Đức Maria Trong Cựu Ước Bài X


  ĐỨC MARIA TRONG CỰU ƯỚC BÀI X
          HÌNH TƯỢNG ĐỨC MA-RI-A

 

Các bạn thân mến,
5. Sau Rakhen là nữ  ngôn sứ Mi-ri-am (Xuất hành chương 15 câu 20-21). Bà là  em của ông A-ha-rôn và là chị của Mô-sê. Mi-ri-am là biểu tượng của Mẹ Ma-ri-a, không phải chỉ vì mang cùng tên nhưng còn vì nhiều nét giống nhau độc đáo khác. Mi-ri-am là chị của Mô-sê, người đã giải phóng Dân Chúa Chọn, và là em của A-ha-rôn, vị tư tế (linh mục) đầu tiên trong thời Giao Ước Cũ (Xuất hành chương 4 câu 14). Cùng với anh và em trai mình, Mi-ri-am đã được vinh dự có mặt nơi “Lều Hội Ngộ” (Dân số chương 12 câu 4-5), nơi Thiên Chúa ngự xuống trên đám mây, dừng lại ở cửa Lều và nói chuyện với họ. Mi-ri-am được dân chúng gọi là nữ ngôn sứ. Chính bà là người đã hòa âm, đánh trống và điều khiển dàn nhạc gồm toàn phụ nữ hát bài ca chiến thắng ca ngợi Thiên Chúa sau khi vượt qua Biển Đỏ, vì chứng kiến toàn bộ quân đội Pha-ra-ô bị Thiên Chúa tiêu diệt.

Học giả người Do Thái Eugenia Zolli sau khi giải thích đoạn nói về Mi-ri-am nơi “Lều Hội Ngộ” cùng với Mô-sê và A-ha-rôn, và cho rằng bà là nữ ngôn sứ sau khi vượt qua Biển Dỏ, đã chú giải lời ngôn sứ Mi-kha nói với dân Do Thái: “Phải chăng vì Ta đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập, đã giải thoát ngươi khỏi cảnh tôi đòi, đã sai Mô-sê, A-ha-ron và Mi-ri-am đến hướng dẫn ngươi?" (Mi-kha chương 6 câu 4). Theo E. Zolli, bản văn tuy ngắn gọn này nhưng lại vô cùng quan trọng dựa trên quan điểm Thần học và Thánh Mẫu học. Ông cho rằng hành động giải thoát dân Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập của Gia-vê Thiên Chúa được trao phó cho Mô-sê, bởi thế, Mô-sê không chỉ là một ngôn sứ, mà còn được coi là ngôn sứ vĩ đại nhất trong các ngôn sứ. Sau khi vượt qua Biển Đỏ, “nữ ngôn sứ Mi-ri-am”, cùng với các phụ nữ Do Thái khác cất lên những lời ca tụng Thiên Chúa. Bởi vậy người ta có thể hiểu được lý do tại sao ngôn sứ Mi-kha đặt cả ba nhân vật Mô-sê – A-ha-rôn và Mi-ri-am ở trên cùng một vị trí ngang nhau. Hành động cứu chuộc dân tộc Do Thái đã được hoàn tất bởi chính Thiên Chúa, nhưng Người ủy thác việc thực hiện đó cho Mô-sê… Và Mi-ri-am được đặt bên cạnh Mô-sê và A-ha-rôn như một người nữ đồng công (co-redemptress) đưa dân Do Thái ra khỏi đất Ai cập.

Nhà thần học Dolindo Ruotolo cũng có những ý tưởng độc đáo không kém:
“Đức Trinh Nữ Diễm Phúc đã được báo trước cách kín ẩn nơi người phụ nữ mang hình bóng của Mẹ. Trong Sách Xuất Hành, Mi-ri-am đã hiện diện bên cạnh Mô-sê và A-ha-rôn. Còn Đức Trinh Nữ Diễm Phúc thì liên kết với Chúa Giê-su Ki-tô, không chỉ làm Mẹ của Người mà còn liên kết trong công cuộc cứu độ của Người. Điều này có nghĩa là: như Mi-ri-am đã kết hợp mất thiết với em mình là Mô-sê, người ban hành luật lệ cho Dân Tuyển Chọn, thì Đức Trinh Nữ Ma-ri-a cũng đã không thể tách rời khỏi Đấng Tối Cao Ban Phát Luật Lệ là Chúa Giê-su Ki-tô. Đấng mà Mô-sê là hình ảnh tiên trưng. Cũng thế, Đức Trinh Nữ Diễm Phúc luôn ở bên cạnh Chúa Giê-su Ki-tô, Vị Linh Mục Tối Cao của Giao Ước Mới, mà A-ha-rôn là hình bóng tiên trưng.

Ma-ri-a thứ nhất đã hiện diện như một nữ tiên tri ca tụng Thiên Chúa, Ma-ri-a thứ hai, được chúc phúc giữa những người nữ, được Giáo Hội kêu cầu dưới tước hiệu “Nữ Vương các Tiên Tri”. Cùng với những người phụ nữ khác, Ma-ri-a thứ nhất lập lại điệp khúc bài ca chiến thắng từ Mô-sê, Ma-ri-a thứ hai hát lên bài ca tán tụng sự vĩ đại của Thiên Chúa Toàn Năng; và lời tiên tri chính xác đó là: từ nay muôn thế hệ sẽ khen Bà có phúc!

Các bạn thân mến,
6. Nhân vật tiếp theo là bà  Đơ-vô-ra vợ ông Láp-pi-đốt (Thủ Lãnh chương 4 câu 4-24). Vào thời điểm này dân Ít-ra-en đang trải qua những giai đoạn thăng trầm, khi vui mừng, lúc khổ đau chỉ vì họ đã làm điều dữ trái mắt Thiên Chúa. Họ chối bỏ, tẩy chay Thiên Chúa, nên Người đã trao họ vào tay những kẻ thù chung quanh. Họ ăn năn thống hối, Thiên Chúa lại phái đến những thủ lãnh để cứu dân tộc, nhưng rồi họ lại chối bỏ Thiên Chúa, và cứ tiếp tục xảy ra như thế.

Trong số những thủ lãnh giải cứu dân tộc Ít-ra-en thời đó, có Đơ-vô-ra. Khi Thiên Chúa trao Ít-ra-en vào tay dân Ca-na-an, tình hình của Dân Tuyển Chọn vô cùng nguy hiểm vì bị ngoại bang thống trị, thì Đơ-vô-ra, người nữ ngôn sứ đầy nhiệt huyết đã nhập cuộc. Bà thúc hối ông Ba-rắc đứng ra chiêu mộ mười ngàn trai tráng để đánh đuổi quân ngoại bang, dù biết rằng chúng hết sức hùng hậu và tinh nhuệ. Dĩ nhiên lấy lực lượng ô hợp của Ít-ra-en mà đem đấu với quân đội Ca-na-an thì chẳng khác nào lấy trứng chọi đá. Chính bà Đơ-vô-ra đã đi cùng với ông Ba-rắc lúc khởi đầu cuộc chiến. Và mọi sự đã xảy ra đúng như lời bà Đơ-vô-ra tiên báo: Đức Chúa đã dùng gươm của ông Ba-rắc đánh tan quân xâm lăng, đem lại chiến thắng cho Ít-ra-en.

-Trên hết, bà Đơ-vô-ra là hình tượng Mẹ Ma-ri-a chí thánh; bởi vì bà đã cộng tác mật thiết với ông Ba-rắc tạo nên chiến thắng khi đánh bại tướng Xi-xơ-ra giải phóng dân tộc của bà. Bà là hình ảnh tiên báo Mẹ Ma-ri-a, người cộng sự đắc lực của Chúa Ki-tô trong chương trình cứu độ nhân loại. Đấng Cứu Thế - được trợ giúp bởi Mẹ Ma-ri-a, người nữ cộng tác – đã thực hiện và hoàn tất kế hoạch cứu độ, bị đổ vỡ do tội nguyên tổ.
Cha Pietrafesa, một chuyên viên Thánh Mẫu Học, viết như sau: “Sự cộng tác của Đơ-vô-ra trong công cuộc giải phóng dân tộc Ít-ra-en khỏi sự áp bức của tướng Xi-xơ-ra và của người Ca-na-an, phản ánh vai trò của Mẹ Ma-ri-a chí thánh đã cộng tác với Chúa Ki-tô trong cộng cuộc giải thoát toàn bộ nhân loại thoát khỏi sự nô lệ của ma quỷ. Mẹ đã làm tròn nhiệm vụ với Chúa cách xứng đáng.

-Đơ-vô-ra cũng là hình tượng của Mẹ Ma-ri-a qua vai trò nữ ngôn sứ và người mẹ nhân từ, khoan dung. Tất cả con cái Ít-ra-en đã đến nhờ bà xét xử khi họ có những tranh chấp với nhau. Mẹ Ma-ri-a chí thánh là người nữ ngôn sứ vĩ đại nhất, và là người nữ ngôn sứ sau cùng. Mẹ thật sự là “người mẹ nhân lành”, nên Giáo Hội đã khẩn cầu đến Mẹ. Chính nơi Mẹ mà tất cả mọi người đặt niềm trông cậy và phó thác. Mẹ cũng là trọng tâm mà mọi sự cầu bầu và hy vọng hướng về.

-Cuối cùng, bà Đơ-vô-ra, sau khi chiến thắng, đã cất lên bài ca mừng vui để chúc tụng, tôn vinh và cảm tạ Đức Chúa, vì Thiên Chúa đã giúp Ít-ra-en giành lại độc lập từ tay ngoại xâm hùng mạnh, hung hăng và kiêu ngạo. Bài ca này làm vọng lại ý tưởng của bài Magnificat mà Mẹ Ma-ri-a đã cất lên để tán tụng Thiên Chúa: Người bênh vực, giúp đỡ những ai hèn mọn khiêm nhu và hạ bệ những phường ngạo mạn, lòng trí kiêu căng.
Mời nghe tiếi bài XI