Chia sẻ tĩnh tâm tháng 11.2018 cho chị em toàn Dòng NVHB

Đời sống của chị, một nhà truyền giáo miền Thượng. Chị đang hiện diện trước Chúa Giêsu đang chiến đấu đến đổ mồ hôi máu trong vườn dầu và đang bị chết treo trên Thập giá.

HÃY NÊN THÁNH (Lv 19, 2)

Kính thưa quí chị,

Dịp tĩnh tâm tháng 10 vừa qua, chúng ta đã dựa vào các bút tích của hai Đức Cha để cùng nhau tái khám phá tia sáng gợi hứng sáng lập Dòng, thấy được công trình kỳ diệu của Thiên Chúa, nhận ra bàn tay yêu thương dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, để Hội Dòng được khai sinh và đang dần lớn lên. Chiêm ngắm giá trị của ơn hiện hữu và mẫu gương tiền nhân đã sống Đặc sủng Dòng, và cùng nhau tạ ơn Chúa.

Hôm nay, chúng ta cũng dựa vào các bút tích ấy để nhìn ngắm cách thức các ngài đã sống đặc sủng, những bước đột phá, những khó khăn đã đương đầu và vượt qua. Ta cũng có thể nhận ra những sự bất nhất do tính yếu đuối của con người, thậm chí kể cả có lúc quên mất những khía cạnh cốt yếu của đặc sủng. Nhờ đó, toàn thể các thành viên của Dòng sẽ ý thức hơn đâu là con đường mà Chúa muốn Dòng tiếp tục bước đi để sống tròn đầy ơn gọi thánh hiến của mình. Xin mời quí chị em cùng tiếp tục khám phá để hoán cải, canh tân cuộc sống như một phương thế tôn vinh, chúc tụng và tạ ơn Chúa.

Khung cảnh: Đời sống của chị, một nhà truyền giáo miền Thượng. Chị đang hiện diện trước Chúa Giêsu đang chiến đấu đến đổ mồ hôi máu trong vườn dầu và đang bị chết treo trên Thập giá.

Ơn Xin: Xin Chúa thêm lòng quảng đại cho con, để con biết mở rộng trái tim mình mà đón nhận tình yêu Chúa, qua các biến cố xảy đến cho Dòng, qua những người sống quanh con; đồng thời biết luôn thi hành Thánh Ý Ngài trong cuộc đời tận hiến của con.

  1. “Hãy là thánh, vì Ta là thánh, Ta, Giavê Thiên Chúa của các ngươi”. (Lv 19, 2)

Đây là một lệnh truyền mà chính Thiên Chúa truyền vì chính Ngài chứ không phải vì bất cứ điều gì khác. Chính vì thế, trong phần ‘tính ý Dòng’ của HP, đức cha Paul Seitz dạy: ý chính là làm sáng danh Đức Chúa Trời và nên lành thánh, còn đức cha Phêrô dạy với nội dung tương tự: mục đích chính là làm sáng Danh Chúa và thánh hoá các phần tử.

Đây là mục tiêu hàng đầu hay còn gọi là khía cạnh cốt yếu của tất cả các kitô hữu, đặc biệt là những người sống đời dâng hiến.
Trong phần sau được hiểu là sứ vụ của Dòng, đức cha Paul Seitz gọi là ‘ý tuỳ’, ngài đề cập chung về đối tượng và công việc; còn đức cha Phêrô gọi là ‘mục đích riêng’, ngài chỉ đề cập đến đối tượng Dòng phục vụ, còn các công việc thì ngài để riêng, trong một số khác.

 

Tính ý Dòng (QLS 2&3)

Sứ mệnh Dòng (HPTK 1,4,5)

Ý chính (2) làm sáng danh Đức Chúa Trời, và nên lành thánh
bởi sự giữ lời khấn ở khó khăn, sạch sẽ, vâng lời, cùng luật Dòng này

Mục đích chính của Hội Dòng là làm sáng danh Chúa và thánh hóa các phần tử (4).
Các chị em trong Dòng tận hiến cho Chúa bằng cách khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm (1).

Ý tùy (3) Chị Em phải lo, là dạy dỗ trẻ em, bất kỳ có đạo, cũng như ngoại; người Kinh hay Thượng,
 
 
 
 
 
Chị Em dạy giáo lý, nhất là dạy dọn mình rước lễ bao đồng cho các trẻ em…Lại dạy chữ nghĩa phần đời tùy theo sự cần từng nơi. Cũng dạy vá may, thêu thùa, giặt ủi, gia chánh và các phép khôn ngoan con gái đời bây giờ phải biết.
Đừng kể các việc ấy, Chị Em còn phải phát thuốc, chích thuốc, coi sóc nhà tiểu nhi, nhà mồ côi hay việc gì khác về việc bác ái tùy ý Bề trên Địa phận chỉ định.

Mục đích riêng là góp phần xây dựng Nước Trời bắt đầu trong Giáo phận Banmêthuột (4). (“Bắt đầu trong Giáo phận BMT”: Giáo phận thừa sai... đi đến với các người sắc tộc, do đó sắc thái đặc biệt của địa phương là hướng về người sắc tộc) (GTHP, 4).
(5) Hội Dòng chủ trương làm các việc tông đồ, như:
- dạy giáo lý,
- cổ võ học hỏi Thánh Kinh,
- các công tác bác ái, giáo dục, dục anh, huấn nghệ, cứu tế, y tế v.v…
Hội Dòng cũng sẵn sàng nhận những trách nhiệm khác do Bề trên Giáo phận trao phó, tùy nhu cầu của thời đại, hoàn cảnh và địa phương.

 
Chúng ta thấy về hình thức trình bày khác nhau, nhưng nội dung có thể nói là một. Tuy nhiên, trong các việc tông đồ, đức cha Phêrô có thêm cho chúng ta một việc mà Hội Dòng đã làm gần 20 năm qua: cổ võ học hỏi Thánh Kinh. Một lần nữa chúng ta thấy sự làm việc kỳ diệu của Chúa Thánh Thần trên đức cha Phêrô để tia sáng cốt yếu của Đặc sủng sáng lập luôn được phát huy qua thời gian.

Chúng ta dừng lại ít phút để cảm nếm tình yêu Chúa dành cho Dòng bất chấp chúng ta có ý thức, có nhận ra và có thực hiện hay không. Chúng ta tôn vinh Chúa và dâng lên Chúa tâm tình phát xuất tự đáy lòng mình, cùng xin Ngài cho mình biết cách đáp trả tình yêu Ngài như thế nào trong từng ngày sống, kể từ hôm nay.

  1. “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24).

    1. Con đường tu đức

Để chị em sống ơn gọi của Dòng, đức cha Paul Seitz chỉ cho chúng ta con đường phải đi, ngài dựa vào thư gởi tín hữu Do Thái chương 9 câu 22 : “Chiếu theo Lề Luật, hầu hết mọi sự đều được thanh tẩy bằng máu. Không có máu đổ ra, thì không có ơn tha thứ”, để khẳng định rằng: Truyền giáo là góp công vào việc cứu chuộc của Chúa Kitô, nếu không chấp nhận thánh giá không đón nhận đau khổ thì làm gì có cứu độ (x.ĐC Kim, PPTG). Bản thân của Ngài, cả đời tha thiết xin Chúa: “xin làm cho con say mê Thánh Giá”. Và những năm đầu - theo các chị tiên khởi kể lại - mỗi tháng ngài đến huấn đức và lập đi lập lại lời này: chúng con xin Chúa cho mình say mê Thánh Giá.

Đó là con đường tu đức mà đức cha ao ước sống và muốn con cái mình sống, dù rằng ngài không viết rõ ràng trong “Quy luật sống” cho Dòng Mến Thánh Giá Kontum điều này. Nhưng nguyên tên Dòng đã chỉ cho thấy con đường tu đức của Dòng: Mến Thánh Giá, bởi có “mến” mới “đi” và có “đi” thì mỗi ngày sẽ một “mến” hơn. Vì nhờ ngắm nhìn và bước theo mới cảm nhận ra được tình yêu sâu thẳm của Thiên Chúa dành cho mình, mới có sức mạnh đáp trả mà không so đo tính toán.

Khi Hội dòng được chuyển sang đức cha Phêrô, Dòng được đổi tên là Dòng Chị Em Đức Maria, Nữ Vương Hoà Bình (1968). Đức cha Phêrô có dạy: “Cha muốn cái tên hấp dẫn này phải là cái chương trình tu đức và hoạt động tông đồ của Dòng chúng con, mà từ giây phút được chính thức thiết lập này chúng con phải cố gắng thực hiện cho bằng được”. Vậy thì đâu là con đường tu đức mà đức cha Phêrô muốn chị em Hội dòng bước đi? Chúng ta cùng lắng nghe ngài: “Trước hết, tinh thần và đường lối tu đức của Dòng chúng con phải được thấm nhuần sâu xa bằng cả một nền giáo lý dựa vào Thánh Kinh phát xuất và khơi sâu từ cái quan niệm Hòa Bình Phúc âm, mà Đức Chúa Giêsu đã hứa ban cho trần gian (Gioan 14,27)  …

Như thế, để chinh phục Hòa Bình cho mình và cho người khác, nhất thiết chúng con phải đi qua con đường mà chính Chúa Kitô đã đi để làm hòa loài người với Đức Chúa Cha: “Nhờ Người mọi vật trên trời dưới đất hòa giải cùng Thiên Chúa, lại nhờ bảo huyết thập giá mà gây được hòa khí.” (Cl 1,20).

Chúng con không thể làm sáng danh Thiên Chúa và thánh hóa bản thân ngoài con đường đế vương của Thánh giá” (x. ĐC Phêrô, BGTL).

Dù mang tên Mến Thánh Giá hay Nữ Vương Hoà Bình thì con đường Chúa muốn chúng ta đi, qua sự chỉ dạy của hai đức cha đều con đường Thánh Giá. Đây là con đường mà Đức Giêsu mời gọi mọi kitô hữu phải bước đi để trở nên môn đệ của Ngài (Lc 9, 23; 14, 27; Mc 8, 34; Mt 10, 38; 16, 24).

Như thế, chúng ta thấy rõ:

Linh đạo của Dòng là: con đường đế vương của Thánh Giá
Sứ vụ riêng của Dòng: Truyền Giáo, đối tượng ưu tiênanh em Sắc Tộc.

  1. Những điểm sống cụ thể

Khi đọc những sử liệu của Dòng, chúng ta không khỏi băn khoăn tự hỏi, chúng ta sẽ sống theo lời dạy của đức cha Paul Seitz “hãy sống và làm như các tông đồ”, hay sống theo đức cha Phêrô “lấy Đức Mẹ làm gương mẫu đời sống tu trì của chúng con”.

Một lần nữa chúng ta lại nhận ra sự dẫn dắt kỳ diệu của Chúa Thánh Thần trên đức cha Phêrô, những điểm nhân đức của Đức Mẹ ngài đưa ra cho chúng ta học đòi bắt chước, lại cũng trùng khớp với những điểm đức cha Paul Seitz muốn một nhà truyền giáo phải có.

Chúng ta làm bảng đối chiếu những nét cụ thể hai vị dạy dưới đây:

 

Đức cha Paul Seitz

Đức cha Phêrô

Cách sống của các Tông đồ

Đời sống của Đức Mẹ

- Thấm nhuần Lời Chúa.

- Được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa (GTHP số 2).

- Sống Đức Tin.

- Lòng tin mãnh liệt, lòng cậy trông, vâng phục ý Chúa mọi đàng (HPTK, số 3).

- Sống đời sống nội tâm:
. Cầu nguyện,
. Tinh thần khó nghèo,
. Tinh thần khiêm nhường.

- Đời nội tâm sâu sắc (HPTK, 3).
- Suy đi nghĩ lại trong lòng (Lc 2, 19.51); (GTHP số 2).

Các tông đồ từng làm

Đức Mẹ từng thể hiện

- Chấp nhận đau khổ.

- Tham dự  vào mầu nhiệm cứu rỗi.

- Phải bền vững, kiên nhẫn.

- Vui vẻ, nhiệt thành loan báo Tin Mừng.

- Nhập thể.

- Phục vụ tha nhân cách ân cần và tế nhị.

Tuy hai vị chỉ cho chúng ta hai mẫu sống của hai đối tượng khác nhau, nhưng nhìn vào bảng đối chiếu trên, chúng ta thấy những điều cần có nơi một tông đồ truyền giáo cũng chỉ là một. Giống nhau vì cùng sống theo mẫu gương Giêsu. Bởi, Đức Maria là người môn đệ tiên khởi của Con mình, lại là môn đệ trổi vượt trên tất cả các môn đệ, và là Nữ Vương các thánh Tông đồ.

Chúng ta hãy sống những gì Mẹ Maria cũng như các Tông đồ đã sống, để có thể nói như thánh Tông đồ Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi.” (Gl 2, 20).

  1. Nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô.

Rm 8, 29 Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc.30 Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang (đọc thêm Pl 3, 10-11).

Kính thưa quí chị em,

Đoạn Kinh Thánh trên soi dẫn chúng ta thấy được kế hoạch của Thiên Chúa dành cho nhân loại, trong đó có Dòng và mỗi người chúng ta, bao gồm việc kêu gọi, chọn, tiền định, làm cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, đến đích cuối cùng là được vinh quang. Nhờ đó, chúng ta nhận ra sự quan tâm chăm sóc của Ngài đối với việc cứu độ nhân loại, một kế hoạch đầy yêu thương và hữu hiệu. Tạ ơn Chúa!

Giờ đây trầm lắng trước Thánh Thể, trong ngày hồi tâm, lắng lòng thật sâu, và cùng với Thánh Thần, mời chị:

  • Suy nghĩ về Dòng … Dòng tôi là một Hội Dòng bắt đầu ý thức về linh đạo của mình và bước đi trong hy vọng … là Hội Dòng đang trưởng thành trong ơn gọi và vững tiến về mọi mặt … là Hội Dòng luôn yêu mến và tìm cách làm sáng lên Đặc sủng của Dòng, trong từng ngày sống, và mỗi ngày mỗi sáng hơn một chút.

Hình ảnh về Dòng mà chị vừa nhận ra hôm nay, cho chị thấy đâu là đặc tính của Dòng?

- Suy nghĩ về bản thân mình … tôi là một nữ tu trẻ đầy tràn nhiệt tâm tông đồ và hướng về tương lai với niềm hy vọng … là một nữ tu trung niên trưởng thành và an vui … là một nữ tu cao niên giàu kinh nghiệm, khôn ngoan và an bình. Hiện tại, đâu là giá trị của chị?

Từ đây, chị hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu bị treo trên Thập giá và tự vấn: năm, sáu mươi năm qua, Chúa Giêsu đã làm gì cho Dòng tôi, cho bản thân tôi? Đáp lại tấm lòng ấy của Ngài, Dòng tôi đã sống đặc sủng mà Ngài đã yêu thương ban tặng cho Dòng như thế nào? Còn tôi, tương quan của tôi với Chúa có được triển nở mỗi ngày một hơn không? Có chú tâm làm sáng Danh Chúa và thánh hoá mình mỗi ngày không? Tôi có xác tín Lời Chúa là lương thực nuôi sống tôi trong từng cảnh huống của đời tôi? Tôi đã cố gắng thực hành và trân trọng giá trị của ba lời khuyên PÂ và luật Dòng đến đâu? Chúng mang lại điều tốt đẹp nào cho đời tận hiến của tôi? Tương quan giữa chị em đang sống cùng, sống cho và sống với tôi, có thấm đượm tình yêu Giêsu? Với bản thân, tôi có sống trung thực với chính mình, chân thành với chị em, đơn sơ và khiêm tốn? Với vũ trụ, tôi có ý thức bảo vệ môi sinh?

Hãy dừng lại và cảm nếm những cảm xúc đang dâng lên trong lòng chị. Tâm sự với Ngài. Tạ ơn và có thể, xin lỗi Ngài về những yếu đuối, những bất trung, bất toàn trong đời mình.

Hãy xin Chúa Thánh Thần giúp chị biết phải xây dựng Hội Dòng và bản thân chị như thế nào trong tương lai, để Đoàn sủng Chúa ban cho Dòng không bị mai một, và bản thân chị mỗi ngày một giống Chúa Kitô hơn, để bất cứ ai khi nhìn thấy chị là thấy hình ảnh sống động của Chúa Kitô đang hiện diện bên họ.

Kết nguyện

Tâm sự với Chúa những gì chị đang được đánh động. Xin Ngài ban sức mạnh và lòng can đảm để chị thực hiện những gì Thánh Thần đã chỉ dẫn.

Nếu chị muốn, hãy tâm sự với lời nguyện sau và Kinh sáng danh hoặc đọc một kinh lạy Cha, để kết thúc.

Như Thánh Phaolô trên đường về Đa-mát,
xin cho con trở nên mù loà
vì ánh sáng chói chang của Chúa,
để nhờ biết mình mù loà mà con được sáng mắt.
Xin cho con đừng sợ ánh sáng của Chúa,
ánh sáng phá tan bóng tối trong con
và đòi buộc con phải hoán cải.
Xin cho con đừng cố chấp ở lại trong bóng tối
chỉ vì chút tự ái cỏn con.
Xin cho con khiêm tốn
để đón nhận những tia sáng nhỏ
mà Chúa vẫn gởi đến cho con mỗi ngày.
Cuối cùng, xin cho con hết lòng tìm kiếm Chân lý
để Chân lý cho con được tự do.

Rabbouni

 Nt. Maria Kim Sơn biên soạn
Dòng Nữ Vương Hòa Bình