Đức Maria Trong Cựu Ước XI


      ĐỨC MARIA TRONG CỰU ƯỚC BÀI XI
               HÌNH TƯỢNG ĐỨC MA-RI-A

 
Các bạn thân mến,
7. Kế đến là Bà Rút người Mô-áp, con dâu của bà Na-o-mi (Rút chương 1 câu 1-22). Giáo hội nhìn thấy nơi bà Rút hình bóng của Mẹ Ma-ri-a chí thánh – điều được hiểu biết qua các công trình nghệ thuật, các thánh đường mang tên Mẹ. Số là bà Na-o-mi, người Do Thái kết hôn với người chồng dân ngoại (Mô-áp) và sinh được hai người con trai. Nhân trong xứ có nạn đói xảy ra, gia đình bà bỏ Bê-lem miền Giu-đa và đến ở trong cánh đồng Mô-áp. Chẳng may chồng bà Na-o-mi chết sớm, Hai người con trai của bà lớn lên và lập gia đình với hai thiếu nữ người Mô-áp, và một trong hai cô con dâu của bà tên là Rút. Về sau cả hai người con trai của bà qua đời. Trước khi quyết định trở về quê hương, bà Na-o-mi khuyên hai người con dâu hãy về lại nhà cha mẹ họ để làm lại cuộc đời, chứ đừng nên theo bà. Người con dâu kia đồng ý còn bà Rút cương quyết theo bà Na-o-mi tới cùng, dù phải lìa bỏ cha mẹ ruột, dù phài lìa bỏ quê cha đất tổ của mình là xứ Mô-áp. Bà Rút quả là người con dâu hiếu thảo đến lạ dùng: một mực đi theo và sống với mẹ chồng, dù chồng không con nữa.
 
“Rút”, từ chữ gốc Híp-ri, có nghĩa là tình hữu nghị, tình bạn bè. Câu chuyện của bà Rút cũng là câu chuyện của tình bằng hữu được tưởng thưởng. Tình bằng hữu của bà Rút đối với bà Na-o-mi (mẹ chồng) và đối với Thiên Chúa là sức mạnh ẩn tàng đàng sau những diễn biến của câu chuyện. Sự trung tín và tình bằng hữu đã được diễn tả tuyệt vời bằng lời phát biểu của bà Rút: “Vì mẹ đi đâu, con đi đó, mẹ ở đâu, con ở đó, dân của mẹ là dân của con, Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con” (Rút chương 1 câu 16).
 
-Do sự quan phòng diệu kỳ của Thiên Chúa, bà Rút trở thành vợ của ông Bô-át. Bà sinh ra Ô-vết là ông nội của vua Đa-vít. Như thế bà Rút là tổ mẫu của vua Đa-vít, một trong những tiên tổ của Chúa Ki-tô. Đức Ma-ri-a cũng vậy, từ thời thơ ấu đã hiến dâng đời mình cho Chúa, đã sống trong đền thờ. Mẹ đã lìa bỏ nhà cửa và cha mẹ, theo phương cách kỳ lạ của Thiên Chúa trong kế hoạch cứu độ. Mẹ đã được Thiên Chúa chuẩn bị thật hoàn hảo để trở thành Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể.
 
Bà Rút đã khiêm tốn nhận mình là tôi tớ của Bô-át, người đã chọn bà làm cô dâu. Và Mẹ chí thánh, khi trả lời cho Thiên Thần lúc Truyền tin, cũng đã nhận mình là “thân tôi đòi” của Chúa, và Thiên Chúa cũng đã nhận Mẹ làm “cô dâu” cho Người, để hoàn thành công việc nhập thể và cứu chuộc toàn thể nhân loại.
 
-Bà Rút, chuyên đi gom nhặt những cành lúa còn sót lại sau khi những thợ gặt đã đi qua, cũng là hình tượng của Mẹ Ma-ri-a chuyên giúp đỡ những kẻ bị bỏ rơi, tất bạt. Nhà thần học J. Mauri viết: “Các thánh Giáo phụ đã đồng ý với nhau khi cho rằng bà Rút – lúc đang lượm nhặt những hạt lúa còn sót lại của những người thợ gặt – là hình tượng Đức Ma-ri-a. Mẹ lượm nhặt tất cả các linh hồn và đem đến cho Chúa, kể cả những tội nhân bị bỏ rơi và tuyệt vọng nhất”.
 
-Còn nhà thần học Peter Kreeft trong tác phẩm “You Can Understand the Bible” thì cho rằng: “Giống như Mẹ Ma-ri-a, bà Rút là một loại hiệp công cứu chuộc (co-redempter), bởi vì nếu thiếu sự hiệp công của bà, sự thể đã không xảy ra như thế. Khi tuyên bố với bà Na-o-mi: “…Vì mẹ đi đâu, con đi đó, mẹ ở đâu, con ở đó, dân của mẹ là dân của con, Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con” (Rút chương 1 câu 16), nên bà diễn tả cùng trạng thái tâm hồn, cùng cốt lõi của đời sống tâm linh, cùng sự thánh thiêng như lời “Xin Vâng” của Đức Mẹ” (Lu-ca chương 1 câu 38).
-Xin mở ngoặc: Người Mô-áp là con cháu của Lot. Lot là cháu của Áp-ram, chứ không phải từ dòng dõi Áp-ra-ham. Người Mô-áp không thờ Thiên Chúa nhưng thờ các ngẫu tượng dân ngoại, và là đối thủ quân sự của Ít-ra-en trước và sau thời bà Rút.
 
-Học giả Cohenel đề cập điều này trong tác phẩm “Maria SS, e le prove della vita” của mình “…và không chỉ ở trong Rút, nhưng trong bất cứ điều gì, trong bất cứ cách thế nào có liên hệ đến người phụ nữ này: Đức Ma-ri-a. Trong tất cả các khu bảo tồn dành riêng cho Mẹ, người ta có thể nhìn thấy, thường thì trên cao, trên trần nhà, trên các bức tường, nơi các cửa sổ, hình một người phụ nữ với một bó lúa trên cánh tay của cô, và bên dưới một dòng chữ đơn giản với cái tên “Rút”. Trên ngai vàng là Đức Ma-ri-a, người phụ nữ được tràn đầy ân sủng; còn trên các bức tường là Rút, hình bóng của Mẹ. Hình bóng này phản ánh các góc cạnh khiêm tốn của Bê-lem, đã được sáng tác trong những thế kỷ qua”.
 
Nhà thần học J. Mauri khi giải thích “những người thợ gặt” bỏ rơi những hạt lúa, đã trích dẫn một đoạn văn tuyệt đẹp của thánh Bô-na-ven-tu-ra: “Những người thợ gặt này là ai nếu không phải là những người giảng dạy và những giáo sĩ? Ôi tuyệt vời quá, và như thế, Mẹ Ma-ri-a đã đem lại ân sủng: Mẹ đã gom nhặt những kẻ đã bị những thừa tác viên (ministers) của Thiên Chúa bỏ rơi trong tuyệt vọng, và đặt tất cả dưới đôi cánh của Thiên Chúa nhân hậu.
 
Các bạn thân mến,
Người Do Thái có một truyền thống hết sức độc đáo mà không dân tộc nào có: đó là người Mẹ trong gia đình chịu trách nhiệm giáo dục đức tin cho con cái mình chứ không phải người cha, cũng như người mẹ quyết định cho căn cước của con cái mình. Nghĩa là, trong một gia đình dù cho người cha là người Do Thái hay không phải Do Thái, thì con cái vẫn không được coi là người Do Thái. Còn nếu người mẹ là người Do Thái thì con cái được gọi là người Do Thái.
 
Câu chuyện bà Rút là một câu chuyện quá tuyệt vời kể về hành trình đức tin và lòng trung thành của bà Rút. Nàng dâu lại yêu mến và gắn bó với mẹ chồng cách kỳ lạ. Chồng chết mà một mực đi theo mẹ chồng, trở về quê quán với  mẹ chồng, vẫn giữ đức tin của mẹ chồng! Sách bà Rút nói lên một sứ điệp đơn giản nhưng kỳ diệu về niềm tin vào Gia-vê Thiên Chúa. Không phải huyết thống hay hôn nhân mới là vấn đề quan trọng nhất, mà là đức tin. Bà  Rút, mặc dù là một người phụ nữ dân ngoại, là một ví dụ hoàn hảo về lòng trung thành tuyệt vời của người Ít-ra-en. Có lẽ vì vậy đã có nhiều phim, nhiều DVD nói về tình yêu, đức tin, sự hy sinh và lòng trung thành của Bà Rút, đã được trình chiếu trên thế giới. Ước gì hành trình đức tin của bà Rút là một bài học quá hay, có thể làm cho chúng ta suy nghĩ, có thể ảnh hưởng đến những người “trở lại” để lập gia đình như chúng ta.
 
Tạm biệt các bạn, mời nghe tiếp bài XII.