Một số quy luật hoạt động của tâm lý cá nhân

 Tâm lý cá nhân là một thực tại ẩn khuất; ta chỉ có thể đoán biết phần nào tâm lý một người ngang qua những thái độ, cử chỉ, lời nói, và cách ứng xử bên ngoài của người ấy.
Một số quy luật hoạt động của tâm lý cá nhân

      Tuy mỗi người là một ngôi vị độc sáng, có tính cách riêng và cách hành xử riêng, nhưng các hoạt động tâm lý của họ đều tuân theo một số qui luật chung có thể kiểm nghiệm được. Tuy thế các qui luật phổ quát ấy vẫn không bóp chết những nét riêng làm nên vẻ độc sáng của mỗi ngôi vị. Khởi từ việc nhận biết các quy luật chung này, ta rút ra được một số hệ luận thực hành hữu ích khi làm việc với các cá nhân.

(1)    Tâm lý cá nhân là một thực tại ẩn khuất; ta chỉ có thể đoán biết phần nào tâm lý một người ngang qua những thái độ, cử chỉ, lời nói, và cách ứng xử bên ngoài của người ấy: “trông mặt mà bắt hình dong”. Thế nhưng, đôi lúc phán đoán của ta có thể lầm, nhất là khi đương sự cố tình bóp méo thông tin về bản thân, hay khoác lên những “mặt nạ”.

(2)    Tâm lý của một cá nhân không cố định, nhưng biến chuyển theo độ tuổi và hoàn cảnh: “Càng lớn càng ngoan/hư!”; “Con người hay thay lòng đổi dạ”.

(3)    Có một tác động hỗ tương chặt chẽ giữa yếu tố thể lý và tâm lý nơi cá nhân. Chẳng hạn khi ta khỏe thì vui tính; khi ta đau thì dễ cáu kỉnh: sức khỏe tác động trên tâm lý. Ngược lại, sự sợ hãi có thể làm cơ thể ta tê liệt; khi bực tức thì máu nóng dồn lên mặt: xúc cảm tác động trên thể lý. Mối liên kết này thể hiện rõ nét nơi các căn bệnh tâm-thể; chẳng hạn như khi một người bị stress nặng có thể sinh ra đau bao tử, rối loạn huyết áp, dị ứng ngoài da, v.v.

(4)    Tâm lý của cá nhân được phát triển nhờ tương giao. Tục ngữ có câu: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn.” Ai đi nhiều, thấy nhiều, nghe biết nhiều, gặp gỡ tiếp xúc nhiều, thì càng kinh nghiệm, càng bản lĩnh và chững chạc. Vì vậy, trong giáo dục cần tạo điều kiện cho cá nhân vượt qua nhút nhát và mạnh dạn mở ra với các tương quan mới để lớn lên.
(5)    Tâm lý cá nhân phát triển ngang qua những ngưỡng khủng hoảng. Khủng hoảng là hiện tượng thông thường xảy ra trong mọi lãnh vực của cuộc sống, khi xuất hiện những yếu tố mới phá vỡ thế quân bình hài hòa vốn có nơi cá nhân. Chẳng hạn thiếu niên bắt đầu biết suy lý cho nên hay “lý sự” và cãi lại khiến bố mẹ khó chịu. 

      Khi nổ ra khủng hoảng, ta cần bình tĩnh, tìm cách điều chỉnh, để thiết lập một thế quân bình và hòa hợp mới. Mỗi lần vượt qua được một khủng hoảng, cá nhân càng phát triển hơn. Chẳng hạn, thay vì đánh trẻ ở tuổi thiếu niên hay cãi, bố mẹ cần tôn trọng ý kiến của chúng, cho chúng thêm quyền tự quyết, tập cho trẻ học cách đối thoại và tự trách nhiệm về mình. Dần dần, sự xung khắc của trẻ được tháo ngòi và chúng được tạo cơ hội trưởng thành hơn.

(6)    Có những quy tắc tâm lý chung; nhưng cũng có những quy tắc riêng. Quy tắc chung thì đúng với mọi người, mọi hoàn cảnh, mọi thời đại. Còn quy tắc riêng thì thay đổi tùy vào mỗi nền văn hóa, thời đại, độ tuổi, cá nhân. Trong hành xử, cần vận dụng các quy tắc tâm lý chung để hiểu người khác; nhưng đồng thời phải nhận biết và tôn trọng những nét tâm lý riêng của từng nền văn hóa, giới tính, lứa tuổi, cá nhân. Đó là một trong những chìa khóa của đắc nhân tâm.
Trương Thanh Tùng SJ