Đàng thánh giá: Đồng Hành vơi các gia đình gặp khó khăn


ĐÀNG THÁNH GIÁ
Chủ đề: ĐỒNG HÀNH VỚI GIA ĐÌNH GẶP KHÓ KHĂN.

Lời nguyện mở đầu:
        Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã phán: “Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi(Lc 14, 27).
        Giờ đây, chúng con cùng nhau đi lại con đường Thánh Giá mà Chúa đã đi xưa, với chủ đề: Đường Thánh Giá của các gia đình gặp khó khăn. Để nhờ ân sủng Chúa, gia đình chúng con được giao hòa với Chúa, và lấy lại nhịp sống thánh thiêng trên đường đời. Vâng, lạy Chúa, Chúng con xác tín rằng: Đường Thánh Giá là con đường tình yêu, con đường tha thứ, con đường hoà giải, mà chúng con phải bước theo để chữa lành gia đình của mình.

        Xin Chúa ban cho chúng con biết suy niệm sâu sa mỗi chặng Thánh Giá. Nhờ đó, chúng con bớt đi những lối sống và cách cư xử thiếu bác ái, thô bạo, đã gây biết bao tổn thương tình yêu gia đình và đã gây nên nguyên cớ khó khăn, làm đổ vỡ cho các gia đình nói chung, đặc biệt trong gia đình của các bạn trẻ ngay nay.

        Xin Mẹ Ma-ri-a đồng hành với chúng con, như xưa Mẹ đã đồng hành với Chúa Giê-su trên đường thập giá. Nhờ sự cầu bầu của Mẹ, gia đình chúng con vượt qua được những khó khăn hiện tại được chữa lành, và tìm lại được niềm vui ấm êm, như gia đình của đôi tân hôn tại tiệc cưới Ca-na xưa. Amen.

Hát : Lạy Chúa, con đường nào Chúa đã đi qua,
          con đường nào Ngài ra pháp trường,
          mão gai nào hằn lên đau xót.
          Lạy Chúa, Thánh giá nào Ngài vác trên vai,
          đau thương nào phủ kín tâm tư,
          đường tình đó Ngài dành cho con.
ĐK - Lạy Chúa, xin cho con bước đi với Ngài,
         xin cho con cùng vác với Ngài
         thập giá trên đường đời con đi.
         Lạy Chúa, xin cho con đóng đinh với Ngài,
         xin cho con cùng chết với Ngài,
         để được sống với Ngài vinh quang.

Di chuyển đến nơi thứ nhất.
Lạy Chúa Ki-tô, chúng con thờ lạy Chúa,
chúng con chúc tụng Chúa,
vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu độ trần gian.

NƠI THỨ NHẤT
CHÚA GIÊ-SU BỊ KẾT ÁN TỬ HÌNH
Cầu cho các thành viên trong gia đình
luôn sống chân thật với nhau

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an (18, 37-38; 19, 16).

Khi ấy, tổng trấn Phi-la-tô hỏi Đức Giê-su: Vậy ông là vua sao? Đức Giê-su đáp: Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đến thế gian nhằm mục đích này; làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi. Ông Phi-la-tô nói với Người: Sự thật là gì?  Nói thế rồi, ông lại ra gặp người Do-thái… Bấy giờ ông Phi-la-tô trao Đức Giê-su cho họ đóng đinh vào thập giá.

Suy niệm:
        Vụ án Giê-su là vụ án của người không biết sự thật là gì. Nó chảy xuôi theo lòng thù hận của đám đông, bất chấp công lý, bất chấp phải trái, bất chấp sự đổ máu của người công chính.

        Được sinh ra và sống trong môi trường xã hội của thời hiện đại, hầu hết mỗi người chúng ta ai cũng đã cảm nghiệm và được chứng kiến lối sống gian dối, lọc lừa của rất nhiều hạng người đang sống quanh ta. Nhưng thật lạ, ngay cả trong gia đình vợ chồng cũng không thật lòng với nhau. Họ lừa dối nhau để sống theo sở thích riêng của mình, làm cho con cái mất lòng tin ở nơi cha mẹ. Họ đã biến tình yêu thành màn che cho những mưu mô tính toán lợi nhuận cá nhân.

Cầu nguyện:
        Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã phán: “Sự thật sẽ giải phóng anh em (Ga 8, 32). Xin giúp các thành viên trong các gia đình chúng con biết sống chân thành tín cẩn, không lừa dối nhau, vì họ đã hứa sẽ chung thuỷ với nhau suốt đời. Nhờ đó, thập giá mà chúng con đang vác hằng ngày được dễ dàng hơn. Amen.
Cộng đoàn đọc: Kinh Lạy Cha, Kinh Mừng, (Sáng Danh)
HátÔi bởi con mà Chúa mang thảm hình,
          con đớn đau nhìn vũ trụ tự hối.
          Xin giúp con đường thiêng liêng thống hối,
          quyết từ đây thờ Chúa hết tâm hồn.
Di chuyển đến nơi thứ hai hát:
        Lạy Chúa Ki-tô, chúng con thờ lạy Chúa,
        chúng con chúc tụng Chúa,
        vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu độ trần gian.
Lưu ý: Sau mỗi chặng suy niệm, cộng đoàn lặp lại những kinh và lời hát này.

NƠI THỨ HAI
CHÚA GIÊ-SU VÁC THẬP GIÁ
Cầu cho những thành viên trong gia đình
biết chấp nhận thập giá của nhau.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an (19, 16-17)

        Bấy giờ ông Phi-la-tô trao Đức Giê-su cho họ đóng đinh vào thập giá. Vậy họ điệu Đức Giê-su đi. Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Híp-ri là Gôn-gô-tha.
Suy niệm:
        Chúa Giê-su vác thập giá ra đi, đây không phải là thập giá của Ngài, mà là thập giá của nhân loại. Ngài vác lên đồi Gôn-gô-tha để biến nó thành Thánh Giá cứu độ con người.

        Ơn gọi Hôn nhân là để sống yêu thương và giúp đỡ nhau trong tình nghĩa vợ chồng. Như vậy, kết hôn là chấp nhận vác thập giá cho nhau để nên thánh. Bởi đó Giáo hội mời gọi khi dự hôn phải tìm hiểu kỹ càng về người phối ngẫu, bàn hỏi với những người khôn ngoan, để đi đến quyết định chấp nhận người mình hứa là sẽ yêu thương đến trọn đời. Ngày nay, nhiều bạn trẻ không để tâm học giáo lý, ít tìm hiểu, thích sống thử, rồi cưới vội vàng. Họ không biết lắng nghe nhau, chấp nhận những khuyết điểm của nhau, nên đã chất lên nhau những nết xấu của mình. Mỗi khi nóng giận lại trút thập giá của mình trên con cái.

Cầu nguyện:
        Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã phán: “Ai muốn theo Tôi, hãy từ bỏ chinh mình và vác thập giá mình mà theo”. Xin cho chúng con biết đón nhận thập giá hằng ngày với tinh thần trách nhiệm và với tình yêu tha thứ, để thập giá của thành viên trong gia đình trở thành ơn cứu độ cho mọi gia đình trong lối xóm chúng con. Amen.

NƠI THỨ BA
CHÚA GIÊ-SU NGÃ XUỐNG ĐẤT LẦN THỨ NHẤT
Cầu cho những gia đình gặp khó khăn về kinh tế

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu (6, 27-29;34)

        Khi ấy, Đức Giê-su phán: Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi, thế mà Thầy bảo cho anh em biết; ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng bông hoa ấy…. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngay mai, ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.

Suy niệm:
        Chúa Giê-su vác thập giá ra đi, nhưng suốt đêm bị hành hạ, vừa đói vừa khát, đã bị gục ngã giữa đường. Tuy vậy, Ngài không chịu khuất phục, Ngài gượng dậy tiếp tục vác đi.

        Ở đời, nhu cầu về kinh tế góp phần quyết định không nhỏ trong cuộc sống con người, nó trở thành thần tượng như câu ca dao: Có tiền mua tiên cũng được, mạnh vì gạo, bạo vì tiền. Tiền của làm chao đảo lương tâm, đã khoét hố xa cách giữa người giầu và người nghèo ngày càng sâu hơn, Người giầu cứ giầu thêm mãi, còn người nghèo thì lại càng nghèo đi. Dầu cho thời đại phát triển, thì nền kinh tế đâu có được san bằng, vì nó tùy thuộc vào lòng tham của mỗi người, nên nó tạo ra những vết thương trong các gia đình. Nhà giầu tìm mọi cách để hưởng thụ, nhà nghèo vì không có công ăn việc làm nên phải vay lãi, bị chèn ép.

        Giầu có thì ăn chơi xa xỉ, rượu chè thuốc sái, trái gái lừa đảo, rồi còn đi xa hơn nữa ... Nghèo khó thì cắn quẩn nhau, cái khó bó cái khôn. Vì tiền mà gia đình luôn trong tình trạng khủng hoảng, gặp khó khăn.

Cầu nguyện:
        Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã phán: “Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra(Mt 4,4). Xin cho các gia đình, nhất là các gia đình trẻ vượt lên trên những nhu cầu vật chất, để tìm kiếm và sống cho các giá trị tinh thần cao cả và trường tồn, nhất là khi đã gục ngã thì cũng biết trỗi dậy mà bước đi như Chúa. Amen.

NƠI THỨ BỐN
ĐỨC MẸ GẶP ĐỨC CHÚA GIÊ-SU
Cầu cho các gia đình có được người mẹ hiền

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an (19, 25-27).

        Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Khi nhìn thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà”, Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh”. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

Suy niệm:
        Con Thiên Chúa xuống thế làm người đã chọn cho mình một người mẹ, đó là Mẹ Ma-ri-a. Mẹ luôn đồng hành trên đường đời với Chúa. Mẹ hiện diện với Chúa từ cánh đồng Be-lem lạnh giá đến giây phút hạnh phúc tại tiệc cưới Ca-na. Mẹ hân hoan đi trẩy hội Giê-ru-sa-lem với Chúa rồi cũng lặng lẽ trở về mái ấm tại Na-gia-rét. Mẹ đã khao khát đến gặp Chúa trên đường rao giảng Tin Mừng và cũng nhanh chóng đi tìm Chúa trên đường thập giá. Giờ đây sự hiện diện của Mẹ dưới chân Thập Giá là một niềm an ủi lớn lao cho Chúa. Mẹ Ma-ri-a là Mẹ của Chúa Giê-su và cũng là mẹ của mỗi người chúng ta.

        Qua bí tích Hôn Nhân, Thiên Chúa đã ban cho mỗi gia đình một người mẹ, đó là món quà vô giá, để sau lưng người đàn ông thành công là người vợ đảm đang, sau lưng người con khôn lớn trưởng thành là bóng dáng của người mẹ dịu hiền yêu thương, sớm tối tần tảo nuôi con.

Cầu nguyện:  
        Lạy Chúa Giê-su đã nói: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành (Lc 8, 21). Ngày nay, nhìn vào nhiều gia đình, nhất là các gia đình trẻ, đang thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người mẹ hiền. Chỉ vì đam mê tình ái mà đã bỏ chồng, quên con. Chỉ vì ham lợi nhuận mà cặp kè với quan chức. Xin Chúa cho các gia đình có một người vợ, người mẹ biết thực thi Lời Chúa như Mẹ Ma-ri-a, để những vết thương trong gia đình chúng con được chữa lành. Amen.

NƠI THỨ NĂM
ÔNG SIMON VÁC ĐỠ THẬP GIÁ CHÚA GIÊ-SU
Cầu cho các gia đình có được một người cha gương mẫu
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô (15, 21-22).

        Lúc ấy, có một người từ miền quê lên, đi ngang qua đó, tên là Si-mon, gốc Ky-rê-nê. Ông là thân phụ hai ông A-lê-xan-đê và Ru-phô. Chúng bắt ông vác thập giá đỡ Đức Giê-su.Chúng đưa Người lên một nơi gọi là Gôn-gô-tha, nghĩa là Đồi Sọ.

Suy niệm:
        Đang kiệt sức, lê đi chẳng được, nay được một người đàn ông miền quê lực lưỡng đỡ cho gánh nặng, lòng Chúa cũng nhẹ đi nỗi cơ cực, thầm cảm ơn lòng hào hiệp của ông Si-mon; một người cha của gia đình; một người cha không trốn tránh trách nhiệm với vợ con, cũng không ngoảnh mặt đi với những đau khổ của người anh em.

Đời trần là bể khổ, cần có nguồn suối tuôn đổ tình thương.
Đời thế là Luân Thường, cần có người thân thương bộc lộ.

        Trong gia đình, vai trò người chồng, người cha rất quan trọng. Ông là cột trụ để mọi sinh hoạt trong gia đình xoay quanh, là điểm tựa cho người vợ, là mẫu gương cho đời con cái.

        Có thể nói 80% gia đình đang gặp khó khăn cách này cách khác đều nguyên do bởi “phái mày râu”. Vì sống buông thả, nên họ đã không chung thủy với vợ, không sống gương mẫu cho con cái. Thú vui cờ bạc, rượu chè, đề đóm đã làm họ mất hết phẩm chất con người. Vì lười cầu nguyện, bỏ kinh lễ, họ đã thành một tín hữu vô thần. Bởi đó vợ con luôn phải chịu đựng, gia đình không còn là tổ ấm yêu thương.

Cầu nguyện:
        Lạy Chúa Giê-su, Thánh Phao-lô đã dạy: Người làm chồng hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vị Hội Thánh (Ep 5,25). Xin cho mỗi gia đình có được một người chồng biết thương vợ, một người cha biết yêu con cái, để gia đình chúng con nên giống Thánh Gia xưa. Amen.

 
NƠI THỨ SÁU
BÀ VÊ-RÔ-NI-CA LAU MẶT CHÚA GIÊ-SU
Cầu cho các gia đình có được những người con ngoan

Lời Chúa trong sách ngôn sứ I-sa-ia (60,4-5a)

        Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem, con trai ngươi từ phương xa tới, con gái ngươi được ẵm bên hông. Trước cảnh đó, mặt mày ngươi sẽ rạng rỡ, lòng ngươi rạo rực, vui như mở cờ.

Suy niệm:
        Khuôn mặt Chúa Giê-su tím bầm, xưng tấy, không còn hình tượng người như trước nữa, chẳng còn ai nhận ra. Không còn là khuôn mặt của Thầy Giê-su dễ thương như ngày thường, ai cũng khiếp sợ tránh xa. Ấy thế mà với tấm lòng trắc ẩn, bà Vê-rô-ni-ca đã dám tiến lại gần, trao khăn lau mặt cho Chúa, như một cử chỉ thảo hiếu của người con đối với người cha, làm Chúa cũng được mát lòng, dịu đi những cực nhọc đau thương.

        Trong gia đình, niềm vui lớn nhất của cha mẹ đó là con cái. Ca dao có câu:
Con khôn, nở mặt mẹ cha, con mà tài đức, cả nhà thơm lây.

        Quả thật, con cái là điểm tựa của mẹ cha, là khăn lau, là cái gậy mỗi khi về già, nên dù phải vất vả cực nhọc lo cho con ăn học, cha mẹ cũng không quản ngại gì, miễn là con thành đạt.

        Nhìn vào nỗi khó khăn trong các gia đình hiện nay, thấy xuất hiện một mảng lớn là vì con cái. Trong thực tế, ta thấy các bậc cha mẹ không dạy dỗ con cái đúng mức. Một số cha mẹ dễ dãi để con cái muốn làm gì thì làm, hoặc bởi vì đời sống quá bận rộn, cha mẹ không còn thời giờ dành cho con. Một số cha mẹ cảm thấy học vấn là quan trọng nhất, nên bỏ tiền mua bằng cấp cho con, không mấy quan tâm cho con cái học giáo lý. Kết cục các bạn trẻ đã là gánh nặng cho gia đình, chúng đi vào con đường bê tha, nghiện ngập, sống buông thả, trộm cắp, bệnh tật …

Cầu nguyện:
        Lạy Chúa Giê-su. Trong nhà Na-gia-rét, Chúa hằng vâng phục Đức Ma-ri-a và Thánh Giu-se, ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta. Xin soi sáng cho con cái trong gia đình chúng con biết sống hiếu thảo, để lau sạch những vết nhọ trên khuôn mặt của mẹ cha. Amen.

NƠI THỨ BẨY
CHÚA GIÊ-SU NGÃ XUỐNG ĐẤT LẦN THỨ HAI
Cầu cho những gia đình đang khủng hoảng vì bị phá sản

Lời Chúa trong Thánh vịnh 34 (34, 14-17).

        Tôi lang thang như người khóc mẹ, tôi tủi buồn cúi mặt mà đi. Thế mà khi tôi vừa vấp ngã, chúng vui mừng tụ hội với nhau, người lạ mặt cũng xúm vào đập đánh và cấu xé không ngừng. Chúng khiêu khích tôi và nặng lời chế nhạo, lại hằm hè nghiến lợi nghiến răng. Lạy Chúa, sao Chúa đành nhìn như vậy mãi?

Suy niệm:
        Chúa Giê-su lại bị ngã một lần nữa, có lẽ không phải vì sức nặng của thập giá vì đã có ông Si-mon vác đỡ, nhưng vì chợt nghĩ đến phận người của mình đã bị tan nát. Thế là hết ! Đâu còn dáng vẻ uy nghi như khi Ngài giảng dạy dân chúng ! Đâu còn quyền năng như những khi Ngài làm phép lạ ! Ngài lại bị khụy xuống. Nhưng rồi tiếng Chúa Cha thôi thúc trong lòng: Cố lên con, cố lên con ! Thế là Ngài lại gượng dậy lê bước để làm trọn sứ mạng Chúa Cha trao phó.

        Mỗi người sinh ra trên đời này đều có một sự nghiệp. Khi xây dựng gia đình, đôi bạn trẻ đã lo kiếm công ăn việc làm để xây dựng nhà cửa, tốn bao công sức để vun vén cho tổ ấm của mình. Nay vì lầm lỡ, vì nhẹ dạ cả tin, nên lâm vào cảnh sa sút, khủng hoảng kinh tế hoặc bị phá sản. Họ đã mất cả sự nghiệp, mất hướng đi, rồi mất cả niềm tin. Họ đã ngã gục giữa đường.

Cầu nguyện:
        Lạy Chúa Giê-su, sách Giảng viên nói: Một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất. Một thời để giữ lại, một thời để vất đi (Gv 3,6). Xin cho những gia đinh đang lâm cảnh khốn cùng đó, biết cậy dựa vào Lời Chúa mà gượng dậy bước đi như Chúa xưa. Amen.

NƠI THỨ TÁM
CHÚA GIÊ-SU ĐỨNG LẠI AN ỦI
CÁC PHỤ NỮ THÀNH GIÊ-RU-SA-LEM
Cầu cho các thành viên trong gia đình biết lắng nghe nhau.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu (10, 40;42).

        Bấy giờ Đức Giê-su phán:Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy…. Và ai cho một trong những kẻ nhỏ này uống dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.

Suy niệm:
        Trên đường lên Núi Sọ, Chúa Giê-su đã bị những người đồng hương hành hạ không thương tiếc, nay có được một số phụ nữ thương khóc, đấm ngực tiếc xót Chúa, làm Chúa cũng đỡ mủi lòng. Dầu vậy, Ngài lại nói với họ rằng: “Hỡi chị em thành Giê-ru-sa-lem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu của chị em (Lc 23,28). Bởi Ngài không muốn nhận những giọt nước mắt “cá sấu”, mà Người muốn nhận nơi họ tâm tình của người môn đệ, dù họ chỉ cho Người một chén nước lã.

        Trong các gia đình ngày nay, hầu hết mỗi người một công việc, mỗi người một lưng vốn, rất hiếm khi cả nhà có bữa ăn chung. Trừ ngày giỗ, giờ kinh chung trong gia đình lại càng khó thấy. Do vậy cũng rất khó có tiếng nói chung tấm lòng chung. Công việc bổ đầu, chi tiêu góp vốn, việc nhỏ thì của ai người ấy làm. Ít khi cha mẹ, con cái ngồi lại bàn bạc công việc gia đình, lắng nghe nhau cùng xây dựng cho tổ ấm. Bởi vậy những “tiếng cười phụ hoạ” khi thành công, những “giọt nước mắt cá sấu” khi nguy khốn xuất hiện là lẽ thường tình, nên “có khóc thì khóc cho phận mình” là lẽ đương nhiên.

Cầu nguyện:
        Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã phán: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ” (Mt 18, 20). Xin cho chúng con tìm lại được giờ cầu nguyện chung trong gia đình. Nhờ đó các thành viên trong gia đình chúng con biết lắng nghe Chúa và lắng nghe nhau. Amen.
 
NƠI THỨ CHÍN
CHÚA GIÊ-SU NGÃ XUỐNG LẦN THỨ BA
Cầu cho những gia đình đang khủng hoảng Đức Tin

Lời Chúa trong Thánh vịnh 119 (119, 25-28). 

        Tấm thân này bị nhận xuống bùn đen, theo lời Ngài, xin cho con được sống. Con kể lể đường đời, Chúa đáp lại, xin dạy cho con biết thánh chỉ Ngài. Đường lối huấn lệnh Ngài, xin cho con hiểu rõ, để con suy gẫm những kỳ công của Ngài. Con đã phải buồn sầu ứa lệ, như lời Ngài phán, xin đỡ con lên.

        Suy niệm: Đường thập giá là đường tình yêu, mà đường tình yêu cũng là đường thập giá, nó gập ghềnh khôn tả, làm Chúa phải vấp ngã đến ba lần. Nhưng Chúa quyết không bỏ cuộc, vẫn tín thác đi tiếp, vì vâng phục thánh ý Chúa Cha và yêu thương nhân loại. Như vậy đường tình yêu cũng là đường của niềm tin; tin da diết thì yêu tha thiết, tin hờ hững thì yêu chừng mực. Bởi vậy các môn đệ đã phải thưa với Chúa rằng: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con(Lc 17,5).

        Sống trong xã hội vô thần và thực dụng, nhiều ki-tô hữu đã bị khủng hoảng đức tin, đến nỗi Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã phải cảnh báo trong khi giảng lễ tại nhà nguyện San-ta Mát-ta rằng: “Chúng ta hãy canh chừng, đừng để mình rơi vào tình trạng Ki-tô hữu vô thần”. Nhiều ki-tô hữu ngờ vực về niềm tin của mình, hữu danh vô thực, họ đã coi thường luật dự lễ ngày chúa nhật, thậm chí còn không dám xưng mình là ki-tô hữu.

        Các bạn trẻ vì phấn đấu mà không dám ghi mình là Ki-tô hữu trong chứng minh thư. Những người cha, người mẹ sống đạo mờ nhạt, họ quan tâm đến lễ hội hơn đi xưng tội. Nền tảng gia đình đang bị phá vỡ vì nạn ly dị và phá thai ngày càng cao.

        Đó là dấu chứng sự khủng hoảng đức tin trong các gia đình.

Cầu nguyện:
        Lạy Chúa Giê-su, Thánh Gia-cô-bê đã dạy: “Đức tin không có hành động là đức tin chết(Gc 2, 17). Xin cho mỗi thành viên trong gia đình chúng con biết lắng nghe Lời Chúa, thực hành những điều Hội thánh dạy, để đức tin của chúng con luôn trỗi dạy bước đi theo Chúa mỗi ngày. Amen.

NƠI THỨ MƯỜI
CHÚA GIÊ-SU BỊ LỘT ÁO
Cầu cho những gia đình trong tình trạng ly dị tái hôn

Lời Chúa trong sách Gióp (1, 21).

        Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: Xin chúc tụng danh Đức Chúa.

Suy niệm:
        Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân. Giờ đây, Áo mặc ngoài chúng đem chia chác, còn áo trong cũng bắt thăm luôn. (Tv 21, 19) để lộ thân mình trần trụi, thật tủi hổ nhục nhã !!!

        Quả thật, thân xác con người là một tác phẩm tuyệt hảo của Thiên Chúa, vì nó là hình ảnh của Người. Với thân xác được bao bọc bởi một lớp áo, con người sẽ đem lại cho nhau tình yêu và hạnh phúc, đặc biệt trong hôn nhân nó đã thuộc về nhau. Nay vì từ chối tình yêu, vì nhàm chán mà phản bội lời cam kết, nên họ bị lột bỏ tất cả, phơi trần mọi sự không thương tiếc.

        Khó khăn lớn nhất trong hôn nhân Công giáo ngày nay là “Ly dị và tái hôn.” Họ đưa nhau đến tòa án đòi ly dị, để thay tình yêu như thay áo, họ đưa ra những lời vu khống để kết án nhau, nại đến lòng chung thủy mà cả hai bên đều vi phạm. Ai cũng cho là mình đúng, là vô tội khi kết án người phối ngẫu. Họ đã làm tan nát gia đình, con cái thiếu tình cha, vắng nghĩa mẹ. Nhưng họ vẫn đòi được rước lễ như là một quyền lợi.

Cầu nguyện:
        Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã phán: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly(Mc 10,9). Xin cho các gia đình trẻ thấu hiểu được chân lý này, để họ không bao giờ phản bội lời giao ước ban đầu trong Bí tích Hôn Phối, hầu đem lại sự bền vững cho mọi gia đình nhân loại. Amen.
 
NƠI THỨ MƯỜI MỘT
CHÚA GIÊ-SU BỊ ĐÓNG ĐINH TRÊN THÁNH GIÁ
Cầu cho các thành viên trong gia đình
không nói hành, nói xấu nhau.
 
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô (15, 29-32).

        Khi ấy, kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói: Ê, mi là kẻ đã phá Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, có giỏi thì xuống khỏi thập giá mà cứu mình đi”. Các thượng tế và kinh sư cũng chế giễu Người như vậy, họ nói với nhau : “Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Ông Ki-tô vua Ít-ra-en, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, để chúng ta thấy và tin. Cả những tên cùng chịu đóng đinh với Người cũng nhục mạ Người.

Suy niệm:
        Nhìn Chúa Giê-su chịu đóng đinh vào thập giá thật thảm thương, thế mà những người đồng hương cũng vẫn không buông tha, lại còn đóng thêm những chiếc đinh vô hình bằng những câu nhục mạ, những lời nói hành, những câu bôi nhọ chế giễu, làm Chúa lại càng đau thêm.

        Những mũi đinh vô hình đau đớn hơn những mũi đinh hữu hình. Những lời nói độc địa, mỉa mai, xiên xỏ đã đâm thấu đến tận tâm can, nó là nguyên nhân gây ra biết bao chia rẽ, bởi điều thêm thắt bịa đặt đều do ác quỷ mà ra. (x.Mt 5, 37). Bởi đó, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nhiều lần lên án thói nói hành nói xấu tha nhân. Ngài nhấn mạnh rằng: “Kẻ ngồi lê mách lẻo không kết thúc với hành động của mình, nhưng đi xa hơn, họ gieo rắc bất hòa, gieo vãi thù hận và sự ác. Xin anh chị em hãy nghe điều này, tôi không nói quá: các cuộc chiến tranh bắt đầu bằng miệng lưỡi. Khi bạn nói xấu người khác, tức là bạn bắt đầu một cuộc chiến. Một bước tiến đến gần chiến tranh, một cuộc tàn phá. Hủy diệt người khác bằng miệng lưỡi hoặc bằng một quả bom nguyên tử cũng giống như nhau. Cả hai đều là tàn phá. Miệng lưỡi có sức tàn phá như một quả bom nguyên tử, nó rất mạnh… có sức tàn phá ...” (tại Gx T.Crispino thành Viterbo ở Roma, chiều ngày 3/3/2019).

Cầu nguyện:
        Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã phán: “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta(Lc 6, 31). Đó chính là khuôn vàng thước ngọc trong cuộc sống chung, đặc biệt trong mỗi gia đình. Xin cho chúng con biết dùng những lời lẽ yêu thương để khích lệ nhau trên đường dương thế khổ đau này, và tránh xa thói ngồi lê mách lẻo để đóng đinh nhau. Amen.
 

NƠI THỨ MƯỜI HAI
CHÚA GIÊ-SU CHẾT TRÊN THÁNH GIÁ
Cầu cho nạn phá thai

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan (19, 28-30).

        Sau đó, Đức Giê-su biết mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: “Tôi khát !” Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm; buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giê-su nói : Thế là đã hoàn tất !” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.

Suy niệm:
Vì muốn loại bỏ, các thượng tế và kinh sư đã cướp đi mạng sống của Đức Giê-su. Nay Đức Giê-su đã hoàn tất sứ mạng của mình. Vì yêu thương, Người đã trao lại Thần Khí để cho nhân loại được sống.

Sự sống con người là Thần Khí của Thiên Chúa, cướp đi sự sống Thiên Chúa là một tội ác. Công đồng Vatican II đã khẳng định phá thai là tội ác chống lại sự sống: “Sự sống ngay từ lúc thụ thai phải được giữ gìn hết sức cẩn thận : Phá thai và giết trẻ sơ sinh là những tội ác ghê tởm(x. GS 51).

Nay tội ác này đã lan tràn khắp toàn cầu. Với 68% người dân đồng ý, việc bãi bỏ luật cấm phá thai này đã được thông qua vào ngày 26/5/2018. Báo chí và một số chính giới của I-rê-lând và châu Âu cho rằng I-re-lând đã “làm nên lịch sử”. Đó là những hình ảnh gây ám ảnh. Bởi vậy, chuyện có thai đối với họ không còn là “có tin mừng” mà đã trở thành gánh nặng đe dọa cuộc sống thoải mái của họ.

Quả thật, Dân gian có câu: “Hổ dữ không ăn thịt con”. Thế mà người phụ nữ khi phá thai đã vô tâm hay nhẫn tâm giết đi con mình, họ có ngờ rằng hậu quả của sự phá thai thật nghiêm trọng. Việc nạo phá thai không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản mà còn để lại những sang chấn tâm lý khôn lường như : Bệnh trầm cảm, rối loạn tâm lý. tự ti, ngại trao đổi và dần dần hình thành tâm trạng trầm uất, tự kỷ…

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Chỉ có Chúa mới có quyền trên sự sống của chúng con. Xin cho chúng con ý thức điều đó để không bao giờ dám loại bỏ thai nhi, là mầm sống Chúa đã ban cho nhân loại chúng con. Amen.

NƠI THỨ MƯỜI BA
XÁC CHÚA GIÊ-SU HẠ XUỐNG KHỎI THÁNH GIÁ
Cầu cho người trong gia đình thoát khỏi
đam mê, nghiện ngập, tù tội.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca (9, 62).

        Bấy giờ Đức Giê-su nói với người đến xin theo Chúa rằng: Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.

Suy niệm:
        Thân xác Đức Giê-su đã bị đóng đinh vào thập giá để thánh hiến thập giá nhân loại trở thành Thánh giá Cứu Độ, nay mọi sự đã hoàn tất, phải được tháo xuống để được ân thưởng sự Phục Sinh. Đó chính là lời mời gọi cho những ai muốn được cứu độ cũng phải tháo gỡ những đam mê trần tục. Thánh Phao-lô cũng nói: “Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta. (Rm 6 ,8).

        Hiện nay, tình trạng tệ nạn xã hội rất phổ biến như: Tệ nạn ma túy, cờ bạc, rượu bia, mại dâm, mê tín dị đoan, đang diễn ra  khá phức tạp và khó khống chế. Nó ảnh hưởng đến tư tưởng, tâm lí, đạo đức, hành vi làm mất phương hướng lựa chọn giá trị sống và làm mất niềm tin của một bộ phận công chúng, đặc biệt là thanh thiếu niên.

        Đối với các gia đình có người thân mắc vào tệ nạn xã hội sẽ bị khủng hoảng về mặt tài chính cũng như tinh thần, khiến đạo đức và văn hóa lành mạnh bị đe dọa nghiêm trọng. Bởi vậy, càng được tháo gỡ ra khỏi những đam mê này càng sớm, thì gia đình mới thoát khỏi cảnh khó khăn.

Cầu nguyện:
        Lạy Chúa Giê-su, nhìn thấy cảnh con cái phải đi vào trại cai nghiện, vào chốn lao tù, mà lòng cha mẹ đau thắt lại. Xin Chúa giải thoát những người đang lâm vào cảnh tệ nạn xã hội, nghiện ngập, khỏi gông xiềng và bóng tối của sự dữ. Xin ban cho họ sức mạnh thiêng liêng để có thể dứt bỏ đam mê đó, hầu mang lại cho gia đình nguồn vui trong ân sủng. Amen.
 
NƠI THỨ MƯỜI BỐN
AN TÁNG CHÚA GIÊ-SU TRONG MỒ ĐÁ
Cầu cho những thành viên trong gia đình
biết suy gẫm về sự chết.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu (25, 34).

        Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người (công chính) ở bên phải rằng: Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa.

Suy niệm:
        Thân xác Đức Giê-su đã được tháo xuống khỏi thập giá, nay được nằm lại trong mộ đá để chờ ngày trỗi dậy với thân xác vinh quang. Thế là mầm sống mà Thiên Chúa đã gieo vào lòng Đức Trinh Nữ Ma-ri-a ngày nào, nay được trường tồn vĩnh cửu trong ánh sáng huy hoàng của Thiên Chúa.

        Như thế, chết không phải là hết, mà là cánh cửa mở ra bước sang đời sống vĩnh hằng cho những ai được Thiên Chúa chúc phúc. Gia đình là tổ ấm gieo mầm sống cùng với quy luật: “Một thời chào đời, một thời lìa thế(Gv 3, 2).

        Đối với người Ki-tô hữu, ý nghĩa sự chết được mặc khải trong ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua, mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Ki-tô, Đấng đem lại cho chúng ta niềm hy vọng duy nhất. Người Ki-tô hữu được cùng chết với Đức Ki-tô, “lìa bỏ thân xác này để được trở về ở bên Chúa” (GLCG số1681). Như vậy, Sự Chết là đích điểm của cuộc lữ hành trần thế, đáng cho chúng ta phải suy gẫm và chuẩn bị tâm hồn đi dự Tiệc Cưới Con Chiên.

Cầu nguyện:
        Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã chết và chịu táng trong mồ để đồng cảm với thân phận con người, nhưng Chúa đã phục sinh đó là niềm hy vọng lớn nhất của chúng con. Xin cho gia đình chúng con mỗi khi có người qua đời đừng quá đau buồn, nhưng đặt niềm hy vọng vào sự phục sinh với Chúa của người thân yêu, để tăng thêm niềm tin, niềm trông cậy và tha thiết yêu mến Chúa hơn. Amen.
 
LỜI NGUYỆN KẾT
       
        Lạy Chúa Giê-su, Qua những chặng đường Thánh Giá mà chúng con vừa suy niệm, xin cho mỗi gia đình trong giáo xứ chúng con xác tín rằng: Chỉ có Thánh Giá của Chúa, chúng con mới được tha thứ và được giải thoát.

        Lạy Chúa, cuộc sống này, dù hạnh phúc hay đau khổ đều chóng qua. Xin giúp chúng con nhận ra đường thập giá vẫn là đường Tình Yêu, một con đường dẫn tới giải thoát và chan hoà niềm vui Phục Sinh. Xin thêm sức để chúng con kiên trì vác thập giá đời mình, rũ bỏ những đam mê trần thế và đổi mới bản thân mỗi ngày, để vượt qua những khó khăn hàng ngày. Nhờ đó chúng con luôn biết sống trong vui mừng và hy vọng. Vui mừng vì có Chúa luôn đồng hành với chúng con, và hy vọng các thành viên trong gia đình của chúng con được hợp hoan với nhau trong Nước Chúa.

        Lạy Chúa Giê-su, Đấng đã chết như một hiến tế trên thập giá, xin đón nhận cuộc đời chúng con và dạy cho chúng con biết sinh hoa kết trái, bằng chính những khó khăn trong gia đình chúng con mỗi ngày. Amen.
 
Đại Lãm, Lễ Truyền Tin
Mùa Chay 2019
   Lm. Đaminh Nguyễn Quang Thiều