Gặp Gỡ Mẹ Maria - Đức Maria Trong Cựu Ước 2


Đức Maria Trong Cựu Ước 2


 

Các bạn thân mến,
Sau khi nguyên tổ phạm tội “ăn trái cấm”, lẽ ra Thiên Chúa có quyền hủy diệt tội lỗi cùng với nguyên tổ - thụ tạo do Người làm nên, mà không ai có quyền oán trách. Thế nhưng lạ lùng thay, Ngài hành xử cách khác: thay vì xóa bỏ, hủy diệt, làm lại nguyên tổ khác, Ngài đã tha thứ. Hơn thế nữa, còn ban tặng điều quý giá nhất của mình: Con Chí Ái độc nhất - Đấng sẽ đến cứu chữa tội lỗi, nhận lãnh hết tội lỗi nhân loại, để chúng ta được dự phần vào sự sống thần linh của Ba Ngôi Thiên Chúa. Tât cả chỉ để cho con người chúng ta được hạnh phúc.

Thánh vịnh gia đã than thở về hệ quả của tội nguyên tổ: “Ngài thấy cho: lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai.” (Thánh Vịnh 51:7). Không ai xa lạ gì về cái thứ tội mà mỗi người phải mang khi bắt đầu thụ thai trong lòng mẹ: tội nguyên tổ. Nhưng cũng nhờ chính tội nguyên tổ (“tội hồng phúc” theo cách gọi của truyền thống Giáo Hội) mà chúng ta có Đấng Cứu Thế hạ sinh vào trần thế, do bởi lòng tin và sự vâng lời triệt để trong khiêm hạ của Đức Trinh Nữ Maria.

Nhưng tại sao nguyên tổ phạm tội mà chúng ta phải lãnh nhận hậu quả? Thánh Augustinô trình bày sự lan truyền của tội nguyên tổ như một căn bệnh di truyền. Trong thân thể con người, máu của cha mẹ bị nhiễm độc sẽ có thể truyền đến con cái, cháu chắt. Cũng vậy, vết tì ố nơi người đầu tiên sẽ lây truyền đến tất cả mọi chủng tộc, và sẽ làm tì ố tất cả mọi người, ngoại trừ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và Đấng Cứu Chuộc chúng ta là Đức Giêsu Kitô. Khi dòng nước của một giòng sông bị ô nhiễm từ thương nguồn, thì mọi giọt nước của con sông đều bị nhiễm và mang độc tố. Tội lỗi do Ađam phạm không phải là tội của riêng một cá nhân, mà là tội của toàn thể nhân loại. Bởi vì Ađam là đầu của toàn thể nhân loại, tội ông phạm ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Vì ông sai lầm, chúng ta đành chịu chung đau khổ. Điều này không phải là một sự bất công, vì tất cả nhân loại đều liên đới với nhau. Thí dụ năm 1917, khi tổng thống Hoa kỳ Wilson tuyên chiến với Đức quốc xã. Ông hành động như thể nhân danh cả quốc gia – trong tư cách là vị thủ lãnh chính trị, và tất nhiên, mọi người đều liên đới với ông trong quyết định đó.

Thần học ngày nay, tuy không giản lược tội nguyên tổ vào sự lan truyền một căn bệnh di truyền (theo cách diễn giải của Augustinô) nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận là sự sống của con người luân chuyển từ thế hệ này qua thế hệ khác luôn mang dấu ấn của sự dữ; và mọi con trẻ sinh ra đều thừa kế nó. Con trẻ tuy không mang tội về điều nó không phạm; nhưng khi vừa sinh ra, nó đã gia nhập thế giới tội nhân. Sự liên đới với thế giới tội lỗi đã hình thành nơi nó một vết nhơ, một tì vết, tức là tình trạng xấu mà tội nguyên tổ để lại – tình trạng khiến con người trở nên thù nghịch với Thiên Chúa.

 
Chính vì thế mà ta có thể giải thích được sự mâu thuẫn, trái nghịch nhau nơi bản tính tự nhiên của con người. Do hệ quả của tội nguyên tổ mà một đàng, con người ta luôn hướng về điều thiện, thiết tha làm điều tốt, khao khát điều cao đẹp; nhưng đàng khác, họ lại dễ dàng buông theo điều xấu xa, thấp hèn, đê tiện. Lý do duy nhất khiến chúng ta tìm kiếm những điều tốt đẹp, cao quý của Thiên Chúa, là vì chúng ta đã một lần sở hữu nó, vì chúng ta đã một lần tìm thấy nó!

Không ai có thể chối cãi là tất cả mọi sự dữ - phát sinh từ khi nguyên tổ phạm tội – và chỉ có thể chấm dứt vào ngày tận thế. Tội có mặt nơi đủ mọi thành phần nhân loại, bất kể là ai, hạng dân giả hay giới tu trì. Cho đến hôm nay, đã có ít là 12 lạc thuyết liên quan đến tội nguyên tổ. Một trong những lạc thuyết gây nhiều phiền toái cho Giáo Hội vào những thế kỷ đầu đó là lạc thuyết Pêlagiô (355-425) - vốn là một đan sĩ – không chấp nhận giáo lý về tội nguyên tổ, và chủ trương rằng con người có thể tránh khỏi sự dữ và được ơn cứu độ nhờ vào chính sức mạnh của “ý chí tự do” của chính họ. Ân sủng chỉ là phần thưởng họ sẽ nhận được. Lạc thuyết này cho rằng tội của mỗi người liên hệ với Ađam là do bắt chước tội Ađam chứ không do sự thông truyền của tội đầu tiên này, nếu có chăng đi nữa là do thói quen. “Ý chí tự do” có thể giúp con người tránh tội. Ân sủng không phải là quà tặng, ân huệ của Thiên Chúa ban cho, và ân sủng cũng không cần thiết cho ơn cứu độ. Lạc thuyết Pêlagiô là một chuỗi sai lầm tín lý đã làm thiệt hại, tổn thương Giáo hội rất nhiều. 

Các bạn thân mến,
Trong hai ngàn năm qua, đã xảy ra biết bao thăng trầm trong chân lý cứu độ liên quan đến Chúa Kitô, đến Mẹ Maria, v.v.. và cũng đã nổ ra vô số cuộc tranh luận, bàn cãi, thậm chí đến độ các bên ghét bỏ, loại trừ nhau. Sôi nổi và dai dẳng nhất là giáo ly về các tín điều liên quan đến Đức Trinh Nữ Maria. Tuy nhiên, cũng chính vì phải đối đầu với các lạc thuyết, chính vì không ngừng bị cọ xát, chất vấn mà các nhà thần học Công giáo đã phải đào sâu và trình bày giáo lý của Giáo hội cách rõ ràng, mạch lạc và có sức thuyết phục hơn. Cuối cùng, chân lý rồi cũng được tỏ lộ, kể cả những giáo lý mà phải gần 20 thế kỷ sau mới được khẳng định. Các điểm giáo lý này tự nó không thể phát triển, khám phá cách đợn độc, nhưng nhất thiết phải được phát triển đồng bộ với những giáo lý khác. Chính các chân lý bổ sung và kiện toàn lẫn nhau làm cho các chân lý lần lượt được công nhận. Tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội là một thí dụ (mãi đến ngày 08.12.1854 mới được tuyên tín). Các nhà thần học lớn của Giáo hội cũng đã từng không đồng ý với nhau về tín điều này nhất là vào thời Trung cổ.
Các bạn thân mến,
Vì tình yêu Thiên Chúa dựng nên thiên thần và nhân loại, rồi cũng vì tình yêu Ngài ban cho tất cả mọi thọ tạo sự tự do hoàn toàn. Và cũng chình điều này khiến Ngài phải chấp nhận rủi ro. Nó đã xảy ra, và Ngài không còn cách nào khác.

Các thiên thần -những thụ tạo thiêng liêng- sa ngã, hay sa-tan đã trở thành ác quỷ trước khi Thiên Chúa tạo dựng nên con người và vũ trụ. Chúng luôn chờ sẵn để cám dỗ, lôi kéo chúng ta, muốn chúng ta cùng theo phe chúng dể đánh phá nhằm làm hỏng kế hoạch của Thiên Chúa. Tuy nhiên, với sự dạy dỗ, dẫn dắt và chi phối toàn bộ của Thần Khí qua Âm lực thần linh (Đức Maria Nguyên Mẫu) trong mỗi con người nhân loại, chúng ta xác tín rằng vị thủ lãnh của chúng ta là Ngôi Lời Nhập Thể, tức Ngôi Hai Thiên Chúa, vị Nữ Tướng cũng là Nữ vương của chúng ta, cũng như của mọi thọ tạo là Mẹ Ngài, Đức Trinh Nữ rất thánh Ma-ri-a, chúng ta sẽ toàn thắng vào ngày sau hết. Sa-tan vô hình nên chúng mạnh mẽ và thông minh hơn chúng ta nhiều, tuy nhiên, chúng ta không chiến đấu đơn độc. Cuộc chiến đã hình thành và bắt đầu; lằn ranh giữa thiện và ác đã được định sẵn, cũng như phe thắng, phe thua, kết quả chiến thắng cuối cùng, cũng đã được thông báo trước. Còn lại, phần khôn ngoan lựa chọn là của bạn và  tôi!

Để trả lời cho câu hỏi Đức Maria là ai? Tại sao phải có Mẹ trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Tại sao chúng ta cần đến Bà, tôi xin được mượn (và chuyển ngữ) những vần thơ tuy ngắn nhưng hết sức súc tích của Thomas A. Kempis trong tác phẩm Gương Đức Maria (người này cũng viết tác phẩm lừng danh “Gương Chúa Giêsu”, được xem là “sách gối đầu giường” của nhiều linh mục, tu sĩ) 

Maria, Bà là ai?
Bà là bình pha-lê thanh khiết
Của Chúa Thánh Thần - Đấng Bảo Trợ,
là Thành Thánh vinh quang của Chúa,
là Nữ Vương nhân đức vẹn toàn,
kẻ đạp đầu rắn dữ khi xưa.
Bà rực rỡ hơn mặt trời,
xinh đẹp hơn mặt trăng,
tỏ rạng hơn bình minh,
sáng hơn cả sao trời.
Dù tội nhân hay con yêu của Mẹ,
hãy đấm ngực và chạy đến cùng Bà, thưa rằng:
“Thánh, thánh, Maria chí thánh,
Mẹ nhân từ và rất mực yêu thương,
nhờ lời Mẹ chuyển cầu
chúng con được dự phần
vào vinh quang nước Chúa”
Tạm biệt các bạn,