Đức Maria Trong Cựu Ước VI


ĐỨC MARIA TRONG CỰU ƯỚC BÀI VI
       BÀ LÀ “EVÀ MỚI”

 
Các bạn thân mến,
Tuy nhiên, sự dè dặt, im lặng hoặc có vẻ thờ ơ khi trình bày về Đức Mẹ của Thánh Kinh và các Giáo phụ không phải không có lý do chính đáng. Có hai lý do chính yếu:
Thứ nhất, vào thời đó, trong văn hóa Hy Lạp, hầu hết các tôn giáo của người Hy Lạp đều tự hào về các nữ thần của họ. Những nữ thần này được tôn thờ đồng thời có ảnh hưởng rất lớn đến các tín đồ. Từ đó, chúng ta hiểu được rằng sự truyền bá của thứ văn hóa có “Mẫu Thần”, hay “Mẫu thần-bà Trời” (với nhiều danh xưng khác nhau tùy nơi chốn nữ thần này được tôn thờ, cũng như tùy tôn giáo ở đó), được hầu hết dân chúng ngưỡng mộ, sùng bái. Người Rô-ma gọi nữ thần của họ là Magna Mater; người Phrygian -thuộc Thổ nhĩ kỳ gọi là Cybele; người Palestine gọi là Astarte; còn người Ai cập gọi là Isis; người Êphêsô gọi là Diana. Ngoài ra, với các tôn giáo ở những nơi khác ngoài ảnh hưởng của văn hóa La-Hy (Greco-Roman), thì nữ thần của họ còn mang những tên lạ lẫm.
 
Nếu Giáo hội giới thiệu hay đề cao Mẹ Maria trong bối cảnh đó thì sớm muộn Mẹ cũng sẽ được chấp nhận, và điều này chắc chắn sẽ làm phát sinh một lối giải thích mơ hồ hay sai lạc về con người và vai trò của Mẹ trong tương quan với Chúa Giê-su. Chính vì thế mà Giáo hội đã không liều lĩnh tôn vinh, tán tụng Mẹ quá sớm. Giáo hội không muốn giáo huấn của mình về chương trình cứu độ của Thiên Chúa bị hiểu sai. Chắc chắn thiên hạ sẽ tiếp nhận Mẹ ngay, nếu như Giáo hội giới thiệu hay đề cao Đức Trinh Nữ Maria vào thời điểm đó -thời kỳ Giáo Hội bị bách hại ác liệt; và tất nhiên, Mẹ sẽ biến thành một thứ ngẫu tượng như các nữ thần lúc bấy giờ.
 
Tuy nhiên, không ai ngờ được những việc lạ lùng Thiên Chúa làm: chính do bị bách hại, chính do sự thầm lặng chịu đựng cách quả cảm của các tín hữu thời đó mà lòng sùng kính Đức Mẹ, mà việc kêu cầu Mẹ trợ giúp đã gia tăng cách lạ lùng. Nếu có dịp vào thăm hang toại đạo (catacomb: là những đường hầm do các Ki-tô hữu đào xới dưới lòng đất để chôn người quá cố. Đó cũng là nơi họ dùng để ở hầu lẩn tránh sự bách hại, hiện nay người ta đã phát hiện đến 66 hang toại đạo, có hang có ba bốn tầng, có hang dài 17 cây số. Ban ngày sống trong hang, thiếu ánh sáng và mọi tiện nghi, ban đêm mới chui ra đi làm việc lặt vặt hoặc xin ăn để sống, trước khi trời sáng phải chui vào trở lại, nếu không sẽ bị quân binh bắt. Các hang toại đạo này ghi lại lịch sử thầm lặng của Giáo hội trong 300 năm đầu bị bách hại, với những nhân chứng hùng hồn đã dám chịu chết làm chứng cho đức tin. Nơi đây có chứa hài cốt các thánh tử đạo nên được các tín hữu kính viếng và hành hương), bạn sẽ thật xúc động khi thấy những bức tranh về Mẹ, đặc biệt nhất là bức tranh vẽ Đức Mẹ đứng giữa, với đôi tay bao bọc hai thánh Phê-rô và Phao-lô tông đồ. Lòng tin của các tín hữu thời đó thật lạ lùng: họ không biết giáo lý nhiều như các thế hệ sau này, nhưng lại liều lĩnh, dám sống lẩn tránh, chui rúc cả đời, chấp nhận đánh đổi mạng sống của mình để làm chứng cho đức tin. Oai hùng thật.
 
Xin được mở ngoặc ở đây để nói về tình cảnh bi thương của Giáo hội sơ khai, sau khi Chúa về trời: Năm 70, đền thờ ở Giê-ru-sa-lem bị phá hủy, Ki-tô giáo không được chính quyền đế quốc La-mã đang cai trị công nhận, vì La-mã chỉ công nhận Do thái giáo như tôn giáo chính thức mà thôi. Các học giả tin rằng những nhà lãnh đạo Do thái giáo vì muốn tái lập tiêu chuẩn để xác định căn tính quốc giáo của mình, nên vào năm 90, đã tổ chức một cuộc Hội nghị tại Jamnia, thuộc Palestin. Họ đưa ra nhiều tiêu chuẩn để ấn định Do thái giáo, mà một trong những tiêu chuẩn đó là: Do thái giáo giáo xác tín rằng Đấng Thiên Sai chưa đến. Tiêu chuẩn này vẫn còn có giá trị cho đến hôm nay: sau hai ngàn năm, người Do thái vẫn tin như thế. Chính quyết định khắc nghiệt này đã đặt Giáo hội vào tình cảnh nguy khốn: các Ki-tô hữu bị đuổi ra khỏi các hội đường Do thái. Hệ quả là chính quyền đế quốc La-mã đã coi Giáo hội Công giáo là tôn giáo bất hợp pháp. Mọi phụng tự và tụ tập của các Ki-tô hữu đương nhiên bị cấm đoán. Giáo hội Công giáo bị bách hại ác liệt kể từ đây! Các tín hữu phải lẩn trốn khắp nơi, các hang toại đạo hình thành. Không ít Ki-tô hữu tử đạo, một số bỏ đạo vì quá khiếp hãi. Mãi đến năm 313, hoàng đế Constantine mới ra “sắc chỉ Milan” cho các Ki-tô hữu được quyền hành đạo trên toàn lãnh thổ.
 
Thứ hai, thinh lặng là một phần mầu nhiệm của Thiên Chúa. Thánh I-nhã thành An-ti-ô-ki-a đã khẳng định rằng Chúa Giê-su “đã đến từ thinh lặng” và như thế “kể cả những việc Người làm trong thinh lặng đều được Cha Người khen ngợi”. Thánh nhân nói thêm: “Bất cứ người nào nắm bắt được lời của Chúa Giê-su thì cũng có khả năng nghe được sự thinh lặng của Người”. Như vậy sự thinh lặng của Giáo hội sơ khai, đối với Đức Trinh Nữ Maria, có thể hiểu được, nếu chúng ta chấp nhận sự giải thích sâu sắc nhưng lạ lùng và đầy sức thuyết phục của Giáo phụ này. Ngoài ra, ngài còn khiến chúng ta chú ý đặc biệt đến sự thinh lặng, khi nói về Giám mục của Philadelphia (một thành phố ở Tiểu á, đây là trụ sở của một trong “bảy Giáo Đoàn” sách Khải Huyền nói đến, thuộc Thổ nhĩ Kỳ vào năm 1392): “Ngài đã hoàn thành được nhiều việc trong thinh lặng hơn những người khác chỉ nói trống rỗng, không hiệu quả”. Thêm vào đó, khi tham khảo một số tác phẩm viết về Mẹ Maria của các Giáo phụ, chúng ta thấy nơi các ngài lòng ước muốn đưa sự hiện diện nhiệm mầu của Mẹ Maria vào trong đức tin và sự sống của các tín hữu đầu tiên - một sự hiện diện được biểu hiện cách mãnh liệt, hấp dẫn, qua chính sự thinh lặng của Mẹ.
 
Các bạn thân mến,
Khi so sánh Evà cũ và Evà mới, ta không thể không nói đến thánh Giáo phụ I-rê-nê, Giám mục thành Ly-on 140-202). Ngài là người có công triển khai cách phong phú và sâu sắc ý tưởng Đức Maria là Evà mới, lấy lại từ vị Giáo phụ trước ngài, Thánh Giút-ti-nô Tử đạo (100-165). Thánh I-rê-nê đối chiếu Ađam cũ với Ađam mới là Đức Ki-tô, hết sức “logic”, theo đó, cái mới thay thế hoàn toàn cho cái cũ; rồi từ đó, ngài kết nối ý tưởng Đức Trinh Nữ Maria là Evà mới thay thế và cứu chữa hoàn toàn Evà cũ.
 
Dù hiểu được sự độc đáo trong tư tưởng của thánh I-rê-nê, thiết tưởng ta phải biết luận thuyết thâu họp mà thánh Phao-lô đưa ra để giải thích triết học lịch sử. Theo luận thuyết này, Đấng Cứu Thế đã thâu họp nơi Người muôn loài muôn vật, mọi biến cố xảy ta từ thuở tạo thiên lập địa, và hòa giải tất cả mọi sự với Thiên Chúa. Hiểu như thế thì sự cứu độ nhân loại được xem như một công việc tạo dựng mới (cuộc tạo dựng thứ hai) mà cốt lõi của nó là việc lập lại sự tạo dựng đầu tiên. Qua sự tạo dựng thứ hai này, Thiên Chúa phục hồi kế hoạch cứu độ nguyên thủy của Người. Kế hoạch này đã bị gián đoạn bởi sự sa ngã của Ađam, nay được tiếp tục và làm mới lại trong chính Con của Người, Đấng trở thành Ađam thứ hai cho toàn nhân loại.
 
Và nếu toàn thể nhân loại rơi vào sự trầm luân, diệt vong bởi tội lỗi của một người (thư Rô-ma chương 5 câu 12), thì việc Con Thiên Chúa xuống thế làm người là điều cần thiết. Người là nguồn cội của nhân loại mới. Ađam và Chúa Ki-tô, cả hai đều tiêu biểu cho nhân loại và luôn liên đới với nhau. Sự bất phục tùng của Ađam đã biến nhân loại thành nô lệ của sự dữ: nhân loại có nguy cơ bị hủy hoại bởi tội lỗi và sự chết. Nhưng nhờ sự vâng phục tuyệt đối của Chúa Ki-tô-Ađam mới-, muôn loài muôn vật được giải thoát, tội lỗi và sự chết được thay bằng sự công chính và sự sống. Thánh I-rê-nê tóm tắt thần học cứu chuộc của Phao-lô bằng từ “thâu họp” (recapitulation): tất cả công trình tạo dựng được thu tóm trở lại và đặt dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô.
 
Thánh I-rê-nê đã chứng minh cách hoàn hảo sự đối chiếu giữa hai người phụ nữ, bằng hai ý tưởng hội tụ và phân kỳ, như thánh Phao-lô đã từng đối chiếu Ađam với Chúa Ki-tô. Theo cách thế đó, thánh I-rê-nê đã đối chiếu Evà và Maria. Trườc tiên, tuy cả hai đều lập gia đình, nhưng đều vẫn còn trinh tiết (Evà khi phạm tội vẫn còn đồng trinh theo nghĩa thể lý, vì sau đó Bà mới “biết” chồng mình là Ađam và thụ thai). Thế nhưng, trong khi Evà bắt đầu gây nên sự hủy diệt và cái chết cho chính mình và cho nhân loại, thì Maria nhờ vâng phục đã trở thành căn nguyên của ơn cứu độ cho chính mình và cho toàn thể nhân loại. Thánh I-rê-nê triển khai vai trò của Đức Mẹ, tuy lệ thuộc nhưng luôn gắn kết cách mật thiết với những hoạt động cứu độ của Con mình. Thật xác đáng khi gọi Mẹ là “căn nguyên của ơn cứu độ” vì sự thâu họp nơi Mẹ những việc làm của Evà. Nếu sự bất phục tùng của Evà đã áp đặt sự nô lệ tội lỗi trên nhân loại thì sự vâng phục của Mẹ đã phá hủy sự ràng buộc này, trả lại cho con người sự tự do nguyên thủy. Nói cách khác với cái gút đầu tiên do Evà thắt lại đã được Đức Maria tháo gỡ. Sự bất phục tùng của Evà là hậu quả của sự không tin, thì nay sự tuân phục của “Evà mới” là hoa trái của niềm tin. Thánh I-rê-nê đặt cho Đức Maria tước hiệu “Đấng bầu chữa cho Evà”. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử văn chương Ki-tô giáo, tước hiệu “Đấng bầu chữa” (Advocata) được sử dụng cho Mẹ. Thánh I-rê-nê viết:“Ađam phải được thâu họp trong Chúa Ki-tô, như thế sự bất tử nuốt trọn sự chết và Evà được thâu họp trong Maria, để Đức Trinh Nữ trở thành kẻ bầu chữa cho trinh nữ kia, và sự bất phục tùng của một trinh nữ bị hủy diệt và bị loại bỏ bằng sự tuân phục của một Trinh Nữ khác”.
Thánh I-rê-nê xem lịch sử nhân loại như một sự hợp nhất phi thường, trong đó Tân Ước không là gì khác ngoài sự tiếp nối Cựu Ước. Kế hoạch của Thiên Chúa bị Ađam, với sự cộng tác tích cực của Evà, làm gián đoạn, nhưng đã được hồi phục và đi đến chỗ thành toàn nhờ Chúa Ki-tô, với sự cộng tác mật thiết của Mẹ Maria.
 
Tóm lại, theo thánh I-rê-nê thì Evà mới thay thế cách hoàn hảo cho Evà cũ, và đó là lý do mà Con Thiên Chúa phán: đầu hết sẽ nên cuối hết, và cái sau hết sẽ nên trước nhất (Mat-thêu chương 19 câ 30). Vịnh gia cũng đã từng xác nhận: “Con cái các ngài sẽ nối dòng tiên đế” (Thánh vịnh 45 câu 17); vì thế, Con Thiên Chúa nay trở thành “trưởng tử trong số những người chết” (Thư Cô-lô-sê chương 1 câu 18) “để trong mọi sự Người đứng hàng đầu” (Thư Cô-lô-sê chương 1 câu 18), giống như xưa kia Ađam đã từng là kẻ chết đầu tiên. Đó là lý do tại sao Thánh sử Lu-ca đã trình bày gia phả bắt đầu từ Chúa Giê-su ngược trở lên đến Ađam. Thánh sử Lu-ca muốn cho thấy không phải những người cha sinh ra con, nhưng chính người Con đã sinh ra những người cha vào trong Tin Mừng và Sự Sống. Và như thế cái gút mà Evà đã thắt do bất tuân, nay được tháo cởi nhờ sự tuân phục của Maria. Những trói buộc do sự không tin của Evà nay được cởi bỏ nhờ niềm tin của Maria.
 
Các bạn thân mến,
Nhiều Giáo phụ khác cũng đã trình bày luận thuyết “Đức Maria Evà mới” như Tertulianô, thánh Cyrilô thành Giê-ru-sa-lem v.vv…Tuy nhiên, những đóng góp của hai thánh Giut-ti-nô tử đạo và I-rê-nê thành Ly-on cũng đủ để giúp chúng ta xác tín Đức Maria là Evà mới: tất cả những hành động của Evà và hậu quả do chúng gây ra đã được “thâu họp” nơi Mẹ, và như thế, Mẹ trở thành “Đấng bầu chữa” cho Evà.
 
Dĩ nhiên chúng ta không thể không nhắc đến Thánh Gio-an Henry Newman (Giám mục Anh giáo trờ lại làm Linh mục Công Giáo, được Giáo hội phong thánh ngày 13-10-2019), người đã đóng góp rất nhiều cho kho tàng Thánh Mẫu Học. Ngài đã trích dẫn tư tưởng của 10 Giáo phụ (từ thế kỷ II đến – VI), đại diện cho các Giáo hội Đông và Tây, để trình bày Đức Maria như Evà thứ hai. Theo ngài việc đối chiếu giữa Evà và Maria làm nâng cao vai trò của Mẹ trong chương trình cứu độ. Khi Mẹ được thụ thai trong lòng bà thánh Anna, Mẹ thụ động trong tay Chúa tạo dựng, nhưng vào lúc Truyền Tin, khi trở thành Mẹ của Thiên Chúa thương xót, thì Mẹ không còn là một khí cụ thể lý thụ động, nhưng trở nên khí cụ sống động để Con Thiên Chúa thụ thai trong cung lòng Mẹ. Xin mượn lời của thánh Gioan Henry Newman để tóm kết phân đoạn này:
“Cho dẫu tôi nhấn mạnh đến, như các bạn đã biết, một tiến trình phát triển chân lý Tông truyền theo dòng thời gian, thì một sự phát triển như thế không loại bỏ các Giáo phụ, nhưng giải thích và bổ túc cho các ngài. Và, cách riêng, đối với giáo huấn của chúng ta liên quan đến Đức Trinh Nữ Maria, tôi hài lòng với các Giáo phụ: đối với tôi, có các Giáo phụ là đã đủ rồi”.
Mời nghe tiếp bài VII