Những cảm xúc bị dồn nén và hệ quả của tổn thương thời thơ ấu


Ai cũng đều có trong mình một tuổi thơ thời thơ ấu. Thế nhưng, không ít người trong quá trình lớn lên gặp phải những tổn thương, có thể là một cách vô tình dẫn đến những hệ quả khi trưởng thành mà chính người đó có thể cũng không nhận ra. Những sự dồn nén cảm xúc mạnh mẽ trong quá khứ có thể dẫn đến những hệ quả lâu dài khi một người trưởng thành. Bác sĩ Oskar Pfister từ Zurish, Thụy Sĩ đã phát hiện ra một số lượng lớn các trẻ em ở độ tuổi đi học mắc các chứng rối loạn thần kinh có nguồn gốc là cảm xúc, chẳng hạn như nói lắp, nỗi sợ không lành mạnh, xấu hổ (đỏ mặt), ngại ngùng, ăn cắp vặt và nói dối. Cả những học sinh lười biếng, thờ ơ lãnh đạm, mơ mộng hão huyền… Hóa ra, rất nhiều trong số đó nguyên nhân là bởi vì những tổn thương trong quá khứ mà chúng phải chịu đựng.


Chẳng hạn như một chàng trai đến xin lời khuyên vì không thể học hành và tập trung. Đây là một phàn nàn thường xuyên trong độ tuổi dậy thì và mới lớn. Cuộc trị liệu phân tâm cho thấy cậu mắc một chứng bệnh mơ-ngày rất nghiêm trọng. Đó là một kiểu rút khỏi thực tại, thích chìm trong những giấc mơ hão huyền ban ngày của mình hơn là việc cố gắng học hành có tính thực tế. Trường hợp này, khả năng tập trung của cậu không hề có khiếm khuyết, vấn đề nằm ở chỗ chàng trai trôi vào một tình trạng mơ giữa ban ngày một cách bất thường, vì thực tại cuộc sống không làm cậu thích thú nữa. Đôi khi thầy cô giáo trên trường dễ đánh giá, phán xét và dán nhãn “cứng đầu”, “lơ đễnh” cho những đứa trẻ, vì động lực thôi đẩy chúng bộc lộ một phản ứng như thế thường nằm sâu trong nhân cách của chúng – chính chúng cũng không hiểu được mình. Cho nên, thứ người lớn cần có đó chính là lòng khoan dung lớn lao trước sự phức tạp, rắc rối trong tính cách của trẻ, hiểu cho những sở thích, sở ghét, cũng như các phản ứng hiếu kì trước các tình huống người lớn của chúng.

CÓ NHỮNG TỔN THƯƠNG DO VÔ TÌNH

Có một người mẹ yêu cầu cậu con trai mình 10 tuổi để một kiểu tóc dài, tóc kẹp giống như một đứa bé gái. Đứa trẻ này là con út trong số bốn người con toàn là con trai. Sự thất vọng của người mẹ khi không có con gái đã tìm thấy một lối xả thoát bằng cách “tạo hình” đứa con trai út của mình trông giống con gái nhất có thể. Vô tình người mẹ này đã để lại những hệ quả nguy hiểm. Đứa bé trai kia không chỉ nảy sinh cảm giác mặc cảm tự ti, mà còn phải chịu đựng sự chế giễu từ bạn bè đồng trang lứa, và do vậy có xu hướng ngày càng trở nên kém hòa đồng. Sự phát triển của một thái độ tinh thần như vậy: nhạy cảm (dễ bị ảnh hưởng) và trở thành kiểu người khép kín – cùng với các hệ quả của tính cách đó – sẽ thiết đặt nền tảng cho một chứng rối loạn thần kinh chức năng nghiêm trọng trong giai đoạn thanh thiếu niên, khi mà cá nhân đứa trẻ cảm thấy cần trở thành một con người hòa đồng với xã hội nhưng lực bất tòng tâm. Một cố bé nọ đột nhiên kể với hàng xóm ở nhà rằng cô bị đối xử tồi tệ, rồi vài ngày sau đó cô bé bỏ nhà đi đến quá nửa đêm. Trên thực tế thì câu chuyện mà cô bé kể về việc bị đối xử tồi tệ ở nhà đơn thuần là bịa ra. Hóa ra sự thật đó là cô bé này phải “nhường” phòng cho đứa em gái nhỏ. Việc phải nhường phòng làm dấy lên tâm lý ghen tị trong đứa trẻ. Vì không thể nói ra nên cảm xúc bị dồn nén ấy đã trở thành một xung năng thôi thúc đột ngột, câu chuyện bịa đặt về việc bị đối xử tồi tệ chỉ là bộc phát của dồn nén, nhằm củng cố cho thái độ của cô bé mà thôi. Cho nên, khi những cảm xúc bị dồn nén bộc phát, một đứa trẻ có thể trở nên cư xử rất kỳ quặc, có những hành động mà không thể lý giải hay kiểm tra bằng bất kỳ bài kiểm tra trí tuệ nào.

TÌM MỘT HƯỚNG ĐI

Do vậy, trong đời mỗi người sẽ có một lần phải đưa ra quyết định lớn: Sẽ giữ lại hay không giữ lại cảm xúc của mình với gia đình? Để cho những cảm xúc dồn nén ảnh hưởng đến lựa chọn của họ hay sẽ lựa chọn gạt những ký ức tuổi thơ sang một bên và đi thẳng vào thế giới thực tại? Ngoài ra, việc cảm xúc bị neo giữ sâu còn ảnh hưởng bởi những yếu tố khác nữa. Thông thường, đứa con một (duy nhất) sẽ có nhiều khả năng giữ lại mối nặng lòng thời thơ ấu với gia đình. Bước vào giai đoạn quan trọng của tuổi dậy thì và vị thành niên, đứa con một sẽ trở nên yếu nhược do cuộc vật lộn chiến đấu để bứt ra khỏi gia đình. Thêm vào đó, những bé gái cũng sẽ có nhiều dồn nén hơn do thay đổi tâm lý – sinh lý lớn hơn trong quá trình trưởng thành. Do vậy, nếu là một người quan tâm và hiểu về tâm lý, chắc chắn là một người trưởng thành, chúng ta sẽ phải để ý và cẩn trọng về những gì mà mình cư xử với trẻ nhỏ, bởi lẽ rất có thể những hành động vô tình sẽ dẫn đến những dồn nén cảm xúc trong ký ức trẻ, vô tình trở thành những tổn thương rất lớn khi họ trưởng thành. Ngược lại, nếu một người lớn lên mà không có một tuổi thơ hoàn hảo, cũng đừng để những tổn thương ảnh hưởng lâu dài đến cuộc đời của bạn. Hãy cho phép bản thân mình được lựa chọn, bước sang một ngã rẽ mới, sống một cuộc sống mới, dành những điều tốt đẹp nhất cho chính bản thân mình và cuộc sống của mình. 

Nguồn tham khảo: Sách Những cảm xúc bị dồn nén – Tác giả: Isador Henry Coriat