Khải Huyền, Sứ Điệp Hy Vọng

        Cuốn sách cuối cùng phần Tân Ước mang tựa đề "Sách Khải Huyền." Trong Anh ngữ có hai tựa đề khác nhau: Revelation và Apocalypse. Revelation là từ phiên dịch từ Hy-lạp apokalypsis. Sách Khải Huyền cũng là cuốn sách gây nhiều hiểu lầm, không phải tại cuốn sách mà tại người đọc.
 
KHẢI HUYỀN, SỨ ÐIỆP HY VỌNG
(REVELATION, A DIVINE MESSAGE OF HOPE ) 
- Knights Of Columbus, Số 51
Lm. Trần Ðình Nhi , chuyển ngữ 


I.    KHẢI HUYỀN LÀ GÌ?
        Cuốn sách cuối cùng phần Tân Ước mang tựa đề "Sách Khải Huyền." Trong Anh ngữ có hai tựa đề khác nhau: Revelation và Apocalypse. Revelation là từ phiên dịch từ Hy-lạp apokalypsis. Sách Khải Huyền cũng là cuốn sách gây nhiều hiểu lầm, không phải tại cuốn sách mà tại người đọc.
        Thí dụ chúng ta nhận thấy sự kiện này. Chúng ta thường nghe người ta nói đến sách "Khải Huyền." Khi nói lên tựa đề "Sách Khải Huyền," người ta nghĩ ngay đó là sách nói về "những gì sẽ xảy ra." "Khải Huyền" nghĩa là vén lên tấm màn che giấu những bí mật, cho nên còn gì bí mật cho bằng một tương lai mà chỉ có mình Thiên Chúa biết? Nhưng từ xưa tới nay chẳng có gì tò mò hơn là việc con người cứ muốn biết về tương lai. Vì thế người ta dùng mọi cách, hợp luật hay trái luật, cầu nguyện hay bói toán, gọi hồn, giải thích điềm lành này dấu gở kia, lúc nào cũng hăng say theo đuổi việc tìm hiểu những "huyền bí" ấy. Rồi theo suy nghĩ của nhiều người, những huyền bí ấy là chính những điều được nói đến trong sách Khải Huyền của Gio-an. Với họ, sách Khải Huyền là một thu thập những "huyền bí" về tương lai do chính Thiên Chúa mạc khải để chúng ta đọc và giải thích.
        Đây quả thực là một hiểu lầm tai hại chỉ vì ý nghĩa của tựa đề "Khải Huyền." Tự nó, có lẽ cuốn sách không quá bi thảm như vậy, nhưng điều vô cùng tệ hại là sự hiểu lầm ấy lại gây nên không biết bao nhiêu giải thích hoàn toàn vô căn cứ và sai lạc.
        Thực sự sách Khải Huyền vén mở một điều gì đó, cũng có thể là một tương lai, nhưng là một điều rất chắc chắn và chính xác, chứ không phải một cái nhìn bao quát về lịch sử tương lai. Đúng như phần nhập đề của sách đã khẳng định(1:1-3), đó là "mạc khải của Đức Giê-su Ki-tô," "những việc sắp phải xảy đến," "lời của Thiên Chúa," "lời chứng của Đức Giê-su Ki-tô," "những gì ông (Gio-an) đã thấy," và là "sấm ngôn" về "thời giờ đã gần đến." Tóm lại, Khải Huyền là mạc khải Chúa tỏ ra cho ông Gioan trong một thị kiến, không phải về một tương lai bất định, nhưng về một điều gì đó "sắp" phải xảy ra.
        Vậy điều mạc khải ấy là gì? Nội dung của cuốn sách cần phải giúp chúng ta tránh được những nghi nan. Điều mạc khải ấy là "Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mạc khải vinh quang của Người" (1 Cr 1:7) khi "Chúa Giê-su từ trời xuất hiện cùng với các thiên thần hùng mạnh của Người, trong ngọn lửa cháy bừng" (2 Tx 1:7), khi "ân sủng sẽ được mang đến cho anh em trong ngày Đức Giê-su tỏ hiện" (2 Pr 1:13), và khi "sự việc cũng sẽ xảy ra như thế, ngày Con Người được mạc khải" (Lc 17:30). Nói khác đi, điều mạc khải ấy là việc tỏ bày khải hoàn của Đức Ki-tô sắp tới. Chính sự kiện này ông Gio-an đã biết được trong một thị kiến và là sự kiện sách Khải Huyền đề cập đến.
        "Trước kia, anh em là những kẻ chết..."
        Cuộc khải hoàn của Đức Ki-tô hiện hữu trên một số bình diện. Vì Thiên Chúa là "Đấng đã có, hiện có và đang đến" (4:8) nên vào một thời điểm nào đó, khải hoàn của Đức Ki-tô vẫn là một sự kiện đã xảy ra, một thực tại đang diễn tiến và một lời hứa hướng về tương lai. Như chúng ta thấy qua những trích dẫn Kinh Thánh ở trên, hầu hết "mạc khải" của Đức Ki-tô nói về việc Người lại đến trong vinh hiển vào giờ tận thế, nhưng cũng có nghĩa là vào lúc này và tại nơi đây hoặc trong quá khứ nữa. Sách Khải Huyền coi Khải Hoàn của Đức Ki-tô như một thực tại đơn thuần, gồm quá khứ, hiện tại và tương lai hòa nhập làm một. Thực sự đó là một khải hoàn vĩnh cửu. Vậy thì tại sao Gio-an lại nói là "sắp" xảy ra?
        Ý tưởng về việc sắp đến này gặp thấy trong phần Tân Ước nằm sau sách Tin Mừng. Trong thư Cô-lô-xê 2:13-15, Phao-lô nói rằng: "Trước kia, anh em là những kẻ chết vì anh em đã sa ngã, và vì thân xác anh em không được cắt bì, nay Thiên Chúa đã cho anh em được cùng sống với Đức Ki-tô: Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta. Người đã xóa sổ nợ bất lợi cho chúng ta, sổ nợ mà các giới luật đã đưa ra chống lại chúng ta. Người đã hủy bỏ nó đi, bằng cách đóng đinh nó vào thập giá. Người đã truất phế các quyền lực thần thiêng, đã công khai bêu xấu chúng, đã điệu chúng đi trong đám rước khải hoàn của Người." Ở đây khải hoàn là sự kiện đã xảy ra trong quá khứ. Nhưng trong Ê-phê-xô 6:12, Phao-lô nói: "Chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao." Ở đây chưa phải là khải hoàn, nhưng là còn đang chiến đấu. Rồi trong 1 Cô-rin-tô 15:24-26, Phao-lô đặt khải hoàn trong một tương lai vô định, vào thời điểm những người công chính sống lại: "Sau đó mọi sự đều hoàn tất, khi Người đã tiêu diệt hết mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần, rồi trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha. Thật vậy, Đức Ki-tô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết." Rồi saün đà, Phao-lô lại thêm (câu 27): "Vì Thiên Chúa đã đặt muôn loài dưới chân Đức Ki-tô."
        Đức Ki-tô khắc phục
        Có thể nói khải hoàn của Đức Ki-tô như là một quá khứ, bởi vì chỉ cần một lần sống, chết và phục sinh thôi thì Người đã khắc phục cái chết và tội lỗi. Nhưng Người đã thực thi như vậy chỉ là để loài người tiếp nhận và sống ơn cứu rỗi Người ban. Đức Ki-tô đã khắc phục kẻ thù, để không còn quyền lực nào có thể thống trị trên những ai thực sự thuộc về Người. Nhưng con người vẫn có thể sa đi ngã lại vào trong tay quyền lực ấy nếu họ cứ chối từ ân sủng của Đức Ki-tô. Do đó, cuộc sống của Ki-tô hữu trên trần gian này là một cuộc chiến gồm cả chiến thắng lẫn thất bại, còn tương lai là cuộc khải hoàn sau hết của Đức Ki-tô khi cuộc chiến kết thúc.
        Vậy đó chính là những điều Gio-an đã viết xuống. Với ngài, Đức Ki-tô là Đấng chinh phục, Đấng "đã lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người" (1:5-6); Người là "Thủ lãnh mọi vương đế trần gian" (1:5); "Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời, và Ta đã giữ chìa khóa của Tử thần và Âm phủ" (1:18). Nhưng như thánh Phao-lô đã dạy, vì Đức Ki-tô vẫn đang sống trong Giáo Hội Người nên chiến thắng của Người phải được tiếp tục lập lại nơi các chi thể Người. "Ai thắng, Ta sẽ...", đó là điều kiện gặp trong những lời Người hứa với các Hội Thánh (2:8, 2:11, 2:17, 2:26, 3:5, 3:12, 3:21). "Hãy trung thành cho đến chết, và Ta sẽ ban cho ngươi triều thiên sự sống" (2:10). Đến khi nào công cuộc của Giáo Hội kết thúc, chiến thắng của Đức Ki-tô mới hoàn tất. Sách Khải Huyền bảo đảm với độc giả rằng cuộc chiến thắng này sẽ hoàn tất và đó là mục đích Gio-an viết sách này.
Lời tiên tri
        Khi mọi sự đã nói hết và đã làm xong thì đấy là tất cả sứ điệp của sách Khải Huyền. Đúng vậy, một số chi tiết về chiến thắng của Giáo Hội tuy tương đối ít nhưng đã được nói đến rồi, ngoài ra không có gì được nói chính xác cả mà là cách tổng quát. Thí dụ, sách không quan tâm tới những thời đại khác nhau của Giáo Hội, hoặc tới những thời kỳ hết sức rõ rệt nào của tương lai. Quá khứ, hiện tại và tương lai thường được pha trộn trong một thị kiến tiên tri, đúng hệt như khi Chúa pha trộn việc tiên báo Giê-ru-sa-lem bị tàn phá với những mô tả về ngày tận thế (Mt 24, Mc 13, Lc 21). Thực ra những sự kiện ấy chỉ là một, hoặc đúng hơn những sự kiện ấy là những khía cạnh khác nhau của cùng một sự việc. Việc tàn phá Giê-ru-sa-lem và Đền thờ đã là hình ảnh báo trước cuộc khải hoàn sau hết của Đức Ki-tô rồi, bởi vì dựa trên sự kiện cũng như trên nguyên tắc, trật tự cũ (tức là Do-thái giáo và Đền thờ) đã lui khỏi sân khấu lịch sử, để cho Giáo Hội được tự do và độc lập trong thế giới. Đức Ki-tô khải hoàn trên thập giá là khởi đầu cho cuộc khắc phục cuối cùng của Người đối với sự chết.
        Hiểu lầm
        Mục đích của Khải Huyền là để dạy những điều nói trên. Sách viết ra không phải để thỏa mãn óc tò mò muốn biết tương lai. Sách viết ra không phải để nói ngược lại những lời Chúa nói về tận thế, "về ngày và giờ không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay cả người Con cũng không; chỉ một mình Chúa Cha biết mà thôi" (Mt 24:36), và "anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến" (câu 42). Sách viết ra không phải để cung cấp một bản đồ để hướng dẫn người ta khám phá ra thế cuộc tương lai và số phận các dân các nước từ trước kia cho đến bây giờ. (Thực vậy, người ta đã quá lạm dụng sách Khải Huyền theo cách này qua biết bao thế hệ, và bất cứ khi nào họ cũng tìm thấy những "huyền bí" liên hệ tới cuộc đời họ. Nhưng xem ra lời tiên tri dễ ứng vào quá khứ hơn là chắc chắn về tương lai). Vậy trước hết, sách Khải Huyền không phải được viết ra để làm chúng ta sợ hãi hoặc thất vọng, nhưng là để an ủi và củng cố đức tin chúng ta.
        Chúng ta không lạc quan đến độ nghĩ rằng rất nhiều lời ý nghĩa trong sách Khải Huyền sẽ giúp cho sách khỏi bị sử dụng sai do những người đã lấy sách ấy làm cốt yếu (hoặc đúng hơn, đã hiểu lầm sách ấy là cốt yếu) cho việc giữ đạo và đời sống của họ. Có biết bao linh hồn tò mò đã tốn quá nhiều thì giờ để miệt mài công chuyện "tiên đoán thời cuộc" bằng cách chắp vá những con số hay biểu tượng chính bản thân họ cũng chẳng hiểu là gì, gắn cho nó một ý nghĩa họ muốn, rồi mập mờ lấy kết quả của việc chắp vá ấy mà phao ra đó là "lời Chúa." Sách Khải Huyền đã biến thành cái mỏ vàng cho những kẻ mơ mộng viển vông, ăn không ngồi rồi, tò mò lắm chuyện, những kẻ "chân mình thì lấm bê bê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người," những kẻ vênh vang cho rằng mình sẽ "lên thiên đàng thẳng băng," còn bao nhiêu người khác thì "sa hỏa ngục" hết, bởi cục diện đã như vậy rồi thì buông xuôi chứ đừng vùng vẫy vô ích. Có lẽ cho đến ngày tận thế, sách Khải Huyền cũng vẫn là cuốn sách "cũng như những chỗ khác trong Kinh Thánh, bị những kẻ vô học và nông nổi xuyên tạc, khiến chúng phải chuốc lấy họa diệt vong" (2 Pr 3:16).
        Tại sao có sách Khải Huyền?
        Nhưng nếu như thế, tức là nếu sách Khải Huyền đã dễ bị hiểu sai, hoặc nếu nó thực sự không phải là một cái nhìn chi tiết về lịch sử thế giới, thì tại sao lại được viết cách như vậy? Tại sao lại đầy những hình ảnh và biểu tượng? Tại sao lại không viết nó theo khuôn mẫu sách Tin Mừng hoặc những phần khác của Tân Ước?
        Để trả lời những câu hỏi này, chúng ta nên biết hai điều sau đây. Thứ nhất là hoàn cảnh của Giáo Hội khi sách Khải Huyền được viết. Thứ hai là tác giả sách thuộc mẫu người như thế nào.
        Trả lời cho câu hỏi thứ nhất gặp thấy trong những thư thánh Phao-lô, các sách Tin Mừng và ngay trong sách Khải Huyền. Bách hại bắt đầu đổ xuống Giáo Hội, đến nỗi Phao-lô phải trấn an các tín hữu của ngài. Thực ra bách hại còn khốc liệt hơn cả những gì bản thân Phao-lô đã phải đương đầu. Không chỉ là việc Ki-tô hữu bị Do-thái kỳ thị, những cấm đoán tại địa phương, hoặc cá nhân khủng bố tại Ê-phê-xô, hoặc đánh đập tại Phi-líp-phê, hoặc cướp bóc tại Giê-ru-sa-lem nữa. Nhưng giờ đây là cả một mãnh lực từ một đế quốc rộng lớn và có tổ chức đang bắt đầu chĩa mũi dùi vào Ki-tô giáo. Qua sách Công vụ Tông Đồ, Lu-ca ngầm cho chúng ta thấy rằng người Rô-ma có vẻ như để Ki-tô hữu được yên, chứ không như thái độ của họ đối với người Do-thái. Rõ ràng không có thù hận gì công khai giữa người Rô-ma và Ki-tô hữu. Việc Phê-lích giam tù Phao-lô bất công là vì ông ta tham nhũng, chứ không phải vì ông ta là người Rô-ma. Phao-lô bị bắt giam vì Phao-lô có thể là một mối lợi cho Phê-lích, chứ không phải vì Phao-lô là Ki-tô hữu. Có lẽ Phê-lích chẳng quan tâm vấn đề Ki-tô giáo là một tôn giáo. Mà thường tình thì phải như vậy. Nhưng giờ đây tất cả hoàn cảnh đã thay đổi rồi.
        Phao-lô bị giam giữ tại Rô-ma giữa năm 61-63 sau công nguyên. Ngài được trả tự do vì thiếu bằng cớ buộc tội, sau đó lại bị giam lỏng do sự buộc tội bởi những người đồng hương. Nhưng theo như các sử gia Rô-ma công nhận, chẳng bao lâu sau khi Phao-lô được trả tự do, thì bạo chúa Nê-rô đã đốt cháy rụi thành Rô-ma, rồi ông ta dùng cộng đồng Ki-tô làm vật tế thần để mình khỏi mang tội. Thế là bách hại bắt đầu. Chính Phao-lô cũng bị lùng bắt và bị xử tử năm 67. Những cảnh tượng rùng rợn đã diễn ra và được các văn sĩ thời ấy ghi chép đầy đủ, thí dụ vị hoàng đế trác táng ăn uống rượu chè say sưa trong một khu vườn đầy Ki-tô hữu bị tẩm dầu thiêu sống làm đuốc, cảnh đám dân chúng man rợ hò hét và thích thú nhìn những Ki-tô hữu khốn khổ bị dã thú vờn vật tại hý trường.
        Nê-rô khủng bố
        Nê-rô bị ám sát năm 68, nhưng những bách hại Giáo Hội mới chỉ bắt đầu. Tiếp theo là triều đại của Ves-pi-a-nô (69-79), Ti-tô (79-81) và sau hết là Đô-mi-xi-ô (81-96). Những hoàng đế này đều tàn ác giống như Nê-rô vậy. Áp lực chống Ki-tô hữu đã tạo thành một tiền lệ dưới thời Nê-rô. Người ta nói những lời gian dối và lăng mạ Ki-tô hữu đến nỗi họ bị gọi là "căm thù của nhân loại." Việc Ki-tô hữu từ chối không chịu tôn vinh hoàng đế là thần trở nên cớ để họ bị khủng bố triền miên cho tới thời suy đồi của đế quốc Rô-ma. Tất cả những bách hại ấy là một kinh nghiệm mới mẻ với Ki-tô hữu, vì ngay cả sách Tin Mừng cũng không hề nói đến những thứ bách hại ấy. Dường như cả thế giới nằm trong bạo quyền đế quốc Rô-ma đều quyết tâm chống đối nhằm tiêu diệt họ, tạo nên một kinh nghiệm vô cùng kinh hãi.
        Vậy trong hoàn cảnh này, Gio-an đã có thị kiến đang khi ngài bị lưu đày dưới thời hoàng đế Đô-mi-xi-ô "tại đảo gọi là Pát-mô, vì đã rao giảng Lời Thiên Chúa và lời chứng của Đức Giê-su" (1:9). Sách Khải Huyền là một mạc khải cần thiết để củng cố và làm vững mạnh Giáo Hội thơ ấu ở giữa một thế giới cuồng nộ.
        Nhưng hoàn cảnh mới chỉ giải thích được nửa phần về sách Khải Huyền, còn nửa phần kia phải nhờ hiểu biết về con người của Gio-an.
        Gio-an Tông đồ là người Do-thái. Văn hóa, gia cảnh, học thức và tư tưởng là Do-thái. Điều này rất quan trọng khi giải thích sách Khải Huyền. Lời Chúa được truyền đạt qua Gio-an, một con người mang tâm não được đào tạo do lịch sử, văn chương và truyền thống Do-thái. Lời Chúa không thay đổi con người Gio-an, nhưng đến với chúng ta qua ngài.
        Văn loại Khải Huyền Do-thái
        Nếu Gio-an không phải người Do-thái thì chắc chắn sách Khải Huyền sẽ mang một hình thức khác rồi. Nhưng vì là người Do-thái nên Gio-an đã có cả một nguồn truyền thống cho ông sử dụng để viết lách. Ông thừa hưởng một truyền thống văn chương đã có saün từ lâu đời, đó là văn loại khải huyền Do-thái.
        Người ta nhận thấy rõ điều này: sách Khải Huyền của Gio-an là cuốn cuối cùng thuộc loạt sách khải huyền đã ra đời những năm trước đó trong những hoàn cảnh tương tự và cũng nhắm những mục đích tương tự. Sách Khải Huyền của Gio-an là cuốn sau cùng, là cuốn vĩ đại nhất, nhưng vẫn chỉ là một cuốn trong loạt sách khải huyền.
        Nếu hiểu biết một chút về cả sách Khải Huyền lẫn Cựu Ước, người ta sẽ nhận ra có nhiều biến cố trong Khải Huyền đã lập lại y hệt những gì đã được nói trong các sách Cựu Ước, nhất là Ê-giê-ki-en và Đa-ni-en. Những lời nói, câu văn, hình ảnh, biểu tượng đã được thay đổi cho thích hợp hoặc được sử dụng toàn bộ. Đọc sách Khải Huyền bằng nguyên ngữ và so sánh với sách Cựu Ước bản dịch Hy-lạp mà Gio-an đã sử dụng, người ta càng thấy sách Khải Huyền tùy thuộc vào Cựu Ước. Điều này không phải là ngẫu nhiên đâu.
        Vua Na-bu-cô-đô-nô-xo
        Văn loại khải huyền Do-thái phát triển là do những hoàn cảnh phối kết với nhau, tựa như những hoàn cảnh xảy ra khi Gio-an viết sách Khải Huyền của ngài. Vào năm 587 trước công nguyên, thất bại cuối cùng đã khiến nước Do-thái vĩnh viễn mất đi độc lập. Dưới quyền cai trị của một người mà dân Do-thái coi là biểu tượng cho tất cả những gì xấu xa nhất của bạo quyền, tức là vua Na-bu-cô-đô-nô-xo, đế quốc Ba-by-lon rộng lớn đã tàn phá Giê-ru-sa-lem và Đền thờ, rồi đưa dân chúng Do-thái về Ba-by-lon. Thế là chẳng bao giờ người ta dám mơ tưởng đến việc dành lại tự do, ngoại trừ một thời vắn vỏi dưới triều Ma-ca-bê hồi thế kỷ 2 trước công nguyên. Mặc dù trong thời gian đế quốc Ba-tư tiêu diệt Ba-by-lon, dân Do-thái được phép trở về cố hương, họ cũng không còn đóng vai chủ nhân nữa nhưng là bầy tôi cho một ông hoàng ngoại lai. Kế tiếp đế quốc Ba-tư là A-lê-xan-đê đại đế của Hy-lạp. Thời gian này người Do-thái không thực sự bị bách hại, nhưng ảnh hưởng tinh tế của đế quốc mới lại tiêu diệt đức tin của họ. A-lê-xan-đê đã thống nhất thế giới trong một ngôn ngữ, một văn hóa, và theo ước vọng của ông ta, trong cả một tôn giáo nữa, tức là một hỗn hợp các thứ tôn giáo của lương dân. Nơi người Do-thái đã có một khuynh hướng mạnh mẽ là muốn hòa nhập và ngụp lặn theo hoàn cảnh mới của thế giới với lối sống hết sức vật chất. Qua sách Ma-ca-bê và các sách Giáo Huấn, nhất là sách Huấn ca và sách Khôn ngoan, chúng ta biết đã có biết bao người Do-thái sa ngã trước cơn cám dỗ theo lối sống ấy. Họ là tổ tiên của những người phái Sa-đu-kê-ô đã chạy theo lối sống ngoại lai và làm tủi hổ dân tộc tính của họ. Còn những người trung thành với đạo giáo và lề luật thì bị cô lập khỏi trào lưu đương thời và phải sống trong những khu vực biệt lập như ổ chuột.
        Ngoại giáo
        Năm 168 trước công nguyên, hoàng đế An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê IV thuộc đế quốc Hy-lạp Si-ri, lúc ấy đang cai trị Si-ri và Pa-lét-tin, đã gần như hoàn tất dự án biến Đền thờ của Thiên Chúa Do-thái thành nơi tế tự ngoại giáo và sẽ đặt tượng thần Zeus thay thế vào đó. Ngay khi bắt đầu triều đại vào năm 175, ông ta đã nhất quyết đi từ gây áp lực tinh thần đối với Do-thái tiến tới việc dùng võ lực. Nghi thức cắt bì và việc giữ ngày sa-bát bị cấm đoán. Nhờ hiệp lực của những người Do-thái không còn sống đức tin, An-ti-ô-khô đã dốc toàn sức mạnh của một quốc gia thế tục để chống lại Do-thái giáo.
        Nhưng An-ti-ô-khô đã không lượng sức mình. Nhìn thấy Đền thờ bị xúc phạm và thượng tế Ô-ni-a III bị sát hại, rồi nhận thức đã bị áp bức đến cùng đường và không còn gì nữa ngoài việc phải nổi dậy, nên cuộc thánh chiến Ma-ca-bê lan rộng khắp miền Pa-lét-tin. Dưới sự lãnh đạo của gia đình Ma-ca-bê, ông Mát-tít-gia và những người con dũng cảm là Giu-đa, Gio-na-than và Si-mon, Do-thái giáo đã cho người ta thấy tiềm lực sinh tồn và chinh phục. Chỉ trong vòng ít năm, Đền thờ được thánh hiến lại cho Thiên Chúa, Giu-đê được tự do và người Do-thái được độc lập, chứng tỏ một sức mạnh khiến những dân tộc lớn cũng phải sợ hãi.
        Dân tộc chia rẽ
        Nhưng mầm mống tham nhũng thối nát đã gieo saün. Chẳng bao lâu sau, con cháu nhà Ma-ca-bê đã sống bê bối và tồi tệ hơn cả hoàng đế ngoại giáo An-ti-ô-khô. Triều đại cuối cùng của nhà Ít-ra-en thực ra đã biến thành ngoại giáo rồi. So với những bất công do ngoại lai ngày xưa, bất công do các vua Do-thái ngày nay còn tệ hơn. Những nhóm Pha-ri-sêu và Sa-đu-kê-ô, những kẻ ban đầu thì khinh miệt, rồi dần dần đi tới ngưỡng mộ tất cả những gì không phải là Do-thái, đã chia rẽ dân chúng, không ngừng gây nên sát phạt, chém giết, thối nát cả xã hội lẫn tôn giáo. Năm 63 trước công nguyên, người Rô-ma đã thôn tính Giu-đê mà không gặp chống đối nào, rồi dân Do-thái phải chịu cảnh thần phục Rô-ma cho tới thời Tân Ước. Phản ứng cuối cùng là cuộc nổi dậy của Do-thái năm 67-70 sau công nguyên, kết thúc với việc Đền thờ bị phá bình địa, và cuộc nổi dậy lần thứ nhì năm 135 khiến cho nước Ít-ra-en không còn nữa và Giê-ru-sa-lem trở thành hoàn toàn ngoại giáo.
        Qua những hỗn độn, bách hại, mất đức tin và muốn tuyệt vọng buông xuôi ấy, những người Do-thái còn lòng tin thì quay về với Sách Thánh để tìm ủi an và hy vọng. Họ đặc biệt nương tựa vào những lời hứa rõ ràng của Chúa là sẽ bảo vệ và cứu thoát dân Người, và trông vào lời hứa ban Đấng Mê-xi-a là vị chinh phục chiến thắng. Thực vậy, người ta có khuynh hướng muốn giải thích những lời hứa của Chúa theo ý nghĩa quá vật chất và thường hiểu Đấng Mê-xi-a là người sẽ phá bỏ ách nô lệ Dân ngoại, cho dù khuynh hướng này lại rất hấp dẫn.
        Cho những người Do-thái mà thôi
        Từ những hoàn cảnh này, xuất hiện những tác phẩm khải huyền của Do-thái. Lấy văn chương khải huyền làm khuôn mẫu, các tác giả Do-thái bắt đầu viết. Tác phẩm của họ mang những hình ảnh và biểu tượng vừa hấp dẫn đối với đầu óc tưởng tượng của đông phương, vừa được sắp đặt thành sách để làm sao chỉ người Do-thái mới hiểu được, còn những người thù nghịch không phải là Do-thái thì không hiểu nổi. Người ta gặp thấy những khuôn mẫu này rất thường trong những tiên đoán của ngôn sứ Ê-giê-ki-en khi ngài bắt đầu sử dụng những cách thức biểu tượng để nói tiên tri về việc đế quốc Ba-by-lon sụp đổ. Theo các học giả Kinh Thánh hiện nay, nhiều đoạn trong I-sai-a cũng được đặt trong thời điểm bị Ba-by-lon đàn áp và được coi là khởi đầu cho văn chương khải huyền. Như vậy văn loại khải huyền đã có căn bản vững chắc trong Cựu Ước. Hơn nữa, một trong những tác phẩm khải huyền vĩ đại nhất từ xưa tới nay là sách ngôn sứ Đa-ni-en thuộc Cựu Ước, sách được viết do nguồn liệu trong những thời gian vua An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê bách hại Do-thái.
        Những sách khác
        Vì những sách này được viết sau sách Đa-ni-en, nên trong vòng hai thế kỷ trước Chúa Giê-su giáng sinh những tác phẩm ấy tạo thành một loạt sách khải huyền Do-thái. Trong số những tác phẩm này, nhiều khi giống sách Khải Huyền của Gio-an, thí dụ như: Sách Hê-nóc, Khải Huyền của Mô-sê hoặc Sách các Năm thánh, Sấm ngôn Si-bi-loâ,Chứng thư của Mười hai Tổ phụ, Mô-sê được đưa lên trời, Khải Huyền của Ba-rúc, Sách Ét-ra thứ bốn, Khải Huyền của Áp-ram... Có một số trong những tác phẩm này được viết cùng thời khi Gio-an viết sách Khải Huyền trên đảo Pát-mô.
        Những sách khải huyền Do-thái kể trên rất ít ảnh hưởng tới Gio-an. Những sách ấy giống với Khải Huyền của Gio-an ở điểm là nhắm cùng một mục đích và xuất phát từ cùng một nguồn gốc. Tất cả đều là tác phẩm văn chương nở rộ thuộc văn loại khải huyền thời Cựu Ước. Tất cả đều trông đợi vào những lời hứa của Thiên Chúa, vững vàng tiên báo một tương lai rực rỡ và việc kẻ thù của dân Chúa sẽ bị đập tan. Tất cả đều được viết nhằm an ủi và củng cố đức tin. Kể cả đức tin Ki-tô nữa, vì đức tin ấy đã bắt đầu khủng hoảng trước bách hại của Rô-ma, như Gio-an đã nói rõ trong những chương đầu sách Khải Huyền. Tất cả đều mang đặc tính và sử dụng biểu tượng. Đối với Gio-an cũng vậy, vì ngài là người Do-thái có truyền thống Do-thái nên biểu tượng đã trở thành phương thức diễn đạt tư tưởng và là cách để giữ cho kẻ thù không biết được sách muốn nói gì. Chỉ người nào quen thuộc với truyền thống Do-thái về văn loại khải huyền mới hiểu được những ý nghĩa của những từ "Con Vật," "sừng," "biển," và những hình ảnh tương tự như vậy. Ý nghĩa những từ và những hình ảnh ấy đã có saün trong Cựu Ước rồi.
        Điểm khác biệt giữa Gio-an với các sách khải huyền Do-thái khác chính là thực tại hy vọng mà ngài có thể cống hiến độc giả, niềm hy vọng thực sự đã được thể hiện trong công cuộc của Đức Ki-tô rồi. Vậy trong khi Do-thái giáo chỉ có thể hướng về một tương lai bất định, thì Gio-an lại có thể nói về một khải hoàn vinh hiển không chỉ là sắp xảy ra mà là đã thực sự hoàn tất rồi.
        Trong chương kế tiếp, chúng ta sẽ đề cập đến Gio-an đã thấy gì và những sách khải huyền Do-thái khác cũng giống vậy, nghĩa là cũng sử dụng những hình ảnh và biểu tượng như Gio-an sử dụng. Những chương sau đó nói sẽ nói về những gì độc đáo của Gio-an, tức là triều đại vinh hiển của Đức Ki-tô chiến thắng trong Giáo Hội dưới dất cũng như trên trời.
II.   NHỮNG ĐIỀU GIO-AN ĐÃ NHÌN THẤY
        Khi đề cập tới tính cách biểu tượng của sách Khải Huyền, ngay từ đầu chúng tôi minh định là không muốn đề cập đến nội dung thị kiến của Gio-an một cách sơ sài. Gio-an là một ngôn sứ; ngài nhận một sứ điệp đích thực từ nơi Thiên Chúa. Giáo huấn của sách Khải Huyền là chân thật và là một ghi chép đúng sự thực về mạc khải Chúa cho Gio-an biết.
        Nhưng sách Khải Huyền lại là một ghi chép những mạc khải Gio-an đã nhận được trước kia và chỉ được ghi chép lại sau đó (1:9 và tiếp theo). Có lẽ Gio-an đã nhận được những mạc khải này trong khoảng thời gian khá dài. Công việc của Gio-an là dưới linh hứng của Chúa Thánh Thần, ngài sắp đặt những mạc khải ấy lại để làm thành cuốn sách và chọn lựa cách thức để diễn tả chúng. Cách thức ngài viết, như đã nói ở phần trước, là văn loại khải huyền Do-thái.
        Ngài nói với chúng ta về rất nhiều điều. Chẳng hạn ngài nói ngài đã nhìn thấy "có ai giống như Con Người" (1:13), hoặc "có cái gì như biển trong vắt tựa pha lê" (4:6), hoặc "tôi thấy đứng ở giữa là một Con Chiên, trông như thể đã bị giết" (5:6), hoặc "tôi thấy có cái gì như biển trong vắt pha ánh lửa" (15:2)... Nếu đem gom lại tất cả những từ "giống như," "tựa," "như," và "trông như thể" trong cả sách Khải Huyền, ta sẽ nhận thấy chúng là một trong những đặc nét cơ yếu của sách Khải Huyền. Nói cách khác, Gio-an không nói ngài đã chính mắt nhìn thấy một người, một biển trong vắt như pha lê, hoặc một Con Chiên bị giết, nhưng là những điều được biểu tượng do những hình ảnh trên. Một nhà chú giải sách Khải Huyền đã nói rất đúng rằng trong sách này rất nhiều điều đã được tác giả suy nghĩ chứ không phải là nhìn thấy. Những hình ảnh ngài sử dụng và cũng là những gì hầu như ngài hoàn toàn vay mượn từ sách vở đã có trước kia đều nhằm diễn tả những tư tưởng đã được mạc khải của ngài.
        Đây là một sự kiện quan trọng cần phải nhớ khi đọc sách Khải Huyền. Thí dụ chúng ta lấy đoạn 5:6 và những câu tiếp theo. Gio-an đã thấy một Con Chiên đang đứng mà lại trông như thể đã bị giết. Làm sao một con chiên đã bị giết lại đứng được? Thực ra Con Chiên không hành động như chiên đã bị giết bởi vì "Con Chiên đến lãnh cuốn sách từ tay hữu Đấng ngự trên ngai" (c. 7). Con Chiên đó lại có bảy sừng và bảy mắt. Vậy thì chúng ta phải hiểu thế nào đây? Hiểu là Gio-an đã thực sự nhìn thấy con vật kỳ lạ như thế đang hành động sống chết trái ngược ư? Không, không thể hiểu như thế được, vì đây là những biểu tượng nói lên tư tưởng chứ không phải là những ảo giác. Con Chiên tượng trưng cho Đức Giê-su, Đấng đã chết theo nghĩa thực, tuy nhiên lại đang sống. Bảy sừng tượng trưng cho một điều, một điều rõ ràng đối với độc giả của Gio-an vì họ quen thuộc với Cựu Ước nên hiểu được ý nghĩa của số "bảy" và "sừng." Bảy mắt tượng trưng cho một điều khác; nhưng trong trường hợp này vì ý nghĩa kém rõ ràng nên Gio-an đã giải thích biểu tượng ấy cho độc giả hiểu (c. 6). Cứ như thế, chúng ta sẽ gặp từng biểu tượng và chúng ta không nên hiểu theo ý nghĩa nào khác ngoài ý nghĩa biểu tượng.
Biểu tượng
        Khi Gio-an nói rằng ngài đã thấy "có ai giống như Con Người" nói những lời về bảy Hội Thánh được ghi lại trong chương 2-3 trong khi "từ miệng Người phóng ra một thanh gươm hai lưỡi sắc bén" (1:16), thì chúng ta có nên đặt câu hỏi: Người có phải lấy thanh gươm ra khỏi miệng trước khi nói hay là cứ nói trong khi miệng còn ngậm thanh gươm (nếu có thể làm được như vậy)? Rồi cũng "có ai giống như Con Người" nắm bảy ngôi sao trong tay hữu (1:16), mà tay hữu đó lại đặt trên Gio-an (1:17). Vậy Người đã phải đặt những ngôi sao xuống chứ? Và điều gì đã đột ngột xảy ra cho Người sau khi nói xong?
        Đọc Khải Huyền theo cách đó thì thật là điên khùng. Thanh gươm hai lưỡi tượng trưng cho lời Chúa là một hình ảnh quen thuộc trong Cựu Ước. Biểu tượng bảy ngôi sao đã được giải thích trong mạch văn. Cho nên một khi biểu tượng đã nói hết ý nghĩa rồi thì thường không còn tác dụng gì nữa.
Ý nghĩa được hiểu
        Tuy nhiên đôi khi chúng ta thấy có những giải thích sách Khải Huyền theo khuynh hướng của những người không cần biết rằng Gio-an muốn tất cả những hình ảnh này chỉ là biểu tượng, cho nên họ mới cố vẽ bức họa con chiên có bảy sừng và bảy mắt, hoặc bức họa "một Con Thú từ dưới biển đi lên; nó có mười sừng và bảy đầu; trên mười sừng đều có vương miện, và trên các đầu có danh hiệu xúc phạm đến Thiên Chúa" (13:1), hoặc ráng giải thích làm thế nào cuốn sách niêm bảy ấn lại mở được từng ấn một mà lại không bẻ gẫy tất cả một lúc (chương 5)... Đọc sách Khải Huyền theo lối này quả thực không đúng chút nào.
        Như chúng ta đã nói, hầu hết những biểu tượng Gio-an dùng đều lấy từ Cựu Ước. Tuy nhiên chúng ta sẽ hiểu hơn nếu đem so sánh sách Khải Huyền của ngài với những sách khải huyền Do-thái khác để thấy họ giống nhau trong những phương pháp phải theo. Các ngôi sao trong 1:16 là các thiên thần, còn trong 9:2 là một thiên thần sa ngã. Cũng vậy, trong Sách Hê-nóc các ngôi sao tượng trưng cho các thiên thần sa ngã. Văn chương khải huyền Do-thái mô tả kẻ thù của Do-thái giáo bằng hình ảnh những con thú dữ tợn thế nào, thì Gio-an cũng nói về kẻ thù của Giáo Hội như vậy, cả hai đều mượn những hình ảnh lấy từ chương 7 sách ngôn sứ Đa-ni-en. Sách Ét-ra thứ bốn hình dung Đế quốc Rô-ma như một con phượng hoàng có mười hai cánh và ba đầu. Gio-an dùng biểu tượng khác.
        Vậy biểu tượng là cốt yếu của văn loại khải huyền. Cũng như Gio-an, các sách khải huyền Do-thái khác đều lập đi lập lại việc sử dụng biểu tượng. Sách Hê-nóc viết: "Tôi tiến đến gần một ngôi nhà vĩ đại, tường nhà tựa như cẩn pha lê... mái nhà giống như giải ngân hà... nó bừng cháy như lửa và lạnh lẽo tựa tuyết băng." Rồi trong một đoạn khác, hoàn toàn giống như Gio-an: "Tôi đã thấy một vị bô lão, đầu tựa như len trắng; cùng với ngài là một nhân vật trông như laø người, nhưng hình dáng lại như một thiên sứ"...
Những con số biểu tượng
Tính cách biểu tượng của những con số là điều rất hiển nhiên trong các sách khải huyền Do-thái cũng như trong sách của Gio-an. Con số hay dùng nhất là số bảy (bảy thiên sứ, bảy thần khí, bảy ngọn núi... trong sách Hê-nóc, Chứng thư của Mười hai Tổ phuï, và Sách Ét-ra thứ bốn); số bảy mươi, cấp số nhân của số bảy, cũng rất thường dùng (chương thứ chín sách Đa-ni-en cho con số này một ý nghĩa huyền nhiệm đặc biệt). Vậy bất cứ ai đọc sách Khải Huyền cũng đều biết số bảy được sử dụng trong đó. Có bảy thư, bảy ấn, bảy chén, bảy kèn, ai cũng thấy như vậy. Nếu đọc kỹ hơn chúng ta sẽ thấy có bảy dấu chỉ (chương 12-21), bảy chúc lành trong toàn cuốn sách, và tên Chúa Ki-tô xuất hiện bảy lần. Chúng ta nên nhớ số bảy là số tròn đầy đối với Do-thái, nhưng trong Gio-an số bày lại bị tách làm hai nhóm, nhóm bốn và nhóm ba (thí dụ bốn ấn được mở trước, rồi tới ba ấn kia; bốn kèn thổi trước, rồi ba kèn sau mới thổi, v.v...). Nếu nhân hai số này với nhau, ta có số mười hai là một con số khác biểu tượng cho sự tròn đầy. Rồi tới con số mười hai là con số đẹp ứng với mười hai chi tộc Ít-ra-en.
Các sách khải huyền Do-thái sử dụng số mười hai để chỉ về các thời đại của thế giới (Sách Ét-ra thứ bốn), các thời kỳ thử thách (Hê-nóc). Còn Gio-an sử dụng con số ấy để đặc biệt nói đến tình trạng trên trời của Giáo Hội. Hai mươi bốn Kỳ Mục xuất hiện trong sách Khải Huyền tượng trưng cho những người được tuyển chọn thuộc cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Thành Giê-ru-sa-lem trên trời có mười hai cửa, được chia làm bốn nhóm ba cửa (21:12 tt), và mười hai nền móng. Kích thước đo đạc (câu 15 tt) là những cấp số nhân của số mười hai. Cũng như Gio-an, các sách khải huyền Do-thái khi thì sử dụng số ba, khi thì số bốn.
Ý nghĩa của những con số
Số bảy và mười hai tượng trưng cho sự đầy đủ và trọn vẹn, còn những khoảng thời gian hoặc nơi chốn bất định thì được biểu tượng cách khác. Con số biểu tượng "một ngàn năm" như trong Kh 20:2 là một thí dụ, và thường gặp trong những sách khải huyền Do-thái. Một biểu tượng khác được dùng trong 11:9, 12:14 (cũng xem Đn 7:25, 9:27) là nửa số bảy, hoặc "nửa thời," "bốn mươi hai tháng" (11:2), nghĩa là "một ngàn hai trăm sáu mươi ngày" (c. 3) hay ba năm rưỡi.
Nếu số bảy là con số toàn bích, thì số sáu lại là con số bất toàn, và do đó con số của Con Thú trong 13:18 tượng trưng cho sự bất toàn lớn lao nhất vì là ba lần sáu.
Vì những sách khải huyền Do-thái không thuộc về Kinh Thánh là tác phẩm của những người không được linh hứng và cũng không có đặc tính siêu việt như của Gio-an, nên chúng ta chỉ coi những sách ấy thuộc truyền thống văn chương chung mà thôi. Tất cả đều có nhiều điểm giống nhau, biết sách này có thể giúp hiểu sách khác. Theo cách này, những sách khải huyền Do-thái sẽ giúp chúng ta rất nhiều để hiểu sách Khải Huyền của Gio-an. Nếu chúng ta đã nhận là Gio-an sử dụng những biểu tượng mang ý nghĩa mà độc giả đã hiểu saün từ trước, ít nhất là trong nhiều trường hợp, thì quả thực chúng ta đã đi được nửa đường hiểu biết sách Khải Huyền rồi.
"... trên đôi cánh chim bằng"
Tuy nhiên, cũng cần xét một số tư tưởng chủ yếu được diễn tả bằng biểu tượng mà Gio-an đã mượn từ Kinh Thánh Cựu Ước.
Trong Xuất Hành 19:4, Đức Chúa nói với Ít-ra-en: "Các ngươi thấy Ta đã xử với Ai-cập thế nào, và đã mang các ngươi như trên cánh chim bằng mà đem đến với Ta." Cùng tư tưởng ấy được lập lại trong Đệ nhị luật 32:11. Vậy Gio-an 12:14 cũng lấy hình ảnh đó để nói lên sự che chở của Thiên Chúa trên It-ra-en Mới là Giáo Hội. Gio-an mô tả Giáo Hội này đã được mang vào sa mạc như Ít-ra-en khi xưa để được bảo vệ khỏi tay kẻ thù. Cũng thế, trong 21:3, khi Gio-an nói: "Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại," thì đó có nghĩa là nhà tạm mới trong Giáo Hội vinh hiển, tức Giáo Hội lập lại và hoàn tất nhà tạm cũ của Thiên Chúa ở với Ít-ra-en được nhắc đến trong Đệ nhị luật 26:11 t. Nhưng chỗ đúng nhất trong Cựu Ước mà Gio-an lấy ý cho hình ảnh này là sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en, sách được Gio-an sử dụng nhiều nhất (37:27 t): "Nhà của Ta sẽ ở giữa chúng; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng và chúng sẽ là dân của Ta. Bấy giờ, các dân tộc sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, Đấng thánh hóa Ít-ra-en, khi Ta đặt thánh điện của Ta ở giữa chúng cho đến muôn đời." Mối bận tâm nhất của Gio-an là số phận của Giáo Hội. Đó là Ít-ra-en Mới, mà như Thiên Chúa đã thề sẽ bảo vệ dân Người ngày xưa thế nào thì bây giờ Người cũng hứa bảo vệ những kẻ được Đức Ki-tô cứu chuộc như vậy. Như Ê-dê-ki-en đã tiên báo một giao ước mới giữa Thiên Chúa và nhân loại về việc Người sẽ ở cùng dân Người cho đến muôn đời, cũng thế, Gio-an thấy giao ước này được thể hiện hoàn toàn qua việc Thiên Chúa ở cùng Giáo Hội. Gio-an nói: với những lời hứa như thế, thì dù bất cứ quyền lực nào của loài người, bất cứ bách hại nào có tàn ác, cũng không thể làm chúng ta thất vọng. Giáo Hội sẽ tồn tại, không những tồn tại mà còn chiến thắng nữa. Chiến thắng của Chúa Ki-tô được bảo đảm.
Ngôn sứ Gio-an
Rõ ràng Gio-an đứng trong hàng ngũ các ngôn sứ qua nhiều ám chỉ và trích dẫn ngài đã sử dụng. "Có ai giống như Con Người" trong thị kiến mở đầu (1:13) được mô tả theo ngôn ngữ của những thị kiến trong Đa-ni-en 10:5 tt và Ê-dê-ki-en 1:26 tt. Trong Kh 10:11, sau khi nghe được những lời đã nói với ngôn sứ Giê-rê-mi-a (1:10) khi vị này khởi đầu sứ vụ ngôn sứ, Gio-an đã nuốt đi cuốn sách giống như Ê-dê-ki-en đã làm (2:8 tt). Như chúng ta đã thấy, sách Đa-ni-en và Ê-dê-ki-en vang vọng trong suốt sách Khải Huyền. Việc sống lại của hai chứng nhân trong 11:11 được mô tả theo từ ngữ của Ê-dê-ki-en chương 37, và 11:4 tt lập lại những gì trong Da-ca-ri-a 4:11-14 (lưu ý: câu 10b-14 được đặt ngay sau câu 6a). Còn rất nhiều những ám chỉ khác về những sách ngôn sứ trên, cho nên nếu chỉ nhấn mạnh đến một ám chỉ nào đó thì quả thực là sai.
Ba-by-lon
Một điều đáng lưu ý nhất của sách Khải Huyền là sách đặc biệt nói đến hình ảnh Ba-by-lon. Trong Khải Huyền, Ba-by-lon tượng trưng cho đế quốc ngoại giáo Rô-ma, như trong 1 Phê-rô 5:13 rõ ràng Ba-by-lon có nghĩa là Rô-ma. Đây là một liên tưởng hoàn toàn của riêng Do-thái, bởi vì từ ngày bị phát lưu tại Ba-by-lon khiến cho Ít-ra-en tan nát và hoàn toàn biến mất trên trường chính trị, Ba-by-lon đã trở thành một dấu chỉ và biểu tượng kẻ thù của dân Chúa. Khi tiên báo chắc chắn về chiến thắng sau hết của Giáo Hội trên quyền lực bạo tàn của đế quốc ngoại giáo, bài ca than khóc Ba-by-lon trong chương 17 đã trích dẫn những sấm ngôn của ngôn sứ I-sai-a và Ê-dê-ki-en.
Thực ra không có sách Cựu Ước nào mà Gio-an không sử dụng, nhưng ngài đã không sử dụng chỉ vì những sách ấy quen thuộc với mình. Gio-an nhận ra lời Chúa trong Cựu Ước chứa đựng những chân lý ngàn đời. Do đó khi sử dụng và áp dụng Cựu Ước cho hoàn cảnh Giáo Hội, ngài đã chứng tỏ mình xác tín về sự duy nhất của hành động Thiên Chúa qua lịch sử. Vậy những gì trước kia Thiên Chúa đã làm cho dân Người thì Người cũng sẽ làm lại như vậy cho Giáo Hội, vì đó là bản chất của Người.
Đồng thời Gio-an cũng biết có sự khác biệt lớn lao đã xảy ra trong thế giới sau khi Chúa Giê-su Ki-tô đã sống, chết và sống lại. Cựu Ước đã được thể hiện trọn vẹn nơi Đức Ki-tô. Do đó, chúng ta thấy những thay đổi và thích ứng đã được Gio-an đưa vào hình ảnh Cựu Ước; những thay đổi và thích ứng ấy được ghi lại theo mạc khải mới và đầy đủ hơn của Đức Ki-tô. Gio-an nói: có một dòng liên hệ trực tiếp nối liền các thời đại Cựu Ước với Tân Ước, nhưng sự liên hệ ấy đồng thời cũng là một tiến bộ, một khai triển, hoặc một điều gì tuyệt diệu hơn.
"... như thể tiếng kèn"
Chúng ta hãy lấy một thí dụ để hiểu điều này nghĩa là gì. Trong chương 4, Gio-an kể lại thị kiến trên trời, rõ ràng được tả lại theo ngôn ngữ của chương thứ nhất sách Ê-dê-ki-en. Có một cái ngai và "có một Đấng ngự trên ngai" (c. 2), giống y như trong Ê-dê-ki-en 1:26 "trên cái gì tựa như cái ngai đó, có cái trông như hình dáng một người ở trên ngai" (lưu ý là cả Ê-dê-ki-en cũng sử dụng từ "tựa như"). Vậy tiếng nói "như thể tiếng kèn" (c. 1) khiến chúng ta liên tưởng đến Xuất Hành 19:16 kể lại Thiên Chúa hiện ra trên núi Si-nai, và dĩ nhiên ở đây, trường hợp của Khải Huyền, đó cũng là việc Thiên Chúa hiển linh. Ngai đó trông "giống như ngọc thạch và xích não... giống như bích ngọc" (c. 3), còn trong Ê-dê-ki-en 1:26 thì "giống như đá lam ngọc." "Ánh chớp, tiếng sấm tiếng sét...bảy ngọn đuốc" (c. 5) thì từa tựa như Xuất Hành 19:16 và Ê-dê-ki-en 1:27. "Cầu vồng" (c. 3) cũng gặp thấy trong Ê-dê-ki-en 1:28: "Như hình cầu vồng xuất hiện trên mây một ngày mưa thế nào, thì vinh quang Đức Chúa cũng như vậy." Và chắc chắn Gio-an cũng muốn diễn tả cùng một điều như vậy.
Mỗi sinh vật có bốn mặt
Có những song song khác giúp chúng ta thấy rõ hơn. Gio-an kể: "Chung quanh ngai có bốn Con Vật, đằng trước và đằng sau đầy những mắt. Con Vật thứ nhất giống như sư tử, Con Vật thứ hai giống như bò tơ, Con Vật thứ ba có mặt như mặt người, Con Vật thứ bốn giống như đại bàng đang bay. Bốn Con Vật ấy, mỗi con có sáu cánh, chung quanh và bên trong đầy những mắt" (4:6-8). Điều này rõ ràng song song với Ê-dê-ki-en 1:4-10: "... có cái gì tựa như bốn sinh vật. Đây là dáng vẻ của chúng: chúng trông giống như người ta. Mỗi sinh vật có bốn mặt và bốn cánh... Còn bộ mặt của chúng, thì chúng đều có mặt người đằng trước, cả bốn đều có mặt sư tử bên phải, cả bốn đều có mặt bò rừng bên trái, cả bốn đều có mặt phượng hoàng đằng sau. Những "mắt" được nói đến trong Gio-an thì trong Ê-dê-ki-en lại nằm chung quanh những "vành bánh xe" đi theo bốn sinh vật (1:18). Cả Ê-dê-ki-en lẫn Gio-an đều nói đến "biển trong vắt tựa pha lê" (Kh 4:6) nâng đỡ cái ngai (Ed 1:22,26).
Như thế rõ ràng Gio-an đã chủ ý diễn tả thị kiến của ngài dựa theo thị kiến của Ê-dê-ki-en, mặc dù nhiều khi ngài đã tóm kết lại hoặc đơn giản đi nhưng vẫn giữ gần giống như vậy. Tuy nhiên cũng có một ít thay đổi đáng kể.
Thị kiến của Ê-dê-ki-en khởi sự với vinh quang Thiên Chúa ngự trong Đền thánh Giê-ru-sa-lem, dưới bóng đôi cánh Kê-ru-bim, trên ngai đặt Hòm Bia Chứng Ước. Còn Gio-an khi chủ ý móc nối thị kiến của ngài với Cựu Ước, ngài muốn nói với chúng ta là đã có sự thay đổi lớn lao rồi.
Thị kiến
Trong thị kiến của Gio-an chứ không phải trong thị kiến của Ê-dê-ki-en, có hai mươi bốn vị Kỳ Mục đầu đội triều thiên, đứng chung quanh ngai (4:10). Những vị này, theo nghĩa thông thường của sách Khải Huyền, tượng trưng cho các Thánh thuộc Cựu và Tân Ước - số biểu tượng mười hai (mười hai chi tộc, mười hai Tông Đồ...) được nhân đôi. Đây là những vị "đã chiến thắng," như đã nhắc đến trong những chương đầu của sách Khải Huyền. Những vị này tạo nên sự khác biệt đáng kể giữa Gio-an và Ê-dê-ki-en. Ê-dê-ki-en viết trong sự mong đợi, còn Gio-an viết trong sự hoàn tất.
Một khác biệt lớn nữa gặp thấy khi thị kiến của Gio-an tiếp tục ở chương năm. "Bấy giờ tôi thấy đứng ở giữa ngai và bốn Con Vật, giữa các vị Kỳ Mục, một Con Chiên, trông như thể đã bị giết; Chiên đó có bảy sừng và bảy mắt, tức là bảy thần khí của Thiên Chúa đã được sai đi khắp mặt đất" (5:6). Đây là sự khác biệt lớn nhất giữa sứ điệp của Ê-dê-ki-en và sứ điệp của Gio-an, đó là Gio-an đã tỏ bày sứ điệp ấy nhân danh Đức Ki-tô vinh hiển trên trời.
Sách Hê-nóc
Con Chiên đã được ám chỉ về Đấng Mê-si-a, tức "Sư Tử xuất thân từ chi tộc Giu-đa, Chồi Non của Đa-vít" (5:5). Hình ảnh Con Chiên đã được lấy từ một số nguồn Cựu Ước. Con chiên trông như thể đã bị giết là hình ảnh mượn từ lời tiên tri về Đấng Cứu Thế của ngôn sứ I-sai-a 53:7, "như chiên bị đem đi làm thịt." Nhưng con chiên này không chỉ là con chiên đã bị giết, mà còn là con chiên chiến thắng, con chiên đang đứng, có sừng, tức là có quyền lực. Hình ảnh này lấy từ Sách Hê-nóc là sách đã mô tả Đấng Mê-si-a trông như một con chiên có sừng đang dẫn dắt dân Chúa tới chiến thắng. Trong cả Sách Hê-nóc lẫn Gio-an, từ Hy-lạp "chiên" giống nhau và khác với từ "chiên" trong sách ngôn sứ I-sai-a. Như thế là Gio-an đã tổng hợp hai ý tưởng trong Cựu Ước lại để diễn tả những khổ đau của Đấng Mê-si-a và khải hoàn của Người. Hình ảnh bảy mắt của Con Chiên được mượn từ sách ngôn sứ Da-ca-ri-a là sách Gio-an đã sử dụng rất nhiều hình ảnh từ đó: "Bảy ngọn đèn kia là bảy con mắt của Đức Chúa, đang rảo khắp cõi đất" (4:10). Gio-an còn đặc biệt giải thích những con mắt ấy là "bảy thần khí của Thiên Chúa đã được sai đi khắp mặt đất." Bởi vì hiện giờ cũng như trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa không chỉ cai trị và xem xét toàn thể trái đất, nhưng Người còn hành động cách thiêng liêng hơn khi Người sai Thần Khí của Chúa Cha và Chúa Con đến.
Việc Gio-an đặt Con Chiên "đứng ở giữa ngai và bốn Con Vật, giữa các vị Kỳ Mục" là để cho thấy Con Chiên tuy thuộc về trời, nhưng Người lại nối liền giữa Thiên Chúa và nhân loại. Chính sự chết và khải hoàn của Chúa Giê-su Ki-tô đã cho thấy khác biệt xa vời giữa Cựu Ước và Tân Ước.
Muốn đọc Gio-an, người ta phải đọc liên tục, nhất quán cho đến hết. Giáo huấn tuyệt vời của Khải Huyền là giáo lý đức tin và an ủi. Đó chính là lời tiên tri đích thực vậy.
Những truyền thống
Chúng ta chỉ có thể đọc Gio-an nếu lưu ý những sự kiện sau đây. Trước hết như chúng ta đã thấy, tác phẩm của ngài thấm nhuần những ám chỉ văn chương trong Cựu Ước, và Cựu Ước phải luôn luôn là khởi điểm khi bắt đầu giải thích sách Khải Huyền. Thứ hai, ngài viết trong một truyền thống khải huyền là truyền thống sử dụng những chủ đề quy ước qua những biểu tượng đã được cấu tạo và thừa nhận. Không nhìn nhận sự kiện này và lịch sử lúc Gio-an viết sách thì cũng giống như muốn giải thích Hiến pháp Hoa-kỳ mà không biết gì về lịch sử Hoa-kỳ. Và cuối cùng, chúng ta phải luôn luôn nhận ra những khác biệt Gio-an đã đưa vào trong những tư tưởng Cựu Ước và truyền thống trên, bởi vì những khác biệt ấy chính là cốt yếu của sứ điệp ngài muốn nói đến. Cũng như các sách Tân Ước, sách Khải Huyền không thể hiểu được nếu tách rời khỏi mạc khải của Chúa Ki-tô trong Giáo Hội.
Nếu nắm vững những sự kiện trên, chúng ta sẽ không sa vào những tin tưởng kỳ cục và bừa bãi của nhiều người đã cố tạo ra khi đọc sách Khải Huyền. Chúng ta sẽ tránh được nguy hiểm chính, đó là hiểu những hình ảnh Gio-an sử dụng theo nghĩa đen. Chúa Giê-su Ki-tô được diễn tả khi thì như Con Chiên, khi thì như Chàng Rể, khi thì như Con Người, tất cả những hình ảnh này đều có trong Cựu Ước. Nhưng đó là những biểu tượng mà thôi. Đức Ki-tô không phải thực sự là một Con Chiên, cũng thế, con số "một trăm bốn mươi bốn ngàn" trong 7:4 không phải là con số thực sự, nhưng chỉ là con số biểu tượng. Tất cả đều ám chỉ về một thực tại, thí dụ Con Chiên tượng trưng cho một thực tại, nên chúng ta đừng hiểu thực tại là chính biểu tượng ấy, mà phải hiểu thực tại là những gì biểu tượng ấy nói lên.
Một nguy hiểm chủ yếu nữa chúng ta sẽ tránh được nếu giữ những quy tắc trên, đó là muốn làm thỏa mãn tính tò mò của dân chúng bằng cách biến Khải Huyền thành một cuốn sách mộng mị về tương lai, đoán trúng về những biến cố lịch sử. Sách Khải Huyền là một lời tiên tri, nhưng việc tiên đoán hiểu theo ý nghĩa thiêng liêng chứ không phải về những điều vật chất.
Trong những bài kế tiếp, chúng tôi sẽ ứng dụng những nguyên tắc này và sẽ trình bày một tóm lược về giáo huấn của sách Khải Huyền. Để tiện lợi, chúng tôi xin chia thành ba phần, giống như các nhà chú giải Kinh Thánh thường làm. Xin nhớ là sự phân chia này chỉ là vì tiện dụng mà thôi. Tuy nhiên đối với sách của thánh Gio-an cũng như đối với văn loại khải huyền ngài đã sử dụng, việc phân chia không phải là dễ dàng. Chúng ta sẽ thấy toàn bộ của sách Khải Huyền lại ở trong từng mỗi phần của nó. Do đó việc phân chia chỉ là cách nhấn mạnh đến những điểm nào đó thôi.
III. BẢY HỘI THÁNH TIỂU Á
        Trong ba chương đầu sách Khải Huyền, chúng ta thấy có lời tựa của Gio-an, một thị kiến mở đầu và những thư gửi cho "bảy hội thánh." Một cách nào đó những thư này chuẩn bị cho toàn bộ sứ điệp của Khải Huyền và thực ra những thư ấy nhắm mục đích như vậy.
        Tại sao lại bảy hội thánh? Như chúng ta đã thấy, số bảy là con số tròn đầy của Do-thái. Có lẽ chúng ta không chút nghi ngờ rằng khi nhắc đến "bảy hội thánh" là Gio-an có ý nói đến Giáo Hội hoàn vũ, và khi bắt đầu sách với những lá thư gửi cho bảy hội thánh là ý ngài muốn những gì được nói trong sách này thì cũng được nói cho toàn thể Giáo Hội, như sách Khải Huyền làm chứng điều ấy.
        Đồng thời, Gio-an đã nêu rõ từng hội thánh một, chứ không phải ngài chỉ gặp đâu nói đấy. Nếu nhìn vào bản đồ Tiểu Á (nay là Thổ-nhĩ-kỳ) và đảo Phát-mô là nơi Gio-an đã sống (1:9), rồi để ý đến vị trí theo thứ tự các hội thánh nhận thư (chương 2-3), chúng ta sẽ hiểu được rõ hơn những gì ngài muốn nói. Như chúng ta thấy, bắt đầu với Ê-phê-xô là thành phố đứng đầu của vùng Á-châu thuộc đế quốc Rô-ma, ngài đã lần lượt một vòng nói đến những thành phố quan trọng trong vùng. Truyền thống kể rằng trong những năm cuối đời, ngài đã qua lại những nơi này. Đó cũng là lẽ tự nhiên việc ngài viết cho những hội thánh ngài quen biết khi ngài muốn viết một cuốn sách gửi cho toàn thể Giáo Hội. Chúng ta cũng sẽ thấy mỗi hội thánh ngài chọn đều có những đặc nét nói lên một đề tài thích hợp, một phần trong sứ điệp ngài muốn gửi đi.
        Gio-an bắt đầu (1:1-3) bằng cách giới thiệu trình bày việc mạc khải cho ngài là do Đức Giê-su Ki-tô về những điều sắp phải xảy tới. Như chúng tôi đã giải thích, phần còn lại của sách Khải Huyền sẽ giúp hiểu những điều ấy một cách đơn giản, tức là hiểu về cuộc khải hoàn của Giáo Hội Chúa Giê-su Ki-tô trước cuộc bách hại. Trong câu 3 người ta gặp thấy lời chúc phúc đầu tiên trong bảy "mối phúc" (những lời khác trong 14:13, 16:15, 19:9, 23:7 và 23:14) rải rác trong suốt cuốn sách. Một lần nữa, như vẫn thường làm, Gio-an nhấn mạnh rằng sắp đến lúc mạc khải được thể hiện.
        Trong 1:4-8, Gio-an gửi lời chào tới "bảy hội thánh", rất giống với cách Phao-lô bắt đầu các thư của ngài. Chúng ta cũng lưu ý là trong số các tác giả sách thánh Tân Ước, Gio-an lệ thuộc vào Phao-lô nhiều nhất - ân sủng và bình an ở cùng anh em là lời chào Phao-lô thường sử dụng, và danh hiệu trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại chỉ về Đức Ki-tô trong câu 5 là trích dẫn từ Cô-lô-xê 1:18. Chú ý trong các câu 4-6, Gio-an nói đến Ba Ngôi Thiên Chúa. Điều này cũng là một điển hình cho thấy ngài đã sử dụng "số bảy" để nói về sự hiệp nhất toàn vẹn. Lời chào phát xuất từ Đấng hiện có, đã có và đang đến, tức là từ Thiên Chúa Cha. Đây là cách Gio-an đã thay đổi danh hiệu của Thiên Chúa trong Xuất Hành 3:14 đi để cho phù hợp với mục đích của Khải Huyền. Rồi lời chào cũng phát xuất từ bảy thần khí hiện diện trước ngai của Người. Ở đây phải hiểu theo 4:5 và 5:6 và rõ ràng là Chúa Thánh Thần ("bảy" là ý mượn từ Is 11:2). Sau hết lời chào phát xuất từ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã làm cho chúng ta thành vương quốc và hàng tư tế, nghĩa là Đấng đã thiết lập một giao ước mới ("vương quốc" và "tư tế" là những từ dùng để chỉ về Ít-ra-en trong Ê-dê-ki-en 19:6 và Thánh Vịnh 114:2).
        "An-pha và Ô-mê-ga"
        Những từ ngữ tiếp theo để diễn tả Đức Ki-tô đã nói lên giáo lý Tân Ước về ơn cứu chuộc Người đem đến. Trong câu 7, có sự phối hợp ám chỉ giữa Mc 13:26 cùng những điều song song với Đn 7:13, và với Dc 12:10tt. Gioan trích lời Thiên Chúa phán: "Ta là An-pha và Ô-mê-ga." Câu nói này có nghĩa Người là khởi đầu và kết thúc. Thiên Chúa, Đấng hiện có, đã có và đang đến - đã hoàn toàn trải dài suốt dòng lịch sử, và mọi sự đều ở trong tay Người, bởi vì Người là Đấng Toàn Năng. Như thế chúng ta có một mở đầu thích hợp cho sứ điệp của Gio-an.
        Tuy nhiên, trước khi thực sự nói với các hội thánh, Gio-an mô tả một thị kiến về Con Người được mạc khải như sau. Chất liệu để mô tả hầu hết lấy từ chương 7 sách Đa-ni-en và chương 1 sách Ê-dê-ki-en. Đọc kỹ những chương này giúp chúng ta có một ý niệm về ý nghĩa của hình ảnh Gio-an sử dụng và biết được ngài đã thay đổi đi cho phù hợp với sứ điệp đặc biệt của mình. Chúng ta cũng có thể nói thêm là Gio-an đã có ý muốn chúng ta hiểu tại sao ngài làm như vậy - hoặc nói đúng hơn, ngài đã viết cho những người từng quen thuộc với những đoạn Cựu Ước ấy và do đó họ biết phải giải thích những lời của ngài như thế nào. Sự kiện này được minh chứng qua việc Gio-an thấy không cần phải giải thích hình ảnh quen thuộc ấy; nhưng trái lại, nếu ngài đưa ra một biểu tượng mới không có trong Cựu Ước thì ngài sẽ giải thíchngay ý nghĩa của nó. Thí dụ bảy ngôi sao và bảy cây đèn vàng được giải thích trong câu 20 vì đó là những biểu tượng của riêng Gio-an sử dụng. Nhưng những biểu tượng khác thì tốt nhất Cựu Ước sẽ giúp giải thích cho chúng ta.
        Gio-an viết cho một hội thánh bị bách hại - Chia sẻ nỗi gian truân và kiên trì chịu đựng trong Đức Giê-su (câu 9) là hai lối diễn tả ưng ý nhất của Phao-lô để nói lên việc chịu đau khổ vì Tin Mừng. Còn Gio-an, một nạn nhân trong cuộc bách hại này (truyền thống kể lại rằng ngài đã bị phát lưu đến đảo Phát-mô dưới thời hoàng đế Đô-mi-xi-a-nô, 81-96 sau công nguyên) đã xuất thần, tức là đã nhận được mạc khải của Thiên Chúa, vào ngày Chúa Nhật, có thể trong lúc cử hành phụng vụ. Ngài đã nhìn thấy có ai giống như Con Người (Đn 7:13) đứng ở giữabảy cây đèn vàng, tức là giữa các hội thánh, như câu 20 sẽ giải thích. Dĩ nhiên Con Người là chính Đức Ki-tô, Đấng mặc áo chùng của vua chúa và ngang ngực có thắt đai của tư tế (câu 13). Việc Người đứng giữa những cây đèn vàng tượng trưng Người là Chúa của Giáo Hội Người. Người còn được mô tả là tóc trắng như len. Chi tiết này cũng mượn từ Đn 7:9. Tóc trắng tượng trưng cho sự vĩnh cửu; trong Đa-ni-en đó là đặc tính của Đấng Lão thành (Thiên Chúa), nhưng Gio-an lại rút gọn hình ảnh Đa-ni-en sử dụng và áp dụng cho Con Người, Đấng cũng là Thiên Chúa. Phần còn lại của mô tả trong các câu 14-15 cũng mượn từ Đa-ni-en, nhưng từ một thị kiến khác trong 10:5t. Tiếng Người như tiếng nước lũ là trích từ Ed 1:24, 43:2, vv. Bảy ngôi sao trong tay phải của Con Người được giải thích sau này và thanh gươm hai lưỡi trong miệng Người là một biểu tượng dễ hiểu chỉ về lời Chúa.
        Bảy hội thánh
        Như vậy, qua hình ảnh ấy, Gio-an đã loan báo rằng mạc khải ngài nhận được là từ nơi Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là Người, tức là Đấng Mê-xi-a, Đấng Cứu Thế, Đấng là Chúa của lịch sử và của Giáo Hội. Chính điều này đã được xác quyết do những lời của Con Người trong những câu cuối cùng của chương 1 này. Không rõ các thiên thần của bảy hội thánh có phải là biểu tượng nói về các giám mục của những hội thánh sẽ nhận được thư như chúng ta thường nghĩ, hay chỉ có nghĩa là những thiên thần Chúa đã chỉ định phải coi sóc Giáo Hội của Người, về điều này không thể xác định được.
        Nếu đọc thư gửi cho các hội thánh trong hai chương kế tiếp, chúng ta thấy là các thư ấy đều theo một mẫu đã saün. Phần vào đề theo khuôn mẫu "Hãy viết cho thiên thần của Hội Thánh..." Rồi tiếp đến là sứ điệp, chia làm hai phần, phần thứ nhất là khen ngợi và phần thứ hai là khuyến cáo. Cuối cùng kết luận cũng chia làm hai phần, (a) "Ai có tai..."; và (b) "Ai thắng..." Cũng nên lưu ý cách thức đặc biệt của Gio-an là trong ba thư đầu, mẫu (a) đi trước (b), nhưng trong bốn thư sau, mẫu (b) đi trước mẫu (a). Điều này như chúng tôi đã trình bày trong bài trước, cách thức của văn loại khải huyền là chia số bảy thành những nhóm bốn và ba. Thường thì Gio-an theo cách chia bốn-ba hơn là ba-bốn như ở đây. Thí dụ, trong chương 6, bốn trong bảy ấn được mở trước và ba ấn còn lại được mở sau. Cũng vậy, trong chương 8, bốn trong bảy kèn được thổi lên trước, còn ba kèn kia được thổi lên sau.
        Nếu xếp các thư gửi cho bảy hội thánh thành một nhóm, trước hết chúng ta sẽ hiểu Gio-an muốn nói gì. Rõ ràng trong các thư ấy, có những điều chi tiết liên quan riêng đến hội thánh mà thư được gửi cho, và do đó những điều ấy cũng là lý do tại sao hội thánh ấy được chọn lựa. Gio-an có những điều muốn khen ngợi và khuyến cáo các Ki-tô hữu trong thời ngài. Đồng thời, kết luận trong mỗi trường hợp cũng là điều ngài muốn gửi tới toàn thể Giáo Hội - "Ai có tai, thì hãy nghe điều Thần Khí nói với các Hội Thánh." Cũng vậy, lời hứa cho "ai thắng" được nói với toàn thể Ki-tô hữu, bởi vì ai chiến thắng được những thử thách do bách hại và cám dỗ, thì phần thưởng của họ sẽ là sự sống đời đời. Vậy bảy hội thánh qua tính cách biểu tượng của mình đã tượng trưng cho toàn thể Giáo Hội, mặc dù mỗi hội thánh đều nhận một thư riêng biệt.
        Thanh gươm hai lưỡi
        Một tiêu chuẩn nữa chúng ta gặp ở những công thức trong các thư ấy, đó là hầu như trong mỗi thư, danh hiệu của Chúa Ki-tô lại là một trong số những chi tiết của thị kiến mở đầu. Như vậy, Đấng cầm bảy ngôi sao trong tay hữu... (2:1), Đầu và Cuối... (c. 8), Đấng mang thanh gươm hai lưỡi sắc bén (c. 12), Đấng có mắt như ngọn lửa hồng... (c. 18), và tiếp tục như vậy. Chỉ có một ngoại trừ là trong 3:7, thư gửi hội thánh Phi-la-đen-phi-a nói đến Đấng Chân Thật (một từ sách Tin Mừng Gio-an thường sử dụng để chỉ về "Thiên Chúa"), Đấng giữ chìa khóa vua Đa-vít... là một hình ảnh lấy từ I-sai-a 22:22 và được chọn lựa vì nội dung đặc biệt của thư gửi hội thánh Phi-la-đen-phi-a, về cánh cửa mở ra (một đặc ngữ của Phao-lô). Trong 3:14, thư gửi hội thánh Lao-đi-ki-a, danh hiệu một phần lấy trong thị kiến mở đầu, tức làChứng nhân trung thành và chân thật, phần khác lấy từ Châm Ngôn 8:22, tức là Khởi Nguyên của mọi loài Thiên Chúa tạo dựng.
        Hội thánh tại Ê-phê-xô (2:1-7) gần như hoàn toàn được ca ngợi. Ê-phê-xô đã đứng vững trong bách hại và đã sinh rất nhiều hoa trái việc lành như chúng ta có thể thấy qua sự ngưỡng mộ của thánh Phao-lô đối với hội thánh này. Họ đã theo lệnh của ngài, từ chối những thầy dạy giả trá và không ngại mệt mỏi phụng sự Chúa. Chỉ có lòng mến của họ là hơi nguội lạnh. Do đó, nguy cơ là Ê-phê-xô có thể đánh mất địa vị ưu tú giữa các hội thánh của Chúa. Tuy vậy, nguy cơ này xem ra vẫn còn xa, bởi vì Ê-phê-xô đã tẩy chay lạc thuyết của bè Ni-cô-la là lạc thuyết đã được nhắc tới ở câu 15 liên hệ tới hội thánh Pe-ga-mô, và cũng có thể ở câu 24 ("các bí mật thâm sâu của Sa-tan") liên hệ tới hội thánh Thy-a-ti-ra. Chúng ta không rõ lạc thuyết của bè Ni-cô-la là gì, nhưng có lẽ đó là một trong những nhóm rất phát triển tại Tiểu Á. Bè này chính thánh Phao-lô đã phải mãnh liệt chống lại trong thư ngài gửi cho tín hữu Cô-lô-xê sống gần đó và cũng chính là bè mà thánh Gio-an đã chống lại qua sách Tin Mừng của ngài. Vậy bè lạc giáo ấy thường được gọi là ngộ đạo thuyết, chủ trương có một thứ "khôn ngoan" ở cấp độ cao hơn và được sắp đặt để đối nghịch lại Tin Mừng. (Gnosticism: Chủ nghĩa tri thức, phái linh trí [là phong trào triết học khoảng trước hay sau kỷ nguyên, hỗn hợp nhiều thuyết tôn giáo, nhiều luồng tư tưởng, chủ trương vũ trụ nhị nguyên luận, trong đó việc giải thoát do thần linh mà đến, và hướng đi cuối cùng của vạn vật là chế ngự "vật chất" để trở về với "tinh thần"]. Christian Gnosticism: Chủ nghĩa tri thức Ki-tô giáo, phái linh trí Ki-tô giáo, thuyết dị đoan huyễn thức [bè dị đoan của phái linh trí phát sinh khi hấp thụ giáo lý Ki-tô giáo. Họ chủ trương thân thể Đức Ki-tô chỉ có bề ngoài mà không có thực, thân thể ấy không thể phục sinh, chỉ linh hồn mới bay thẳng lên thiên đàng]. Trích: Tự điển Thần học Tín lý Anh-Việt, nhóm Phiên dịch Tu sĩ Việt Nam tại Đài Loan thực hiện, Đài Loan 1996, trang 96-97. Người dịch trích dẫn, mong giúp độc giả dễ hiểu hơn).
        "Cây sự sống"
        Như chúng tôi đã nói trước đây, ở cuối thư gửi hội thánh Ê-phê-xô là một lời hứa và cũng là lời hứa nói với toàn thể Ki-tô hữu. Ki-tô hữu nào chiến thắng sẽ được ăn trái cây sự sống trồng nơi ngự uyển của Thiên Chúa. Hình ảnh ám chỉ Sáng Thế chương 2-3, về câu truyện con người được tạo dựng và sa ngã. Phần thưởng dành cho Ki-tô hữu sống tốt đó là số phận vĩnh cửu mà con người đã đánh mất khi bắt đầu có muôn loài muôn vật. Lời hứa này được lập lại, với cách dùng chữ khác nhau và đặt ở cuối mỗi thư. Trong câu 11, lời hứa ấy là ai thắng sẽ không hề bị cái chết thứ hai làm hại. Theo văn chương Do-thái thời ấy, chúng ta biết điều này có nghĩa là "bị án phạt." Vậy cái chết của thân xác, tức cái chết thể lý, là "cái chết thứ nhất" và không ai thoát được cái chết này. Còn cái chết của linh hồn, tức là án phạt mà bất cứ ai sinh ra cũng đều phải chịu, đó là "cái chết thứ hai" và người ta vẫn có thể tránh được nó. Đức Ki-tô đã dùng hình ảnh những cái chết này trong Mát-thêu 10:28. Trong 2:17, Ki-tô hữu chiến thắng được hứa ban man-na được dấu kỹ và một viên sỏi trắng, trên sỏi đó có khắc một tên mới, chẳng ai biết được tên ấy, ngoài người lãnh nhận. Bình thường người Do-thái nói về man-na trong Cựu Ước như là thức ăn dành cho những ai được Đấng Mê-xi-a tuyển chọn khi Người đến. Như vậy, cho đến thời gian ấy nó vẫn còn là "được dấu kỹ", được dành riêng. Trong chương 6 sách Tin Mừng Gio-an, man-na được coi là biểu tượng của Thánh Thể đem đến sự sống đời đời. "Tên mới" chẳng ai biết được trừ người lãnh nhận, đó là một chủ đề được lập lại nhiều lần trong 3:12, 19:12, cũng như trong Ga 10:3tt và là một ám chỉ của Is 62:2 nói về vinh quang Ít-ra-en được tái lập: "Người ta sẽ gọi ngươi bằng tên mới, chính là tên miệng Đức Chúa đặt cho." Cho nên tên mới cũng chỉ về sự sống vĩnh cửu. Còn tại sao lại nói "một viên sỏi trắng" thì người ta giải thích khác nhau. Những người thuộc giáo phái ngoại đạo và chống lại Ki-tô giáo coi những viên sỏi như huy hiệu nói lên căn tính của mình. Mầu trắng trong văn chương khải huyền luôn là dấu chỉ chiến thắng và đặc biệt liên hệ với sự sống trên trời; đây là một biểu tượng về thời gian, vì người Rô-ma khi chiến thắng thì thường mặc áo dài trắng và khi nói đến một ngày thành công thì thường nói "đó là ngày được đánh dấu bằng một viên sỏi trắng."
        Trong 2:26-28, phần thưởng được hứa ban cho người chiến thắng phải hiểu theo ngôn ngữ của Thánh Vịnh 2, tức là Thánh Vịnh về khải hoàn của Đấng Mê-xi-a. Đây cũng chính là khải hoàn Đức Ki-tô đã lãnh nhận từ Chúa Cha (câu 28), hợp với lời hứa được lập đi lập lại trong sách Tin Mừng Gio-an. Phần thưởng ấy cũng liên hệ với Sao Mai, một ám chỉ trong Is 14:12 và những đoạn sử dụng hình ảnh này để diễn tả những gì được tôn vinh và vĩ đại, có lẽ cũng ám chỉ chính Đức Ki-tô là ánh sáng trần gian như thường thấy trong tin Mừng Gio-an. Trong 3:5, lời hứa gồm có ban áo trắng, tức sự sống thiên quốc, và Sổ Trường Sinh, tức sự sống vĩnh cửu theo tư tưởng Do-thái cổ xưa, như trong Xh 32:32 và trong thư thánh Phao-lô. Rồi Đức Ki-tô "sẽ nhận người ấy trước mặt Cha Ta và trước mặt các thiên thần của Người" tựa như Chúa đã hứa trong Mt 10:32. Trong 3:12, Ki-tô hữu chiến thắng sẽ là cột trụ (một kiểu nói của Phao-lô như trong Gl 2:9) trong Đền Thờ Thiên Chúa, tức Giê-ru-sa-lem trên trời, chủ đề của phần cuối cùng sách Khải Huyền. Ở phần cuối này lại nhắc đến tên mới một lần nữa, tức là tên đã được Đức Ki-tô tỏ ra cho các môn đệ Người và sẽ không bị lấy đi khỏi họ, như trong Ga 17:26. "Tên" trong tư tưởng Sê-mít có nghĩa là chính con người mang tên ấy. Trong sách Tin Mừng Gio-an, "ở lại trong danh Đức Giê-su" có nghĩa là "sống trong Đức Giê-su", tức là chia sẻ chính sự sống của Người. Sau hết, 3:21 nói rằng Ki-tô hữu chiến thắng sẽ được ngồi bên Đức Ki-tô trên ngai của Người.
        Vậy qua tất cả những khẳng định với các hội thánh địa phương, người ta thấy có một sứ điệp chung gửi cho toàn thể Ki-tô hữu. Tình trạng hội thánh Miếc-na (2:8-11) khá hơn tình trạng hội thánh Ê-phê-xô, bởi mọi sự nói về hội thánh ấy đều tốt cả. Hội thánh ấy chịu nỗigian truân, bách hại và cảnh nghèo khó vật chất, nhưng lại giầu có về mặt thiêng liêng (tư tưởng này cũng gặp trong Lc 12:21). Dường như hội thánh Miếc-na có đông tín hữu gốc Do-thái và họ chịu bách hại là do những đồng hương Do-thái không muốn tiếp nhận Ki-tô giáo. Thánh Gio-an nói rằng những kiều bào Do-thái bách hại anh em mình không phải là Do-thái đích thực, vì Ít-ra-en đích thực chính là Giáo Hội. Điều này trung thực với tư tưởng Phao-lô trong Rm 2:28 và 1 Cr 10:18. Gio-an nói: họ phải chịu bách hại lớn lao, nhưng nếu họ trung thành thì sẽ được ban triều thiên sự sống (có lẽ trích dẫn Gia-cô-bê 1:12). Cuộc bách hại sẽ kéo dài trong vòng mười ngày. Trong văn chương khải huyền, số "mười" là con số vô hạn định, và "ngày" đối nghịch với "năm" tức là thời gian ngắn chứ không phải thời gian dài.
        Hội thánh Pe-ga-mô (2:12-17) được ca ngợi, nhưng cũng bị kết án. Pe-ga-mô là nơi đặt ngai của Xa-tan; có lẽ ở đây muốn nhắc đến sự kiện Pe-ga-mô là một trong những trung tâm chính thờ Hoàng đế, tức là nơi vua Xê-sa-rê được sùng bái như một vị thần. Tại Pê-ga-mô, Ki-tô hữu đã mau mắn giữ vững đức tin dưới cơn bách hại và phải chịu tử đạo nữa. Đặc biệt một vị tử đạo đã được nhắc đến là An-ti-pa, nhưng không ai rõ lai lịch. Tuy nhiên một số Ki-tô hữu Pe-ga-mô lại chạy theo đám sùng bái ấy, chẳng khác gì những người Do-thái ngày xưa đã nghe lời rủ rê thờ phượng thần ngoại trên đồng bằng Mô-áp (Ds 24:3; 25:2). Họ đã bị lây nhiễm bè lạc giáo Ni-cô-la và nếu họ không hối cải thì sẽ bị kết án đau khổ do lưỡi gươm từ miệng Ta.
        Đạo lý giả dối
        Hội thánh Thy-a-ti-ra (2:18-29) cũng có những lý do để được ca ngợi và bị trách mắng. Nói chung tín hữu đã trung thành trong những việc lành, nhưng một số người đã để cho một người đàn bà xưng mình là nữ ngôn sứ mê hoặc. Thánh Gio-an gọi mụ đàn bà này là Giê-da-ben, tên bà vợ tồi bại của vua A-kháp nước Ít-ra-en. Họ đã bị dụ dỗ làm chuyện gian dâm, tức thờ ngẫu tượng như Cựu Ước thường hiểu như vậy. Chúng ta hiểu đó là việc thờ ngẫu tượng, vì căn cứ vào điều được nói đến tiếp theo là họ đã bị lôi cuốn ăn đồ cúng. Về việc ăn đồ cúng, thánh Phao-lô đã cảnh cáo trong thư 1 Cr 8:10; 10:14tt). Thánh Gio-an nói: "Giê-da-ben" này sẽ bị cơn bệnh nan y ("Ta bắt nó phải liệt giường") và những kẻ theo nó cũng sẽ bị diệt vong, vì Đức Ki-tô sẽ tùy theo việc các ngươi làm mà thưởng phạt mỗi người (c. 23). Đạo lý giả dối này cũng được giải thích là những gì mà "chúng gọi là các bí mật thâm sâu của Xa-tan" (c. 24). Có thể những kẻ theo gọi đạo lý ấy là "những điều thâm sâu", trong khi Ki-tô hữu đích thực thì gọi đạo lý ấy là "đạo lý của Xa-tan." Điều thâm sâu của đạo lý này giống như một thứ tri thức "cao hơn" do phái linh trí Ki-tô giáo chủ trương. Hầu hết Ki-tô hữu tại Thy-a-ti-ra đã không ngã vào lạc thuyết này.
        Hội thánh Xác-đê (3:1-6) bị kết án nặng nề nhất. Đó là một hội thánh chết hoàn toàn về mặt thiêng liêng; ngay cả những kẻ còn trung thành cũng sắp chết; họ chẳng có việc lành nào để tỏ ra hết. Do đó họ liều mình bị Đức Ki-tô xét xử. Người sẽ đến như kẻ trộm, bất chợt vào ban đêm (1 Tx 5:2). Chỉ có ít người thuộc Xác-đê sẽ được mặc áo trắng, đi cùng Đức Ki-tô, nghĩa là được chia sẻ cuộc Khải hoàn của Người mà thôi.
        Một tương lai rực rỡ
        Hội thánh Phi-la-đen-phi-a (3:7-13) là hội thánh duy nhất được nói tốt. Trong gian nan, rõ ràng là chịu bách hại bởi người Do-thái, họ vẫn trung kiên giữ vững đức tin. Do đó Chúa đã để một cửa mở trước mặt, thành ngữ được sử dụng trong Cl 4:6 và có nghĩa là một điều lớn lao chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai. Ở đây người ta thấy có hai điều được hứa ban cho hội thánh Phi-la-đen-phi-a: thứ nhất, các kẻ bách hại sẽ bị nhục nhã; thứ hai, hội thánh này sẽ được giữ gìn khỏi những khốn khó đang xảy đến trên toàn cõi đất.
        Thư gửi hội thánh Lao-đi-ki-a (3:14-22) có lẽ thời danh nhất, vì những dòng chữ trong các câu 15-16. Lao-đi-ki-a bị kết án, mặc dù trường hợp của hội thánh này không phải là tuyệt vọng. Hiển nhiên thánh Gio-an đã sử dụng hình ảnh những suối nước nóng nổi tiếng của Lao-đi-ki-a. Sách Khải Huyền nói: tín hữu Lao-đi-ki-a không nóng cũng chẳng lạnh, không trung thành nhưng cũng chưa mất đức tin. Cho nên họ phải quyết định dứt khoát làm môn đệ Chúa Ki-tô và giữ tất cả những đòi hỏi của việc làm môn đệ, hoặc không còn giả vờ mang danh Ki-tô hữu nữa. Trong các câu 17-18, màu sắc địa phương được sử dụng để nói lên ngôn ngữ đặc thù của sứ điệp gửi hội thánh Lao-đi-ki-a. Thành phố nổi tiếng về thương mại - điều này có lẽ ảnh hưởng tới tình trạng hâm hẩm nửa nóng nửa lạnh của tín hữu Lao-đi-ki-a. Chúa truyền lệnh hãy mua vàng đã thử lửa, có nghĩa là vàng ròng, vàng của sự giàu có thiêng liêng chứ không phải giàu có thế gian; chỉ như thế họ mới được mặc áo trắng. Người còn bảo họ phải đến với Người mà mua thuốc xức mắt. Tại Lao-đi-ki-a có trường y khoa thời danh. Tuy nhiên, thứ thuốc xức mắt tín hữu Lao-đi-ki-a cần là thứ thuốc thiêng liêng để giúp họ nhìn thấy được thực tại thiêng liêng. Trong gian truân, họ phải nhận ra được những nỗ lực Chúa muốn cải hóa họ, tuy Người không nói rằng những nỗ lực ấy đều là uổng công.
        Cựu Ước
        Sau khi rảo qua ba chương đầu của sách Khải Huyền, chúng ta đã thực sự có được một hình ảnh về toàn thể câu truyện sẽ được tỏ lộ trong những chương tiếp theo. Qua những hình ảnh khác biệt, những gì là căn bản nói về cùng một sứ điệp thì sẽ được mạc khải, không phải một lần mà là nhiều lần. Trong ba chương đầu tiên, chúng ta đã thấy các phần khác nhau được liên kết lại bằng những ám chỉ về những gì đã xảy ra trong quá khứ và những gì sẽ tiếp đến. Như vậy, qua tất cả cuốn sách chúng ta nhận ra đó là cách viết của người Sê-mít nói chung. Chúng ta có thể lấy một thí dụ cụ thể nhất trong sách Khải Huyền, là những gì thánh Gio-an muốn diễn tả khi ngài nói về Thiên Chúa là Đấng hiện có, đã có và đang đến. Ngài gắn bó với truyền thống quá khứ Cựu Ước, nhắc đến những biến cố đương thời, tiên báo về tương lai sắp đến, tất cả quyện chặt lấy nhau để tạo thành văn thể sách Khải Huyền. Một sứ điệp đã được gửi đến các Ki-tô hữu thời Gio-an, đặc biệt là các tín hữu thuộc bảy hội thánh Tiểu Á, nhưng trước hết đó là sứ điệp vượt thời gian gửi đến toàn thể Giáo Hội qua mọi thời đại mà bảy hội thánh kia chỉ là tượng trưng cho Giáo Hội mà thôi.
        Trong hai bài tới, tuy ngắn gọn hơn, chúng tôi sẽ tiếp tục quảng diễn những chủ đề này qua những chương kế tiếp của sách Khải Huyền.
 IV.  TAI ƯƠNG XẢY TỚI
        Thực ra các nhà chú giải sách Khải Huyền đều đồng ý là sau phần dẫn nhập với những thư gửi cho bảy hội thánh (chương 1-3), thân đề của sách được chia làm hai phần chính, phần thứ nhất từ chương 4 đến 11. Phần này diễn tả cuộc khải hoàn tương lai của Chúa Ki-tô và Giáo Hội Người trên quan điểm tiêu cực, nghĩa là nhấn mạnh đến việc trừng phạt những kẻ thù của Thiên Chúa. Trong bài tới, chúng ta sẽ thấy khía cạnh tích cực hơn.
        Các thư gửi cho bảy hội thánh thực ra đã gồm tóm tất cả những gì được viết trong hai phần chính ấy. Nhưng trong các thư, những sự kiện chỉ mới được khẳng định, còn trong phần thân đề, những sự kiện đó sẽ được mô tả như một thị kiến của ngôn sứ.
        Cũng như trong các thư gửi cho bảy hội thánh, Gio-an bắt đầu với một thị kiến về Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên thị kiến này không xảy ra ở dưới đất, mà ở trên trời, và được mô tả chi tiết hơn nhiều.
        Trước hết là thị kiến về Chúa Cha và Chúa Thánh Thần (chương 4). Chất liệu Gio-an sử dụng để mô tả thị kiến hầu hết lấy từ I-sai-a chương 6, Ê-dê-ki-en chương 1 và Đa-ni-en chương 7. Nếu đọc qua những đoạn Cựu Ước này, chúng ta thấy Gio-an mô tả cái ngai trên trời theo cách của Ê-dê-ki-en, những "sinh vật" đứng chung quanh ngai là hình ảnh lấy từ Ê-dê-ki-en và I-sai-a, còn một số chi tiết khác thì lấy từ Đa-ni-en. Có một ít thay đổi, thí dụ Gio-an đã đơn giản hóa thị kiến của Ê-dê-ki-en, bỏ đi "những bánh xe" và cho những sinh vật ấy mang những biểu tượng nói lên sự hiện diện toàn năng của Thiên Chúa, tức là những mắt ở "đằng trước và đằng sau" (c. 6), thay vì ở chung quanh bánh xe như trong Ê-dê-ki-en. Hơn nữa, đây là thị kiến Ki-tô chứ không phải Do-thái, do đó Chúa Thánh Thần, được mệnh danh là "bảy thần khí của Thiên Chúa" (c. 5), được đưa vào trong thị kiến và được giải thích.
        Đó là thị kiến mà Gio-an đã được đưa lên tầng trời và nhìn thấy Thiên Chúa Cha ngự trên ngai trời, có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, chung quanh là các tạo vật biểu trưng mà chúng ta thường gặp thấy trong Kinh Thánh Cựu Ước. Thiên Chúa nhậm lời ca tụng của toàn thể tạo vật, kể cả "hai mươi bốn vị Kỳ Mục" ngồi trên hai mươi bốn cái ngai chung quanh Người. Những cái ngai chúng ta đã đọc trong Đa-ni-en. Sự kiện có hai mươi bốn cái ngai là do Gio-an thấy cần thay đổi cho thích hợp với Khải Huyền Ki-tô giáo. Các vị Kỳ Mục tượng trưng cho những người được tuyển chọn trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Hình ảnh biểu tượng này đã được nói đến trước đây trong Cựu Ước rồi, vì trong Is 24:23 chúng ta đọc thấy "Đức Chúa các đạo binh hiển trị trên núi Xi-on và tại Giê-ru-sa-lem; và vinh quang Chúa tỏ rạng trước mặt các kỳ mục của Người."
        Con Chiên
        Ngôi Hai Thiên Chúa, Chúa Con, xuất hiện trong chương 5, được tượng trưng dưới hình ảnh Con Chiên. Trước hết, bên phải Chúa Cha có một cuốn sách viết cả trong lẫn ngoài, niêm bảy ấn (xem Ed 2:9-10). Như chúng ta sẽ thấy, sách đó là sách nói về tương lai, chỉ được tỏ lộ do một mình Thiên Chúa mà thôi. Duy có Sư tử xuất thân từ chi tộc Giu-đa, Chồi Non của Đa-vít, là Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, mới có thể mở cuốn sách ấy và tỏ ra những gì được viết trong đó.
        Bởi vậy, đây là cách giới thiệu Con Chiên, "đứng... và trông như thể đã bị giết, có bảy sừng và bảy mắt, tức là bảy thần khí của Thiên Chúa đã được sai đi khắp mặt đất" (c. 6). Con Chiên là hình ảnh Đấng Mê-si-a, lấy trong Is 53, có sừng là tượng trưng cho quyền lực (Sách Hê-nóc trình bày Đấng Mê-si-a như con chiên có sừng), và cũng như Chúa Cha, Người sai Thánh Thần Thiên Chúa tới (xem Ga 15:26...). Chỉ mình Người mới có thể mở cuốn sách, cho nên những kẻ trung thành đến dâng lời cầu nguyện lên Người (c. 8).
        Thật là hấp dẫn nếu chúng ta xem cách Gio-an nhìn cả Giáo Hội được vinh hiển trên trời lẫn Giáo Hội tại thế là cùng một thực thể. Dĩ nhiên điều này giáo lý Tân Ước thường dạy như vậy. Những "chén vàng đầy hương thơm", tức là những lời cầu nguyện của các thánh, được hai mươi bốn vị Kỳ Mục dâng lên Thiên Chúa. "Các thánh" là những phần tử của Giáo Hội dưới đất, như thánh Phao-lô trong các thư thường gọi Ki-tô hữu như vậy, khi ngài mượn trong Cựu Ước từ ngữ gọi những người Ít-ra-en trung thành là các vị thánh của Thiên Chúa. Sự hiệp nhất cầu nguyện giữa Giáo Hội dưới đất và trên trời chính là điều giáo lý Công Giáo gọi là "các thánh cùng hiệp thông." Hình ảnh hiệp thông này trong Khải Huyền là một bằng chứng lâu đời nói lên niềm tin truyền thống của Ki-tô giáo là: các thánh trên trời có thể nhận những lời cầu nguyện của các tín hữu dưới đất và chuyển cầu lên Thiên Chúa.
        Con Thiên Chúa
        Chúa Con lãnh nhận danh dự do toàn thể thụ tạo của Thiên Chúa, tức "những sinh vật," các vị Kỳ Mục, các thiên thần và sau hết là mọi loài thụ tạo trên trời, dưới đất, trong lòng đất, ngoài biển khơi và vạn vật ở các nơi đó" (c. 13). Đây là hình ảnh Con Thiên Chúa được vinh hiển vượt trên mọi thụ tạo, một hình ảnh quen thuộc đối với chúng ta qua các thư Do-thái, Cô-lô-xê, Ê-phê-xô...
        Tất cả những điều kể trên là để chuẩn bị cho khởi đầu mạc khải được tượng trưng qua việc mở bảy ấn. Chúng ta hãy lưu ý cách sắp đặt thứ tự Gio-an sử dụng qua suốt sáu chương kế tiếp. Bốn ấn đầu tiên sẽ được mở một lượt và cùng vẽ lên một hình ảnh. Tiếp đến ấn thứ năm và thứ sáu được mở một lượt và cùng vẽ lên một hình ảnh khác. Sau đó sẽ có một nguồn liệu giao tiếp đưa tới việc mở ấn thứ bảy. Rồi chính ấn thứ bảy lại là mở đầu để bảy kèn được thổi lên tiếp theo. Bảy tiếng kèn trổi lên thường lập lại mạc khải do bảy ấn, mặc dù trình bày nội dung mạc khải theo quan điểm của Thiên Chúa nhiều hơn. Rồi Gio-an lại theo cách sắp đặt thứ tự như trước. Nghĩa là bốn kèn được trổi lên trước, tạo nên một hiệu lực đồng nhất. Rồi đến tiếng kèn thứ năm và thứ sáu cùng tạo nên một hiệu lực khác. Sau đó là một loạt những thị kiến xen kẽ dẫn tới việc trổi lên tiếng kèn thứ bảy.
        Đi theo cách sắp xếp phức tạp và lập đi lập lại ấy, Gio-an duy trì được tính cách duy nhất trong tác phẩm của ngài, kết nối những phần tách biệt lại với nhau, đồng thời quảng diễn những chủ đề của ngài. Tuy nhiên sự khai triển không theo một đường lối hoàn toàn luận lý như chúng ta thường gặp thấy nơi lối viết người tây phương. Trái lại, đây là một tác phẩm được viết theo lối suy nghĩ Sê-mít, cứ chạy đi chạy lại cùng một hình ảnh (thí dụ bảy thư, bảy ấn, và bảy kèn đều nhất thiết nói về cùng một điều), mỗi lần như vậy lại nhấn mạnh đến một khía cạnh nào đó của toàn cục diện. Đây cũng là văn thể được sử dụng trong các sách ngôn sứ thuộc Cựu Ước. Quên điều ấy và cứ cố tình giải thích sách Khải Huyền tựa như được viết do một người trong chúng ta, thì thường người ta sẽ đi tới việc giải thích sai lạc.
        Bốn ấn đầu tiên (6:1-8) được liên kết với nhau bằng một hình ảnh chung, đó là "bốn người cỡi ngựa của Khải Huyền." Thị kiến này mượn của Da-ca-ria 6:1-5. Cả bốn người cỡi ngựa đều nói lên hình ảnh chiến tranh, chém giết, ôn dịch và chết chóc, cho nên cũng là bức họa mà chính Chúa Giê-su đã diễn tả về ngày tận thế trong Mt 24:6-8. Chúa nói: "Anh em sẽ nghe có giặc giã và tin đồn giặc giã... dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có những cơn đói kém, và những trận động đất ở nhiều nơi. Nhưng tất cả những việc ấy chỉ là khởi đầu các cơn đau đớn." Vậy người thứ nhất cỡi con ngựa trắng (ám chỉ thắng trận), mang triều thiên (chiến thắng), và ra đi để chiến thắng. Con ngựa thứ hai mầu đỏ, mầu máu. Con thứ ba mầu đen, tượng trưng cho ôn dịch. Tiếp đến, Gio-an nghe nói về giá cả của cơn đói kém: "Một cân lúa mì, một quan tiền" (một quan tiền là lương công nhật trung bình)! "Còn dầu và rượu thì chớ đụng đến!" (c. 6), nghĩa là dầu và rượu thì thường dân không tài nào mua nổi, vì giá lúa mì và lúa mạch như thế đã là giá cắt cổ rồi. Người cỡi ngựa thứ tư là tử thần và mầu ngựa là mầu sự chết.
        Trong Ngày của Chúa
        Hai ấn kế tiếp đi với nhau. Ấn thứ năm mở ra cho thấy các vị tử đạo đứng dưới bàn thờ Thiên Chúa và cầu xin Người hãy báo thù cho họ. Tuy nhiên họ được biết là phải đợi cho tới khi nào thời gian của Chúa đến (6:9-11). Điều này giúp giải thích về mục đích của việc tiên báo những hiện tượng khủng khiếp sẽ xảy ra trên mặt đất. Về việc Thiên Chúa xét xử, một mặt là trừng phạt những kẻ không công chính, còn mặt khác là thưởng công cho người tốt. Do đó, ấn thứ sáu là mạc khải về ngày thịnh nộ của Thiên Chúa (6:12-17). Mô tả việc mở ấn này gần như lấy từng chữ trong một số sách Kinh Thánh. Động đất (Mt 24), mặt trời tối đen và mặt trăng như máu (Giô-en 2:31), sao trời rơi xuống như trái vả rụng (Is 34:4), trời bị cuốn đi như cuốn sách cuộn lại (Is 34:4), vua chúa trần gian trốn lánh (Is 2:10), kêu xin núi và đá hãy đổ xuống trên họ (Hô-sê 10:8), tất cả đều là từ ngữ quen thuộc nói lên phút cuối cùng của thế cuộc này.
        Ấn của những kẻ sống
        Tiếp theo là việc mô tả khải hoàn trên trời của Giáo Hội. Gio-an viết một đoạn ngắn nói về việc này, rồi sau đó là việc bảy thiên thần lãnh nhận bảy chiếc kèn. Nhưng tác giả gần như chưa saün sàng viết về điều này. Cho nên ngài sẽ duyệt qua diễn tiến của bảy chiếc kèn một lần nữa, để chuẩn bị trình bày một khía cạnh khác của sứ điệp.
        Vậy trước khi làm như vậy, thì trong chương 7 có một loạt những thị kiến chuyển tiếp đưa tới việc mở ấn thứ bảy và kéo dài thời gian mở ấn thêm nữa. Trước hết, trong 7:1-8 là hình ảnh một trăm bốn mươi bốn ngàn người được đóng ấn của Thiên Chúa hằng sống. Trước khi giới thiệu đám người này, "có bốn thiên thần đứng ở bốn phương của mặt đất, giữ bốn ngọn gió của đất lại, không cho ngọn gió nào thổi trên đất liền, trên biển cả cũng như trên mọi cây cối." Nói khác đi, họ là biểu tượng cho quyền năng của Thiên Chúa trên mặt đất và họ bị một thiên thần khác, một sứ giả của Thiên Chúa, cấm không được phá hại mặt đất cho đến khi chọn xong những kẻ được tuyển chọn. Những thiên thần này lấy trong hình ảnh của Da-ca-ri-a 6:1-8, đoạn Kinh Thánh Gio-an đã sử dụng trước đây và bây giờ được sử dụng lại. Cuộc tàn phá đe dọa chỉ xảy ra sau khi Thiên Chúa đã ấn định con số những kẻ được cứu thoát. Con số 144,000 là biểu tượng sự hoàn hảo "trên trời"; số 12 được nâng lên một ngàn lần, rồi lại được nhân với 12 là con số mười hai chi tộc Ít-ra-en. Tuy nhiên, tên các chi tộc này lại không giống như trong Cựu Ước, vì danh sách mười hai chi tộc không có chi tộc nào là Giu-se. Cho nên những chi tộc ấy chỉ là tượng trưng cho những người được Thiên Chúa tuyển chọn nói chung, chứ không phải riêng những Ki-tô hữu gốc Do-thái. Tất cả đều là Giáo Hội tại thế cho tới ngày sau hết.
        Ngay sau sự kiện này là một hình ảnh tương tự (7:9-12) về Giáo Hội khải hoàn trên trời, những kẻ đã chiến thắng trong cuộc bách hại. Một trong những vị Kỳ Mục đã giải thích thị kiến này (các câu 13-17), dùng ngôn ngữ của một số đoạn Cựu Ước như Ed 34:23, Is 49:10 và Is 25:8. Sau đó là mở ấn thứ bảy (8:1) trước khi xảy ra thị kiến bảy chiếc kèn.
        Bảy chiếc kèn lập lại phương thức của bảy ấn, nhưng không phải chỉ lập lại đơn giản như vậy. Có một loạt thị kiến trình bày tính cách khẩn trương, viễn ảnh rõ ràng hơn về toàn bộ chương trình của Thiên Chúa và nhấn mạnh đến phương thức Người hoàn toàn nắm trong tay vận mạng tương lai. Cũng giống như trường hợp bảy ấn, trước khi kèn bắt đầu trổi lên thì có một thị kiến mở đầu về việc các thánh cầu nguyện để xin Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử (8:2-5), lời lẽ cầu nguyện hầu như đều giống như nhau.
        Những chiếc kèn
        Bốn kèn đầu tiên được thổi lên cùng một đợt (cc. 6-12), giống như bốn ấn đầu tiên được mở cùng một đợt. Cả đến những hình ảnh cũng giống nhau, tức là sấm sét, động đất, máu, v.v... Hình ảnh chiếc kèn chúng ta cũng gặp thấy trong thư có tính cách khải huyền 1 Thê-xa-lô-ni-ca 4:16 của thánh Phao-lô. Đoạn Kinh Thánh Cựu Ước mà Gio-an đã dựa vào đó để diễn tả những gì xảy ra là chương thứ mười sách Xuất Hành nói về những tai họa xảy tới cho Ai-cập. Vậy ở đây chúng ta có mưa đá (kèn thứ nhất), nước biến thành máu (kèn thứ hai), tiếp theo là một hình ảnh đã được sử dụng trước kia, tức là tinh tú từ trời rơi xuống và mặt trời lẫn mặt trăng biến đổi (kèn thứ tư), và một biến cố mượn từ Giê-rê-mi-a 9:15, nước hóa thành ngải đắng (kèn thứ ba). Mỗi chiếc kèn đều đem lại tàn phá "một phần ba", nghĩa là tàn phá đáng kể. Rồi tiếp đến là câu cuối cùng (8:13) giới thiệu ba tiếng "khốn thay" ứng với ba chiếc kèn sau hết.
        Chúng ta lại thấy ở đây có sự song song với bảy ấn, tức là kèn thứ năm và thứ sáu có liên hệ với nhau, tách biệt với kèn thứ bảy bằng một loạt thị kiến xen kẽ. Vậy liên hệ giữa kèn thứ năm và thứ sáu dựa trên một đoạn Cựu Ước, hai chương đầu sách ngôn sứ Giô-en. Diễn tiến cũng giống như ấn thứ năm và thứ sáu. Kèn thứ năm tiên báo cái khốn thứ nhất giáng xuống chỉ làm hại chứ không giết chóc, còn kèn thứ sáu thì thực sự đem lại tiêu diệt. Châu chấu (9:1-12) và những người cỡi ngựa (9:13-21) nói lên tình trạng khốn khổ mỗi lúc một trầm trọng hơn và đó là một phần của việc tận thế đang đến.
        Rô-ma xâm lăng
        Qua hai thị kiến nói trên, Gio-an cũng đưa ra một số đề tài được trình bày dài dòng hơn trong phần thứ hai của sách Khải Huyền. Kẻ mang trách nhiệm về dịch châu chấu là Xa-tan, ngôi sao từ trời sa xuống (9:1). Nó không làm gì được trên những người được Thiên Chúa tuyển chọn (c. 4), mà chỉ được phá hại những người từ chối Thiên Chúa thôi. Những người cỡi ngựa được mô tả là đang bị các thiên thần của Thiên Chúa giam giữ và giờ đây được phép tràn qua sông Êu-phơ-rát, hết sức đông đảo (9:16). Cách Gio-an diễn tả một cuộc xâm lăng như thế ai ai trong thời ngài cũng hiểu ngài muốn ám chỉ điều gì. Trong thời thánh Gio-an, mối đe dọa chính cho luật lệ và trật tự của Đế quốc Rô-ma là Đế quốc Pác-thy bên kia sông Êu-phơ-rát. Những cuộc xâm lăng này tiêu diệt "một phần ba" nhân loại, và rồi chúng ta được biết Chúa đã cho phép những điều ấy xảy ra là để giúp thế giới tội lỗi ăn năn hối cải (cc. 20-21); nhưng tất cả đều vô ích.
        Các thiên thần của Chúa
        Ở thị kiến thứ nhất trong số những thị kiến xen kẽ trước tiếng kèn thứ bảy trổi lên, có một nhân vật nổi bật, đó là thiên thần được mô tả như trong những thị kiến về Con Người và Đấng ngồi trên ngai trời (1:12 tt và 4:1 tt). Vậy thiên thần ấy thay mặt Đức Ki-tô và Thiên Chúa. Người cũng có một cuốn sách nhỏ, đứng một chân trên biển, một chân trên đất (10:1-2). Hình ảnh này hầu hết dựa trên Đa-ni-en 12:7, mặc dù Gio-an đã thay đổi đi. Vì thay mặt cho Thiên Chúa nên thiên thần đứng ngự trị trên biển cả lẫn đất liền, tức là trên toàn cõi địa cầu. Người lớn tiếng gọi bảy hồi sấm hãy nói lên, nhưng những lời nói ấy Gio-an không được phép viết ra (10:3-4); như vậy đã có một phần thuộc mạc khải Gio-an không được phép nói ra cho chúng ta biết. Tuy nhiên, sau khi đã long trọng thề sẽ tỏ lộ và sẽ mau hoàn tất mầu nhiệm của Thiên Chúa (cc. 5-7), thiên thần ban cho Gio-an cuốn sách nhỏ của ngài, tức cuốn sách Gio-an sẽ nuốt đi (cc. 8-11). Cảnh sau cùng này lấy từ Ê-dê-ki-en 2:8-3:3. Cuốn sách được mô tả là nhỏ, so với cuốn sách lớn niêm bảy ấn đã nói trước đây, bởi vì đó là phần của Gio-an, tức là mặc khải ban cho ngài để tỏ ra cho người ta được biết. Cuốn sách ấy ở trong miệng ngài thì ngọt, nhưng ở trong bụng dạ thì lại cay đắng. Trong Ê-dê-ki-en cũng giống như vậy. Lời Chúa khi chúng ta lãnh nhận thì cảm thấy dễ chịu, nhưng thường lại làm cho khó chịu khi phải nắm giữ và thực thi.
        Rồi bất thần khung cảnh thay đổi. Gio-an nghe dạy phải đo đạc Đền Thờ trên trời (11:1). Chúng ta nói "trên trời" vì vào thời Gio-an viết sách Khải Huyền không còn Đền Thờ nào cả, và viễn tượng sách Khải Huyền nhắm là tiếp tục nói tới nói lui về những gì ở khoảng giữa trời với đất. Nhưng cũng có thể ám chỉ Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, vì dầu sao thì hình ảnh này cũng mượn của Ê-dê-ki-en 40:3. Tuy nhiên Đền Thờ tượng trưng cho Giáo Hội. Gio-an muốn nói rằng việc đo kích thước Đền Thờ có ý nghĩa là Giáo Hội cần thiết cho việc cứu rỗi của loài người. Bên ngoài Đền Thờ là đất đai thuộc Dân ngoại không thờ phượng Chúa. Họ sẽ chà đạp Thành Thánh trong khoảng "bốn mươi hai tháng" (11:2). Ở những chỗ khác trong sách, bốn mươi hai tháng còn được gọi là ba năm rưỡi, một thời, những thời và một nửa thời, hoặc một ngàn hai trăm sáu mươi ngày, mượn cách tính của Đa-ni-en 7:25 và 12:7. Con số này là một nửa của chu kỳ bảy năm, tượng trưng cho thời gian Giáo Hội gặp khó khăn trên mặt đất, hoặc một thời gian nào đó; nói cách khác là thời gian cách biệt với cuộc báo thù vinh hiển của Đức Ki-tô. Con số này cũng dựa trên sự kiện lịch sử, tức là khoảng thời gian Ít-ra-en bị bách hại dưới triều vua An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê (168-175 trước công nguyên) thời anh em nhà Ma-ca-bê.
        Vậy trong thời gian này, Chúa bảo Gio-an rằng hai nhân chứng của Người sẽ nói tiên tri (11:3). Những nhân chứng này được gọi là hai cây ô-liu và hai cây đèn, mượn hình ảnh từ Da-ca-ri-a 4:1-3,11-14, và tiếp đến trong 11:5-6 các nhân chứng ấy có những đức tính của ông Mô-sê và ngôn sứ Ê-li-a (xem Dân số 16:35; 2 Vua 1:10; 1 Vua 17:1, v.v...). Vậy, các ngài tượng trưng cho những chứng nhân trung thành của Chúa trong Giáo Hội, những người sẽ làm chứng cho Thiên Chúa qua suốt lịch sử Giáo Hội tại thế. Khi thời gian này đã hoàn tất, họ sẽ gục ngã trước Con Thú cuồng nộ đến từ vực thẳm (11:7). Con Thú này chúng ta sẽ gặp lại trong phần thứ hai của sách Khải Huyền.
        Cuộc Khải hoàn trên trời
        Vậy Gio-an đã nói với chúng ta rằng dù phải chịu đau khổ bách hại do thế gian, qua mọi thời đại Giáo Hội vẫn tiếp tục làm chứng cho sự thật. Ngay cả khi các nhân chứng của mình bị Con Thú sát hại (c. 7 dựa theo Đn 7:3 tt), rồi dân gian vô đạo biểu đồng tình đóng đinh Đấng Cứu Thế (c. 8 dựa theo Is 1:10, v.v...) và không cho ai chôn táng các ngài, một việc vô cùng tủi nhục cho các ngài (c. 9 t), thì Thiên Chúa sẽ báo thù cho các ngài. Trong 11:11-13, việc sống lại và lên trời của các nhân chứng được diễn tả theo ngôn ngữ tươi sáng của thị kiến trong Ed 37, và theo việc lên trời của ngôn sứ Ê-li-a trong 2 Vua 2:11. Sau "ba ngày rưỡi" ám chỉ một khoảng thời gian rất ngắn so với thời gian các ngài phải làm chứng, tựa như ngày so với năm vậy. Việc báo thù và khải hoàn của Giáo Hội xảy ra qua việc kẻ thù phải tủi hổ và có nhiều người trở lại (cc. 13-14).
        Như vậy chúng ta được chuẩn bị đưa tới tiếng kèn thứ bảy và là sau hết, tức hình ảnh khải hoàn của Giáo Hội khi "vương quyền trên thế gian nay đã thuộc về Chúa chúng ta và Đức Ki-tô của Người" (cc. 15-19). Ca khúc khải hoàn được dựa theo Thánh Vịnh 2, rồi có sấm sét, mưa đá và những dấu chỉ đã xảy ra trước đó.
        Thánh Gio-an có thể dễ dàng kết thúc tại đây, nhưng ngài còn nhiều điều để nói với chúng ta. Trong phần thứ hai mà chúng tôi sẽ đề cập trong bài tới, ngài nói về khía cạnh tích cực, về chính Giáo Hội hơn là về những hình phạt dành cho kẻ thù của Giáo Hội. Cuộc phán xét của Thiên Chúa có cả hai yếu tố tiêu cực và tích cực, không tách biệt nhau. Không thể thưởng kẻ lành mà không phạt kẻ dữ.
        Giải thoát
        Khi nào thì những điều thánh Gio-an nói sẽ xảy đến? Ngài đã bảo chúng ta ngay ở đầu cuốn sách là "gần đến." Xét theo một mặt thì những điều ấy đã xảy ra rồi, nhưng xét theo mặt khác, những điều ấy vẫn chưa xảy đến. Khải hoàn của Giáo Hội là điều vĩnh cửu. Khi một biến cố nào đó, dù chỉ có vẻ như Giáo Hội thắng được quyền lực sự dữ thì việc giải thoát cũng đã được bảo đảm rồi. Giáo Hội phải thắng Đế quốc Rô-ma là kẻ thù mạnh mẽ nhất trong thời Gio-an. Rồi kể từ đó, Giáo Hội liên tiếp khải hoàn. Giáo Hội sẽ thắng kẻ thù của thời đại chúng ta, và cứ tiếp tục như thế cho tới ngày báo thù và vinh hiển sau hết trên trời.
        Như chúng ta thấy, người ta sẽ hoàn toàn sai lạc nếu cứ muốn đọc Khải Huyền dưới một phóng ảnh muốn nhìn tương lai qua những lời tiên tri về ngày giờ tháng năm. Gio-an đã nói lên đức tin của ngài dựa trên những lời của Chúa và Kinh Thánh. Những con số và hình ảnh ngài đưa ra chỉ có tính cách biểu tượng. Cũng như chúng ta thôi, ngài không biết đích xác khi nào sẽ xảy ra cuộc khải hoàn chung cuộc cùng việc Chúa lại đến trong vinh quang. Cũng như chúng ta, ngài biết điều ấy chắc chắn sẽ đến.
        Sách Khải Huyền lập đi lập lại cùng những đề tài. Đó là tác phẩm gồm những thị kiến riêng rẽ nhưng đã được Gio-an đan kết lại thành một dàn bài phức tạp và tinh tế. Như thế chúng ta luôn gặp cùng một giáo lý chung, khi ở khía cạnh này khi ở khía cạnh khác. Nhưng vì Chúa là Đấng vĩnh cửu, Con Người là thiên thu vạn đại trên trời và hiển trị trong Giáo Hội dưới đất, Con Chiên đã bị giết đang đứng khải hoàn, nên chúng ta phải nhìn những thị kiến của sách Khải Huyền trong chính những viễn ảnh ấy. Những thị kiến này kết hợp lại những chân lý được đem áp dụng cho mọi thời đại. "Hai nhân chứng" là những tôi tớ trung thành của Đức Ki-tô trong mọi thế hệ; các ngài không bị gò bó vào một thời đại nào đặc biệt cả. Các ngài đang ở với chúng ta hôm nay như đã ở với Gio-an ngày xưa. Các ngài bị giết trong thời chúng ta cũng như đã bị giết trong thời Gio-an. Sau hết, như các ngài đã "sớm" được chỗi dậy khải hoàn trong thời Gio-an, thì cũng thế, các ngài sẽ được chỗi dậy trong chính thời chúng ta nữa.
V. NGƯỜI PHỤ NỮ MÌNH KHOÁC MẶT TRỜI
        Trong phần thứ hai sách Khải Huyền, từ chương 12 đến 19, rõ ràng thánh Gio-an đi song song với những khải huyền Do-thái khác. Điều này không có nghĩa là ngài không còn tùy thuộc vào Cựu Ước hoặc truyền thống văn chương khải huyền nữa. Thực ra phần thứ hai lại chứa đựng nhiều ám chỉ Cựu Ước hơn cả phần thứ nhất. Nhưng trong phần thứ hai này, ngài nói về những điều Cựu Ước không biết được. Phần thứ nhất đã ít nhiều đề cập tới những tai ương hoặc những phương diện khác nhau liên hệ đến việc Thiên Chúa trừng phạt. Còn trong phần này chúng ta sẽ có một nội dung với nhiều chi tiết tỉ mỉ đề cao vai trò của Giáo Hội. Giáo Hội, sự kiện toàn ước vọng thời Cựu Ước, sẽ cho thấy khác biệt giữa khải huyền Do-thái với khải huyền Ki-tô.
        Thánh Gio-an lại bắt đầu phần này với một loạt những thị kiến chuẩn bị. Tuy nhiên ở đây không thấy trình bày thị kiến về Ba Ngôi Thiên Chúa. Đúng hơn, những "diễn viên thuộc màn kịch" nếu chúng ta có thể nói như vậy, tức những nhân vật sẽ nắm giữ vai trò quan trọng trong những thị kiến sau đây, được giới thiệu cho chúng ta biết qua một loạt những "dấu chỉ" hoặc "điềm".
        Điềm đầu tiên là "một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao." Qua mô tả đầy đủ về người phụ nữ này (12:1-2,5-6), chúng ta thấy bà vừa là Giáo Hội, vừa là Mẹ Đấng Mê-si-a. Giáo Hội được trình bày một lúc dưới cả hai hình ảnh, vinh hiển và trong thời thử thách. Mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao có thể là hình ảnh trong Sáng Thế 37:9, tức câu truyện ông Giu-se là hình bóng Đấng Mê-si-a. Trong mọi biến cố, hình ảnh này đều có ý nói lên vinh quang của Giáo Hội. Chi tiết trong câu 2 lấy ý từ Mi-kha 4:10, nói về người thiếu nữ Xi-on, tức Giê-ru-sa-lem dưới đất là hình ảnh báo trước Giê-ru-sa-lem trên trời. Nàng đang chịu đau khổ trước khi được Chúa đến cứu thoát khỏi Ba-by-lon. Trong câu 5, Hài nhi do người phụ nữ sinh ra là chính Chúa Giê-su như đã được mô tả theo ngôn ngữ cứu thế trong Thánh Vịnh 2:9. "Những người còn lại trong dòng dõi bà" (câu 17), như chúng ta sẽ thấy, đó là các Ki-tô hữu. Giáo lý của thánh Phao-lô về Chúa Ki-tô dạy Người là "trưởng tử trong số những anh em", là Đấng Cứu Thế đã cho chúng ta được chia sẻ sự sống với Người. Sau hết, người Phụ nữ được cư ngụ trong sa mạc (có lẽ Gio-an liên tưởng đến việc Thiên Chúa che chở Ít-ra-en trong hoang địa) trong khoảng một ngàn hai trăm sáu mươi ngày, tức là khoảng thời gian Giáo Hội hiện diện trên mặt đất, như chúng ta đã thấy trước đây.
        Dấu chỉ thứ hai (câu 3-4) là con rồng, được hiểu ngay đó là Xa-tan. Ở đây Xa-tan được mô tả dưới hình ảnh con thú trong Đa-ni-en 7:7 và đuôi nó quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất (Đn 8:10), nghĩa là nó đứng đầu một số lớn các thiên thần sa ngã. Vậy ở đây chúng ta gặp thấy hai đối thủ chính trong kế hoạch cứu rỗi nhân loại.
        "Đôi cánh đại bàng"
        Trong các câu 7-12, cuộc giao chiến trên trời này được diễn tả như cuộc chiến giữa thiên thần Mi-ca-en cùng các thiên thần của ngài (xem Đn 10:13) với Xa-tan cùng các thiên thần của nó, chiến thắng được hứa ban cho những ai là anh em với Chúa Ki-tô và tin vào Người. Các câu 13-17 lập lại hình ảnh thù nghịch giữa Xa-tan và dòng dõi người phụ nữ. Ở đây nói là bà được ban cho đôi cánh đại bàng, một hình ảnh Cựu Ước ám chỉ sự che chở của Thiên Chúa (Xh 19:4, vv.).
        Còn những người khác nữa cũng được giới thiệu. Nhưng trước khi xem tiếp, chúng ta nên để ý trong câu 15 kể rằng Con Rồng, cũng là con rắn trong Sáng Thế 3, cố gắng dùng nước để tiêu diệt người phụ nữ. Cũng như vậy trong câu 17, rồi nó đứng trên bãi cát ngoài biển. Ngay sau đó chúng ta thấy một Con Thú từ dưới biển đi lên.
        Bình thường trong sách Khải Huyền khi nói tới cả đất lẫn biển thì có nghĩa như là chúng bị chúc dữ (xem câu 12), cho nên chúng là "thế gian" và không được dự phần với Chúa Ki-tô. Vậy trong chương 13, thực ra có hai Con Thú thù địch, một con trên mặt đất và một con từ dưới biển. Nhưng trong câu 16, đất đã chống lại nước để cứu người phụ nữ. Khi diễn tả đất và nước chống nhau như thế, Gio-an ám chỉ về một tư tưởng cổ xưa đã thường gặp thấy trong Cựu Ước và hàm ý trong Sáng Thế chương thứ nhất. Nước nói lên ý nghĩa mênh mang xáo trộn, từ đó Thiên Chúa đã cho đất xuất hiện, cho nên việc này tượng trưng cho việc Thiên Chúa đã thiết lập trật tự.
        Con Thú dưới biển hành động nhờ quyền lực Xa-tan và được người ta theo (13:1-4). Diễn tả Con Thú này cùng với Con Thú trên mặt đất là tóm kết câu truyện kể trong Đa-ni-en 7:1-8. Đa-ni-en nói về bốn Con Thú tượng trưng cho bốn đế quốc bách hại dân Do-thái. Còn Gio-an thì chỉ nghĩ về một đế quốc đang bách hại Ki-tô hữu là đế quốc Rô-ma. Nhưng ngài đưa ra hai Con Thú nhằm nói lên cả hai phương diện của cuộc bách hại này, tức chính trị lẫn tôn giáo.
        Vậy Con Thú dưới biển là một biểu tượng đúng với đế quốc Rô-ma, vì trong thời Gio-an đó là lực lượng phản Ki-tô hiện nguyên hình, quyền lực thế gian chống lại vương quốc Chúa Ki-tô. Dĩ nhiên điều này có nghĩa là những gì Gio-an cho biết không chỉ xảy ra tại Rô-ma mà thôi. Con Thú này thi hành quyền lực của nó trong vòng bốn mươi hai tháng (c. 5), nghĩa là hết tất cả thời gian Giáo Hội hiện hữu trên mặt đất. Thời nào thì cũng luôn luôn có quyền lực trần gian này - "thế gian" - là quyền lực sẽ cố chiếm lấy chỗ của Chúa Ki-tô. Gio-an chỉ mô tả nó theo dạng thức ngài nhận thấy trong thời ngài.
        Tiếp tục hiểu như vậy, chúng ta sẽ nhận ra ý nghĩa của những cái sừng và những cái đầu, cũng như ý nghĩa chi tiết về một cái đầu đã bị thương và lại được chữa lành (câu 3). Những lời huênh hoang phạm thượng của Con Thú (cc. 5-6) và cuộc giao chiến chống Thiên Chúa và Giáo Hội (cc. 7-8) nói lên công việc của Xa-tan là tên đã nuôi dưỡng Con Thú. Trong các câu 9-10, Gio-an nhắn nhủ Ki-tô hữu về thái độ họ phải có khi đối diện với những ác độc này. Lòng kiên nhẫn và đức tin mà thánh Phao-lô đã nêu lên như đức tính cần thiết khi phải chịu bách hại cũng chính là lời khuyên của sách Khải Huyền vậy.
        Những dấu lạ lớn lao
        Một Con Thú khác trên mặt đất (cc. 11-18) mà sau này Gio-an gọi là các ngôn sứ giả (16:13) nói lên phương diện thứ hai của quyền lực đối nghịch Chúa Ki-tô. Đây chính là trào lưu ngoại giáo hiện hình. Đặc thù của nó là có hai sừng giống như sừng chiên - nghĩa là nó có thể giả dạng làm Con Người - nhưng lại nói năng như một Con Rồng, vì nó chính là tiếng nói của Xa-tan (c. 11). Chính ngoại giáo đã xúi giục người ta thờ phượng những quyền lực không phải là Chúa Ki-tô (c. 12) và nó thực hiện những điềm lạ dối trá để đánh lừa người ta (cc. 13-14) giống hệt như những chứng nhân của Giáo Hội đã thực hiện những điềm lạ đích thực (11:5-6). Trong câu 15, có lẽ Gio-an muốn nhắc đến hình ảnh những hoàng đế muốn được người ta thờ phượng mình và đã giết hại nhiều Ki-tô hữu vì họ từ chối không chấp hành việc thờ phượng ấy. Ngoại giáo hoàn toàn saün sàng phục vụ cho đế quốc (cc. 16-17), đến độ những ai không đứng vào phe nó để được thích dấu trên tay hữu hoặc trên trán, thì sẽ bị bách hại và phải chịu thiệt thòi về mua bán hoặc bị tẩy chay.
        "Con Thú"
        Con số thời danh của Con Thú xuất hiện trong câu 18. Trước hết, con số sáu trăm sáu mươi sáu là biểu tượng sự bất toàn tệ hại nhất, vì là con số bảy thánh thiện bị trừ đi một tới ba lần. Nhưng Gio-an nói rằng đó là con số của tên một người, tức là con số gồm các trị số thay cho những mẫu tự của tên một người nào đó. Vậy là tên của ai? Chúng ta phải nhận rằng không thể là cái tên hoàn toàn chính xác của một người. Chúng ta không nắm chắc được Gio-an muốn ngôn ngữ nào khi sử dụng những con số để chỉ về mẫu tự. Khi viết, Gio-an dùng tiếng Hy-lạp, nhưng có lẽ ngài nghĩ theo lối A-ram và sử dụng hầu hết là những nguồn Híp-ri. Cũng có thể là tiếng La-tinh nữa, vì ngài nhân cách hóa kẻ phản-ki-tô bằng hình ảnh Đế quốc Rô-ma. Có lẽ một người với đầu óc biến báo đều có thể triết ra con số 666 từ một cái tên hoặc một danh hiệu do người ấy chọn lựa, nếu chúng ta để họ tự ý dùng ngôn ngữ nào và lập luận theo cách của họ về cái tên hoặc danh hiệu ấy. Thực ra cái tên ứng với con số của con thú được coi là đúng nhất, đó là tên Hoàng đế Nê-rô, kẻ bách hại đầu tiên, viết theo mẫu tự La-tinh. Nếu chúng ta gồm lại những trị số mẫu tự Híp-ri về tên của hoàng đế Nê-rô (Neron Qesar), chúng ta sẽ có con số 666. Vậy giải đáp này có đúng không? Chúng ta không dám chắc chắn; đó chỉ là phỏng đoán. Nhưng có lẽ đúng như vậy nếu chúng ta xét thêm những gì tiếp theo đó.
        Chúng ta nên lưu ý là giờ đây, với Con Rồng, Con Thú (dưới biển), và ngôn sứ giả hiệu (con thú trên đất) hiệp lại, thì chúng ta có một thứ "ba ngôi ma quỷ" chống đối với Ba Ngôi Thiên Chúa. Như Gio-an đã nhắc tới "ba ngôi" này trong chương 13, cũng như trước đây ngài đã nói đến sự tỏ hiện của Ba Ngôi Thiên Chúa, thì chúng ta có thể kết luận rằng sự kiện đối nghịch giữa Ba Ngôi với "ba ngôi" không phải chỉ là một trùng hợp đâu. Điềm cuối cùng trong loạt những điềm mở đầu được trình bày như "một màn tổng hợp tất cả các diễn viên", tức là cảnh 144,000 người (14:1-5), mà chúng ta đã thấy trước kia (7:4 tt), tượng trưng cho Giáo Hội trên thế gian, những người được Thiên Chúa tuyển chọn. Nơi đây, họ ở với Con Chiên, dấu của Con Chiên ghi trên trán họ, tất cả cùng đứng trên Núi Xi-on trong tư thế đối nghịch với con Thú và những kẻ theo nó. Cũng nơi đây, họ được gọi là những người còn trinh tân và của đầu mùa dâng lên Thiên Chúa, giống như thánh Phao-lô đã gọi Ki-tô hữu trong thư của ngài.
        Bảy chén tai ương
        Sau những điềm này là một đoạn ngắn giới thiệu bảy thiên thần tiên báo trước khi bảy chén tai ương xảy đến. Thiên thần thứ nhất (14:6-7) loan báo một tin mừng vĩnh cửu, tức là ý định rõ ràng và cương quyết của Thiên Chúa muốn phán xét muôn loài. Thiên thần thứ hai báo tin Ba-by-lon sụp đổ (c. 8), một chủ đề sẽ được nói đến sau với đầy đủ chi tiết. Thiên thần thứ ba (cc. 9-11) tiên báo những kẻ nào đi theo Con Thú sẽ bị kết án đời đời. Một lần nữa Gio-an kêu gọi Ki-tô hữu hãy kiên trì chịu đựng và ngài nói đến phần thưởng quê trời dành cho những tín hữu đích thực (cc. 12-13). Thiên thần thứ bốn được mô tả giống như Con Người, vì ngài phải thi hành công việc của Con Người (c. 14). Thiên thần thứ năm thông báo công việc ấy là gì (c. 15), đó là xét xử thế gian, được diễn tả bằng hình ảnh gặt hái mùa màng (c. 16). Thiên thần thứ sáu xuất hiện để làm công việc gặt hái (c. 17) và thiên thần thứ bảy lên tiếng từ bàn thờ trên trời là nơi dâng lên lời cầu nguyện của các thánh (c. 17). Tiếp đến việc phán xét lần này được mô tả như một mùa hái nho đẫm máu (cc. 19-20).
        Cuộc phán xét
        Hai hình ảnh về cuộc phán xét lấy từ sách ngôn sứ Giô-en 3:13 và I-sai-a 63:1-6. Các nhà chú giải Kinh Thánh cho rằng khoảng cáchmột ngàn sáu trăm dặm (khoảng hai trăm dặm Anh), vùng ngập máu do cuộc phán xét, là chiều dài của đất Pha-lét-tin. Cũng như Giê-ru-sa-lem dưới đất trong 11:8 tượng trưng cho toàn thể địa cầu là nơi Giáo Hội sẽ làm chứng cho mọi người, đồng thời cũng tượng trưng cho chính thế giới gồm những kẻ thù nghịch với Chúa đang sinh sống (x. 11:2, tiền đình phía ngoài Đền Thờ dành cho dân ngoại), thì ở đây có lẽ Gio-an muốn dùng biên giới Pha-lét-tin làm biểu tượng cho toàn thế giới sẽ bị Thiên Chúa phán xét.
        Chương 15 bắt đầu với hình ảnh cuối cùng trong số bảy hình ảnh về cuộc phán xét hoặc về ngày tận thế, tức hình ảnh về bảy chén tai ương. Nhưng ở đây lại nhấn mạnh đến cuộc khải hoàn, việc báo thù cho những người công chính được thể hiện qua việc trừng phạt kẻ gian ác. Vì thế, sau khi nhắc qua đến bảy tai ương (15:1) là một bài ca chiến thắng ở trên trời của những người đã thắng Con Thú, tức là các Ki-tô hữu đã chịu bách hại và giờ đây được thưởng công (cc. 2-4). Họ hát bài ca của ông Mô-seâ và bài ca của Con Chiên. Thực vậy, bài ca vang vọng bài ca của ông Mô-sê trong Xuất Hành 15:1 sau khi dân Chúa băng qua Biển Đỏ. Như thế chúng ta hiểu tại sao cái gì như biển trong vắt (c. 2) mà trước đây đã được nói tới cùng với cái ngai trên trời, giờ đây lại pha ánh lửa. Như ông Mô-sê đã đem Ít-ra-en chiến thắng vượt qua Biển Đỏ, Giáo Hội vinh hiển cũng vượt qua biển đỏ trong vắt để bước vào cõi vinh phúc trên trời.
        Lều Chứng Ước
        Theo dòng tư tưởng đang diễn tiến, Đền Thờ trên trời được mô tả ở đây như là Lều Chứng Ước (c. 5), tựa như câu truyện trong sách Xuất Hành về Hòm Bia Giao Ước trong sa mạc (Xh 40:34, vv.). Bảy chén đựng cơn lôi đình của Thiên Chúa giờ đây được một trong bốn Con Vật đứng chung quanh ngai Thiên Chúa trao cho bảy thiên thần ăn mặc giống như Con Người, vì họ phải thi hành mệnh lệnh trong giờ phán xét (cc. 6-8).
        Mệnh lệnh phải đổ những chén đựng cơn lôi đình của Thiên Chúa xuống (16:1) khởi đầu cho cảnh tượng sau hết về ngày tận thế dưới hình thức phán xét. Bảy chén tai ương liên hệ với bảy tiếng kèn nhiều hơn. Bảy chén ấy liên tiếp nhau dồn dập, ngoại trừ trước khi đến chén cuối cùng thì có một thời gian ngưng nghỉ giống như trường hợp tiếng kèn thứ bảy. Chén thứ nhất (c. 2) lập lại hình ảnh tai họa tại Ai-cập kể trong Xh 9:10-11. Thực ra tất cả các chén tai ương đều theo sát với câu truyện những tai họa tại Ai-cập và lấy chúng làm mẫu.
        Những biểu tượng về con số
        Chén thứ hai và thứ ba (cc. 3-4) cùng lập lại tai ương được tả trong Xh 7:20-21. Chén thứ hai cũng giống như tiếng kèn thứ ba (8:10-11). Sau ba chén tai ương đầu thì có tiếng tán đồng (cc. 5-7) của thiên thần và của bàn thờ (nơi dâng lên lời cầu nguyện của các thánh). Đến đây, người ta nhận thấy có sự phân chia thành hai nhóm chén tai ương, giống như cách phân chia nhóm của bảy thư gửi các hội thánh ở phần đầu sách Khải Huyền. Như chúng ta đã thấy, các thư chia thành nhóm 3 + 4, các ấn chia thành nhóm 4 + 3, hoặc đúng hơn, là 4 + (2+1). Còn các chén tai ương thì trở lại nhóm 3 + 4, hoặc 3 + (3+1).
        Chén thứ bốn không giống với tai họa nào trong Xuất Hành, nhưng lấy từ Is 49:8-10. Mô tả này (cc. 8-9) đặt số phận những kẻ gian ác đối nghịch với số phận những kẻ công chính (7:16). Chén thứ năm trở lại với hình ảnh trong Xh 10:21-22, và giống như tiếng kèn thứ bốn và năm (cc. 10-11).
        Chén thứ sáu (c. 12), tựa như trường hợp tiếng kèn thứ sáu (9:13 tt), là hình thức tiên báo việc dân man di xâm lăng vào cuối thời Đế quốc Rô-ma. Sông Êu-phơ-rát, có thể nói là con sông ngăn giữ những dân ấy, giờ đây đã không còn nữa. Điều này cũng đưa ra một hình ảnh (c. 13) giống như hình ảnh tai họa Ai-cập trong Xh 8:2. Ở đây "ba ngôi ma quỷ" đã thả ra những thần khí của ma quyû, tức là những ảnh hưởng ma quỷ hoành hành trên nhân loại để kéo họ chống lại Thiên Chúa (c. 14). Nhưng như thánh Phao-lô nói (1 Tx 5:2), Đức Ki-tô tới phán xét bất ngờ, tựa như kẻ trộm đến ban đêm (c. 15), và Người sẽ tiêu diệt chúng hoàn toàn (c. 16). Hác-mơ-ghít-đô, nơi chốn tượng trưng trong cuộc Chúa phán xét, là thung lũng Mơ-ghít-đô, bãi chiến trường của Pha-lét-tin. Tại đây ngày xưa vua Giu-đa là A-khát-gia đã bị ông Giê-hu giết (2 V 9:27). Cũng tại đây vua Giô-si-gia bị vua Ai-cập Nơ-khô giết chết (2 V 23:29). Do đó, bãi chiến trường này đã thành biểu tượng cho sự chết và trừng phạt.
        Biểu tượng của Ma quỷ
        Sau cùng, chén thứ bảy mô tả chung cuộc của mọi sự (cc. 17-21), sử dụng ngôn ngữ như chúng ta đã thấy trước đây (xem 8:7), và dựa theo Xh 9:23-24. Theo cùng một viễn tượng những chén tai ương, trong chương 17 và những chương tiếp theo, những biến cố này được mô tả với chi tiết kỹ càng hơn cũng như với nhiều hình ảnh và tưởng tượng hơn.
        Trước hết là hình ảnh Con Điếm khét tiếng Ba-by-lon ngồi trên Con Thú (17:1-6). Con Điếm là nữ thần Rô-ma. Nó ngồi bên những làn nước mênh mông, biểu tượng của gian ác (gần như lập lại cùng một từ ngữ của Giê-rê-mi-a 51:13); mô tả nó trong câu 2 là mô tả thành Tia trong Is 23:15-17. Ở đây Con Thú có mầu đỏ thẫm (mầu của vua chúa) và có bảy đầu cùng bảy sừng (sẽ được giải thích sau); cũng vậy, người đàn bà có những điểm giống như Con Thú (xem Gr 51:7), là kẻ bách hại những người được Thiên Chúa tuyển chọn. Sự kiện mụ ấy sống trong sa mạc (c. 3) có lẽ để cho thấy sự đối nghịch với người phụ nữ trong chương 12 tượng trưng cho Giáo Hội được Thiên Chúa che chở trong sa mạc. Giáo Hội và lực lượng phản Ki-tô cùng chiếm một chiến tuyến là thế gian này, nhưng Giáo Hội sẽ được bảo vệ trước những tấn công của ma quỷ.
        "Quyền lực của Con Thú"
        Như đã thông báo trong câu 7, phần cuối chương 17 là để giải thích thị kiến này. Con Thú đã có, nhưng không còn nữa (c. 8), đối nghịch với Thiên Chúa là Đấng hiện có, đã có (1:4, vv.). Tuy nhiên cả quyền lực của Thiên Chúa lẫn quyền lực của Con Thú đều đang đến - thực ra sự đối nghịch giữa hai quyền lực này là tất cả nội dung của sách Khải Huyền. Bảy đầu của Con Thú là bảy quả núi trên đó người đàn bà ngồi (c. 9), chắc chắn ám chỉ Rô-ma với bảy ngọn đồi. Nhưng ở đây chúng ta thấy tại sao Gio-an lại lấy Ba-by-lon để xác định quyền lực ma quỷ. Đối với người Do-thái thời Cựu Ước, Ba-by-lon đã tượng trưng cho tất cả những gì là gian ác và bách hại (cũng có vài tên những thành khác nữa, nhưng Ba-by-lon vẫn là tên người ta thường dùng), thì trong thời Gio-an, Rô-ma cũng gian ác và bách hại như vậy, nhưng ngài vẫn theo tư tưởng Cựu Ước, lấy Ba-by-lon để tượng trưng cho gian ác và bách hại.
        Trong các câu 10-11, chúng ta đọc thấy: bảy đầu cũng là bảy vua; năm vua đã đổ, một vua hiện còn, một vua khác chưa đến, và khi vua này đến thì phải ở lại ít thời gian thôi. Còn Con Thú đã có và không còn nữa, thì là vua thứ tám, nó cũng thuộc số bảy vua và đang tới chỗ diệt vong. Có lẽ Gio-an muốn hiểu như sau. Ngài đã sử dụng hình ảnh Con Thú lấy từ sách Đa-ni-en và không thay đổi gì cả. Tuy nhiên ngài nghĩ tới tám hoàng đế của Rô-ma. Đó là những hoàng đế đã trị vì cho đến thời ngài, tức Au-gút-tô, Ti-bê-ri-ô, Ca-li-gu-la, Clau-đi-ô, Nê-rô, Vét-pa-xi-a-nô, Ti-tô và Đô-mi-xi-a-nô (tuy có ba hoàng đế khác nữa là Vi-tê-li-ô, Gan-ba và Ô-thô, nhưng triều đại của họ rất ngắn và tạm thời). Năm trong số các hoàng đế này đã chết - Giáo Hội lúc này đã qua cơn bách hại do Nê-rô. Vì Gio-an đang sống thời hoàng đế Vét-pa-xi-a-nô (lúc ngài được thị kiến), cho nên ông ta là một vua hiện còn, nhưng trong triều đại của ông đã có một lúc tạm ngưng cơn bách hại. Một vua chưa đến - Ti-tô, người đã phá hủy Giê-ru-sa-lem và đã cai trị một thời gian tương đối ngắn. Vua thứ tám, cũng thuộc số bảy vua, là Đô-mi-xi-a-nô. Theo tài liệu sử gia Tacitus, Dio Cassius, Dio Chrysostom và nhiều người khác, các Ki-tô hữu hồi ấy đã gọi vua này là Nê-rô tái sinh. Cũng theo nghĩa đó, chúng ta nên hiểu hình ảnh được nói đến trong13:3 về một trong các đầu của Con Thú bị tử thương nhưng lại được chữa lành, đó là ám chỉ về vua này. Cũng theo giải thích ấy, chúng ta thấy lý do tại sao 12:3 mô tả Con Rồng như thế. Con Rồng, tức Xa-tan, thi hành quyền lực của nó qua Con Thú.
        Mười vua trong 17:12 để giải thích về mười sừng của Con Thú có lẽ ám chỉ những vua khác trên mặt đất, những người cùng chia sẻ quyền lực của Rô-ma trong thời thánh Gio-an, dù chỉ chia sẻ một phần nào đó, tức trong vòng một giờ. Tuy nhiên họ cũng tạo thành một thế giới chống Đức Ki-tô và nâng đỡ việc bách hại Giáo Hội (cc. 13-14). Nhưng cuối cùng, họ sẽ cùng với Con Thú chống lại Rô-ma và tiêu diệt nó (cc. 15-18). Không những Gio-an tiên báo việc đế quốc Rô-ma bị tiêu diệt, qua hình ảnh Con Thú trước đây được mô tả bằng hình ảnh đế quốc Rô-ma, mà giờ đây lại chống lại chính đế quốc ấy, nhưng ngài còn cho thấy là ngài không coi quyền lực phản Ki-tô chỉ đồng hóa với riêng Rô-ma mà thôi đâu. Quyền lực phản Ki-tô ấy vẫn tiếp tục và vẫn tồn tại cả sau khi Rô-ma sụp đổ.
        Ba-by-lon sụp đổ
        Chương 18 gồm có trước hết là lời công bố thành Ba-by-lon sụp đổ (cc. 1-8), một tổng hợp những trích dẫn sách ngôn sứ I-sai-a và nhất là Giê-rê-mi-a, theo thứ tự sau: Gr 51:8, Is 21:9, Gr 50:39, Gr 25:15,27, Is 48:20, Gr 50:8, Gr 51:45, Tv 137:8, Is 47:7-8, vv. Rồi từ câu 9-19, các vua chúa trần gian, các con buôn trên mặt đất và các người trong giới hàng hải đã thương khóc vì Ba-by-lon sụp đổ khiến họ không còn được dự phần vinh quang với nó nữa. Những lời thương khóc này hầu như lập lại từng lời trong Ê-dê-ki-en 26-27. Những lời thương khóc ấy bị gián đoạn ở câu 20. Câu này nói đến niềm vui trên trời vì sự gian ác bị lật đổ, dựa theo ngôn từ thường gặp trong Cựu Ước (Đnl 32:43, Is 44:23, Gr 51:48, vv.) Sau hết, phần cuối cùng của chương 18 (cc. 21-24) lập lại lời tiên báo chắc chắn về sự sụp đổ của Ba-by-lon, dựa theo những lời trong Gr 51:63, Ed 26:21, Gr 25:10, Ed 26:13, Is 24:8.
        Đoạn 19:1-10 tiếp tục ghi lại cuộc hân hoan vui mừng vì Rô-ma bị đánh bại, đồng thời cũng mở đầu cho những cảnh khải hoàn sau hết sẽ được sách Khải Huyền nói tới. Nơi đây, một lần nữa những bài ca ngợi trên thiên quốc đã theo mẫu mực những bài trong Cựu Ước như chúng ta đã thấy. Trong câu 9, lần đầu tiên nhắc tới tiệc cưới của Con Chiên. Đây là một hình ảnh quen thuộc của Do-thái nói về vương quốc Đấng Cứu Thế. Gio-an sử dụng hình ảnh này để nói về cuộc khải hoàn sau hết của Chúa Ki-tô và Giáo Hội Người - vì Giáo Hội là Hiền Thê trong tiệc cưới này - là cuộc khải hoàn sẽ được nói đến trong những chương cuối cùng. Trong câu 10, quá cảm động nên Gio-an quỳ xuống dưới chân thiên thần và thiên thần từ chối cử chỉ ấy. Có lẽ Gio-an đã đưa chi tiết này vào cốt ý chống lại việc thờ phượng các thiên thần, một sự kiện rất phổ biến tại Tiểu Á và bị kết án như chúng ta thấy trong thư Cô-lô-xê và thư Do-thái.
        Những hình ảnh buồn thảm trong sách Khải Huyền hầu hết đã qua rồi. Những gì phải đến, đó chính là thị kiến Giê-ru-sa-lem trên trời.
VI. GIÊ-RU-SA-LEM MỚI
        Trong phần cuối cùng sách Khải Huyền, bắt đầu từ 19:11, hình ảnh tương lai Gio-an trình bày gần như hoàn toàn mang nét tươi sáng hơn, tức là cuộc khải hoàn của Chúa Ki-tô và những kẻ Người tuyển chọn.
        Thị kiến về người chiến sĩ khải hoàn (19:11-16) rõ ràng là thị kiến về Chúa Ki-tô, thủ lãnh đạo binh thiên quốc. Hình ảnh lấy từ Thánh Vịnh 2 và I-sai-a 63:1-3, cùng với những đoạn Kinh Thánh khác. Thí dụ trong Cựu Ước, sách Khôn Ngoan 18:14-16 viết: "Khi vạn vật chìm sâu trong thinh lặng, lúc đêm trường chừng như điểm canh ba, thì từ trời cao thẳm, lời toàn năng của Ngài đã rời bỏ ngôi báu, ví tựa người chiến sĩ can trường xông vào giữa miền đất bị tru diệt, mang theo bản án không thể hủy của Ngài như lưỡi gươm sắc bén. Nó đứng và làm cho vũ trụ đầy chết chóc, đầu đụng trời chân đạp đất."
        Tiếp đến (cc. 17-18) là thị kiến một thiên thần đứng trên đỉnh trời và kêu gọi mọi loài chim chóc (ngày xưa chim chóc là biểu tượng cho những điềm xấu) hãy ăn thịt những kẻ thù của Thiên Chúa. Thị kiến này mượn của Ed 39:17-20. Hình ảnh ấy còn nói lên một cuộc khải hoàn chắc chắn sẽ đến. Thị kiến kết thúc với các câu 19-21, diễn tả cuộc thất bại và hình phạt đời đời dành cho mọi kẻ thù của Đức Ki-tô, tức là Con Thú và các tay sai của nó.
        Tất cả những điều trên là để giới thiệu và cho chúng ta một cái nhìn tổng quát về những gì sẽ được mô tả tỉ mỉ ngay sau đó. Trước hết Gio-an viết: Xa-tan bị xích lại một ngàn năm. Và sau thời hạn một ngàn năm ấy nó phải được thả ra trong một thời gian ngắn (20:1-3).
        Thời hạn một ngàn năm có ý nghĩa gì? Đó là thời gian của Giáo Hội trên mặt đất. Trước đây chúng ta đã thấy Gio-an nói về sự hiện diện của Giáo Hội trên mặt đất là ba năm và một nửa năm, hoặc bốn mươi hai tháng, vv. Tuy nhiên, trong những trường hợp ấy ngài nói về Giáo Hội trong khía cạnh chịu bách hại, liên tục bị bao vây do Xa-tan và bầy tôi của nó. Còn ở đây ngài lại diễn tả khía cạnh khác của hình ảnh Giáo Hội. Đối với Chúa, một ngàn năm cũng tựa như là một ngày (2 Pr 3:8). Cho nên chúng ta sẽ hiểu là nếu một mặt số phận của Giáo Hội trên trần gian có phải chịu đau khổ và chiến đấu với thử thách, thì mặt khác Giáo Hội vẫn tồn tại trong một thế giới mà Xa-tan đã bị chinh phục cho dù nó có được thả ra trong một thời gian ngắn. Như vậy Gio-an có thể nói về sự tồn tại của Giáo Hội dưới cả hai hoàn cảnh bằng cách sử dụng những con số khác nhau để giúp phân biệt rõ ràng.
        Điều ấy không thể lẫn lộn được nếu chúng ta đem so sánh đoạn sách Khải Huyền này với những sách khác trong Tân Ước. Các sách ấy đều cho thấy: cuộc đời Ki-tô hữu trên trần gian này là một cuộc chiến (2 Cr 10:4), số phận của Ki-tô hữu là phải chịu bách hại (2 Tx 1:5), nhưng kẻ dữ không thể làm hại được con cái Chúa (1 Ga 5:8), Chúa Ki-tô đã vào nhà của Xa-tan và trói nói lại (Mt 12:29), Người đã dẹp tan quyền lực kẻ thù và chiến thắng khải hoàn (Cl 2:15), vv. Cuộc đời Ki-tô hữu vừa chịu đau khổ lại vừa khải hoàn, tuy khải hoàn ấy còn phải đợi chờ ngày báo tiệp, và mặc dù trên nguyên tắc Xa-tan đã bị chinh phục rồi, nhưng cuộc chinh phục ấy vẫn còn phải tiếp tục nơi tâm hồn mỗi Ki-tô hữu với sự nâng đỡ của ân sủng Đức Ki-tô. Như thế, cả hai hình ảnh ấy đều là thực, mặc dù ở đây thánh Gio-an muốn nhấn mạnh hơn đến khía cạnh tích cực.
        Cuộc phục sinh thứ nhất
        Việc giải thích đoạn trên đây được khẳng định qua hình ảnh trong các câu 4-6 nói về những người đã sống lại và hiển trị với Đức Ki-tô một ngàn năm, tức là cùng trong thời hạn đã nói trước đây. Họ là ai? Trước hết họ là các vị tử đạo, và tiếp đến là những kẻ đã không thờ lạy Con Thú, tức là những môn đệ trung thành với Đức Ki-tô. Họ được sống lại lần thứ nhất, trước những kẻ khác trong số kẻ chết. Đây chính là cuộc phục sinh mà thánh Phao-lô thường nói đến, thí dụ trong Cl 3:1: "Anh em đã được chỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa." Ki-tô hữu nào kết hiệp với Chúa Ki-tô thì đã được sống lại với Người rồi, trong khi những kẻ nào còn đang chết phần thiêng liêng thì chưa được sống lại trước khi hết một ngàn năm ấy, nghĩa là họ phải đợi cho đến hết thời hạn của Giáo Hội trên trần gian hoặc cho đến ngày phán xét chung và phục sinh sau hết. Những kẻ được sống lại lần thứ nhất do ơn thánh sẽ là tư tế của Thiên Chúa và của Đức Ki-tô, như thánh Phê-rô diễn tả về cuộc sống Ki-tô hữu (1 Pr 2:9), và cái chết thứ hai không có quyền gì trên hoï. Cái chết thứ hai chính là án phạt đời đời, hiểu theo thành ngữ của Do-thái.
        Một ngàn năm
        Như thế thời gian hiển trị một ngàn năm không phải là có ý nói về ngày tận thế. Hiện thời, thời gian ấy đang tiếp tục. Nói Xa-tan bị xích lại chỉ là một cách để nói khác đi với cách nói trong 12:7-9. Những câu này nhắc đến việc Xa-tan bị tống ra khỏi trời và đi mê hoặc thế gian. Còn ở chương 20 này, Xa-tan được thả ra, tức là nó bị khống chế chứ không tự mình tung hoành được. Cả hai sự kiện đều là thực.
        Cuối thời hạn một ngàn năm, nghĩa là khi Giáo Hội đã hoàn tất vai trò của mình trên trần gian, thì lại có một cuộc chiến lớn giữa Đức Ki-tô và các thuộc hạ của Xa-tan, tức các quyền lực của thế gian (cc. 7-8). Ở đây chúng có tên là Gốc và Ma-gốc, như đã thấy trong Ê-dê-ki-en 38 tt. Chúng sẽ bị đánh bại (c. 9) và Xa-tan sẽ bị giải về hỏa ngục (c. 10) là nơi hai Con Thú đã bị quăng vào trước (19:20). Đối với Gio-an, vì hai Con Thú biểu tượng cho đế quốc Rô-ma và ngoại giáo, nên ngài bảo chúng ta rằng quyền lực của Xa-tan còn bền bỉ và tồn tại lâu hơn hai quyền lực kia.
        Sau đó là cuộc phục sinh của mọi người (cuộc phục sinh lần thứ hai) và phán xét chung (cc. 11-15).
        Tiếp theo sự kiện này, sách Khải Huyền mở ra một thị kiến về Giê-ru-sa-lem trên trời, tức là tình trạng vinh hiển và vĩnh cửu của những kẻ được Thiên Chúa tuyển chọn. Theo ngôn từ của các ngôn sứ, điều này tuy được gọi là trời mới đất mới (thí dụ Is 65:17), nhưng rõ ràng đó là quê trời. Gio-an căn cứ vào nguồn Cựu Ước, cho nên ngài diễn tả tình trạng vinh hiển sau hết bằng những từ ngữ quen thuộc đối với Cựu Ước, nhất là đối với các ngôn sứ vì các ngài đã coi việc Chúa tái tạo như là một cuộc tạo dựng mới, một đất mới, một Giê-ru-sa-lem mới và một Đền Thờ mới. Tuy nhiên viễn tượng của Gio-an còn nhìn xa hơn Cựu Ước. Ngài sử dụng ngôn ngữ của Cựu Ước, nhưng Giê-ru-sa-lem mà ngài mô tả còn là "Giê-ru-sa-lem thượng giới, mẹ chúng ta" (Gl 4:26).
        Giáo Hội vinh hiển
        Giê-ru-sa-lem trên trời (21:1-8), nơi cư ngụ của những kẻ được Thiên Chúa tuyển chọn và cũng là nơi không chứa chấp những kẻ tội lỗi ngoan cố với số phận bị tống vào hỏa ngục, còn được gọi là Hiền Thê của Con Chiên (cc. 9-21), mượn ngôn ngữ của Ed 40 và 48, Is 54 và 60, và những nguồn khác. Ở đây, con số mười hai, tức con số tròn đầy của thiên quốc, được sử dụng thường xuyên. Giáo Hội đã phải chiến đấu dưới đất nay là Giáo Hội vinh hiển.
        Tính chất thiêng liêng được nhấn mạnh trong đoạn 21:22-22:5. Trong thành, không có Đền Thơø, vì không cần phải có một hình thức tôn giáo nữa khi người ta đã hoàn toàn chiếm hữu được Chúa rồi. Giờ đây hầu hết các hình ảnh trong đoạn văn này đều quen thuộc với chúng ta. Trong những câu đầu chương 22, mô tả phản ảnh những gì được nói trong sách Sáng Thế chương hai về câu truyện con người sống trong ân nghĩa với Chúa thuở ban đầu.
        Chúc lành cho người công chính
        Thực ra đây là kết thúc sách Khải Huyền. Một lần nữa Gio-an lập lại lý do tại sao ngài viết sách Khải Huyền (cc. 6-11). Ngài không được niêm phong những sấm ngôn này (c. 10) vì thời giờ đã gần đến. Những lời mạc khải này được áp dụng cho hiện thời và tại đây, rồi những gì đã được nói tiên tri chắc chắn sẽ ứng nghiệm nơi mọi kẻ gian ác hiện nay và phần thưởng sẽ dành cho mọi kẻ công chính (c. 11). Lời Chúa Ki-tô đã khẳng định như vậy (cc. 12-13) và trong tinh thần công minh ấy của Chúa Ki-tô, lần cuối cùng kẻ công chính được chúc lành (c. 14) và kẻ gian ác bị cảnh cáo (c. 15). Sách Khải Huyền kết thúc với lời chứng của Chúa Giê-su và của ông Gio-an (cc. 16-21).
        Như thế, qua suốt sách Khải Huyền, vì người đời và vua chúa quan quyền thế gian này đã sống như kẻ thù của Đức Ki-tô, nên cuộc khải hoàn và tái lập sau hết đã được diễn tả như cuộc kiến tạo một thế giới mới, hay một cuộc tạo dựng mới. Cũng vì vậy, Gio-an đã mượn những chi tiết vinh hiển, tưng bừng trong Ê-dê-ki-en khi ngôn sứ mô tả về cuộc tạo dựng mới, để làm nổi bật những ghi nhận cuối cùng của ngài về thị kiến đầy hy vọng và an ủi này.
        Rõ ràng chúng ta chỉ có thể lướt qua những tư tưởng và ý nghĩa của sách Khải Huyền thôi. Chúng tôi đã cố gắng giúp quý vị hiểu tại sao sách Khải Huyền đã được viết, và người ta phải giải thích sách theo những đường hướng nào. Nói về những giải thích thì nhiều khi có khác biệt ý kiến về những chi tiết nhỏ nhặt, nhưng ngày nay vẫn có rất nhiều tương đồng giữa những người nghiên cứu Kinh Thánh. Ít ra những nguyên tắc để giải thích đã được đề ra và được chấp nhận.
        Nếu độc giả đọc lại ít trang đầu của tập sách nhỏ này, trong đó những nguyên tắc này đã được giải thích, thì sẽ rất ích lợi cho họ vì họ thấy chúng đã được áp dụng như thế nào và họ sẽ hiểu rõ chúng hơn. Hiểu được những nguyên tắc này cũng giúp chúng ta nhận ra sứ điệp sách Khải Huyền có ý nghĩa gì đối với Ki-tô hữu thời nay cũng như với Ki-tô hữu thời Gio-an, cho dù văn loại và hình thức có hoàn toàn xa lạ với người đang sống thời đại hôm nay. Nếu chúng tôi chẳng giúp được gì hơn là nhấn mạnh với độc giả về điểm này, thì kể như chúng tôi cũng đã hoàn tất được rất nhiều rồi. Chúng tôi ước mong nếu tập sách nhỏ này giúp cho những người chỉ muốn tò mò đi tìm kiếm và những người cuồng tín được thay đổi và biết nhận ra vai trò đích thực của sách Khải Huyền là sách mang lại niềm vui và hy vọng Ki-tô giáo, thì đó đã là một thắng lợi cho chính nghĩa chân lý và đời sống Ki-tô rồi vậy.
Hết