Đức Maria Theo Phúc Âm Luca - Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP


CHƯƠNG III. ĐỨC MARIA THEO PHÚC ÂM LUCA
 
Trong Kinh thánh, Phúc âm của Luca cung cấp cho chúng ta nhiều dữ kiện hơn cả về đức Maria: trong khoảng chừng 152 câu nói về Người trong toàn Tân ước, thì non 90 câu là của Luca. Nhờ Luca mà chúng ta có thể theo dõi những giai đoạn nổi bật của cuộc đời đức Maria: truyền tin, thăm viếng, sinh con, dâng con, tìm thấy con lạc trong đền thờ. Qua những cảnh ấy, Luca cũng để lại cho ta bức chân dung của đức Maria như là: tôi tớ Chúa, trinh nữ, đầy ơn, mẹ đấng cứu tinh, hòm bia thánh, mẹ đau khổ, v.v.

Trước khi đi vào chi tiết tưởng cũng nên đối chiếu giữa Luca với Matthêo. Tuy cả hai thánh sử đều thuật lại đời thơ ấu của Chúa Giêsu, nhưng hai vị đã trình bày dưới những viễn tượng khác nhau. Matthêo thuật lại việc thiên thần hiện ra với Giuse, cảnh ba nhà đạo sĩ đến viếng hài nhi, cảnh di cư sang Ai cập, cảnh tàn sát các hài nhi. Còn Luca thì nói tới việc thiên thần truyền tin cho đức Maria, cảnh thăm viếng, sinh ra tại Bêlem, các mục đồng thờ lạy, dâng Chúa trong đền thờ. Matthêo xem ra muốn nhìn ơn cứu rỗi mở cho muôn dân, qua việc các dân ngoại được kêu mời tới thờ lạy Chúa Cứu thế, hoặc xen danh tánh những phụ nữ ngoại giáo trong gia phả của đức Giêsu. Luca xem ra chỉ giới hạn chung quanh đền thờ, việc tuân giữ lề luật Maisen, việc thực hiện lời hứa cho tổ phụ Abraham (tuy rằng gia phả của Chúa Giêsu đi ngược lên cho tới Adong; Lc 3,38).

Dù vậy cả hai đều nhất trí ở vài điểm căn bản: Chúa Giêsu sinh ra ở Bêlem, trải qua buổi thiếu thời tại Nadareth. Cách riêng, đối với đức Maria thì cả hai thánh sử đều khẳng định rằng Người đã thụ thai Chúa Giêsu không do giao hợp thường tình với Giuse nhưng là do quyền năng của Thánh Thần. Cả hai đều trưng dẫn trực tiếp hay gián tiếp những đoạn văn Cưụ ước về Đấng thiên sai: 2Sm 7,14; Is 7,14; Mk 5,2.

I. Cảnh truyền tin: Luca 1, 26-38.

A. Nhận xét về thể văn


1) Các nhà chú giải chia thành nhiều ý kiến khi nói về thể văn mà Luca đã áp dụng khi viết về cảnh truyền tin cho đức Maria. Có ba cái sườn chính:

a/ Thể văn báo tin việc sinh hạ. Thí dụ báo tin về sự sinh ra của Isaac (St 17), Samson (Tl 13,1-23), Samuel (1Sm 1), Gioan Tảy giả (Lc 1,5-25). Cơ cấu diễn tiến như sau: + Thiên sứ hiện ra. + Phản ứng của người được thị kiến: sợ hãi. + Lời loan báo (việc thụ thai và sinh hạ; đặt tên cho trẻ; tương lai của trẻ) + Chất vấn: làm thế nào được? + Thiên sứ khẳng định điều loan báo với một dấu hiệu. Nói chung, nội dung của sứ điệp là loan báo về việc Thiên Chúa can thiệp lạ thường nơi một phụ nữ khi sinh ra một người con được định làm kẻ cứu tinh của dân tộc.

b/ Thể văn của ơn kêu gọi vào một sứ mạng, tựa như Maisen (Xh 3,1-12), Geđeon (Tl 6,11-23): + thiên sứ hiện ra; + ơn gọi sứ mạng; + vấn nạn; + giải thích và dấu hiệu; + kết luận. Sự khác biệt giữa thể văn này với thể văn trước ở chỗ thiên sứ hiện ra trực tiếp cho người được Chúa gọi (chứ không phải chỉ báo tin cho cha mẹ về tương lai của đứa con của ông bà).

c/ Thể văn của giao ước, kết ước hay lặp lại giao ước (A. Serra). Một người trung gian (ngôn sứ, vua, tư tế) trình bày ý định của Thiên Chúa; dân đáp lại: "Chúng tôi sẽ thực hành điều Ngài dạy" (Xh 19,8; 24,3.7; Er 10,12; Nkm 5,12). Ở đây, thiên sứ Gabriel trình bày ý định của Chúa cho Maria. Maria (một cá nhân đóng vai trò của dân Israel) đáp lại: Xin xảy đến nơi tôi theo lời của Ngài.

Thực ra, không hẳn là ba sườn vừa nói đối nghịch gì nhau, nhưng bổ túc cho nhau. Dù sao, tuy có dựa trên cái sườn nào đi nữa, cảnh Truyền tin cho đức Maria mang những sắc thái độc đáo có một không hai trong lịch sử cứu chuộc.

2) So sánh cảnh truyền tin của thiên sứ Gabriel cho Zacaria và cho Maria.

- Về địa điểm. Thiên sứ hiện ra với Zacaria ở đền thờ Giêrusalem, trung tâm tôn giáo của Israel, giữa làn khói hương nghi ngút. - Còn thiên sứ đến gặp đức Maria tại Nazareth, một thôn làng không mấy ai biết đến (Ga 1,46; 7,41). Nazareth thuộc miền đất Galilea, gần vùng của dân ngoại (Is 8,23; Mt 4,14).

- Về nhân vật. Zacaria là tư tế thuộc giòng Abia, còn bà vợ thuộc giòng Aron. Cả hai ông bà thuộc thành phần có địa vị trong xã hội. Thêm vào đó, Luca cho biết thêm là hai ông bà tuân giữ lề luật chu đáo (Lc 1,6). Họ tượng trưng cho người công chính theo Cựu ước. - Đối lại, Maria không có thành tích gì vẻ vang cả: một thiếu nữ tầm thường cả về đạo lẫn về đời, một người nghèo của Giavê..

3) Thế nhưng, khi đi vào nội dung của cuộc đối thoại, ta thấy tình hình lật ngược lại.

- Với Zacaria, thiên sứ nói rằng lời cầu nguyện của ông đã được Chúa chấp nhận và vợ ông sẽ thụ thai (1,13). Xem ra tất cả đều dựa trên công trạng phúc đức của con người, đúng theo hình ảnh của Cựu ước. Đối lại, với đức Maria thì tất cả đều là ơn huệ. Thiên sứ chào Maria là "người được Thiên Chúa yêu thương, chiếu cố" (Lc 1,28): nơi Maria, tất cả đều là ơn huệ và tình thương. Người không có gì để tự đắc!

- Tuy nhiên, nếu để ý, chúng ta thấy thiên sứ có thái độ cư xử rất khác đối với Zacaria và với Maria. Với ông Zacaria thì thiên sứ coi mình như chủ nhà: chính ông bước vào đền thờ, đền của các thiên sứ. Vì vậy, giọng nói của thiên sứ có vẻ ra lệnh, thị oai; kế đó đã phạt ông khi ông tỏ dấu nghi ngờ. Trái lại, với Maria, thiên sứ chỉ là khách: chính thiên sứ đi đến nhà của Maria. Theo thói tục Đông phương, thường là người dưới đi viếng người trên chứ không phải ngược lại. Thiên sứ tỏ vẻ kính cẩn, bởi vì nhìn thấy nơi người thiếu nữ mộc mạc có cái gì oai nghi. Thực vậy, Thiên Chúa đã chọn cô làm đền thờ của Ngài, vinh quang Thiên Chúa rợp phủ Maria như trước đây đã rợp phủ hòm bia thánh. Đó là bức chân dung của Maria: một thiếu nữ tầm thường, nhưng đã được tình yêu của Thiên Chúa chọn vào một sứ mang trọng đại là Mẹ của Đấng Cứu thế.

- Zacaria bị quở vì "không chịu tin vào lời Chúa" (1,20); còn Maria thì được ca ngợi vì đã "tin rằng lời Chúa sẽ hiện thực" (1,45.38).

4) Dĩ nhiên, sự khác biệt quan trọng hơn cả là tương lai của hai nhân vật, đối tượng của việc truyền tin, tức là sự khác biệt giữa Gioan và Chúa Giêsu. bé Gioan "sẽ làm lớn trước mặt Chúa" (1,15), còn trẻ Giêsu sẽ đựơc gọi là "Con Đấng Tối cao" (1,32), "Con Thiên Chúa" (1,35).

B. Nội dung cuộc đối thoại.

c.28. "Hãy vui lên". Xưa nay, vì quen bởi bản dịch latinh "Ave Maria", nên người ta chỉ coi đây như lời chào khi gặp gỡ (Shalom!). Tuy nhiên, nếu phải dịch sát nghĩa thì ắt là Luca sẽ dùng chữ "eirene" (tựa như những đoạn văn tương tự của Tl 6,4.13; 6,23.24; 19,20; 1Sm 16,5; 20,7; 2Sm 18,28; 1V 6,13; 2V 4,23; 5,21; 9.11.17). Trong kinh thánh, tiếng "hãy vui lên" (Khaire) mang một nghĩa chuyên môn: đây là một lời mời hãy vui lên vào thời vị cứu tinh đến giải thoát Israel (Is 12,6; 44,23; 49,13; 54,1; Xp 3,14-16; Gr 31,7; Dcr 2,14; 9,9; Ge 2,21-23). Cách riêng có ba đoạn văn diễn tả lời mời gọi hãy vui lên với giọng điệu như lời của thiên sứ Gabriel nói với đức Maria, đó là Xôphônia, Dacaria và Gioen. "Hãy vui lên (khaire), nữ tử Sion! hãy hò la, hỡi Israel! Hãy vui mừng (khaire), hãy hoan hỉ hết lòng, nữ tử Giêrusalem! Giavê, vua Israel, ỡ giữa ngươi ...Đừng sợ, hỡi Sion: Giavê Thiên Chúa của ngươi ở giữa ngươi" (Xophonia 3,14-17). "Đừng sợ, hỡi ruộng nương! hãy hoan hỉ hãy mừng vui (khaire), vì Giave đã tác oai tác phước ... Phần các ngươi, hỡi con cái Sion, hãy hoan hỉ, hãy vui mừng nơi Giavê Thiên Chúa của các ngươi, vì Người ban cho các ngươi của ăn ấm cật no lòng" (Gio-en 2,21-23). "Hãy nhiệt liệt nhảy mừng (khaire), nữ tử Sion! reo hò lên, nữ tử Giêrusalem" (Dacaria 9,9). Ta thấy rằng sự vui mừng gắn với việc Thiên Chúa đến giữa dân của Ngài. Do đó ta có thể nói rằng những lời mở đầu của thiên sứ không phải chỉ là lời chào suông, nhưng còn muốn loan báo tin vui là thời cứu tinh đã đến, thời mà Thiên Chúa đến viếng thăm dân Ngài. Có thể nói được là Maria tượng trưng cho cả dân Israel (con gái Sion), đại biểu lý tưởng của dân Chúa: chính nhờ Maria mà Thiên Chúa đến ngự giữa với dân của Ngài.

- "Đầy ơn phúc". Đây là tên hiệu mà thiên sứ gọi Maria. Trong nguyên ngữ Hylạp, nó chỉ là một từ ghép: "kecharitoménê", do động từ charitôo, gốc bởi charis. Charis có nghĩa là vẻ đẹp duyên dáng; ở đây, có thể dịch là có duyên, hoặc: được đẹp mắt Chúa, đã nhận được duyên của Chúa, nghĩa là được ân nghĩa Chúa, được Chúa ưng ý (xem câu 30 tiếp đó: chị đắc sủng nơi Thiên Chúa), được Chúa lựa chọn để ủy thác một sứ mạng. (Một số nhà chú giải lưu ý rằng dịch "đầy ơn phúc" thì không đúng, bởi vì Luca không dùng tiếng "plêrês kharitos", có lẽ vì duy chỉ có Chúa Kitô mới đầy ơn sủng và chân lý: Ga 1,14).

- "Chúa ở cùng chị". Trong các trình thuật về ơn gọi, tiếng "Chúa ở với ngươi" có tính cách trấn an, nhằm nói lên rằng chính Chúa sẽ tác động qua người được gọi. Maisen (Xh 3,12) Geđeon (Tl 6,16) khi được Chúa gọi để trao sứ mạng, thì họ thoái thác chùn bước vì thấy mình bất kham. Nhưng họ được trả lời: "Chúa ở với ngươi; sẽ cùng hành động với ngươi". (xem Gieremia 1,8). Hơn thế nữa, đối với Maria, thì không những là Chúa ở bên cạnh, mà còn ở trong lòngchị", bởi vì liền đó, thiên sứ loan báo rằng chị sẽ thụ thai nơi lòng dạ Con Đấng Tối cao.

c.29. Maria xao xuyến vì những lời của sứ thần. Bà xao xuyến vì thiên sứ gọi mình với một tên mới, và hứa rằng Chúa sẽ ở bên cạnh mình: ra như Maria linh cảm thấy có chuyện gì quan trọng sắp sửa xảy đến cho mình.

c.30 "Maria, đừng sợ. Chị đã được ơn nghĩa với Chúa. Chị sẽ mang thai trong lòng và sinh ra một con trẻ và đặt tên là Giêsu. Ngài sẽ làm lớn, và được gọi là Con Đấng tối cao." Chúng ta thấy vẳng lời tiên tri Isaia (một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh con, đặt tên..). Thêm vào tên "Giêsu" (Giêhosúa = Gia-vê cứu thoát), thiên thần còn nói tới những tước hiệu khác nữa: "Con Đấng Tối cao" (c.32), và kế đó ở c.35: "trẻ sắp sinh sẽ được gọi là Thánh, là Con Thiên Chúa". Có lẽ vào chính lúc truyền tin, đức Maria chưa hiểu thấu hết tất cả thiên tính của đức Kitô, bởi vì đối với dân Do thái đương thời, những tiếng "con Đấng Tối cao, con Thiên Chúa" được hiểu về một vị cứu tinh thuộc dòng Đavit (1Sm 7,14; Tv 2,7). Đức tin của đức Maria sẽ tăng trưởng dần dần. - Ngoài ra, tưởng cũng nên biết là thành ngữ "được ơn nghĩa với Chúa" chỉ được kinh thánh áp dụng cho hai nhân vật trong Cựu ước: Noé (St 6,8); Maisen (Xh 33,12.17; Ds 11,11).

c.34. Vấn nạn của đức Maria: "làm sao điều đó có thể xảy được, vì tôi không biết người nam?". Câu hỏi này đã gây ra không biết bao nhiêu cuộc tranh luận giữa các nhà thần học. Tại sao trên đây (1,27) Luca nói rằng Maria đã đính hôn với Giuse, mà rồi ở đây Maria lại nói là không nghĩ đến chuyện lập gia đình? Những ý kiến chính có thể tóm lại như sau.
(1) Đức Maria tỏ ra ngỡ ngàng, vì cho tới lúc này, Người chưa có ăn ở với Giuse: thế thì làm sao mà thụ thai ngay bây giờ được để mà sinh con? Ý kiến này xem ra hơi ngây ngô.

(2) Đức Maria liên tưởng tới đoạn sách Isaia (7,14) về một trinh nữ thụ thai và sinh con, đặt tên là Emmanuel. Maria không biết làm sao lời tiên tri ấy có thể xảy ra cho mình, bởi vì mình đã đính hôn rồi, đâu còn là trinh nữ nữa. (Như vậy, vấn nạn của Maria có để được diễn tả như thế này: "điều đó xảy đến thế nào được? làm sao tôi có thể trở thành bà mẹ được? tôi không cần phải ăn ở vợ chồng nữa hay sao?)

(3) Đây không phải là vấn nạn mà đức Maria nêu lên, mà chỉ là một lối hành văn của Luca, dựa theo sườn văn thể truyền tin. Theo văn thể đó, thì sau khi nghe thiên sứ báo tin, con người đặt ra vấn nạn, rồi kế đó thiên sứ giải thích và cho một dấu hiệu. Ta có thể lấy ngay thí dụ ngay trong chính Phúc âm của Luca, khi thiên sứ báo tin cho Zacaria (Lc 1,5-25) hay cho các mục đồng (2,8-20). (Những trường hợp tương tự về việc nêu vấn nạn sau khi được Chúa gọi vào sứ mạng: Maisen ở Xh 3,11; Geđêon Tl 6,15; Gieremia 1,17; Saul 1 Sm 9,21). Luca xen câu hỏi vào cuộc đối thoại, để cho thiên thần Gabriel có cơ hội mà giải thích thêm rằng việc thụ thai xảy ra do quyền năng của Đấng Tối cao, cũng như giải thích thêm về chân tướng của hài nhi. Do đó, vấn nạn không phải do chính đức Maria nêu lên, nhưng là do chính Luca đặt ra.

(4) Theo một ý kiến có từ lâu đời của nhiều nhà thần học công giáo thì tuy đức Maria đã đính hôn, nhưng Người đã tình nguyện sẽ không ăn ở như vợ chồng. Nói khác đi, Maria đã khấn giữ mình đồng trinh. Vì thế mà bây giờ Người lúng túng không hiểu làm thế nào tuân giữa lời khấn ấy, nếu phải thụ thai và sinh con. Thực ra, nếu xét theo chính bản văn, thì có lẽ không thấy có bằng cớ nào về việc đức Maria khấn giữ mình đồng trinh; tuy nhiên cũng không có bằng cớ nào nói ngược lại! Thiên sứ không có bắt bẻ Maria (tại sao chị đã đính hôn mà lại nói không biết tới người nam?), và ra như chấp nhận rằng chị không có ý định sinh con; do đó thiên sứ mới giải thích làm sao chuyện đó có thể xảy đến được.

c. 35. Như đã nói trên, Thiên sứ giải thích thêm, không những về cách thức diễn tiến công việc thụ thai (do quyền năng Đấng Tối cao), cho bằng về chính thân thế của con trẻ: con trẻ này là con vua Đavit (nhờ đó sẽ hoàn tất lời hứa ở 2 Sam 7, 12-13) và là con Thiên Chúa. "Thần khí Chúa sẽ xuống trên chị": Thần khí của Chúa đã là là trên mặt nước vào hồi tạo dựng vũ trụ (St 1,2), giờ đây lại đáp xuống Maria, để khai mào một kỷ nguyên mới. Về sau, Luca còn nhăc tới việc thần khí Chúa đáp xuống đến đức Giêsu khi bắt đầu cuộc đời công khai (Lc 4) cũng như thần khí Chúa đáp xuống trên các môn đệ họp nhau ở nhà Tiệc ly (Tđcv 2,3-4). - "Quyền năng Đấng Tối cao rợp bóng trên chị": sách Xuất hành (13,22; 40,35) thuật lại rằng một đám mây phủ rợp trên hòm bia thánh, biểu hiệu của sự tỏ lộ vinh quang Chúa. Sách Sử biên niên cũng ghi nhận hiện tượng tương tự khi hòm bia giao ước được rước lên đền thờ vua Salomon (2Sb 5,7.13.14). Phải chăng ở đây Luca cũng ví đức Maria như hòm bia thánh? Nếu đọc tiếp cảnh đức Maria thăm viếng bà Ysave thì có những chi tiết nữa làm nêu bật tư tưởng này.

c.36: dấu hiệu để củng cố thêm: bà Ysave tuy son sẻ nhưng đã mang thai do quyền năng của Thiên Chúa. Trong Kinh thánh đã có nhiều tích về những phụ nữ cao niên son sẻ nhưng đã mang thai nhờ quyền năng của Chúa: Isaac St 18,11; Samson (Tl 13,4) Samuel (1 Sm 1,11); tuy nhiên việc một trinh nữ sinh con sẽ còn tỏ ra quyền năng của Thiên Chúa một cách phi thường hơn nữa, bởi vì "không có chi mà Chúa không làm được" (c.37).

c.38. "Này đây là tôi tớ Chúa, xin xảy đến cho tôi điều mà thiên sứ đã nói". Khi xưng mình là "tôi tớ" (được lặp lại trong kinh Magnificat: 1,49), đức Maria không những chỉ bày tỏ sự khiêm tốn nhún nhường của mình. Các nhà khảo cứu Kinh thánh chú ý đặc biệt tới chỗ là công thức "tôi tớ Chúa" gắn liền với tiếng "xin vâng". Nó gợi lại cảnh ký kết giao ước giữa Thiên Chúa với dân Israel, được nói tới nhiều lần trong Cựu ước (thí dụ: Xh 24,3; 2 Vua 23,1-3). Trong những đoạn ấy, sau khi nghe một ngôn sứ trình bày ý Chúa, thì toàn dân đồng thanh đáp lại: "Chúng tôi xin tuân hành". Nói cách khác, khi trả lời cho thiên sứ Gabriel rằng "này đây là tôi tớ Chúa, xin xảy đến cho tôi điều thiên sứ đã nói", đức Maria đặt mình vào vị trí của dân Chúa chọn, và tỏ lòng sẵn sàng tuân hành giao ước mà Chúa đã mặc khải qua vị trung gian của Ngài. Đức Maria không chỉ bày tỏ lòng khiêm tốn nhưng nhất là sự vâng phục hoàn toàn chương trình của Chúa. Đức Maria tình nguyện hiến thân phục vụ chương trình ấy, một chương trình gói ghém nhiều bí nhiệm. Thực vậy, cho tới nay, đức Maria đã trưởng thành trong nền giáo dục Dothái, trong đó Thiên Chúa tỏ ra như là Đấng siêu việt, không gì sánh nổi. Nhưng giờ đây, qua miệng của thiên sứ Gabriel, người con mà Maria sắp thụ thai sẽ được gọi là Thiên Chúa. Thực là khó hiểu! Tuy vậy, Maria tuyên bố sẵn sàng phục vụ ý Chúa, phục vụ đức Giêsu, con của mình và là Con Thiên Chúa. Trong bài ca Magnificat, đức Maria lại xưng mình là "tôi tớ Chúa". Nhưng lần này Người muốn nói lên sự phó thác hoàn toàn nơi Chúa. Tự bản thân, Người chỉ thấy sự thấp kém hèn hạ, bất lực. Tuy nhiên từ vị trí thấp bé đó, Người đã tán tụng Thiên Chúa vì đã đoái nhìn đến mình: tất cả những gì mình lãnh được đều do lòng quảng đại của Chúa hết. Dù sao đi nữa, cần phải nhấn mạnh tới sự ưng thuận tự do của đức Maria: thái độ của Người không phải là một đầy tớ khiếp run trước uy quyền của một bá chủ, nhưng là thái độ tình nguyện của một người tín thác nơi quyền năng của lời Chúa. Người ước nguyện cho ý Chúa được thể hiện nơi mình, sẵn sàng để cho Chúa hành động nhằm cứu rỗi nhân loại.

II. Đức Maria thăm viếng Ysave.

A. Tại sao đức Maria lên đường đi viếng bà chị họ?

Đã có những ý kiến khác nhau để giải thích.
1) Vì muốn tới chúc mừng bà Ysave, và giúp đỡ bà chị họ đã có tuổi. Đây là lời giải thích đã có từ lâu đời (Ambrosiô, Bernarđô, Bonaventura). Nhưng xem ra lý do không đúng: nếu muốn giúp đỡ bà chị thì tại sao không ở lại cho tới ngày Gioan ra chào đời, mà lại bỏ về 3 tháng trước?

2) Vì Maria muốn củng cố hơn cảm nghiệm mà mình đang chứng kiến trong lòng. Maria lúc ấy chỉ mới là cô gái 13-14 tuổi, cảm thấy một mình không thể gánh vác hết sức nặng của những biến cố trọng đại mới diễn ra: cô ta muốn đi tìm một điểm nâng đỡ, xác nhận những gì mà mình vừa mới nghe. Cô muốn chia sẻ với bà chị họ cũng mới nhận được một hồng ân của Chúa, để rồi cùng nhau hợp hoan chúc tụng Chúa. Đây là ý kiến của một số nhà chú giải cận đại (Audet, Munoz Iglesias, Benoit..)

Dù nói thế nào về lý do cuộc thăm viếng đi nữa, chắc chắn Luca không dừng lại ở chỗ tường thuật diễn tiến của biến cố, nhưng đã mô tả nó dưới những đề tài thần học rút từ Cựu ước.

B. Maria hòm bia thánh

1) Khi phân tích lối hành văn tả cảnh đức Maria lên đường đi thăm bà Ysave, René Laurentin đã thấy nhiều diễn ngữ và hình ảnh tương tự với việc rước hòm bia thánh (nơi Chúa ngự) từ Quiriat Giêarim về Giêrusalem (2 Samuel 6,1-23). Đức Maria chỗi dậy và lên đường (Lc 1,39 // 2Sm 6,1) về xứ Giuđa, hướng về Giêrusalem; vào những ngày ấy (Lc 1,39 // 2Sm 6,9); Lời của bà Ysave: "bởi đâu tôi được mẹ Thiên Chúa đến thăm tôi" (Lc 1,43) xem ra tương ứng với những lời của Đavit: "Làm thế nào mà hòm bia Chúa đến nhà tôi được?" (2Sm 6,9). Gioan hớn hở và nhảy mừng trong lòng mẹ (Lc 1,41.44) cũng giống như Đavit hớn hở và nhảy mừng (2 Sm 6,12.14.16.21). Đức Maria ở lại với bà Ysave ba tháng (Lc 1,56 ) cũng bằng thời gian mà hòm bia lưu lại nhà của Obed-eđôm (2 Sm 6,10); trong cả hai trường hợp, sự hiện diện đã kéo theo sự chúc lành của Thiên Chúa (Lc 1,41.44-45 // 2 Sm 6,11-12). Phải chăng Luca muốn ví cuộc thăm viếng của đức Maria với cuộc kiệu hòm bia thánh, hay nói cách khác: phải chăng đức Maria được mô tả như hòm bia Thiên Chúa, bởi vì Người mang Thiên Chúa trong lòng?

2) Một dấu chỉ khác xem ra củng cố thêm tư tưởng vừa rồi, đó là bà Ysave "thốt lên tiếng kêu lớn và nói" (anephonesen: c.42). Khi hai người chị em gặp nhau, thì không cần phải to tiếng làm gì! Đây hẳn là điệu văn phụng vụ diễn tả cảnh hát xướng của đoàn dân khi đi rước kiệu hòm bia thánh (2 Sm 6,15; 1 Sb 15,79; 16,4.5.42). Dù sao đi nữa, bà Ysave không phải chỉ chào thăm Maria, nhưng là xướng lên bài chúc tụng: "Chị được chúc tụng giữa các phụ nữ, và hoa trái từ lòng chị đáng chúc tụng" (Lc 1,42). Đây là một lời chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa (eulogêmemê, trong tiếng do thái là baruk) khác với "phúc thay" ở câu 45 (makaria). Xét về thể văn, R. Laurentin nhận thấy trong Cựu ước có một đoạn văn tương tự, khi Ozya ca ngợi Giuđita sau khi đã hạ sát Hôlôphernê: "Phúc cho chị nơi Thiên Chúa tối cao, hơn mọi người nữ trên trần! Chúc tụng Đức Chúa, Thiên Chúa, Đấng tạo thành trời đất, Đấng đã cho chị xuôi thuận, chém đầu tướng của địch thù chúng ta!" (Gđt 13,18). Tiếp theo đó, toàn dân thưa lại: Amen, amen (câu 20). Có thể rằng qua lời của Ysave, Luca muốn ghi lại lời chúc tụng của các Kitô hữu tiên khởi dành cho đức Maria vì hoa trái bà mang trong lòng, tức là đức Giêsu: lời chúc tụng dành cho bà mẹ ghép chung lời chúc tụng hoa trái đang mang trong lòng, tức là Con Thiên Chúa; hay nói cách chính xác hơn, chính nhờ bà và con của bà mà nhân loại nhận lãnh được phúc lành của Thiên Chúa. (Lưu ý là lời chúc tụng dành cho bà Giuđita cũng bao gồm lời chúc tụng Thiên Chúa, nguồn ơn phúc lành. Một đoạn văn tương tự khác có thể đọc thấy ở sách Sáng thế 14,19 khi Melkisêđech ngỏ lời với Abraham sau khi chiến thắng: "Nguyện cho Abraham được Chúa Tối cao chúc lành, và chúc tụng Chúa Tối cao vì đã nộp địch thù trong tay ông!"

C. Phúc cho người tin vào lời Chúa.

"Phúc thay cho người tin rằng điều Thiên Chúa loan báo sẽ được thực hiện" (c.45). Câu văn đổi ngôi: không phải ở ngôi thứ hai mà là ở ngôi thứ ba: phải chăng đây là một chân lý có giá trị cho hết mọi người, chứ không phải chỉ dành cho đức Maria? Thực ra không nên đối chọi giữa hai vế: lời tuyên bố vừa có giá trị phổ quát vừa có thể áp dụng cách riêng cho đức Maria. Trong Phúc âm, ta thấy có những đoạn văn tương tự như vậy. Thí dụ ở Lc 11,27-28, một phụ nữ đã cất tiếng nói với Chúa Giêsu: "Phúc cho lòng dạ đã cưu mang ông và vú ông đã bú!"; nhưng Chúa đáp lại: "Phải hơn, phúc cho những ai nghe lời Thiên Chúa và noi giữ". Trong cả hai trường hợp, đức Maria đáng liệt vào hàng những người được hưởng phúc thật vì đã tin vào lời Chúa, dường như là công phúc của Maria hệ tại việc đáp lại ơn gọi bằng lòng tin, chứ không nguyên chỉ tại vì được tuyển chọn làm mẹ Thiên Chúa. Bà Ysave khen Maria có phúc vì đã tin rằng những lời hứa sẽ được thực hiện, những lời hứa mà thiên sứ đã loan báo về sự sinh hạ của đức Giêsu như là sự hoàn tất các lời hứa cho các tổ phụ về việc Thiên Chúa cứu thoát dân Israel. Nhưng chắc chắn rằng qua lời của bà Ysave, Giáo hội còn ca ngợi đức Maria như là người tín hữu phúc hậu nhất (Phúc thay cho người tin ... x. Ga 20,29: Phúc cho người tin tuy không thấy), vì tin rằng Thiên Chúa có thể ban ơn cứu rỗi cho nhân loại kể cả qua thân phận người nghèo hèn!

D. Magnificat.
Dưới khía cạnh phê bình văn chương, giữa các nhà chú giải Kinh Thánh đã có những ý kiến khác nhau về tác giả của bài thánh ca này.

1) Một số thủ bản bằng tiếng latinh đã gán cho bà Ysave là tác giả của thánh ca này ("dixit Elizabeth"). Vào cuối thế kỷ 19 một số học giả cũng chủ trương bà Ysave là tác giả (D. Volter 1896, A. Loisy 1897, A. Harnack 1900), nhưng ngày nay không còn ai theo ý kiến này nữa. Lối hành văn của bản ca hợp với tâm tình của đức Maria, và xuất phát từ con tim của người, thí dụ: Maria xưng mình là tôi tớ với sứ thần và lặp lại ở đây (c.38; 48); Maria chúc tụng Thiên Chúa là Đấng Toàn năng (c.49), đáp lại lời quả quyết của thiên sứ rằng "không có gì mà Thiên Chúa không thể làm được" (v.37).

2) Nói rằng đức Maria là tác giả của bài thánh ca không có nghĩa là người sáng tác từng câu từng chữ. Nói cách khác, đa số các học giả ngày nay không nghĩ rằng Luca đã ghi lại nguyên văn những lời của đức Maria. Bản thánh ca này, với tiết điệu phụng vụ, có lẽ lấy lại từ cộng đồng các Kitô hữu ở Palestina: theo ý kiến này, cộng đồng tín hữu chúc tụng Thiên Chúa vì những ơn cứu rỗi đã thực hiện ở Israel nhờ đức Maria. Hội thánh tiên khởi đã dùng miệng đức Maria để chúc tụng Thiên Chúa, vì coi Người như khuôn mẫu của việc suy gẫm các mầu nhiệm cứu rỗi và chúc tụng tạ ơn. Dĩ nhiên nòng cốt của bản văn là những tâm tình của đức Maria, tâm tình của "người nghèo của Thiên Chúa".

Xét về tư tưởng thì bài ca Magnificat vọng lại nhiều ý từ Cựu ước, nổi bật hơn cả là bài ca của bà Anna ở 1 Sm 2,1-10 (Tâm hồn con hỷ hoan vì Chúa.. Con vui sướng vì được Ngài cứu độ... Cung nỏ người hùng bị bẻ tan, kẻ yếu sức lại trở nên hùng dũng. Người no phải làm mước kiếm ăn, còn kẻ đói được an nhàn thư thái... Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi; ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro"). xem Khabacuc 3,18: "Phần tôi, tôi nhảy mừng trong đức Givê, hoan hỉ trong Thiên Chúa Đấng tế độ tôi"; Giuđitta ch.9 và 16. Nội dung chính của bài ca chúc tụng không phải là những ơn huệ mà Chúa dành cho bản thân đức Maria cho bằng ơn cứu độ dành cho toàn dân Israel: "Thiên Chúa đã nhìn đến thân phận thấp hèn của tôi tớ Ngài". Người tôi tớ thấp hèn chính là đức Maria (như lời đã thưa với thiên sứ ở ch.1,48); nhưng người tôi tớ có thể áp dụng cho cả lớp dân nghèo, lớp người bị chà đạp đang mong chờ Đấng Cứu độ (Tv 136,23).
Nội dung thần học.

- Đức Maria đồng hóa mình với những "người nghèo của Giavê" trong Cựu ước (thí dụ: Tv 34; 89,11; 107,9; 113,1-9; 147,1-6), những người không biết cậy dựa vào ai ngoài chính Thiên Chúa. Bài ca này tóm lại tất cả đường lối hành động của Thiên Chúa trải qua lịch sử cứu độ.

1) Thiên Chúa được mô tả như là: Đấng thánh (danh Ngài là Đấng thánh: c.49), Đấng cao cả siêu việt, nhưng đồng thời cũng là Đấng Cứu độ (c.47), Đấng trung tín với lời hứa (nhớ lại lòng thương xót: c.54), đến để giúp đỡ Israel tôi tớ của Ngài (c.54), tỏ ra quyền lực (giơ tay biểu dương sức mạnh: c.49) để đánh tan những quân kiêu căng.

2) Thiên Chúa can thiệp để bênh vực ba lớp người sau đây: a/ những người kính sợ Chúa; đối lại với những hạng kiêu căng ngạo mạn; b/ những người nghèo và khiêm nhường; đối lại với những trọc phú và lộng quyền; c/ dân Israel, được Chúa chọn qua giao ước với Abraham.

III. Đức Maria sinh con.
Chung quanh biến cố Chúa ra đời, đã có bao nhiêu cổ tích, truyền kỳ được thêu dệt lên. (Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa). Có điều chắc là Luca không muốn làm nghề của một ký giả thuật lại cảnh một hài nhi sinh trong hang bò lừa giữa đêm đông sương tuyết lạnh lùng. Luca muốn để lại cho ta một bài suy gẫn thần học hơn là một hoạt cảnh.

Luca 2,7 thuật lại rằng Đức Maria "đã sinh ra con đầu lòng của mình, vấn khăn bọc và đặt trong máng cỏ". Kế đó một thiên sứ đi loan tin cho các mục đồng về việc Đấng Cứu thế đã giáng sinh, và ngài cho họ thấy một dấu chỉ để nhận ra, đó là "các ngươi sẽ gặp thấy một hài nhi mình vấn tã, đặt nàm trong máng cỏ" (2,9). Thoạt tiên, không có gì đáng để ý, bởi vì đây là chuyện thường tình xảy ra cho hết mọi thơ nhi, đừng kể việc hài nhi Giêsu nằm trong máng cỏ thay vì nằm trong nôi! Tuy nhiên, truyền thống Kitô giáo đã so sánh cảnh Chúa Giêsu sinh ra với cảnh Chúa chịu chết. Ngày Chúa ra đời, đức Maria lấy tã quấn lấy Ngài và đặt trong hang đá (Lc 2,7); lúc Chúa chịu chết, thì Giuse Arimatea quấn Chúa trong khăn liệm và đặt vào trong mồ (Lc 23,53). Như thế, cử chỉ của Mẹ Maria ra như tiên báo trước cảnh an táng của Chúa.

IV. Đức Maria dâng con trong đền thờ.

A. Thanh tẩy.

Thoạt tiên xem ra Luca mô tả một tấm gương tuân giữ lề luật Maisen về việc dâng con đầu lòng cho Thiên Chúa, và việc tẩy uế bà mẹ sau khi sinh. Theo Luật (sách Lêvi, chương 12), người đàn bà sinh con phải thanh tẩy bảy ngày sau khi sinh con trai (14 ngày sau khi sinh con gái) bằng việc dâng một hy lễ để được thanh tẩy khỏi sự ô uế vì sinh con; sau 40 ngày (nếu sinh con trai, 80 ngày nếu sinh con gái), thì bà mẹ lại phải được thanh tẩy lần nữa.

Tuy nhiên, những việc thanh tẩy này không buộc phải đích thân thi hành ở đền thờ: có thể dâng tiền cho bất cứ tư tế nào ở bất cứ "thánh điện nào". Nhưng đức Maria và thánh Giuse đã muốn tiến dâng con trong đền thờ "để hoàn tất Luật Chúa" (c.39), tiên báo hiến tế cứu độ. Luca đã dùng động từ "tiến dâng" (parastesai: đặt ra trước mặt, trình diện, trình tiến), một động từ mà Tân ước dùng để nói tới hiến tế (x. Rm 6,13-19; 12,1; 1Cr 8,8; 2Cr 4,14; 11,2; Ep 5,27; Cl 1,28). Việc đức Maria "trình tiến" Chúa Giêsu là một cử chỉ tiên báo việc sẽ dâng tiến mai sau trên thập giá: bà mẹ khước từ một cái gì của mình, để dâng lên cho Chúa; với cử chỉ đó đức Maria muốn nói lên rằng đức Giêsu thuộc về Thiên Chúa chứ không phải là tư sản của mình. Một cử chỉ hy sinh, nhưng đòi hỏi thời gian để chín mùi.

B. Lời tiên tri Simêon (2,35)

Sau khi đã hoàn tất nghi lễ dâng con trong đền thờ, đức Maria gặp ông Simêon, và ông này vừa chúc tụng Chúa vì đã cho ông được thấy điều mà bao thế hệ của Israel mong đợi; đồng thời ông cũng tiên báo về tương lai của hài nhi và bà mẹ như sau: "trẻ này sẽ là sự sa ngã và chỗi dậy cho nhiều người ở Israel, dấu chỉ mâu thuẫn, vì đó mà tư tưởng được phát lộ. Cả bà nữa một thanh gươm sẽ xuyên qua lòng bà." Ông Simêon có ý muốn nói gì? Trước tiên, ông nhận thấy rằng con trẻ sẽ là dấu chỉ mà Giavê đã đặt lên, bắt buộc mỗi người phải bày tỏ lập trường. Sứ mạng của hài nhi sẽ giống như các ngôn sứ vì bị người đời chống đối. Tới đây, cụ Simêon đề cập tới số phận của bà mẹ của hài nhi: một lưỡi gươm se đâm thâu qua lòng. Ý nghĩa của lời tiên báo ấy thế nào? Các học giả đã đưa ra nhiều lối giải thích khác nhau tùy theo ý nghĩa của tiếng "thanh gươm".

1) Một số người cho rằng Simẹon liên tưởng đến đoạn sách Ezekiel 14,17 nói đến thanh gươm giáng xuống dân Israel để tẩy luyện họ về tội thờ tà thần. Đức Maria sẽ mang trong mình sự thanh tẩy và trừng phạt dành cho dân tộc.

2) Ý kiến khác thì cho rằng trong Kinh thánh (cả Cựu lẫn Tân ước), thanh gươm ám chỉ lời Chúa, thí dụ trong thư gửi Do thái 4,12 (Lời Chúa ví như thanh gươm hai lưỡi, đâm phập vào tận ranh giới hồn phách, phân biệt tình tứ của tâm hồn; x. Is 49,2; Kn 18,15; Kh 1,16; 2,12.16; 19,15.21). Theo nghĩa này, lời Chúa sẽ liên lỉ gây xáo trộn trong lòng đức Maria, bởi vì Người phải luôn cố gắng uốn nắn tâm tình tự nhiên cho hợp với lời Chúa. Nói cách khác, đức Maria phải luôn luôn chiến đấu để giữ vững đức tin của mình nơi Chúa, luôn tin rằng lời Chúa sẽ thực hiện, cho dù thực tại xem ra hoàn toàn trái ngược.

3) Theo ý kiến thứ ba, những lời của ông Simêon nói trực tiếp về những đau khổ của đức Maria. Thanh gươm được hiểu theo nghĩa đen thường tình, tức là vật bén nhọn xâu xé, gây thương tích đến nỗi có thể giết chết. Nói khác đi, ông Simêon có ý nói rằng đức Maria sẽ chịu khổ nhiều vì đức Kitô, bởi vì người con này sẽ là dấu chia rẽ giữa dân tộc. Nhiều người sẽ chống đối và giết chết đức Giêsu. Bà mẹ sẽ chia sẻ số phận cay đắng với con mình.

Dù hiểu theo nghĩa nào đi nữa, ta có thể kết luận rằng đức Maria liên kết chặt chẽ với con mình, gắn bó với lời Chúa, và chia sẻ số phận với đức Kitô. Chúng ta cũng có thể thêm rằng, qua những lời tiên tri của Simêon, chúng ta khám phá sự liên đới của đức Maria với chúng ta, liên đới trong đức tin, liên đới trong sứ mạng cứu chuộc của đức Giêsu, Đấng chịu chết vì phần rỗi chúng ta.

V. Lạc con trong đền thờ. (Maria trước mầu nhiệm đức tin).

Trong thời thơ ấu của Chúa Giêsu, Luca ghi lại hai biến cố gây chấn động cho đức Maria. Một lần khi nghe lời tiên báo của ông Simêon về lưỡi gương sẽ đâm qua lòng (2,34-35) và một lần lạc mất con trong đền thờ (2,41-50). Sau ba ngày tất tưởi đi tìm con, vừa khi gặp lại thì Đức Maria liền lên tiếng ra như trách móc: "Sao con làm như thế? Này cha con và mẹ phải đau khổ tìm con!". Nhưng Chúa đáp lại: "Tại sao lại tìm con? Không biết là con phải ở nơi nhà Cha con sao?". Và Luca bình giải ở câu 50: "Hai ông bà không hiểu gì về lời Ngài nói". Thực ra trong câu trả lời của Chúa Giêsu, ra như Ngài đã muốn sửa sai bà mẹ. Đức Maria nói rằng Chúa đã làm cho cha (là thánh Giuse) phải đau khổ. Nhưng Chúa trả lời rằng thánh Giuse không phải là cha thật; và chính Ngài đang lo công chuyện của Cha ấy. Hơn thế nữa, chính vì phải lo công chuyện của Cha thật mà Ngài phải lìa bỏ gia đình cha mẹ. Nói khác đi, Chúa đã muốn tiên báo rằng một ngày nào đó, đức Maria sẽ phải chịu cảnh chia ly, khi Ngài phải ra đi để lo công chuyện mà Chúa Cha trao phó. Việc tìm lại Chúa sau "ba ngày" thổn thức vì lạc mất nhân dịp dự lễ Vượt qua (2,46) là dấu tiên báo "ba ngày" xa cách của cuộc tử nạn mai sau, vào dịp lễ Vượt qua (24,21).

Để trả lời câu trách móc của mẹ, Chúa đã trách lại: "Thế thì mẹ chưa hiểu gì hay sao?" (Lẽ ra mẹ phải hiểu rồi chứ?). Bà mẹ không đáp, vì bà thấy cả một mầu nhiệm. Bà chỉ biết thinh lặng nghiền ngẫm như Luca ghi nhận ở câu 51.

c.51 (x.c.19): "Maria lưu giữ tất cả những điều này trong lòng". Nguyên gốc hy lạp là "symballô", có nghĩa đã đối chiếu, tìm cách để hiểu. Đứng trước bao nhiêu cảnh tượng đã chứng kiến (các mục đồng, lời của Simêon và Anna, cảnh lạc Chúa), Đức Maria cố gắng khám phá ra ý nghĩa bằng sự nghiền ngẫm, đối chiếu với nhau và với những chuyện sẽ xảy ra về sau. Người không tỏ ra cứng cỏi, bất phục; cũng không ừ hử cho xong chuyện. Người chấp nhận với lòng tin, lòng tin sống động, đắn đo suy nghĩ, tìm hiểu ý nghĩa, đối chiếu trước sau. Đức tin của Maria cũng trải qua nhiều thử thách trên đường tiến tới sự trưởng thành.