Cầu nguyện với bút tích Dòng từ 28/2 và 07/3/2019


 
Thứ năm ngày28/02/2019
  • Đọc Bút Tích:  LỜI CẦU NGUYỆN  (Phần kết thư chung GỬI ANH EM GIÁO HỮU VIỆT NAM  VỀ NHIỆM VỤ TRUYỀN GIÁO Đ/V ANH EM THƯỢNG)
Sách cũ tr 21-22 – Sách mới tr. 34-35
 
  • Suy niệm
Trong các buổi suy niệm Bút tích trước đây, chúng ta đã nghiền ngẫm cầu nguyện Bút Tích về phương pháp truyền giáo để thực hiện sứ mệnh siêu nhiên và nhân loại với những điều cụ thể nên làm, nên tránh; nhất là việc tông đồ trực tiếp mà ĐấngSáng lập Dòng đã cặn kẽ chỉ dẫn chi tiết. Cuối thư chung này, Đấng sáng lập mời gọi: “Anh em không thể bỏ qua bổn phận cầu nguyện, vì nó vượt lên trên và kết thúc đường lối mọi hoạt động tích cực vừa nói trên. Rồi ngài đặt câu hỏi: Có bao giờ anh em cầu nguyện cho người Thượng chưa?” …
Đức Cha xác quyết: “luôn luôn và trước hết, tông đồ chính thức phải là một con người cầu nguyện: Không có ơn Chúa, chúng ta làm gì nên việc được…”
Linh hồn hoạt động cho công cuộc bác ái của Mẹ Têrêxa chính là cầu nguyện. CẦU NGUYỆN là phương thế kết hợp với Thiên Chúa, để gắn bó với Đức Kitô, từ đó người tín hữu mới có thể biểu lộ Chúa ra cho thế giới. Vì người không có đời sống cầu nguyện sẽ không bao giờ thực hiện được trên các linh hồn một việc phong nhiêu kết quả. Đời sống cầu nguyện là công việc nạp bình, còn hoạt động Tông Đồ chỉ sử dụng dựa vào sức điện nạp ấy. Bởi thế, càng hoạt động thì càng phải cầu nguyện. Cầu nguyện là “Hồn sống của mọi hoạt động tông đồ”. Hay nói như Mẹ Têrêxa “Hoạt động chỉ là kết quả của cầu nguyện”.
  • Tư niệm
  • Cầu nguyện
  • Kính lạy Chúa Giêsu, Chúa cầu nguyện thường xuyên, cầu nguyện trong suốt hành trình loan báo Tin Mừng Nước Trời, như lời thánh sử Matthêu tường thuật: “Giải tán họ xong, Ngài lên núi một mình mà cầu nguyện” (Mt 14, 23). Chúa cũng mời gọi: “Anh em hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt đến” (Lc 10, 2). Qua đó, Chúa dạy chúng con: luôn luôn và trước hết, tông đồ chính thức phải là một con người cầu nguyện. Chúng con không thể thực hiện công việc rao giảng bằng sức riêng. Đấng Sáng lập Dòng đã viết trong thư chung: “Nếu anh em ra tay làm việc cho họ, hay đổ mồ hôi ra vì họ, mà anh em không biết cầu nguyện cho chọ, thì cũng luống công. “Nước Cha trị đến” phải là tiếng kêu xin thành thực của quả tim anh em… Có bao giờ anh em cầu nguyện cho người Thượng chưa? Lần tràng hạt, dâng việc hãm mình, dâng sự rước lễ, dâng thánh lễ Misa để cầu nguyện cho họ trở lại? ”  Vâng, Lạy Chúa, càng dấn thân trong sứ vụ đến với anh em Buôn Làng chúng con càng phải tha thiết cầu xin sự trợ giúp của Chúa. Anh em Sắc tộc là những kẻ bé mọn, xin Chúa thắp sáng trong tâm hồn họ, để họ biết chọn Chúa trên hết, để họ hiểu biết giáo lý Chúa dạy, để họ trung thành sống đạo; nhất là họ cũng biết góp phần mình cho công cuộc truyền giáo, ít là bằng lời cầu nguyện và đời sống chứng nhân hàng ngày. Amen
  • HÁT:
 
Thứ năm sau Lễ Tro-ngày 07/03/2019
  • Đọc Bút tích NHỮNG PHƯƠNG PHÁP TRUYỀN GIÁO
Sống như các tông đồ:*THẤM NHUẦN LỜI CHÚA*SỐNG ĐỨC TIN
Sách cũ tr. 24 – Sách mới tr. 102
  • Suy niệm
Đấng Sáng lập Dòng đã trả lời trong buổi phỏng vấn: “Phương pháp truyền bá Phúc Âm mà tôi cũng như các Linh mục trong địa phận tôi đã áp dụng và còn tiếp tục áp dụng là: “cố gắng sống và làm như các tông đồ đã sống đã làm noi gương Chúa Giêsu”. Ngài nhấn mạnh rằng: “Nếu muốn truyền bá Phúc Âm theo ý Chúa Kitô thì chúng ta phải có cả hai: phải sống và phải làm như Chúa dạy mà các tông đồ đã tuân theo”.  Chúng ta sẽ lần lượt suy niệm trong tháng này về các phương pháp SốngLàm.
Hôm nay tập trung suy niệm về phong cách của người truyền giáo, đó là: Thấm nhuần Lời ChúaSống Đức Tin. Hai hành trang cần thiết nhất trong cuộc đời là Lời Chúa và đức tin, và hai hành trang này bổ sung cho nhau. Lời Chúa soi sáng và làm cho đức tin ngày càng thêm vững mạnh. Đức tin làm cho con người hiểu thấu đáo Lời Chúa hơn, và nhất là dám hy sinh để Lời Chúa được lan tràn cho mọi người.  Theo nghĩa tự điển, thấm nhuần thấu hiểu điều gì một cách sâu sắc đến mức như có thể biến điều đó thành suy nghĩ, tư tưởng, hành động của mình một cách nhuần nhuyễn.
Đầy ắp kinh nghiệm truyền giáo, Đấng sáng lập Dòng đã nói: “Gọi là truyền bá Phúc Âm, rao giảng Lời Chúa, thì việc trước hết chúng ta phải làm là lo cho mình được thấm nhuần Lời Chúa, phải tìm Lời Chúa, ăn Lời Chúa, suy niệm Lời Chúa. Phúc Âm là nguồn sống vô tận cung cấp lương thực nuôi sống người tông đồ.
  • Tư niệm
  • Cầu nguyện
Kính lạy Chúa Giêsu,
Chúng con xin thành kính dâng lên Chúa ưu tư của Đấng sáng lập Dòng qua lời ngài đã nói: “Lý do tại sao ngày nay nhiều người không quan tâm đến việc truyền giáo, là vì họ ít còn tín nhiệm Chúa, ít tin vào Lời Chúa, họ muốn xét lại Lời Chúa ngày nay có còn hiệu nghiệm thích hợp không? Như thế là không còn hoặc ít sống đức tin”.
Vâng, như các thánh tông đồ đã thưa với Chúa:“Xin thêm nhân đức tin cho chúng con”. Kính xin Chúa gia tăng đức tin cho mỗi người chúng con; để chúng con nhận ra Lời Chúa là sứ điệp mạc khải từ Thiên Chúa, Lời Chúa là chính Chúa, Ngôi Lời nhập thể làm người. Xác tín được như thế, chúng con và những người được nghe rao giảng luôn tiếp nhận Lời Chúa với một đức tin chân thành và thái độ khiêm tốn.
Khi lắng nghe Lời Chúa chính là lúc chúng con chấp nhận đi vào tương quan mật thiết với Chúa, Đấng là đường, là sự sống và là sự thật; chính là lúc chúng con vững tâm tin tưởng rằng mình không sai lạc, lầm đường. Một khi thấm nhuần Lời Chúa, chúng con sẽ được bồi dưỡng, tái sinh và biến đổi. Xin giúp chúng con mỗi ngày thi hành Lời Chúa, để cho Lời Chúa uốn nắn mình. Lời Chúa chính là nguồn sáng trong đời sống đức tin “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119, 105). Những Lời Kinh Thánh minh chứng đức tin, là động lực cho mọi hoạt động tông đồ của chúng con. Đức tin nảy sinh từ cuộc gặp gỡ với Lời Chúa.  Amen
  • HÁT:  Xin cho con biết lắng nghe
Maria Modesta Kim Hương biên soạn