Đức Maria Trong Cựu Ước Bài XIV


   ĐỨC MARIA TRONG CỰU ƯỚC BÀI XIV
               HÌNH TƯỢNG ĐỨC MA-RI-A


 
10. Người tiếp theo mang hình tượng Mẹ Ma-ri-a trong Cựu Ước đó là bà mẹ của bảy anh em nhà Ma-ca-bê - một người mẹ can trường chưa từng thấy trong thời Cựu Ước. Bà là niềm tự hào cho những ai có niềm tin vào Thiên Chúa. Chính người mẹ này cũng bị bắt và ở bên cạnh bảy người con mình đang trong cơn thử thách. Thay vì cam lòng để các con phạm luật hầu được sống, bà đã khuyên nhủ họ hãy can đảm lãnh phúc tử đạo, chấp nhận cái chết chứ không chối bỏ luật Chúa. Bà khuyên các con hãy đặt niềm tin vào Thiên Chúa Cứu Độ và làm chứng cho Người, Đấng sẽ cho tất cả sống lại ngày sau hết.
 
An-ti-ô-khô -tên vua độc ác tàn bạo, kẻ ghét cay ghét đắng người Do Thái – đã dùng bạo lực đánh chiếm thành Giê-ru-sa-lem. Hắn ra lệnh cho binh sĩ dưới quyền hể gặp ai là cứ thẳng tay tàn sát: bất kể già trẻ, lớn bé, thiếu nữ, hài nhi đều bị cắt cổ…đến độ, chỉ trong ba ngày mà 80 ngàn người đã bị tiêu vong: 40 ngàn phải chết, số còn lại bị đem bán làm nô lệ. Khi bắt được người Do Thái nào, nhà vua đều bắt họ ăn thịt heo, là thức ăn mà luật Mô-sê cấm. Kể cả Ê-la-đa, một kinh sư đáng kính đã chín mươi tuổi, vì từ chối ăn thị heo nên cũng bị giết chết. Bảy anh em nhà Ma-ca-bê cùng bà mẹ đã kiên quyết thà chết vì nhục hình chứ nhất định không vi phạm Lề Luật. Thấy bảy người con trai phải chết nội trong có một ngày thế mà bà vẫn can đảm chịu đựng, nhờ niềm trông cậy đặt nơi Đức Chúa. Bà dùng tiếng mẹ đẻ mà khuyến khích từng người con một. Lòng bà đầy tâm tình cao thượng. Tuy đó là lời lẽ của một người phụ nữ, nhưng lại sôi sục một chí khí nam nhi. Bà nói với các con: "Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con hơi thở và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con hơi thở và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình." (Ma-ca-bê 2 : chương 7 câu 22-23)
 
Sau khi người con thứ sáu bị giết chết, vì sợ người con út ngã lòng, không chiụ đựng nỗi thử thách quá khủng khiếp, nên bà giả vờ ưng thuận -theo ý muốn của nhà vua-, khuyên nhủ con út đừng cứng lòng. Thế nhưng, khi đến bên con, thay vì khuyên can con thì bà lại nhắc nhở con: "Con ơi, con hãy thương mẹ: chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, mẹ đã nuôi nấng dạy dỗ con đến ngần này tuổi đầu. Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy. Con đừng sợ tên đao phủ này; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con, mà chấp nhận cái chết, để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ." (Ma-ca-bê 2 : chương 7 câu 27-29). Đứa con út đã can  trường chịu chết, và cuối cùng, bà mẹ cũng cùng chung số phận với bảy người con anh dũng của mình. Những lời khuyên nhủ con trên đây cho thấy ngưới phụ nữ này quả là một bà mẹ rất mực khôn ngoan, dũng cảm, đáng cho ta khâm phục và kính cẩn ghi nhớ.
 
Các bạn thân mến,
-Sự biểu hiện trước biến cố quá ấn tượng này (sự quả cảm của người mẹ bảy anh em Ma-ca-bê) đã cung cấp cho chúng ta hình tượng Mẹ Ma-ri-a chí thánh, người Nữ Hiệp Công Cứu Chuộc, vì Mẹ đã hiện diện bên cạnh con Mẹ -Đấng Cứu Chuộc. Việc Đức Giê-su chịu khổ nạn, hiến dâng thân xác trên đồi Can-vê đã làm sáng tỏ lòng quả cảm của Mẹ cách đặc biệt. Quả vậy, Mẹ Ma-ri-a đã kết hiệp cách mật thiết với Con, là Chúa Giê-su (Ánh Sáng Muôn Dân 53), và Mẹ đã hiến dâng trọn thân xác, cuộc đời mình cho Thiên Chúa, như lời dạy của Công Đồng Va-ti-ca-nô II:
 
“Đức Ma-ri-a đã muốn nên như người nữ tỳ của Chúa để hoàn toàn hiến mình cho ngôi vị và công trình của Con ngài, đồng thời nhờ ân sủng của Thiên Chúa toàn năng, ngài tùy thuộc vào Con và cùng với Con để phục vụ mầu nhiệm cứu chuộc” (Ánh Sáng Muôn Dân 56).
 
Thánh Giáo Hoàng Gio-an-Phao-lô II đã thấy nơi người mẹ của 7 anh em nhà Ma-ca-bê hình tượng của Đức Ma-ri-a, Người Mẹ Sầu Bi. Theo Thánh Giáo Hoàng, Mẹ đã chia sẻ cuộc khổ nạn của con mình, đã hiến dâng con mình như của lễ đền tội lên Thiên Chúa Cha để chuộc tội cho nhân loại. Mẹ vửa cộng tác, vừa hiến dâng chính bản thân mình cho công cuộc cứu chuộc nhân loại, Thánh Giáo Hoàng đã trả lời khi được báo chí phỏng vấn như sau: “với một đức tin không lay chuyển, một niềm cậy trông không giới hạn và một lòng dũng cảm anh hùng”. Như thế Mẹ thật sự là người “Nữ Hiệp Công Cứu Chuộc của nhân loại”.
 
Các bạn thân mến,
Trên đây là 10 phụ nữ tiêu biểu, mang hình tượng của Đức Ma-ri-a trong Cựu Ước. Dĩ nhiên phía nam giới cũng có những con người phản ánh hình tượng của Mẹ, thậm chí còn rõ nét hơn cả nữ giới, đó là Áp-ra-ham và I-xa-ác (Sáng Thế chương 22 câu 1-18). Theo Linh mục Stê-pha-nô M. Ma-nel-li, nhà thần học được nhiều người biết đến, thì trong Lễ Quy Rô-ma, phần kinh tiền tụng thường nhắc đến ba nhân vật trong Cựu Ước. Ba nhân vật này phản ánh trước, tiêu biểu cách nào đó Chúa Ki-tô và Hy Lễ Cứu Độ của Người: A-ben người công chính; Tổ phụ Áp-ra-ham; và Men-ki-xê-đê, linh mục thượng phẩm. A-ben, người ngay chính bị giết chết, đã tiêu biểu cách rõ ràng cho Chúa Ki-tô bị hy sinh. Men-ki-xê-đê tiêu biểu cho Chúa Ki-tô Linh mục. Còn Áp-ra-ham không tiêu biểu cho Chúa Ki-tô, nhưng tiêu biểu cho Đức Ma-ri-a Mẹ Người, Đấng đã tin và đã hiến tế Con mình giống như Áp-ra-ham đã hiến tế I-xa-ác vậy. Sách Sáng Thế thuật lại: Chúa phán với Áp-ra-ham "Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là I-xa-ác, hãy đi đến xứ Mô-ri-gia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho." (Sáng Thế chương 22 câu 2).
Mời nghe tiếp bài XV