Sổ Tay Tìm Hiểu Sách Khải Huyền Của Thánh Gioan

Khoá học này nhằm giới thiệu đến Quý Thầy về cấu trúc, các biểu tượng và nội dung của sách khải huyền Gioan. Qua việc nghiên cứu và chú giải những đoạn văn được chọn lựa, chúng ta sẽ phần nào hiểu hơn ý nghĩa của sứ điệp khải huyền cũng như những vấn đề nhạy cảm dễ bị hiểu sai và lạm dụng.
SỔ TAY
TÌM HIỂU 
SÁCH KHẢI HUYỀN GIOAN


 
Nội dung khoá học và Thư mục
Khoá học này nhằm giới thiệu đến Quý Thầy về cấu trúc, các biểu tượng và nội dung của sách khải huyền Gioan. Qua việc nghiên cứu và chú giải những đoạn văn được chọn lựa, chúng ta sẽ phần nào hiểu hơn ý nghĩa của sứ điệp khải huyền cũng như những vấn đề nhạy cảm dễ bị hiểu sai và lạm dụng.
Trước mỗi bài học, Anh Em được gợi ý chuẩn bị và đọc trước những đoạn kinh thánh có liên hệ.
    Những tài liệu hữu ích cần tham khảo: 
Aune, D. E. Revelation, 3 vols. (WBC, vols 52A-C; Dallas: Word, 1997-98).
Bauckham, R., The Theology of the Book of Revelation (Cambridge 1993).
Collins, A. Y. Crisis and Catharsis: The Power of the Apocalypse (Philadelphia: Westminster Press 1984).
Corsini, E. The Apocalypse: The Perennial Revelation of Jesus Christ (Wilmington: Glazier 1983).
Desrosiers, G. An Introduction to Revelation: A Pathway to Interpretation (London: Continuum 2000).
Harrington, W. Revelation (Sacra Pagina 16; Collegeville: The Liturgical Press 1993).
Metzger, B. M. Breaking the Code: Understanding the Book of Revelation (Nashville: Abingdon Press 1993).
Michaels, J. R. Interpreting the Book of Revelation (GNTE 7; Grand Rapids, MI: Baker Book House 1992).
Prévost, J.-P. How to Read the Apocalypse (London: SCM Press 1993).
Prigent, P., L’Apocalypse de Saint Jean (CNT 14; Geneve 2000).
Richards, P. Revelation: A People’s Commentary (Maryknoll: Orbis 1999).
Smalley, S.S. The Revelation to John: A Commentary on the Greek Text of the Apocalypse (London: SPCK 2005).
Talbert, C.H. The Apocalypse: A Reading of the Revelation of John (Louisville, KY: Westminster John Knox Press 1994).
Witherington III, B. Revelation (NCBC; Cambridge: Cambridge University Press 2003).
    Nội dung khoá học:
1.    Tổng quan về Văn Chương Khải Huyền và Sách Khải Huyền Gioan.
2.    Các Thị Kiến trong bối cảnh phung vụ: 1:4-8 và 22:8-21.
3.     Sứ điệp gởi cho 7 Hội Thánh và thư gởi cho Laodicea (3:14-22).
4.    Thị kiến về Đức Kitô – Con Chiên (4:1-5:14) và Kitô học của Khải Huyền Gioan.
5.    Bí mật các ấn niêm phong và những thị kiến về lịch sử (6:1-8:5).
6.    7 tiếng kèn – một thị kiến khác về lịch sử ? (8:6-11:19).
7.    Điềm lạ vĩ đại (12:1-18).
8.    “Thù địch và bạn hữu”: Hai con mãnh thú và 144.000 “người được chuộc về” (13:1-14:20).
9.    Những điều sau cùng – Cánh chung học trong Khải Huyền (15:1-20:15).
10.    Jerusalem mới và biểu tượng Giáo hội học của Khải Huyền.
11.    “Tin Mừng vĩnh cửu” (14:6): Luân lý và các mối phúc: Một tổng luận của Khải Huyền như là thần học hy vọng.
12.    Những vần đề đặt ra cho việc chú giải và hiện thực hoá sứ điệp của Khải Huyền. 

 
1. TỔNG QUAN VỀ VĂN CHƯƠNG KHẢI HUYỀN VÀ SÁCH KHẢI HUYỀN GIOAN
1.1. Văn chương Khải Huyền trong truyền thống Do Thái. 
1.2. Tổng quan về nội dung và cấu trúc của Khải Huyền.
1.3. Tác giả và hoàn cảnh biên soạn và nội dung.  
1.4. Để chú giải Khải Huyền Gioan. 
1.5. Bài đọc thêm. 
    Tài liệu tham khảo chính:
 Corsini, 7-63; Harrington, 1-17; Metzger, 11-20.
 W.C. Weinrich, “Introduction to the Revelation to John,” trong W.C. Weinrich (ed.), Revelation (Ancient Christian Commentary on Scripture: NT 12; Downers Grove IL: InterVarsity Press 2005), xvii-xxix (Sách Khải Huyền trong thời Giáo Hội sơ khai).
 A.Y. Collins, “The Book of Revelation,” trong J. J. Collins (ed.), The Encyclopedia of Apocalypticism, vol. I (NY: Continuum), 384-414.
 Hoàng Văn Khanh, Khải Huyền Gioan (Giáo trình Đại Chủng Viện Thánh Giuse – Tp. HCM), 15-116.
    Chuẩn bị cho buổi học tiếp theo:
 Đọc và so sánh Danien 7-12 với Kh 1 và và 22. 
 
1.1. VĂN CHƯƠNG KHẢI HUYỀN TRONG TRUYỀN THỐNG DO THÁI
1.1.1. Bối cảnh lịch sử - Tôn giáo
Sau những chinh phục lẫy lừng của nhà Makêđonia trên toàn đế quốc Ba tư, nhà vua phân quyền thống trị các nước chư hầu cho hai nhà Lagides (Ptolêmê) và Leucides. Nhà Ptolêmê thống trị trên toàn lãnh thổ Ai cập và nhà Séleucides trên Syria.
Vương quyền Séleucides trên Palestina dần dà dẫn đến cuộc xung khắc giữa chính quyền và cộng đoàn phượng tự Giêrusalem. Cuộc xung khắc bùng nổ khi chính quyền Séleucides tấn công tàn bạo vào của cải, quyền lợi và trật tự của Đền thờ và cộng đoàn phượng tự Giêrusalem. Điều này trái với đặc quyền mà Antiochus III đã ban cho Cộng đoàn Giêrusalem. 
Thực ra, thời kỳ này, nhà Séleucides đã bắt đầu suy sụp. Antiochus III (222-187) phải tùng phục La mã. Sau khi ông qua đời (187), con là Séleucos IV lên nối ngôi, tìm cách đưa em mình là Antiochos bấy giờ đang làm con tin tại La mã trở về và hy sinh đưa con mình là Demetrios làm con tin thế cho chú.
Bối cảnh chính trị và tôn giáo thời ấy được ghi lại trong 1-2 Mcb. 1Mcb trình thuật các biến cố từ 175-134 tcn, cho thấy cái nhìn của một nhà đạo đức, nhiệm nhặt với Lề luật và đề cao công nghiệp của những gương mặt lãnh đạo nhà Maccabêô-Hasmonie. 2Mcb trình thuật các biến cố từ 175-161. Theo đó, cộng đoàn Giêrusalem phải đối diện với những vấn đè nghiêm trọng của phong trào Hy hóa. 
Từ sau khi đế quốc Hy lạp thống trị trên khắp Địa trung hải, phong trào Hy hóa được đề xướng và lan tràn nhanh chóng trên khắp các dân bị trị. Phong trào này lan tận đến Palestina và các vùng Do thái Diapora. Bản Bảy Mươi bằng tiếng Hy lạp ra đời tại cộng đoàn Do thái tại Alexandrie. Trước việc Hy hóa này, một số lớn người Do thái, đặc biệt những bậc quyền thế, giàu sang, kể cả hàng tư tế đã sẵn sàng hưởng ứng. Nhưng cũng có những nhóm kịch liệt phản đối lối sống xa lạ, bảo vệ những truyền thống tổ tiên và coi việc hy hóa như phản lại với luân thường đạo lý của cha ông và bất trung với niềm tin vào Thiên Chúa. Theo 2Mcb 4,12 thì khoảng năm 175, vị thượng tế đã cho xây tại trung tâm Giêrusalem một gymnasion theo kiểu giải trí của Hy lạp. Một số đông hào hứng đón nhận, trong khi đó những người trung thành tuyệt đối tẩy chay vì cho đó là những thứ sa đọa liên hệ đến việc thờ ngẫu tượng. 
Antiochus quyết định trừ khử cộng đoàn Giêrusalem phản loạn chống lại phong trào Hy hóa, cấm mọi hoạt động phượng tự, cấm phong tục cắt bì, và đem tượng thần Zeus vào Đền thờ (gọi là đồ ghê tởm). Một cuộc bách hại ghê gớm xảy ra. Những người thà chết chứ không để mình bị nhơ uế vì thức ăn và vi phạm Giao ước (1Mcb 1,63) can đảm chống lại phong trào Hy hóa. Gia đình Mattathias, thuộc dòng Hasmon, đứng lên phất cờ khởi nghĩa. 
Chính thời kỳ này xuất hiện Daniel nói lên sự trợ lực của Thiên Chúa đối với những kẻ trung thành, biến cố ngày nay là khởi điểm cho sự kết thúc quyền lực thế tục và chuẩn bị cho vương quyền Thiên chúa sẽ đến. Văn chương khải huyền chính thức hình thành trong giai đoạn này, giải thích thế giới và lịch sử quy hướng vào sự kết thúc do chính Thiên Chúa hướng dẫn. 
1.1.2. Khải huyền 
Văn chương khải huyền với thể văn riêng biệt ghi dấu phong trào đấu tranh trước sự bành trướng của chủ nghĩa đế quốc và phong trào Hy hóa. Cuộc nổi dậy của anh em nhà Maccabêô nằm trong bối cảnh này. Những tác phẩm khải huyền Do thái được viết ra để an ủi các đồng đạo đang chịu bách hại, nói lên quan niệm về Đấng Messia sẽ đến giải thoát và thiết lập thời cánh chung. Nổi bật nhất là sách Daniel.
    Sách Hénoch 
Các đoạn cổ nhất 1-36 và 72-110 được viết trước thời Mcb: sa ngã của thiên thần, thẩm phán và thế giới bên kia. Các chương 85-90: thị kiến các thú vật và người mục tử. Các chương 91-93 là Khải huyền về 10 tuần lễ. Các chương 37-71: các dụ ngôn chứa chất nội dung về Đấng Messia và cánh chung. Sách Hénoch quan trọng nhất trong Khải huyền Do thái vì nói về sự chờ đợi Đấng Messia và thời cánh chung với sự chung thẩm, nước trời, hỏa ngục…
    IV Esdras
IV Esdras viết bằng Hy lạp, nay chỉ còn bản dịch latin, với 17 thị kiến, nói về đối thoại giữa Esdras đang lưu đày với thiên sứ Uriel. Sau gương mặt Edras là Do thái phẫn uất dưới thời Flavien, căm hận Titus tàn phá Đền thờ 70. Vấn đề đặt ra là tại sao Do thái bị đau khổ. Thiên sứ trả lời con người không thể hiểu thấu mầu nhiệm Thiên Chúa. Đấng Messia sẽ đến như con Thiên Chúa, từ dòng vua Đavít, xuất hiện trên Sion vinh quang và đi với Ngài là những ai không nếm sự chết: Môisê, Henoch, Êlia, Esdras... Ngài sẽ chiến thắng sự dữ, kẻ ác và trị vì 400 năm với những người đã được tuyển chọn. Sau đó, Ngài chết và sau thời gian thế giới lặng yên 7 ngày, xuất hiện thế giới mới, mọi người chết sống lại, thẩm phán. 
    Khải huyền Baruch
Khải huyền Baruch có lẽ cùng thời với Esdras IV. Ngôn sứ Baruc cho thấy những gì xảy ra sau khi Đền thờ bị phá huỷ 587.
    Các sấm ngôn Sibyllin
Các sấm ngôn Sibyllin gồm 14 tập, trong đó 3 tập mang tư tưởng Do thái. Ch. III phản ánh hy vọng Do thái sau chiến thắng của anh em Maccabê. Tác giả ca tụng vai trò dân Do thái trong thế giới và Đấng messia. Quyển IV nhìn thế giới ngày nay đến ngày núi lửa Vesuve bùng nổ (79) và mô tả cuộc phán xét cánh chung. 
1.2. TỔNG QUAN VỀ NỘI DUNG VÀ CẤU TRÚC 
CỦA KHẢI HUYỀN GIOAN
1.2.1. Khải huyền là gì?
Khải huyền dịch từ Hy ngữ Ἀποκάλυψις, do động từ Ἀποκάλυπτω tương đương với hai động từ Hipri: “גלה” có nghĩa là tỏ mình ra, mặc khải (1Sam 2:27), mở ra, cất màn che (Xh 20:26) và “ערה” có nghĩa là lột trần ra (Lv 20:19; Is 3:17). 
Khải huyền là tỏ lộ những điều bí nhiệm về thời cuối cùng đã được mặc khải cho các bậc tiền nhân đáng kính, nhưng đến nay vẫn còn dấu ẩn. Như thế, hoàn toàn khác với quan niệm cho rằng khải huyền là mặc khải về thời cùng tận bi đát với những thảm họa và bất hạnh. 
Từ trong thế giới hiện tại đang bị khủng hoảng, nhất là về mặt đức tin, nhà khải huyền thị kiến một thế giới mới siêu vời tốt đẹp sẽ xuất hiện trong tương lai vào thời cuối cùng. Hiểu như thế, văn chương khải huyền xuất hiện trong thời thử thách đau thương. Bên kia sự đối kháng với phong trào Hy hóa, lúc mà đức tin Do thái bị thử thách và bách hại, văn chương khải huyền đã phát sinh từ khi Giêrusalem và vương quốc Giuđa sụp đổ và Do thái bị lưu đày (587 tcn). 
Như thế, văn chương khải huyền xuất hiện như một biến động văn hóa: tiếp nối và biến đổi hoàn toàn nền văn chương ngôn sứ. Từ một Giêrêmia đón nhận Lời nơi miệng (Gr 1:9) đến một Êdêkiel ăn quyển sách ghi chép Lời và thị kiến (Ed 3:1-3), sau đó nhà khải huyền ghi chép Lời và thị kiến như sách Daniel minh tỏ trong câu đầu và câu kết chương 7 (Dn 7:1.28). 
Sách Daniel kết thúc: “Phần ngươi, Đaniel, hãy giữ những lời này và niêm quyển sách lại” (Dn 12:4). Vừa ngôn sứ lại nhất là vừa khải huyền, Daniel đánh dấu một chuyển tiếp từ văn chương ngôn sứ mà chủ yếu là rao giảng (phát ngôn) dù thị kiến cũng được viết ra (Ed và Dcr 1-8) đến một nền văn chương khải huyền. Điều đó có nghĩa là văn chương khải huyền đã phôi thai ngay từ trong ngôn sứ thời lưu đày, có thể gọi là văn chương ngôn sứ tiền khải huyền. Sự kiện Dn 9 lấy lại Gr 25:11-12; 29:10 (bảy mươi năm lưu đày) chứng tỏ mối tương quan nối kết hai loại văn chương này. Lý do: yếu tố thị kiến đã có mặt trong thể loại ngôn sứ (Is 6:1-11; Gr 1:11-16; 24:1-10; 38:21-22; Am 7:1-9; 8:1-3; 9:1-4). Thị kiến tạo nên trong tâm trí nhà khải huyền một “mặc khải” (Ἀποκάλυψις) như lời mở đầu sách Khải huyền Gioan nói đến (Kh 1:1). Chỉ khác biệt là trong văn chương ngôn sứ, chính vị ngôn sứ giải thích rõ ràng ý nghĩa các thị kiến, trong khi đó khải huyền phải nhờ đến sự giải thích của thần sứ. 
1.2.2. Thể văn khải huyền
Ngoài thể văn luật pháp, lịch sử, ngôn sứ và khôn ngoan, người ta còn thấy xuất hiện trong văn chương Dothái một thể văn khác. Ðó là thể văn khải huyền.
Trong Kinh Thánh, văn chương khải huyền xuất hiện đặc biệt nơi Ðanien, Giôen. Tuy nhiên, Is 24-27; Dcr 9-11 và Êdêkien cũng đã được viết theo thể văn này.
Ta cũng gặp thể văn này trong Tin Mừng Nhất Lãm Mc 13; Mt 24:1-16; Lc 17:22-37; 21:5-33. Thánh Phaolô với 1Tx 4:15-17; 2Tx 2:1-12.
Như vậy, thể văn khải huyền xuất hiện trong bối cảnh tôn giáo đang gặp thử thách, khó khăn. Ðể duy trì đức tin và niềm hy vọng cho dân Thiên Chúa, các tác giả khải huyền cố gắng vén tỏ bức màn đang che khuất cái thực tại, những điều bí ẩn đằng sau lịch sử; đồng thời các ông cũng cho thấy lịch sử có giới hạn. Tất cả đều sụp đổ vào thời cánh chung. Sự mặc khải này vừa bi quan đối với hiện tại, vừa lạc quan cho tương lai. Bi quan vì thế giới đang chịu quyền lực sự ác thống trị. Lạc quan vì, sau cùng, Thiên Chúa toàn thắng và Người sẽ tái tạo một thế giới mới tốt đẹp hơn.
Tất cả sách Khải Huyền đều nói đến cuộc chiến "một mất một còn" giữa Thiên Chúa và ma quỷ vào thời cánh chung. Chiến thắng sau cùng thuộc về Thiên Chúa. Các tác giả thường đưa ra hai thái cực đối lập; chẳng hạn, một bên là thế giới hiện tại, một bên là thế giới tương lai. Bên này là thời của kẻ gian ác; bên kia là tương lai của những kẻ được cứu độ. Một bên là ma quỷ thống trị, bên kia là vương quốc hân hoan, cứu độ, ân sủng của Thiên Chúa.
Tác giả sách khải huyền Dothái thường giấu tên, mượn danh một nhân vật có uy tín thời xa xưa. Còn tác giả sách Khải Huyền Tân Ước lại tự giới thiệu là ông Gioan. Các biến cố được loan báo không phải còn lâu mới xảy ra, nhưng sắp xảy ra tức thời, đã gần bên 1,3; 3,11; 22,7.10.12.20.
Nhân vật quan trọng của biến cố nơi các sách khải huyền Dothái hay Cựu Ước là Ðấng Mêsia. Còn nơi Khải Huyền Gioan, chính Ðức Giêsu Kitô là nhân vật quan trọng của các thị kiến. Tất cả lịch sử xoay quanh Ðức Kitô 1:5; 2:21; 7:14; 12:5.11. Người nắm giữ vận mệnh thế giới và tập hợp những kẻ được tuyển chọn quanh ngai tòa Thiên Chúa.
Cách thức mặc khải thường là thị kiến. Người truyền đạt thông điệp là một thiên sứ hay một sứ giả của Thiên Chúa. Trong Khải Huyền, chính Ðức Kitô tỏ bày thông điệp cho ông Gioan.
Hình thức diễn tả trong Khải Huyền thường vay mượn những hình ảnh cổ truyền của Cựu Ước, các khải huyền Dothái, thần thoại hay chuyện dân gian ở miền Tiểu Á. Chẳng hạn vai trò của các thiên sứ 7,13; sách được niêm ấn 5,1; sách để nuốt 10,1-11; kèn 8,2; bát 15,8; chớp và sấm 4,5; 10,3; đại chiến vào thời thế mạt 19,11-22,10; Gốc và Magốc 20,8; tiệc cánh chung 19,17-18). “Điều đó cho phép tác giả nhìn hiện tại từ quá khứ và tìm thấy ở đó những đường hướng ý nghĩa mà tác giả dự phóng cho tương lai”, cha Gérard Billon, giám đốc Ban Kinh Thánh Công giáo Tin Mừng và Sự Sống, nhận định.  
Hình ảnh của Khải Huyền có tính biểu tượng hơn là mô tả; dùng hình ảnh để diễn đạt một ý tưởng hơn là quan tâm đến sự hài hòa của sự vật, chẳng hạn gươm hai lưỡi 1:26; chiên có bảy sừng 5:6.
Những con số và màu sắc cũng chỉ có giá trị biểu tượng. Số 7 chỉ sự hoàn hảo; số 4 nói đến thế giới; số 12 áp dụng cho Ítraen; số 1000 nói lên thời gian lâu dài. Số ba rưỡi chỉ thời gian ngắn... Màu trắng diễn tả niềm vui, chiến thắng, màu đỏ thể hiện cảnh máu đổ...
Sách Khải Huyền Gioan được gọi là “apocalyptique” như chính nhan đề sách chứng tỏ. Danh xưng này cho thấy, cách nào đó, Khải huyền Gioan là khuôn mẫu cho một thể loại văn chương khó định nghĩa, một phần vì ta không gặp thấy những tác phẩm loại ấy trong nền văn học hiện đại, dù rất nhiều tác phẩm mang đầy chất giả tưởng và nói đến những thị kiến, đặc biệt thị kiến về Satan đang hoành hành trong lịch sử hôm nay và thời cùng tận; nhưng đó chẳng qua chỉ là những sao chép hoặc biến đổi sách Daniel và Khải Huyền Gioan. 
1.2.3. Đặc tính Khải huyền
Pierre Prigent đã đề ra 5 tiêu chuẩn giúp phân biệt và nhận ra đặc tính của thể loại văn chương đặc biệt này: 
    Khung cảnh thị kiến
Đặc tính đầu tiên của thể văn khải huyền là khung cảnh thị kiến. Thiên thần dẫn đưa nhà thị kiến đến một nơi riêng biệt, chỉ cho thấy thị kiến và giải thích ý nghĩa thị kiến đó. Đôi khi Thiên thần đưa nhà thị kiến vượt xa vạn dặm, đến mút cùng trái đất, hoặc qua các tầng trời. 
    Thế giới mới
Đặc tính thứ hai là sự biến đổi vũ trụ. Thế giới hiện tại đang trong thảm họa được biến đổi sang một thế giới mới, thế giới siêu nhiên vào một thời mới; và sau đó là sự phán xét chung thẩm của Thiên Chúa trên toàn vũ trụ nhân loại. Ta cần lưu ý khải huyền Tân ước khác biệt với khải huyền Do thái ở chỗ với Đức Kitô xuất hiện, một thời đại mới đã bắt đầu trong nhân loại. 
Thị kiến về một thế giới siêu việt trong tương lai giúp nhà khải huyền giải thích những hoàn cảnh bi đát hiện tại nơi trần thế. 
Như đã nói trên, khải huyền bắt rễ từ văn chương ngôn sứ. Các ngôn sứ cũng có một kinh nghiệm siêu nghiệm về Thiên Chúa và chương trình mầu nhiệm của Thiên Chúa (Am 3,7; 1V 22, 19-23; Is 6); thế nhưng trong khải huyền, các thị kiến về một thế giới khác phức tạp hơn nhiều, thường kèm theo những biểu tượng huy hoàng như đền thờ lý tưởng, khung cảnh phụng vụ uy nghi, những hiện tượng vũ trụ, những bức tượng, những quái vật, … và nhũng con số bí nhiệm… 
Sứ điệp ngôn sứ chỉ đề cập đến những trường hợp hiện tại trong thế giới cụ thể (chính trị quốc nội, quốc tế, việc thực hành tôn giáo, những ưu tư về xã hội). Giải pháp ngôn sứ đề ra cũng hoàn toàn khác biệt với khải huyền. Ông nghiêm nhặt chỉ trích và kết án những sa đọa về mặt thiêng liêng và luân lý trước một cuộc sống thịnh vượng với những tiện nghi vật chất, và đe dọa một thảm cảnh sẽ xảy đến ngay trong lịch sử như bị quân thù xâm lăng, lưu đày, triều đại sụp đổ, đền thờ bị tàn phá. Trong những hoàn cảnh thất vọng do áp bức, lưu đày, ngôn sứ lại gióng lên tiếng nói hy vọng bằng những ngôn từ trở về quê hương, quân thù bị tiêu diệt, việc phục hưng xứ sở và tái lập triều đại… Ngôn sứ vẫn đứng trong quan niệm báo ứng tại thế.
Ngược lại, Khải huyền nhắm đến những con người đang sống trong những thời buổi đau khổ, bách hại, thất vọng, thời hoành hành của quỷ vương ra đời… Nếu lịch sử được phân chia thành những giai đoạn khác nhau do Chúa xác định, thì đây là giai đoạn cuối cùng mà tác giả muốn nhắm đến. Nơi khải huyền, không có niềm hy vọng về một giải pháp trong lịch sử, vì Chúa đến trực tiếp can thiệp và chấm dứt tất cả. Bằng một cái nhìn nhị nguyên, tác giả khải huyền hình dung điều xảy ra nơi trần thế như một phần của cuộc chiến nơi thế giới bên kia giữa Thiên Chúa hay các thiên thần của Người với Satan và bè lũ của nó. 
    Giả danh
Đặc tính thứ ba của khải huyền là việc mượn bút danh (giả danh). Tác giả mượn tên một nhân vật nổi danh thời cổ, chẳng hạn Daniel một hiền nhân truyền thuyết hay Hénoch nhân vật được đưa lên trời, Esdras nhà lập pháp vĩ đại. Khải huyền mượn thế giá của nhân vật lừng danh này vì ông có thể tiên báo đúng và chắc những điều xảy ra giữa thời của ông và thời hiện tại khi tác giả viết tác phẩm. Quả thật tất cả những đều ấy đã xảy ra.
    Nhị nguyên và bi quan 
Khải huyền có cái nhìn nhị nguyên và bi quan về thế giới hiện tại. Quyền lực sự ác thống trị trên nhân loại, nhưng sẽ bị tiêu diệt bởi sức manh vô địch của Thiên Chúa vào ngày thế tận. Cái nhìn bi quan thể hiện ở chỗ thế giới hiện tại không tiến về hạnh phúc nhưng sẽ bị tiêu diệt khi Chúa đến xét xử. Cái bi quan về thế giới hiện tại đó được thay bằng niềm hy vọng xanh tươi và tràn đầy vào cuộc chiến thắng chung cuộc của Đấng đến thiết lập một thế giới mới.
    Định mệnh thuyết 
Tác giả khải huyền bộc lộ một nhãn quan tin vào định mệnh thuyết: lịch sử nhân loại và tất cả mọi sự đều đã được an bài từ khởi nguyên và đã được ghi trong sách trên trời. Thiên Chúa ban cho mọi sự ngày của chúng (1Hé 92,1) và không gì chuyển lay được ý của Người (4 Edras 4,37).
1.2.4. Khải Huyền Do thái và văn chương Khôn Ngoan
Một ít tác phẩm khải huyền Do thái được viết vào thời mà nền văn chương khôn ngoan khá thịnh hành, lúc mà Israel tiếp xúc với nền văn hóa Hy lạp. 
Bối cảnh này giúp khai sáng hai khía cạnh của khải huyền: 
-    Trước tiên, một số tác giả nghĩ rằng văn chương khải huyền thay thế văn chương ngôn sứ. Điều đó không mấy đúng, vì có những tác phẫm bao gồm cả hai thể văn. Khải huyền Gioan là trường hợp điển hình. Mặc dầu sách mang nhan đề là Khải huyền, nhưng ít là 6 lần nhà thị kiến khải huyền phát ngôn trong cung cách một ngôn sứ, đặc biệt đầu và cuối sách (Kh 1:3; 22:19). Các bức thư gởi các Hội thánh Kh 1:4 – 3:22 gồm nhiều yếu tố loan báo và an ủi theo cách ngôn sứ. Người ta như nghe được trong các thư này như chính Đức Giêsu tự công bố. Đó phải chăng là một trong những nỗ lực của các Kitô hữu ngôn sứ loan báo cho các cộng đoàn ý muốn của Đức Kitô hiển vinh.
-    Thứ đến, ta cũng gặp thấy những điểm tương đồng giữa trào lưu khải huyền và văn chương khôn ngoan. Von Rad cho rằng khải huyền bắt nguồn từ trào lưu khôn ngoan.
Từ những nhận định trên, người ta không thể giản lược sự đơm bông của văn chương khải huyền vào một nguồn duy nhất, hay vào phong trào đối kháng Hy hóa. Phải nhìn nhận khải huyền xuất hiện như một thể văn hỗn hợp: vừa khải huyền, vừa ngôn sứ lại vừa khôn ngoan! Nó vừa thừa kế các nền văn chương quá khứ, lại vừa là nơi gặp gỡ gia sản văn hóa Do thái với nền khôn ngoan của các dân tộc Cận Đông. Trong cái đa phức đó, khuôn mặt Daniel, vừa là mẩu hình một hiền nhân, vừa là nhà thị kiến ngôn sứ, trở nên biểu tượng chính thức cho văn chương khải huyền. Chính phong trào chống Hy hóa giúp liên kết các nguồn làm thành thể văn khải huyền.
1.2.5. Ngôn Sứ và Khải Huyền 
Các ngôn sứ (những người mang Lời Thiên Chúa, nói nhân danh Chúa cho người đương thời sứ điệp Chúa gởi trao) được Chúa sai đến với sứ mạng làm cho người đương thời sống mạnh, sống tốt thời hiện tại bằng việc đáp ứng những đòi hỏi của Giao ước với tất cà niềm tín thác vào Thiên Chúa. Các ngài loan báo ý định và chương trình của Chúa đang hoạt động trong hiện tại. Những lời loan báo luôn liên kết chặt chẽ với biến cố và bối cảnh hiện tại, đồng thời cũng hướng về tương lai dựa trên một đảm bảo và đoan chắc về phía Thiên Chúa. Vì vậy tương lai mở ra cho hiện tại cái ý nghĩa của nó và nâng đỡ niềm hy vọng trong hiện tại. 
Để nâng đỡ niềm hy vọng đó, các ngôn sứ loan báo cho dân cái đích điểm cuộc hành trình lịch sử hay cụ thể hơn đích điểm cuộc đời họ. Trong Cựu ước, đích điểm đó là “Ngày của Chúa” (Am, Os, Is, Sop, Jo). Nhưng ngày đó có ý nghĩa gì và xảy đến thế nào, lúc nào… Điều đó hoàn toàn bí ẩn. 
Nhưng khi xảy ra trong lịch sử những khủng hoảng lớn lao, những hoàn cảnh bi đát, nhà ngôn sứ cảm nhận những lời mình loan báo không còn đủ hiệu lực nâng đỡ niềm hy vọng, vì trước mắt là những biến cố đau thương, những tan nát đổ vỡ hoàn toàn trái ngược điều các ngôn sứ hứa hẹn và với chương trình yêu thương của Thiên Chúa toàn năng. Để đáp ứng lòng mong mỏi khát khao của con người muốn biết đâu là ý định của Chúa trong cái lịch sử rối beng này, đâu là điểm tới của lịch sử, thường thấy xuất hiện các ngôn sứ giả như minh chứng trong Gr 29:1-23. 
Chính trong thời khủng hoảng này, Thiên Chúa vén bức màn che khuất đích điểm lịch sử và Người trao mặc khải này cho nhà thị kiến khải huyền. Ngôn sứ đổi thành nhà khải huyền là thế! Phong trào này bắt đầu với những đại ngôn sứ thời lưu đày và hậu lưu đày: Êdêkiel, Gioen, Dacaria, Isaia 24-27; 34-35… 
Nếu nhà khải huyền tiếp vận truyền thống ngôn sứ, ông cũng mang những nét suy tư của các hiền nhân về thân phận con người cũng như về lịch sử Israel. Vì thế mà V.Rad có lý khi nói rằng thể văn Khải huyền bắt nguồn từ ngôn sứ và có liên hệ với văn chương khôn ngoan.
Vấn đề đặt ra là nhà khải huyền được Chúa cho “thấy” lịch sử kết thúc thế nào? Nói cách khác, Thiên Chúa mặc khải cho nhà khải huyền đích điểm lịch sử thế nào và ông đã trình bày làm sao?
Thiên Chúa ban cho tác giả những thị kiến và ông đã sử dụng kỹ thuật hành văn để trình bày, gọi đó là thể văn khải huyền. 
Tác giả khải huyền không biết gì về thời cùng tận, nhưng hơn hẳn mọi người ở chỗ ông tin chắc một điều là Thiên Chúa luôn trung thành với lời đoan hứa và Người sẽ thực hiện! Để biết điều sẽ xảy đến vào thời cùng tận, ông cố gắng khám phá hành động của Thiên Chúa trong hiện tại. Để làm điều đó, ông đọc lại lịch sử quá khứ của dân tộc, khám phá ra những can thiệp của Chúa cùng với những nguyên tắc hành động của Người. Rồi từ trong hiện tại, ông nhìn vào tương lai, phóng vào thời cùng tận những quy luật chung mà ông vừa khám phá, tức đường lối xử sự của Thiên Chúa trong lịch sử quá khứ. 
Ta thử nhìn vào Daniel để minh họa điều vừa trình bày. Sách Daniel viết vào thời Antiochus Epiphane IV bách hại đạo (165 –164). Để biết tương lai ra sao, ông đặt mình trong thời khó khăn quá khứ, thời lưu đày Babylone vào những năm 587- 538. Ông rảo qua giai đoạn lịch sử từ năm 538 đến thời hiện tại (164). Từ trong hiện tại, ông phóng về phía trước điều ông đã khám phá qua việc đọc lại lịch sử ấy, không phải theo cung cách sử gia, nhưng theo kiểu văn khải huyền. Không phải ông “ thấy” rõ ràng những biến cố chính xác vị lai, vì những biến cố nói đến đã xảy ra rồi trong dĩ vãng hoặc trong hiện tại, nhưng ông chỉ muốn nói lên cách thức Thiên Chúa dẫn đưa lịch sử đến hoàn tất dựa vào chính sụ trung tín của Người. Hoàn tất cách nào? Điều này chỉ có thể trả lời dựa vào cách thức Thiên Chúa đã dẫn đưa lịch sử trong quá khứ. 
Tác giả trình bày việc Thiên Chúa dẫn đưa lịch sử đến hoàn tất bằng cách nào? Thưa ông đã tìm cách diễn tả bằng hình ảnh với một kỹ thuật hành văn đặc biệt, gọi đó là thể văn khải huyền. Thật vậy, trong đời thường của con người, lắm lúc ngôn từ không thể diễn tả những cảm xúc thật da diết, phải cần đến các hình ảnh biểu tượng. Cái khó là không thể dừng lại ở hình ảnh, nhưng phải đạt tới những điều mà hình ảnh muốn diễn tả. Hình ảnh biễu tượng là nét đặc sắc trong nền văn hóa Sêmít. Các ngôn sứ đã thưởng hình ảnh tượng trưng, thị kiến biễu tượng để trình bày những biến cố thực (Osê – Isaia – Giêrêmia – Êdêkie). Các hình ảnh tượng trưng kích thích giác quan, đưa trí khôn người tin đi xa hơn vào việc lĩnh hội những điều thuộc giới thiêng, nghĩa là đọc được ý nghĩa của thế giới vô hình trong các biến cố của thế giới hữu hình. Tuyệt nhiên các hình ảnh tượng trưng không có ý báo trước những biến cố hữu hình lịch sử. Các hình ảnh tượng trưng có thể không xác thực, không thích ứng đủ hoặc chỉ tương ứng cách xa xa với tư tưởng muốn nói; lúc đó có thể làm hiểu sai hoặc tạo nên sự mù mờ thêm. Do đó, cần thiết phải có những thỏa thuận, quy ước (màu sắc, con số…) giúp hiểu đúng các biểu tượng.
1.2.6. Khải Huyền Gioan 
Để giúp hiểu sách Khải huyền cách cụ thể hơn, tưởng cũng nên so sánh một số điểm then chốt giữa văn chương ngôn sứ - Khải huyền Do thái - Khải huyền Ga.
    Tác giả
Các Ngôn sứ ý thức sâu sắc mình là sứ giả của Lời Chúa, nói cho người đương thời nhân danh Chúa. Nhưng tác phẩm của các ngài ký chính tên thật của mình. Ngôn sứ tự giới thiệu mình là chứng nhân của Thiên Chúa hằng sống, tra vấn con người trong hiện tại cuộc sống của họ.
Ngược lại, khải huyền thường dùng giả danh, nghĩa là sách của ông ký tên một nhân vật lừng danh trong quá khứ. Vì muốn đề cập đến trong “thị kiến”, điều ngay từ nguyên thủy đã được ấn định trong chương trình bí nhiệm của Thiên Chúa, nên tác giả gán những mặc khải này cho một nhân vật nào đó đã sống thời kỳ quá khứ: Hênoch được đưa lên trời như Êlia, hoặc Môisê, Ađam, Abraham….. Đồng thời, điều ấy còn tỏ cho thấy chương trình của Chúa luôn bền vững không hề đổi thay, từ lâu xa trước đã được mặc khải cho các vị ấy để đến hôm nay các ngài mới bày tỏ ra. Chính các ngài nói và có thể trình bày với đầy đủ chi tiết chính xác một lịch sử đã phần nào được hoàn thành.
Khải huyền Gioan không mạo danh, nhưng ký tên thực là Gioan. Ngài tự giới thiệu mình là chứng nhân của Đức Kitô hằng sống. Ngài nối lại hoạt động và sứ điệp của các ngôn sứ: trong khi các tác giả khải huyền bày tỏ một chương trình vĩnh cửu, Gioan trình bày cho ta Đức Kitô đến trong lịch sử con người. Thế giá duy nhất có thể đảm bảo sứ điệp này là chính Đức Kitô.
    Cách diễn đạt
Ngôn sứ đôi khi dùng các thị kiến hay những hành động tượng trưng, nhưng chủ yếu vẫn là những lời rao giảng và những sấm ngôn để chuyển trao Lời Chúa cho người đương thời.
Tác giả khải huyền chủ ý bày tỏ những bí mật đã được ủy thác xưa kia cho các tiền nhân, nay được tỏ lộ vì sắp đến ngày cùng tận. Vi thế, ông không dùng diễn từ, mà lại dùng các hình ảnh biểu tượng để diễn đạt. Hình ảnh càng huyền bí bao nhiêu càng tuyệt diệu bấy nhiêu.
Thoạt nhìn, Khải huyền Gioan cũng làm như thế. Nhưng phần lớn những hình ảnh trong Khải huyền Gioan công bố tin vui đều dễ dịch mã và trở nên khá thông sáng vào thế kỷ I. Còn lại một số hình ảnh mờ tối khó hiểu, thì như Prigent chuyên gia sách Khải huyền nhận định, mọi việc sẽ xuôi chảy, bởi một khi đã giúp độc giả lĩnh hội điều chính yếu, tác giả tự cho mình quyền triển khai phần còn lại một cách bí nhiệm trong cái đam mê khải huyền. Điều nào chưa được ánh sáng Tin Mừng soi tỏ, phải chịu im lìm khép kín chờ ngày rạng tỏ. 
    Niềm hy vọng
Ngôn sứ rao giảng trong những thời kỳ khó khăn và sứ điệp thường rất cứng cỏi. Nhưng ngay cả những ngôn sứ bi quan nhất như một Amos, cũng toát lên một tia hy vọng! Các ngài khích lệ dân – dĩ nhiên với những kết tội và đe phạt – để họ quay trở về với Giao ước, mời gọi hoán cải để được tha thứ. Chúa sẽ cứu số dư tồn, để từ số sót đó Người sẽ phục hưng lại dân Người. Hình phạt không phải là tiếng nói cuối cùng của Thiên Chúa, nhưng được giải thích như phuơng cách Chúa giáo dục để giúp dân biết hoán cải trở về.
Các nhà khải huyền ngược lại hầu như bi quan! Đối với họ, thế gian mang ý nghĩa tiêu cực: hoàn toàn dưới ách Satan, bị thủ lãnh thế gian chế ngự. Sự dữ thống trị nhân loại qua trung gian những kẻ ngoại đạo, vô tín và người tín hữu luôn bị bách hại. Người ta chỉ còn biết chờ đợi một điều, đó là Thiên Chúa sẽ thiết lập thế giới mới. Nhưng trước đó, xuất hiện cuộc thẩm phán cánh chung và mọi quyền lực xấu xa sẽ phải bị tiêu diệt. Theo Prigent, các nhà khải huyền mang lại trong những thời buổi khó khăn nhất một tin vui mà điều chính yếu là sự tin tưởng mong chờ ơn cứu độ đến gần. Một trong những hậu quả nghiêm trọng của mong chờ đó chính là thái độ tiêu cực không dấn thân trong cuộc sống: nếu Thiên Chúa làm tất cả, con người chỉ việc chờ đợi, khoanh tay cầu nguyện chờ triều đại Chúa xuất hiện!
Khải huyền Gioan thoạt nhìn có vẻ cũng theo hướng ấy. Satan bị tiêu diệt và mong đợi cuộc tạo thành mới. Nhưng những thị kiến hoàn toàn tập trung vào Đức Kitô, và do đó tất cả đều thay đổi! Satan thao túng nhân loại, vì Con chiên – Đức Giêsu – bị giết; nhưng Ngài đã đạt toàn thắng cuối cùng vì Ngài là đấng hằng sống. Các vị tử đạo đều được liên kết vào cuộc chiến thắng của Ngài. Như thế, sứ điệp của Khải huyền Gioan thật lạc quan. Thiên Chúa là Đấng chiến thắng, và điều đó thúc đẩy chúng ta, những kẻ tin, dấn thân trong thế giới – như các ngôn sứ cũng đã từng rao giảng cho dân. Nếu thời cánh chung đã điểm trong biến cố mầu nhiệm Vượt qua, những kẻ tin không được khoanh tay bó gối để chờ đợi nữa, nhưng đây chính là lúc cần dấn thân hành động sao cho điều Đức Giêsu Kitô đã hoàn thành một lần thay cho tất cả trở nên hiện thực hơn mỗi ngày trong lịch sử nhân loại chúng ta.
Sự bách hại và sự chết giờ đây được chiếu sáng niềm hy vọng. Chúng trở thành cuộc vượt qua tiến về sự sống, dĩ nhiên ngang qua đau khổ. Để Thiên Chúa có thể thiết lập vĩnh viễn triều đại của Người, Người phải tiêu diệt những gì đối kháng trong thế gian và trong mỗi con người. Phải chết để được sống. Chết trở thành phương thế dẫn đưa cuộc hiện sinh vào sự sống của Đức Kitô. Những hình ảnh kinh hoàng như động đất và các thảm họa muốn nói cho ta biết rằng trong thời gian chờ đợi ngày Chúa đến, những gì gây trở ngại tung hoành cách đắc thắng. Và điều đó tạo đau khổ cho con cái Chúa. Nhưng đó chỉ là sự chết để được sống, như người mẹ đau đớn để sinh con.
    Ý nghĩa lịch sử
Các ngôn sứ tuyên bố Thiên Chúa đã có kế hoạch của người về nhân loại; nhưng đó không phải một kế hoạch cứng nhắc, tước bỏ quyền tự do con người. Ngược lại, khi kêu gọi con người hoán cải trở về, các ngôn sứ khẳng định Thiên Chúa “hối vì quyết định phạt” và Người thay đổi để ban tha thứ. Lịch sử là một cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và các thụ tạo của Người, một lịch sử tiến thẳng về một đích điểm, ghi dấu bằng những giao ước, sa ngã và lòng trung thành.
Khác với các ngôn sứ, các nhà khải huyền lại chủ trương thuyết định mệnh. Đối với họ, mọi sự như đã được tiền định và ghi chép sẵn trong sách thiên quốc, không có chuyện ngẫu nhiên, không có tự do, ngay cả đối với những kẻ bách hại (Fueillet).
Về điểm này, Khải huyền Gioan hoàn toàn khác khải huyền Do thái và theo sát các ngôn sứ. Cũng như các ngôn sứ, tác giả Khải huyền đe dọa và khích lệ. Ông không mô tả việc thực thi chuơng trình vĩnh cửu mà lại phác họa cuộc hành trình của con người về với Thiên Chúa là Đấng luôn đồng hành bên họ, nói vơi họ và chờ đợi nơi họ câu đáp trả. Và dân Chúa chiếm vị trí ưu việt trong cuộc hành trình này.
Như thế, ta nhận thấy Khải huyền của Gioan thuộc văn chương khải huyền Do thái, nhưng lại khác với khải huyền Do thái cách sâu xa để giống với sứ điệp ngôn sứ. Giữa khải huyền Do thái và Khải huyền Gioan, biến cố nền tảng thay đổi tất cả, tạo nên sự khác biệt này, đó là sự chết và sống lại của Đức Giêsu Kitô. Ngày cùng tận, ngày Thiên Chúa toàn thắng đang đến phía sau. Còn nhiều điều phải làm để chuẩn bị cho ngày quyết định ấy. Khải huyền Gioan mời gọi ta hiệp thông vào mầu nhiệm Vượt qua của Đức Kitô và cổ vũ ta dấn thân hành động để làm cho công trình Đức Kitô được hoàn thành trong ngày Ngài lại đến. Chúng ta dấn thân với một niềm hy vọng không suy suyển vì tin tưởng mọi sự được hoàn thành trong Đức Kitô.
1.2.7. Cấu trúc Khải Huyền Gioan 
Lời tựa     1:1-8.
I. 1:9-3:22 7     thư gởi các Hội Thánh Tiểu Á.
II. 4:1-8:1 7     ấn niêm phong: Lịch sử của nhân loại: Tội lỗi và Cứu chuộc.
4:1-5:14     giới thiệu 7 ấn niêm phong.
6:1-8 4     ấn niêm phong đầu: Tạo dựng và sa ngã của con người.
6:9-11     ấn thứ năm: Ơn cứu độ của người công chính.
6:12-7:17     ấn thứ sáu: Hai thời khắc của ơn cứu độ Thần Linh.
8:1         ấn thứ bảy: ngày chung tận của “những trật tự cũ”. 
III. 8:2-11:19 7     tiếng kèn: Ngày cánh chung.
Giai đoạn đầu tiên của ngày chung thẩm khi Thiên Chúa đến: Sự đấu tranh giữa các sứ thần tốt và xấu.
8:2-6     Giới thiệu 7 tiếng kèn.
8:7-13 4    tiếng kèn đầu: Sự sa ngã của các thiên thần.
9:1-12     tiếng kèn thứ năm: Sự sa ngã của con người.
9:13-11:1     tiếng kèn thứ sáu: giá trị và những giới hạn của “những trật tự cũ”.
11:15-19     tiếng kèn thứ bảy: Hoàn tất mầu nhiệm của Thiên Chúa.
IV. 12:1-22:5 7     chén: Ơn Cứu Độ mới.
Giai đoạn thứ hai của ngày chung thẩm khi Thiên Chúa đến: Sự chết của Đức Kitô như là sự phán xét của Thiên Chúa, sự tiêu diệt sưc mạnh của ác thần, như là sự quy tụ của nhưng người được chọn. 
Chương 12-14     giới thiệu 7 chén (hai dấu chỉ đầu tiên)
Chương 12    Tạo dựng và sự sa ngã của con người: Người Nữ và Người Con (dấu chỉ thứ nhất) + Con mãng xà (dấu chỉ thứ hai)
Chương 13     Sự sụp đổ của các quyên lực chính trị và tôn giáo: Hai con mãnh thú.
Chương 14     Sự chết của Đức Kitô
15:1-22:5 7     chén: Dấu chỉ thứ ba
Chương 15-16     Sự chết của Đức Kitô như là cuộc phán xét trên quyền lực của Satan.
17:1-19:10     Phá huỷ Babylon: Sự chết của Đức Kitô như là cuộc phán xét trên lịch sử
19:11-20:15     Những trận chiến mở cửa Thiên đàng: Sự chết của Đức Kitô như là cuộc phá huỷ tận gốc rrẽ mọi quyền lực của ma quỷ.
21:1-22:5     Jerusalem thiên quốc: Qua cuộc khổ nạn Đức Kitô, nhưng người thánh thiện được quy tụ trong vương quốc của Đấng Messiah.
Lời kết 22:6-21     Cùng tận và khởi đầu: “Khải Huyền của Đức Kitô” như là sự tỏ hiện của Ngài và tuôn trào Thánh Thần. 
1.3. TÁC GIẢ, HOÀN CẢNH BIÊN SOẠN VÀ NỘI DUNG  
1.3.1. Tác giả
Theo truyền thống, ngay từ cuối thế kỷ II, người ta đồng hóa tác giả Khải Huyền với tác giả Tin Mừng IV, tức là thánh Gioan tông đồ. Trong số đó có thánh Giúttinô, thánh Irênê, thánh Cơlêmentê Alêxanria, ông téctulianô và ông Ôrigiênê, thư quy Muratori.
Sang thế kỷ III, một số người không công nhận thánh Gioan là tác giả sách Khải Huyền, vì lạc giáo Môntanô dựa vào Khải Huyền để biện minh cho lập trường của họ.
Thế kỷ V, Hội Thánh Xyria, Paléttin, Capađốc không nhận sách Khải Huyền vào thư quy Kinh Thánh, vì cho rằng sách này không phải là công trình của các Tông Ðồ.
- Dựa vào chính sách Khải Huyền, tác giả tự nhận mình là Gioan 1:1.4.9; 22:8-9, là "anh em" của tín hữu 1:9; là ngôn sứ 1:2.20; 22:9. Nhưng không bao giờ ông tự giới thiệu là tông đồ 21:4; là Gioan con của ông Dêbêđê Mc 1:19. Ông được Ðức Giêsu mặc khải 1,1 sau khi xuất thần 1,10. Ông viết sách nầy khi đang bị cầm tù ở đảo Pátmô, vì giảng Tin Mừng 1:9. Ông không hề gợi lại một kỷ niệm nào về Ðức Giêsu như tác giả Tin Mừng thứ IV.
- Ðem đối chiếu sách Khải Huyền với Tin Mừng thứ IV, người ta nhận ra một số nét tương đồng về từ ngữ, bút pháp, quan điểm thần học. Tuy nhiên, những nét dị biệt giữa hai tác phẩm lại rất nhiều.
Do đó, ta không thể quyết đoán hai tác phẩm này của cùng một soạn giả. Nhưng ta có thể nói sách Khải Huyền chịu ảnh hưởng Tin Mừng thứ IV. Tác giả sách Khải Huyền có lẽ thuộc trường phái Gioan ở Êphêxô. Mượn danh Gioan, chứ không phải mạo danh, tác giả theo lối cổ điển thường mượn uy tín của một nhân vật được người đồng thời trọng vọng, để độc giả dễ chấp nhận tư tưởng và thông điệp của ông.
1.3.2. Ðộc giả
Tác giả viết cho các cộng đoàn Kitô hữu vào cuối thế kỷ I. Ðó là bảy Hội Thánh ở Tiểu Á thuộc tỉnh châu Á của đế quốc Rôma. Qua bảy Hội Thánh này, ông muốn gửi tới tất cả Hội Thánh đang sống cùng một hoàn cảnh như các Hội Thánh ở Tiểu Á. Lúc ấy, các tín hữu đang gặp thử thách, có nguy cơ cho đức tin. Nguy cơ vừa xuất phát từ bên trong Hội Thánh; vừa do bên ngoài đưa tới. bên trong có những kẻ gieo rắc tà thuyết làm lung lạc đức tin chân chính của anh em tín hữu 1-3. Bên ngoài các hoàng đế bách hại tín hữu, vì các tín hữu không chịu tôn thờ hoàng đế như chúa tể 13:12-18; 14:9-13.
 
1.3.3. Mục đích
Trước hoàn cảnh khó khăn như thế, tác giả viết sách Khải Huyền không phải tạo mối sợ hãi, nhưng trấn an và củng cố đức tin cho anh em tín hữu. tác giả cho thấy chính ma quỷ là căn nguyên gây nên nỗi khốn khổ, thử thách này 12:10.
Ông cho họ biết ông đồng cảnh ngộ với họ. Ông đã chứng kiến cuộc bách hại đẫm máu 2:3.9 và là nạn nhân đang bị cầm tù 1:10. Ông báo cho anh em tín hữu biết tai họa lớn lao đã bắt đầu 7:14; máu đổ ra 2:13; 7:14; nhưng những ngày sắp đến còn kinh khủng hơn nữa 2:10; 3:10. Một số tín hữu chán nản, thất vọng trước cơn bách hại, dường như muốn đầu hàng và trở nên nguội lạnh. Một số lo lắng thái quá đến độ mất kiên nhẫn 6:9-11. Vì thế, ông gửi cho họ thông điệp mà chính ông nhận trực tiếp từ lệnh truyền của Ðức Giêsu. Ông khuyên nhủ họ sống dũng cảm, củng cố đức tin, niềm cậy trông và lòng trung thành của họ với Ðức Kitô. Ông cho biết thời đau khổ đang được rút ngắn lại. Ðức Giêsu đang đến và trả công cho mỗi người 22:2. Phải quảng đại đi tới cái chết, vì đó là một đòi hỏi 13:9-10. Muốn chống lại tà thuyết và không tôn thờ hoàng đế, phải cậy trông vào Ðức Kitô, Ðấng chiến thắng ma quỷ và tội lỗi. Phần thưởng chỉ dành cho những ai trung kiên, bền chí.
Như vậy, các tín hữu hiểu được rằng chiến thắng của quyền lực sự ác chỉ là nhất thời, có tính giai đoạn. Chiến thắng của Ðức Kitô khổ nạn và phục sinh mới toàn diện và vĩnh viễn.
 
1.3.4. Thời gian và nơi biên soạn
Cũng như khải huyền của Dothái giáo và Cựu Ước, sách Khải Huyền được biên soạn vào thời kỳ khốn quẫn. Chúng ta biết rằng ngay từ thời Nêrô (54-67) đã xảy ra cuộc cấm đạo và bách hại tín hữu. Vì thế, có người (thư quy Muratori, Công vụ Gioan, Téctulianô) cho rằng sách Khải Huyền được soạn tác trong bối cảnh này. Tuy nhiên, người khác lại cho rằng thời hoàng đế Ðômixianô mới là bối cảnh của sách Khải Huyền. Theo truyền thuyết, người ta tin rằng Nêrô sống lại. Quả thật, khi hoàng đế Ðômixianô cấm đạo gắt gao, bách hại tín hữu không nương tay, và nhất là chính thức lập lễ nghi tôn thờ hoàng đế, thì người ta nghĩ rằng hoàng đế Nêrô đã sống lại nơi ông. Ông buộc mọi công dân Rôma và những ai sống trong đế quốc Rôma đều phải bái lạy trước tượng hoàng đế.
Anh em tín hữu bất tuân lệnh ông. Họ không thể gọi bất cứ một thụ tạo nào bằng danh xưng "Chúa". Họ chỉ kêu cầu và tuyên xưng một Chúa duy nhất là Ðức Giêsu Kitô. Họ không chịu nhượng bộ vị hoàng đế phạm thượng và cao ngạo này. Thà bị giết, chứ họ không chối bỏ Ðức Giêsu.
Có người dựa vào Kh 17:9-11 nói về bảy vị vua mà cho rằng tác giả đã viết sách Khải Huyền vào thời Nêrô. Nếu tính từ thời hoàng đế Augúttô cho đến triều Nêrô là năm vua đã chết; hoàng đế Nêrô là vua đang sống; vua sắp đến là Vétpaxianô, không tính ba vua trong một năm. Nhưng lý chứng này không mạnh đủ, vì biến cố năm 70 Giêrusalem bị sụp đổ đã được nói trong Khải Huyền. Biến cố này có sau các đời vua ấy.
Chứng cứ cho giả thuyết sách được viết thời Ðômixianô mạnh hơn. Thánh Irênê là người đầu tiên đã cho Khải Huyền một niên hạn. Ngài viết: "Không lâu lắm, hầu như ở thời chúng ta thôi, vào cuối triều đại Ðômixianô". (Chống lạc giáo, V, 30,2). Như vậy là trước năm 96, vì hoàng đế mất năm 96.
Như vậy, ta có thể tạm kết luận như sau: sách Khải Huyền được biên soạn vào cuối đời hoàng đế Nêrô. Sách được bổ sung và hoàn chỉnh, như ta có hiện nay, vào thời hoàng đế Ðômixianô.
Sách được biên soạn để phản ánh tình hình Kitô giáo cuối thế kỷ I. Ông Gioan dùng thể văn khải huyền để bày tỏ bí mật giấu kín về tương lai. Ông muốn cho thấy ý nghĩa đích thực về những sự kiện đang xảy ra mà chỉ một mình Thiên Chúa biết. Nói về thực tại bằng thứ ngôn ngữ diệu kỳ, để tránh nhà cầm quyền dòm ngó: đó là điều tác giả muốn.
1.3.5. Ðạo lý
    Hội Thánh
Trước hết, Hội Thánh là một cộng đoàn được Thiên Chúa yêu thương và tuyển chọn thay thế Ítraen. Hội Thánh là dân mới của Thiên Chúa, đã được Ðức Kitô cứu chuộc bằng giá máu của Người 1,5. Dân mới này thuộc về mọi chi tộc, ngôn ngữ, mọi nước mọi dân 5,9. Các mối tương quan giữa Thiên Chúa và Ítraen giờ đây chuyển nhượng cho Hội Thánh 7:3-4.9-15. Hội Thánh là vương quốc Thiên Chúa, là dân tư tế của Người 1:6; 5:10; 7:15; 20:4-6. Hội Thánh trung thành với Ðức Kitô, nên trở thành Hiền Thê của Người 19:7-9.
Xưa kia Ítraen dựa trên mười hai chi tộc con cái Giacóp. Nay Hội Thánh được xây dựng trên nền tảng các Tông Ðồ 21:14. Ðối với Ítraen, Ðền Thờ là trung tâm thờ phượng Thiên Chúa. Ðền Thờ được xây bằng những đá quý theo như lệnh Ðức Chúa đã truyền cho ông Môsê. Còn đối với Hội Thánh, Ðền Thờ là chính Thiên Chúa và Con Chiên 21:22-23. Lễ tế dâng tiến Thiên Chúa không phải là chiên bò, hương liệu, bánh tiến, mà là chính Con Chiên 5:9 - hoặc là chính các tín hữu tử đạo. Không phải chỉ có dân Ítraen lên Ðền Thờ, nhưng "người muôn nước sẽ về phủ phục trước Tôn Nhan" 15:4, "các dân ngoại sẽ tiến bước theo ánh sáng của thành, đem báu vật và sự giàu sang tới đó" 21:23-24. Trong Ðền Thờ mới, "Hòm Bia Giao Ước sẽ xuất hiện" 11:19. Xưa kia, dân Ítraen lên Ðền Thờ mong muốn gặp thấy Thánh Nhan, nhưng chẳng được thấy, vì bức màn ngăn cản tầm nhìn của họ. Nay dân mới được gặp Thánh Nhan. Họ ca tụng Thiên Chúa, chiêm ngưỡng Thánh Nhan trong ánh sáng vinh quang Người, và được cai trị đời đời với Con Chiên, 22:4-5.
Tuy nhiên, Hội Thánh ý thức chiều kích trần thế của mình. Hội Thánh lữ hành chờ đón vị Tân Lang 21:2. Trong khi đó, Hội Thánh luôn có những tội nhân, và Hội Thánh là của tội nhân. Ðây là thời kỳ thanh tẩy tội lỗi để gặp Ðức Lang Quân, phải thanh tẩy trong máu Con Chiên 7:14.
Trên đường lữ hành, Hội Thánh chiến đấu bảo vệ lòng trung tín của mình. Ðứng trước cạm bẫy của ma quỷ, hay sức tấn công bách hại của các hoàng đế Rôma, Hội Thánh kiên nhẫn 1:9; 2:2-3; 3:10-11; 13:10; 14:12 chờ đợi ngày lãnh phần thưởng. Phần thưởng ấy chính là cử hành hôn lễ trong tiệc cưới Con Chiên, Hội Thánh sẽ lộng lẫy trong trang phục ngày hôn lễ trên thiên quốc. Lúc đó, Hội Thánh sẽ được ngự trên ngai của Con Chiên 3:21.
    Chứng nhân - Tử đạo
Ðức Giêsu đến trần gian làm chứng cho nhân loại về Thiên Chúa, để nhân loại nhận biết Thiên Chúa. Người truyền đạt những gì Người nhận lãnh nơi Chúa Cha 1:5; 3:14; 19:11; x. Tv 89:38; Is 55:4; Ga 18:37; 1Tm 6:13. Người làm chứng, vì Người đến từ Chúa Cha. Chứng của Người là chứng thật 19:11. Người trung thành làm chứng đến độ phải chết 1:5; 5:6. Như vậy, giá cao nhất phải trả cho việc làm chứng là chết. Ðức Giêsu chết vừa để làm chứng Người từ Thiên Chúa, vừa để ban ơn cứu độ cho nhân loại.
Ðến lượt mình, Hội Thánh là chứng nhân của Ðức Kitô. Sống giữa thế giới không công nhận Thiên Chúa, Hội Thánh chứng tỏ Thiên Chúa cho thế giới khi Hội Thánh trung thành tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa và lời chứng của Ðức Giêsu 12:17. Hội Thánh thi hành sứ mệnh ngôn sứ 11:3-6; 19:10; 22:9. Khi làm chứng cho Tin Mừng, tất nhiên Hội Thánh được chung số phận với Ðức Kitô 6:5; 7:14; 11:7-10; 12:2-4.11; 16:6; 18:24; 20:4-6. Hội Thánh chịu sát tế để làm chứng, đứng dưới chân bàn thờ dâng lễ toàn thiêu 7:9-11. Cho dù không bị bách hại, Hội Thánh vẫn giữ lòng trung thành với Ðức Giêsu 1:3; 2:10.13.26; 3:8; 14:12; 22:77.9. Như vậy, chứng nhân không phải chỉ là tử đạo, nạn nhân của các cuộc bách hại, nhưng còn là người trung thành với Con Chiên.
Ðọc các thư gửi cho bảy Hội Thánh ở Tiểu Á, chúng ta thấy cuối các thư đều nói đến lời hứa ban thưởng cho người chiến thắng, và cho những ai hoàn tất các điều Ðức Giêsu đã truyền 2:26. Phần thưởng ấy là được ăn quả cây sự sống trồng ở trên thiên đàng 2:7; không hề bị cái chết thứ hai làm hại 2:11. Người chiến thắng được tham dự vào sự sống của Ðức Kitô phục sinh 2:17. Ngày ấy họ được mặc áo trắng và được ghi tên vào Sổ Trường Sinh 3:5; trở thành công dân của Giêrusalem mới trên trời 3:12; được ngự trên ngai của Con Chiên 3:21; được tháp tùng Con Chiên 14:1-5. Họ được hiển trị với Ðức Kitô một ngàn năm 20,4; được an nghỉ như Ðức Kitô đã hứa 14:13. Họ chiến thắng Con Thú 15:2-4, nên được dự tiệc Con Chiên 19:9.
    Cánh chung
Nhiều người đọc sách Khải Huyền để tìm câu giải đáp cho vấn nạn "bao giờ tận thế?", "tận thế sẽ ra sao?". Dựa vào những con số, hoặc những hình ảnh kỳ quái trong Khải Huyền, người ta giải thích hoặc đề xuất "dự báo thời tiết" cho ngày cánh chung. Thật ra, sách Khải Huyền không phải là sách bói toán, nhưng là Sách Thánh, trình bày giáo lý về ngày cánh chung, giúp anh em tín hữu đang gặp thử thách được vững tin. Những cuộc bách hại đẫm máu không phải là dấu hiệu chỉ dẫn về chiến thắng cuối cùng của Xatan.
Ðức Giêsu đã chiến thắng ma quỷ và thế gian. Nên người tín hữu phải hiên ngang dấn bước, vì phần thưởng đang chờ họ ở cuối hành trình trần thế. Ma quỷ đã thất bại, nhưng cố gắng dùng tàn lực cuối cùng, không phải để quật ngã Ðức Kitô, mà quật ngã những ai đi theo Ðức Kitô, trung thành với giáo huấn của Người. Thế gian vẫn chống đối Hội Thánh. Ðằng sau và bên trong Hội Thánh, vì Người là Anpha và Ômêga 21:6; 22:13. Người còn làm chủ lịch sử và vận mạng của nhân loại. Người biến đổi vũ trụ này thành trời mới đất mới 21:1 và sẽ lau sạch mọi giọt lệ trên khóe mắt loài người 21:4. Mọi sự ác, kể cả sự chết, đều bị tiêu diệt. Ðó chính là lúc cử hành hôn lễ mới giữa Thiên Chúa với dân mới của Người. Người sẽ ngự trị giữa dân.
Thiên Chúa cho mọi kẻ chết sống lại để phán xét các việc họ đã làm 20:11-15. Trước đó, các dân nước thù nghịch tung ra cuộc chiến toàn diện và cuối cùng chống lại Hội Thánh 19:17-21; 20:7-10. Tất cả kẻ thù nghịch với Thiên Chúa, kể cả Xatan, đều bị thất bại hoàn toàn. Ðó là viễn tượng cánh chung theo sách Khải Huyền. Tuy nhiên, chúng ta không thể giải thích bản văn theo nghĩa đen. Trong Cựu Ước, các ngôn sứ đã từng loan báo "Ngày của Thiên Chúa". Trong Tin Mừng, Ðức Giêsu cũng loan báo ngày tận cùng của thế giới. Do đó, theo văn mạch, những lời loan báo các hiện tượng vũ trụ thay đổi, các biến cố xảy ra, chỉ là thể văn khải huyền.
Sách Khải Huyền cho chúng ta biết được rằng lịch sử nhân loại có giới hạn. Lịch sử đang đi tới cùng đích. Giờ đây lịch sử ấy đã được cứu chuộc, Con Chiên bị sát tế mang lại chiến thắng cho những kẻ tin vào Thiên Chúa. Ðối với chúng ta, chiến thắng ấy chưa hoàn tất vì Xatan vẫn còn tấn công. Chúng ta chỉ chiến thắng hoàn toàn vào ngày cánh chung. Ðức Kitô chiến thắng thế gian - hiểu theo nghĩa của Tin Mừng Gioan. Nhưng thế gian vẫn tồn tại và vẫn còn là thù địch của Hội thánh. Chúng ta còn phải chờ đợi tiếng kèn thứ bảy vang lên. Lúc ấy, Ðức Kitô giáng lâm để chấm dứt lịch sử nhân loại, hoàn thành ơn cứu độ. Người cho kẻ chết sống lại và phán xét các dân nước 11:15-19.
Bao giờ ngày đó xảy ra? Chẳng ai biết, kể cả Người Con Mc 13:32. Người tín hữu không sợ hãi, cũng chẳng coi thường ngày ấy. Trời mới đất mới đã khai mở cho người tín hữu. Chính Ðức Kitô phục sinh đã khai mạc kỷ nguyên mới, lịch sử mới. Chúng ta đang sống trong thời cách chung theo một nghĩa rộng: Ðức Kitô vinh hiển đang ngự giữa Hội Thánh, Người thực sự chiến thắng tội lỗi, ma quỷ và sự chết. Khi từ cõi chết chỗi dậy, Ðức Kitô đã đạp vùi sự chết để đi lên. Giờ đây, Người làm chủ tuyệt đối lịch sử nhân loại. Cuộc chiến thắng, đối với Người, là chung cuộc, không thể đảo ngược được nữa. Riêng chúng ta, chờ ngày Ðức Kitô quang lâm, không phải vào ngày tận thế, mà chính là ngày chúng ta sinh lại trên trời, tức là ngày lìa cõi thế. Lúc ấy chúng ta hoàn toàn được đổi mới.



 
1.3.6. Ý nghĩa màu sắc và các con số trong Khải Huyền Gioan  
    Ý nghĩa màu sắc
-    Màu trắng 
    Biểu tượng thế giới của Thiên Chúa (tóc trắng, mây trắng, ngựa trắng, ngai màu trắng). 
    Biểu tượng sự sống lại (đoàn người mặc áo trắng). 
    Biểu tượng sự chiến thắng (sỏi trắng, áo trắng).
-    Trong suốt, tinh khiết: Biểu tượng sự trang nghiêm, lộng lẫy, xứng đáng. Thành Giê-ru-sa-lem mới bằng vàng ròng, giống như thuỷ tinh trong suốt (21:21). Vị Hôn Thê mặc áo vải gai mịn, sáng chói, tinh tuyền (19:7-8).
-    Màu đỏ: Gam màu đỏ (đỏ thẫm, đỏ tía, đỏ như lửa, màu lửa, màu huỳnh ngọc) là màu của máu. Gam màu này ám chỉ chiến tranh, thế lực sự ác và tội lỗi. Sách Khải Huyền dùng màu đỏ để ám chỉ thế lực của đế quốc Rô Ma với hai khía cạnh: a) Chiến tranh, bạo lực, bách hại và giết chết. 
Đời sống xa hoa và sa đọa qua hình ảnh người đàn bà mặc áo đỏ tía và đỏ thẫm (17:4) ngồi trên Con Thú (17:3).
-    Màu đen: Màu đen biểu tượng những tai hoạ (ngựa đen) và các tai ương (mặt trời đen).
-    Màu xanh nhạt: Ngựa màu xanh nhạt (6:8) là màu của xác chết, ám chỉ chết chóc.
-    Các loại ngọc quý và vàng ròng: Màu sắc của các loại đá quý, các loại ngọc được Sách Khải Huyền sử dụng để mô tả Thành Giê-ru-sa-lem mới. Tác giả kể ở 21,10-11: “10bVị Thiên sứ chỉ cho tôi Thành Thánh là Giê-ru-sa-lem xuống từ trời, từ Thiên Chúa, 11có vinh quang của Thiên Chúa, ánh quang của Thành giống như đá quý, như đá ngọc thạch trong suốt tựa pha lê.” 
Trong đoạn văn 21,18-21, tác giả mô tả vật liệu để xây dựng Thành Giê-ru-sa-lem mới là vàng ròng và các loại ngọc: “18 Vật liệu của tường Thành là ngọc thạch và Thành bằng vàng ròng giống như thủy tinh trong suốt. 19 Các nền móng của tường Thành được trang trí bằng mọi thứ đá quý: Nền móng thứ nhất, ngọc thạch, thứ hai, lam ngọc; thứ ba, lục ngọc, thứ tư, bích ngọc; 20 thứ năm, mã não; thứ sáu, xích não; thứ bảy, kim châu; thứ tám, lục châu; thứ chín, hoàng ngọc; thứ mười, kim lục; thứ mười một, huỳnh ngọc; thứ mười hai, tử ngọc. 21 Mười hai cổng là mười hai viên ngọc trai, mỗi một cổng làm từ một viên ngọc duy nhất. Quảng trường của Thành bằng vàng ròng như thủy tinh trong suốt.” (21,18-21).
Mười hai loại đá quý và màu sắc của chúng, cùng với mười hai viên ngọc trai và vàng ròng biểu tượng cho sự vững chắc, huy hoàng, rực rỡ của “vinh quang Thiên Chúa” (21,11); đồng thời diễn tả sự hoàn hảo, thịnh vượng và hạnh phúc của thực tại cánh chung.
-    Vàng và vật dụng bằng vàng: Trong các màu sắc, kim loại, đá quý và các loại ngọc được nói đến trong Sách Khải Huyền, kim loại vàng (gold) xuất hiện nhiều nhất (22 lần), kế đến là màu trắng (16 lần). Trong thế giới thuộc về Thiên Chúa, các vật dụng được làm bằng vàng: Bàn thờ bằng vàng (8,3b; 9,13), bình hương bằng vàng (8,3a), trụ đèn bằng vàng (1,12.20; 2,1), triều thiên bằng vàng (4,4; 14,14; 9,7). Vật dụng bằng vàng bày tỏ sự phú quý, lộng lẫy, nhằm diễn tả sự trang trọng, uy nghi và uy quyền của Thiên Chúa.
Cũng như các vua chúa trần gian sử dụng vàng, bạc, đá quý để bày tỏ vương quyền và sức mạnh, các thị kiến mô tả triều đình Thiên Quốc cũng dùng vàng, bạc, đá quý để biểu tượng cho vương quyền và sức mạnh của Thiên Chúa và của Đức Ki-tô. Trong Sách Khải Huyền, Con Chiên là Đức Ki-tô có tước hiệu: “Vua các vua, Chúa các chúa” (19,16). Vì thế, sự giàu có, huy hoàng, uy quyền và sức mạnh của các hoàng đế Rô Ma và của các vua chúa trần gian không thể so sánh được với Người. Quyền năng và uy lực của Đức Ki-tô vượt trên quyền hành và sức mạnh của Xa-tan (12,3) và của Con Thú (13,1).
 
    Ý nghĩa các con số
Không phải tất cả các con số đều có nghĩa biểu tượng, vì thế khi áp dụng ý nghĩa các con số vào một câu văn cụ thể, cần quan sát bối cảnh văn chương và bối cảnh thần học của mạch văn để tìm ra cách hiểu thích hợp về các con số trong câu văn. 
“1/3 (một phần ba)” là kiểu nói giảm nhẹ, theo nghĩa 1/3 bị thiêu huỷ, còn hai phần thì không. Hình phạt giáng xuống trên 1/3 loài người, còn hai phần ba được thoát khỏi. Qua kiểu nói 1/3, bản văn mời gọi độc giả sám hối để được cứu. 
“1 giờ” tượng trưng cho sự chóng qua, ngắn ngủi. Các vua chúa khóc than thành Ba-by-lon sụp đổ như sau: “Khốn thay, khốn thay, thành phố vĩ đại, Ba-by-lon, thành phố hùng cường, vì trong một giờ, án phạt dành cho ngươi đã đến” (Kh 18:19). 
42 tháng = 1.260 ngày (= 3 năm rưỡi), tương đương kiểu nói: “1 thời, 2 thời và nửa thời”. Những con số thời gian này gợi đến thời kỳ vua An-ti-ô-khô IV Ê-pi-pha-nê đã bách hại người Do Thái ba năm rưỡi (Đn 7:25; 12:7). Những con số trên trong sách Khải Huyền biểu tượng cho cuộc bắt bớ các Ki-tô hữu trong một khoảng thời gian không kéo dài (Lc 4:25; Gc 5:17).
“Số 3” biểu tượng sự hoàn hảo. Thành Giê-ru-sa-lem mới được mô tả như sau: “Hướng đông ba cổng, hướng bắc ba cổng, hướng nam ba cổng và hướng tây ba cổng” (Kh 21:13). Trong câu này 3+3+3+3 = 12. 
“Số 4” biểu tượng địa cầu, 4 hướng: đông, tây, nam, bắc; 4 hướng gió. 4 thiên sứ tượng trưng cho bốn thiên sứ cai quản thế giới. Tác giả Sách Khải Huyền kể: “Sau điều ấy, tôi thấy bốn thiên sứ đứng ở bốn phương của mặt đất, giữ lại bốn ngọn gió của đất để không ngọn gió nào thổi trên đất, trên biển cũng như trên mọi cây cối” (7:1).
“6 cánh” gợi đến các Xê-ra-phim trong Is 6:1-3: “1 Năm vua Út-di-gia-hu băng hà, tôi thấy Chúa Thượng ngự trên ngai rất cao; tà áo của Người bao phủ Đền Thờ. 2 Phía bên trên Người, có các thần Xê-ra-phim đứng chầu. Mỗi vị có sáu cánh: hai cánh để che mặt, hai cánh để che chân và hai cánh để bay. Các vị ấy tung hô với nhau rằng: ‘Thánh, Thánh, Thánh, ĐỨC CHÚA các đạo binh. Cả mặt đất đầy vinh quang của Người’.”
“số 7”, biểu tượng sự hoàn hảo, trọn vẹn. Chẳng hạn, thư gửi đến 7 Hội Thánh (1:4.11.20a.20b), với 7 hoàn cảnh khác nhau ám chỉ đến tất cả các Hội Thánh qua mọi thời đại. Trong lời tung hô ở Kh 7:12, liệt kê 7 đặc tính của Thiên Chúa: “A-men, lời chúc tụng, vinh quang, khôn ngoan, lời tạ ơn, danh dự, uy quyền và sức mạnh thuộc về Thiên Chúa chúng ta đến muôn thuở muôn đời, a-men” nhằm diễn tả sự trọn hảo nơi Thiên Chúa.
“Số 12” ám chỉ 12 chi tộc Ít-ra-en, 12 Tông Đồ. Số 12 tượng trưng sự viên mãn, hoàn hảo.12 Tông Đồ của Con Chiên là nền móng của Hội Thánh. Con số 12 biểu tượng của Hội Thánh được dùng để mô tả Thành Giê-ru-sa-lem mới: 12 nền móng thành Giê-ru-sa-lem mới (21:14), 12 cổng, 12 viên ngọc trai (21:21).
“24 vị Kỳ Mục”, có lẽ ám chỉ 12 chi tộc Ít-ra-en (Cựu Ước) và 12 Tông Đồ (Tân Ước). Các vị “mặc áo trắng” và “đội triều thiên bằng vàng” (4:4) là biểu tượng của những kẻ chiến thắng. Tác giả Sách Khải Huyền mô tả: “Chung quanh ngai có hai mươi bốn ngai khác, và trên những ngai đó có hai mươi bốn vị Kỳ Mục đang ngồi, mình mặc áo trắng, và trên đầu của các vị có triều thiên bằng vàng” (4:4). 
“1.000 năm” không hiểu theo nghĩa đen (10 thế kỷ) mà hiểu theo nghĩa tượng trưng: 1.000 năm chỉ một giai đoạn lâu dài (Đnl 7,9; Tv 105,8; 2Pr 3,8). Có thể hiểu 1.000 năm ở Kh 20,1-6 là giai đoạn hiện thời, kể từ lúc Đức Giê-su Phục Sinh cho đến nay. Trong giai đoạn này, Đức Giê-su đã ban tặng cho các Ki-tô hữu sự sống mới, sự sống đích thực, sự sống của Thiên Chúa (Kh 2:7; Ga 6:40; 20:31; Cl 2:12; 3:1.3).
“12.000 người” được đóng ấn (7:5) là số người cho mỗi chi tộc trong 12 chi tộc Ít-ra-en, đây là con số tượng trưng sự viên mãn, hoàn hảo.
“144.000 người” = 12 chi tộc x 12.000 người, chỉ “số sót” (những người còn sót lại) của dân Chúa và của Hội Thánh. Tác giả Sách Khải Huyền cho biết: “Rồi tôi nghe con số những người được đóng ấn: Một trăm bốn mươi bốn ngàn. Những người được đóng ấn thuộc mọi chi tộc con cái Ít-ra-en” (7:4).
“12.000 dặm”. Đây là số đo mỗi chiều (dài, rộng, cao) của thành Giê-ru-sa-lem mới (21:16): 12.000 dặm = 12 x 1.000. Trong đó, con số 12 là biểu thị dân Ít-ra-en mới và con số 1.000 chỉ sự đông đảo.
“200.000.000 kị binh” (9:16), dịch sát: “Một vạn lần hai vạn” = 10.000 x 20.000 = 200.000.000. Có lẽ con số này ám chỉ đạo quân kị binh người Pác-thy. Đây là một số quân quá lớn so với thực tế thời Sách Khải Huyền, vì thế, nên hiểu con số này theo nghĩa biểu tượng, diễn tả một sức mạnh vô cùng lớn.
“Vạn vạn, ngàn ngàn” (5:11) là kiểu nói diễn tả một số lượng rất lớn, không thể đếm xuể. Tác giả mô tả cảnh hùng vĩ trong thị kiến: “Tôi thấy, và tôi nghe tiếng của nhiều thiên sứ ở chung quanh ngai, các sinh vật và các Kỳ Mục. Số các thiên sứ là vạn vạn, ngàn ngàn” (5:11).
Con số 666 và 616 (13:18), nói đến mã số của Con Thú là con số 666, tác giả viết: “Ai có trí khôn hãy tính ra mã số của Con Thú, vì đó là mã số của một người, và mã số của người ấy là sáu trăm sáu mươi sáu” (Kh 13:18). Một số thủ bản Hy Lạp như C, Irmss viết con số đó là 616.  Có lẽ dị bản con số 616 xuất hiện muộn thời hơn và đã sửa lại con số 666. 
Có thể giải thích hai con số 666 và 616 như thế nào? Có nhiều cách giải thích, nhưng tất cả đều ám chỉ các hoàng đế của đế quốc Rô Ma vào thế kỷ I. Điều này phù hợp với bối cảnh sách Khải Huyền: Các Ki-tô hữu bị bắt bớ vì không chấp nhận tôn thờ hoàng đế như một vị thần.
 
    Hai cách hiểu mã số 666 
    Các mẫu tự Híp-ri và Hy Lạp tương đương với một con số. Con số 666 là mã số tên của hoàng đế Nê-rô. Tên Hy Lạp của hoàng đế: “NERON KAISAR”. Tên gọi này chuyển sang phụ âm Híp-ri: QSR NRWN, các con số tương ứng của mẫu tự Híp-ri: (200+60+100) + (50+6+200+50) = 666. 
    Cách hiểu thứ hai là số 6 = 7-1. Số 7 biểu tượng sự hoàn hảo, vì thế, 7-1 = 6 là biểu tượng của sự không hoàn hảo. Số 6 lặp lại 3 lần làm thành 666 cho thấy Con Thú hoàn toàn không có sự hoàn hảo. Nó sẽ thất bại hoàn toàn và phải lãnh án phạt (Kh 19,20).
    Bốn cách hiểu mã số 616
    Tên gọi hoàng đế Nê-rô theo La Tinh: “NERO CAESAR” (hoàng đế năm 54–68), chuyển sang phụ âm Híp-ri: QSR NRW, các con số tương ứng của mẫu tự Híp-ri: (200+60+100) + (6+200+50) = 616.
    Hoàng đế CALIGULA còn được gọi là GAIOS (hoàng đế năm 37–41). Tên gọi “GAIOS KAISAR” có các con số tương đương của mẫu tự Hy Lạp: (3+1+10+70+200) + (20+1+10+200+1+100) = 616. 
    Danh xưng: “THEOS KAISAR” có các con số tương đương theo mẫu tự Hy Lạp: (9+5+70+200) + (20+1+10+200+1+100) = 616. Danh xưng “THEOS KAISAR” có nghĩa: “Hoàng đế Thiên Chúa”, danh xưng này áp dụng cho tất cả các hoàng đế tự xưng mình là một vị thần, là Thiên Chúa. 
    Hoàng đế Đô-mi-xi-a-nô, tiếng La Tinh: DOMITIANUS CAESAR (hoàng đế năm 81–96), có ghi trên con ấn của mình ký hiệu: DC XVI, có nghĩa là trị vì (DC) năm thứ 16 (XVI). Nếu xem DC là con số La Mã, thì DCXVI = 500+100+10+5+1 = 616. 
Kết luận
Ý nghĩa của các con số trên đây giúp hiểu nội dung mặc khải trong Sách Khải Huyền, không nên áp dụng ý nghĩa các con số cách máy móc. Hiểu các con số theo nghĩa nào còn tuỳ thuộc bối cảnh văn chương và bối cảnh thần học riêng của đoạn văn, cũng như bối cảnh văn chương và bối cảnh thần học chung của toàn bộ Sách Khải Huyền. Vì thế, cần áp dụng ý nghĩa các con số cách uyển chuyển và sáng tạo.
Chẳng hạn, khi bản văn mô tả “Con Mãng Xà có 7 đầu 10 sừng” (Kh 12:3), có thể hiểu bản văn ám chỉ sức mạnh của nó. Số 7 biểu tượng sự hoàn hảo: “7 đầu” nghĩa là rất khôn ngoan. 10 sừng (= 7 + 3 sừng), nói lên sức mạnh tàn phá lớn lao của nó, vì số 3 cũng biểu tượng sự hoàn hảo. Với sức mạnh như thế nó có khả năng “mê hoặc toàn thể địa cầu” (12:9). Tuy thế, sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa vẫn lớn hơn, cụ thể là một thiên sứ đã “Bắt lấy Con Mãng Xà và xích nó lại 1.000 năm...” (20:1-2). 
Kiểu trình bày trên đề cao quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa. Qua những con số, bản văn vừa là lời cảnh báo về sức tàn phá của thế lực sự dữ, vừa là lời động viên các Ki-tô hữu trong hoàn cảnh khó khăn. Kết luận thần học có thể rút ra là: Dù thế lực sự dữ có mạnh mẽ tới đâu, cũng sẽ thất bại trước quyền năng của Thiên Chúa. Qua đó, các Ki-tô hữu được mời gọi kiên vững trong thử thách. Sách Khải Huyền mặc khải cho độc giả biết về quyền năng của Thiên Chúa, đồng thời thần học Sách Khải Huyền khẳng định: Chiến thắng chung cuộc thuộc về Thiên Chúa và thuộc về những ai trung tín với Người cho đến cùng. Tóm lại, ý nghĩa biểu tượng của các con số góp phần trình bày mặc khải.
1.4. ĐỀ CHÚ GIẢI KHẢI HUYỀN GIOAN  
1.4.1. Khải Huyền Gioan đâm rễ trong Cựu Ước
Nguồn liệu chính của Khải huyền là Cựu ước. Trực tiếp hoặc gián tiếp, Khải huyền nhắc đến Cựu ước trên 500 lần, đặc biệt các ngôn sứ Êdêkiel, Isaia, Giêrêmia, Daniel và các Thánh vịnh. Ta thử đưa ra vài thí dụ:
-    Kh 8:1: “Khi Con Chiên mở ấn thứ bảy, thì cả trời yên lặng chừng nửa giờ”. Tại sao im lặng? Trong truyền thống ngôn sứ, sự yên lặng loan báo cuộc thần hiện: Thiên Chúa đến can thiệp (cf. Ha 2,20; Dcr 2,17, nhất là Sop 1,7: “Hãy lặng thinh trước nhan Thiên Chúa, vì ngày của Đức Chúa đã gần đến”. Cũng thế, trong Kh 8,1 sự yên lặng loan báo Ngày Chúa gần đến.
-    Kh 10:3: “Thiên thần đặt chân phải lên biển, chân trái lên đất và kêu lớn tiếng như sư tử gầm”. Trong truyền thống ngôn sứ, Thiên Chúa được ví như sư tử gầm khi quyết định xé xác quân thù của dân Người. (Am 1,2; Jr 25,30); đặc biệt Am 3, 7-8: “Sư tử đã gầm lên, ai mà không sợ hãi. Đức Chúa đã phán, ai chẳng nói tiên tri”. 
-    Kh 11:19: “Đền thờ Thiên Chúa trên trời mở ra, và Hòm Bia Giao ước xuất hiện trong Đền thờ”. Kh 15,8: “Đền thờ đầy khói từ vinh quang Thiên Chúa và từ quyền năng của Người tỏa ra”. Hai cảnh nhắc đến 2Mcb 2,5-8: “Giêrêmia gặp một nhà giống hình cái hang. Ông đưa Lều, Hòm Bia và bàn thờ vào đấy, rồi bít cửa lại… Nơi ấy chẳng ai được biết cho đến khi Thiên Chúa tập họp dân lại và tỏ lòng thương xót họ. Bấy giờ, vinh quang của Đức Chúa và đám mây sẽ xuất hiện, như dưới thời ông Môisê, cũng như sau này dưới thời Salomon, khi vua cầu cho lễ thánh hiến Đền thờ được cử hành long trọng”. Vậy, trong Kh 11,19 và Kh 15,8 sự tái xuất hiện Hòm Bia và đám mây trong Đền thờ là dấu chỉ thời phục hưng cánh chung đã đến.
-    Kh 15:2-3: Những người thắng Con Thú hát bài ca ông Môisê, nhắc đến Xuất hành 14-15. Điều này ngụ ý rằng việc giải thoát các tín hữu của Chiên con như một cuộc Xuất hành mới và cuối cùng của dân Thiên Chúa.
-    Kh 12:1-17: Thị kiến người Nữ trong cơn đau đớn sinh con đưa ta về với những chương đầu sách Khởi nguyên.
 
    Chủ đề Xuất hành 
Khải huyền khai thác chủ đề Xuất hành như nguyên mẫu của mọi cuộc giải phóng dân Chúa: mặc khải danh Thiên Chúa (Ex 3,14 và Kh 1,4.8; 4,8; 11, 17; 16, qua Biển đỏ (Ex 14-15 và Kh 15,2-3); Hòm Bia Giao ước Ex 25 và Kh 11,19).
    Daniel
Để mô tả những bách hại, Khải huyền nhờ đến các thị kiến Daniel diễn tả cuộc bách hại của Antiochus Epiphane (Dn 7 và Kh 13,1-8; 12,14; 17,12; 20,4. Dn 3, 5-7.15 và Kh 13,15. Dn 8,10 và Kh 12,4). Khải huyền lấy lại thị kiến Daniel về việc Con Người đến trên đám mây (Dn 7,13 và Kh 14,14) và về cuộc phán xét (Dn 7,10.22 và Kh 20,4).
    Edêkien
Đặc biệt, Khải huyền lấy lại Êdêkiel: Thị kiến mở đầu về ngai Thiên Chúa (Ed 1; 10 cf. Kh 4,1-11); sách niêm phong ( Ed 2, 9 và Kh 5,1); bốn tai ương do mở ấn (Ed 14,21 và Kh 6,8 ); các Thiên thần đứng bốn góc trái đất (Ed 7,2 và Kh 7,1); các tôi tớ Chúa được ghi dấu trên trán (Ed 9,4 và Kh 7,3); những bất hạnh (Ed 7,5.26 và Kh 8,13); những than khóc (Ed 27-28 và Kh 18); sự sống lại (Ed 37 và Kh 20,4); Giêrusalem thời thiên sai (Ed 40-47 và Kh 21,9-22,2).
    Phụng vụ 
Khải huyền cũng dùng những truyền thống phụng vụ của các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Ta có thể kể đến: 
-    Các vịnh tụng ca: 1, 5b – 6; 5, 13b – 14; 7, 12
-    Các lời tung hô: 4,11; 5, 9-10; 5,12
-    Tạ ơn: 11, 17-18
-    Ca thương các vị tử đạo: 6, 10
-    Kinh nguyện thánh thể: 3, 20
-    Thánh thi chúc tụng: 12,10; 15,3-4; 16,5; 19,1-8. 
1.4.2. Những đặc trưng của Khải huyền Gioan
    Niềm hy vọng và lời chất vấn
Tiếp nối văn chương ngôn sứ, văn chương khải huyền xuất hiện lần đầu tiên nơi Do thái giáo, mang nặng chủ nghĩa bi quan trước những hoàn cảnh bi thảm vì Hy hóa và bách hại, chờ mong ngày giải thoát chung cuộc. Sau đó, khải huyền dần dà phát triển và phổ biến vào thời đầu Kitô giáo với nhiều tác phẩm như đã kể trên. Nét độc đáo của sách Khải huyền chính là nhà thị kiến Khải huyền vang lên sứ điệp hy vọng và chất vấn. 
-    Hy vọng nhắm đến những ai đang chịu thử thách bách hại, đang sống trong những hoàn cảnh mỏng manh, gian khổ và phải đương đầu với biết bao áp bức khổ đau.  
-    Tra vấn các quyền lực đang tung hoành trong trong xã hội ông đang sống và trong nhân loại mọi nơi, mọi thời. 
    Biểu tượng
Một trong những đặc tính của văn chương khải huyền là sử dụng các biểu tượng. Khi muốn nói về một thế giới mới, một hành động của Thiên Chúa, một thực tại siêu việt, tác giả phải cần đến biểu tượng để trình bày “điều không diễn tả được”. Biểu tượng mở ra một thực tại sâu xa hơn diễn từ. Bên kia những biểu tượng, tác giả muốn đưa ta đến một nhận thức sâu xa về Thiên Chúa và một thế giới riêng biệt. 
Thực tế, biểu tượng chỉ dành riêng cho những đối tượng được tuyển lựa. Trong văn chương khải huyền, chỉ những ai được tuyển chọn mói có thể lĩnh hội hình ảnh, biểu tương, thị kiến. Trong Khải huyền Gioan, biểu tượng không mang tính cách huyền bí như trong khải huyền Do thái. Các độc giả thế kỷ đầu quen thuộc với Kinh thánh, nên dễ dàng tiếp thu các hình ảnh, biểu tượng được sử dụng vì chúng mang âm vang Kinh Thánh, và thế giới của các biểu tượng cũng nằm trong bối cảnh lịch sử và văn hóa thới ấy. Tác giả không hề có mục đích trình bày diển tiến của các biến cố theo dòng thời gian. Sâu xa hơn, ông muốn loan báo cuộc chiến thắng vinh quang của Thiên Chúa và của Đức Kitô trên quyền lực Satan và sự dữ đang hoành hành trong lịch sử nhân loại. Cuộc chiến thắng ấy là một thực tại niềm tin mà ngưòi ta chỉ có thể diễn đạt và lĩnh hội nhờ vào biểu tượng mang hình thức đặc biệt của phụng vụ Kitô giáo.
    Khung cảnh thị kiến 
Cũng như trong tất cả khải huyền Do thái, Khải huyền Gioan nói đến một cuộc chu du thật sự về thế giới bên kia. Nhà thị kiến chiêm ngắm bằng tâm trí những thực tại trên trời (1,10), để thấy điều sẽ xảy đến sau đó. Ông không ngừng nói “ông thấy”. Ông thấy gì và cái nhìn đó bắt nguồn từ đâu? Theo tác giả, cái “thấy” đó bất khả diễn đạt, nhưng lại là sự thật: đó là biến cố chết và sống lại của Đức Kitô. Các thị kiến trong Khải huyền Gioan luôn quy Kitô. Kết quả là các thị kiến ấy không nói lên điều gì khác ngoài việc minh tỏ cuộc chiến thắng khải hoàn của Đức Kitô phục sinh. Qua các thị kiến, Khải huyền nhằm trình bày ‘kerygma’ của Giáo Hội tiên khởi về Đức Kitô chiến thắng sự chết và các quyền lực ma quỷ và thế gian đè nặng trên nhân loại.
    Không mạo danh
Thông thường như ta đã biết, các khải huyền Do thái đều mượn danh tác giả là các nhân vật nổi tiếng thời xưa. Nét đặc biệt của Khải huyền Gioan là không cần nhờ đến thế giá của một nhân vật nào trong quá khứ. Đối với nhà thị kiến Khải huyền, chỉ một mình Đức Kitô cũng đủ làm cho việc công bố và loan truyền một thế giới mới đang đến giữa lòng thế giới cũ nên vững chắc. Chỉ cần thế giá Đức Kitô, Đấng đã chiến thắng sự chết và đã phục sinh vinh hiển, đủ soi cái quá khứ, chiếu sáng cái hiện tại và loan báo điều tương lai mà Tin Mừng phục sinh công bố. 
1.4.3. Để đọc Khải Huyền Gioan
Đọc Khải huyền, người ta dễ có khuynh hướng dừng lại ở các hình ảnh biểu tượng để tìm hiểu xem chúng muốn nói gì, hoặc bị cám dỗ cắt nghĩa các hình ảnh tượng trưng đó theo suy nghĩ của mình và đưa đến những áp dụng sai lạc như đã từng thấy hiện nay nơi nhiều giáo phái. Ta có thể đưa ra vài ví dụ cụ thể:
-    Kh 20,1-6 nói về triều đại 1000 năm của Đức Kitô trước cuộc chiến thắng cuối cùng. Nhiều người tưởng tượng đó là thời kỳ Đức Kitô trở lại trần gian trước ngày quang lâm. Người ta không hiểu rằng triều đại 1000 năm này diễn tả thời kỳ ưu việt của Giáo hội, cách đơn sơ là thời từ Đức Kitô đến ngày quang lâm.
-    Khải huyền có nhiều đoạn lặp. Nhiều lần độc giả có cảm tưởng như sách đã đến hồi chấm dứt (11,15-19; 16,17-21), nhưng sau đó các thị kiến lại tiếp tục. Đó cũng là cách để diễn tả điều “không thể diễn tả”! Tác giả không mô tả các biến cố tiếp nối nhau theo thứ tự thời gian, nhưng cùng những biến cố ấy, tác giả trình bày cách khác tùy theo cái nhìn khác.
-    Về lịch sử nhân loại, có người nghĩ rằng tác giả Khải huyền loan báo trước mọi giai đoạn lịch sử nhân loại cho đến ngày cùng tận. Thật ra tác giả không có ý loan báo các biến cố chính xác, nhưng muốn giúp ta khám phá ý nghĩa các biến cố ấy trong tương quan với việc thiết lập triều đại Thiên Chúa.
-    Về ngày cánh chung, tác giả Khải huyền nói đến ngày quang lâm gần kề. Cần hiểu rằng các ngôn sứ và đặc biệt tác giả Khải huyền giải thích hiện tại theo cái nhìn về tương lai, vì những biến cố hiện tại chỉ có ý nghĩa thật sự khi đi tới hoàn thành cuối cùng, đó là ngày quang lâm. Vì thế, tác giả mời ta khám phá ra ý nghĩa lịch sử hiện tại dưới ánh sáng một biến cố quá khứ - sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô - nhưng cũng dưới biến cố tương lai - sự trở lại của Ngài, ngày quang lâm.
-    Cuối cùng, việc tìm hiểu Khải huyền đòi so sánh các biểu tượng trong Khải huyền với các tác phẩm cùng thời, đặc biệt với Cựu ước, từ đó sẽ khám phá ra ý nghĩa các biểu tượng. Fueillet cho rằng Khải huyền là một rà lại Cựu ước để làm sáng tỏ lịch sử Giáo hội từ đầu đến thời cùng tận mà trước hết là hai biến cố trong buổi đầu Kitô giáo: sự cắt đứt giữa Kitô giáo với thế giới Do thái vô tín và sự đối kháng giữa Kitô giáo với quyền lực độc tài bách hại của đế quốc La mã. 
Ngoài những lưu ý trên, tưởng cũng cần có một số “chìa khoá” giúp khỏi trệch hướng khi đọc Khải huyền Ga.
Điều cần ghi nhận trước tiên, đó là Khải huyền được viết trong một bối cảnh cụ thể của Giáo Hội đặt niềm tin vững vàng vào Đấng Phục sinh, Đấng đã chiến thắng mọi quyền lực sự dữ và sự chết để khai nguyên nguồn cứu độ cho toàn nhân loại. Lòng tin này phóng tầm nhìn về sự cứu độ vào trong toàn lịch sử để tìm xem sự cứu độ ấy xảy ra thế nào qua các chặng đường lịch sử trần gian. Những điểm mốc mà chúng ta muốn nói đến ở đây, cách nào đó đã được trình bày lan man qua những phần trên, ở đây chỉ đề cập đến một vài điểm căn bản:
    Thiên Chúa hay Hoàng đế
“Thần” nói đến trong Khải huyền, cụ thể là việc tôn thờ hoàng đế. Thánh Phaolô nhắc nhủ các tín hữu phải biết tùng phục quyền bính. Tùng phục không có nghĩa là tôn thờ như thần thánh. Đây là vấn đề căn bản được đề cập đến trong Khải huyền. Sách Khải huyền được viết vào cuối đời hoàng đế Domitien. Từ lâu, dân Rôma vẫn thường có tập tục tôn lên hàng thần thánh các hoàng đế của họ. Nhưng họ chỉ làm việc này sau khi hoàng đế băng hà. Dần dà sau đó, họ tôn hoàng đế lên bậc thần ngay khi ông còn trị vì bằng một nghi lễ “đăng quang” và tỏ bày lòng tôn sùng thật sự như một vị thần. Riêng Domitien tự xưng mình là “Chúa và Thần”. Trong đời sống cụ thể, tập tục tôn thờ hoàng đế như thần trở thành dấu chỉ và tiêu chuẩn của một công dân tốt; từ đó mới có quyền sống một đời bình thường và có điều kiện tiến thân trong xã hội đế quốc Rôma. Dần dần, đế quốc Rôma đi đến một ý thức hệ về quyền bính thần thánh của hoàng đế và biến việc tôn thờ hoàng đế thành một tôn giáo của toàn thể đế quốc. Và đây chính là vấn đề phức tạp và tế nhị cho các Kitô hữu thời đó: hoặc sống bình thường như mọi người bằng việc tôn thờ hoàng đế, hoặc khước từ và như thế trở thành kẻ phạm pháp, bị loại trừ và dẫn đến bị bách hại! Khải huyền nhắc nhở và khẳng định chỉ tôn thờ một Thiên Chúa độc nhất, đó là long tin căn bản của Kitô giáo và của Hội thánh!
    Chứng nhân
Trong sách Khải huyền, làm chứng đồng nghĩa với tử đạo (marturios). Làm chứng về Đức Kitô cho đến cùng, đến dâng hiến cả mạng sống, đồng nghĩa với tử đạo. Đây là một chuyển nghĩa rất mạnh và nội dung đó chỉ rõ ràng với sách Khải huyền mà thôi. Trước đó, không rõ ràng như vậy! 
Người Kitô hữu phải làm chứng cách kiên cường về lòng tin của mình trước thế gian, và trong nhiều trường hợp hoàn cảnh, lời chứng đó tỏ hiện nơi sự tử đạo. Trước một đế quốc Rôma lẫy lừng uy danh về mọi mặt, Kitô hữu làm chứng bằng sự trung tín tuyệt đối của mình vào Đức Kitô và Giáo hội, nhưng không hề bạo động. Họ đành chịu thua thiệt mất mát tất cả vì nhận thức được rằng mình đã được Thiên Chúa cứu độ. Một thái độ sống như thế quả là nghịch lý với mọi nguyên lý thế gian. Nhưng Khải huyền nhắc nhủ chính khi chịu thua thiệt và bách hại, cũng chính là lúc người tin nhận ra mình được đồng nhất với Đấng đã làm chứng trước tòa án Philatô (Ga 18,37; 1Tm 6,13). Vì thế mà chính trong bình an, vui mừng và hy vọng mà Kitô hữu đối đầu với thế gian và với cái chết mà không mang chút bóng dáng hận thù vì biết rằng hôm nay họ được thông dự vào sự chết của Đức Kitô để được nên một với Ngài thì chắc chắn cũng sẽ được thông phần vào vinh phúc khải hoàn của Con Chiên Thiên Chúa đã bị sát tế.
    Thiên Chúa hiện diện trong lịch sử
Từ niềm xác tín chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa, và kiên trung làm chứng cho Người dù phải chịu những thiệt thòi mất mát và bách hại, Khải huyền đi tới khẳng định niềm tin tuyệt đối vào cuộc toàn thắng khải hoàn của Thiên Chúa trên tội lỗi, sự dữ và lịch sử. Khải huyền tuyên xưng Đấng Phục sinh luôn hiện diện và hằng sống. Ngài hiện diện thật trong mọi biến cố lịch sử, trong cộng đoàn phụng vụ, trong các bí tích, cách riêng trong Thánh Thể tạ ơn. Vì thế không lạ gì khi thấy Khải huyền trình bày lịch sử hữu hình và vô hình như một “cử hành phụng vụ”. mà tất cả chỉ quy về việc tôn thờ Thiên Chúa. Trong Khải huyền, cả hai bình diện hữu hình và vô hình lồng vào nhau trong các biến cố lịch sử và cuộc sống trần thế, vì thế gây rắc rối phức tạp! Ví dụ Khải huyền gọi Hội thánh hữu hình là Hội thánh dưới đất (4-11), Hội thánh vô hình là thực tại bên kia đằng sau Hội thánh trong thế giới hữu hình, gọi là Hội thánh trên trời. Trời đây không có nghĩa là thiên quốc nơi Thiên Chúa vinh quang thống trị, nhưng là mặt vô hình của thực tại vũ trụ và lịch sử hữu hình). Do việc lồng chéo vào nhau của hai thực tại hữu hình và vô hình trên đây, mà có tác giả coi Khải huyền là hai bản văn đúc lại làm một; hoặc lúc đầu có đến hai bản văn nguyên thủy được sáng tác vào hai thời đểm khác nhau bởi cùng một tác giả; sau đó đuợc dung hợp với nhau làm thành Khải huyền, do có quá nhiều chỗ lặp. 
Nói chung, tất cả những điều mà Thiên Chúa mặc khải cho ta trong tương lai, người tín hữu không phải chỉ ngồi chờ đợi, nhưng thật sự họ đang sống và nếm trước cách nào đó trong hiện tại, cách riêng trong phụng vụ (biểu tượng qua hình ảnh quay quần quanh Chiên Thiên Chúa). Chính vì vậy mà phụng vụ đích thực là nguồn động lực cho người tín hữu sống cái hiện tại của mình và dấn thân trong trần thế. Chính niềm tin vào Đức Kitô khải hoàn vinh thắng là nguồn động lực linh hoạt và hướng dẫn mọi sinh hoạt và cuộc sống tâm linh của người tín hữu, làm cho họ cảm nhận mọi sinh lực của mình được thúc đẩy và tiến về một đích là chính Đức Kitô, Đấng là Alpha và là Ômêga.
Sống trong hiện tại, Kitô hữu luôn đặt mình trong dòng lịch sử cứu độ đã được khai nguyên nơi Đức Kitô Thiên sai, Ngôi Lời hằng cửu của Thiên Chúa đã đến trong nhân loại (Ga 1,1.14). Ngài chính là Con Chiên bị sát tế, là Đấng Phục sinh. Chóp đỉnh công trình cứu độ của Ngài là khai nguyên một tạo thành mới, một trời mới đất mời. Cuộc tái tạo đó đã khởi sự như một Xuất hành mới, vĩ đại và toàn diện, của lịch sử nhân loại. Lịch sử trần gian đang là cuộc thành tựu của Xuất hành này. Nơi Chiên Thiên Chúa bị sát tế, cuộc đời Kitô hữu là môt xuất hành, tức là một vượt qua từ cõi chết vào cõi sống. Ý thức rằng trong cuộc vượt qua ngang qua sa mạc trần gian này, được chính Thiên Chúa hướng dẫn và dưỡng nuôi, Kitô hữu can đảm làm chứng vì ngay trong hiện tại, dù phải đương đầu với biết bao nghịch cảnh và bách hại, họ đang được nếm trước hưởng hương vị ngọt ngào của cõi hằng sống.
1.5. BÀI ĐỌC THÊM
    Khải Huyền và Tân Ước 
1. 1 Tx 4,13-18 và 2 Tx 2, 1-12
Hai câu hỏi đặt ra: 
-    Tại sao tác giả sử dụng khải huyền trong hai đoạn văn trên?
-    Trong bối cảnh lịch sử và trong niềm xác tín của tác giả cũng như của giáo đoàn, việc sử dụng thể văn này mang ý nghĩa gì?
    1 Tx 4, 13-18
Phaolô đã thiết lập giào đoàn Thessalonika vào những năm 49-50 (Cv 17,2). Thư Tx được viết khoảng những năm 50 –51 (văn phẩm đầu tiên của Tân ước). Cũng như tất cả các giào đoàn khác được Phaolô thiết lập, giáo đoàn Tx gồm những người Do thái thuộc hạng người “kính sợ Chúa”: Craignant-Dieu (cf. Cv 17, 2-4 ). Đây là một giáo đoàn trẻ vừa noi gương Hội Thánh Makêđônia (1Tx 2,14) vừa chịu sức ép của Do thái giáo (1Tx 2,15).
Phaolô triển khai ở đây (trong giai đoạn đầu của nền thần học Phaolô) thần học về sự tuyển chọn: “Anh em là những người được Thiên Chúa thương mến, chúng tôi biết rằng Thiên Chúa đã chọn anh em” (1Tx 1,4). “Thiên Chúa không kêu gọi chúng ta sống ô uế, nhưng sống thánh thiện” (4,7) để trong thời gian tiến về cùng tận, chúng ta “không có gì đáng trách trong ngày Đức Giêsu quang lâm” (3,13). 
1Tx 4, 13-18 đề cập đến ngày Chúa quang lâm và thái độ phải có trong thời gian chờ đợi (5,1-11). Phaolô trình bày về sự sống lại của những kẻ đã chết và ngày của Chúa, nhằm an ủi khích lệ cộng đoàn đang băn khoăn trước sự ra đi của những người anh em trong cộng đoàn. Như thế, đoạn văn tiên vàn không phải là một giáo thuyết về ngày Chúa quang lâm (xảy đến làm sao, lúc nào…), nhưng là một khích lệ các tín hữu đang đau buồn trước cái chết của anh em. Ngôn từ khải huyền được sử dụng nhằm mục đích mục vụ ấy.
c.13: Để trả lời cho vấn nạn về số phận những người chết trước khi Chúa trờ lại, Phaolô gợi lên niềm hy vọng.
c.14: Niềm hy vọng đó được xây dựng trên chính niềm tin vào sự sống lại của Đức Kitô (kerygma). Họ sẽ được “đưa về cùng Đức Giêsu”.
c.15 -17: Phaolô xác nhận mình trả lời “dựa vào Lời của Chúa”. Và câu trả lời của Phaolô ở đây sử dụng thể văn khải huyền. 
Lời Chúa này là lời nào? Đó là lời truyền thống? hay lời giáo huấn của Đức Giêsu về ngày thế mạt? hoặc lời ngôn sứ hay một mặc khải riêng cho Phaolô? Điều quan trọng là nền tảng Kitô học của điều sắp được nói ra. 
Phaolô mô tả cảnh ngày quang lâm một cách gợi hình, giàu tưởng tượng. Ngài không nói gì đến cuộc phán xét trước khi chấm dứt thời hiện tại. Người chết sẽ sống lại, còn những kẻ tin đang sống không có gì phải chờ đợi vì được ở với Chúa! Phaolô không có chủ tâm trình bày một thế mạt luận đầy đủ, điểm chính yếu là muốn nói đến việc được ở mãi mãi bên Chúa; và điều này tóm kết toàn vẹn niềm hy vọng Kitô giáo. 
Như thế, trong các câu 13-18, Phaolô dùng thể văn khải huyền để mô tả biến cố cứu độ cánh chung: lệnh ban ra, tiếng Tổng lãnh thiên thần, tiếng loa kèn, Chúa từ trời ngự xuống, kẻ chết sống lại, cuộc gặp gỡ với Đức Kitô trên không trung… Việc sử dụng khải huyền ở đây nhắm an ủi, khích lệ với niềm xác tín về niềm hy vọng được hiệp thông với Đức Kitô: “chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi”. Giai đoạn chờ đợi tạm thời vì việc Chúa quang lâm gần kề. Do đó, không có gì phải thất vọng lo âu! 
    2 Tx 2,1-12
Đây có phải bức thư do Phaolô viết không? Phần đông ý kiến nghiêng về giả thuyết một môn đệ hoặc một thính giả hâm mộ viết dưới bút danh Phaolô. Một trong những chủ đề mạnh nhất đó là 2Tx xoay quanh vấn đề ngày Chúa quang lâm đến trễ. Về mặt cánh chung luận này, 2Tx rất khác xa với 1Tx. 
Toàn thư nhằm đến sự chậm trễ của ngày Quang lâm, hầu trấn tỉnh những người nôn nóng vì nghĩ ngày Quang lâm gần kề (1Tx) mà gây nên nhiều xáo trộn trong đời thường. 
Thư dùng thể văn khải huyền trong đoạn mô tả ngày Quang lâm với mục đích đả kích những người quá khích cho rằng ngày Chúa đang đến gần, vì thế gây nên những xáo trộn trong cuộc sống. 
2. Khải huyền trong Gl 1,12-16
Trong thư Galata, Phaolô dùng từ “apokalupsis” (Ga 1,11-12) và động từ “apokaluptein” (1,15-16). Do đó mà một ít tác giả nghĩ Phaolô dùng khải huyền tạo khung cho tư tưởng bức thư. Phaolô khẳng định ngài được gọi làm tông đồ không phải do loài người cũng chẳng phải nhờ một người nào (1,1), nhưng bởi Đức Giêsu Kitô, Đấng đã hiến mình giải thoát chúng ta khỏi thế giới xấu xa (1,4) và bởi Thiên Chúa đấng đã phục sinh Đức Giêsu (1,1). Người đã gởi Thần khí của Con mình cho ta (4,6) và biến đổi ta nên thụ tạo mới (6,15). Tin Mừng Phaolô rao giảng không phải do loài người, nhưng chính Đức Giêsu đã mặc khải (11-12). Nội dung của Tin mừng này là Đấng chịu đóng đinh là Con Thiên Chúa (2,15-16). Thiên Chúa đã mặc khải Đức Giêsu Kitô là Con mình và nội dung mặc khải của Thiên Chúa trong Đức Kitô được tóm lại trong 2,15-21: “Con người được nên công chính không phải nhờ làm những gì Luật dạy, nhưng nhờ tin vào Đức Giêsu Kitô”. Có một liên hệ giữa hai giai đoạn lịch sử cứu độ và hai thái độ sống: cố gắng được công chính hóa bởi Lề luật thuộc về thời cũ (1,4; 6,14), trong khi đón nhận Thần Khí bởi đức tin thuộc thời mới (3,1-5; 4,1-7). Đối với Phaolô, chính việc Đức Kitô chiụ đóng đinh và chiụ chết thập giá chấm dứt thời cũ và khai mạc thời mới. Không phải việc Chúa trở lại trong vinh quang, nhưng chính biến cố thập giá là sự biểu lộ cánh chung của Thiên Chúa (cf. 1Cr 1,18-25).
3. Khải huyền trong Máccô 13
Máccô 13 tiêu biểu cho thể văn khải huyền trong Nhất lãm. Trong đoạn này, thể văn khải huyền được tỏ lộ trong: 
-    các câu 7.8.9.12 (bách hại và mọi thứ tai họa),
-    các câu 14-20 (những ngày gian nan),
-    các câu 24-27 (Con Người đến). 
Đây là những đề tài cổ điển trong khải huyền Do thái. Thêm vào cái nền khải huyền trên là cc. 9.13 (của cộng đoàn tiên khởi) loan báo bách hại vì làm chứng cho Đức Giêsu, c.10 (việc rao giảng Tin mừng cho dân ngoại), c.11 (hứa ban Thánh Thần ), cc. 28-30 đưa về các dụ ngôn của Đức Giêsu nói về cơn khủng hoảng và cần tỉnh thức. 
Từ những nhận định trên, các nhà chuyên môn cho rằng giữa những năm 40 - 60 lưu hành một trào lưu Kitô giáo gốc Do thái, loan báo việc diễn tiến những biến cố tương lai mà đỉnh cao là việc Con Người đến. Trào lưu khải huyền này phát sinh trong bối cảnh khủng hoảng của chiến tranh, đói khát, động đất, bách hại…. Trước tình trạng đó, vào những năm 66 – 70, một số Kitô hữu nôn nóng chờ đợi sự quang lâm. 
Những nhận định trên cho phép ta xác định Máccô viết đoạn văn này khoảng năm 70, vào thời kỳ các chứng nhân chịu tử đạo dưới cuộc bách hại của Nêrôn, Đền thờ bị phá. Trong thời kỳ này xuất hiện bên trong cộng đoàn phong trào khải huyền nhìn thấy sự sụp đổ Giêrusalem và đền thờ bị phá như dấu hiệu ngày Chúa quang lâm gần kề. 
    Cấu trúc của Mc 13 
Nhập đề: “Bao giờ sự việc ấy xảy đến?” (c.1-4)
A. cc 5-23:      Những dấu báo trước.
a. 5-8:     Những chỉ dẫn về khủng hoảng.
b. 9-13:     Hậu quả cho các môn đệ.
a’. 14-20:     Dấu hiệu.
b’. 21-23:     Hậu quả cho môn đệ.
B. cc. 24-27:     Con Người đến.
C. cc. 28-37:     Báo cho các môn đệ.
a. 28-32:     Khích lệ.    
b. 33-37:     Kêu gọi tỉnh thức.
Máccô lấy lại những đề tài và cách diễn tả cổ điển của khải huyền Do thái để viết lên một “đối kháng khải huyền” nhằm đả kích nhóm Kitô hữu cuồng nhiệt quá khích nôn nóng chờ ngày quang lâm. 
Máccô đồng quan điểm với Phaolô khi khẳng định cái chết của Con Thiên Chúa trên thập giá là mặc khải hùng hồn nhất về vinh quang của Ngài, khai nguyên một tạo thành mới trong thời mới. Suốt Tin mừng, bí mật Đấng Messia vẫn bị dấu kín cho đến lúc sáng tỏ qua lời tuyên xưng của viên quan ngoại giáo trước cái chết của Đức Giêsu chết trên thập giá: “Người này quả thật là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39). Như thế, băn khoăn trước những quá khích của nhóm người cuồng nhiệt mong chờ ngày Quang lâm như sắp đến, thánh sử Máccô, qua đoạn văn khải huyền trên, khuyên dạy cần tỉnh thức, để khỏi bị các ngôn sứ giả lợi dụng. Bước theo Đức Kitô, tức vác thập giá theo Ngài (Mc 8,34-35) để cùng Ngài bước đi trên đoạn đường từ Giêsêmani đến thương khó tử nạn. Không phải chọn đau khổ, nhưng để cáo tội thế gian đã đóng đinh Chúa mình. Đối với Máccô, nơi đầu tiên tỏ hiện quyền lực thế gian đó là người môn đệ bị quyến rũ thèm khát danh vọng và quyền lực. 
4. Khải huyền trong Matthêu 24-25 
Matthêu lấy lại Máccô 13 và thay đổi theo nhãn quan thần học của mình. 
Câu hỏi mở đầu (Mt 24,3): “Xin Thầy nói cho chúng con biết khi nào những sự việc ấy xảy ra, và cứ điềm nào mà biết ngày Thầy quang lâm và ngày tận thế”. 
Nơi Matthêu, có một liên hệ giữa đền thờ bị phá, ngày quang lâm và ngày tận thế. 
Matthêu thêm 24, 27-28 và 37-41 về việc phán xét chung gần kề. Đặc biệt, Matthêu thêm vào bản văn Máccô 13 hai dụ ngôn: 10 người trinh nữ (25,1-13) và những nén bạc (25, 14-30) và việc mô tả ngày phán xét cùng tận (25,31-46). Matthêu dùng thể văn khải huyền theo kiểu ngôn sứ: chờ đợi ngày quang lâm và tận thế. Theo ông, cuộc phán xét đã xảy đến cho Israel qua việc đền thờ và thành Giêrusalem bị tàn phá, và rồi sẽ xảy đến cho các dân tộc; vì thế ông chỉ bày phương thế giải thoát bằng việc đảm nhận đầy đủ điều kiện sống hiện tại và theo cách thức những người khôn ngoan tỉnh thức và phục vụ như nói trong các dụ ngôn. Làm như thế tức là sống sự công chính mới trong triều đại Đức Kitô, vượt lên trên sự công chính Cựu ước. 
5. Khải huyền trong Luca 21
Luca cũng lấy lại Mc 13 và cũng biến đổi theo nhãn quan thần học riêng của mình. 
Ngài nhìn Đức Kitô như đấng cứu độ hơn là đấng thẩm phán ngày cánh chung. Thời gian hiện tại, Giáo hội có sứ mệnh mang lời Thiên Chúa cho thế gian, loan báo thời cứu độ và sự nhẫn nại chờ đợi của Chúa. Lịch sử nhân loại trở thành lịch sử cứu độ. Trong dòng chảy của lịch sử này, mọi dân tộc được mời gọi đón nhận tiệm tiến mặc khải của Đấng cứu độ. Đức Giêsu lên trời nhưng vẫn luôn hiện diện trong Giáo Hội nhờ Thánh Thần. Do đó, khi lấy lại Máccô 13, Luca muốn chứng tỏ mọi thực tại trong lịch sử đang diễn tiến theo chương trình của Chúa cho đến lúc được hoàn thành. Lịch sử hiện tại đang tiến bước cho đến ngày tất cả được hoàn thành. Vì thế, tuy lấy lại Máccô 13, nhưng Luca phân biệt rõ đền thờ bị tàn phá với sự cùng tận thế giới: “Thưa Thầy, bao giờ các sự ấy xảy ra, và khi sắp xảy đến thì có điềm gì báo trước?” (Lc 21,7). Ta cũng thấy để kết luận chương này, Luca viết: “Ban ngày, Đức Giêsu giảng dạy trong Đền thờ. Đến tối, Ngài qua đêm tại núi Ôliu. Sáng sớm, toàn dân đến với Ngài trong Đền thờ để nghe Ngài giảng dạy” (21,37-38). Luca đặt tất cả trong sự hoàn tất của thới gian, lúc mà “tất cả những gì đã chép trong Kinh Thánh sẽ được ứng nghiệm” (Lc 21,22), “cho đến khi mãn thời của dân ngoại” (Lc 21, 24). Luca tuy dùng lại thể văn khải huyền cổ điển, hoặc dùng lại khải huyền của Máccô, nhưng đã chuyển đổi viễn tượng của khải huyền thành cánh chung luận: một cánh chung luận được triển khai qua dạng thức khải huyền. 
    “Hội Thánh trong Cầu Nguyện, qua việc đón nhận Lời Chúa, được biến đổi”
Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý thứ 40 về cầu nguyện của ĐTC Bênêđictô XVI ban hành trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư ngày 5 tháng 9 năm 2012 tại Đại Sảnh Phaolô VI. Hôm nay ĐTC tiếp tục bàn về việc cầu nguyện trong Thánh Kinh bằng cách suy niệm về lời cầu nguyện trong Phần Thứ Nhất của Sách Khải Huyền.
* * *
Anh chị em thân mến,
Hôm nay, sau sự gián đoạn của những ngày nghỉ hè, hôm nay chúng ta tiếp tục những cuộc triều yết tại Vatican, và tôi muốn tiếp tục "trường cầu nguyện" mà tôi đang cùng anh chị em sống trong bài giáo lý ngày thứ tư này.
Hôm nay tôi muốn nói về cầu nguyện trong Sách Khải Huyền, mà như anh chị em đã biết, là cuốn sách cuối cùng của Tân Ước. Nó là một cuốn sách khó hiểu, nhưng rất phong phú. Nó cho chúng ta tiếp xúc với lời cầu nguyện sống động và hứng khởi của cộng đồng Kitô hữu, tụ tập “trong ngày của Chúa” (Kh 1:10): thực sự, đây là hậu trường mà trong đó bản văn được khai triển.
Một người đọc trình bày một sứ điệp mà Chúa đã trao cho Thánh Sử Gioan. Có thể nói rằng, người đọc và cộng đồng là hai nhân vật chính trong việc khai triển của cuốn sách. Ngay từ lúc đầu, một lời chào hỏi vui mừng được gửi cho họ: “Phúc cho người đọc lớn tiếng, và phúc cho những người nghe những lời tiên tri này” (1:3). Một tấu khúc cầu nguyện phát sinh từ cuộc đàm thoại không gián đoạn này, và phát triển qua rất nhiều hình thức khác nhau cho đến cuối cuốn sách. Qua việc lắng nghe người đọc trình bày sứ điệp, và qua việc nghe cùng quan sát cộng đoàn đáp lại, lời cầu nguyện của họ có vẻ trở thành lời cầu nguyện của chúng ta.
Phần thứ nhất của Sách Khải Huyền (1:4 -3:22), qua thái độ của cộng đoàn đang cầu nguyện, trình bày ba giai đoạn liên tục. Giai đoạn thứ nhất (1:4 -8) gồm có một cuộc đàm thoại, trường hợp duy nhất trong Tân Ước, diễn ra giữa cộng đoàn vừ tụ họp và người đọc, là người nói với họ bằng một lời chào chúc lành: “Ân sủng và bình an cho anh chị em” (1:4). Người đọc tiếp tục nhấn mạnh đến nguồn gốc của lời cầu chúc này: nó bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi: từ Chúa Cha, từ Chúa Thánh Thần, từ Chúa Giêsu Kitô, cả ba đều cùng tham dự vào việc thực hiện kế hoạch sáng tạo và cứu độ dành cho nhân loại. 
Cộng đoàn lắng nghe, và khi họ nghe đến Danh Chúa Giêsu Kitô thì một niềm vui bùng lên và họ nhiệt tình đáp lại bằng cách dâng lên lời cầu nguyện khen ngợi sau đây: “Kính Ðấng đã yêu thương chúng ta và rửa sạch tội lỗi chúng ta trong chính máu của Người, và đã làm cho chúng ta trở nên một vương quốc và các tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người, kính dâng Người vinh quang và chủ quyền đến muôn muôn đời. Amen” (1:5 b-6). 
Cộng đoàn, được bao phủ bởi tình yêu của Đức Kitô, cảm thấy mình được giải thoát khỏi xiềng xích tội lỗi và tự xưng mình là “vương quốc” của Chúa Giêsu Kitô, là vương quốc hoàn toàn thuộc về Người. Cộng đoàn nhận ra sứ vụ cao cả được trao phó cho mình qua bí tích Rửa Tội, là mang sự hiện diện của Thiên Chúa đến cho thế gian. Và kết thúc cuộc cử hành chúc tụng bằng cách một lần nữa nhìn thẳng vào Chúa Giêsu, và với lòng hăng say đang lớn mạnh, nhìn nhận rằng “vinh quang và quyền lực” để cứu độ nhân loại cũng thuộc về Người. Từ “Amen” cuối cùng kết thúc bài thánh thi chúc tụng Đức Kitô.
Bốn câu đầu tiên này đã hàm chứa một sự phong phú của những dấu chỉ dành cho chúng ta. Chúng cho chúng ta biết rằng việc cầu nguyện của mình, trước hết và trên hết, phải bao gồm việc lắng nghe Thiên Chúa nói với mình. Bị tràn ngập với quá nhiều lời, chúng ta không mấy quen nghe, và đặc biệt là đặt mình vào tình trạng im lặng bề trong và bề ngoài để chú ý đến điều mà Thiên Chúa muốn nói với mình. Những câu này cũng dạy chúng ta rằng lời cầu nguyện của chúng ta, thường chỉ đầy những lời cầu xin, thay vì đáng lẽ phải đầy những lời chúc tụng Thiên Chúa vì tình yêu của Ngài, vì hồng ân của Chúa Giêsu Kitô, Đấng mang lại cho chúng ta sức mạnh, hy vọng và ơn cứu độ.
Một can thiệp mới của người đọc sau đó nhắc cho cộng đoàn, là cộng đoàn được tình yêu của Đức Kitô nắm giữ, về cam kết của họ trong việc hiểu ý nghĩa của sự hiện diện của Người trong cuộc đời của họ. Ông nói: “Kìa, Người ngự đến giữa mây trời, và mọi mắt sẽ thấy Người, kể cả những kẻ đã đâm Người. Mọi dân trên mặt đất sẽ than khóc vì Người.” (1:7a). Sau khi được đưa lên Trời trong một “đám mây”, biểu tượng của sự siêu việt (x. Cv 1:9), Chúa Giêsu Kitô sẽ trở lại cùng một cách như Người đã lên Trời (x. Cv 1:11b). Khi ấy, tất cả các dân tộc nhận ra Người và, như Thánh Gioan nhắn nhủ trong Tin Mừng thứ tư “họ sẽ nhìn lên Đấng mà họ đã đâm thâu qua” (19:37). Họ sẽ suy nghĩ về tội lỗi của họ, là nguyên nhân của việc đóng đinh Người trên thập gía, và như những người đã trực tiếp tham dự vào việc ấy trên đồi Calvary, “họ sẽ đấm ngực” (Lc 23:48), cầu xin Người tha thứ để theo Người trong cuộc sống của họ và như thế chuẩn bị cho sự hiệp thông trọn vẹn với Người trong lần trở lại sau hết của Người. Cộng đoàn suy niệm về sứ điệp này và thưa: “Vâng, Amen.” (Kh 1:7b). Với lời thưa “Vâng” họ bày tỏ sự hoàn toàn chấp nhận tất cả những gì được truyền đạt cho họ, và họ cầu xin rằng điều ấy thực sự có thể trở thành sự thật. Chính lời cầu nguyện của cộng đoàn, là lời suy niệm về tình yêu của Thiên Chúa, được thể hiện cách tối cao trên Thánh Giá, và yêu cầu họ phải sống kiên định như những môn đệ của Đức Kitô.
Sau đó có sự đáp trả của Thiên Chúa: “Ta là Alpha và Ômêga, là Ðấng hiện có, đã có và đang đến, là Ðấng Toàn Năng” (1:8) Thiên Chúa, Đấng tỏ mình ra như khởi điểm và cứu cánh của lịch sử, đón nhận và để tâm đến lời cầu nguyện của cộng đoàn. Ngài đã, đang, và sẽ hiện diện cùng hoạt động với tình yêu của Ngài trong các biến cố của nhân loại, trong hiện tại, trong tương lai, cũng như trong quá khứ, cho đến khi đạt đến cùng đích. Đây là lời hứa của Thiên Chúa. Và ở đây chúng ta tìm thấy một yếu tố quan trọng khác: cầu nguyện liên lỉ làm thức tỉnh trong chúng ta ý thức về sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời mình và trong lịch sử, và sự hiện diện của Người là một sự hiện diện nâng đỡ chúng ta, hướng dẫn chúng ta và cho chúng ta một niềm hy vọng lớn lao ngay cả giữa sự tối tăm của những biến cố nhất định của nhân loại. Hơn nữa, mỗi lời cầu nguyện, ngay cả lời cầu nguyện dâng lên trong những lúc cô độc nhất, không bao giờ bị cô lập và không bao giờ ra vô ích, nhưng nó là mạch máu nuôi dưỡng một đời sống Kitô hữu quyết tâm và kiên định hơn. 
Giai đoạn thứ hai của lời cầu nguyện của cộng đồng (1:9 -22) tiếp tục đào sâu mối quan hệ với Chúa Giêsu Kitô: Chúa tỏ mình ra cho chúng ta thấy, Người nói, Người hành động, và cộng đoàn, gần gũi Người hơn bao giờ hết, lắng nghe, trả lời và đón nhận. Trong sứ điệp mà người đọc đã trình bày, Thánh Gioan nhắc đến một trong những kinh nghiệm riêng của chính ngài về một cuộc gặp gỡ Đức Kitô: Ngài đang ở trên đảo Patmos vì “rao giảng Lời Thiên Chúa và lời chứng của Chúa Giêsu” (1:9) và là “ngày của Chúa” (1:10a), ngày Chúa Nhật, ngày cử hành cuộc Phục Sinh. Thánh Gioan “đã xuất thần” (1.10a). Chúa Thánh Thần tràn ngập ngài và đổi mới ngài, làm gia tăng khả năng đón nhận Chúa Giêsu của ngài, là Đấng mời ngài viết. Lời cầu nguyện của cộng đoàn lắng nghe từ từ biến thành một thái độ chiêm niệm được nhấn mạnh bởi những động từ “nhìn thấy”, “xem”: nghĩa là cộng đoàn chiêm niệm điều mà người đọc đề ra, nội tâm hóa nó và làm cho nó thành của riêng mình.
Thánh Gioan nghe thấy “một tiếng lớn, như một tiếng kèn” (1:10b): Tiếng nói truyền cho ngài gửi một sứ điệp “đến bảy Hội Thánh” (1:11) ở Tiểu Á, và qua những Hội Thánh ấy đến tất cả các Hội Thánh ở mọi thời đại, cùng các mục tử của họ. Cụm từ “Tiếng nói ... như một tiếng kèn”, được trích từ Sách Xuất Hành (x. 20:18), nhắc lại việc Thiên Chúa hiện ra với ông Môsê trên núi Sinai, và ám chỉ tiếng nói của Thiên Chúa, Đấng phán ra từ Trời cao, từ sự siêu việt của Ngài. Ở đây tiếng này được gán cho Đức Kitô Phục Sinh, là Đấng mà từ vinh quang của Thiên Chúa, Chúa Cha nói bằng tiếng nói của Thiên Chúa với cộng đoàn tụ tập lại để cầu nguyện. Khi quay lại “để coi tiếng ai nói” (1:12), thì Thánh Gioan thấy “bảy chân nến bằng vàng, và ở giữa các chân nến, có ai giống như Con Người” (1:12 -13), một thuật ngữ đặc biệt quen thuộc với Thánh Gioan, ám chỉ chính Chúa Giêsu. Các chân nến bằng vàng, với những ngọn nến sáng của chúng, ám chỉ Hội Thánh của mọi thời đại, trong một thái độ cầu nguyện trong Phụng Vụ: Chúa Giêsu Phục Sinh, “Con Người”, ở giữa Hội Thánh, và mặc phẩm phục của vị Thượng Tế trong Cựu Ước, Người thực hiện chức năng tư tế làm trung gian hòa giải với Chúa Cha. 
Trong sứ điệp biểu tượng của Thánh Gioan mà tiếp theo đó có một sự tỏ hiện rạng ngời của Đức Kitô Phục Sinh, với những đặc tính của Thiên Chúa mà chúng ta tìm thấy trong Cựu Ước. Ngài nói về “tóc … trắng như len trắng, trắng như tuyết” (1:14), tượng trưng cho sự vĩnh hằng của Thiên Chúa (x. Dn 7:9) và của sự Phục Sinh. Một biểu tượng thứ nhì là lửa, mà trong Cựu Ước, thường được gán cho Thiên Chúa để ám chỉ hai thuộc tính. Thứ nhất là cường độ ghen tị của tình yêu Ngài, là điều làm sinh động giao ước của Ngài với loài người (x. Dt 4:24). Và chính cùng cường độ nồng cháy của tình yêu mà chúng ta đọc được trong cái nhìn của Chúa Giêsu Phục Sinh: “mắt Người như ngọn lửa cháy” (Kh 1:14a). Thứ nhì là khả năng không thể ngăn cản được để chiến thắng sự dữ như một “lửa thiêu” (Dt 9:3). Vì vậy, ngay cả “đôi chân” của Chúa Giêsu trên đường đương đầu và tiêu diệt sự dữ, tỏa sáng “như đồng đỏ trong lò” (Kh 1:15). Rồi, giọng nói của Chúa Giêsu Kitô như “tiếng nước lũ” (1.15c), có vẻ như tiếng ầm vang của “vinh quang Thiên Chúa của Israel” đang di chuyển về phía Giêrusalem, được ngôn sứ Edekiel nói đến (x. 43:2). Còn ba yếu tố biểu tượng tiếp theo cho thấy những gì mà Chúa Giêsu Phục Sinh đang làm cho Hội Thánh Người: Người giữ Hội Thánh cách vững chắc trong tay hữu của Người - một hình ảnh rất quan trọng: Chúa Giêsu giữ Hội Thánh trong tay Người, Người nói với Hội Thánh bằng quyền năng thấu xuốt của một thanh kiếm sắc bén, và Người tỏ bày sự rạng ngời của Thiên Tính của Người cho Hội Thánh: “dung nhan Người tỏa sáng như mặt trời chói lọi.” (Kh 1:16). Thánh Gioan bị lôi cuốn bởi kinh nghiệm tuyệt vời này của Chúa Phục Sinh, đến nỗi cảm thấy mình đuối sức và ngã xuống như một người chết.
Sau kinh nghiệm này của mặc khải, Thánh Tông Đồ đã thấy Chúa Giêsu ở trước mặt mình, Người đã nói với ngài, trấn an ngài, đặt bàn tay trên đầu ngài, tỏ lộ căn tính của mình như là Đấng Chịu Đóng Đinh và Đấng Phục Sinh, và trao cho ngài nhiệm vụ truyền một sứ điệp đến các Hội Thánh (x. Kh 1:17 -18). Thiên Chúa, mà trước mặt Người thánh nhân đã ngã như chết, thật đẹp ra sao. Người là bạn của cuộc sống ngài, và Người đặt tay trên đầu ngài. Và như thế, đó cũng sẽ là điều dành cho chúng ta: chúng ta là bạn của Chúa Giêsu. Cho nên, sự tỏ mình ra của Thiên Chúa Phục Sinh, của Đức Kitô Phục Sinh, sẽ không là điều khủng khiếp; nhưng sẽ là một cuộc gặp gỡ với một người bạn. Tuy nhiên, cộng đoàn cùng Thánh Gioan cảm nghiệm giây phút đặc biệt của ánh sáng trước mặt Chúa, trong sự hợp nhất với kinh nghiệm của cuộc gặp gỡ hàng ngày với Chúa Giêsu, mà nhờ đó chúng ta được nếm thử sự phong phú của việc được tiếp xúc với Chúa, là Đấng lấp đầy tất cả những khoảng trống của cuộc đời.
Trong giai đoạn thứ ba và cuối cùng của phần thứ nhất của Sách Khải Huyền (Rev 2-3), người đọc đề ra một sứ điệp bảy phần trong đó Chúa Giêsu nói ở ngôi thứ nhất. Nói với bảy Hội Thánh ở Tiểu Á trong vùng Êphêsô, bài nói chuyện của Chúa Giêsu mở đầu với tình trạng cụ thể của mỗi Hội Thánh, và sau đó mở rộng đến các Hội Thánh ở mọi thời đại. Chúa Giêsu lập tức đi vào tâm điểm của tình trạng của mỗi Hội Thánh, bằng cách nhấn mạnh đến ánh sáng và bóng tối cùng trình bày chúng với một lời mời gọi khẩn cấp: “Hãy sám hối” (2:5,16; 3:19c); “hãy nắm vững những gì ngươi đang có” (3.11), “hãy làm những công việc ngươi đã làm lúc đầu” (2,5); “hãy sốt sắng và ăn năn hối cải!” (3,19 (b)… Lời này của Chúa Giêsu, nếu nghe bằng đức tin, bắt đầu có hiệu quả ngay lập tức: Hội Thánh trong cầu nguyện, qua việc đón nhận Lời Chúa được biến đổi. Tất cả các Hội Thánh phải chăm chú lắng nghe Chúa, bằng cách mở lòng ra với Chúa Thánh Thần như Chúa Giêsu khăng khăng hỏi, qua việc lặp đi lặp lại lệnh này bảy lần: “Ai có tai, thì hãy nghe những gì Thần Khí nói với các Hội Thánh” (2:7,11,17,29; 3:6,13,22). Cộng đoàn nghe sứ điệp và được đánh động để ăn năn, hối cải, kiên trì, tăng trưởng trong tình yêu, và theo sự hướng dẫn cho cuộc hành trình của họ.
Các bạn thân mến, Sách Khải Huyền trình bày cho chúng ta một cộng đoàn hiệp nhất trong cầu nguyện, vì chính trong cầu nguyện mà chúng ta càng ngày càng cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Giêsu với mình và trong mình. Càng cầu nguyện nhiều và tốt hơn với lòng kiên trì, với long sốt sắng, thì chúng ta càng trở nên giống Người, và Người thật sự đi vào cuộc đời chúng ta và hướng dẫn chúng, ban cho chúng niềm vui và sự bình an. Và chúng ta càng biết, càng yêu mến và theo Chúa Giêsu nhiều, thì chúng ta càng cảm thấy sự cần thiết phải dành thì giờ cầu nguyện với Người, như thế nhận được sự thanh bình, hy vọng và sức mạnh trong cuộc đời mình.
    “Không có lời cầu nguyện nào là không cần thiết 
và vô dụng”
Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý thứ 41 về cầu nguyện của ĐTC Bênêđictô XVI ban hành trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư ngày 12 tháng 9 năm 2012 tại Đại Sảnh Phaolô VI. Hôm nay ĐTC tiếp tục bàn về cầu nguyện trong Thánh Kinh bằng cách suy niệm về lời cầu nguyện trong Phần Thứ Nhì của Sách Khải Huyền.
* * *
Anh chị em thân mến,
Thứ tư tuần trước tôi đã nói về cầu nguyện trong phần thứ nhất của Sách Khải Huyền, giờ đây chúng ta đi sang phần thừ nhì của sách. Trong lúc ở phần thứ nhất, lời cầu nguyện hướng về đời sống nội tại của Hội Thánh, thì phần thứ nhì chú ý đến toàn thể thế giới. Thực ra, Hội Thánh hành trình qua lịch sử, và là một phần của lịch sử theo kế hoạch của Thiên Chúa.
Cộng đoàn lắng nghe sứ điệp của Thánh Gioan được người đọc trình bày, đã tái khám phá ra nhiệm vụ hợp tác trong việc phát triển Nước Thiên Chúa của mình như “các tư tế của Thiên Chúa và của Đức Kitô” (Kh 20:6, x. 1:5, 5:10), và nó mở ra cho thế giới của loài người. Ở đây, có hai cách sống trong một mối quan hệ biện chứng giữa họ. Cách sống thứ nhất có thể được gọi là “hệ thống của Đức Kitô,” mà cộng đoàn vui sướng thuộc về, và cách sống thứ nhì là “những hệ thống của thế gian chống lại Nước Trời và giao ước, bị tác động bởi ảnh hưởng của Thần Dữ”, là kẻ qua việc lừa dối con người, muốn xây dựng một thế giới chống lại thế giới mà Đức Kitô và Thiên Chúa muốn (x. Ủy ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, Thánh Kinh và Luân Lý, Nguồn Gốc Thánh Kinh của Cách Sống Kitô giáo, 70). Cho nên cộng đoàn phải có khả năng giải thích trong chiều sâu lịch sử mà mình đang sống, qua việc học phân biệt các biến cố bằng đức tin để hợp tác bằng hành động trong việc phát triển Nước Thiên Chúa. Công việc giải thích và phân biệt này, cũng như hành động, phải được đi liền với cầu nguyện.
Trước hết, sau lời kêu gọi kiên trì của Đức Kitô, là Đấng trong phần thứ nhất của Sách Khải Huyền, đã nói bảy lần: “Ai có tai, hãy nghe những gì Chúa Thánh Thần nói với Hội Thánh” (x. Kh 2:7,11,17,29; 3:6,13,22), cộng đoàn được mời lên Thiên Đàng để nhìn vào thực tại qua cặp mắt của Thiên Chúa; và ở đây chúng tôi tìm thấy ba biểu tượng, là những điểm qui chiếu mà từ đó chúng ta có thể giải thích lịch sử: ngai của Thiên Chúa, Chiên Con và cuốn sách (x. Kh 4:1 – 5:14).
Biểu tượng thứ nhất là cái ngai mà Thánh Gioan không mô tả Đấng ngồi trên đó, bởi vì Ngài siêu vượt bất kỳ cách diễn tả nào của loài người. Thánh nhân chỉ có thể gợi lên ý nghĩa về vẻ đẹp và niềm vui mà Thánh Nhân cảm thấy trước sự hiện diện của Ngài. Đấng bí ẩn này là Thiên Chúa, Thiên Chúa Toàn Năng, Đấng không còn đóng khung trên thiên đàng, nhưng đến gần con người, bước vào vào một giao ước với con người. Thiên Chúa, Đấng làm cho tiếng nói của Mình, biểu tượng bằng sấm sét, được người ta nghe thấy trong lịch sử, một cách bí nhiệm, nhưng có thật. Có một số yếu tố xuất hiện chung quanh ngai Thiên Chúa, như 24 kỳ lão và bốn sinh vật, không ngừng ca ngợi Chúa của lịch sử. 
Như vậy biểu tượng thứ nhất là cái ngai. Biểu tượng thứ nhì là cuốn sách, trong đó có kế hoạch của Thiên Chúa cho các biến cố và cho loài người. Nó được niêm phong kín bằng bảy ấn tín, và không ai có thể đọc được nó. Trước sự bất lực của con người trong việc tìm biết kế hoạch của Thiên Chúa, Thánh Gioan cảm thấy một nỗi buồn sâu xa, đến nỗi ngài rơi nước mắt. Nhưng có một cách khắc phục sự mất tinh thần của con người trước sự huyền bí của lịch sử: có một người có thể mở cuốn sách và tiết lộ nó. 
Và đây là biểu tượng thứ ba: Đức Kitô, Chiên Con đã bị giết trong Hy Tế Thập Giá, nhưng đang đứng như một dấu chỉ về sự Phục Sinh của Người. Và chính Chiên Con, là Đức Kitô đã chết và sống lại, từ từ mở niêm phong và tiết lộ kế hoạch của Thiên Chúa, ý nghĩa sâu xa của lịch sử.
Các biểu tượng này cho chúng ta biết những gì? Chúng nhắc cho chúng ta về cách thức phải biết giải thích những sự kiện bủa lịch sử và của cuộc đời mình ra sao. Bằng cách ngước mắt nhìn lên thiên đàng của Thiên Chúa, trong một quan hệ thường xuyên với Đức Kitô, bằng cách mở lòng trí mình ra cho Ngài trong lời cầu nguyện riêng và chung, chúng ta học nhìn vào những sự vật một cách mới mẻ và hiểu được ý nghĩa chân chính nhất của chúng. Cầu nguyện giống như một cửa sổ mở ra cho phép chúng ta luôn hướng đôi mắt về Thiên Chúa, không những chỉ để nhắc nhở chúng ta về mục tiêu mà mình đang hướng đến, mà còn để cho Thánh Ý Thiên Chúa soi sáng cuộc hành trình trần thế của mình, và giúp chúng ta sống với lòng nhiệt thành và quyết tâm.
Chúa hướng dẫn cộng đồng Kitô hữu đọc một cách sâu sắc hơn về lịch sử như thế nào? Trước hết và trên hết, qua việc mời gọi cộng đồng để tâm một cách hiện thực đến giây phút hiện tại mà chúng ta đang sống. Vì thế Chiên Con mở bốn ấn tín đầu tiên của cuốn sách và Hội Thánh nhìn thấy thế giới, mà trong đó nó được đưa vào, một thế giới có nhiều yếu tố tiêu cực. Có những sự dữ mà con người vi phạm, như bạo lực, nảy sinh từ ước muốn chiếm hữu, tranh dành ưu thế với nhau, đến nỗi giết nhau (ấn tín thứ nhì); hay bất công, vì con người không tôn trọng luật pháp được ban hành cho họ (ấn tín thứ ba). Sau đó, thêm vào những sự dữ ấy là những sự dữ khác mà con người phải chịu, như sự chết, nạn đói, bệnh tật (ấn tín thứ tư). Phải đương đầu với những thực tại, thường là bi đát, cộng đồng Hội Thánh được mời gọi không bao giờ mất hy vọng, và tin chắc rằng sự toàn năng bề ngoài của Thần Dữ va chạm với sự toàn năng thật, là sự toàn năng của Thiên Chúa.
Và ấn tín thứ nhất mà Chiên Con mở ra chứa đựng chính thông điệp này. Thánh Gioan nói với chúng ta rằng: “Và tôi đã thấy, kìa một con ngựa trắng, và người cỡi ngựa mang cung. Người ấy được tặng một triều thiên và ra đi như người thắng trận, để chiến thắng” (Kh 6:2). Quyền năng của Thiên Chúa đã bước vào trong lịch sử loài người, một quyền năng không những chỉ có khả năng vô hiệu hóa sự dữ, nhưng thậm chí còn chinh phục nó. Màu trắng nhắc đến biến cố Phục Sinh: Thiên Chúa đã trở thành quá gần gũi với chúng ta đến nỗi Người đi xuống bóng tối của sự chết để chiếu sáng nó bằng ánh sáng huy hoàng của sự sống thần linh của Người: Người đã gánh lấy sự dữ của thế gian trên chính mình, để thanh tẩy nó bằng ngọn lửa tình yêu của Người.
Chúng ta lớn lên trong sự hiểu biết về thực tại này của Kitô giáo như thế nào? Sách Khải Huyền cho chúng ta biết rằng cầu nguyện nuôi dưỡng cái nhìn về ánh sáng và niềm hy vọng sâu xa này trong mỗi ngưởi chúng ta và trong các cộng đồng của chúng ta: nó mời gọi chúng ta đừng để cho sự dữ khắc phục mình, nhưng thắng vượt sự dữ bằng điều lành, nhìn lên Đức Kitô Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh, là Đấng kết hợp chúng ta trong chiến thắng của Người. Hội Thánh sống trong lịch sử, không khép kín mình; nhưng can đảm đối diện với cuộc hành trình của mình giữa những khó khăn và đau khổ, bằng cách dứt khoát quả quyết rằng, chung cuộc sự dữ không chiến thắng được sự tốt lành, và bóng tối không làm lu mờ vinh quang của Thiên Chúa.
Đây là một điểm quan trọng đối với chúng ta; như những Kitô hữu, chúng ta không bao giờ có quyền bi quan; chúng ta biết rõ rằng dọc theo cuộc hành trình của cuộc đời, chúng ta thường gặp bạo lực, dối trá, thù hận và khủng bố, nhưng những điều đó không làm chúng ta nản chí. Trên hết, là kinh nguyện này dạy chúng ta nhìn thấy những dấu chỉ của Thiên Chúa, của sự hiện diện và hành động của Ngài; thật ra, [nó dạy chúng ta] trở thành những ánh sáng của sự tốt lành tỏa rộng niềm hy vọng và chỉ về chiến thắng của Thiên Chúa.
Quan điểm này đưa chúng ta đến việc dâng lời tạ ơn và chúc tụng Thiên Chúa và Chiên Con: 24 kỳ lão và bốn sinh vật cùng hát “bài ca mới” mừng công trình của Đức Kitô, Chiên Con, Đấng làm cho “tất cả thành mới” (Kh 21:5). Nhưng sự đổi mới này trước hết và trên hết là một hồng ân mà chúng ta phải xin. Và ở đây chúng ta tìm thấy một yếu tố khác là nét đặc thù của cầu nguyện: sự tha thiết cầu xin Chúa rằng Nước Ngài trị đến, và xin cho con người có trái tim biết vâng phục chủ quyền của Thiên Chúa, xin cho Thánh Ý Ngài định hướng cuộc đời chúng ta và cuộc sống của thế giới. 
Trong thị kiến chứa đựng trong Sách Khải Huyền, lời cầu xin này được đại diện bởi một chi tiết quan trọng: “24 kỳ lão” và “bốn sinh vật” cầm trong tay, cùng với cây đàn hạc đi kèm với bài hát của họ, “một cái chén bằng vàng đầy nhũ hương” (5:8 a), như được giải thích, “là những lời cầu nguyện của các thánh” (5:8 b); nghĩa là, nói về những người đã được lên với Thiên Chúa, còn tất cả chúng ta là những người đang lữ hành.
Và trước ngai Thiên Chúa, chúng ta thấy một thiên sứ đang cầm một bình hương bằng vàng, trong đó thiên sứ liên tục bỏ vào những hạt hương, như những lời cầu nguyện của chúng ta, mà hương thơm ngạt ngào được dâng cùng với những lời cầu nguyện lên trước nhan Thiên Chúa (x. Kh 8:1-4). Đó là một biểu tượng cho chúng ta biết rằng tất cả những lời cầu nguyện của chúng ta, với tất cả những giới hạn, khó khăn, nghèo khổ, khô khan, yếu điểm mà chúng có thể có, được thanh lọc và lên đến tận trái tim của Thiên Chúa. Cho nên, chúng ta phải tin chắc rằng không có lời cầu nguyện nào là không cần thiết và vô dụng; không lời nào bị mất đi. Và chúng sẽ được trả lời, ngay cả thường bí ẩn, bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu và Lòng Thương Xót vô hạn. Thánh Gioan viết rằng Thiên sứ “cầm bình hương, lấy lửa trên bàn thờ bỏ đầy vào và ném xuống đất. Liền có tiếng sấm, tiếng sét, ánh chớp và động đất” (Kh 8:5).
Hình ảnh này có nghĩa là Thiên Chúa không coi thường lời cầu nguyện của chúng ta. Ngài can thiệp và làm cho người ta cảm thấy quyền lực của Ngài và nghe được tiếng nói của Ngài trên trái đất, Ngài làm cho hệ thống của Sự Dữ bị rung chuyển và phá vỡ chúng. Thông thường thi khi chạm trán với sự dữ, chúng ta cảm thấy bất lực, nhưng cầu nguyện là phản ứng đầu tiên và hiệu quả nhất mà chúng ta có thể dâng lên và điếu ấy củng cố quyết tâm truyền bá sự tốt lành hàng ngày của chúng ta. Quyền năng của Thiên Chúa làm cho sự yếu đuối của chúng ta thành hiệu quả (x. Rm 8:26-27).
Tôi muốn kết luận bằng cách nhắc đến cuộc đối thoại cuối cùng (x. Kh 22:6-21). Chúa Giêsu lặp lại nhiều lần: “Này, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến” (Kh 22:7, 12). Lời tuyên bố ấy không những chỉ cho thấy viễn cảnh tương lai của thời sau hết; nhưng còn chỉ về hiện tại: Chúa Giêsu đến, Người thiết lập nơi cư ngụ của Người trong những ai tin vào Người và đón nhận Người. Sau đó, cộng đoàn, được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, lặp đi lặp lại cho Chúa Giêsu lời mời khẩn cấp xin Người đến gần hơn, “Xin hãy đến” (Kh 22:17). Như “nàng dâu” (22:17) đang nóng lòng mong đợi sự viên mãn của cuộc hôn nhân. Lần thứ ba lời cầu xin được nhắc lại: “Amen. Xin hãy đến, Lạy Chúa Giêsu” (22:20 b), và người đọc kết thúc bằng một cụm từ chứng tỏ ý nghĩa của sự hiện diện này: “Nguyện xin ân sủng của Chúa Giêsu với tất cả các Thánh” (22:21).
Sách Khải Huyền, bất chấp sự phức tạp của các biểu tượng, lôi cuốn chúng ta vào một kinh nguyện rất phong phú. Vì thế, chúng ta cũng được nghe, ngợi khen, cảm tạ, và chiêm ngắm Chúa, cùng cầu xin ơn tha thứ. Cấu trúc của nó như một kinh nguyên phụng vụ cộng đồng cao cả, cũng là một lời nhắc nhở hùng hồn để tái khám phá sự phi thường và quyền năng biến đổi của Bí Tích Thánh Thể. Tôi muốn đặc biệt thôi thúc anh chị em trung thành với Thánh Lễ ngày Chúa Nhật, ngày của Chúa, trung tâm và trái tim thật sự của tuần lễ! Sự phong phú của lời cầu nguyện trong Sách Khải Huyền làm cho chúng ta nghĩ về một viên kim cương, trong đó có hàng loạt những góc cạnh hấp dẫn, nhưng sự quý báu của nó nằm ở độ tinh khiết của cốt lõi của nó. Như thế, các hình thức gợi ý của kinh nguyện mà chúng ta gặp trong Sách Khải Huyền làm cho sự quý giá độc đáo và không thể diễn tả được của Chúa Giêsu Kitô được tỏa sáng.