Bánh đích thật
BÁNH ĐÍCH THẬT
Chính Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi,
đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập,
mở miệng ngươi ra, Ta sẽ cho đầy tràn.
[...] Ôi nếu dân của Ta mà đã nghe Ta,
[...] Ta sẽ nuôi dưỡng nó bằng bông lúa mì,
Ta sẽ làm cho nó thoả thuê với mật ong rừng.
(Tv 81, 11-17)[1]
Thiên Chúa sẽ cho đầy tràn cái miệng mà Ngài muốn thấy mở ra với những gì ? « bông lúa mì » hay « mật ong rừng » thực sự là gì ? Nêu ra câu hỏi này, chính là nêu ra câu hỏi rất cổ điển liên quan tới ý nghĩa của Sách Thánh. Xưa kia, người ta đã nghĩ rằng Kinh Thánh có nhiều nghĩa và phân biệt ra hai nghĩa chính. Trước hết, nghĩa vật thể (sens corporel) : những câu Thánh Vịnh chúng ta trích dẫn ở trên muốn nói rằng dân đang đói và Thiên Chúa hứa sẽ cho họ ăn loại lương thực tốt nhất, nếu họ biết mở tai và mở miệng. Phải chăng đây là nghĩa mà mọi người đều hiểu cách dễ dàng ? Thứ đến, nghĩa thiêng liêng (sens spirituel) : cách chung khó xác định hơn[2] ; theo nghĩa này, Thiên Chúa hứa ban cho dân của Ngài hoặc là sự sống thần linh, vốn ngay bây giờ là của ăn đích thật, hoặc là Bánh Thánh Thể, hoặc là sự sống thần linh tuyệt đối vào thời cánh chung. Phụng vụ vẫn còn thường hiểu Kinh Thánh theo nghĩa thiêng liêng như thế.
Nhờ vào hành trình người xưa đã đi qua trong nỗ lực tìm kiếm ý nghĩa của Kinh Thánh, mà hôm nay chúng ta mới có thể tìm ra một con đường đơn giản hơn để hiểu Lời Chúa ; con đường này đơn giản nhưng không nông cạn, như cách hiểu tự xưng là duy khoa học thời nay[3].
1. Điều con người ước ao
Chúng ta có thể tìm thấy trong sách Thánh Vịnh thật nhiều câu tương tự như Tv 81 vừa được trích ở trên :
Mong sao kho lẫm ta đầy ứ đủ mọi thứ hoa màu.
Số chiên cừu tăng lên ngàn vạn
tràn ngập khắp đồng quê.
(Tv 144, 13)
Họng ráo khô, Chúa cho uống phỉ tình,
bụng đói lả, Người cho ăn thoả thích.
(Tv 107, 9)
Khi Ngài rộng mở tay ban,
là bao sinh vật muôn vàn thoả thuê.
(Tv 145, 16)
Lương thực dự trữ dư dật, sự thỏa thuê, đồ ăn đồ uống hảo hạng được hứa ban cho những ai đói khát, với chỉ một điều kiện là người ta há miệng ra ! Nhưng thật ra đó là những ơn huệ gì vậy ? Chúng ta có thể trả lời rằng đó là điều mà mọi người ước ao khi nghe những lời này. Câu trả lời thật đơn giản, nhưng có lẽ không đơn giản một cách nông cạn ; vì nó cho thấy rằng, đó không thể là một đối tượng vật chất, vì đối tượng của lòng ước nơi con người không thể là vật chất hay rộng hơn, không thể là những giá trị phi ngôi vị[4]. Nhu cầu có thể hướng về một đối tượng vật chất và thấy thỏa mãn với đối tượng này. Nhưng ước ao thì khác với nhu cầu, vì ước ao cần “lời nói”, còn nhu cầu thì không cần[5]; mà “lời nói” ở mức độ đích thực, chính là con người, là ngôi vị. Ước ao là một chức năng tự yếu tính là « nhân linh », nghĩa là chỉ có nơi con người, tương tự như trí khôn. Thế mà, nhân linh tự yếu tính là thiên linh, nghĩa là hướng về Thiên Chúa, bởi lẽ, khi con người ước ao, thì không thể không ước ao một cách vĩnh cửu và ước ao chính Vĩnh Cửu. Ngay khi “lời nói” được thốt ra, nó tất yếu cưu mang ước ao[6]. Và Thiên Chúa thì ở trong mọi ước ao, vì con người xét như một hữu thể ước ao, mang nơi mình hình ảnh của Thiên Chúa.
Điều chính yếu, mà Tv 81, 11-17 muốn nói với chúng ta, có thể diễn đạt lại như sau : Thiên Chúa nói : chỉ ước ao thôi, và Ta sẽ hiện diện với thứ lương thực nói lên chính ta. Bởi lẽ, “lương thực hảo hạng” nói lên và thậm chí gắn liền với sự hiện diện yêu thương, cung cách trìu mến, thậm chí diễn tả chính Ngôi Vị của Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa. Tương tự như trong bữa ăn thân hữu, các món ăn diễn tả tình ban. Lương thực hảo hạng mà không có sự hiện hiện như thế, sẽ biến thành thuốc đắng! Chúng ta có thể gọi, đó là “ý nghĩa thiêng liêng”, nhưng với điều kiện phải khởi đi từ chiều kích thiêng liêng có mặt trong mọi lời nói nhân linh. Thế mà như chúng ta đã nói ở trên, ước ao là một chức năng nhân linh, nên con người không thể ước ao bánh mà lại, ngang qua sự kiện đơn giản này, không hướng tới chiều kích nhân linh và thần linh. Hiểu như thế sẽ giúp chúng ta tránh những phân chia tai hại giữa các ý nghĩa khác nhau của bản văn Kinh Thánh, một bên thuần túy “lương thực”, một bên thuần túy “thiêng liêng”, từ đó coi “lương thực”, hay những điều tương tự, là phi thiêng liêng và cản trở chiều kích thiêng liêng.
2. Uớc ao Thiên Chúa
Con người chỉ có thể ước ao Thiên Chúa mà thôi, dù con người có biết điều đó hay không. Tuy nhiên, khi tìm kiếm Thiên Chúa, không ai có thể bỏ qua vị thế của thân thể mình trong thế giới. Thiên Chúa là Sự Thiện, được ám chỉ ở trong mọi điều thiện, và « ước ao » chính là chuyển động hướng tới một điều thiện vừa vì chính nó và vừa trong mức độ nó ám chỉ Thiên Chúa. Con người, vốn là hình ảnh của Thiên Chúa, được lôi kéo hướng tới Thiên Chúa không chỉ theo một cách thức ngoại thường, nhưng còn mọi ngày, các ngày trong tuần cũng như Chúa Nhật, cả buổi sáng lẫn buổi tối. Ước ao của con người vừa là duy nhất, bởi vì ước ao này là ước ao Thiên Chúa Duy Nhất, và vừa đa phức, bởi vì con người ước ao Đấng Duy Nhất nơi vô số các sự vật[7].
Đó là một niềm vui rất lớn, khi nhận ra rằng nơi con người, không có hai ước ao, bởi vì chiều kích thiêng liêng bắt đầu ở tận gốc rễ của thân xác chúng ta, ở điểm khởi đầu ngoại biên nhất của hữu thể chúng ta. Điều này bỗng chốc soi sáng nhiều đoạn Kinh Thánh. Và chúng ta cũng kinh ngặc nữa ! Chúng ta kinh ngặc vì Thiên Chúa sao lại hứa bấy nhiêu thứ khả giác và hữu hình :
Tôi sẽ bước đi trước mặt Người
trong miền đất của những người sống.
(Tv 116, 9)[8]
Lạy ĐỨC CHÚA, con kêu gào lên Ngài,
con thưa : Ngài là nơi trú ẩn của con
là phần của con trong miền đất của những người sống.
(Tv 142, 6)[9]
Ngôn ngữ của các Thánh Vịnh là như thế. Ngôn ngữ này mang lại cho chúng ta toàn là những điều sinh động, đầy ánh sáng, đụng chạm được và nóng hổi, giống như ổ bánh mì vừa mới ra lò! Trong những câu Thánh Vịnh chúng ta vừa trích, “miền đất của những người sống” muốn diễn tả điều mà mọi người ước ao khi nghe những chữ này. Giải thích như thế không phải là quá đơn giản, bởi vì không ai biết được thật chính xác điều mình ước ao; nhưng như thế mới là ước ao! Cách giải thích này cũng không mờ mờ ảo ảo, bởi vì mọi người chúng ta điều biết ước ao. Và với cách giải thích như thế, chúng ta sẽ học được một điều: phải ước ao khi đọc các bản văn Kinh Thánh, phải đọc các bản văn Kinh Thánh với ước ao của mình, và phải đọc ra ước ao của mình ở nơi các bản văn Kinh Thánh. Cầu nguyện với Kinh Thánh là như thế đó[10].
3. Ước ao của con người và Bánh Thánh Thể
Các câu chúng ta đã trích từ Tv 81 còn có tương quan với Bánh Thánh Thể, với sự sống thần linh mà chính Thiên Chúa trao ban cách nhưng không, với sự sống sẽ chiến thắng sự chết. Và miền đất của những người sống chính là nơi hẹn được ban cho tất cả những người đã chết. Thực vậy, ơn huệ sự sống đời đời ở nơi tấm bánh vốn là thân thể của Đức Kitô, chính là Tin Mừng. Thế mà ước ao của con người chính là nơi duy nhất có khả năng vang vọng khi lời loan báo Tin Mừng chạm đến. Ngoài lòng ước ao, Tin Mừng không thể vang lên được. Và hiển nhiên là người ta luôn luôn có thể ngăn chặt hay làm át đi tiếng vang.
Lời loan báo Tin Mừng như tiếng kèn mặc khải, có nơi vang vọng là lòng ước ao của chúng ta. Tiếng kèn làm cho vang vọng lời loan báo rằng Thiên Chúa ban cho chúng ta tấm bánh là chính thân thể của Ngài, rằng Thiên Chúa ban cho loài người một thế giới mới, ở đó cái chết bị Đức Giêsu-Kitô đánh bại, rằng Đức Giêsu Kitô hiệp nhất trong tình yêu toàn thể nhân loại và làm cho nhân loại cùng tái sinh. Về phần chúng ta, chúng ta lại luôn không biết thật rõ điều mình ước ao. Nhưng ước ao làm sao có thể khác đi được? Bởi lẽ ước ao là một chuyển động hướng đến một Đấng Khác mà tôi không thể tạo ra được, và ước ao cũng là một chuyển động hướng tới một ơn huệ mà tôi không thể tự ban cho mình.
Khi Đấng Khác đến và ơn huệ được trao ban, thì mọi sự sẽ sáng tỏ. Lúc ấy, chúng ta sẽ được mặc khải rằng chúng ta đã ước ao Đấng Khác này và ơn huệ này và rằng Đấng Khác này đã tác thành nên chúng ta cùng với lòng ước ao nhằm làm cho chúng ta no thỏa. Như thế, Tin Mừng cho chúng ta biết rằng những người đã viết ra các Thánh Vịnh, cũng đã ước ao, trong thân phận của họ giống như thân phận của chúng ta, điều Thiên Chúa đã loan báo và mặc khải hôm nay. Tin Mừng mặc khải cho chúng ta rằng bông lúa mì mà Tv 81 nói đến, là tấm bánh khởi sự với bánh ăn hằng ngày của chúng ta và hoàn tất trong sự sống thần linh mạnh hơn sự chết, bằng cách đi ngang qua Bánh Thánh Thể của chúng ta. Bánh này có nhiều nghĩa, bởi vì bánh này có cả một lịch sử mà không ai có thể thực hiện trước được. Nhưng lịch sử này có một chuyển động mà thôi, chuyển động này được mặc khải cho chúng ta bởi Tin Mừng.
Tin Mừng cho chúng ta biết tấm bánh này được nhào nắn như thế nào: bánh đã đi ngang qua thập giá của Đức Kitô, nơi chốn đích thật cho sự biến đổi của bánh. Nơi Thập Giá, lòng ước ao của chúng ta được mời gọi lắng nghe Tin Mừng về Bánh Hằng Sống, khi nhìn ngắm với lòng mến vẻ bề ngoài “nát tan”, không còn gì, của Đức Kitô chịu đóng đinh, vốn không thể là đối tượng của lòng ước ao, theo vẻ bề ngoài.
|
|
Đức Ki-tô |
Đức Ki-tô |
Đức Ki-tô |
Nếu bánh ăn hằng ngày không làm cho chúng ta chiến thắng sự chết, thì Bánh Hằng Sống, là chính Đức Giê-su, sẽ làm cho chúng ta chiến thắng sự chết, bởi vì chính Ngài đã vượt qua và chiến thắng cả tiến trình dẫn đến sự chết và chính cái chết trong cuộc Thương Khó.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
[1] Dịch theo Bible de Jérusalem, 1998.
[2] Chẳng hạn, đâu là ý nghĩa thiêng liêng của “nước hằng sống” mà Đức Giêsu nói với người phụ nữ Samaria (Ga 4, 10)?
[3] Vào khoảng đầu thế kỷ XX, những người chủ trương duy khoa học thực nghiệm đã ấn định, như thể mình có toàn quyền, một nghĩa duy nhất cho Kinh Thánh; chúng ta có thể gọi nghĩa này là nghĩa vật chất (sens matériel); theo đó, Kinh Thánh nói như thế nào, thì cứ hiểu y như tế, chẳng hạn trường hợp của các trình thuật về sáng tạo trong St 1-3. Và nếu là như thế, Kinh Thánh chỉ kể toàn chuyện thần thoại, không có thật, vì thế Kinh Thánh phản khoa học, vô giá trị. Đây là một trong các giải pháp có thể được coi là “đơn giản một cách quá nông cạn”.
[4] Một em bé dù vẫn còn trong giai đoạn sống với những nhu cầu cơ bản, nhưng cũng đã biết ước ao ngay trong hành vi ăn uống, ước ao lời nói âu ếm, ước ao hơi ấm, ước ao sự hiện diện của mẹ và của những người thân yêu.
[5] Vì thế, những ai chỉ sống ở mức độ nhu cầu, nhu cầu thuộc mọi bình diện, người ta có thể “ăn cháo đá bát”, nghĩa là bất kể tương quan liên vị vốn làm nên nhân tính. Trong dụ ngôn “Người con hoang đàng” (Lc 15), người cha đã vượt qua được nhu cầu được phụng dưỡng và theo đó xét đoán con cái, để mở ra với sự hiện diện của người con, “đã mất nay lại tìm được”.
[6] Thực vậy, ước ao được thể hiện không ở đâu rõ hơn trong lời nói đầu tiên được thốt ra bởi con người đầu tiên: “Lần này đây: xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Người này sẽ được gọi là Đàn Bà, vì người này được lấy ra từ Đàn Ông” (St 2, 23).
[7] Nơi Bánh Thánh Thể, bánh ăn, Lời, Người Khác và Đấng Khác hiệp nhất thành một để thỏa mãn ước ao vừa duy nhất vừa đa phức của chúng ta. Trên đời này, chẳng có thứ bánh nào như thế, ngoài tấm bánh mà chính Đức Giêsu cầm lấy, tạ ơn, bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói: “Tất cả các con hãy cầm lấy mà ăn, này là mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con”.
[8] Dịch theo Bible de Jérusalem, 1998.
[9] Ibid.
[10] Điều này hoàn toàn phụ hợp với “biện chứng” của một bài tập thiêng liêng theo sách Linh Thao của thánh Inhã Loyola. Thực vậy, trong một bài tập thiêng liêng, nghĩa là một bài linh thao, chúng ta luôn khởi đi từ việc tìm hiểu ý nghĩa của bản văn Kinh Thánh, nhưng mục đích là để có được kinh nghiệm “cảm nếm” Lời Chúa nơi toàn bộ con người của mình; và điểm tới của tiến trình này là đi vào trong tương quan thiết thân với Chúa ngang qua “lời được thốt lên” trong cuộc tâm sự (xem Linh Thao, số 3).