Đức Maria Trong Cựu Ước Bài XII


      ĐỨC MARIA TRONG CỰU ƯỚC BÀI XII
               HÌNH TƯỢNG ĐỨC MA-RI-A

 
Các bạn thân mến,
8. Người đàn bà kế tiếp là bà Giu-đi-tha, một phụ nữ có sắc đẹp tuyệt trần, mưu lược đến lạ lùng. Bà cũng là người hết sức đạo đức, rất kính sợ Thiên Chúa, luôn ăn chay và cầu nguyện. Bà đã ngăn chận được cuộc xâm lăng do quân đội rất hùng hậu của vua Na-bu-cô-nô-đô-xo (một ông vua đầy quyền uy và vô đạo), được điều khiển bởi vị đại tướng tài ba lỗi lạc là Hô-lô-phê-nê, vị tướng này là nhân vật thứ hai chỉ sau nhà vua. Đoàn quân này trên đườnng đi chinh phạt và tiêu diệt toàn cõi các xứ phương Tây, vì các xứ sở này đã không chịu tuân theo mệnh lệnh của nhà vua. Nhà vua đã tuyên bố “Đại đế, chúa tể toàn cõi đất phán thế này: đây, ngươi hãy lui ra, đem theo binh sĩ tinh nhuệ, chừng một trăm hai mươi ngàn bộ binh, một số lớn chiến mã và mười hai ngàn kỵ binh. Ngươi hãy đi chinh phạt tất cả các xứ ở phương Tây, bởi vì chúng không chịu tuân theo mệnh lệnh của Ta.” (Giu-đi-tha chương 2 câu 5 và 6). Tuy nhiên, chính nhờ bà Giu-đi-tha mà dân Ít-ra-en không còn phải sợ hãi ai nữa, trong lúc bà còn sống và suốt cả một thời gian dài sau khi bà qua đời (Giu-đi-tha chương 16 câu 25).
 
Chuyện xảy ra là khi Tướng Hô-lô-phê-nê đem quân chiếm cứ thành Bai-ty-lu-a thì các xứ chư hầu chung quanh hùa theo (điều này cho thấy cả một thế giới thù địch vây quanh Ít-ra-en). Họ đề nghị là chỉ cần bao vây, chứ không cần chiếm thành. Chỉ cần chiếm giữ nơi lấy nước của Ít-ra-en thì dân này ắt sẽ chết khát và phải đầu hàng. Làm như thế thì không phải hao tốn một binh sĩ nào cả. Mọi sự đã diễn tiến đúng như dự kiến. Do thiếu nước, tinh thần dân chúng đâm ra bạc nhược; họ bắt đầu ta thán, oán trách và chống lại vị thủ lãnh của họ. Trong cảnh bế tắc đó, thủ lãnh thành lúc đó Út-di-gi-a, thề sẽ nộp thành cho giặc, nếu Thiên Chúa không can thiệp sau năm ngày cầm cự. Nghe tin này bà Giu-đi-tha vội sai người nữ tỳ của bà đi mời hai vị kỳ mục của thành đến nhà bà. Bà chê trách hai ông đã đồng lõa với vị thủ lãnh dám thách thức Đức Chúa toàn năng. Bà nói: “Thưa các vị thủ lãnh của dân cư ở Bai-ty-lu-a, xin nghe tôi nói đây. Lời các vị nói trước mặt dân hôm nay, cũng như lời các vị đã thề giữa Thiên Chúa và các vị đều không phải. Các vị nói là sẽ trao nộp thành cho kẻ thù, nếu trong thời gian các vị ấn định, Đức Chúa không ngoảnh lại cứu giúp chúng ta. Vậy các vị là ai mà hôm nay dám thử thách Thiên Chúa và chiếm chỗ Thiên Chúa ở giữa con cái loài người? Và giờ đây, các vị thử thách Đức Chúa toàn năng, nhưng đến muôn đời các vị cũng chẳng hiểu được gì. Quả thật, đối với các vị, tâm khảm con người đã khôn dò, suy tưởng con người đã khôn thấu, thì làm sao các vị có thể hiểu được Thiên Chúa, Đấng làm nên mọi sự, làm sao hiểu được tư tưởng và thấu suốt được dự tính của Người? Không, nhất định không, thưa anh em, đừng chọc giận Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta. Giả như trong năm ngày ấy, Người không muốn cứu giúp chúng ta, thì vào những ngày Người muốn, Người vẫn thừa sức bảo vệ chúng ta hoặc tiêu diệt chúng ta trước mặt kẻ thù. Còn các vị, đừng đòi hỏi Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, đảm bảo những quyết định của Người, bởi vì Thiên Chúa đâu phải là phàm nhân mà có thể bị đe dọa, đâu phải là con người mà chịu khuất phục. Vì thế, một khi chúng ta kiên nhẫn đợi chờ Người cứu độ và kêu cầu Người đến cứu giúp, Người sẽ đoái nghe lời chúng ta, nếu điều ấy đẹp lòng Người.” (Giu-đi-tha chương 8 câu 11 đến 17). Bà quả quyết Đức Chúa sẽ can thiệp vì xưa nay trong dân Ít-ra-en không có ai thờ lạy ngẫu tượng hay một thần nào khác. Bà nói thêm là nếu thành này mất, thì toàn cõi Giu-đê cũng sẽ bị mất; và Nơi Thánh, Đền Thờ, Bàn Thờ cũng sẽ bị xúc phạm. Thiên Chúa “sẽ đòi chúng ta phải lấy máu mà đền” (Giu-đi-tha chươn1g 8 câu 21-24). Bà cho rằng dân Ít ra-en phải tạ ơn Đức Chúa, vì Người đã thử thách họ cũng như đã thử thách cha ông họ (Giu-đi-tha chương 8 câu 25-27). Sau khi nghe thuật lại những lời này, vị thủ lãnh thành hết lời khen bà, và xin bà cầu nguyện cho vì bà là một phụ nữ đạo hạnh, và ông tin chắc Đức Chúa sẽ nhậm lời cho mưa xuống đổ đầy các hố để cứu dân khỏi chết khát.
 
Xin mở ngoặc ở đây để nêu bật một điểm thú vị. Từ xưa đến nay, người ta thường đánh giá thấp khả năng của phụ nữ, hoặc không công nhận vai trò quan trọng của họ, dù đó là sự thật. Trong trường hợp bà Giu-đi-tha chẳng hạn, các vị thủ lãnh nghĩ rằng một người đạo đức như bà thì chỉ có thể cầu nguyện mà thôi: một công việc dễ dàng và phù hợp với nữ giới! Nhưng họ không thể ngờ rằng chính bà Giu-đi-tha đã khôn ngoan, mưu lược đến thế: liều lĩnh cùng một nữ tỳ ra khỏi thành đi gặp tướng giặc, rồi sau đó lên kế hoạch đánh lừa và chém được đầu tướng Hô-lô-phéc-nê, đem thủ cấp về thành. Sự kiện động trời này đã khiến quân đội đối phương tán loạn và bị đánh tan tành, bỏ mộng chinh phạt các xứ phương Tây. Đối với Mẹ Ma-ri-a cũng thế, mãi đến hôm nay người ta vẫn chưa khiêm tốn đủ, vẫn cố tình chối bỏ, hoặc không công nhận vai trò của Mẹ trong Huyền nhiệm Giao Ước. Người ta phủ nhận vai trò “hiệp công” thực sự của Mẹ trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, dù đã được ngôn sứ I-sai-a tiên báo. Sau này, thánh Phao-lô cũng đã nhắc lại trong thư của ngài: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người.” (I-sai-a chương 64 câu 3; thư 1 Cô-rin-tô chương 2 câu 9). Tước hiệu “Mẹ là Nữ Vương Thiên Đàng” là một điển hình. Điều này không mấy khó hiểu, vì Thiên đàng là nơi dành riêng cho những người tin Chúa. Thử hỏi từ trước đến nay, trong thế gian này, hay trên Thiên đàng, ai là kẻ có lòng tin vào Thiên Chúa cách triệt để, mãnh liệt nhất? Ai dám tín thác cách can đảm, táo bạo, quyết liệt như Mẹ không?
 
Các bạn thân mến,
-Một dân tộc rơi vào một thời điểm đen tối của tuyệt vọng chỉ còn chờ nộp thành cho ngoại bang hung dữ, nhưng nhờ mưu lược của một người phụ nữ khôn ngoan và can đảm đã thoát được ách thống trị của kẻ thù. Bà Giu-đi-tha đã chặt được đầu tướng giặc Hô-lô-phéc-nê mang lại chiến thắng cho dân tộc Ít-ra-en, vì thế, bà là hình tượng của Mẹ Ma-ri-a, kẻ đạp đầu con rắn cùng với Con của Mẹ. Chính Mẹ là Đấng Hiệp công Cứu chuộc bên cạnh Đấng Cứu Chuộc toàn thể nhân loại. Câu chuyện Giu-đi-tha nhắc nhở cho chúng ta câu chuyện trong sách Sáng Thế, còn được gọi là “Tin Mừng Đầu Tiên” (Sáng thế chương 3 câu 15) về lời hứa của Thiên Chúa sẽ ban Đấng Cứu Thế, về sự đạp đầu con rắn. Sự can đảm của Giu-đi-tha làm chúng ta liên tưởng đến Mẹ Ma-ri-a. Dưới mắt nhà Thần học Ortenzi, Đức Ma-ri-a “thật sự là một phụ nữ gan dạ, đặc biệt ở đồi Can-vê, nơi đây bà được giới thiệu như là Người Nữ Hiệp Công với Con mình chứu chuộc nhân loại.
 
-Bên cạnh cái dung mạo xinh đẹp, cái dáng điệu duyên dáng lạ lùng được trời ban cho ấy, nơi bà Giu-đi-tha lại còn tỏa sáng những nhân đức tuyệt vời như sức mạnh và đức trinh khiết, sự khôn ngoan và lòng dũng cảm. Qua bà Thiên Chúa được chúc tụng tôn vinh, cũng như riêng bà được mọi người vinh danh và hết lời khen ngợi: "Này trang nữ kiệt, bà được Thiên Chúa Tối Cao ban phúc hơn tất cả các phụ nữ trên cõi đất này. Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa, Đấng dựng nên trời đất; Người đã hướng dẫn bà chặt đầu tướng giặc!” (Giu-đi-tha chương 13 câu 18) và “Chính tay bà làm nên những việc ấy và thực hiện những điều tốt lành cho nhà Ít-ra-en. Thiên Chúa hài lòng về những việc của bà. Xin Thiên Chúa toàn năng ban cho bà nhiều ơn phúc, đến muôn thuở muôn đời." (Giu-đi-tha chương 15 câu 10).
 
-Bà Giu-đi-tha còn là hình tượng của Mẹ Ma-ri-a khi bà có lòng tín thác triệt để vào Thiên Chúa như Mẹ. Bà tin chắc Thiên Chúa sẽ nhậm lời nên đã dám quả quyết với các thủ lãnh : “Xin các vị nghe đây, tôi sẽ làm một việc, mà việc này sẽ được truyền tụng cho con cháu thuộc giống nòi chúng ta, từ thế hệ này đến thế hệ kia.” (Giu-đi-tha chương 8 câu 32). Và lời xác quyết của bà cùng Thiên Chúa  “Vì sức mạnh của Ngài không dựa vào số đông, quyền lực của Ngài chẳng ở nơi người mạnh thế. Nhưng Ngài là Thiên Chúa của kẻ khiêm nhu, là Đấng cứu giúp người hèn mọn, Đấng đỡ nâng kẻ cô thế, Đấng bảo vệ người bị bỏ rơi, Đấng Cứu Tinh của những ai thất vọng.” (Giu-đi-tha chương 9 câu 11)  đã được Mẹ Ma-ri-a phỏng lại trong bài ca Magnificat.
 
-Tất cả các nhân đức cũng như lời ngợi khen dành cho bà Giu-đi-tha, phản ánh hình bóng của Mẹ Ma-ri-a, Đấng “được chúc phúc hơn mọi người nữ” (Lu-ca chương 1 câu 42), Đấng can đảm tuyệt vời, Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, một dũng sĩ bất khả chiến bại, Đấng đạp đầu con rắn với bàn chân trinh khiết của mình.
Mời nghe tiếp bài XIII