Đức Maria Trong Cựu Ước Bài XV


  ĐỨC MARIA TRONG CỰU ƯỚC BÀI XV
    HÌNH TƯỢNG ĐỨC MA-RI-A

 
Các bạn thân mến,
Giê-ru-sa-lem đã được xây dựng trên một phần đất này, nơi có ngọn núi trên đó I-sa-ác được hiến tế. Theo truyền thống đáng tin cậy, thì ngay tại chỗ này, vua Sa-lô-mon đã xây đền thờ. Trên những chỏm khác của núi này, vua Đa-vít cũng đã xây thành phố Si-on, sau này vào thời Tân Ước được biết đến với tên “đồi Can-vê” hay “đồi Gôn-gô-tha”. Do đó, nơi mà Áp-ra-ham nhận được chỉ thị của Thiên Chúa đem đứa con cầu tự duy nhất của mình lên để hiến tế cũng là chỗ mà sau này Đức Trinh Nữ Maria đã thực hiện đức vâng lời tuyệt đối của mình, khi bày tỏ lòng tin, qua biến cố Truyền Tin : "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." (Lc 1:38). Như vậy, những gì ẩn chứa nơi hai nhân vật Áp-ra-ham và I-sa-ác đã được phản ánh và hoàn tất nơi Mẹ Maria và Chúa Kitô, cách thật chính xác nơi Đấng Nữ Hiệp Công Cứu Chuộc. Sự tham chiếu Áp-ra-ham trong Lễ Quy (Canon of the Mass) và trong thực tế là sự tham chiếu Mẹ Maria, đặt nền tảng trên mầu nhiệm Hiệp Công Cứu Chuộc. 
 
Theo trình thuật của Sách Sáng Thế, Thiên Chúa đã thử thách lòng tin của Áp-ra-ham khi ra lệnh cho ông phải hiến tế con mình. I-sa-ác đã được thụ thai cách kỳ diệu, qua đó ông có thể nhận lãnh cho chính mình và con cháu mình di sản lời hứa với Áp-ra-ham. Tuy nhiên, đây là một lời hứa đầy nghịch lý, vì chỉ được thực hiện thông qua sự hiến tế chính mình. Trong cuộc hiến tế này, đức tin của Áp-ra-ham đã mang đến kết quả tích cực, vì nếu không thì lời hứa sẽ không bao giờ trở nên hiện thực. Lòng tin của Áp-ra-ham ở đây đã tương phản với sự bội tín của Evà, nhưng lại tiên báo lòng tin hoàn toàn tuyệt đối của Mẹ Maria trên đồi Can-vê, Đấng Nữ Hiệp Công Cứu Chuộc, Đấng cùng với Con Bà chấp nhận sự hiến tế cứu chuộc để chuộc tội cho toàn thể nhân loại. 
 
Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã đề cập đến sự tiên trương (typology) này trong một đoạn quan trọng của Thông Điệp Mẹ Đấng Cứu Thế (Redemptoris Mater) :“Chúng ta có thể so sánh lòng tin của Đức Maria với lòng tin của ông Áp-ra-ham, người mà Thánh Tông đồ gọi là “tổ phụ chúng ta trong đức tin”. Trong nhiệm cục cứu độ được Thiên Chúa mạc khải, đức tin của Áp-ra-ham là khởi điểm cho Giao Ước cũ. Trong biến cố truyền tin, đức tin của Mẹ Maria khởi đầu cho Giao Ước mới. Như Áp-ra-ham, "tuyệt vọng mà vẫn một niềm cậy trông, ông đã tin là ông sẽ là cha của nhiều dân tộc" (Rm 4:18)1 ; thì cũng thế, Mẹ Maria, trong giây phút truyền tin, sau khi nói lên tình trạng đồng trinh (“Làm sao có chuyện ấy được, vì tôi không biết đến việc vợ chồng”) của mình, thì đã tin rằng nhờ tác động của Thánh Thần, Mẹ sẽ trở nên Thân Mẫu của Con Thiên Chúa theo lời mạc khải của thiên sứ : “Hài nhi sắp sinh ra sẽ được gọi là Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa” (Lc 1:35). 
 
Xa hơn nữa, chính qua người Phụ Nữ này mà sự tiên trưng (typology) đã trở thành hiện thực, khi thời gian tới hồi viên mãn (Gl 4:4). Sự đóng góp độc đáo, có một không hai của Bà làm nên sự khác biệt giữa sự tình trạng bị giam giữ trong chế độ nô lệ tội lỗi và sự tiến bước trong tự do của con cái Thiên Chúa, qua đó những ai sống trong chế độ tự do có thể chia sẻ những thành quả hiến tế của Áp-ra-ham/I-sa-ác; của Mẹ Maria/Chúa Kitô; của Đấng Nữ Hiệp Công Cứu Chuộc/Đấng Cứu Chuộc. Những điều này còn xác nhận với chúng ta một sự thật nữa; đó là đức tin cần phải có hành động, nếu không thì đó là đức tin chết. 
 
Các bạn thân mến,
Theo Cha S. Manelli, trong Tin Mừng của Thánh Gio-an, Chúa Giê-su đã giải thích cho đám đông Do Thái hung hăng :“Ông Áp-ra-ham là cha các ông vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ” (Ga 8:56). "Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là I-xa-ác, hãy đi đến xứ Mô-ri-gia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho." Mô-ri-gia, theo thánh Giê-rôm, có nghĩa là “đất của thị kiến” (land of vision). Điều này có nghĩa là Áp-ra-ham nhờ đức tin, đã thấy hay đã nhận biết được, trong dự hình hay trong tiên thức, mầu nhiệm của Đấng Cứu Chuộc / Đấng Nữ Hiệp Công Cứu Chuộc. Ngày nay, nhờ đức tin chúng ta còn biết đầy đủ hơn : không phải trong dự hình mà bằng biểu tượng hiện thực của dự hình. Chính khi nhìn ngắm Thánh Giá hay tôn thờ Thánh Thể trong Thánh lễ mà chúng ta nhìn thấy và hân hoan. 
 
Mẹ Maria của chúng ta, trong bài ca Magnificat đã nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi”. Điều này không hàm chứa mối tương quan với Áp-ra-ham về niềm tin và việc được thấy ngày của Chúa Giêsu hay sao ? Chính câu cuối trong bài Magnificat đã kết luận : “Như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời” (Lc 1:46-55). Thánh Phaolô cũng đã nhấn mạnh trong thư gởi tín hữu Ga-lát :“Thế mà những lời hứa đã được ban cho ông Áp-ra-ham và dòng dõi ông, Kinh Thánh không nói: và cho những dòng dõi, như thể nói về nhiều, mà chỉ nói về một: và cho dòng dõi người là Đức Kitô” (Gl 3:16). Quả vậy, con cháu ở đây được hiểu ở số ít. Bởi thế, nhờ Người Mẹ đầu tiên của chúng ta và cũng là Người Mẹ môi giới, mà chúng ta được chia sẻ các phúc lành Thiên Chúa đã hứa với Áp-ra-ham, như lời Đức Thánh Cha GioanPhaolô II.
 
 Cha Lucien Deiss viết :“Đó chính là vị trí trung tâm của Mẹ Maria : nó bao gồm cả việc kiện toàn của truyền thống Cựu Ước và sự khởi đầu của thời đại thiên sai. Mẹ Maria là với Chúa Kitô và Giao Ước Mới ; còn Áp-ra-ham là với I-sa-ác và thời điểm của lời hứa.” Do đó, sự quan trọng của gia phả Chúa Kitô trong Tin Mừng của Thánh Mát-thêu (1:1-16) và của Thánh Lu-ca (3:23-38) nằm ở chỗ cả hai Ađam (trong Lu-ca) và Áp-ra-ham (trong Mát-thêu) đều cho thấy làm thế nào mà gia đình toàn nhân loại và đặc biệt là dân được tuyển chọn được liên kết về mặt lịch sử với Đấng Cứu Thế và với hành động hiến tế cứu chuộc của Nguời trên đồi Can-vê, qua Mẹ Maria.
Mời nghe tiếp bài XVI.