Đức Maria Trong Cựu Ước Bài IX


ĐỨC MARIA TRONG CỰU ƯỚC BÀI IX
          HÌNH TƯỢNG ĐỨC MA-RI-A

 
Các bạn thân mến,
Thánh kinh có đề cập đến khoảng 188 người phụ nữ mà trong số đó, có nhiều nhân vật xuất sắc, độc đáo cách kỳ lạ nhất là về phẩm cách, đức độ và lòng tin vào Gia-vê Thiên Chúa. Căn cứ vào Thánh kinh và Truyền thống Giáo hội, chúng ta thấy có không ít nhân vật mang bóng dáng của Mẹ Ma-ri-a. Có nhiều biểu tượng, tước hiệu dành cho Mẹ, và cũng có rất nhiều đoạn văn nói về hay ám chỉ Mẹ trải dài trong Cựu ước hoặc trong kinh nguyện phụng vụ của Giáo hội Công giáo. Tuy nhiên, ở đây chúng ta chỉ nêu lên một số phụ nữ tiêu biểu và gần gũi nhất với hình tượng Đức Ma-ri-a.
 
I. MƯỜI NGƯỜI PHỤ NỮ TIÊU BIỂU
1. Dĩ nhiên người phụ nữ đầu tiên chẳng mấy xa lạ đó là bà E-và, vợ của A-đam mà chúng ta đã tìm hiểu khá tường tận ở chương I.
2. Người phụ nữ thứ hai mà chúng tôi muốn bàn đến ở đây là bà Sa-ra, vợ của Áp-ra-ham (Sách Sáng thế chương 17 câu 15-16; chương 18 câu 9-15). Sa-ra là người vợ của “tự do” chứ không giống như Ha-ga, của “nô lệ”. Sa-ra tuy hồi đó lớn tuổi và son sẻ, nhưng đã được Thiên Chúa đoái nhìn: bà mang thai và sinh I-sa-ác, đứa con duy nhất – sau này sẽ trở thành người cha của một dân tộc vĩ đại. Bà là hình bóng của Mẹ Ma-ri-a, bởi vì Mẹ cũng là một người vợ “tự do” trong nhân đức, hoàn toàn không vướng mắc bất cứ tì vết nào - dù nhỏ nhất - của tội. Dĩ nhiên Mẹ Ma-ri-a không phải là người vợ không sinh nở như Sa-ra, nhưng là một trinh nữ hoàn toàn tự nguyện – đã thụ thai và sinh con cách mầu nhiệm, cho dù không hề biết đến người nam. Do quyền năng Chúa Thánh Thần, Mẹ mãi mãi là một trinh nữ: trước, trong và sau khi sinh con.
 
Sa-ra là mẹ của I-sa-ác, đứa con của “lời hứa”, đứa con duy nhất. Đức Ma-ri-a cũng vậy: Mẹ chỉ có một người con trai duy nhất, đó là Chúa Giê-su. Cái khác biệt nằm ở chỗ là khi nghe sứ thần Chúa loan báo sang năm ông bà sẽ có một người con trai (Sáng thế chương 18 câu 10-12), Sa-ra cười thầm trong bụng. Bà cười thầm, vì hai ông bà đã lớn tuổi lắm rồi, lấy đâu ra khả năng sinh con. Khi bị thiên sứ gạn hỏi, bà sợ nên chối, không dám nhận là mình đã cười. Trong khi đó, Đức Ma-ri-a lại tự nguyện “Xin vâng” khi thiên thần Ga-bri-en hỏi liệu Mẹ có thể sinh cho Thiên Chúa một người con không. Có lẽ đây cũng là lý do khi Áp-ra-ham hiến tế I-sa-ác trên núi “Đức Chúa sẽ liệu”, sứ thần Chúa đã can thiệp không để cho I-sa-ác bị giết chết (Sáng thế chương 23 câu 11-14). Còn khi Chúa Giê-su chịu hiến tế trên đồi Can-vê (chịu đóng đinh vào thập giá), Thiên Chúa không can thiệp, vì mẹ đã hoàn toàn tự nguyện quyết định nói lời “Xin Vâng” lúc sứ thần Truyền Tin. Chính vì thế, Mẹ phải chấp nhận sầu bi, còn Sa-ra do không được hỏi ý kiến về việc thụ thai I-sa-ác nên không phải sầu khổ nát lòng như Mẹ.
 
I-sa-ác trở thành người cha của một dân tộc vĩ đại, còn Chúa Giê-su là Đấng Cứu chuộc của toàn nhân loại. Người trở thành Đầu của Thân Thể Mầu Nhiệm, như thánh Phao-lô dạy: “Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Thư Rô-ma chương 8 câu 29). Sa-ra là hình bóng báo trước cho Giao ước Mới được Thiên Chúa ký kết với Áp-ra-ham và được chứng thực bởi máu của việc “cắt bì”. Về phần Đức Ma-ri-a, Mẹ không còn là hình bóng, nhưng là hiện thực của Giao ước Mới - được thiết lập bởi Chúa Giê-su, Con Mẹ, và được ký kết qua việc Người hy sinh mạng sống của mình bằng việc chịu đóng đinh trên thập giá để cứu chuộc nhân loại.
 
Các bạn thân mến,
3. Về người phụ nữ thứ ba, có nhiều yếu tố cho phép chúng tôi nói rằng Đức Ma-ri-a đã được biểu hiện cách tiên trưng (prefigured) bởi một nhân vật mang bóng dáng của Mẹ, đó là bà Rê-béc-ca, vợ của I-sa-ác (Sáng thế 24). Bà là nhân vật chủ chốt trong nhiều biến cố quan trọng. Bà quyết định nhiều vấn đề can hệ đến lịch sử của Dân Tuyển Chọn. Điểm đầu tiên giống nhau giữa hai người phụ nữ này khởi đầu bằng việc Áp-ra-ham sai người đầy tớ trung tín của mình là Ê-li-e-de đi tìm vợ cho I-sa-ác. Ê-li-e-de đã được Thiên Chúa hướng dẫn để gặp Rê-bec-ca, và hỏi Rê-bec-ca có ưng thuận về làm vợ I-sa-ác, con của Áp-ra-ham không? Qua trình thuật Thánh kinh, chúng ta thấy Gia-vê Thiên Chúa đã quan phòng sắp đặt mọi thứ để Rê-bec-ca trở thành cô dâu cho chàng rể I-sa-ác, và sau đó làm mẹ của Gia-cóp. Xa hơn nữa, chúng ta thấy có một sự quan phòng đặc biệt khác trong lịch sử, đó là việc Đức Ma-ri-a, một trinh nữ làng Na-gia-rét, cũng được sứ thần Thiên Chúa hỏi, và nàng đã ưng thuận để trở thành cô dâu mãi trinh nguyên của thánh Giu-se và sau đó làm Mẹ Khiết Trinh của Chúa Giê-su.
 
Khi Rê-bec-ca giả từ quê hương để về sống với I-sa-ác, anh em của cô đã cầu chúc cho cô những điều tốt đẹp nhất: "Chúc em sinh vạn sinh ngàn. Giống dòng chiếm cứ cửa thành địch quân." (Sáng thế chương 24 câu 60). Và rõ ràng những lời chúc lành này đã trở thành hiện thực, cách thật chính xác nơi Đức Trinh nữ Ma-ri-a, Mẹ của “nhân loại mới” đã được cứu chuộc.
 
Điều thú vị nhất nơi Rê-bec-ca, đó là bà đã dự phần vào việc mặc áo của Ê-sau cho Gia-cóp, khiến I-sa-ác tưởng lầm rằng đó là Ê-sau nên chúc lành cho Gia-cóp. Và như thế, từ đó về sau, Gia-cóp và con cháu ông sẽ thủ đắc lời chúc lành của I-sa-ác. Cha Ga-bri-en Rô-chi-ni, một giáo sư Thánh mẫu học nổi tiếng, đã giải thích biến cố này trong tác phẩm La Madonna của mình như sau :”Mẹ Ma-ri-a, khi nói tiếng xin vâng với thiên thần Ga-bri-en, đã khiến cho Lời Thiên Chúa mặc lấy thân xác loài người, gánh vào thân tất cả tội lỗi của nhân loại, và dâng tất cả cùng với chính bản thân lên Thiên Chúa Cha hầu đem đến phúc ân vĩnh cửu.” Hơn thế nữa, qua việc trung gian giữa I-sa-ác và Gia-cóp, Rê-bec-ca cũ là hình ảnh báo trước Mẹ Ma-ri-a - Đấng Trung Gian giữa nhân loại với “Ít-ra-en mới” là Chúa Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời Nhập Thể.
 
Các bạn thân mến,
4. Nhân vật kế tiếp là bà Ra-khen vợ của Gia-cóp (Sáng thế 29). Bà Ra-khen là một thiếu nữ rất xinh đẹp nên Gia-cóp yêu mê mệt. Nhan sắc của Ra-khen là hình bóng của một cái đẹp tuyệt vời khác: cái đẹp của Đấng đầy ân sủng (“Bà đẹp lòng Thiên Chúa” -Lu-ca chương 1 câu 30) của Đấng đã được ơn Vô nhiễm ngay từ lúc hoài thai trong dạ mẹ. Một điểm giống nhau nữa đó là Ra-khen đã chịu khổ đau cùng cực khi sinh ra người con thứ hai.
 
Ra-khen sinh ra hai con trai: một tên Giu-se và một tên Ben-gia-min. Cả hai đều là  “con cầu con khẩn”, được sinh ra sau khi người vợ cả và hai người hầu đã sinh cho Gia-cóp mười một người con. Chính vì rất yêu thương bà Ra-khen, nhất là bà lại chết sớm, nên Gia-cóp thương Giu-se và Ben-gia-min hơn tất cả những người anh cùng cha khác mẹ với hai ông; do đó mới có chuyện những người anh em do ghen tức, đã quăng Giu-se xuống giếng khô cho chết. Nhờ sự can thiệp của ngưới anh cả, Giu-se đã không bị giết nhưng bị bán làm nô lệ cho những người lái buôn với giá hai mươi đồng bạc. Tuy nhiên trong sự sắp xếp kỳ diệu của Thiên Chúa Quan Phòng, Giu-se, tuy là một nô lệ trong xứ A-cập lại được quan thái giám Pô-ti-pha sủng ái. Nhiều biến cố bất ngờ sau đó đã đưa đẩy ông trở thành quan Tể Tướng uy quyền chỉ dưới Pha-ra-ô. Ông được trao trọng trách cai quản toàn Ai cập (Sáng thế chương 41 câu 41) và nhờ đó đã trở nên vị cứu tinh cho gia tộc mình và cho dân tộc Ít-ra-en, đặc biệt trong thời kỳ bảy năm đói kém.
 
Như vậy, nhân vật Giu-se cũng phần nào là hình ảnh tiên trưng của Chúa Giê-su, Đấng Cứu Thế, con của Đức Ma-ri-a - Đấng cũng đã bị bán với giá ba mươi đồng bạc và bị giết chết trên thập giá. Giữa hai người, chỉ khác nhau ở chỗ: chính bởi cái chết và sự Phục sinh của mình, mà Đức Ki-tô trở thành Đấng Cứu Chuộc toàn thể nhân loại đang sống trong cảnh nô lệ của tội nguyên tổ.
 
Khi sinh Giu-se – con trai đầu lòng - thiết tưởng khó có thể diễn tả được nỗi vui mừng của Ra-khen. Nhưng điều hoàn toàn trái nghịch đã xảy ra khi bà sinh Ben-gia-min: Ra-khen gặp khó khăn khi sinh nở và chết sau khi sinh. Khi hấp hối bà muốn đặt tên cho con là Be-mô-ni nhưng Gia-cóp lại quyết định đặt tên con là Ben-gia-min. Tương tự như vậy, Mẹ Ma-ri-a chí thánh đã đem ánh sáng vào thế gian khi khiết trinh hạ sinh người con đầu lòng là Chúa Giê-su tại hang Bê-lem. Chắc chắn lúc đó Mẹ vui mừng khôn tả. Nhưng rồi, vì là người cộng tác vào công cuộc cứu chuộc nhân loại, Mẹ cũng đã hết sức khổ đau khi đưa tất cả chúng ta, là những người em của Con đầu lòng của Mẹ, đến với ánh sáng dưới chân Thập Giá trên đồi Can-vê.
 
Mời nghe tiếp bài X