Cầu nguyện với bút tích thứ năm ngày 21/03/2019


Thứ năm ngày 21/03/2019

  • Đọc Bút tích NHỮNG PHƯƠNG PHÁP TRUYỀN GIÁO

LÀM như các tông đồ:  *CHẤP NHẬN ĐAU KHỔ   * VỮNG BỀN
Sách cũ tr. 26-27– Sách mới tr.104-105

  • Suy niệm

 “Đức Cha đã dùng những phương pháp nào để đạt được những thành quả truyền giáo trong địa ohận Đức Cha?  Để trả lời câu hỏi này, Đấng Sáng lập Dòng đã lần lượt đưa ra những phương pháp truyền giáo mà Ngài cho là hiệu lực nhất.
Chiều nay chúng ta cùng suy niệm về CHẤP NHẬN ĐAU KHỔ * VỮNG BỀN như các tông đồ.
Trong suốt Mùa Chay này, Phụng vụ Giáo Hội suy niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chịu đau khổ tới mức tột cùng; Chúa kết thúc cuộc đời truyền giáo bằng cái chết nhục nhã trên Thánh giá.

  • Như Thầy Giêsu, các Tông đồ vác thập giá theo Chúa cũng đã chấp nhận biết bao đau khổ.  Thật rõ nét, Thánh Phaolô tỏa sáng đức kiên trì anh hùng trước những thử thách và nỗi khổ cực trên suốt hành trình truyền giáo- mà thánh nhân tường thuật lại trong thư của ngài. Trong thư thứ 2 gửi Côrintô, Thánh nhân chia sẻ: “Tôi còn hơn họ nữa…, vất vả nhiều hơn, ở tù nhiều hơn, chịu đánh đập hơn gấp bội, suýt chết nhiều lần. Năm lần tôi bị người Do Thái đánh bốn mươi roi bớt một; ba lần chịu đánh đòn, một lần bị ném đá” (2Cr 11,23-25).Thánh nhân còn kể đến những chuyến đi để loan báo Tin Mừng: “Ba lần bị đắm tàu; một ngày một đêm trôi giạt giữa biển khơi. Hành trình nhiều chuyến, nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, nguy hiểm trong sa mạc, nguy hiểm ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em…” (2Cr 11,25-26, 32-33). Nhưng thánh tông đồ đã tìm được sức mạnh nhờ lòng yêu mến Đức Kitô: “Tôi có sức chịu đựng được hết, nhờ Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Pl 4,13). Và “chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang nhưng không tuyệt vọng; bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu” (2Cr 4,8-10).

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nói trong bài huấn dụ: “Chúng ta có thể định nghĩa lòng kiên trì như là sự kiên nhẫn: đó là khả năng chịu đựng cách trung thành, cả khi sức nặng xem ra quá lớn không thể chịu đựng nổi; kể cả trong các hoàn cảnh đáng thất vọng và khổ đau nhất”.

Đấng Sáng lập Dòng cũng mạnh mẽ xác quyết như vậy Truyền giáo là góp công vào việc cứu chuộc của Chúa Kitô, nếu không chấp nhận thánh giá, không đón nhận đau khổ thì làm gì có cứu độ… Ngày nay Kontum trông thấy hạt giống Phúc Âm mọc lên, nhiều người trở lại, đó là kết quả của máu các tử đạo, mồ hôi nước mắt của các tông đồ: các cha, các tu sĩ, giáo dân đã bị giết, bị bắt vì Tin Mừng”.

  • Tư niệm

  • Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, một trong những điều kiện để làm môn đệ của Chúa là phải vác thập giá mình mỗi ngày mà theo Chúa. Thập giá là các thử thách gặp phải: bệnh tật, đau khổ, mất mát và thất bại, công việc tông đồ nhiều vất vả hy sinh,…đó là những thập giá vẫn kéo dài trong suốt cuộc đời mỗi người. Chính Chúa cũng đang vác thập giá đi trước chúng con và hằng ban ơn nâng đỡ, giúp chúng con đủ sức đi theo Chúa đến trọn cuộc đời. Từng giờ phút qua đi là những giờ phút chúng con phải vác thập giá để bước theo Chúa tiến đến đỉnh đồi Can-vê. Và lời Đấng Sáng lập Dòng đã dạy: Đức kiên trì chịu đựng -mãi là một yếu tố thành công cho công việc truyền giáo. Xin Chúa ban cho chúng con đức tính bền vững, kiên nhẫn, đừng đòi hỏi kết quả mau chóng; bởi vì con người cần có thời gian để tăng trưởng và thay đổi như hạt giống nẩy mầm và lớn lên trong niềm hy vọng trổ sinh hoa trái tốt.  Xin Chúa đón nhận những khổ đau của chúng con, của những ai đang long đong vất vả nơi cánh đồng truyền giáo-như lễ vật dâng lên Chúa vì phần rỗi của thế giới.  

HÁT:  MỘT ĐỜI CON THEO CHÚA       NC 184   câu 1