Phần II - Đức Maria Trong Truyền Thống Đức Tin Của Hội Thánh - Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP


PHẦN II. ĐỨC MARIA TRONG TRUYÈN THỐNG ĐỨC TIN CỦA HỘI THÁNH

Nhập đề.
Trong phần trước, chúng ta đã tìm hiểu vai trò và chân dung của đức Maria trong Kinh thánh. Trong phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu vai trò của đức Maria qua ý thức của Giáo hội trải qua lịch sử: từ thời các giáo phụ cho tới thời cận đại.
Khi phân tích các đoạn văn Tân ước, chúng ta đã có dịp nhận thấy rằng hình ảnh của đức Maria từ một bóng mờ trong các các thư thánh Phaolô, đã dần dần nổi bật lên và gắn liền với mầu nhiệm Nhập thể như thánh Matthêo và Luca đã cho thấy; sau cùng Phúc âm của thánh Gioan tuy ngắn ngủi nhưng đã cho thấy rằng đức Maria vẫn còn tiếp tục sứ mạng làm mẹ giữa lòng cộng đồng các môn đệ của đức Kitô.
Chúng ta cũng có thể nói một cách tương tự như vậy về truyền thống Giáo hội. Vào những thế kỷ đầu, đức Maria chỉ được nhắc đến khi Giáo hội bàn về cuộc Nhập thể của Chúa Giêsu (đức Maria là mẹ đồng trinh của Chúa Giêsu); dần dần các tín hữu dừng lại lâu hơn để chiêm ngắm Người, đối chiếu với những phụ nữ gương mẫu trong Cựu ước, và đưa tới việc tìm hiểu hơn về bản thân và đời sống của Người. Chúng ta hãy rảo qua những giai đoạn chính của sự tiến triển ấy.

I. Ba thế kỷ đầu tiên.
Những thế kỷ đầu tiên của Giáo hội trùng vào thời kỳ bách hại cũng như thời kỳ của các lạc giáo chung quanh bản tính của đức Kitô. Vì thế không lạ gì, mọi nỗ lực của Hội thánh dồng vào việc bảo vệ sự sống còn của mình cũng như bảo vệ chân lý nòng cốt của đức tin Kitô giáo về Chúa Cứu chuộc. Đức Maria được nhắc đến mỗi khi đụng đến một vấn đề nào của đức Kitô mà thôi: thí dụ như Người là mẹ của Chúa Giêsu (do đó Chúa Giêsu là người thật).
Dĩ nhiên, khi bàn về đức Maria, các giáo phụ dựa trên các bản văn Kinh thánh. Tuy vậy, dần dần các giáo phụ cũng đào sâu hơn những tước hiệu mà Sách thánh dành cho Người, thí dụ: "Trinh nữ" (Giustinô, + khoảng 165), "Evà mới" (Irênêo, +khoảng 202). Nhưng xét vì các bản văn Kinh thánh nói quá ít về cuộc đời của đức Maria, nên vào khoảng giữa năm 150-200, đã thấy xuất hiện một tác phẩm mang tên là "Phúc âm nguyên thủy của thánh Giacôbê", thuật lại nguồn gốc gia thế của Người, việc sinh ra, lớn lên, thành hôn vv. Mặt khác, xem ra tước hiệu "Theotokos" (Thiên mẫu) đã được Origène xử dụng trong khi chú giải thư thánh Phaolo gửi Rôma (theo lời của Socrate kể lại trong quyển Lịch sử Giáo hội: PG 67,812)); dù sao thì từ thế kỷ thứ 3 tước hiệu này đã xuất hiện trong bản kinh "Sub tuum praesidium". Tưởng cũng nên biết là Origène (182-253) cũng đề cao đức Maria như mẫu gương tuyệt hảo của các môn đệ Chúa Kitô: do đó chúng ta hãy bắt chước Người, ngõ hầu Chúa Kitô có thể sinh ra cách bí nhiệm trong lòng ta. Tuy nhiên, có lẽ vì quá nhấn mạnh đến khía cạnh đời sống đức tin khiến cho đức Maria gần gũi với chúng ta, cho nên Origène cho rằng Người cũng bị lung lạc đức tin khi đứng gần thánh giá (In Lc 17,7: SC 87, 256-258).

II. Công đồng Êphêsô (431)
Từ thế kỷ thứ IV (năm 313), Giáo hội được hưởng tự do tôn giáo; nhưng đồng thời nhiều cuộc tranh luận tín lý cũng nổi lên chung quanh những chân lý căn bản của Kitô giáo. Nhiều công đồng được triệu tập để xác định các tín điều về Chúa Kitô: Nixêa (325), Constantinôpôli I (381), Êphêsô (431), Calxêđônia (451). Khi tuyên xưng đức Giêsu Kitô vừa là Thiên Chúa vừa là người thật, Giáo Hội cũng làm nổi bật hơn chân tướng của Đức Maria. Công đồng họp tại Êphêsô đã gọi đức Maria là "Theotokos" (người sinh ra Thiên Chúa: Dei Genetrix): bà mẹ của đức Giêsu cũng là bà mẹ của Thiên Chúa. Từ sau công đồng Êphêsô, lòng tôn kính dành cho đức Maria phát triển mau lẹ. Các giáo phụ bắt đầu nói đến Người nhiều hơn trong các bài giảng, hoặc khi chú giải Kinh thánh. Đức Maria được đề cao như mẫu gương cho các trinh nữ. Thánh Êpiphaniô, giám mục Salamina thuộc Cyprô (+402), tặng cho Người tước hiệu là "Mẹ của những người sống" (thay cho Evà), "căn nguyên sự sống" (Panarion 79, 1-2). Êpiphaniô cũng đặt câu hỏi về cái chết của đức Maria (có chết hay không? nếu chết thì chôn ơ đâu? có được ơn bất tử không?); nhưng không thấy câu trả lời. Tưởng cũng nên biết là thánh Epiphaniô không chỉ lưu tâm đến các vấn đề thần học lý thuyết, nhưng còn mang nặng những ưu tư mục vụ, làm sao duy trì lòng tôn kính đức Maria được chính đáng mà không rơi vào những hình thức mê tín dị đoan (thờ Người như nữ thần). Bên Tây phương, thánh Ambrôsiô cũng đề cao đức Maria như mẫu gương cho các trinh nữ tận hiến cho Chúa: "các chị hãy bắt chước đức trinh nữ Maria!" (De Institutione virginis 14: PL 16,340). Thánh Augustinô thì nhấn mạnh hơn đến mẫu gương của đức tin: Đức Maria đã mang Lời của Chúa trong tâm trí trước khi cưu mang trong bụng. Cũng theo thánh Augustinô, Giáo hội cần bắt chước đức Maria trong chức vụ làm mẹ các tín hữu là các chi thể của đức Kitô.
Cũng từ thế kỷ thứ 4, người ta thấy xuất hiện nhiều kinh nguyện dâng kính Đức Mẹ. Thánh Ephrem (+373) đã sáng tác nhiều bài thơ để ca tụng Mẹ Thiên Chúa. Nhiều nơi đã trưng bày bức họa vẽ người mẹ bồng con. Hơn thế nữa, phụng vụ cũng dành một chỗ cho đức Mẹ, thí dụ trong Kinh nguyện Thánh Thể (kính nhớ đức Maria vinh hiển trọn đời đồng trinh), và các ngày lễ: 25/3 kính việc truyền tin, 15/8 nhớ ngày lìa trần (transitus, dormitio), đó là chưa kể các dịp kính nhớ đức Maria trong các lễ kính Chúa Giêsu (Giáng sinh, dâng vào đền thờ) và trong mùa Vọng. Nên biết là các lễ phụng vụ bắt nguồn từ Đông phương và sau đó lan truyền sang Tây phương. Tại Rôma, sau công đồng Ephêsô, đức Thánh Cha Sistô III (+440) đã cung hiến một vương cung thánh đường cho Đức Maria (tục gọi là nhà thờ Đức Bà Cả, khởi công xây cất từ đời đức Libêriô, 352-366). Vào thế kỷ thứ VII, giáo phận Rôma cử hành hằng năm bốn lễ kính Đức Mẹ: Dâng con trong đền thờ, Truyền tin, Lên trời, Sinh nhựt Đức Mẹ. Lễ "bà thánh Anna thụ thai" ra đời muộn hơn. Thời đại của các giáo phụ chấm dứt bên Đông phương với thánh Gioan Đamascenô (+749), một nhà đại thần học bênh vực việc tôn kính các ảnh tượng (được công đồng Nixêa II năm 787 xác nhận), và đã sáng tác nhiều bài giảng ca ngợi Đức Mẹ.

III. Thời Trung cổ.
Thần học về Đức Maria phát triển bên Tây phương nhờ các tác giả nổi tiếng, tựa như thánh Bêđa (+735) đề cao vai trò làm mẹ của Đức Maria cũng ging như vai trò làm mẹ của Giáo hội; Ambrosiô Aupertô (+784) áp dụng hình ảnh người nữ trong sách Khải huyền vừa cho đức Maria lẫn cho Hội thánh. Tuy nhiên từ thế kỷ XII thì nói được là thần học cũng như lòng tôn kính Đức Mẹ bên Tây phương phát triển mạnh mẽ, dưới ngọn bút của thánh Bernarđô (+1153) cũng như bao nhiêu Dòng tu mới ra đời: Xitô, Carmêlô, Tôi tớ Đức Mẹ ... Đức Maria được ca ngợi và cầu khẩn dưới tước hiệu: trung gian, Nữ hoàng, Mẹ. Hai thánh tiến sĩ Bonaventura (+1274) và Tommasô (+1274) đã bàn đến đức Maria Mẹ Thiên Chúa trong khi nghiên cứu về mầu nhiệm nhập thể. Duns Scotus (+1308) đào sâu thêm luận chứng về sự vô nhiễm nguyên tội. Rất nhiều bài ca, kinh nguyện kính Đức Mẹ được sáng tác. Nhiều hiệp hội kính Đức Mẹ cũng ra đời để cổ động việc tôn kính Đức Mẹ. Nhiều lưu truyền về Đức Mẹ hiện ra để thiết lập một Dòng tu, một hình thức đạo đức (kinh mân côi, áo Đức Mẹ) cũng ra đời vào thời kỳ này. Cũng nên biết là những bức tranh diễn tả Đức Mẹ sầu bi đứng dưới chân thánh giá được phổ biến từ thế kỷ 14. Cho đến lúc đó, các tác phẩm thần học chú trọng tới đức Maria trong mầu nhiệm giáng sinh; nhưng từ thế kỷ XI, họ bắt đầu mở rộng đến vai trò của đức Maria trong mầu nhiệm thập giá. Trong bối cảnh của sự tham gia vào công cuộc cứu chuộc, thần học bắt đầu nói tới sự đồng công, trung gian của đức Maria, cũng như tước hiệu Nữ vương (hay Nữ hoàng: Regina).
Khác với thời các giáo phụ, khi mà giữa Đông phương và Tây phương có sự trao đổi hoặc ảnh hưởng hỗ tương về thần học, phụng vụ và các việc đạo đức kính Đức Maria, tiếp theo cuộc đoạn giao giữa Rôma và Constantinopoli (1054), thánh mẫu học của thời Trung cổ đi theo hai đường lối khác biệt: Đông và Tây phương. Riêng bên Tây phương, cũng nên ghi nhận một hiện tượng khác, đó là phương pháp kinh viện áp dụng trong thần học dần dần dựa vào lý luận hơn là kinh thánh và phụng vụ. Từ đó ta thấy hai đường lối trình bày về đức Maria: một đàng là đường lối suy tư của các nhà thần học, và một đàng là các bài giảng và lòng đạo đức bình dân. Vì thiếu sự trao đổi giữa đôi bên, cho nên thần học trở thành khô khan trừu tượng, còn lòng đạo đức bình dân thì lại quá ướt át tình cảm nhưng thiếu nền tảng đạo lý.

IV. Thời cận đại.
Sang thời cận đại, Giáo hội phải chịu đựng một vết thương khác do cuộc ly khai của Lutêrô. Thực ra Lutêrô đã chú trọng đến đức Maria nhất nhiều khi chú giải các đoạn văn Kinh thánh nói về Người (thí dụ kinh Magnificat). Nhưng vì phản ứng lại một cái lối tôn sùng Đức Mẹ quá ủy mị, nhóm cải cách gạt Người ra khỏi đời sống đạo của họ, vì chủ trương dành tất cả cho đức Kitô. Đối lại, về phía công giáo, một nhóm người lại coi việc tôn sùng đức Mẹ như dấu hiệu đặc biệt của đạo mình, và không thiếu lần cũng rơi vào cảnh cực đoan đối nghịch. Một dấu chỉ của thái độ ấy là những họa phẩm trình bày đức Maria như nữ hoàng hay phụ nữ kiều diễm tráng lệ, nhưng không còn đứng kề Chúa Giêsu nữa.
Trong lãnh vực thần học, như đã thấy ở chương dẫn nhập, cha Francisco Suarez s.j. đã chủ trương phải dành cho đức Maria một chương riêng biệt, bởi vì chất liệu quá dồi dào. Placiđô Nigro đặt tên cho khoa ấy là "Mariologia". Trong khi những cuộc tranh luận về tín điều vô nhiễm nguyên tội còn tiếp tục, thì một số nhà thần học đã mở thêm những chiều kích mới, thí dụ: Bérulle (+1624) xét tới tác động của Chúa Thánh Thần nơi Mẹ, Jean Jacques Olier (+1657) đào sâu thêm đời sống nội tâm của Người, thánh Gioan Eudes (+1680) cổ động lòng sùng kính Mẫu tâm, thánh Louis Marie Grignion de Montfort (+1716) viết tác phẩm về lòng sùng kính chân chính đối với Mẹ. Thánh Anphonsô de Liguori (1696-1787) nổi tiếng về quyển "Những vinh quang của đức Maria" (1750).
Một hiện tượng không thể bỏ qua là nhiều dòng tu đã được thành lập và mang tước hiệu kính Đức Maria (các tước hiệu: vô nhiễm, mông triệu, thánh gia, mân côi...).
Trong hai thế kỷ 19 và 20, ta có thể ghi nhận vài biến cố nổi bật: 1) Những lần đức Mẹ hiện ra tại Paris (Catherine Labouré, 1830), la Salette (1846), Lourdes (1858), Pontmain (1871), Fatima (1917), Beauraing (1932-33), Banneux (1933), Syracusa (1953). 2) Giáo hội tuyên bố tín điều Vô nhiễm nguyên tội (Piô IX, 1854), Mông triệu thăng thiên (Piô XII, 1950). 3) Các Giáo hoàng cận đại đã viết nhiều thông điệp, văn kiện thúc giục lòng tôn kính Đức Mẹ (thí dụ qua việc đọc kinh Mân côi) nhất là trong những lúc giặc giã, những cơn khủng hoảng chính trị xã hội.

V. Công đồng Vaticano II.
Công đồng Vaticano II (hiến chế tín lý về Hội thánh, chương 8) đã mở ra một đường hướng mới cho thần học cũng như việc thực hành lòng tôn kính đức Maria, như chúng tôi đã gợi lên trong chương dẫn nhập. Vào lúc ban hành hiến chế, Đức Phaolo VI đã tuyên xưng Đức Maria là "Mẹ của Giáo hội".
Tuy nhiên phải chờ 10 năm sau công đồng bế mạc, thì những nguyên tắc vừa nói mới được quảng diễn thêm trong tông huấn "Marialis cultus" của đức Phaolô VI (2-2-1974). Đức Gioan Phaolo II không những khuyến khích thực hành lòng tôn kính đức Maria, nhưng còn đích thân đọc kinh Mân côi chung với các tín hữu. Ngoài thông điệp "Redemptoris Mater" (25-3-1987) ban hành nhân dịp Năm Thánh mẫu (1987-88), một cử chỉ đặc biệt của Đức Gioan Phaolo II là thói quen "ký thác" Giáo hội (phổ quát hay địa phương) cho đức Mẹ.
Riêng về phụng vụ, cần phải nhắc việc xuất bản "Nghi thức gắn triều thiên trên các ảnh tượng kính Đức Mẹ" (Ordo coronandi imaginem Beatae Mariae Virginis, 25-3-1981), và "Các bài lễ kính Đức Mẹ" (Collectio Missarum Beatae Mariae Virginis, 15-8-1986): trong các bản văn phụng vụ vừa nói, chúng ta có thể tìm thấy kho tàng kinh thánh, thần học, tu đức để hướng dẫn việc tôn kính đức Maria cũng như việc diễn ra lòng tôn kính ấy ra cuộc sống. Tuyển tập các bài lễ kính Đức Mẹ trình bày 46 bộ lễ xếp theo các mùa Phụng vụ (3 bộ cho Mùa Vọng; 6 bộ cho mùa Giáng sinh, 5 bộ cho mùa Chay, 4 bộ cho mùa Phục sinh) và các chủ đề (a/ các tước hiệu dựa theo Kinh thánh; b/ các tước hiệu diễn tả sự hợp tác của đức Maria vào sự tăng trưởng đời sống thiêng liêng của các tín hữu; c/ các tước hiệu bộc lộ lòng ân cần săn sóc của Mẹ). Tổng cộng ta có 54 lời tổng nguyện, 46 lời nguyện trên lễ vật, 46 lời nguyện tạ lễ và 46 kinh tiền tụng.
Trong phần này, chúng ta sẽ lần lượt nghiên cứu:
1) Thần học về đức Maria trong các tác phẩm của các giáo phụ (ch.7).
2) Những tuyên tín của Giáo hội cổ thời về đức Maria Mẹ và đồng trinh (ch.8).
3) Hai tín điều cận đại về đức Maria: vô nhiễm nguyên tội và hồn xác lên trời (ch.9)
Trong phần này, chúng tôi chỉ chú trọng tới sự tiến triển đạo lý về đức Maria. Chúng tôi dành khía cạnh phụng vụ và đạo đức cho phần thứ ba.