏi hư nát, và chờ ngày phục sinh.
b/ Giáo hội siro-giacobita cử hành ngày 15 tháng 8 như là ngày qua đời (transitus) của đức Maria giống như ngày qua đời của bao nhiêu thánh nhân kác: nhưng họ không nói gì về sự lên trời hoặc là điều kiện thân xác sau khi chết.
c/ Giáo hội coptô cử hành hai lễ khác nhau: ngày 16 tháng 1 kính việc tạ thế, và ngày 9 tháng 8 (216 ngày sau đó) thì mừng sự sống lại vinh hiển. Tuy nhiên cũng có người theo chủ trương của phái nestorio, nghĩa là thân thể của đức Maria được giữ gìn nguyên vẹn chờ ngày sống lại.
2) Từ thế kỷ thứ 6 trở đi bên Đông phương, và từ thế kỷ thứ 7 bên Tây phương, đâu đâu cũng cử hành lễ "Assumptio" của đức Maria. Do đó, có thể là điều đó đã được mọi người chấp nhận. Tuy nhiên, các nhà thần học tiếp theo thời các giáo phụ chưa có nhất trí về tầm độ của niềm tin ấy: có người cho rằng đó chỉ là lòng đạo đức bình dân (pia credentia), người khác thì coi là chân lý mạc khải (veritas revelata). Nhưng mà chưa có ai quả quyết rằng đây là điều buộc phải tin.
3) Sang tới thời Trung cổ, ngoại trừ một chủ trương trái nghịch của Usuardo (một đan sĩ theo đó, chuyện Đức Mẹ lên trời không đáng tin vì dựa vào ngụy thư), lập trường chung của các nhà thần học là Đức Maria đã được sống lại và lên trời, nhất là từ khi lưu hành tác phẩm mà người ta tưởng là của thánh Augustino (Liber de assumptione b. Mariae Virginis: PL 1141-1148; kỳ thực viết vào thế kỷ thứ 9). Theo tác phẩm đó, tuy rằng Kinh thánh không có nói minh thị về việc đức Maria lên trời, nhưng lý trí được đức tin soi dẫn có thể khẳng định chân lý ấy. Đức Maria thực đã chết, nhưng thân xác của Người không thể bị tan rữa trong mồ được bởi vì thân xác ấy trinh khiết và được Ngôi Lời nhận lấy làm thân xác của mình. Một lý chứng khác nữa là Chúa Giêsu đã dạy chúng ta tôn kính cha mẹ, chẳng lẽ nào Ngài lại không tôn kính thân xác của mẹ mình?
4) Cũng nên ghi nhận rằng vào thời Trung cổ, các nhà thần học còn tranh luận về đạo lý vô nhiễm nguyên tội; nhưng khi bước sang vấn đề mông triệu thăng thiên thì không có nhiều tranh luận. Những người không nhận đặc ân vô nhiễm nguyên tội thì cho rằng đức Maria đã chết như bao nhiêu con cái của Adong: sự chết là án phạt bởi tội nguyên tổ (thi dụ thánh Tommaso, Bonaventura). Còn Duns Scoto, tuy bênh vực chân lý vô nhiễm nguyên tội, cũng cho rằng đức Maria phải trải qua cái chết, bởi vì Người được khỏi tội nhưng không khỏi những hậu quả của tội: thậm chí đức Kitô cũng đã trải qua sự chết. Tuy nhiên, khác với chúng ta, thân xác của đức Maria đã được phục sinh trước khi bị tan rã trong mộ.
5) Trong thời kỳ họp công đồng Vaticano I, 204 nghị phụ đã thỉnh nguyện xin tuyên bố tín điều Mông triệu. Từ đó, các thư thỉnh nguyện từ tăng lên mãi. Vào năm 1942, nhà xuất bản Vatican đã xuất bản 2 quyển sách thu gom tất cả các thỉnh nguyện của 820 giám mục chính tòa, 656 giám mục hiệu tòa, cùng với hàng ngàn thư khác của các linh mục, tu sĩ và giáo dân (Petitiones de Assumptione corporea B.M. Virginis in coelum definienda ad S. Sedem delatae). Ngày 1/5/1946, đức Piô XII đã viết thông điệp "Deiparae Virginis", gửi cho hàng giám mục trên thế giới để thỉnh ý các ngài về hai điểm: a) đây có phải là chân lý mạc khải hay không? b) có nên tuyên bố thành tín điều hay không? Có 1191 giám mục chánh tòa đã trả lời (94% tổng số) đức Thánh Cha. Trong số đó 1169 vị đã trả lời đồng ý cho cả hai điểm (98,2%). Chỉ có 22 vị (1,8%) tỏ ra dè dặt về câu hỏi thứ hai, và 6 vị (0,4%) trong số đó tỏ dấu hoài nghi về câu hỏi thứ nhất. Sau khi đã hội ý hàng giám mục thế giới như vậy, đức Piô XII đã tiến hành việc tuyên bố tín điều vào ngày 1/11/1950, với tông hiến Munificentissimus Deus.

B. Nội dung tín điều
"Để tôn vinh Thiên Chúa toàn năng, Đấng đã đổ trào xuống đức Maria lòng ưu ái đặc biệt; để tôn kính Con Ngài, Vua bất tử muôn năm và Đấng chiến thắng tội lỗi và sự chết, để làm vinh hiển cho thân mẫu của Ngài và để cho toàn Giáo hội hoan hỉ ... chúng tôi tuyên bố như là tin điều được Chúa mạc khải rằng: đức Maria vô nhiễm, Mẹ Thiên Chúa, trọn đời đồng trinh, sau khi chấm dứt dòng đời dưới đất, đã được cất về vinh quang trên trời cả xác hồn". (Ad ominipotentis Dei gloriam, qui peculiarem benevolentiam suam Mariae Virgini dilargitus est, ad sui Filii honorem, immortalis saeculorum Regis ac peccati mortisque victoris, ad eiusdem augustae Matris augendam gloriam et ad totius Ecclesiae gaudium exultationemque, acutoritate Domini Nostri Iesu Christi, Beatorum Apostolorum Petri et Pauli ac Nostra pronuntiamus, declaramus et definimus divinitus revelatum dogma esse: Immaculatam Deiparam semper Virginem Mariam, expleto terrestris vitae cursu, fuisse corpore et anima ad caelestem gloriam assumptam).
Chúng ta có thể ghi nhận vài nhận xét như sau.
1) Tiên vàn, văn kiện nhìn nhận sự lên trời của đức Maria như là một hồng ân của Thiên Chúa (do lòng ưu ái đặc biệt, peculiaris benevolentia). Đây không phải là một quyền lợi mà đức Maria có thể đòi hỏi. Hồng ân này bao hàm trong cả một chuỗi những hồng ân khác dành cho kẻ được chào kính là "đầy ơn". Mặt khác, hồng ân của Thiên Chúa đổ xuống đức Maria, tô điểm cho Người nhưng mà không chấm dứt nơi đây; cuối cùng, hồng ân ấy lại trở về với Thiên Chúa Ba Ngôi, để tôn vinh Ngài.
2) Nội dung của tín điều tóm lại như sau: "Sau khi đã mãn cuộc đời dưới đất, đức Maria được đem về trời cả xác hồn". Hồi cuối thế kỷ 19, có một luồng thần học chủ trương rằng đức Maria không phải chết, và xin ĐTC hãy định tính như vậy. Họ cho rằng đức Maria không mắc tội nguyên tổ, cho nên cũng không phải chết bởi vì sự chết là hình phạt của tội nguyên tổ. Tuy nhiên đa số các nhà thần học cho rằng đức Maria đã chết và sau đó được sống lại. Đức Pio XII không đụng tới vấn đề này, nghĩa là không nói rằng Người không phải chết, cũng chẳng nói rằng Người đã chết và đã sống lại; nhưng chỉ nói rằng: sau chi chấm dứt cuộc đời dương thế Người cất về trời cả xác và hồn (nghĩa là tất cả con người).
3) Chân lý về đức Maria hồn xác lên trời không phải là do Giáo hội bày đặt ra, nhưng là "tín điều do Chúa mặc khải". Giáo hội chỉ làm môi giới để hướng dẫn chỉ bảo cho biết nội dung của chân lý đó. Mặt khác, nói rằng đây là một chân lý do Thiên Chúa mặc khải không có nghĩa là phải tìm thấy trong một câu văn lẻ tẻ trong Kinh thánh tuyên bố rằng đức Maria đã được cất về trời. Giáo hội đã đọc Kinh thánh không phải là qua từng câu lẻ tẻ, nhưng là xét trong toàn bộ, được giải thích theo Truyền thống đức tin. Tông hiến khẳng định như sau: "Nền tảng cuối cùng của chân lý này là Kinh thánh, khi trình bày cho ta thấy Mẹ Thiên Chúa liên kết mật thiết với Con Thiên Chúa của mình, và luôn luôn chia sẻ một số phận". Những đoạn văn Kinh thánh được trích dẫn như sau:
1- Sáng thế 3,15. Tuy rằng đoạn văn này không có nói tới đức Maria, nhưng các giáo phụ đã luôn nhìn thấy Người liên kết với Chúa Giêsu để cứu chuộc nhân loại, cũng như bà Eva đã liên kết với Adong trong tội lỗi. Khi trình bày Chúa Kitô như Adong mới, thánh Phaolo gắn liền sự chiến thắng tội lỗi và chiến thắng sự chết (thư gửi Rôma chương 5-6; 1 Corinto 15,21-26.54-57). Do đó mà đức Maria cũng được tham dự với đức Kitô vào sự chiến thắng cái chết như được tham dự vào chiến thắng tội lỗi.
2- 1 Corintô 15. Việc đức Kitô chiến thắng cái chết không phải chỉ có tính cách cá nhân, nhưng còn có ảnh hưởng tới toàn Giáo hội, thân thể của Ngài. Cũng như đức Maria đã thông dự với đức Kitô khi chiến đấu chống lại tội lỗi, nên cũng được Chúa Cha tiền định để trở nên đồng chí với Chúa Cứu thế khi thắng tội lỗi và những hậu quả của nó. Do đó mà Mẹ Maria được tham dự vào sự phục sinh, tức là tận điểm của ơn cứu rỗi toàn diện dành cho hết các Kitô hữu.
3- Các giáo phụ dựa theo thánh Luca đã nhìn đức Maria như là Hòm bia giao ước và Nhà tạm của Đấng Tối cao. Vì vậy, các giáo phụ đã áp dụng vào đức Maria những bản văn nói về sự thánh thiện, bất khả vi phạm của Hòm bia (thí dụ Thánh vịnh 131,8; Isaia 60,13). Các giáo phụ cũng nhìn thấy đức Maria như là Hoàng hậu, Thân mẫu của đức Vua muôn thuở, vì vậy mà các ngài áp dụng cho Người những đoạn văn nói tới vị trí dành cho Hoàng hậu ngự bên ngai vua, nghĩa là bên cạnh Chúa Cứu thế (Tv 44,10-16).
4- Luca 1,28. Lời thiên thần chào kính đức Maria như là "đầy ơn phước" cũng được dùng để nói tới ơn phúc cuối cùng được ban cho Người: ơn được cứu chuộc khỏi hủy hoại.
5- Khải huyền 12. Người phụ nữ khoác áo mặt trời ám chỉ Hội thánh khải hoàn. Tuy nhiên thánh Gioan đã mô tả với những nét có thể hình dung được cho đức Maria; nhiều giáo phục và nhà thần học đã áp dụng cho Người.
6- Xuất hành 20,12 và Lêvi 19,3: "Ngươi hãy tôn kính cha mẹ ngươi". Vài giáo phụ và nhiều nhà thần học đã lấy đoạn văn này để lý luận rằng sự lên trời của Mẹ Maria là một chuyện xứng hợp bởi vì Chúa Giêsu muốn thực hành giới răn mà Ngài đã truyền cho mọi người phải tuân giữ.
4) Ngoài những bản văn Kinh thánh vừa nói, tông hiến còn dựa trên các giáo phụ, các nhà thần học, cũng như sự phát biểu tâm tình đạo đức của Dân Chúa đặc biệt là qua phụng vụ.

C. Ý nghĩa thần học.
Ta không nên coi chân lý đức Maria hồn xác lên trời như là một hồng ân lẻ loi, nhưng cần phải lồng nó trong toàn thể chương trình cứu chuộc của đức Kitô. Ta có thể vạch ra những ý nghĩa của tín điều này khi xét trong tương quan với Chúa Kitô và với Hội thánh.
1) Trong tương quan với đức Kitô.
Như đã thấy trên đây, tông hiến "Munificentissimus Deus" đặt nền tảng Kinh thánh cuối cùng của tín điều Mông triệu nơi sự liên kết chặt chẽ giữa đức Maria với Chúa Kitô trong công trình cứu chuộc nhân loại. Tín điều Mông triệu phản ánh hậu quả của cuộc cứu chuộc, phản ánh tia sáng huy hoàng mà Chúa Kitô đã mang lại cho nhân loại từ cuộc phục sinh khải hoàn: sự mông triệu tiên vàn nói lên việc thông dự vào hồng ân cứu chuộc: Mẹ là người đi theo đức Kitô trong cuộc chiến thắng tội lỗi và sự chết. Mặt khác, sự thông dự vào sự sống lại với đức Kitô là cao điểm của một chuỗi dài những cuộc liên kết giữa Đức Maria và Chúa Cứu thế, khởi đầu từ khi chấp nhận lời sứ thần: Đức Maria thuận nhận làm mẹ Chúa Giêsu, dâng trót cả đời mình để chu toàn sứ mạng ấy. Tình yêu dâng hiến đã làm thay đổi trọn cả kiếp sống của Người; và ta cũng có thể nói rằng tình yêu mà Chúa Giêsu dành cho mẹ mình lại càng có sức biến đổi cuộc sống của đức Maria hơn nữa. Sự biến đổi ấy không những chỉ ảnh hưởng tới linh hồn (đền thờ dành riêng cho Chúa), mà còn biến đổi cả thân xác của Mẹ, thân xác không bị tan rữa ra tro bụi nữa. Dù sao ta không nên quên rằng đức Kitô phục sinh và lên trời vinh hiển do thiên tính của Ngài; còn đức Maria sống lại và lên trời là do bởi hồng ân của Thiên Chúa. Vì ý thức như vậy, cho nên phụng vụ đã gọi sự sống lại và lên trời của đức Kitô là "ascensio" (đi lên), còn đối với đức Maria thì phụng vụ dùng tiếng "assumptio" (được thâu nhận, được lãnh lấy, được nhấc lên).
2) Trong tương quan với Hội thánh.
Đức Maria được sống lại như là con người đầu tiên lãnh nhận ơn cứu chuộc của đức Kitô, ơn cứu chuộc vượt thắng cái chết. Tuy nhiên Đức Maria không phải là người duy nhất được hưởng ơn ấy, xét rằng sự sống lại là một hồng ân mà đức Kitô thủ đắc cho tất cả các tín hữu. Nơi đức Maria, Hội thánh chiêm ngắm phần tử đầu tiên của mình được cứu rỗi, tiên báo số phận mà một ngày kia tất cả các phần tử cũng sẽ được lãnh nhận. Vì vậy, tín điều Mông triệu là một dấu chỉ hy vọng cho toàn thể dân Chúa. Hội thánh không những hy vọng cũng sẽ được hưởng vinh quang như đức Maria, nhưng còn tin tưởng rằng hiện nay, trong ánh sáng vinh quang, Người đang thi hành chức phận làm mẹ của các tín hữu qua lời cầu thay nguyện giúp cho các người con và người em còn trên đường lữ hành.
Ngoài ra, trong tín điều Đức Mẹ Mông triệu Giáo hội cũng khám phá ra giá trị của cái chết. Đức Maria đã phải trải qua cái chết không phải như một hình phạt vì tội của mình, nhưng là để nên giống đức Kitô hơn: đức Kitô đã chết không phải như án phạt vì tội của mình, nhưng cái chết đối với Chúa có nghĩa là đền thay tội lỗi của tha nhân, dứt bỏ tội lỗi và hiến dâng mạng sống mình trong tay Chúa. Nơi cái chết của đức Kitô và của đức Maria, chúng tôi nhận được ánh sáng mới cho thấy một giá trị mới của cái chết.
D. Vấn đề cánh chung luận.
Vào đầu thế kỷ 20, một số các nhà thần học Tin lành bắt đầu duyệt lại thần học về cánh chung (Eschatology), cách riêng về ý nghĩa cánh chung của các bài giảng của Chúa Giêsu và số phận con người sau khi chết. Về điểm thứ nhất, vấn đề đặt ra là: phải chăng đức Giêsu đã giảng về ngày tận thế sắp đến, vào chính thế hệ của Ngài, và rồi Ngài đã lầm? Cuộc tranh luận kéo dài giữa những nhà học giả tên tuổi (A. Schweitzer, K.Barth, R. Bultmann, O. Culmann). Vấn đề thứ hai, về số phận con người sau khi chết, thì họ cho rằng kinh thánh quan niệm con người như một toàn thể, chứ không phải gồm có hồn và xác. Do đó, sau khi chết, thì không có chuyện xác về tro bụi còn hồn về với Chúa, nhưng mà: a) hoặc là con người chết hoàn toàn, chờ đến ngày Chúa quang lâm thì sẽ sống lại (C. Stange); b) hoặc là con người sẽ được sống lại tức khắc (E. Brunner).
Những cuộc tranh luận giữa các nhà thần học Tin lành dần dần cũng gây ảnh hưởng sang thần học công giáo, xét vì cả hai đều phải căn cứ trên thánh kinh. Họ đã phải đương đầu với những câu hỏi sau đây: Kinh thánh có nói tới hồn như một yếu tố biệt lập khỏi xác hay không? Khi chết rồi con người đi đâu?
1) Với câu hỏi thứ nhất, đa số các nhà thần học công giáo đồng ý rằng có sự tiến triển về mạc khải. Trong những tác phẩm đầu tiên của Kinh thánh, con người được coi như một toàn bộ, không thể phân ly; nhưng vào cuối thời Cựu ước sang Tân ước, "hồn" được coi như yếu tố khác biệt với xác. Dù thế nào đi nữa, ngay từ những tác phẩm cổ điển nhất của Cựu ước, Kinh thánh cho thấy rằng sau khi chết, vẫn còn có cái gì tồn tại ở "cõi âm ti" (sheol trong tiếng Do thái, một cuộc sống thoi thóp), chứ không phải là con người hoàn toàn tan rã.
2) Dần dần, vào cuối thời Cựu ước, mạc khải nói tới sự bất tử (immortalitas: Kn 2,23-24) và sự sống lại (resurrectio: Đn 12,2-3.13; 2 Mch 7,9.11). Phải nhận rằng, Tân ước nói nhiều tới sự sống lại của thân xác (nhất là Phaolo), hơn là sự bất tử của linh hồn. Nhưng, thế nào là thân xác sống lại? Phải chăng có nghĩa là hồn lại nhập vào thân xác cũ? hay là con người sẽ được biến đổi (1Cr 15,44: thân xác thần khí)? Trong trường hợp sau, sự sống lại chỉ xảy ra vào ngày tận thế hay đã xảy ra rồi?
3) Những cuộc tranh luận vừa nói gây ảnh hưởng tới tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời: phải chăng chỉ có đức Maria là con người duy nhất đã sống lại về thân xác, hay cũng có những tín hữu khác cũng được hưởng ơn sống lại? Phải chăng chính thánh Phaolo cũng mong được sống lại về với Chúa rồi (2Cr 5,1-10; Pl 1,21-23; 3,21)?
4) Trong thư gửi hàng giám mục thế giới, "Về vài vấn đề cánh chung" (17/5/1979), Bộ Giáo Lý đức tin đã lưu ý những điểm sau: a) sau khi chết, còn một yếu tố thiêng liêng tồn tại; chúng ta gọi nó là "linh hồn"; b) khi bàn về số mạng con người sau khi chết, phải duy trì ý nghĩa độc nhất của đức Maria: nơi Người đã được thực hiện điều kiện vinh hiển tương lai dành cho tất cả các phúc nhân. Tuy nhiên, theo một số nhà thần học (thí dụ D. Fernandez, J.H. Hernandez Martinez), văn kiện này để dành rất nhiều chỗ cho các cuộc tranh luận thần học về cánh chung: văn kiện không loại bỏ ý kiến rằng có những thánh nhân khác cũng đã được phục sinh rồi.