Cầu nguyện với bút tịch tuần 24 thường niên


TUẦN 24 TN

HÒA BÌNH PHẢI KHỞI SỰ TỪ NỘI TÂM... BT t. 57

1. Trong tông huấn “Gaudete et Exsultate” (Hãy vui mừng hân hoan)về lời mời gọi nên thánh trong thế giới hôm nay. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói:
 
 “Phúc cho những ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”

  1. Mối Phúc này làm chúng ta nghĩ đến những tình trạng chiến tranh bất tận trong thế giới. Nhưng chính chúng ta thường là một nguyên nhân của xung đột hay ít nhất là của sự hiểu lầm. Chẳng hạn, tôi có thể nghe một điều gì đó về một ai đó, và tôi đi lặp lại nó. Thậm chí có thể tôi thêm thắt vào và làm lan tràn nó… Và câu chuyện càng gây tai hại thì dường như tôi càng khoái chí. Cái thế giới ngồi lê đôi mách của những người tiêu cực và phá hoại không thể nào đem lại hòa bình. Những người như thế thật sự là kẻ thù của hòa bình; họ không thể nào “có phúc”. [73]

  2. Những người xây dựng hòa bình mới thực sự “tạo ra” hòa bình; họ vun đắp hòa bình và tình thân hữu trong xã hội. Chúa Giêsu đưa ra lời hứa tuyệt vời này cho những người gieo rắc hòa bình: “Họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9). Người bảo các môn đệ rằng dù đi tới đâu họ cũng phải nói: “Bình an cho nhà này!” (Lc 10,5). Lời Chúa dạy mọi tín hữu ra sức làm việc cho hòa bình, “ăn ở thuận hòa với tất cả những ai kêu cầu Chúa với tấm lòng trong sạch” (x. 2Tm 2,22), vì “người xây dựng hòa bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hòa bình” (Gc 3,18). Và nếu có những lúc trong cộng đoàn mình, chúng ta tự hỏi phải làm gì, thì “chúng ta hãy theo đuổi những gì đem lại bình an” (Rm 14,19), vì hiệp nhất thì tốt hơn là xung đột. [74]

  3. Thật không dễ “tạo ra” sự bình an này của Phúc âm, sự bình an vốn không loại trừ ai nhưng đón nhận ngay cả những người kỳ cục, những người gây phiền hay khó tính, những người khắt khe, lập dị, những người bị đời làm cho thê thảm, hay đơn giản chỉ là những người ta không ưa. Thật là một việc khó; nó đòi ta phải có tâm trí thật cởi mở, vì đây không phải là chuyện tạo ra “một sự đồng thuận trên giấy tờ hay một sự dàn hòa tạm bợ cho một thiểu số hài lòng”, [75] cũng không phải một kế hoạch “của một số người cho một số người”. [76] Đây cũng không thể là chuyện cố gắng phớt lơ hay coi nhẹ sự xung đột; trái lại, người ta phải thẳng thắn đối diện xung đột, giải quyết nó và biến nó thành một mắt xích của một tiến trình mới”. [77] Chúng ta phải là những nghệ nhân của hòa bình, vì xây dựng hòa bình là một nghệ thuật đòi phải có sự bình tâm, sáng tạo, nhạy cảm và khéo léo.

Gieo rắc sự bình an khắp xung quanh mình: đó là thánh thiện.
2. Đức Maria là người kiến tạo hòa bình
 
{Trong Tân ước, ta có gương mẫu của Đức Maria kiến tạo hòa bình khi người đi thăm bà Isave: Người mang thái tử hòa bình trong lòng, và khi chào thăm "hòa bình" (shalom) bà chị họ thì Gioan đã nhảy mừng. Đi tiệc cưới Cana, Đức Maria đã để ý săn sóc tới những ưu tư của tha nhân; Người đứng ra làm môi giới giữa nhân loại với Đức Kitô. Trong nhà Tiệc ly, Đức Maria đã quy tụ lại các môn đệ của Đức Kitô, tản mác sau khi Thầy bị bắt, về lại làm hòa với nhau, và cầu xin Thánh Thần hợp nhất xuống trên Giáo hội, nhờ đó tất cả có thể sống "một con tim và một linh hồn".}( Cha Phan Tấn Thành OP)
 
Lạy CGTT, bất cứ nơi nào có sự hiện diện của Đức Maria thì nơi đó có yêu thương, niềm vui và bình an. Đó chính là đặc ân của Chúa Thánh Thần đang đơm bông kết trái nơi Mẹ. Ước gì ngày hôm nay, khi hiện diện bất cứ nơi đâu: nơi cộng đoàn, nơi môi trường sống hoặc nơi những người chúng con gặp gỡ mỗi ngày, chúng con sẽ thể hiện nét hân nhiên của người nữ tu NVHB, đong đầy bác ái, hoan lạc và bình an như Mẹ đã nêu gương cho chúng con. Amen
 
Hát: Luật yêu thương (TCCĐ t.218 c.2 và 5)

Nt. Anna Minh Trị